Xe của cơ quan Hội
Văn nghệ Đắk Lắk vượt qua chặng đường gần 70 km mới tới được Ủy ban nhân dân xã
Buôn Triết, huyện Lăk; sau khi ký giấy đi đường cho Đoàn, vị cán bộ xã còn tận
tình hướng dẫn: “Các anh đến thăm Hợp hở, đi thẳng đường này khoảng hơn một km,
gặp kênh dẫn nước lát bê tông rẽ phải theo bờ kênh độ một km là đến. Đường khó
đi đấy, chắc để xe ngoài đường đi bộ vào thôi.” Quả thật đường quá xấu, xe máy
cày, công nông chạy nhiều nên toàn ổ voi, ổ trâu, ô tô không đi được, anh em
trong đoàn phải đi bộ vào.
Trời vừa mưa xong,
đất thịt bám vào giày dép tạo thành một cái đế nặng chịch rất khó đi. Trầy trật
mãi, khoảng cách một km cũng phải lùi lại phía sau, chúng tôi đặt chân tới nơi
cần phải đến. Ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói, thưng ván, quay hướng tây,
đúng kiểu nhà truyền thống của người dân đồng bằng Bắc bộ. Trước nhà, sân phơi
lát gạch rộng độ ba chục mét vuông. Ra sân đón chúng tôi, một bà lão đầu chít
khăn mỏ quạ có khuôn mặt khắc khổ nhưng phúc hậu cứ xúyt xoa mãi câu: “Các bác
vất vả quá”!
Gian giữa nhà kê
bàn thờ và bộ bàn ghế gỗ làm chỗ uống nước, hai gian hai bên để hai chiếc giường.
Nhà thơ Huệ Nguyên ngồi xếp bằng trên chiếc giường kê bên phải. Thấy chúng tôi
đến, Huệ Nguyên cất tiếng chào mà nước mắt rưng rưng. Tôi nắm chặt bàn tay gân
guốc, hay chính xác hơn: chỉ còn da bọc xương và bàn tay chỉ còn ba ngón cử động
được. Nắm tay nhà thơ, ký ức ùa về: Đầu năm 2007, khi Ban vận động sáng tác Văn
học Đắk Lắk năm 2006, do Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh – Truyền hình và Hội Văn
Nghệ Đắk Lắk tổ chức kết thúc, tôi may mắn là một trong số những người đạt giải.
Tại lễ trao giải, khi Ban tổ chức xướng tên: Nguyễn Văn Hợp - bút danh Huệ
Nguyên. Bỗng phía cuối hội trường một người đàn ông nhỏ con, tuổi chắc phải
ngoài sáu chục, cõng trên lưng người con trai gầy còm, nhưng khuôn mặt lộ vẻ thông
minh, đôi mắt sáng bước lên bục. Cả hội trường lặng ngắt, rồi bất chợt ai đó vỗ
tay làm tất cả mọi người đứng bật dậy vỗ tay theo bước chân hai người. Người
cõng con run run nói: “Tôi là cha của cháu, cháu bị bại liệt mấy năm nay rồi.
Hai cha con đi khắp từ Nam
ra Bắc mà không có bệnh viện nào chữa cho cháu được…” Ông nghẹn ngào không nói
tiếp. Hình ảnh người thanh niên, tay ôm cổ cha, tay cầm bó hoa Ban tổ chức trao
và cả hai khuôn mặt tràn đầy nước mắt ám ảnh tôi mãi.
Khi về nhận công
tác tại cơ quan Hội, tôi đã định thu xếp xuống thăm nhà thơ, nhưng công việc cứ
dồn dập thành ra mãi mà không đi được. Mới đây nhà thơ Phạm Doanh – Nguyên Phó
chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin, đã nghỉ hưu, lên cơ
quan bùi ngùi nói: “Huệ Nguyên thời gian này đang bị ốm, người gầy lắm”. Nghe
thấy thế, tôi quyết định gác mọi công việc lại, tổ chức anh em trong Văn phòng
Hội xuống thăm nhà thơ - người hội viên đặc biệt của Hội.
Qua phút xúc động,
nhà thơ Huệ Nguyên tâm sự cho chúng tôi biết: Sinh ra và lớn lên, em vẫn bình
thường như bao người cùng trang lứa cho tới năm học được nửa học kỳ đầu năm lớp
11, em bị sốt và căn bệnh quái ác dày vò, cơ thể teo tóp dần. Bố em nguyên là bộ
đội hoạt động trên chiến trường nước bạn Lào trong cuộc chiến tranh chống Mĩ
cho tận ngày thống nhất đất nước mới xuất ngũ về quê. Theo tiếng gọi của Đảng,
gia đình từ biệt quê Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình vào định cư tại đây, cuộc sống
bước đầu tạm ổn. Không may con ngã bệnh, người cha đã cõng con đi khắp các bệnh
viện từ Nam ra Bắc, ai chỉ đâu thì cõng con đến đấy; nhưng mọi thuốc thang vẫn
không thể ngăn bệnh phát triển; căn bệnh lạ này y học hiện nay bó tay. Thế là hàng
ngày Hợp quanh quẩn trên chiếc giường, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ cha mẹ
giúp đỡ, trừ việc đánh răng rửa mặt. Có lúc em cũng đã tuyệt vọng, nghĩ quẩn
khi thấy người em song sinh tốt nghiệp đại học đi dạy học, tự nuôi bản thân;
còn mình thì không những không tự kiếm sống lại làm khổ thêm gia đình. Bao nhiều
tiền gom góp của bố mẹ, anh chị em trong gia đình đều đội nón ra đi để đổi lấy
thuốc thanh mà vẫn không mang lại tí hy vọng gì. Sống thế này có nên sống
không? Trong tận cùng của nỗi đau vì sự hành hạ của bệnh tật còn có sự dằn vặt
bản thân của một người thanh niên vừa mới lớn đã tàn phế, thành gánh nặng cho
gia đình. Hiểu nỗi buồn và trăn trở của con, người cha bớt cả tiền ăn ít ỏi hàng
ngày của gia đình mua sách báo cho con đọc, động viên con cố vượt lên, hi vọng
vào ngày mai. Chính nhờ qua sách báo ấy mà nhà thơ tương lai tìm thấy “ánh sáng
cuối đường hầm” cho mình: Hợp đã tìm đường đi cho đời mình bằng các trang viết.
Thương con, cha tự tay đóng một chiếc bàn nho nhỏ để lúc con bớt đau có thể ngồi
dậy viết và từ chiếc bàn nhỏ kê trên giường bệnh, các bài thơ đã ra đời.
Bước ngoặt của cuộc
đời Hợp bất chợt đến khi đọc được trên báo Đắk Lắk biết tin có cuộc “Vận động sáng
tác Văn học năm 2006”. Hợp nhờ cha gửi đi một chùm ba bài và đạt giải ngay cuộc
thi lần ấy. Cuộc sống tưởng như vô vọng đã bật mở cánh cửa đón người thanh niên
bị bệnh nan y trở thành tật nguyền có thể sống có ích cho cuộc sống. Chiếc giường
bệnh và bốn bức vách không còn là nơi giam cầm, tù hãm; mà nó góp phần thi vị hóa,
có ý nghĩa hơn với cuộc đời của Hợp. Nhà thơ đã tự mình vượt qua bốn bức tường ấy
sống có ích cho xã hội và có ích cho mọi người. Từ những ý nghĩ tiêu cực về cuộc
sống, Nguyễn Văn Hợp đã vươn ra xa, đến với mọi người trên khắp cả nước qua cái
tên thân thương: nhà thơ HUỆ NGUYÊN.
Năm 2008, nhà văn –
nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm tặng Huệ Nguyên một dàn vi tính, nối mạng. Nhờ dàn
máy này, Huệ Nguyên liên lạc được với bạn bè trên khắp cả nước và tham gia cộng
tác với nhiều tờ báo, tạp chí Văn nghệ cả nước. Thơ Huệ Nguyên làm xúc động
lòng người, góp phần làm đẹp cho cuộc sống và được bạn bè cả nước đón nhận, đánh
giá cao. Năm 2010, Huệ Nguyên cho ra mắt bạn đọc tác phẩm đầu tay: “Thơ và tôi”
và đều đặn tiếp theo mỗi năm có thêm một tập thơ mới: “Ngày xa em” năm 2011,
“Mùa gọi” năm 2012; tính đến cuối năm 2012 Huệ Nguyên đã có thêm năm tập thơ in
chung.
Ngồi trên giường bệnh,
hai chân bị liệt, hai tay chỉ có thể gõ trên bàn phím máy vi tính, vậy mà hàng
tháng Huệ Nguyên vẫn đều đều gửi đến các tòa soạn thơ mới của mình. Điều gì giúp
người thanh niên tật nguyền 27 tuổi này có thể làm được điều kỳ diệu này? Tôi
mang điều trăn trở của mình hỏi nhà thơ. Nghe tôi hỏi, nhà thơ Huệ Nguyên tươi
cười nói:
Bác Hồ đã dạy:
“Không có việc gì
khó
Chỉ sợ lòng không bền”
Cháu nghĩ, mình
không thể “đào núi và lấp biển”, nhưng còn có thể sống có ích cho cuộc đời, miễn
là phải tìm ra cách thôi; và cháu đã tìm ra con đường cho riêng mình là đến với
Văn học Nghệ thuật.
Khi chia tay nhà thơ Huệ Nguyên ra về, tôi thật
sự khâm phục ý chí của nhà thơ, người đã vượt qua số phận khắc nghiệt, trụ lại
với đời. Không những thế mà còn sống có ích, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp
hơn lên bằng chính trang viết của mình. Phải chăng đó là bản lĩnh của con người
Việt Nam
chúng ta luôn biết vươn lên trên mọi hoàn cảnh khó khăn để tìm thấy ý nghĩa cuộc
sống và sống cho tốt hơn. Hình ảnh nhà thơ Huệ Nguyên bị trọng bệnh nhưng vẫn
vui vẻ sống và sống có ích cho xã hội, thực sự là tấm gương cho các bạn thanh thiếu
niên hôm nay học tập. Nhà thơ đã học và làm theo lời dạy của Bác: “Tàn mà không
phế!”
Ngắm hoàng hôn thả trên hồ
Trả lờiXóaNgất ngây...Ngựa cứ muốn vô một lần
Bão ngang qua...cũng bần thần...
Cảm ơn bạn NGỰA MỎI CHÂN RỒI đã ghé thăm và tặng thơ nhé!
XóaCảnh thật buồn!
Trả lờiXóaMênh mang mặt nước chiều tà
Thuyền con đơn chiếc biết là về đâu !
Cảm ơn bạn Hồng Nga đã ghé thăm và tặng thơ. Chúc bạn tối chủ nhật như ý!
XóaĐẹp quá Hồng Chiến à...Thế này về không nổi xứ Thanh là phải
Trả lờiXóaQuả là bác HẠT CÁT hiểu ý em. Chúc bác buổi tối như ý!
XóaNắng chiều dần tắc đàng xa
Trả lờiXóahỏi người lử khách biết là về đâu.
Sang thăm bạn chúc buổi chiều thật ấm áp nhé.
Cảm ơn bạn đã sang thăm và tặng thơ, Chúc bạn buổi tối bằng an!
XóaChú quên con Cua Nhỏ này roài. BUồn quá đi. hu hu
Trả lờiXóaOan chú quá CUA CON ơi, chú vừa đi công tác dài ngày đêm qua mới về Buôn Ma Thuột đấy!
Trả lờiXóa