Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

NHÌN LẠI 4 NĂM QUA CỦA VĂN HỌC TỈNH NHÀ tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 219 tháng 11 năm 2010





Kể từ sau Đại hội IV – tháng 11 năm 2006 đến nay, có thể nói lực lượng sáng tác Văn Học tỉnh nhà đã có những khởi sắc rất ấn tượng so với khóa trước cả về số lượng và chất lượng.
Đầu nhiệm kỳ, BCH Chi hội chia chi hội làm 4 tổ theo địa bàn nơi cư trú để thuận tiện sinh hoạt thường xuyên. Nhờ phân chia tổ mà các Hội viên sinh hoạt thường xuyên hơn, chất lượng sinh hoạt ngày một đi sâu vào việc nâng cao chất lượng sáng tác. Kết quả được thể hiện qua các báo, tạp chí Trung ương được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm như báo: Văn Nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ Công an, Nhân Dân (chuyên mục văn hóa văn nghệ thứ 7 hàng tuần); Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Diễn đàn văn nghệ… liên tục xuất hiện những sáng tác của các cây bút là hội viên Hội VHNT Dak Lak như: nhà thơ Văn Thảnh, nhà thơ Lê Vĩnh Tài, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, nhà văn Niê thanh Mai, nhà văn Khôi Nguyên, nhà văn Hồng Chiến, nhà văn Đàm Lan… Thật mừng, có những tác giả trong vài năm gần đây hầu như toàn bộ những tác phẩm được đăng tải trên tạp chí ChưYangSin sau đó đều được các báo Nhân Dân hoặc báo Văn nghệ Công An đăng lại một cách trang trọng ngay trên trang nhất, điều đó khẳng định Hội viên của Hội VHNT Dak Lak nói chung và Tạp chí Chư Yang Sin nói riêng đã đứng được trong lòng bạn đọc cả nước.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, một số tác giả của Dak Lak đã có những tác phẩm được xem là có bước đi đột phá, thể hiện sự tìm tòi, đổi mới cho thi ca, được dư luận cả nước đánh giá cao như: Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, nhà thơ Lê Vĩnh Tài… đã mang lại cho văn học Dak Lak một cách nhìn mới. Bên cạnh những thành công về nghệ thuật, các tác giả ở Dak Lak còn cho công bố một số lượng tác phẩm khá nhiều, điển hình như: “Nỗi buồn đi qua” – tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, “Luật của rừng” – tiểu thuyết của nhà văn Kim Nhất, “Bí mật rừng thiêng” - truyện dài của Hồng Chiến… tới những tập sách được đầu tư sáng tác công phu, in ấn đẹp về thơ có: “Đêm và những khúc rời của Vũ”, “Liên Tưởng” của Lê Vĩnh Tài; “Đi qua mùa hạ”, “Phía bên kia cây cầu”- của Đinh Thị Như Thúy; “Lời chân thành của cỏ” của Đặng Bá Tiến; “Cái lùng tung” của Trần Văn Hội; “Uống rượu bên nhà mồ” của Trần Chi; “Mùa lá chín” Lê Huy Thành; “Nghiệm” của Quách Thành; “Tặng người tôi yêu” của Hoàng Thiên Nga; “Dòng sông tiếng hát” của Nguyễn Trọng Đồng; “Vũ điệu lá” của Nguyễn Man Kim; “Nốt nhạc trầm” của Hoàng Chuyên; “Những điều trông thấy”, “Ước mơ nhà rông” của Đỗ Toàn Diện; “Người tình ngoài sổ sách” của Văn Thanh; “Tiếng hát từ trái tim” của Phan Quốc Sủng; “Ốc và ếch” của Lê Quý Phóng; Tiếng chiêng nhà dài của H’Trem Knul…
Về truyện ký có: “Hoa rù rì’ của nhà văn Nguyên Hương; “Sự nhầm lẫn”, “Trái tim đàn ông” của Đàm Lan; “Nhân danh ai” của H’Linh Niê; “Dã quỳ và tượng gỗ” của Khôi Nguyên; “Tiếng kêu chim én” của Hồng Chiến; “Hoa của Đại ngàn” của Bích Thiêm… Và còn nhiều nữa, nhưng vì thời gian không cho phép nên tôi chỉ điểm qua vài đầu sách được dư luận chú ý để Đại hội chúng ta cùng biết.
Có thể khẳng định: trong nhiệm kỳ vừa qua, chi hội hăn Học đã có những thành tích đặc biệt suất sắc trong hoạt động sáng tác. Đạt được kết quả đó ngoài sự nỗ lực vươn lên của anh chị em hội viên còn có sự quan tâm của lãnh đạo Hội VHNT tỉnh nhà tạo điều kiện cho anh chị em được đi thực tế sáng tác nhiều, đặc biệt trong hai năm 2007 – 2008 có nhiều lượt hội viên được đi thực tế. Chính những đợt đi thực tế ấy đã giúp các nhà văn, nhà thơ có thêm tư liệu cuộc sống, tận mắt chứng kiến những đổi thay của đất nước và đồng thời hiểu thêm những vấn đề chưa được, cần phải lên tiếng như một lời dự báo trước để lãnh đạo các cấp, các nghành biết và điều chỉnh cho phù hợp với lợi ích quốc gia và nguyện vọng của đa số nhân dân.
Bên cạnh công tác sáng tác, việc tổ chức các đêm thơ Nguyên Tiêu, hội thảo về tạp chí ChưYangSin, tọa đàm  - giao lưu  giới thiệu tác giả, tác phẩm với công chúng ở các huyện Ea Kar, thị xã Buôn Hồ, trường DTNT Nơ Trang Lơng… đã thực sự đi vào đời sống văn hóa cộng đồng có tính chất rất thuyết phục, lôi cuốn đông đảo bạn yêu thơ đến dự. Những thành quả đó là rất lớn, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của địa phưong nói riêng và văn học nước nhà nói chung.
Bên cạnh những mặt được cần phát huy, vẫn còn những tồn tại đang cần có hướng khắc phục trong thời gian tới như: đại đa số các anh chị em văn nghệ sĩ nói chung và anh chị em thuộc chuyên ngành Văn học nói riêng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước trong công cuộc đổi mới, nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vẫn còn một vài cá thể chưa chấp nhận với cơ chế hiện hành, có biểu hiện lệch lạc trong một vài chi tiết ở tác phẩm của mình.
Nghị quyết 23 về Xây dựng nền VHNT Việt Nam trong thời kỳ mới của Bộ Chính trị đã khẳng định thêm một lần nữa vai trò người văn nghệ sỹ với công cuộc xây dựng đất nước của Đảng ta trong tình hình mới. Lẽ ra khi có Nghị quyết này, lãng đạo Tỉnh ủy và Lãnh đạo Hội VHNT cần phối hợp biên soạn tài liệu phù hợp với từng chuyên ngành để anh em hội viên được nghiên cứu, góp ý với lãnh đạo địa phương – tìm ra cái gì được, cái gì chưa được để rút kinh nghiệm làm cho tốt hơn; tiếc rằng điều này ta chưa làm. Mặt khác hai năm gần đây, một số hoạt đông thường niên trước đây làm rất tốt như: Giới thiệu những tác phẩm mới xuất bản của anh chị em hội viên với công chúng, tổ chức hội thảo, tọa đàm… đã không làm được. Nhiều bài vở đã đặt đọc trong tọa đàm, hội thảo nhưng rồi phải bỏ… Hoạt động phong trào có phần bị trầm xuống, sinh hoạt của một số tổ không duy trì đều đặn, thông tin văn nghệ cũng không được cập nhật thường xuyên đến hội viên.
Tổ chức Đêm Thơ Nguyên Tiêu của năm gần đây không còn hấp dẫn khán giả và đặc biệt năm 2010 ngoài đêm 14 tháng Giêng tổ chức ở trường Nội trú Nơ trang Lơng được đánh giá là thành công, lôi cuốn nhiều người đến dự, còn tại đình Lạc Giao – nơi được xem là đất Linh của Dak Lak, mọi năm vẫn có ngày thơ tổ chức rất hoành tráng, nay bỏ không tổ chức, chỉ tổ chức đêm Nguyên tiêu tại Nhà Văn hoá Trung tâm tỉnh; tiếc rằng đêm đó là đêm biểu diễn ca nhạc phổ thơ, nhiều hội viên đến dự giữa chừng bỏ về vì thất vọng, còn một số người cố ngồi lại tưởng được nghe đọc thơ thì… càng buồn hơn.
Công tác xét tài trợ, đầu tư cho sáng tác và công bố tác phẩm cần được chặt chẽ hơn nữa, đầu tư có trọng điểm. Những người có đề cương viết tiểu thuyết, cần được hỗ trợ ở những mức đặc biệt, với thời gian hoàn thành từ 1 đến 4 năm có như thế người viết mới có đủ điều kiện sáng tác. Hội cũng cần ưu tiên cho những cây bút là người dân tộc thiểu số để họ có tạm đủ điều kiện vật chất tối thiểu, hoàn thành các tác phẩm lớn viết trong nhiều năm, nếu chúng ta không làm được như vậy là có lỗi với thế hệ mai sau.
Hiện nay các chi hội trực thuộc Hội VHNT Dak Lak, không có kinh phí hoạt động (ngoài 50% Hội phí thu hằng năm); để duy trì hoạt động thường niên của các Chi hội, xin đề xuất Ban chấp hành khóa mới trích một phần tiền trong quỹ hỗ trợ của UBLH hàng năm cấp thêm cho các chi hội có kinh phí hoạt động và phân bổ định mức tài trợ cho các chi hội nắm được để đề xuất với hội đồng quỹ tài trợ cho hội viên cũng như lên kế hoạch đi thực tế sáng tác cho chi hội mình.
Vấn đề cuối cùng tôi xin đề xuất với Đại hội là vấn đề hội viên. Hiện nay ở một số chi hội có hội viên bỏ sinh hoạt trên 5 năm, không đóng Hội phí. Nay đề nghị Ban chấp hành khoá tới, với trường hợp hội viên Hội VHNT Dak Lak vì công công tác hay hoàn cảnh gia đình chuyển công tác về địa phương khác nhưng vẫn có nguyện vọng được lưu tên ở Hội, thì những hội viên này phải được xem như hội viên danh dự do Văn phòng Hội trực tiếp quản lý, không phải đóng hội phí, không phải tham gia sinh hoạt định kỳ, nhưng được tham gia những hoạt động lớn của Hội như: Đại hội toàn thể, hay Hội nghị giữa nhiệm kỳ.

2 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI