Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

BÊN DÒNG SÔNG MẸ bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 244 THÁNG 12 NĂM 2012








Cuối bữa cơm trưa do Ủy ban nhân dân huyện mời, ông Lê Văn Ánh – Chủ tịch huyện hỏi tôi:
-          Anh có biết cơm hôm nay nấu loại gạo gì không?
-          Đây là gạo Nàng Hương, trên phố mấy đứa nhỏ nhà tôi vẫn thường mua loại này về nấu ăn đấy.
Tôi trả lời và thoáng chút ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ này. Loại gạo ăn như bữa nay cơm không những dẻo mà còn có vị ngọt, thơm; nghe đâu được chở từ đồng bằng sông Cửu Long lên, hiện nay bán tràn ngập trên thành phố; thời buổi kinh tế thị trường, có cầu ắt có cung. Hay câu hỏi còn có ẩn ý gì chăng? Hình như đoán được suy nghĩ của tôi, ông Chủ tịch huyện cười buồn nói thêm:
-          Gạo của huyện Krông Ana đấy anh ạ, nhưng mang ra khỏi vùng này người ta thay tên mới để đẩy giá tăng gần gấp đôi. Anh tính từ thành phố xuống đến đây chỉ cách nhau gần 40 km thôi mà giá đã chênh lệch như vậy có thiệt cho người sản xuất không?
-          Chung quy lại, tất cả do cái tên mà ra cả; chúng tôi chưa đăng ký được tên cho sản phẩm của mình, chưa tạo được thương hiệu riêng cho một vùng nên đành tạm thời phải chấp nhận vậy đấy!
Ông Trần Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện ngồi cạnh tôi nói thêm. Thấy hai vị lãnh đạo chủ chốt của huyện ngồi tiếp đoàn văn nghệ sĩ về thăm huyện khi đề cập đến hạt gạo – sản phẩm chủ yếu của cả huyện lại tỏ ra băn khoăn, trăn trở về một cái tên, làm tôi cũng tăng thêm tò mò muốn đi tìm hiểu xem cây lúa hạt gạo ở cái huyện được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Đăk Lăk nó như thế nào. Tại sao chỉ thiếu một cái tên mà người sản xuất lại phải cam chịu thiệt thòi đến vậy?
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Ana: vụ Đông Xuân năm 2011 – 2012, toàn huyện gieo trồng được 5.940,5 ha; trong đó diện tích lúa nước 5.070 ha. Sản lượng lương thực cây có hạt là 38.044 tấn. Vụ Hè Thu, toàn huyện gieo trồng được 8.781 ha. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 44.748 tấn; riêng lúa nước tổng thu 29.840 tấn, đạt bình quân 58,44 tạ trên một ha. Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2011 đạt 28,9 triệu đồng; năm 2012 dự tính tăng hơn 11% so với năm trước – con số ấn tượng. Một huyện trên Cao nguyên Tây Nguyên nằm bên bờ sông Krông Ana, theo tiếng của người dân Êđê: Krông Ana có nghĩa là sông mẹ. Sông Mẹ bắt nguồn từ trên dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ, có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn đưa dòng nước mát hiền hòa của mùa khô chảy ngược về hướng tây, đi qua địa phận huyện cung cấp cho nhân dân lượng nước ngọt khổng lồ, giúp người dân nơi đây phát triển nông nghiệp thuận lợi. Mùa mưa, dòng sông Mẹ gầm lên giận dữ trước những cơn mưa triền miên không dứt làm đỉnh Chư Yang Sin cao nhất tỉnh Đăk Lăk chìm trong mây mù cả mấy tháng trời không được đón ánh mặt trời. Có lẽ sự giận dữ của dòng sông Mẹ làm nước đục ngầu, ào ào đổ về nhấn chìm cả một vùng rộng lớn ven sông; vì thế, hàng năm một lượng lớn phù sa được bồi đắp tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn của huyện như cánh đồng: Buôn Trấp, Buôn Triết, Quảng Điền… hình thành một vựa lúa lớn của không chỉ Đăk Lăk mà cả vùng Tây Nguyên.
Theo chân anh Đỗ Như Bình, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện ra thăm cánh đồng lúa nước xã Quảng Điền. Xe dừng trên đường đê quai, trước mắt tôi hiện ra một biển nước mênh mông, xa xa thỉnh thoảng nổi lên một đoạn bờ ruộng hay một đống đất nhô lên khỏi mặt nước làm chỗ đậu cho đàn cò trắng chen chân nhau đứng rình mồi. Anh Đỗ Như Bình chỉ dãy núi mờ mờ phía đông nam cánh đồng nói với tôi: “Phía ấy là dãy Chư Yang Sin, nơi trữ nước và cũng là nơi cung cấp phù sa cho các cánh đồng của huyện nhà đấy!” Theo hướng chỉ, tôi chỉ thấy những dãy núi xanh sẫm không có ngọn vì mây mù bao phủ, tạo nên một bức tranh thủy mặc khá đẹp mắt. Trên đầu tôi từng bầy cò trắng vẫn chao nghiêng đôi cánh, hình như chúng chưa tìm ra chỗ để dừng chân.
  Ông Nguyễn Văn Sơn, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nguyên là cán bộ chủ chốt của huyện từ khi mới thành lập, tuổi đã gần 70 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, vỗ vai tôi nói: “Trước đây, khi nước nhà mới giải phóng, vùng này là rừng lau sậy mọc um tùm cao lút đầu người; đỉa, rắn rết nhiều phát khiếp đi được…” Và rồi dòng ký ức ùa về, trước mắt tôi hiện lên cảnh những năm đầu của thập kỷ 80 về trước…. Trung tướng Trần Kiên, một vị tướng lừng danh trong quân đội được điều về làm Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk. Thời ấy, nước nhà vừa trải qua ba cuộc chiến tranh tàn khốc, kinh tế khó ăn, được bữa cơm no có thể nói là ước mơ của rất nhiều cán bộ cũng như nhân dân tỉnh nhà. Không chấp nhận cảnh đó, ông Tướng – Bí thư cùng với lãnh đạo của tỉnh quyết định mở Đại công trường khai hoang Buôn Trấp, Buôn Triết… các ban ngành của tỉnh cũng được dời cơ sở làm việc xuống đây để cùng dân vừa công tác, vừa tham gia khai hoang trồng lúa nước. Lúc ấy cũng có cán bộ không tin lắm vào chính sách phá rừng lấy đất trồng hoa màu chống đói, nhiều người chịu cực không nỗi cũng ngấm ngầm ca thán. Nhưng thời gian đã chứng minh, quyết sách ngày đó của Thường vụ Tỉnh ủy do ông tướng quân đội đứng đầu qủa là sáng suốt, để lại cho các thế hệ hôm nay những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, có năng suất lúa cao đến không ngờ. Thời gian qua đi, nhân dân các tỉnh khắp trong cả nước kéo đến đây lập nghiệp, tạo nên một diện mạo mới của một vùng đất đầy tiềm năng, và giờ đây trở thành trù phú. Trước đây, người dân vùng này chỉ làm lúa một vụ, nhưng năng suất cao như trong mơ lại ít phải chăm sóc nên cuộc sống ngày một khá giả hơn lên. Mùa nước lũ, cánh đồng chìm dưới dòng nước cả mấy tháng trời; nước vừa rửa phèn, vừa bồi đắp phù sa cho cánh đồng và theo dòng nước cá cũng theo về. Người dân trong vùng rủ nhau ra đồng bắt cá trong suốt cả mùa lũ, xem đó như một nghề phụ tăng thêm thu nhập. Cá của dòng sông Mẹ theo con nước tràn lên đồng không lớn lắm, nhưng thịt thơm ngon, rất được ưa chuộng trên thị trường, bắt được bao nhiêu, thương lái đều gom mua hết chuyển lên thành phố. 
Đất tốt, sao chỉ có thể trồng một vụ? Từ suy nghĩ, băn khoăn đến vận dụng vào thực tiễn, Đảng và chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực đắp gần 50 km đê quai biến các cánh đồng một vụ có thể trồng lúa hai vụ, có nơi làm tới ba vụ mà năng suất đều cao. Những năm gần đây, năng suất lúa năm sau liên tục cao hơn năm trước do biết áp dụng kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất, giảm sức người, tăng năng suất lao động; bên cạnh đó một loạt các giống lúa mới chất lượng cao được gieo trồng thay giống cũ, đáp ứng đòi hỏi của thị trường khó tính thời hội nhập. Nhưng rồi người dân lại có nỗi buồn khác, lúa làm ra nhiều mà giá lại quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Nguyên nhân thì ai cũng biết, thời kinh tế thị trường “thuận mua vừa bán” và thương lái đến tận từng nhà, từng thôn buôn để mua lúa, tổ chức xay xát tại chỗ rồi chuyển đi. So với chi phí sản xuất người dân đã có lãi, nhưng so với thương lái thì… có một khoảng lợi nhuận cách quá xa. Theo hướng dẫn của lãnh đạo địa phương, tôi cũng đã đến một số cơ sở xay xát lúa gạo đóng trên địa bàn xã Quảng Điền có công suất lớn thì thấy hầu như các nhà máy này đều đóng bao ghi rõ: “Gạo dẻo, chất lượng đặc biệt – Quảng Điền, Krông Ana”, nhưng nào ai biết khi nhập về đại lý qua địa phương khác, tên trên bao bì được chuyển đổi như thế nào! Ông Nguyễn Đức Thành, Huyện ủy viên, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Quảng Điền cho biết: “Cái đau của người sản xuất nông nghiệp vùng này là sản phẩm làm ra bị bắt chẹt, chỉ bán cho thương lái với giá thấp. Nhưng cũng chính hạt lúa ấy chở ra khỏi địa bàn huyện được khoác cái tên mới lạ lẫm giá đã tăng gấp đôi. Hiện nay một ký gạo ngon nhất tại đây thương lái mua của dân tính ra chưa đến 8 ngàn đồng một ký; qua sơ chế, bán lại tại chỗ giá mười ngàn đồng, còn chở khỏi huyện thì giá lên tới mười tám, mười chín ngàn. Nhưng buồn nhất của chúng tôi là chưa biết làm thế nào để người tiêu dùng biết đấy là hạt gạo của vùng đất Krông Ana, không phải gạo ngoại nhập”.
Rời xã Quảng Điền – xã Anh hùng, nơi có cánh đồng trồng lúa đang nằm sâu dưới mặt nước nhận thêm phù sa để mùa sau cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng giúp cây lúa cho năng suất cao hơn, chúng tôi đến xã Dur Kmăn, một vựa lúa khác của huyện. Đường từ thị trấn huyện phải chạy qua một đoạn đèo dài mới tới cánh đồng Buôn Triết; đường rất khó đi, có chỗ mặt đường bị cày xới như ao. Vượt qua đèo, xe đưa chúng tôi đến cánh đồng lúa uốn lượn ven sông. Đứng nơi chân đèo nhìn xuống cánh đồng, thấy con đê quai như một nét vẽ đậm ôm trọn cánh đồng lúa đã thu hoạch, nhũng cây lúa chét vươn lên khỏi mặt nước và thân rạ ngã màu, giương những chiếc lá xanh mơn mởn, tràn trề sức sống nô đùa với gió. Tuy chỉ là cây lúa mọc lại từ gốc những cây rạ sau thu hoạch, nhưng chúng cũng lên khỏe lắm; nhìn qua ta có thể nhầm với ruộng lúa được gieo. Cánh đồng rộng mênh mông bát ngát trải dài xa tít tắp đến tận bờ sông không một bóng người. Vượt qua cánh đồng, chúng tôi đến bờ sông. Đang mùa nước lũ, dòng sông đỏ đậm phù sa, nước cuồn cuộn chảy về tây. Ngay cạnh bờ sông có quán nước nhỏ, trước cửa quán neo ba chiếc thuyền gỗ, mỗi chiếc có thể chở khoảng chục người; đây là phương tiện duy nhất phục vụ nhân dân đi lại giữa hai bờ. Trong quán kê ba bộ bàn ghế gỗ, chiếc ti vi màu 21in để sát vách. Bà chủ quán tuổi trên bốn chục vui vẻ mời anh em trong đoàn uống trà và hút thuốc lào. Tôi hỏi bà chủ quán: “Ở đây cũng có điện lưới quốc gia à chị?” Bà cho biết: “Có lâu rồi bác ạ. Cả huyện này nơi nào cũng có điện rồi, dân đỡ khổ nhiều lắm”. Khi nghe tôi đề cập đến cuộc sống người dân trồng lúa, bà tự hào khoe: “Người trồng lúa nơi đây sống được và sống khá giả là khác vì đất tốt, năng suất cao; nhà nào còn nghèo là do không có đất chỉ đi làm thuê cho người ta hoặc không còn sức lao động thôi.” Tôi hỏi thêm: “Một số nơi tôi đi qua, dân phản ánh giá lúa thương lái mua vào và bán ra thị trường chênh lệch nhau nhiều lắm, vùng ta có vậy không?” “Chuyện ấy là đương nhiên rồi, ở đâu chẳng vậy nhất là ở đây đường đất đi lại khó khăn, mưa lớn xe không vào được, bán rẻ cũng khó chứ nói gì được giá. Giá như thuận tiện giao thông thì dân cũng đỡ vất vã mà thu nhập cũng tăng. Tôi cũng có nghe nói người ta mua gạo ở đây chở đi nơi khác đóng tên mới vào để bán giá cao. Sao họ không đề hẳn cái tên: “Gạo Krông Ana” rõ to vào cho mọi người dùng mà phải thay tên như thế chứ?” Nghe bà hàng nước nói tôi thấy cái tên ấy cũng hay, mà ý tưởng như thế cũng tốt. Cái quan trọng là cách thức thực hiện như thế nào, để người tiêu dùng biết đấy là “Gạo Krông Ana”. Khi chia tay đoàn, bà cương quyết không nhận tiền nước: “Các bác nhà văn nhà thơ mấy khi đến đây, ghé quán để nhà em được phục vụ là may mắn rồi, tiền bạc tính chi!”.
Rời quán nước và dòng sông Mẹ đang hối hả ngược về phía tây, hình như ai cũng thấy ấm áp như vừa trở lại quê nhà. Họa sĩ An Quốc Bình chép miệng nói: “Người ở đây chất phác, đôn hậu thật”.  Ông Lê Xuân Lưu, Phó chủ tịch xã Dur Kmăn cho biết thêm: “Dân ở xã ngoài người dân tộc bản địa còn có dân của các tỉnh: Thái Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa… vào làm ăn sinh sống. Nhìn chung nhà nào có ruộng rẫy đều khá cả, có gia đình thu nhập hàng năm trên 500 triệu chỉ nhờ vào trồng lúa mà nên. Cái chúng tôi băn khoăn là mỗi năm huyện sản xuất ra một số lượng gạo lớn đến vậy mà qua các huyện bện cạnh hay thành phố Buôn Ma Thuột lại không thể mua được gạo sản xuất từ huyện Krông Ana. Điều này chắc phải nhờ đến các anh nhà văn, nhà báo thôi”.
Trở về thị trấn Buôn Trấp, trao đổi với ông Trần Hữu Thọ - Phó chủ tịch UBND huyện, tôi được biết lãnh đạo huyện đã làm hồ sơ gửi lên cấp trên rồi, nhưng vẫn phải… đợi! Như vậy, lãnh đạo xã rồi huyện Krông Ana đã cố gắng hết sức trong phạm vi có thể để mong khẳng định một cái tên cho hạt gạo, để từ đó góp phần nâng cao hơn nữa mức sống cho người dân trên địa bàn; nhưng “lực bất tòng tâm”, nhiệt tình và quyết tâm như thế vẫn chửa đủ mà phải cần có sự giúp sức của cấp cao hơn một cách quyết liệt hơn mới mong có một cái tên cho… hạt gạo. Thời gian cứ trôi đi và hạt gạo một nắng hai sương của người dân nơi đây vất vả làm ra cũng cứ lặng lẽ theo những chiếc ô tô ra đi để rồi được thay một tên khác, trở thành thương hiệu của một vùng xa lạ… mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người kinh doanh. Phải chăng đã đến lúc lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk cần có chính sách ưu tiên đặc biệt, khuyến khích cho những mặt hàng sản xuất tại địa phương, mang thương hiệu địa phương, để động viên người tiêu dùng sử dụng sản phẩm địa phương. Hạt gạo huyện Krông Ana tuy chỉ là chuyện nhỏ về cái tên của một hạt gạo tại một vùng, nhưng nó không nhỏ và thậm chí là lớn khi ta nhìn nhận đánh giá đúng mức hướng phát triển, giá trị của một thương hiệu sẽ ảnh hưởng không chỉ một huyện mà cả tỉnh. Câu chuyện cái tên cho hạt gạo Krông Ana nói riêng và cái tên cho các đặc sản khác trên địa phương tỉnh Đăk Lăk nói chung đang cần các cấp có thẩm quyền cùng chung tay làm ngay để khẳng định thành quả kinh tế địa phương; nếu không trong một ngày không xa với cơ chế thị trường như hiện nay, ta lại phải bỏ tiền đi chuộc lại chính cái tên của ta để khẳng định mình thì đau lòng lắm.
Một mùa xuân nữa lại sắp về, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chính quyền địa phương huyện Krông Ana, cuộc sống đa số người dân nơi đây đang ngày một nâng cao, họ không những thoát nghèo mà còn có nhiều hộ đã giàu lên từ cây lúa nước… trên Cao nguyên; điều lạ mà có thực nơi đây. Nhưng để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa cho vùng đất xinh đẹp này, mong rằng các cấp có thẩm quyền sớm giúp nhân dân trong vùng có một cái tên, khẳng định một thương hiệu để sánh vai với bạn bè cả nước và hướng tới vươn ra thế giới.



16 nhận xét:

  1. Thất học là vậy anh ạ
    pháp luật phải trừng trị thích đáng những ai làm ngơ với pháp luật .
    chúc anh đêm vui ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào NIỀM TIN!
      Lâu lắm mới thấy bạn ghé thăm. Cảm ơn bạn đã có chung suy nghĩ với chủ nhà, chúc bạn ngày mới như ý nhé!

      Xóa
  2. Chiều con, bênh con nhà mình là bản tính của không ít người mẹ mà!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến con cái bị hư hỏng đấy bạn ạ!

      Xóa
  3. Sự thiểu hiểu biết của cha mẹ, thương con, chiều con vô lối đã dẫn đến việc giáo dục con không đến nơi đến chốn. Buồn anh ạ, vì trong XH còn khá nhiều điều tương tự như câu chuyện của anh.

    Trả lờiXóa
  4. Sợ quá, đi trên vỉa hè cũng không thoát khỏi tai nạn ! Mong bà qua khỏi và bình phuc !

    Trả lờiXóa
  5. Thật buồn cho những bà mẹ thiếu hiểu biết lại nuông chiều con thái quá, hỏi sao con cái không hư
    Chúc bạn an vui và hạnh phúc nhé.

    Trả lờiXóa
  6. Nói chung nên tôn trọng pháp luật-kể cả luật giao thông.

    Từ lâu HN đã có cái bình bịch,thằng em ở nước ngoài về cho cái mão bảo hiểm,đi đường xa HN toàn đội thôi,trông xấu gái một tẹo nhưng để bảo vệ cái thủ của mình (hồi đó ta không ai dùng mão bảo hiểm cả).

    Bàn chuyện này hơi dài.Mọi người nên tự thấy cái sọ mình là quý,hãy đội.Thực ra mỗi công dân có vỡ đầu hoặc về chầu diêm chúa thì nhà nước cũng chả mất gì.Đưa vào thành luật mới xảy ra nhiều chuyện:

    http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/follow-up-the-bac-giang-protest-07262010095746.html

    http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Another-case-of-traffic-police-to-beat-the-infringer-mlam-10032010102134.html

    GIÁ NHƯ TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC CHO NGƯỜI THAM GIA GIAO THÔNG BIẾT QUÝ CÁI MẠNG MÌNH VÀ MẠNG NGƯỜI KHÁC.

    Trả lờiXóa
  7. Thật buồn cho những người bố người mẹ thương con, chiều con nên dẩn đến làm hư hỏng con luôn. ghé sang thăm anh chia sẻ nổi buồn cùng với gia đình bạn anh, chúc anh ngày mới thật vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã ghé thăm và có sự chia sẻ cùng chủ nhà. Chúc bạn ngày mới có nhiều niềm vui!

      Xóa
  8. người nói sau đúng nhưng sự phân bua của người mẹ nghe vui...

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI