Tản văn
Những ngày cuối
cùng của năm Quý Tỵ đang đần trôi về cuối. Trời Buôn Ma Thuột trong xanh, gió từng
cơn lồng lộn tràn về vặn vẹo, uốn cong các ngọn cây cổ thụ, tuốt cả những chiếc
lá còn xanh biếc ném xuống mặt đường. Những cơn gió dữ dằn từ biển đông tràn
vào, gửi lại phía sau những hạt nước của biển Đông trước khi vượt qua dãy Trường
Sơn, mang theo sự hanh khô, luồn qua khắp các ngõ ngách của thành phố, ùa vào từng
căn phòng. Lạnh. Cái lạnh giá như tiết trời xứ Thanh quê tôi ngày giáp tết.
Cháu gái ngoài quê
vừa gọi điện vào thông báo: nhà đã tát ao, cá năm nay nhiều lắm, mời chú về ăn
tết. Tôi chạnh lòng nhớ quê. Thế là thấm thoắt 37 năm xa quê vào Tây Nguyên
công tác mà chưa một lần được trở về cố hương về ăn tết. Ngày đi cha mẹ đầu còn
chưa bạc, đến nay các cụ đã rủ nhau về với tổ tiên. Công việc cứ ồn ã cuốn đi
theo guồng quay của thời gian, ngoái đầu nhìn lại đã sắp đến lúc phải nghỉ, nhường
công việc cho thế hệ kế tiếp. Nhưng ngày tết đến, xuân về lòng không khỏi nôn nao
nhớ quê, nhớ một thời trai trẻ cùng cha mẹ và em gái chuẩn bị tết. Nhà sáu anh
chị em, nhưng bao năm rồi chỉ có hai anh em tôi ăn tết cùng bố mẹ vì các anh chị
lớn, người vào Nam đánh giặc, người lên Hà Giang mang cái chữ cho học sinh vùng
cao. Năm nào rét đậm, trên miền núi phía bắc của tổ quốc học sinh được nghỉ
đông, anh mới về. Đất nước trong thời chiến, nhà tôi lại gần ga Thị Long, nơi bị
bom đạn Mĩ tập trung đánh phá, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc;
nhưng mấy ngày tết cánh trẻ chúng tôi vẫn vui lắm. Gần tết, các gia đình tranh
thủ tát ao, tát cả hố bom bắt cá ăn tết và trử làm thực phẩm phòng giặc Mĩ ném
bom trở lại.
Tôi vẫn còn nhớ những
ngày ấy, anh em tôi ngồi xem mẹ làm thịt cá, rửa sạch rồi đem lên nướng. Những
con cá lóc to bằng cổ tay tôi được mẹ khứa nhẹ ngang thân ba đường, lấy lạt buộc
cong lại như chữ U, xếp lên vỉ nướng làm bằng mấy que sắt nhỏ đan hình mắt lưới.
Trên bếp than hồng, từng con cá được xếp sát vào nhau. Khi ấy tôi cũng chỉ tò
mò nhưng không dám hỏi vì sao cá lóc (loại to bằng cán dao trở xuống được gọi
như thế, còn loại to hơn một chút người quê tôi gọi cá chuối), lại phải buộc
cho cong thân lại, còn cá rô đồng để nguyên con xếp lên dàn nướng; riêng cá diếc,
mẹ lấy cây trúc chẻ đôi, kẹp cá vào giữa dựng bên cạnh bếp. Những con cá trên vỉ
nướng, thỉnh thoảng nhỏ xuống than hồng một giọt nước vang lên tiếng “xèo” làm
hương thơm ngào ngạt bay lên, anh em tôi hít hà… thoải mái, mẹ không cấm! Cá nướng
vừa chín, da cá chỉ hơi vàng một chút là mang ra xếp vào nồi đất, rắc thêm một
ít lát gừng, đổ nước mắm cáy vào, đem đun nhỏ lửa, khoảng ba mươi phút là được.
Nồi cá đun chín được mẹ đặt vào một chiếc quang làm bằng tre, treo lên gác bếp
để ăn trong ba bữa ngày tết và có khi ăn cả qua tháng giêng. Cái lạ là tuy cá để
lâu như vậy mà không bị hư hỏng gì; cho đến tận bây giờ tôi vẫn không lý giải nổi
vì sao. Có người bảo chắc tại kho bằng nước mắm cáy!
Nhắc đến nước mắm
cáy, một đặc sản của vùng dân quê sống cạnh sông Thị Long, con sông có nước
không mặn nhưng cũng không ngọt nên được gọi là nước lợ. Có lẽ vì nước như thế
nên sinh ra con cáy cùng họ với cua đồng, nhưng nhỏ hơn, thân chỉ to bằng ngón
chân cái là cùng, mai gần như hình vuông, có viền màu đỏ, còn 8 cái chân của nó
màu hồng hoặc nâu vàng, nhiều lông trông rất đáng sợ. Mùa nước lên người ta
mang dặm đi bắt, thường mỗi buổi đi như vậy bắt được chừng hai hoặc ba giỏ, mỗi
giỏ nặng khoảng 5 hoặc 6kg. Cáy mang về đổ ra rổ rửa sạch, bỏ vào cối giã nhỏ,
trộn thêm ít muối hạt rồi đổ vào vại lấy vải màn che miệng, buộc kín để ruồi nhặng
không vào rồi đem phơi nắng, khoảng một tháng là chín. Khi mắm chín, người ta đổ
thêm nước muối đun sôi để nguội vào, vắt bỏ bả còn lại nước. Nước lắng ra khoảng
một tiếng phần nước trong nổi lên, chắt ra làm nước mắm; còn phần đặc hơn lắng
xuống phía dưới được gọi mắm cáy, dùng chấm cà muối hoặc rau quả luộc thì ngon
tuyệt. Ba bữa ngày tết có thịt lợn luộc chấm mắm cáy thì không gì ngon bằng.
Cây cải mào gà quê
tôi, lá có đường viền xoăn như mào gà, phía gân gần cuối tàu lá màu tím; nếu
chăm sóc tốt, cây cao tới nửa mét, lá to hơn hai bàn tay người lớn xòe ra; khi
nấu canh phải chọn lá bánh tẻ, dùng dao nhọn cắt từng lá một ra khỏi thân cây,
rửa sạch, rọc bỏ cuống lá, thải mỏng vừa phải, chờ nước sôi đều mới thả rau
vào. Chiều ba mươi tết, bao giờ nhà tôi cũng làm món canh rau cải đặc biệt: mẹ
bắt một con cá chuối nhốt sẵn trong vại từ mấy hôm trước, dùng cành tre xuyên từ
miệng vào bụng rồi đưa vào bếp, dùng rơm đốt cho cháy lớp vảy bên ngoài. Khi
con cá cháy đen mới mang ra vừa thổi, vừa bóc lớp da cháy bỏ đi để lộ thớ thịt
trắng ngần; gỡ thịt cho vào nồi canh rau cải mào gà đang sôi, trộn đều, bắc xuống
bỏ thêm ít gừng giã nát, thế là có nồi canh rất tuyệt, vị đậm đà.
Một cơn gió lạnh lại ào đến, tôi bước ra cửa sổ
ngắm thành phố đã lên đèn. Buôn Ma Thuột vẫn vậy, dòng người tấp nập ngược xuôi
dù năm nay rét hơn mọi năm. Bên các quán cà phê với những bóng đèn xanh đỏ nhấp
nháy, vẫn đông người ngồi nhâm nhi đếm ngược thời gian. Tết đến vẫn có người bận
bịu với công việc thường nhật, nhưng vẫn có người thanh thản đợi chờ… Nhưng chắc
chắn trong lòng của ai đó cũng đang thấp thỏm nỗi nhớ quê như tôi, vì một lẽ đã
lâu chưa về.
Chú thích ảnh: Con gái, con rể và cháu ngoại mừng ông.
Chú thích ảnh: Con gái, con rể và cháu ngoại mừng ông.
Quê vẫn không thể nào xóa nhòa trong ký ức của mỗi người. Mình cũng đã xa quê từ ngày đi bộ đội nhưng mình năm nào cũng về quê, không dưới 5 lần. Đương nhiên mình thuận lợi hơn về giao thông nhưng bạn cũng nên bố trí một dịp về quê ( ăn tết hoặc nghỉ hè...) Nhớ quê lắm!
Trả lờiXóaCảm ơn bác đã khuyên, chắc em cũng sẽ cố một lần về quê bác ạ. Nhớ quê lắm! Chúc bác buổi tối ấm áp!
XóaÔi,bác HC xa quê 37 năm rồi cơ à ? 1 quãng thời gian khá dài so với cuộc đời 1 con người. Bác nên thu xếp về thăm quê/ ăn Tết ở quê ít nhất 1 lần đi, sẽ thấy ý nghĩa lắm đấy bác ạ ! :)
Trả lờiXóaCảm ơn Soc Nau đã góp ý, nhưng công việc cứ cuốn theo guồng quay của nó. Nói Cô đừng cưới: ngày mai mùng một Tết Dương lịch tạp chí vẫn phải làm cho kịp ra báo Xuân, mùng 2, mùng 3 họp với Tỉnh, mùng 4 đi biên giới chắc phải hai ba giờ sáng mùng 5 mới về Buôn Ma Thuột, rồi ra sân bay bay chuyến 10 giờ về Hà Nội, mùng 6 họp, 7 giờ mùng 7 phải có mặt ở Nội Bài kịp về lại Buôn Ma Thuột... Thế là không kịp thăm cô và các cháu rồi. Buồn vậy đấy.
XóaBạn có kỷ niệm tết ở quê thật thú vị , mình sinh trưởng ở thành phố nên chỉ có ký ức tuổi thơ đón tết với gia đình thôi .
Trả lờiXóaCHÚC BẠN NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG- VẠN SỰ NHƯ Ý
.
Cảm ơn bạn Thu Yên Vũ đã thăm và có lời chúc mừng nhé!
XóaThật hạnh phúc!
Trả lờiXóaHồng Nga kính chúc anh cùng toàn gia sang năm mới LUÔN KHỎE và gặp nhiều may mắn!
-------
Anh nên thành lập xưởng mắm cáy (nghề tay trái) nhé! MẮM CÁY HỒNG CHIẾN-cũng hay anh à.
Cảm ơn Hồng Nga đã sang thăm và chúc tết năm mới. Sáng kiến của bạn hay lắm, nhưng tên đặt chưa chuẩn lắm , theo H.C nên đặt tên doanh nghiệp là: MẮM CÁY HỒNG CHIẾN - HỒNG NGA!
XóaChúc mừng năm mới ! Đầu năm gặp nhau bằng những lời chào tốt đẹp nhất !
Trả lờiXóaCảm ơn bác Nam Chung Nguyễn ạ!
XóaChúc mừng năm mới: an khanh thịnh vượng bạn nhé.
Trả lờiXóaCảm ơn lời chúc mừng tốt đẹp của bạn!
Xóa"Chạnh lòng" lại nhớ ngày xưa vào cái thời khắc chuyển giao giữa năm mới & năm cũ...nhìn con cháu quây quần lại nhớ về quê hương,cội nguồn...mà ngày ngày ta chẳng có thời gian để ngẫm &nghĩ ,để nhớ & thương...bởi còn phải bươn chải trong cuộc sống ..như guồng máy thời gian,như tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ ...lúc chạy xuôi/ với tuổi trẻ đầy hoài bão;là đồng hồ đếm ngược với những con người mà đã quá nửa đời người dãi nắng dầm sương...NĂM MỚI LÀ NHƯ THẾ ĐẤY
Trả lờiXóaCảm ơn bạn QUYNH TRANG đã chia sẻ cùng chủ nhà nhé!
Xóađầu năm sang thăm và chúc anh cùng gia đình mọi sự được như ý
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã ghé thăm!
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaChung vốn anh nhỉ!Ta sẽ quảng bá một thương hiệu: "MẮM CÁY HỒNG CHIẾN HỒNG NGA",
XóaThuê một anh MŨI TO hét:"ai thích DÙI ĐỤC CHẤM MẮM CÁY hông...."
Anh em mình thu bộn tiền
sau mua chức mua quyền(*)
vài ba năm lên tiên
Ngàn năm dưới địa ngục...
---
(*):
Sáng 18/9, tại cuộc họp thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: 'Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này chức vụ kia…'.
10 phát ngôn "đáng suy nghĩ" năm 2013 - 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần nói rõ lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực, bỏ sót, bao che không? Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không?”.
"Bên cạnh thanh tra, các ngành kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án thì sao, đã làm hết trách nhiệm chưa?" Chủ tịch Quốc hội đặt hàng loạt câu hỏi.
Chuyện thời sự như vậy H.C thấy đau xót lắm hồng Nga ạ!
XóaQuê bạn hấp dẫn với món cá lóc nướng rồi kho ngon thế, hơn mấy chục năm chưa về quê là một thiếu sót với quê hương đấy HC ạ
Trả lờiXóaEm cũng biết vậy nhưng vì công việc và cũng vì các anh chị đã không còn ai ở lại quê nữa bác ạ!
XóaChúc năm mới vạn an
Trả lờiXóaCảm ơn bạn VIVI099
Xóa