Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 263 - tác giả NGUYỄN THỊ LIỄU




Đợi gió

Đợi gió nào có gió đâu
Cho ta trăn trở giữa câu thơ mình
Trách ai? Trách gió vô tình
Cho ta vương vấn bóng hình ngày qua

Vẫn làn gió ấy bay xa
Trong mơ vẫn nhớ người ta thật nhiều
Gió ơi muốn nói bao điều
Âm thầm gió nhớ yêu kiều dáng xưa

Đợi hoài gió đã đến chưa?
Cho ta ngóng đợi gió đưa vô hình
Chắt chiu năm tháng cho mình

Ta đang đợi gió cho tình cùng say.

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

BUÔN MA THUỘT LẠI BỊ THẦN LỬA HỎI THĂM

Trưa ngày 28 tháng 7, ngọn lửa bất ngờ bùng lên từ dãy nhà phía sau khu Đình Lạc Giao, ngọn lửa nhanh chóng lan sang các quán bán hàng  đường Y Jut, thành phố Buôn Ma Thuột.







Ngọn lửa bùng phát dữ dội, bao trùm gần như toàn bộ dãy nhà số lẻ từ số 75 đến số 117 - đường Y Jut (ảnh trên)
Lực lượng cứu hỏa của Đắk Lắk,  huy động thêm lực lượng PCCC sân bay Buôn Ma Thuột và xe của Ban quản lý đô thị thành phố Buôn Ma Thuột cùng tham gia chữa cháy (ảnh dưới).





Giám đốc Công an tỉnh cũng có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ huy chiến đấu chống giặc lửa (ảnh trên)
Phó Giám đốc Công an tỉnh Đại tá Nguyễn Văn Định trả lời phóng viên ngay tại hiện trường (ảnh dưới)



Lần đầu tiên người dân thành phố Buôn Ma Thuột thấy súng bắn nước (Cảng hàng không Buôn Ma Thuột) được đưa vào chiến đấu chống giặc lửa (ảnh trên);
Các phóng viên tác nghiệp tại hiện trường (ảnh dưới);




Đến gần 19 giờ, các con đường xung quanh hiện trường vẫn bị phong tỏ để các lực lượng chức năng làm việc (ảnh trên);
Sau gần nửa ngày quần nhau với giặc lửa và khống chế được chúng, các chiến sĩ cảnh sát PCCC chuẩn bị rút quân (ảnh dưới)



Hiện trường còn lại khi màn đêm buông xuống (ảnh trên)
Nhờ chiến đấu có hiệu quả, một số nhà chung tường như số nhà 95 - 117  chỉ bị hư hỏng nhẹ, còn nhà bên cạnh thì... (ảnh dưới)


Đại tá Nguyễn Văn Định- phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho  biết : có 14 căn nhà bị cháy, trong đó vài căn phía sau bị cháy sém, còn đa số cửa hàng phía mặt tiền đường Y Jút cháy rụi. 

NHỮNG TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG

Chú thích ảnh trên: Trại viên Hương Rừng 6 chụp ảnh lưu niệm với Ban lãnh đạo Trại. Bên trái ảnh: Bà Trần Thị Mùi - Chánh Văn phòng Hội; Nhà văn, Nhà báo H'Xíu Hmok - Phụ trách Trại.

 TỪ TRẠI SÁNG TÁC VĂN – THƠ HƯƠNG RỪNG 6!

Tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước, hàng năm vào năm lẻ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục-Đào tạo, tổ chức Trại sáng tác Văn – Thơ “Hạ Xanh”, mời các em là học sinh giỏi văn, đang học trong các trường phổ thông; đội năng khiếu của Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh và cộng tác viên tạp chí Chư Yang Sin tham gia; còn vào các năm chẵn mở Trại “Hương Rừng” giành cho các em là thanh thiếu nhi các dân tộc thiểu số đang sinh sống và học tập trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk - các em là những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi văn do ngành Giáo dục tỉnh nhà tổ chức trong năm học vừa qua và một số cây bút có tác phẩm đã được sử dụng trên Tạp chí Chư Yang Sin hay ấn phẩm của Hội.
Năm nay – 2014, năm chẵn Hội VHNT tỉnh tổ chức Trại sáng tác Văn - Thơ Hương Rừng 6, hè năm 2014. Tham dự Trại lần này có 23 em gồm 6 dân tộc anh em là: Ê đê: 10 em, Nùng: 7 em, Tày: 3 em, Mường: 01 em, Thái: 01 em, Dao: 01 em; đến từ các huyện thị: M’drak, Ea Kar, Krông Păc, Krông Năng, Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Súp và thị xã Buôn Hồ. Tuổi Trại viên trung bình: 16; em ít tuổi nhất ở độ tuổi 14, vừa học xong lớp lớp 7; em lớn tuổi nhất tròn 20 tuổi. Có thể nói, các Trại viên lần này đã vượt qua mọi khó khăn để đến dự Trại như em Nông Thị Liên đến từ xã Cư San, huyện M’drăk, một xã mới thành lập ở vùng sâu, vùng xa, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 150 km phải vượt qua núi cao, suối sâu hay các em ở xã biên giới huyện Ea Súp… có lẽ tất cả vì sự đam mê văn chương và lòng hiếu học, ham hiểu biết đã tiếp thêm nghị lực để các em về đây dự trại.
Trại Hương Rừng 6 được tổ chức vào trung tuần tháng 7 năm nay giữa lúc cả nước đang đồng lòng hướng về biển Đông, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép “HẢI DƯƠNG 981” trên thềm lục địa nước ta; nhân dân cả nước phẫn nộ, phản đối; nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới cũng đồng tình ủng hộ nhân dân Việt Nam, lên án mạnh mẽ Trung Quốc; chính những sự kiện này đã có tác động nhất định đến các em, những người cầm bút tập viết văn chương và không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng trước vận mệnh nước nhà.
Chú thích ảnh: Nhà văn Linh Nga Niê Kdam hướng dẫn các em đi thực tế tại buôn Ko Dhong

Để giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản về phương pháp sáng tác, Ban tổ chức Trại đã mời các nhà văn, Nhà thơ xuất sắc của Hội tham gia trao đổi kinh nghiệm; về văn xuôi có: Nhà văn Linh Nga Niê Kdam – Chi hội Trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đắk Lắk, Nhà văn Niê Thanh Mai – Phó chủ tịch Hội, Nhà văn Nguyễn Liên – UVBCH Chi hội Văn học;  về thơ có: Nhà thơ Đặng Bá Tiến - Phó bí thư Đảng đoàn Hội VHNT, Phó Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin và Nhà thơ Lê Vĩnh Tài – một cây bút xuất sắc không chỉ ở tỉnh nhà mà trên thi đàn cả nước. Bằng nhiệt tình và tâm huyết của mình, các giảng viên đã cố gắng truyền thụ những kinh nghiệm được chắt lọc và trải nghiệm qua chính cuộc sống của mình để giúp các em tự rút ra bài học và làm hành trang cho việc sáng tác các tác phẩm thơ – văn cũng như học tập môn văn ở trường phổ thông sau này.
Chú thích ảnh trên: Trại viên Hương Rừng 6 đến nghỉ tại Nhà sáng tác Nha Trang

Các trại viên dự Trại lần này không chỉ được nghe trao đổi lý thuyết mà còn được đi thực tế ra ngoài tỉnh. Trong 2 ngày đi thực tế ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và đi thăm một số đảo; các em được tận mắt thấy biển, thấy đảo, thấy tàu vận tải, thuyền đánh cá và các ngư cụ của ngư dân…. Trong chuyến đi này, đa số các em lần đầu tiên thấy biển, thấy đảo và hình ảnh ấy đã in đậm vào tâm trí được tái hiện qua các tác phẩm chuyển về cho Ban tổ chức Trại. Sau chuyến đi, các em không những có tác phẩm sáng tác ngay trong những ngày ở Trại, mà còn sẽ theo các em mang những điều mắt thấy, tai nghe về kể cho ông bà, bố mẹ, buôn làng và bạn bè được biết; mọi người hiểu thêm về đất nước Việt Nam tươi đẹp. Chính câu chuyện kể của các em sẽ là những đốm lửa nhỏ và hy vọng từ những đốm lửa này sẽ bừng sáng ở buôn làng, địa phương các em sinh sống, giúp nhân dân vững tin vào Đảng và Chính quyền; góp phần vào thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.
Chú thích ảnh trên: Trên đường ra đảo

 Trong lúc tình hình kinh tế của nước nhà còn khó khăn, giá cả leo thang với tốc độ phi mã; kinh phí cấp cho Trại sáng tác Thơ – Văn Hương Rừng 6 năm nay cũng chỉ bằng kinh phí cấp cho Trại sáng tác Thơ – Văn Hương Rừng 5, năm 2012. Để tổ chức được Trại sáng tác Văn – Thơ “Hương Rừng 6” lần này là cả một sự cố gắng rất lớn của Thường trực Hội, cán bộ Văn phòng Hội và các anh chị em Văn Nghệ sĩ, chấp nhận cùng san sẻ khó khăn và tất cả vì sự phát triển của nền văn học tỉnh nhà, vì tương lai của xã hội.
Chín ngày, thời gian qúa ngắn cho một trại sáng tác văn học, do tình hình kinh phí eo hẹp nên chúng ta đành phải chấp nhận như thế; nhưng kết quả thu được lại khá bất ngờ với ban tổ chức: 17 bài thơ, 20 tác phẩm văn xuôi được các em hoàn thành ngay tại Trại. Bên cạnh một số tác phẩm đầu tay còn vụng về khi sử dụng ngôn từ diễn đạt ý, cấu trúc…, chúng ta vẫn thấy có nhiều bài thơ, trang văn xuôi nổi bật, báo hiệu những tài năng bẩm sinh cần được bồi dưỡng, nâng đỡ, tạo môi trường để phát triển sau này. 23 trại viên với 23 phong cách khác nhau của sáu dân tộc anh em tạo nên những tác phẩm có nét đặc trưng riêng của từng dân tộc rất hồn nhiên nhưng cũng mang đậm dấu ấn dân tộc mình dù chỉ ở mức sơ khai ban đầu. Riêng về chủ đề biển – đảo, nhiều em đã có tác phẩm có chất lượng, thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc và trăn trở của người thanh niên trước biển đảo tổ quốc, chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đây chính là nét nổi bật về thành công của Trại năm nay.
Chú thích ảnh trên: Nhà thơ Đặng Bá Tiến - Phó bí thư Đảng đoàn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin trao Giấy khen của Hội VHNT Dak Lak cho ba trại viên Hương Rừng 6 có thành tích xuất sắc (từ trái qua phải) H' Tê Xê Ra Kbuôr, Hoàng Thị Trang và Đinh Thị Thùy Linh.

Vai trò người Văn nghệ sĩ trong thời kỳ đổi mới hiện nay là vô cùng quan trọng, có tiếng nói quyết định đối với định hướng xã hội về: chân - thiện - và chỉ có Văn học Nghệ thuật mới có tác dụng sâu sắc tới chuẩn mực ĐẠO ĐỨC xã hội. Con đường lao động Văn học – Nghệ thuật là vô cùng gian khổ nhưng cũng rất vinh quang; hy vọng các em tham gia trại sáng tác Thơ Văn Hương Rừng 6 hè 2014 lần này, cảm nhận được ý thức, trách nhiệm của người cầm bút đối với xã hội và sau khi trở về nhà tiếp tục học đều các môn để có thành tích học tập xuất sắc, không quên giành một lượng thời gian nhất định cho văn chương, niềm đam mê của mình, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn lên.


Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

TIN VĂN NGHỆ

Nhận lời mời của Ban tổ chức Liên hoan ảnh khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XIX tại Bình Định, Hội VHNT Đắk Lắk cử một đoàn gồm 11 Nghệ sĩ Nhiếp ảnh tham gia:
1- NSNA Việt Nam Phạm Huỳnh - UVBCH Hội VHNT Đắk Lắk, chi hội Trưởng Chi hội Nhiếp ảnh làm Trưởng đoàn. 
2- NSNA Việt Nam Bảo Hưng - chi hội Phó Chi hội Nhiếp ảnh làm Phó đoàn;
3- NSNA Việt Nam Chính Hữu;
4- NSNA Việt Nam Nam Phương
5- NSNA Việt Nam Bảo Hòa
6- NSNA Lê Oanh
7- NSNA Quang Khải
9- NSNA Duy Thương
10- NSNA Nguyễn Văn Lộc;
11- NSNA Hải Ngọc
Đúng 7giờ 30 phút sáng ngày 27/7, tại Nhà khách Hai Bà Trưng - thành phố Buôn Ma Thuột, Hội VHNT Đắk Lắk làm lễ xuất quân cho Đoàn Nghệ sĩ Nhiếp ảnh lên đường đi thực tế sáng tác và dự Liên hoan Ảnh khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XIX tại Bình Định.
Nhà văn Hồng Chiến - Phó chủ tịch thường trực Hội đã đến giao nhiệm vụ và ra lệnh xuất quân.



Chú thích ảnh (từ phải qua trái): NSNA Xuân Ngọc, NSNA Nam Phương, NSNA Bảo Hòa, NSNA Bảo Hưng - Phó đoàn, Nhà văn Hồng Chiến - Phó chủ tịch thường trực Hội, NSNA Phạm Huỳnh - Trưởng đoàn, Trương Văn Bộ - lái xe cơ quan, NSNA Nguyễn Văn Lộc, NSNA Duy Thương, NSNA Đăng Trình.

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

TIN VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT!

Sáng ngày 26/7/2014, tại Nhà VHTTN tỉnh Dak Lak, Tỉnh đoàn và Nhà VHTTN Dak Lak đã tổ chức lễ khai mạc CUỘC THI VẼ TRANH THIẾU NHI ĐẮK LẮK VỚI BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG. Tới dự lễ khai mạc có anh Y Phi Tơr - Tỉnh ủy viên, UVBCHTW Đoàn TNCSHCM, Bí thư Tỉnh đoàn; Nhà văn Hồng Chiến - Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Đắk Lắk, Phó tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin và đại diện một số cơ quan của tỉnh.

Chương trình ca nhạc chào mừng (ảnh dưới):



Anh Kpă Y Khoa - UVBTV Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, Phó Giám đốc Nhà VHTTN phát biểu khai mạc (ảnh dưới)

Anh Trần Hồng Tiến - Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Giám đốc Nhà VHTTN (bên phải ảnh) tặng hoa Ban Giám khảo (ảnh dưới).
Chú thích ảnh trên (từ trái qua phải): Họa sỹ An Quốc Bình - Thư ký Tòa soạn Tạp chí Chư Yang Sin; Họa sĩ Trương Văn Linh - Phó chủ nhiệm khoa Mỹ thuật, trường CĐVHNT Dak Lak; anh Trịnh Khắc Tiệp - Giáo viên thuộc Phòng Giáo dục, Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột và anh Trần Hồng Tiến - Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Giám đốc Nhà VHTTN Dak Lak;

Toàn cảnh Lễ khai mạc (ảnh dưới)

Chương trình Khai mạc được dàn dựng công phu với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, tuy nhiên người dẫn chương trình lai có một số "hạt sạn" thiếu chuyên nghiệp như: Chưa phát biểu khai mạc đã mời Ban giám khảo lên tặng hoa; giới thiệu Trưởng ban Giám khảo cuộc thi lại quên giới thiệu chức vụ, Hội Văn học - Nghệ thuật thì nhầm là... Hội Văn HÓA - Nghệ thuật... mong sao lễ bế mạc sắp tới sẽ không vấp những lỗi không đáng có như thế!

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

CHUYỆN CỦA MỘT GIÁM ĐỐC VỀ HƯU bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 191 THÁNG 7 NĂM 2008




Theo hẹn, tôi và nhà thơ Văn Thảnh được ông Tô Bá Tham Phó Bí thư Đảng ủy – Phó giám đốc Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm dẫn đến nhà ông Nguyễn La Vân, người giám đốc đầu tiên của Công ty Khai hoang cơ giới 4, tiền thân của công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm ngày nay. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy “cơ ngơi” của vị giám đốc tại vị gần hai chục năm trời, khi về hưu vì tuổi cao chỉ có ngôi nhà xây cấp bốn diện tích khá khiêm tốn nép mình giữa vườn cây ăn quả xanh tốt. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy vị giám đốc nổi tiếng cứng rắn, kiên quyết bảo vệ chính kiến ngay cả với cấp trên là những vị tướng khi thấy lệnh đưa ra không khoa học; vị thủ lĩnh của những chàng trai lái máy ủi, máy đào, máy gạt… đồ sộ lại là một con người có vóc dáng bé nhỏ, chứ không phải là thân hình lực lưỡng như hầu hết cán bộ lãnh đạo của công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm. Sau cái bắt tay thật chặt, ông Nguyễn La Vân mời chúng tôi vào nhà. Căn phòng khách của chủ nhà được kê một bộ xa lông hộp, đóng bằng gỗ hương theo mốt của thập niên 80. Ông Tô Bá Tham giới thiệu để chủ khách làm quen, chúng tôi vừa uống nước vừa trò chuyện.
Câu chuyện của ông Nguyễn La Vân về quãng đời của mình làm chúng tôi rất cảm động. Con người có vóc dáng mảnh khảnh, khuôn mặt cương nghị, râu tóc bạc phơ này được  sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thị xã Quãng Ngãi. Năm 1947, khi chưa đầy 14 tuổi ông bí mật “nhảy núi” gia nhập quân đội, năm 16 tuổi được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, năm 1954 tập kết ra Bắc, năm 1958 chuyển ngành qua bộ Nông Trường, công tác tại nông trường 1-5 huyện Nghĩa Đàn – Nghệ An, năm 1978 được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Khai hoang Cơ giới 4 phụ trách khu vực miền Trung và Tây nguyên, năm 1993 về hưu. Tóm tắt tiểu sử của ông thật ngắn gọn nhưng không hề đơn giản tí nào. Người con xứ  Quảng có cuộc đời như một pho tiểu thuyết của một vị anh hùng lại rất giản dị và đôn hậu. Qua câu chuyện của ông và anh em trong công ty kể lại, tôi chỉ xin ghi lại đôi nét một quãng đời công tác đương nhiệm giữ chức Giám đốc công ty Khai hoang Cơ giới 4 của ông mà thôi.
Ngày mới thành lập, ông nhận trách nhiệm làm giám đốc công ty, tìm mãi mới có được địa điểm ưng ý tại vùng ven thành phố Buôn Ma Thuột, xin Ủy ban nhân dân tỉnh Dak Lak cấp cho 6 héc ta đất để đặt “đại bản doanh”. Lúc ấy vùng này còn rậm rạp, hoang vu, mùa khô rừng bị đốt, có hôm nai còn chạy lạc vào đứng giữa sân, cán bộ nhân viên cơ quan ùa ra xem nó mới bỏ chạy. Là đơn vị chủ lực được Bộ Nông nghiệp giao  trách nhiệm khai hoang cả vùng miền Trung và Tây Nguyên phục vụ chiến dịch khai hoang một triệu héc ta, sản xuất 21 triệu tấn lương thực theo nghị quyết Đại hội IV của Đảng đề ra nhằm khăc phục tình trạng thiếu lương thực lúc bấy giờ. Nhưng máy móc do Liên Xô chế tạo đã sử dụng nhiều năm ở miền Bắc trước khi chuyển vào, đây là thách thức không nhỏ. Tuy công nhân được đào tạo bài bản qua các trường lớp chính quy ở miền Bắc, tay nghề tương đối vững, song vì tình trạng máy móc như vậy nên buộc ông Nguyễn La Vân phải ra Bắc đi tìm mua hoặc xin các máy cũ bỏ đi chở vào sửa chữa hoặc tháo lấy phụ tùng thay thế. Nhằm đưa người công nhân có trách nhiệm với phương tiện lao động, công ty đã khoán máy cho từng tài xế. Nhờ vậy tinh thần bảo quản máy móc được nâng lên rõ rệt, công suất máy được phát huy hết khả năng, định mức giao khoán bao giờ cũng vượt. Nói như thế không phải mọi thứ đều thuận lợi, những năm cuối thập kỉ 70 đầu thập kỉ 80 bọn fulrô còn hoạt động mạnh, máy móc của công ty trở thành mục tiêu tấn công. Máu của các tài xế đã nhuộm đỏ mảnh đất mới khai hoang, máy móc bị phá hủy, đó là chưa kể cuộc sống của anh em hàng ngày rất tạm bợ. Ngày 7 tiếng ngồi trên ca bin, tối đến lăn mình trên sạp nứa làm tạm, xung quang gió rừng gào thét, mấy tấm gianh che mái, thưng xung quanh, nhiều lúc còn bị tốc ngược cho nước mưa chảy vào; kèm theo đó là sốt rét, bệnh tật… nhiều công nhân muốn bỏ về quê. Làm thế nào để công nhân gắn bó với công ty? Câu hỏi này phải có lời giải nếu công ty muốn tồn tại! Sau nhiều đêm họp bàn, Đảng ủy và ban Giám đốc công ty đã tìm ra biện pháp thiết thực nhưng cũng không lấy gì làm mới, đó là tổ chức thi đua. Tùy theo chiến dịch khai hoang hay các ngày lễ lớn, công ty phát động thi đua giữa các tổ theo từng đợt, từng chủ điểm ngắn ngày, có tổng kết trao thưởng và phát động anh em cùng học tập các điển hình tiên tiến trong đơn vị. Song song với phong trào thi đua lao động sản xuất là các cuộc thi thể thao, văn nghệ tạo nên một không khí hết sức sinh động làm cho công nhân hăng say lao động. Bên cạnh đó công tác đời sống của anh em cũng được quan tâm đúng mức, tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm hàng ngày trước đây cửa hàng đời sống của công ty mua rồi chở xuống các tổ, có tổ làm ở ngoài tỉnh Dak Lak, tiền chuyên chở quá cao, thực phẩm chở đến không còn chất lượng; để khắc phục điều này ông Nguyễn La Vân quyết định ban đời sống phải quy ra tiền tiêu chuẩn của anh em, phát xuống tận tổ để anh em tổ chức nấu ăn đảm bảo chất lượng. Thời bao cấp việc làm này được xem là “vượt rào”, ông suýt bị kỉ luật vì đã làm “phá vỡ quan hệ chế độ cung cấp” truyền thống.
Trong thời buổi bao cấp, tàu xe ra Bắc vô cùng khó khăn, Giám đốc Nguyễn La Vân có sáng kiến tổ chức cho anh em đi phép bằng phương tiện của cơ quan. Làm như thế ở quê gia đình thấy con em mình được xe đưa, xe đón rất vinh dự nên động viên họ phải học tập và công tác tốt cho xứng đáng với sự quan tâm đó; với công ty không còn công nhân nào trễ phép. Bên cạnh đó ông đề ra chủ trương “an cư - lạc nghiệp” khuyến khích cán bộ, công nhân viên của mình đưa gia đình vào, ai mang được vợ con đến đều được cấp đất làm nhà, ổn định cuộc sống, giúp công nhân an tâm ở lại công tác lâu dài. Chính những biện pháp này đã gắn bó người công nhân với công ty, với mảnh đất Dak Lak giàu đẹp. Nhờ vậy, đến nay Công ty Khai hoang Cơ giới 4 có hẳn 5 làng riêng của những người làm trong công ty và các đội cơ giới ở Dak Lak – Gia Lai.
Đối với công nhân trong công ty ông Nguyễn La Vân là người cha, người anh, người bạn nghiêm khắc mà gần gủi; đối với cấp trên ông lại là một cán bộ năng nổ và thẳng tính. Anh em trong công ty còn nhớ chuyện xảy ra đầu thập kỉ 80, lúc ấy cả tỉnh Dak Lak tập trung mọi nguồn lực khai hoang cánh đồng Buôn Triết, Buôn Trấp – nay là vựa lúa của tỉnh. Trước tình hình khan hiếm lương thưc, một vị tướng gọi ông lên, giao trách nhiệm phải tập trung toàn bộ máy móc công ty khai hoang 500 hecta trong vòng một tháng ở khu vực Ea Ktua lấy đất trồng bắp. Ôâng thẳng thừng phản đối vì không thể huy động năm sáu chục các loại máy móc làm ở một diện tích nhỏ, trong một thời gian quá ngắn như thế. Vị tướng nổi giận quát: nếu anh không chấp hành thì tỉnh này không cần các anh nữa, đi đâu thì đi! Bực mình ông đáp trả: Anh không cho làm ở đây tôi đi nơi khác. Nói là làm, ông về điều hết máy xuống sư 333. Sau này vị tướng ấy xuống tận nơi ông làm việc và bảo: Về máy móc mình không rành lắm, thôi điều máy về làm cho tỉnh đi – cả hai cười xoà.
- Các anh anh thấy đấy – ông Nguyễn La Vân nhấn mạnh, giọng nói của ông già bảy mươi lăm tuổi như trẻ lại - Sáu chục năm trước Bác của chúng ta đã phát động phong trào thi đua để mọi người hăng hái tham gia sản xuất, nâng cao năng suất lao động; hơn 30 mươi năm sau công ty chúng tôi nhờ thực hiện tốt công tác tổ chức thi đua nên mới tồn tại và phát triển được như hôm nay. Ở đâu, trong hoàn cảnh nào đi nữa, nếu chúng ta biết tổ chức thi đua tốt thì hiệu quả sẽ được nâng lên, bài học mà Bác Hồ dạy chúng ta trước đây vẫn còn nguyên giá trị. Tuy đã nghỉ công tác, nhưng các phong trào thi đua được công ty Cơ giới Đồng Tâm thường xuyên tổ chức, tôi vẫn theo dõi và thật sự vui mừng khi thấy lớp người đi sau không những hoàn thành nhiệm vụ lớp người đi trước giao lại mà còn có sự phát triển rất tốt, đặc biệt là trong cơ chế thị trường như ngày nay, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các anh trong Đảng ủy cũng như Ban giám đốc đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình, nâng cao thu nhập cho anh em, giữ được hoạt động của công ty đứng vững và phát triển.
Thời gian trôi nhanh, đã đến lúc chúng tôi phải chia tay ông ra về. Nhà thơ Văn Thảnh nắm thật chặt bàn tay gân guốc của vị giám đốc già lắc lắc và nói: Qua câu chuyện của bác kể, chúng cháu thấy tập thể cán bộ công nhân công ty ta đã và đang sống với truyền thống của người công nhân Xã hội chủ nghĩa, nó trong sáng quá, vô tư quá. Chắc chắn chúng cháu sẽ còn phải quay lại làm phiền bác thêm nữa.
Ông Giám đốc già chuẩn bị nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng trong con người ông vẫn còn ngọn lửa cách mạng rực cháy như thời trai trẻ. Thật mừng khi lớp cha ông đi trước là những con người tài năng, đặt nền móng vững chắc cho lớp con cháu đi sau, tiếp bước vào kỉ nguyên mới, một thời đại mới trong xu thế hội nhập nhưng vẫn giữ được bản chất người bộ đội cụ Hồ.
          Điều tôi quan tâm nhất đến cuộc gặp gỡ này là muốn viết một cái gì đó về Công ty Khai hoang Cơ giới 4 nhân dịp tròn 30 năm thành lập; qua 30 mươi năm ấy có biết bao đổi thay, thế mà vẫn tồn tại và phát triển như ngày nay. Khi chuyển đổi qua cơ chế thị trường, công ty đổi tên, nhưng vẫn tập thể ấy, những con người ấy và lớp người kế cận như: ông Vũ Đức Bùi Giám đốc, ông Trần Đức Thành Bí thư Đảng uỷ, ông Tô Bá Tham Phó bí thư kiêm Phó giám đốc công ty đều trưởng thành từ tập thể ấy, nay đã vững vàng tiếp bước người đi trước, không những đứng vững trên mảnh đất Tây Nguyên mà còn vươn ra cả nước ngoài, góp phần xây dựng mối quan hệ quốc tế hữu nghị tốt đẹp với các nước bạn Lào và Cam Phu Chia.  Có lẽ để đạt được thành tích đó khâu quan trọng nhất là công tác tổ chức của những người lãnh đạo; họ biết phát huy vai trò người Đảng viên trong tình hình mới, dám nghĩ, dám làm, trên đưới một lòng tổ chức tốt các đợt thi đua trong sản xuất cũng như  trong các phong trào thể thao - văn hóa văn nghệ. Ba mươi năm thời gian chưa phải là nhiều, nhưng những gì mà Công ty Khai hoang Cơ giới 4 trước đây và ngày nay là Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm đã, đang làm được là minh chứng đúng đắn cho con đường phát triển kinh tế trong thời kì mới.











Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

KHAI MẠC TRẠI SÁNG TÁC NÚI HOA LẦN THỨ 19

Sáng ngày 21 tháng 7, tại Hội trường Nhà văn hóa Trung tâm huyện, Ủy ban nhân dân huyện Cư M'gar đã tổ chức Lễ khai mạc Trại sáng tác Thơ - Văn Núi hoa lần thứ 19.  Tới dự có đại diện của UBND huyện, Ban tuyên giáo, Mặt trận, Ban Dân vận, Huyện đoàn, Phòng Văn hóa - Thông tin...

 Ông Phan Xuân Dũng - Giám đốc Nhà Văn hóa Trung tâm phát biểu khai mạc (ảnh trên)
Ông Lê Đức Thắng - Huyện ủy viên, Phó chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ (ảnh dưới)





Nhà Văn, nhà Báo Hồng Chiến - Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, Phó Tổng biên tập thường trực Tạp chí Chư Yang Sin phát biểu tại buổi Lễ (ảnh trên) và tặng quà cho Trại (ảnh dưới).


Nhà Văn, Nhà Báo Nguyễn Liên - UVBCH Chi hội Văn học (người đứng) trao đổi kinh nghiệm viết ký với Trại viên Núi Hoa (ảnh dưới)


Các đại biểu dự Lễ khai mạc chụp ảnh lưu niệm với Trại viên Núi Hoa 19 (ảnh dưới)


Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

THEO CHÂN "HƯƠNG RỪNG 6" VỀ BUÔN KO DHONG

Chiều ngày 13/7 Nhà văn Linh Nga Niê Kdăm có buổi hướng dẫn trại viên Hương Rừng 6 thăm nhà chị H' Len, buôn Ko Dhong, mời các bạn đi cùng nhé!

Cột cổng 

Đường lên sàn

Phòng khách trong căn nhà dài truyền thống.

Chị H'Len (chủ nhà) giới thiệu một số vật dụng truyền thống trong ngôi nhà dài của người Ê đê.

Những cây cột được các nghệ nhân chạm khắc của người Ê đê

Bờ rào là những cây hoa mua tươi tốt

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

NHỮNG TRẠI HƯƠNG RỪNG GẦN ĐÂY

Mời các bạn cùng nhìn lại một chặng đường Trại Sáng tác Văn - Thơ, Hương Rừng do Hội VHNT Dak Lak tổ chức


Hương Rừng 6 (ảnh trên) 
Hương Rừng 5 (ảnh dưới)



Tạp Hương Rừng 4 và 3 (ảnh dưới)