Chú thích ảnh: Đỉnh núi Chư Pal
Bút ký
Trong Lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học – Nghệ thuật huyện
Ea Kar, tháng 6 năm 2014, anh Nguyễn Văn Vinh – Phó trưởng phòng Văn hóa và
Thông tin huyện nói với tôi: Ea Kar có rất nhiều điểm điển hình các bác đã biết
qua báo cáo và báo đài, nhưng có ba điểm không thể không đến là: Khu bảo tồn
thiên nhiên Ea Sô – một vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên mà lực lược kiểm lâm
hàng ngày, hàng giờ đang phải đổ cả xương máu của mình để bảo vệ, gìn giữ; khu
căn cứ cách mạng buôn Trưng – căn cứ của ta trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu
nước và đặc biệt buôn M’Um của người Ê đê, buôn duy nhất của người dân bản địa thuộc
xã Cư Prông”. Nghe giới thiệu vậy, tôi
mừng lắm và quyết định sẽ đến thăm buôn M’Um để biết vì sao nó vẫn giữ được nét
truyền thống quý giá như vậy.
Từ thị trấn Ea Kar, nơi Trại sáng tác đóng quân xuôi theo
Quốc lộ 26A về phía thành phố Nha Trang khoảng 10 km đến thị trấn Ea Knôp rẽ
phải theo đường vào hồ chứa nước Krông Păc Thượng, đến trụ sở xã Ea Păn rẽ trái
đi tiếp vào UBND xã Cư Brông, đi tiếp 8 km nữa là đến buôn M’Um – anh cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện
đưa đoàn đi giới thiệu như vậy. Xe chuyển bánh, bon bon trên đường nhựa rải
thảm bê tông rất đẹp, nhiều người xúyt xoa: sao ở vùng này có con đường đẹp
thế! Anh cán bộ địa phương đi cùng đoàn cho biết: Con đường này làm để đi vào
hồ chứa nước Krông Păc Thượng nên mới được như vậy đấy! Hai bên đường nhà cửa
nhân dân xây dựng rất đẹp, toàn nhà xây, mái lợp tôn lạnh hoặc ngói đỏ tươi như
một lời khẳng định vùng quê trù phú làm tôi bồi hồi nhớ lại...
Năm 1985, sau khi học xong Cao đẳng sư phạm, tôi được điều
về công tác tại Trường phổ thông cơ sở 333 đóng trên địa bàn thị trấn Ea Knôp
bây giờ. Thời ấy nhà cửa còn thưa thớt, chủ yếu nhà tranh vách đất của các hộ
công nhân – những người bộ đội thuộc Sư đoàn 333, quân khu 5 chuyển qua Bộ Nông
nghiệp để làm kinh tế, đổi tên thành Xí nghiệp liên hợp 333 đóng quân trên địa
bàn các huyện: Krông Păc, Krông Buk, M’drak thuộc tỉnh Đắc Lắk và huyện Vạn
Giã, tỉnh Khánh Hòa. Con đường nhựa bê tông hôm nay, trước đây là con đường ủi
tạm xuyên qua các cánh rừng già nguyên sinh, cây cối rập rạp có rất nhiều loài
thú quý hiếm sinh sống như: voi, hổ, báo, bò tót... Dốc Đất – một địa danh được
bộ đội đặt tên để phân biệt với dốc Đá là hai cái dốc rất nguy hiểm trên con
đường nối từ trung tâm Xí nghiệp Liên Hợp 333 tới các Nông trường 714 và 717 ở
phía đông nam dưới chân dãy núi Chư Yang Sin. Mùa khô, đất tơi ra như bột, đi
ngập bàn chân; nếu đang đi mà có xe ô tô hay máy cày chạy qua thì... người đi
đường bị phủ một lớp đất như được hóa trang bằng đất vậy; còn mùa mưa con đường
trở thành một đám sình lầy có đoạn xe đạp phải vác trên vai chứ không thể dắt đi
được. Dốc Đá, cái tên đặt cho đoạn dốc cao chót vót, được rải đá hộc để các
loại xe ô tô, máy cày, máy kéo mới leo lên được khi mùa mưa đến; qua dốc Đá
khoảng hai Km lại gặp dốc Đất; tuy không cao như dốc Đá, nhưng dốc Đất dài hơn và
không kém phần nguy hiểm cho các loại phương tiện khi qua đây. Khoảng năm 1990
trở về trước, ở vùng rừng hai con dốc này có một bầy voi 13 con thường ăn nơi
đây; có đêm chúng mò đến tận các lán người dân dựng tạm làm rẫy, kéo sập xuống
để xem trong đó có gì; hoặc đi nhổ bắp, khoai mì mới trồng để ăn; nhưng chưa
làm hại người bao giờ, sau này do tốc độ phá rừng lấy đất sản xuất diễn ra
nhanh quá, bầy voi đi mất.
Xe qua UBND xã Ea Păn một chút rẽ trái, con đường trước đây chắc
được rãi nhựa, nay đã hư hỏng gần như hoàn toàn, mặt đường toàn ổ trâu, ổ voi,
lổn nhổn đá và nhựa cục còn sót lại; xe đi như múa trên đường tránh các vũng
lầy thêm gần 10 km nữa tới được UBND xã Cư Prông. Những cánh đồng mía vừa qua
thu hoạch, rừng cao su tươi tốt và những mái nhà xây kiên côc kiểu mái Thái lợp
tôn, lợp ngói nối đuôi nhau chạy qua cửa xe lùi lại phía sau ngầm giới thiệu
với mọi người một vùng quê thanh bình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xe qua
UBND xã Cư Prông đến một ngã ba, anh cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin bảo lái
xe dừng lại để hỏi đường vào buôn M’Um. Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu cười, hỏi:
-
Cậu đã vào buôn lần nào
chưa?
-
Dạ, đây là lần đầu tiên
em đi đấy ạ!
Mọi người trên xe bật cười. Tôi bảo:
-
Rẽ trái theo con đường
chạy song song với suối.
-
Sao anh biết ạ? Anh cán
bộ địa phương đi cùng đoàn ngạc nhiên hỏi lại.
- Từ năm 1992 trở về trước, mình có gần 5 năm trời theo người
dân vào trong này đi chặt mây và tìm trầm; ngày ấy nơi đây chỉ là con đường
mòn, dân các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn di cư tự do vào đây phá rừng làm rẫy,
đêm đến thường bị hổ xuống bắt trộm chó và heo nữa đấy.
Nhiều người cùng ồ lên ngạc nhiên khi trước mắt họ giờ đây
là những cánh đồng lúa nước mới vào vụ gieo trồng xen cánh đồng màu nối liền
đến triền đồi; bắp, đậu các loại xanh mượt mà, triểu quả trải dài đến hết cả
tầm mắt. Trước đây vùng này là đồi cỏ gianh xanh tốt kéo dài đến tận chân núi
cao mới có rừng già. Mùa khô, chỉ cần một tàn lửa các qủa đồi sẽ thành biển lửa
thiêu rụi tất cả, để trơ mặt đất đầy tro than. Khi mưa xuống cây cỏ đội đất
ngoi lên phủ một màu xanh tươi mát, rộng hàng chục km vuông; khi ấy các loài
thú ăn cỏ kéo nhau về từng đàn đông đúc như: heo, nai, mang, sơn dương, bò tót,
voi... trông cứ như trong phim về cảnh ở khu bảo tồn châu Phi. Thú ăn cỏ về
nhiều kéo theo các loài ăn thịt như: hổ, báo, chó sói... cũng tìm đến; nhiều
lần người đi rừng nhặt được cả nửa con heo hay nai chúng ăn không hết bỏ lại.
Xe leo lên đỉnh đèo, trước mắt mọi người hiện lên một thung
lũng rộng lớn bốn phía núi cao bao bọc, chỉ có đỉnh đèo nơi xe đang dừng là
thấp nhất. Trời đổ mưa, những hạt mưa nặng dần làm dãy núi phía đông cao sừng
sững, xanh ngắt bồng bềnh trong mây. Từ đỉnh đèo nơi chúng tôi đứng xuôi xuống
thung lũng giờ đã thành nương rẫy cả. Dưới thung lũng như một lòng chảo lớn,
những ngôi nhà xây cấp bốn xen lẫn những ngôi nhà sàn kiểu miền Bắc được lợp
ngói hoặc tôn lạnh lấp lánh trong mưa như những bông hoa, cả thôn không còn một
ngôi nhà lợp cỏ gianh hay lá mây. Lưng chừng đèo một chiếc xe tải lớn đang nặng
nề leo qua con đường lầy ra đường lớn, trên thùng chất đầy khoai mì. Có ai đó
reo lên: Buôn M’Um! Tôi cười, giải thích: Kiểu nhà này là của người dân tộc phía
Bắc chứ không phải nhà người Êđê đâu. Nhà người Êđê sàn cao, có từ một đến hai
cái cầu thang làm bằng một thân cây đặt ở đầu hồi nhà, vách nhà thường dựng
nghiêng khoảng 15 độ; còn nhà ở đây cầu thang làm bằng những tấm ván ghép lại,
vách nhà dựng vuông góc với sàn.
-Thầy hiểu người Êđê hơi kỹ đấy – H’Xíu Hmok, cô hội viên
trẻ tuổi nhất Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, người Ê Đê, mới tốt nghiệp Đại
học báo chí ra chưa xin được việc, thành viên của đoàn nói như reo lên.
- Trước đây thầy có vào buôn M’Um mấy lần, buôn ở dưới chân
cái yên ngựa thấp nhất dãy núi phía xa xa kia kìa, leo qua đó là đến trang trại
cà phê Trung Nguyên. Ngày ấy, đứng ở buôn buổi sáng hay lúc gần tối, tiếng hót
của vượn, wọc trên rừng vọng xuống nghe rõ mồn một. Mùa nào thức ấy, người dân
lên rừng đưa sản vật về dùng như người ta lấy trên nương, trên rẫy vậy. Người
dân dùng cuốc và xà – gạc làm công cụ lao đông sản xuất, không dùng sức kéo của
trâu bò. Tất cả các thửa ruộng ven khe suối đều hẹp, diện tích không lớn lắm,
nhưng lúa trồng ở đây tốt lắm.
- Thế ạ! H’Xíu ngạc nhiên hỏi lại.
Xe tiếp tục xuôi đèo xuống thung lũng, anh cán bộ Phòng Văn
hóa – Thông tin huyện thông báo: Cán bộ xã đã vào trước, đang đợi ta trong buôn
rồi! Xe chạy mãi đến hết đường, phía trước mặt một con suối lớn chắn ngang, không
có đường sang. Mọi người đang ngạc nhiên chưa biết đi đâu, chuông điện thoại
của cán bộ dẫn đường reo, anh trả lời máy rồi quay lại nói với đoàn: Ta đi quá
một chút rồi, quay lại thôi. Xe vừa quay đầu xong đã thấy một thanh niên còn
khá trẻ chạy xe máy đến: Em thấy xe chạy qua, vẫy mãi mà các bác không dừng.
Mời các bác lại nhà buôn trưởng, chỗ dựng cái xe máy Honda AB đỏ kia kìa.
(Còn nữa)
Nghe tả... Muốn đước đến một nơi thật dễ thương và khác lạ...
Trả lờiXóaCảm ơn bác HẠT CÁT đã ghé thăm và động viên!
Xóa