Mặt trời leo qua đỉnh núi Mẹ Bồng Con một đoạn dài, ném xuống buôn những hơi thở ấm áp của buổi sáng. Dân buôn M’Lai và buôn Tai hôm nay bồng bế nhau, rồng rắn kéo đến khu đất trống dưới chân núi Cư Bukso, cạnh suối Ya Brô chứng kiến cuộc đua tài thi bắt cá giữa hai buôn. Không biết tục lệ này có từ bao đời nay, hàng năm cứ đến những ngày cuối cùng của mùa khô Tây Nguyên, khi công việc trên ruộng rẫy đã xong xuôi, già làng hai buôn M’Lai và buôn Tai lại gặp nhau định ngày tổ chức thi. Thành phần tham gia được thống nhất như sau: mỗi buôn cử ra một đội gồm: hai cặp nam nữ trung niên đã có gia đình, hai cặp thanh niên và một thiếu niên tham gia cuộc thi. Những người được chọn đại diện cho buôn tham dự cuộc thi, phải là những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đặc biệt khéo tay, giỏi bắt cá; vì thế ai được chọn đều hãnh diện lắm.
Năm nay trong đội buôn Tai có H’Dung, con út già làng đang học lớp 8 trường nội trú huyện, vinh dự đứng đầu hàng đối diện với đội buôn M’Lai cũng có chín người; người đứng đầu hàng là Y Khoa bạn học cùng lớp với H’Dung. Y Khoa tóc quăn, người cao lêu khêu nhưng đá bóng khá lắm. Nhìn cái mặt vênh vênh của Y Khoa, H’Dung thấy ấm ức trong bụng, tự hứa với chính mình: hắn làm lớp phó phụ trách Văn Thể hay ăn hiếp cánh con gái, lần này mình phải thắng, thắng thật oanh liệt cho hắn ta bớt vênh váo.
Sau khi hai đội chiêng của hai buôn cùng tấu bài Cảm ơn Yang cho mưa thuận gió hòa, con người và loài vật mạnh khỏe, nay xin Yang suối Ya Brô cho được tổ chức cuộc thi bắt cá làm sản vật tạ ơn các Yang. Ông thầy cúng lẩm bẩm khấn vái, vảy nước bốn phía xong hai đội thi đấu cúi đầu chào nhau. Buôn M’Lai năm nay bắt được lá thăm may mắn đứng phía đầu suối, còn buôn Tai đứng phía cuối dòng. Tham gia tranh tài cánh đàn ông ai cũng đóng khố mới, khoe tấm lưng sạm nắng gió như đồng hun; cánh phụ nữ cũng diện yeng mới như đi dạ hội, trên tấm lưng trần đeo chiếc gùi mây lớn để đựng cá.
Điểm được chọn tổ chức cuộc thi hàng năm là vụng suối đoạn chảy qua gần hai buôn. Nhờ Yang ban phước cho vùng đất này nên khi suối chảy đến ranh giới của hai buôn tự nhiên phình bụng to ra tạo thành một cái vụng, quanh năm không bao giờ cạn nước. Vụng suối này dài gần bốn chục sải tay, chỗ rộng nhất năm sải tay, nơi nước sâu nhất hơn sải tay. Cuối mùa khô suối cạn dần, cá các nơi dồn vào vụng. Buổi chiều trước ngày tổ chức thi, thanh niên hai buôn ra đàn hát, khơi dòng cho nước chảy bớt đi, chỗ nào sâu nhất chỉ còn khoảng sáu gang tay.
Tung… tung… tung! Dứt ba hồi trống, hai đội đặt vội gùi xuống bãi cát rồi lao xuống suối trổ tài… tay không bắt cá. Họ nháo nhào lội ngược lội xuôi làm khúc suối đục ngầu, cá chạy loạn xạ, nhiều con thúc cả vào chân, nhảy lên lao cả vào ngực. Mấy người trung niên mò sát bờ khe bắt cá không vảy rúc vào, cánh thanh niên háo hức quần nhau nơi giữa suối bắt những con cá quả lớn. Cá bắt được ném lên bờ để nhặt bỏ vào gùi. Y Khoa thấy lũ cá trắng to bằng hai, ba ngón tay nổi lên nhiều, bắt ném mỏi tay quá liền chạy lên bờ lấy gùi đeo vào lưng xuống bắt cho nhanh; H’Dung nhìn thấy vậy cũng làm theo, lúc gùi nặng quá, chạy lên bờ đổ rồi xuống bắt tiếp. Hơn một tiếng sau, số cá trắng sặc nước bùn thò đầu lên thở bị tóm hết, mọi người đua nhau bắt các con cá đen như: trê, quả…
Trên bờ, tiếng chiêng, tiếng trống thi nhau gõ, tiếng người lớn, trẻ em hò hét động viên vang động cả góc trời làm những người tham gia cuộc thi càng hăng say hơn. Y Khoa mặt vẫn tỉnh khô, nhanh tay tóm cá ném vào gùi hình như không nhìn thấy H’Dung. H’Dung ức lắm nên quyết phải nhanh tay cùng góp sức bắt cho được nhiều hơn. Mấy anh chị thanh niên thỉnh thoảng lại cười ré lên khi bắt được cá to hay vô tình nắm được tay nhau dưới nước. Y Khoa vẫn chăm chỉ bắt không thèm nhìn ai cả, bổng hét toáng lên:
-A, tóm được rồi!
Hét lên xong Y Khoa ngồi xuống nước ngập đến cổ, ngập luôn chiếc gùi, bao nhiêu cá bắt được bơi ra hết; rồi gồng mình, từ từ đứng lên ôm theo một tảng đá lớn bước vội lên bờ. Mọi người nhìn theo, ngạc nhiên, chưa hiểu vì sao thì thấy Y Khoa cố hết sức lẳng hòn đá lên bãi cát. Mọi người ồ cả lên ngạc nhiên khi thấy hòn đá to như chiếc chiêng, thò đầu, đuôi, chân ra bơi bơi trong không khí. Ai đó kêu lên:
-Rùa, ôi con rùa to quá!
Nhiều người chạy lại xem, Y Khoa được thể cái mặt càng vênh lên như đã cầm giải nhất rồi ấy, trông ức quá; H’Dung nghĩ bụng: mình phải tóm được con cá to chứ không thèm nhặt “hòn đá” như thế. Nhưng làm thế nào để bắt được cá to khi chúng còn khỏe và bơi nhanh lắm? A, phải làm thế này mới được, trong đầu H’Dung nảy ra một ý nghĩ táo bạo vội ngồi xuống cho nước ngập đến cổ rồi từ từ đứng lên; mỗi lần như vậy lại lôi lên bờ một con cá quả lớn, làm mọi người ngạc nhiên, khen ngợi. Mọi người trong cuộc thi đều đổ dồn hết cả mắt lại xem H’Dung biễu diễn bắt cá một cách thần kỳ. Khuôn mặt vênh vênh của Y Khoa đã biến mất, nhường cho khuôn mặt đỏ gay như say rượu và cũng bắt chước ngồi xuống, quờ tay xung quanh để bắt, nhưng toàn vớ được những con nhỏ làm cặp mắt như muốn nhảy ra ngoài.
Sau hơn hai tiếng thi tài, già làng hai buôn quyết định ngưng tiếng chiêng, tiếng trống, hai đội lên bờ và phân định thắng thua. Đội buôn M’Lai bắt được ít cá hơn, không có nhiều cá to nhưng tóm được con rùa nặng gần hai chục ký. Đội buôn Tai bắt được hơn chín gùi cá, trong đó có nhiều cá quả to. Già làng hai buôn hội ý chưa biết phân định thế nào, Y Khoa lên tiếng:
-Bên nào bắt được con nặng nhất, to nhất bên ấy thắng cuộc.
Người buôn M’Lai reo ầm lên, hoan hô và xúm lại định công kênh Y Khoa, người chắc sẽ được chọn giỏi nhất cuộc thi vì bắt được con to nhất. H’Dung bước lại gần hai già làng nói:
-Hôm nay hai buôn thi bắt cá, những con cá còn sống, khỏe mạnh chạy trong nước ai bắt được nhiều, có nhiều con to thì thắng; còn con rùa tuy lớn nhưng nó có bơi đâu mà không bắt được, phải không ạ!
-Phải lắm, phải lắm!
-H’Dung nói đúng quá!
Người dân buôn Tai reo ầm lên hưởng ứng. Chờ mọi người trở lại im lặng, H’Dung nói tiếp:
-Dạ, con nghĩ hôm nay hai buôn ta thi bắt cá chứ không thi bắt rùa, rùa không phải là cá nên bắt được rùa không tính, phải thả cụ rùa xuống suối lấy may thôi.
Mọi người lại reo ầm lên tán thành, hai già làng cũng nhất trí như thế. Những người trong đội tham gia thi ai cũng ướt sũng; đầu tóc, da khố, yeng bám đầy bùn nhưng đôi mắt long lanh, cái miệng tươi như hoa, trừ Y Khoa mắt cứ như đang tìm cái kim rơi dưới đất. H’Dung vui lắm, thế là ngay mai lên lớp, “hắn” sẽ bớt khinh khỉnh đi. Già làng buôn M’Lai mời già làng buôn Tai lên nhận thưởng. Giải thưởng cuộc thi năm nào cũng như nhau: bên bắt được ít cá hơn thì phải thưởng cho bên bắt được nhiều hơn một con heo năm gang (đo độ dài từ đầu đến mông), một ché rượu cần lớn (cao ngang lưng người lớn); bên bắt được nhiều cá hơn tặng lại cho bên thua một nửa số cá mình bắt được kèm theo một con gà trống, một ché rượu bé (cao ngang đầu gối người lớn); sau đó giải thưởng của hai bên góp chung lại để tổ chức liên hoan đoàn kết hai buôn.
Buổi chiều, sau khi ông thầy cúng bày lễ tế Yang: một con gà luộc, một con cá quả nướng, một chiếc thủ heo có thêm: đuôi heo, một ít thịt và tim gan heo. Ông thầy cúng lâm rấm khấn mời các Yang về chung vui với dân hai buôn. Chiêng trống nổi lên, người dân hai buôn không kể già trẻ, lớn bé kéo về dự liên hoan, vít cần rượu và cùng thưởng thức các đặc sản chế biến từ cá. Y Khoa cũng bắt chước người lớn vít cần rượu làm mấy ngụm, một lúc sau lấy hết can đảm lại bên H’Dung nói nhỏ:
-H’Dung cho tao hỏi một câu được không?
Nhìn khuôn mặt buồn rười rượi của bạn học cùng lớp bao nhiêu bực tức bay đâu mất cả, trong lòng H’Dung chỉ còn lại sự thông cảm, không còn sự hả hê của người chiến thắng nữa, trả lời:
-Nói đi!
-Tại sao H’Dung ngồi xuống là bắt được cá to, còn mình cứ chạm vào là chúng chạy mất. Bắt cách nào giỏi thế?
Nghe hỏi, hai má H’Dung đỏ hồng cả lên, quay mặt ngó lơ chỗ khác, nói mà lời như mắc trong cổ:
-Bí mật mà!
-Không chia sẻ được à?
Y Khoa gặng hỏi thêm, H’Dung lắc đầu. Mấy anh chị thanh niên đứng gần đấy cũng quay lại vây xung quanh H’Dung gạn hỏi cách bắt cá. Ai cũng khen H’Dung giỏi, khéo tay và muốn học cách bắt cá để lần sau thi góp phần giành chiến thắng cho buôn mình. H’Dung cười ngượng nghịu:
- Bí mật mà, không nói được đâu!
Mọi người cười ồ cả lên làm H’Dung tự nhiên đỏ mặt, thầm nghĩ: Đúng là bí mật thật, ai lại đi nói ra cơ chứ… vì nói ra ngượng chết đi được. Cách bắt cá hôm nay đơn giản là dùng… yeng; khi ngồi xuống, hai tay nắm hai góc, xòe yeng ra chờ cá chạy qua đụng vào bụng thì túm yeng, nhốt luôn cá lại và… bắt. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng nói ra… ngượng chết!
Mùa thu năm 2015
Tuyên ngôn độc lập còn là sự đúc kết kinh nghiệm của nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ đấu tranh vì nhân quyền - dân quyền, vì độc lập tự do của dân tộc và nhân loại, thể hiện hùng hồn ý chí quyết tâm và sức mạnh Việt Nam.
Trả lờiXóa