Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 277 - tác giả TRƯƠNG BI




TRUYỀN THUYẾT VỀ SỬ THI M’NÔNG
  

Từ bao đời nay, đồng bào M’nông còn lưu truyền trong cộng đồng bon làng mình một kho tàng ót n’drong(sử thi) vô cùng quý báu. Theo ngôn ngữ M’nông: Ót có nghĩa là hát, kể; n’drong có nghĩa câu chuyện xa xưa. Ót n’drong được lưu truyền bằng ngôn ngữ truyền miệng thông qua các cuộc sinh hoạt văn hóa hát kể sử thi giữa nghệ nhân với cộng đồng buôn làng và giữa ông bà, cha mẹ với con cháu (gọi là gia truyền). Ót n’drong được kể trong mọi không gian khác nhau: Không gian lễ hội, không gian nhà dài trệt, không gian chòi rẫy, không gian đi rừng, không gian đánh cá, không gian chăn thả đàn trâu bò, nghĩa là chỗ nào có không gian thuận lợi là có thể kể ót n’drong.
Nghệ nhân hát kể ót n’drong trong cộng đồng người M’nông hiện tại không nhiều, nhưng họ có một trí nhớ rất kỳ lạ. Có nghệ nhân thuộc gần hai trăm câu chuyện sử thi với hàng vạn câu vần ót n’drong. Họ có thể kể suốt bảy ngày đêm mà vẫn chưa hết một bài sử thi. Điển hình là nghệ nhân Điểu Klung, Điểu Klưt, Điểu Glôi, Thị Jach, Điểu Xiêng, Điểu M’Piôih, Điểu N’Jông…
Người M’nông thường truyền tụng câu ca thể hiện sự yêu thích của mình khi nghe kể ót n’drong:
Buổi sáng kể chuyện nương rẫy
Buổi chiều kể chuyện củi nước
Buổi trưa kể chuyện anh hùng
Buổi tối kể chuyện Ndu, Tiăng…
Khi tìm hiểu về nguồn gốc sử thi M’nông, chúng tôi được các già làng kể cho nghe một truyền thuyết như sau: Xưa kia khi trời đất mới hình thành, ông Trời cử hai vị thần là Tông Par và Tang Par đi đo trời đất. Đo đất xong, hai thần trở về trời để đo bầu trời. Hai thần đo bầu trời suốt bảy ngày đêm mà không hề nghỉ ngơi nên mệt quá vì đói và khát, liền rủ nhau đi tìm thức ăn và nước uống. Hai thần đang đi thì gặp một vị thần trông coi ranh giới giữa trời và đất. Vị thần này mời hai thần Tông Par và Tang Par vào nhà ăn trái cây và uống nước. Với lòng hiếu khách, vị thần này mang ra một đĩa đào tiên, một bình nước tiên mời thần Tông Par và Tang Par. Nhưng vị thần này lại mang nhầm bình rượu tiên ra mời. Vì đói và khát, nên hai thần Tông Par và Tang Par ăn uống ngon lành. Ăn uống xong, hai thần Tông Par và Tang Par ngà ngà say, liền cùng nhau hát ót n’drong vang khắp bầu trời. Tiếng hát của hai thần ngân nga trầm bổng nghe du dương như tiếng nhạc, như tiếng cồng, tiếng chiêng làm cho các vị thần, chim thú trên trời kéo đến nghe rất đông. Kỳ lạ thay, hai vị thần vừa hát vừa uống rượu tiên thì giọng kể càng hấp dẫn. Vì uống rượu nhiều quá nên hai thần vừa đi vừa hát, vừa diễn tả những động tác của những nhân vật trong chuyện. Không ngờ hai thần đi đến bờ rào nơi ranh giới giữa trời và đất, bất ngờ bước hẫng chân và rơi xuống mặt đất tại vùng núi Gô N’tôk đầu suối Dak Huych (nay thuộc xã Đak Huych, tỉnh Dak Nông) và trúng  ngọn cây krăk gôr (loại cây giống cây si). Nhờ cây đỡ nên hai thần không hề gì. Nhưng vì say rượu nên hai thần vẫn hát ót n’drong say sưa. Tiếng hát của hai vị thần vang khắp núi rừng làm cho chim thú kéo đến vây quanh cây krăk gôr để nghe hát ót n’drong càng ngày càng đông. Tiếng hát của hai thần vang đến các bon làng của người M’nông, các tộc người M’nông cũng lũ lượt kéo đến nghe. Tộc người Bu Nong (M’nông Nong) vì ở gần nên đi đến trước. Họ nghe hai thần Tông Par và Tang Par hát ót n’drong trọn vẹn từ đầu đến cuối các câu chuyện. Hai thần còn bày cho người Bu Nong cách hát kể ót n’drong và còn tặng cho họ bức tượng thần biết hát kể ót n’drong. Còn các tộc người M’nông khác đến sau, như M’nông Preh, Biăt, Gar, Rơ Ông, R’Lâm… đến sau, nên chỉ nghe được vài câu chuyện cuối của ót n’drong. Vì lúc này hai thần đã tỉnh rượu và đang chuẩn bị bay về trời. Chính vì vậy mà từ bao đời nay trong cộng đồng người M’nông chỉ có người Bu Nong (M’nông Nong) là biết hát kể ót n’drong, còn các tộc người khác rất hiếm người biết hát kể ót n’drong. Ở tộc người Bu Nong không chỉ đàn ông biết hát kể mà có cả đàn bà, các chàng trai, cô gái được già làng truyền dạy cũng biết hát kể ót n’drong cho mọi người trong cộng đồng cùng nghe.
Các già làng Bu Nong còn kể rằng: Trong kho tàng ót n’drong có truyền thuyết “Kể dòng con cháu mẹ Chếp” nó chính là ót n’drong mẹ đã sinh ra hàng trăm câu chuyện ót n’drong khác. Truyền thuyết này đã kể lại lịch sử hình thành và phát triển của người M’nông. Từ bà tổ đầu tiên là bà mẹ Chếp đã sinh ra trăng sao, cây cỏ muôn loài, sau đó mẹ Chếp sinh ra mẹ Chắp, mẹ Chắp sinh ra mẹ Chau, mẹ Chau sinh ra mẹ Grên, mẹ Grăn. Từ các bà tổ ấy đã sinh ra 53 dòng họ M’nông khác nhau. Mỗi dòng họ do một bà mẹ đứng đầu, các con lấy tên của mẹ làm họ. Dòng họ cuối cùng do mẹ Rõng đứng đầu đã sinh ra người anh hùng Tiăng. Lúc đầu chàng Tiăng sinh ra từ một quả trứng bằng đá, nên đặt tên là Tiăng con Tiăp. Chàng Tiăng lớn lên thấy không thích hợp với tên của mình nên đã đầu thai vào 37 bà mẹ khác nhau. Ở mỗi bà mẹ, chàng đều có anh em ruột thịt và được tặng nhiều vật quý, như: ché thần, kèn thần, khiên thần, gươm thần, gùi hoa, cồng vàng, cồng bạc, khung dệt bằng bạc… Khi về già, nhớ lại những kỷ vật quý giá ấy, chàng Tiăng đã cùng anh em, con cháu đi đòi lại những vật quý ấy, nhưng các bon làng là anh em cùng mẹ khác cha của chàng không trả, thế là chiến tranh cướp tài sản, cướp vật quý, cướp người đẹp, cướp vùng đất cư trú diễn ra triền miên. Mỗi cuộc chiến tranh là một câu chuyện ly kỳ, nó nối chuỗi với nhau thông qua các nhân vật chính, như: Chàng Tiăng, Tang, Yang, Lêng, Ndu, mẹ Rõng, cha Kông và các vị thần bảo vệ bon làng chàng Tiăng là thần Lết, thần Mai cùng nhiều nhân vật anh hùng khác, tạo nên hàng trăm câu chuyện nối liền nhau trong kho tàng ót n’drong,  hiếm thấy ở các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Từ bao đời nay ót n’drong đã được lưu truyền trong cộng đồng như một báu vật văn hóa không bao giờ phai mờ trong ký ức của người M’nông.
Vừa qua,trong chương trình dự án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, bảo quản và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” (từ 2001-2007) do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chủ trì, đã phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tiến hành điều tra và sưu tầm được trên 500 tác phẩm sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, trong đó có trên 200 tác phẩm sử thi M’nông. Trong hội nghị nghiệm thu chương trình dự án trên, các nhà nghiên cứu folklore đã đánh giá cao kết quả đạt được của chương trình. Cũng trong hội nghị này, các nhà khoa học đã xếp sử thi M’nông vào loại sử thi liên hoàn (hay còn gọi là sử thi phổ hệ, sử thi chuỗi). Qua kết quả này càng làm sáng tỏ những truyền thuyết trên về kho tàng ót n’drong đã và đang tồn tại trong cộng đồng người M’nông như một báu vật, cần phải gìn giữ và phát huy trong cuộc sống đương đại.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI