VIẾT VĂN LÀ HÀNH ĐỘNG
HƯỚNG TỚI CÁI ĐẸP*
Vừa qua, tôi có một buổi nói chuyện với học
sinh, sinh viên Việt Nam tại Phòng thông tin, Đại sứ quán Hoa kỳ về hướng nghiệp
với đề tài “ Làm thế nào để trở thành nhà văn”.
Tôi nói với các bạn trẻ rằng : Câu hỏi làm thế
nào để trở thành nhà văn sẽ trở thành một câu hỏi cô đơn và lạc lõng trong xã hội
Việt Nam
hiện nay. Tôi đã đánh giá rất cao Phòng Thông tin sứ quán Hoa Kỳ khi chọn chủ đề
này. Trên bề mặt xô bồ của đời sống, nó đúng là một chủ đề lạc lõng, nhưng
trong sâu thẳm của giáo dục, nó là câu hỏi cần thiết và có thể là cấp bách với
chúng ta.
Hiện thực cho thấy, hầu như chẳng có phụ huynh
nào khuyên con cái mình trở thành nhà văn mà chỉ khuyên chúng trở thành bác sỹ,
nhân viên ngân hàng, tài chính kế toán, quản lý khách sạn, hải quan, tiếp viên
hàng không….Nghĩa là phải học những nghề có thể kiếm ra tiền một cách dễ nhất.
Tôi thông cảm một phần với các bậc cha mẹ. Đó thực sự không hoàn toàn là lỗi của
họ.
Với những vụ sát hại man rợ tận cùng xẩy ra ở Bình
Dương và Nghệ An, tôi cảnh báo các bạn trẻ rằng : Nếu chúng ta không tìm cách
ngăn chặn thì đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ nghe tiếng gõ cửa và những kẻ sát
nhân bước vào ngôi nhà chúng ta ra lệnh chúng ta làm những gì chúng muốn. Nếu
không tuân lệnh, chúng sẽ sẵn sàng nổ súng. Chúng ta đừng bao giờ ngốc nghếch
nghĩ rằng : Chúng ta ở trong một ngôi nhà kiên cố là chúng ta có thể an toàn.
Khi xã hội không an toàn thì mỗi ngôi nhà chúng ta không có khả năng an toàn.
Khi sông hồ quanh ta nhiễm độc thì bể nước trong ngôi nhà chúng ta với đủ các
loại máy lọc tiên tiến nhất cũng sẽ bị nhiễm độc. Và cái gì sinh ra những tội ác
man rợ tận cùng đang diễn ra trong xã hội chúng ta ? Mọi người có thể đưa ra
nhiều nguyên nhân. Nhưng nguồn gốc của mọi tội ác sinh ra từ những con người vô
cảm và không biết rung động trước cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp của con người.
Chính việc giáo dục của chúng ta đã đóng góp một phần quan trọng trong giáo dục
thẩm mỹ và nhân văn đã làm cho con người trở nên vô cảm và độc ác.
Tôi nói với các học sinh,
sinh viên hôm đó về vai trò của văn học trong việc xây dựng nhân cách con người.
Nếu có một lúc nào đó họ sa ngã thì cái đẹp mà một phần do văn chương mang lại
sẽ làm cho họ biết sám hối. Tôi không khuyên họ trở thành nhà văn của một triệu
bạn đọc nhưng hãy trở thành nhà văn của một bạn đọc đó là chính họ. Bởi khi họ
viết văn cho dù dưới một hình thức nào đó thì đấy là hành động hướng tới cái đẹp
và suy ngẫm về cái đẹp. Khi họ viết văn là họ có cơ hội nghe được bản thân mình
rõ nhất và xem lại bản thân mình. Trong những năm qua, có một số người lên tiếng
về việc quá nhiều người làm thơ và in thơ. Họ gióng hồi chuông về sự bình dân hóa
thơ ca. Nhưng tôi nghĩ khác : Tôi thấy đó là một trong những dấu hiệu tốt trong
đời sống tinh thần của chúng ta. Bởi khi viết những câu thơ thì hầu như tất cả
những người viết đó đang hướng về những điều tốt đẹp. Những văn bản họ viết có
thể không phải là một văn bản nghệ thuật thực sự nhưng hầu hết đó là những văn
bản nhân tính. Và xã hội con người luôn cần những văn bản đó cho dù nó được xuất
bản cho một triệu người đọc hay chỉ là một văn bản viết tay giấu kín trong hộc
tủ của ai đó và thỉnh hoảng họ lại mang ra đọc một mình.
Một hai năm trước tôi đọc
trên báo chí và thấy rằng có một số trường đại học muốn bỏ thi môn văn. Dạy văn
và học văn không phải để sinh ra các nhà văn, nhà thơ mà là một trong những con
đường đưa con người vào thế giới nhân tính. Một hiện thực là rất nhiều học sinh
không còn thích học môn văn nữa. Lỗi đó không thuộc về học sinh. Lỗi đó thuộc về
những nhà giáo dục cùng một phần của các bậc cha mẹ. Trong khi họ, các nhà giáo
dục và các phụ huynh, nỗ lực hết mình để truyền đạt những kiến thức mang tính
thực dụng cho con em họ thì họ đã bỏ quên việc nuôi dưỡng tâm hồn con em họ. Những
đứa trẻ đó lớn lên sẽ trở thành những bác sỹ phẩu thuật rất giỏi, những ông chủ
nhà băng lớn, những thương gia giàu có…nhưng lại là những kẻ vô cảm và dửng dưng
với mọi số phận quanh họ.
Trong buổi nói chuyện, một
sinh viên hỏi tôi: “Cháu có hai người bạn rất thân nhau. Một người giỏi văn. Nhưng
khi lớn lên, người bạn của anh ta gặp khó khăn và anh ta đã phản bội lại bạn mình.
Sao một người học giỏi văn lại đối xử với bạn mình không nhân văn như thế?”.
Câu hỏi vô cùng hay. Vậy thì tại sao ? Tôi trả
lời sinh viên kia : Vì cách dạy văn lâu nay của chúng ta hoàn toàn giống
như dạy cách sao chép một văn bản lý thuyết từ giáo án của thầy cô sang vở ghi
chép của học sinh. Nó giống như học sinh dùng một cái usb “cắm vào” ổ máy của
thầy cô rồi coppy vào cái máy của mình. Thao tác đó không hề được đi qua thế giới
của những run rẩy, những thổn thức, những chia sẻ, những tưởng tượng, những dày
vò và cả những lo sợ mơ hồ. Chính cái thế giới ấy mới làm nên tâm hồn con người.
Cậu học sinh kia chỉ học một thao tác kỹ thuật sao chép đơn giản chứ không học
cách cảm nhận cuộc sống và cách sống. Và kết quả như bạn sinh viên kia chứng kiến
là điều hiển nhiên.
Những năm 70 của thế kỷ trước
chúng tôi học văn hoàn toàn khác. Tôi không bao giờ quên được những buổi lên lớp
của các thầy cô dạy văn và đặc biệt là thầy Trần Mạnh Hưởng ở trường Cấp 3 Mỹ Đức,
Hà Tây cũ. Thầy đã dẫn chúng tôi vào một thế giới mà chúng tôi chưa hề biết trước
đó. Có những đêm tôi thao thức mãi với bài giảng của thầy Hưởng, cô Thái hay thầy
Du ở lớp học trong ngày. Một điều gì đó thật kỳ diệu và lạ lùng đã dâng lên
trong tâm hồn của chúng tôi. Nó đã bồi đắp tâm hồn chúng tôi từng ngày một cách
lặng lẽ nhưng thật bền vững và lớn lao. Hãy làm một chính khách, một bác sỹ, một
chủ nhà băng, một thương gia… ban ngày và hãy làm một nhà văn vào buổi tối trong
ngôi nhà của mình. Hãy viết cho chính mình, viết bằng bút, bằng laptop hoặc bằng
những suy ngẫm và cụ thể hơn bằng một hành động của yêu thương trước hết trong
chính ngôi nhà của mình. Và sáng mai thức dậy, con đường bạn đi đến công sở đã
là một con đường khác đầy cảm hứng, đầy đức tin và vô cùng bền vững hơn chính
con đường bạn mới đi ngày hôm qua.
(*): Đầu đề của bài viết do BBT Tạp chí Chư
Yang Sin đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI