NGUYÊN HƯƠNG
RỒI THÌ SAO NỮA...?
Truyện ngắn
Mẹ tôi còn xinh đẹp
lắm và nhẹ dạ lạc lòng lắm.
Nhiều khi tôi muốn
nổi nóng với mẹ, nhưng vì mẹ đã một mình nuôi hai chị em lớn khôn cho nên tôi
không đành. Tôi là cô giáo mầm non, tôi hiểu nuôi nấng một đứa con là hành trình
bất tận của những vất vả lặp đi lặp lại. Nhưng thôi, nghề nghiệp của tôi không
là điều tôi muốn kể, nó giúp tôi thông cảm với mẹ hơn, vậy thôi. Đủ để không xảy
ra cãi nhau.
***
Mấy lần mẹ kể chuyện
cổ tích: Hồi đó có một người rất thương mẹ. Người đó tốt bụng, chân thành, và
khá giả nữa.
Mà tại tôi phản ứng
dữ dội quá. Tôi nhất định gọi tên em mình là Út. Tôi không chịu có thêm em khác
nữa.
Em Út chịu người đó. Mỗi lần người đó đem bánh kẹo tới, Út chịu để cho nựng
nịu và dắt đi chơi. Còn tôi thì từ chối mọi điều. Bữa cơm có người đó, tôi dằm
nát bấy thức ăn trong mâm. Tôi hỗn láo không chịu chào hỏi và gác chân lên ghế...
Tôi còn đòi bỏ nhà đi.
Một đứa nhỏ tám tuổi
thì đi đâu?
Tôi cố nhớ lại khi
mình tám tuổi, và cả trước đó... Mơ hồ một khuôn mặt trong hỗn độn. Người đàn ông
đó có chân thành như mẹ kể không? Hay mẹ thêu hoa dệt gấm để bắt đền? Vì tôi mà
mẹ mới ra ngày hôm nay. Lẽ ra đã có nơi chốn neo giữ mẹ.
Nhiều khi tôi ước
ao, dù biết mình hoang tưởng vì đã mười lăm năm qua rồi, nhưng tôi vẫn không ngăn
được niềm tưởng tượng là người đàn ông đó vẫn đang rất gần đâu đây, chờ tôi lớn
lên, hiểu biết hơn.
Hoặc tình cờ mẹ con
tôi gặp lại người đàn ông đó...
“Rồi thì sao nữa hả
con?” mẹ vừa hỏi vừa xịt nước hoa vô thùng, hoặc là cái hộp, hoặc là cái tủ một
ngăn... tôi không biết tên gọi đúng của nó là gì, hình dáng như cái quan tài dựng
đứng nhưng dĩ nhiên nó đẹp đẽ hơn và hoàn toàn không gây rùng mình.
Cạn gần nửa chai nước
hoa thì mẹ bước vô cái thùng (cái hộp, cái tủ một ngăn, cái quan tài dựng đứng...)
và đóng cửa lại.
Đã quen rồi nhưng vẫn
không thể không lo lắng. Thân hình mẹ choán phần lớn thể tích bên trong nghĩa là
chừng ấy không khí bị đẩy ra ngoài khi mẹ chui vô. Làm sao đủ oxy cho mẹ hít thở
suốt thời gian chờ cho mùi thơm thấm đẫm chân tơ kẽ tóc?
Người ta nói cỡ tuổi
mẹ có những bất ngờ khó lường. Mẹ ướp nước hoa kiểu đó nhiều lần rồi và chưa lần
nào bị làm sao cả. Nhưng biết đâu cái lần bị làm sao đó sẽ xảy ra khi cả hai chị
em tôi vắng nhà?
Vậy, tôi ghét nhìn
mẹ trang điểm và váy áo và vân vân và vân vân... Nhưng tôi phải theo dõi cho tới
khi mẹ thơm ngát từ tóc xuống chân. Phần còn lại thì tôi nhắm mắt.
Nhắm mắt mà tôi vẫn
nghe tiếng tắc xi trờ tới ngay trước cửa nhà. Và giọng nói và cách nói năng của
tài xế.
Vậy đó, tắc xi. Chẳng
người đàn ông nào đích thân đón mẹ. Bí mật.
***
Bí mật bị bật mí. Mà
là bí mật của tôi.
Quán cà phê vườn
ngoài những tấm bạt ngăn che lều lán còn cây cỏ um tùm đến nỗi thừa yên tâm không
ai thấy mình. Vào buổi tối thì những kẻ cố tình rình mò hoàn toàn bó tay là cái
chắc.
Tôi không có nỗi sợ
ai đó nhìn thấy mình bên cạnh Huy cho nên tôi và Huy ngồi ở cái bàn gần quầy tính
tiền. So với ánh sáng đèn màu hồng sậm không đủ phân biệt ly cà phê đá và ca
cao sữa thì vị trí này đáng gọi là sáng choang, dĩ nhiên không lãng mạn bằng chỗ
cái bàn được bao quanh bằng những chậu kiểng rung rinh chùm lá thoang thoảng hương
bạc hà. Tại vì muỗi. Ngồi với người yêu mà huơ tay chân đuổi muỗi thì còn gì là
duyên dáng. Chắc đã tới hạn tái phun thuốc diệt côn trùng mà chủ quán quên mất.
Tôi đang nghĩ lảm
nhảm trong đầu là các cặp ở phía lều lán um tùm cây cỏ làm sao yên với bầy muỗi
thì bỗng có tiếng răng rắc của cành cây gãy và tiếng kêu “ái da” vang lên. Ai đó
vấp trúng cành cây gãy rơi trên lối đi.
Xuất hiện một cặp.
Người đàn ông đi thẳng một mạch ra cổng còn người đàn bà đi tới quầy tính tiền.
Dáng nhí nhảnh trên đôi giày cao gót, và mùi nước hoa quen thuộc.
Lẽ ra Huy đã không
chú ý, chỉ tại anh nhìn theo ánh mắt tôi.
- Ai vậy em?
Chẳng trốn đâu được
nữa. Miệng tôi bật ra:
- Mẹ.
Tôi vừa trả lời Huy
vừa gọi mẹ. Cú đúp. Vẻ mặt Huy ngỡ ngàng và tôi biết vậy là thôi rồi. Nhưng tôi
không để nỗi hụt hẫng khiến mình thua trắng tay. Tôi cố vớt vát, biến nỗi tủi hổ
đau đớn thành cơ hội có thể khiến mẹ thay đổi.
***
Mà mẹ chẳng thay đổi.
Nghe tôi đổ thừa vì thấy mẹ với người đàn ông đó nên tôi bị người yêu con nhà nề
nếp ruồng bỏ, mẹ nhún vai ngâm nga “yêu nhau mấy núi cũng trèo...”
- Con nên mừng vì cuộc gặp mẹ tối hôm đó là một
phép thử - Mẹ nói.
Thật bó tay với mẹ
luôn.
Út cười như mếu:
- Chắc là em cũng không lấy được chồng.
Thật ra thì Út may
mắn hơn tôi. Không biết anh chàng người yêu của Út đã tự thấy gì và Út đã kể gì
cho người yêu nghe, nhưng anh chàng đó đã tới nhà lần thứ hai, vẫn rất lễ phép.
Tôi biết Út đang hồi hộp chờ đợi lần thứ ba. Nếu có lần thứ ba thì có quyền hy
vọng thêm nhiều lần nữa. Và biết đâu là mãi mãi.
Mãi mãi là một từ
hiếm có trong đời thật.
Vậy nên tôi tự nhận
xét mình có tính mộng mơ. Mâu thuẫn quá. Vì tôi thực tế kinh khủng: tôi phải kiếm
cho mẹ một người đàn ông độc thân, nhanh, trước khi xảy ra một cuộc đánh ghen kéo
cả hai chị em tôi cùng xuống hố.
***
“Tuổi năm mươi. Có hai đứa con đã tự đi làm kiếm
tiền được rồi nên cho phép mình hưởng thụ cuộc sống, thích xí xọn và thỉnh thoảng
vui vẻ quán xá, hát karaoke, khiêu vũ. Mong muốn gặp một người tính cách thoải
mái mà nghiêm túc trong tình cảm.”
Đọc duyệt mẩu tin tôi
vừa gõ, Út cười:
- Chị giỏi ghê,
khoe chị em mình kiếm tiền được rồi để người ta không thấy gánh nặng mà sợ.
Tôi hoàn toàn không
có ý tứ sâu sắc vậy. Tôi chỉ lấy đó làm lý do để biện hộ cho tính ham chơi của
mẹ thôi. Bỗng muốn ôm Út mà hôn một cái thật mạnh, cứ tưởng em vô tư hơn tôi.
Tôi nhớ khi mình mười
tám bằng tuổi Út bây giờ, và trước đó... Mớ hỗn độn có tên ký ức từ từ tan loãng
và mẹ hiện ra rất khác. Mẹ gầy gò, tóc cột túm lỏng lẻo, hai tay mẹ chống nạnh
trên hai cục xương hông nhô ra “Hả? Khi cần chạy tiền thuốc thang cho con anh ở
đâu? Khi mái nhà bị dột thì anh ở đâu? Khi tôi trèo lên bàn để nối dây điện thì
anh ở đâu? Khi tôi tập cho con đi xe đạp thì anh ở đâu? Hả hả hả...?”
Đó là khi tôi gặp lại
cha sau mười năm. Tôi nhận ra cha vì cơn thịnh nộ của mẹ, thật lòng tôi không
nhớ mặt cha. “Cha mày đó. Có muốn đi theo thì đi luôn đi.” Mẹ hét vô mặt tôi.
Tới lúc đó tôi mới
biết mẹ từng leo lên mái nhà và nối dây điện. “Sao mẹ leo lên mái nhà được?” Tôi
hỏi. Mẹ cười khừ “Đụng chuyện là được hết con à. Bọn thợ thấy chủ nhà là đàn bà
nên làm dối mà còn hỗn. Mẹ leo lên cho biết tay.”
Những khuya học bài
nghe tiếng mèo kêu trên mái, tôi ngước nhìn và tưởng tượng mẹ đang đứng trên đó,
hai tay chống nạnh trên hai cục xương hông...
Thương mẹ biết mấy.
***
Sáng mai chủ nhật.
Kế hoạch là tới quán cà phê, tôi ngồi bàn này Út ngồi bàn kia như không quen biết
nhau. Kín đáo quan sát và chấm điểm ba người đàn ông ở trang web Tìm Bạn Muôn
Phương mà tôi đã thay mẹ gởi email hẹn hò. Ai được tổng điểm cao nhất là người được
chọn.
- Lỡ mà trong quán có nhiều hơn ba người đàn ông
tuổi năm mươi cô đơn đi uống cà phê thì sao mình phân biệt được ai là ai? - Út
hỏi.
- Người hẹn hò sẽ có thái độ khác - Tôi nói.
- Ý chị là họ nhìn quanh hả? - Út lại hỏi
- Nhìn ra cửa thì đúng hơn - Tôi trả lời.
- Nếu mình tới sớm hơn họ thì mình cũng nhìn ra
cửa - Út nói sau một hồi nghĩ ngợi, như là khám phá chân lý.
- Dĩ nhiên - Tôi gật đầu.
- Tuyển chồng cho mẹ mà giống canh chừng ăn trộm
quá - Út nói.
- Một ông chồng cần qua vòng tuyển
khác nữa. Tụi mình là giám khảo vòng sơ khảo thôi.
Hai chị em cười như
điên trong vô vọng trộn lẫn hy vọng. Đến nỗi không nghe tiếng tắc xi ngừng trước
cửa. Sợ hàng xóm dòm ngó cho nên tôi luôn canh chừng xe vừa ngừng lại là mở cửa
ngay. Có khi còn phải lôi mẹ vào nhà.
Giọng mẹ qua điện thoại phiền trách “Ngủ rồi hả con?” Tôi vội chạy ra. Mùi
rượu trộn với mùi nước hoa thành mùi kỳ dị nhưng đêm nay có thứ khác kỳ dị hơn:
tắc xi vẫn còn đó.
Thường thì chỉ một
mình mẹ.
Tôi ghét phải thấy
mẹ một mình trước vỉa hè vào giờ này, gió thổi vạt váy bay bay giữa khuya nhìn
như thân hình mẹ quấn một tấm khăn trễ tràng và nó sắp tuột xuống.
Không phải tắc xi.
Không màu mè không có tên hãng và số điện thoại bên hông. Toàn một màu đen bóng,
sang trọng kiêu kỳ.
Tôi ngạc nhiên đến
thộn người không nói năng gì. Bỗng ý nghĩ mình là một phần của đêm nay khiến tôi
muốn bật cười và tôi cố ghìm lại. Dù sao thì tôi cũng để lộ là mình đang vui.
Biết đâu tôi hủy luôn kế hoạch ngày mai.
- Mẹ khoe là về nhà luôn có con đợi sẵn - Mẹ lè
nhè - Mẹ cá độ... Con khiến mẹ bị thua rồi.
Quay mặt về phía người
ngồi sau tay lái trong chiếc xe màu đen, mẹ vẫy vẫy những ngón tay, cái vòng ở
cổ tay mẹ đung đưa óng ánh:
- Được rồi... Em thua... Không ai đón đợi em hết...
Nợ anh một chầu...
Bàn tay thò qua cửa
kính, những ngón tay vẫy vẫy đáp lại mẹ. Rồi chiếc xe lướt êm như ru.
Trái tim tôi sụm xuống.
Bàn tay đó có đeo nhẫn ở ngón áp út.
***
Tôi tới quán cà phê
sau Út năm phút. Vừa bước qua cửa, đang nhìn quanh để tìm một chỗ ngồi có thể
quan sát được bao quát thì giọng Út vang lên sau một chậu cây cảnh:
- Em ở đây nè.
Sao lại vậy? Câu hỏi
vừa vọt trong đầu thì tôi nhìn thấy người ngồi cùng bàn với Út.
Cha.
Tôi đếm thời gian
thật nhanh. Gần năm năm, kể từ ngày đó.
Mắt Út biểu lộ sự bất
lực và đồng thời là nhẹ nhõm vì tôi đã đến. Cứ như nãy giờ một mình Út phải gồng
mình chống đỡ cảnh oái ăm này.
“Không sao,” tôi trả
lời Út cũng bằng mắt. Rồi tôi đi tới gần và nói “Con chào cha.”
- Sáng nay gặp hai chị em ở đây thật là vui -
Cha cười - Út lớn nhanh ghê.
Tôi đợi cha tìm ra điều gì đó hay ho nơi tôi để khen như vừa khen Út, nhưng
cha gật gù:
- Nếu hai đứa không phản đối thì thỉnh thoảng
cha con mình gặp gỡ chuyện trò được không con?
Có vẻ như cha và Út
đã kịp nói nhiều chuyện và đã qua nỗi ngượng ngùng của gặp lại nhau sau thời
gian dài.
- Cha hay uống cà phê ở quán này? - Tôi hỏi.
Cha nhìn quanh, lắc
đầu:
- Không. Quán này hơi xa. Cha hay uống ở gần nhà.
Lần đầu tiên cha tới đây.
Cõ lẽ nào? Út đá chân tôi dưới gầm bàn, mũi giày nhọn húc mắt cá chân tôi đau
điếng.
“Thầu xây dựng.
51 tuổi. Thích tìm tòi. Thường đọc báo. Ghiền cà phê. Rượu chỉ uống khi giao tiếp
công việc. Đã định độc thân suốt đời. Muốn làm quen với em và tiến tới hôn nhân.
Muốn có con.”
“Giáo viên
toán. 52 tuổi. Kinh tế ổn định. Góa từ 10 năm nay. Có một con trai và một con gái
tuổi đều đã lập gia đình ở riêng. Không bia rượu không thuốc lá. Thích đọc sách
văn học và nghe nhạc tiền chiến. Mong làm quen và bắt đầu bằng tình bạn thông
hiểu nhau.”
“Chủ tiệm
giày thời trang nam nữ. 55 tuổi. Đã ly dị. Thích xem phim và kinh doanh. Muốn có
một sự quen biết nghiêm túc để tiến tới hôn nhân.”
Chắc chắn cha không
phải giáo viên toán. Vậy thì cha là thầu xây dựng hay chủ tiệm giày thời trang?
- Con nghe nói dạo này cha chuyển nghề? - Tôi hỏi.
- Ừ. Cha hùn với người bạn mở tiệm giày thời
trang - Cha gật đầu và móc ví lấy ra tấm danh thiếp - Địa chỉ đây. Khi nào hai đứa
ghé tiệm mang thử vài đôi, cha tặng. Mà sao con biết cha chuyển nghề?
Tôi lấy điện thoại
ra làm như vừa có tin nhắn. Tôi chăm chú vô điện thoại để tránh câu trả lời và đợi
nỗi trống rỗng căng phình trong lòng mình dịu xuống, mẩu tin cha tự giới thiệu
trên trang Tìm Bạn Muôn Phương không hề nhắc tới hai đứa con.
Tôi cố chống lại nỗi
muốn đứng lên bỏ đi ngay. Không thể vì cha mà buổi sáng nay sụp đổ được. Vẫn còn
hai người khác.
Út lại đá chân tôi,
mắt Út nhìn ra cửa.
Người đàn ông tuổi
trên năm mươi vừa đi vào. Cao gầy, tóc chải ngược có vuốt keo, cặp kính gọng đen
trên sống mũi, áo sơ mi màu kem, quần thụng vừa phải, giày da màu nâu bóng láng,
vừa đi tới cái bàn trống vừa nhìn đồng hồ vừa nhìn quanh.Tám điểm cộng, trừ một
điểm đàn ông hẹn hò mà quá trễ, đã trễ mà còn hoang phí thời gian trau chuốt nữa,
còn bảy không cộng.
Và tôi nhìn thấy người
đàn ông khác ngồi ở góc. Ly cà phê trước mặt ông ta vơi quá nửa. Có lẽ ông
ta vào quán đã khá lâu mà lo nói chuyện với cha nên tôi và Út không kịp chú ý.
Người này bụng hơi phệ, râu con kiến, mắt sâu, áo thun rộng màu xám và quần
jean xanh, giày mọi màu đen. Đáng được tám điểm vì dáng vẻ tự nhiên nhưng tôi
phân vân vì cái bụng phệ và kiểu ngồi vắt chân chữ ngũ lật đế giày lên trời.
Có lẽ người cao gầy
là thầy giáo toán còn bụng phệ là thầu xây dựng nhưng biết đâu thầy giáo chỉ hoạt
động đầu óc nên bụng mau phệ ra?
Sợ cha nhận ra tôi đang
chú ý tới hai người đàn ông, tôi cúi xuống búng búng vết bụi dính ống quần. Mắt
tôi đụng đôi giày màu da bò của cha. Khoảng cách quá gần nên tôi nhìn rõ từng mũi
chỉ nổi đều đặn sắc sảo, cảm giác lớp da mềm ôm ấp bàn chân.
Tôi không ngăn được
mắt mình tiếp tục nhìn lên, săm soi. Tôi không rành áo quần đàn ông nhưng chắc
chắn bộ áo quần cha mặc là hàng hiệu bởi vì nó hoàn hảo quá, mặt vải mượt mịn,
những chỗ mà đường chỉ nổi lên không một gợn nhăn. Cổ áo sơ mi vừa vặn tôn khuôn
mặt cha tươi tỉnh khiến những nếp nhăn ở khóe miệng cũng thành duyên dáng khi
cha nói và cười. Cổ tay cha đeo cái đồng hồ dây da màu nâu tông xuyệt tông với
màu giày.
Cha lịch lãm khác hẳn
khi đứng trước mặt mẹ trong cơn thịnh nộ.
So sánh giữa ba người,
cha xứng đáng điểm chín cộng.
Út nhìn tôi bối rối,
chắc là em cũng chấm cha điểm cao nhất.
Chấm điểm xong.
“Rồi thì sao nữa hả
chị?”. Tôi nhìn thấy câu hỏi trong mắt Út, hệt như khi tôi hão huyền về người đàn
ông cổ tích của mẹ.