Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 290 tác giả PHẠM MINH TRỊ




“BẾP LỬA” – NỒNG ĐƯỢM TÌNH BÀ CHÁU


Nguyễn Việt Bằng, tên khai sinh của nhà thơ Bằng Việt, sinh năm 1941, ở Thạch Thất, Hà Tây – nay là Hà Nội. Ông viết bài thơ này năm 1963 khi đang học ngành luật ở Liên Xô (cũ). Ông là bạn thân của cặp vợ chồng nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Không hiểu sao khi đọc bài thơ Bếp lửa tôi lại nghĩ đến bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh. Có lẽ cả hai đều là những dòng hồi tưởng về tuổi ấu thơ. Một bài lấy ánh lửa nồng đượm ấm áp để làm chỗ tựa cho cảm xúc. Một bài đem tiếng gà buổi trưa cục ta cục tác đang nhảy ổ để xây nên cảm xúc. Song cả hai đều đưa người đọc xuôi về miền kí ức đẹp đẽ để rồi bật lên tình bà cháu thân thương yêu kính.
Có người nói rằng khi nhà thơ Bằng Việt học tập ở Liên Xô nhớ nhà đến quặn thắt con tim, lại đang vào mùa đông, trời đầy tuyết, lòng nhớ nhung thế là cảm xúc dâng trào. Tác giả viết một mạch, bài thơ hoàn thành rất nhanh. Nhưng còn băn khoăn về bút danh. Chọn mãi sau được sự góp ý của người bạn gái người Cuba cùng học, nhà thơ đã chọn bút danh là Bằng Việt – đảo ngược tên và chữ đệm mà thành.
Trong lúc tuyết phủ trắng trời ấy còn gì hay hơn và phù hợp hơn khi có bếp lửa trong lòng. Bếp lửa ấy vừa sưởi ấm khí lạnh của tuyết vừa nối liền nỗi nhớ quê hương, vừa tô đậm tình bà cháu. Thế nên mở đầu bài thơ hình ảnh một bếp lửa chờn vờn sương sớm trong hồi tưởng hiện ra. Từ láy chờn vờn cho người đọc thấy rõ đây chỉ là sự hoài niệm của kí ức thưở ấu thơ hiện ùa về. Và dòng hồi ức mở ra…
Con người khi xa xứ, lúc cuộc sống vật chất đủ đầy thường nhớ về quê hương và đặc biệt nhớ về thời khốn khó, cơ cực nhất. Nhà thơ cũng vậy nhớ thời Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói/ Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi/ Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy/ Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/ Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay. Hình ảnh khói hun nhèm mắt được trợ từ chỉ đi kèm với tính từ nhớ, tác giả không dùng từ chỉ mức độ nhưng nỗi nhớ vẫn được nhấn mạnh và còn thêm sự nhận xét đánh giá nên tạo ra sự ám ảnh. Hình ảnh khói hun nhèm mắt đã ám ảnh mãi trong tâm trí của tác giả và nhắc nhở người đọc nhớ về một thời kì chồng chất nỗi cay cực, khổ sở. Đói đến nỗi mòn mỏi tưởng không còn sức sống, cực đến nỗi khô rạc cả thân ngựa gầy. Thật thấm thía nỗi đau thương.
Dòng hồi tưởng tiếp tục nhớ về hồi 9 năm trường kì kháng chiến, mẹ và cha đi công tác xa không về, ở nhà vào ra chỉ có hai bà cháu, nhưng tình bà cháu vẫn ấm áp nồng đượm như bếp lửa mỗi ngày cháu cùng bà nhóm lửa. Đặc biệt âm thanh nôn nao tha thiết  của tiếng chim tu hú nơi đồng xa. Ta tưởng như âm thanh ấy vượt hàng ngàn dặm đất trời vang mãi tận xứ tuyết xa xôi. Dường như tiếng chim tu hú ấy biết nói, biết suy nghĩ, biết cảm thông. Tác giả ước ao Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà/ Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa. Tiếng kêu hoài của tu hú càng khiến lòng người xao động bởi nó được không gian rộng mênh mông của những cánh đồng xa làm xúc tác tạo nên những xung động trong hiệu ứng thẩm mĩ lan toả vô cùng. Trong đoạn thơ có 11 câu, mà tác giả để âm thanh tiếng chim tu hú cất lên tới năm lần, chiếm gần một nửa số câu thơ trong đoạn. Cả đoạn tràn đầy tiếng chim tu hú. Tiếng tu hú là âm thanh đặc trưng của mùa hè. Mới chớm nghe đã thấy bâng khuâng, xao xuyến vừa có cảm giác nhớ nhung, vừa có cảm giác nôn nao xa vời vợi và nuối tiếc. Có lẽ cặp câu thơ Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà/ Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa. Là cặp câu thơ hay và gợi cảm nhất của bài thơ này. Tác giả có sự kết hợp rất độc đáo giữa biện pháp nghệ thuật nhân cách hoá với biện pháp hoà hợp giữa âm thanh tượng trưng với bề mặt diện tích để tạo ra sự liên  tưởng vừa kích hoạt vào cảm giác vừa làm nổi bật ý muốn biểu hiện. Đây là cách nói gợi nhất về tình bà cháu vừa mênh mang, vừa sâu thẳm. Thán từ ơi cùng câu hỏi cuối dòng thơ càng làm cho tình bà cháu quyện lại trong nhớ nhung, chẳng bao giờ nguôi ngoai.
Dòng hồi tưởng tiếp tục đưa người đọc về với những năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi. Tội ác của bọn giặc càng hun đúc ý chí, nghị lực của con người hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi/ Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh/ Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh/ Bố ở chiến khu bố còn việc bố/ Mày có viết thư chớ kể này kể nọ/ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên. Cuộc kháng chiến 9 năm trường kì và cả sau này nữa thắng lợi là nhờ ở những con người kiên cường, lạc quan luôn nhận lấy phần cực khổ để người ra đi yên lòng phục vụ Tổ quốc. So với lịch sử họ là nhỏ bé, so với chiến công kì vĩ của dân tộc họ bị khuất lấp song nếu không có những con người như bà, người hàng xóm và cả cháu bé  thì sao làm nên kì tích. Chính tình bà cháu đã kết lại thành một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.  Sự đau thương của quê hương, đất nước đã đọng lại trong cuộc đời bà lận đận đời bà biết mấy nắng mưa nhưng bà sẵn nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ. Một lần nữa biện pháp điệp ngữ được tác giả sử dụng thành công. Dòng cảm xúc dâng trào. Từ hành động cụ thể – thực – nhóm bếp, nồi xôi tác giả nâng lên tầng bậc mới, khái quát hơn – nhóm yêu thương, nhóm dậy những tâm tình. Tình bà – ngọn lửa – niềm tin mãi mãi bất diệt nên mới kì lạ và thiêng liêng.
Gói lại dòng cảm xúc đang dâng trào là thời gian hiện tại (giờ cháu đã đi xa). Với không gian sôi động – có ngọn khói trăm tàu, có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả. Dù ở đâu, lúc nào, phương trời nào, hoàn cảnh nào thì hành động bình dị nhóm bếp lửa của bà vẫn luôn in đậm, khắc sâu trong lòng tác giả. Và ngọn lửa nồng ấm cháy mãi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI