Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 290 - tác giả VIỆT NGA






NHỚ RUỘNG BẬC THANG MÙA LÚA CHÍN

Tản văn


Sang thu. Dạo qua các trang internet thấy nhiều bài viết về ruộng bậc thang Tây Bắc mùa lúa chín, tự dưng nhớ đến cồn cào. Bao nhiêu năm rồi, cứ mùa lúa chín là tôi lại lên đường đi Tây Bắc. Những chuyến đi như một phần tất yếu của cuộc sống. Năm nay bận rộn chưa lên lịch được, có lẽ đành lỡ hẹn với ruộng bậc thang, cho nên day dứt vô cùng. Nhớ ruộng bậc thang Tây Bắc mùa lúa chín, tất nhiên là nhớ màu vàng óng đầy mê hoặc trải giữa mênh mông trời đất. Nhớ mây trắng trập trùng giữa khoảng không xanh ngắt. Nhớ những lều canh nương chênh vênh ven vạt núi. Nhớ nắng rừng gió núi hào phóng để những viền hoa dại ven đường mòn nở say mê, hồn nhiên. Nhớ cả mảnh trăng mọc sớm, trong veo như một lưỡi liềm thuỷ tinh treo chênh chếch nơi đầu núi...
Nhưng nỗi nhớ về ruộng bậc thang Tây Bắc không chỉ có thế, không chỉ lung linh như những tấm ảnh mà dân phượt đua nhau đưa đầy trên mạng xã hội để khoe chiến tích ngao du. Nỗi nhớ day dứt cứ hướng về những cơ cực lầm than đằng sau màu lúa chín óng ả, ấm no kia. Bao nhiêu kỷ niệm với Tây Bắc lại nôn nao thức dậy....
Nhớ những vòng ruộng bạc thang ôm trọn bao quả núi lừng lững trải suốt chiều dài huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Suốt dọc đường từ thành phố Lai Châu lên đến xã Sì Lở Lầu của huyện Phong Thổ, biết bao nhiêu ruộng bậc thang đẹp mê hồn trải ra ngút tầm mắt. Thế nhưng ước lượng con đường mòn chênh vênh bò từ thung lũng dưới chân núi lên đến những ruộng bậc thang cao nhất nơi đỉnh núi, mới thấy hết được nỗi gian nan của người dân vỡ ruộng, khai hoang. Vỡ được một mảnh ruộng bậc thang đã khó, canh tác để có được bắp ngô, bông lúa còn chồng chất khó khăn hơn nhiều. Chỉ cần trực tiếp trèo lên những vạt ruộng bậc thang gần nhất, những du khách miền xuôi đã hết hơi hết sức, chưa nói đến việc vỡ ruộng bằng cuốc hay cặm cụi cấy gặt bằng tay, cặm cụi trải bạt ngay nền ruộng vừa gặt xong để đập lúa rồi gùi từng gùi lúa về bản. Tôi đã từng xin gùi thử một gùi lúa của anh chàng Lò Mi Tu (xã Sì Lở Lầu) nhưng rồi không thể cõng nổi gùi lúa ấy trên lưng chứ đừng nói đến chuyện bước cao bước thấp cõng gùi lúa ấy trên lưng mà xuống núi. Vì nó nặng quá. Lò Mi Tu kể rằng nhìn ruộng bậc thang trải dài miên man thế, nhưng lúa thu được cũng chẳng đáng bao nhiêu. Hàng ngày anh vẫn thường cùng bà con dân bản lội qua con suối phân thuỷ dưới chân núi này để sang ngọn núi phía bên kia chặt chuối thuê cho bà con Trung Quốc (xã Sì Lở Lầu giáp với Trung Quốc, ranh giới chỉ là một con suối nhỏ). Tiền công mỗi ngày làm cật lực như thế là ba trăm ngàn đồng. Nếu chỉ trông chờ vào ruộng bậc thang với hai vụ lúa một năm thì không thể đủ ăn.
Nhớ những thửa ruộng bậc thang lượn vòng trong mây trắng ở "thiên đường mây" Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai). Màu lúa chín vàng ngời cứ chơi trò ú tim thoắt ẩn thoắt hiện trong mây. Tôi thắc mắc với cô Si, chủ một nhà nghỉ kiểu homestay ở ngay gần chợ Y Tý rằng tại sao mỗi năm lúa lại chín vào một thời điểm khác nhau, khi sớm, khi muộn. Cô Si bảo vì bà con cấy lúa bằng "nước trời" nên cấy sớm hay cấy muộn là do mưa sớm hay mưa muộn. Phải có mưa thì mới cấy lúa được chứ. Từ lúc cắm cây lúa xuống đến lúc gặt được bông lúa về là đúng 100 ngày. 100 ngày "trông trời trông đất trông mây/ trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm". Tôi theo chân bà con bản Lao Chải ở Y Tý lên gặt ruộng bậc thang trong mùa gặt tháng 10. Nhặt một bông lúa bất kỳ, tỉ mẩn đếm, số hạt lép tương đương số hạt mẩy. Nhặt thêm vài bông lúa nữa, cũng vậy thôi. Năng suất lúa của ruộng bậc thang rất thấp. Hỏi bà con bao nhiêu kg một thửa ruộng, ai cũng lắc đầu. Đúng là không thể nào tính đếm nổi. Ruộng bậc thang chênh vênh men sườn núi, vòng thì to, vòng thì nhỏ, tuỳ theo địa hình, biết đâu mà đo đạc. Lúa gặt xong đập tay ngay tại ruộng, cũng chẳng cân đong gì. Nhưng nhìn bà con sảy lúa ngay tại ruộng, đống lúa lép bằng đống lúa mẩy thì biết ngay để có một hạt gạo nguyên lành ở xứ này là không biết bao mồ hôi khó nhọc đã đổ xuống những vòng ruộng bậc thang. Đứng ở thật xa chụp ảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín chỉ thấy ánh lên màu vàng óng ả đầy mê hoặc. Nhưng đặt chân lên tận ruộng mới thấy được những cây cỏ lồng vực cao hơn cả lúa đứng ngạo nghễ, chen chân với lúa. Mới thấy được một bông lúa có bao nhiêu con bọ xít đen sì bâu chặt. Có trực tiếp chân trần trèo từ bậc ruộng này lên bậc ruộng kia mới thấm thía giá trị của một bát cơm thơm, mới hiểu vì sao trong chợ phiên Y Tý sáng thứ bảy hàng tuần, bà con mang nông sản đi bán, cái gì cũng chỉ có một chút thôi. Một chút rau. Một chút lạc. Một chút đỗ. Mấy quả su su. Và đặc biệt là không nhìn thấy ai bán nguyên thúng gạo. Chỉ là một chút gạo đựng trong rá, trong túi nilon. Gạo nếp hay gạo tẻ cũng chỉ chừng 2kg mà thôi. Mỗi lần đi chợ bán gạo, người dân chỉ có ngần ấy gạo để bán thôi. Ngần ấy gạo là thứ tài sản dành dụm, là bớt mồm bớt miệng của cả gia đình, chứ không phải là những dư thừa mang bán bớt. Bà con Y Tý vẫn giã gạo bằng cối giã dùng sức nước, cho nên phải đợi mấy ngày mới được một cối gạo con con. Gạo giã xong vẫn còn xỉn màu vì chỉ tách vỏ trấu ra chứ không trắng tinh được như gạo dưới xuôi được chế biến bằng máy xát...
Nhớ ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Mù Cang Chải được báo chí mệnh danh là nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất. Đã có cả lễ hội ruộng bậc thang được tổ chức hoành tráng để tôn vinh ruộng bậc thang. Và khách du lịch ùn ùn kéo lên Mù Cang Chải. Tôi cũng đã chân trần trèo lên tận thửa ruộng mâm xôi - chỗ ruộng bậc thang được lên ảnh nhiều nhất vì được tạo hình đẹp nhất. Những vòng ruộng ôm trọn quả đồi tròn căng, vào mùa lúa chín ánh lên sắc vàng no ấm trông như mâm xôi đầy đặn và quyến rũ. Những đứa trẻ chừng mười, mười hai tuổi đã biết thoăn thoắt ôm lúa xếp nơi góc ruộng để người lớn đập lúa, sảy lúa. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng thử ôm lúa, xếp lúa một lúc thôi, tôi đã thấy hoa mắt, mồ hôi túa ra đầm đìa. Vậy mà các bé vừa làm vừa đùa nhau cười rúc rích. Những đôi chân sáo lon ton ấy còn dẫn tôi vào sâu trong bản, vào tận trường tiểu học La Pán Tẩn. Các em đi học một buổi, một buổi đi làm cùng bố mẹ. Mùa gặt, ai ai cũng bận rộn và vất vả. Lên tận nơi mới thấy ruộng bậc thang không chỉ đẹp đẽ và thơ mộng, không chỉ là bức tranh tuyệt tác giữa núi rừng mà ruộng bậc thang còn là bao mồ hôi nước mắt, bao khó nhọc, lam lũ đời nối đời của bà con Tây Bắc. Mới hay hạt cơm đến được với con người lúc nào cũng "dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần".
Nhớ ruộng bậc thang Tú Lệ trong một chiều thu vàng nắng. Xuyên qua bản Lìm Thái, chúng tôi ngất ngây trên cánh đồng Cao Phạ đang mùa gặt rộ. Một chiếc ô xoè cắm nghiêng trên bờ ruộng. Một em bé sơ sinh bé xíu, được đặt trên mảnh chiếu nhỏ trải lên lớp rơm mới còn thơm nồng dưới tán ô giữa trời chang chang nắng - cái nắng mùa thu không dịu dàng như thơ mà vẫn gắt lên. Một người mẹ trẻ tranh thủ nghỉ tay cho con bú ngay bờ ruộng. "Sinh lâu chưa mà đã đi làm, đã mang con ra tận ruộng thế này?”, tôi hỏi. "Được một tuần rồi đấy", cô gái trả lời. Trước sự kinh ngạc và lời thắc mắc của tôi rằng sao vừa mới sinh đã dám ra đồng gặt lúa quần quật mà không ở nhà nghỉ ngơi, cô gái trả lời giản dị: “Lúa chín rồi thì phải đi gặt thôi chứ. Đẻ xong rồi thì phải đi làm thôi chứ! Không làm thì sao có lúa gạo mà ăn!” Chao ôi ruộng bậc thang Tây Bắc! Chẳng biết phải viết làm sao cho đủ những nhọc nhằn. Để rồi buổi tối ở thị trấn Tú Lệ, khi cầm trên tay nắm cốm dẻo xanh, món quà thảo thơm của đất trời Tây Bắc, nước mắt cứ ứa ra vì nhớ đến những bàn chân trần nứt nẻ trên những vạt ruộng chênh vênh...
Nhớ ơi là nhớ ruộng bậc thang Tây Bắc! Những cây lúa lặng lẽ bén rễ, lặng lẽ xanh. Những cây lúa lặng lẽ đấu tranh với bao cỏ dại, sâu bệnh, hạn hán, bao khắc nghiệt của thời tiết để kết hạt âm thầm. Những bàn tay chồng chất vết chai sần, tảo tần vỡ từng thước đất, tảo tần chăm từng khóm lúa, từng vạt ruộng. Những hạt lúa thuỷ chung theo người về bản. Những hạt lúa nuôi người để người giữ đất, giữ nước, giữ dải biên cương xanh thắm yên lành. Ruộng bậc thang bởi thế đã thành linh hồn, máu thịt của Tây Bắc yêu thương. Không thể nào không nhớ ruộng bậc thang khi lòng nôn nao hướng về Tây Bắc mỗi thu sang.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI