Nhắc đến Dak Lak người ta nghĩ ngay đến vùng đất được
mệnh danh là xứ sở cà phê Việt Nam .
Quả đúng như vậy, nếu có dịp bạn theo quốc lộ 14A từ Gia Lai qua, hay quốc lộ
26A dưới Khánh Hòa lên, hoặc Quốc lộ 27A bên Đà Lạt về, đến địa phận Dak Lak
bạn sẽ thấy những cánh rừng cà phê bạt ngàn, trải dài như vô tận. Cây cà phê
sinh trưởng trên mảnh đất ba zan trù phú này phần đa thuộc nhóm cà phê có tên
khoa học là Rubusta người dân ở đây gọi nôm na là cà phê vối (vì lá giống với
lá cây vối người Việt thường lấy lá nấu nước uống), khác xa so với cà phê các nơi
bởi sự đồng đều về chiều cao và tán. Thường thường cây cà phê vối khi đưa vào
kinh doanh cao 1,2m tán rộng xấp xỉ 1,4m; nếu cây nào trên 10 tuổi có thể cao
tới 1,5m, tán rộng hơn 2m một tý. Mùa hoa cà phê nở tất cả các kẽ lá đều bung
ra những chùm hoa trắng tinh khôi, thơm ngát. Mùa hoa cà phê nở cũng là mùa con
ong đi lấy mật và mùa bướm bướm về. Không biết loài bướm ở đâu ra mà nhiều đến
thế, chúng bay kín trời, màu sắc rực rỡ, bay qua các lô cà phê hàng tháng trời
không hết. Nếu ai có dịp tới Dak Lak được chiêm ngưỡng một lần điệu vũ của các
loài bướm và hít thở hương thơm của hoa cà phê sẽ trọn đời không quên. Còn
người dân sinh ra và lớn lên ở Dak Lak dù vì cuộc sống mưu sinh phải đi xa,
nhưng đến mùa hoa cà phê nở cũng háo hức tìm đường về dù chỉ một ngày để thả
hồn mình với hoa với bướm rồi đi cho
đỡ nhớ.
Nhưng Dak Lak không chỉ có cây cà phê làm say đắm lòng
người, mà thiên nhiên còn ban phát cho nơi đây một dòng sông khác lạ, dòng sông chảy ngược. Thông thường ở đất nước Việt Nam chúng ta “trăm sông đổ một
biển Đông”, mọi con sông đều từ phía tây chảy xuôi ra biển Đông; riêng sông ở
Dak Lak lại chảy ngược, sông bắt nguồn từ phía đông chảy ngược qua phía tây và
đổ về sông Mê Kông thuộc địa phận Vương quốc CamPuChia, đó là sông Srê Pôk.
Sông Srê Pôk có hai nhánh chính, một nhánh được đặt tên là Krông Ana (theo
tiếng Êđê là sông Cái hay còn gọi sông Vợ) bắt nguồn từ dãy ChưYangSin thuộc dải
Trường Sơn chảy qua các huyện Krông Pak, Krông Bông và Krông Ana trước khi hợp
dòng với sông Krông Knô tạo thành sông Srê Pôk. Nhánh thứ hai bắt nguồn từ tỉnh
Lâm Đồng chảy qua địa phận hai tỉnh Dak Nông và Dak Lak trước khi hòa với dòng sông
Krông Ana được đặt tên: sông Krông Knô (theo tiềng Ê đê là sông Đực hay còn gọi
là sông Chồng); nếu sông Krông Ana hiền hòa, tạo ra những cánh đồng lúa nước
rộng lớn, phì nhiêu nơi nó chảy qua thì ngược lại, dòng sông Krông Knô tương
đối hung dữ; nó len lỏi qua các dãy núi cao, tạo nên lắm thác ghềnh trước khi
ùa vào dòng Krông Ana hình thành sông Srê Pôk. Có lẽ vì “vợ chồng sông” lâu
ngày bị chia cắt nên khi chúng gặp nhau đã quấn quýt lấy nhau, gầm thét lao về
phía tây tạo nên nhiều thác nổi tiếng như: Thác Đray Sap, Đray Nur, Trinh Nữ,
Đray H’Linh… thác nào cũng đẹp, thơ mộng và hung vĩ. Trước đây, khi vùng đất quang thành phố Buôn Ma Thuột còn
hoang vu, rừng còn nhiều thú dữ, nhưng ông vua cuối cùng của triều đại nhà
Nguyễn – Bảo Đại đã bắt quân dân phục dịch băng rừng lội suối đến thác Đray Sap
thưởng thức. Trước cảnh đẹp của thác, ông vua nổi tiếng ăn chơi một thời không
ngớt trầm trồ thán phục và lấy ngay tên ông nội của mình đặt tên cho thác, từ
đó dòng thác được mang tên: thác Gia Long. Nhắc lại điều ấy để bạn đọc có thể
hình dung ra dòng thác hùng vĩ như thế nào!
Sau ngày thống nhất đất nước ngành du lịch Dak Lak tổ
chức nhiều tua du lịch đến các dòng thác trên dòng Srê Pôk và thu hút được đông
đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt từ khi bước qua thế kỉ XXI, với
chính sách mở cửa của Đảng và nhà nước ta, nền “công nghiệp không khói” ở Dak
Lak có bước phát triển vượt bậc và cũng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
tương đối tốt, thu hút ngày càng đông du khách đến thăm, góp phần đáng kể nguồn
thu ngân sách cũng như tạo cho nhiều người dân nơi đây có thêm việc làm. Vì thế
khi đến Dak Lak du khách không chỉ được thưởng thức ly cà phê thơm ngát chính
hiệu mà còn được đi thăm những dòng thác xinh đẹp, đến rồi không muốn về.
Trong những tháng đầu năm 2009, một số báo đưa tin:
Các dòng thác trên sông Srê Pôk bị khai tử! Nghe nói giật mình, tôi quyết tâm
đi một chuyến xem sao. Theo như sở Công Thương Dak Lak cho biết: trên sông Srê Pôk
ngoài nhà máy thủy điện Đray H’Linh được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ
trước vẫn vận hành tốt, hiện nay có 3 nhà máy thủy điện đang thi công và sắp
hoàn thành là: nhà máy thủy điện Buôn Tua Sar, nhà máy thủy điện Buôn Kup, nhà
máy thủy điện Srê Pôk 3, ngoài ra còn có 2 nhà máy đã được duyệt dự án, sẽ thi
công vào thời gian sắp tới là: nhà máy thủy điện Srê Pôk 4 và nhà máy thủy điện
Srê Pôk 5. Dòng sông chảy ngược quả là
giàu tiềm năng để khai thác “than trắng”, biến nó thành điện phục vụ sự nghiệp
“hiện đại hóa đất nước”. Nhưng những
nhà máy thủy điện mọc lên nhiều như vậy có ảnh hưởng gì đến các dòng thác nói
riêng và cuộc sống của người dân trên địa bàn Dak Lak nói chung? Cũng có người
cho rằng xây dựng các nhà máy thủy điện còn cần phải tính đến diện tích mặt hồ
vì đất đai có ít, xây dựng các hồ chưa nước lớn sẽ chiếm mất nhiều diện tích
đất thì không có lợi về kinh tế lâu dài. Tôi mang thắc mắc này trao đổi với ông
Trần Ngọc Ánh – Trưởng phòng Tổ chức kiêm Chánh văn phòng Ban quản lý thủy điện
5. Ông cho biết: Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Tố Hữu từng viết:
“Hỏi đâu thác nhảy – cho điện xoay chiều”; để xây dựng các nhà máy thủy điện,
người ta chủ yếu dựa vào các dòng sông có thác, các nhà máy thủy điện được xây
dựng trên sông Srê Pôk cũng theo một quy luật ấy cả. Theo như tính toán, các
dòng thác vẫn bình thường sau khi nhà máy đi vào hoạt động vì công ty cam kết
để tối thiểu lượng nước chảy qua thác là 8 đến 10 m3/ giây. Hiện nay
đập chứa nước của thủy điện Buôn Kup đã hoàn thành đang tích nước để chuẩn bị
chạy thử, nước trên các thác Gia Long, Dray Nur, Đray Sáp… vẫn chảy bình
thường. Tôi phân vân bán tín bán nghi nên quyết tâm đến thăm các công trình thủy
điện trên dòng Srê Pok xem sao.
Trước đây nói đến căn cứ cách mạng Nam Ka, người
ta thường nghĩ ngay đến vùng đất khô cằn, đường sá cách trở, khó khăn. Bốn bề
là núi cao bao bọc, việc đi lại thông thương với bên ngoài chỉ có một cách duy
nhất là đi bộ trèo đèo lội suối hoặc dùng voi để vận chuyển. Trong cuộc kháng
chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược, địa danh Nam Ka là nỗi kinh hoàng của bọn
cướp nước và bán nước đồng thời là niềm tự hào của quân và dân ta. Sau ngày
thống nhất đất nước, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, ta chưa làm đường lớn vào đây được. Phải đến tận khi
có dự án nhà máy thủy điện Nam
Ka, con đường rải nhựa, vượt qua núi cao, vực sâu để đến với vùng đất oai hùng
một thuở, ô tô xe máy chạy đến tận khu vực hành chính của xã. Ông Trương Quang
Hồng, Trưởng ban Quản lý dự án nhà máy thủy điện Buôn Tua Sar cho biết: nhà máy
thủy điện Buôn Tua Sar là công trình thủy điện đầu nguồn sông Srê Pôk; theo
thiết kế, hồ chứa nước của công trình thủy điện này có dung lượng 800 triệu m3,
vốn đầu tư 2.500 tỷ, công suất nhà máy 86 mêgaW. Nếu so với các nhà nhà máy đã
và đang thi công trên cùng dòng sông này thì công suất không phải lớn, nhưng có
vai trò hết hết sức quan trọng, ảnh
hưởng trực tiếp đến các nhà máy thủy điện khác cũng như việc phòng chống lũ
lụt, vì nó có nhiệm vụ điều tiết nước cho sông Srê Pốc và các nhà máy thủy điện
phía đưới. Công trình chính thức khởi công ngày 25 tháng 11 năm 2004 và dự kiến
hoàn thành trong năm 2010. Tôi lên thăm công trình được tận mắt chứng kiến cảnh
thi công giai đoạn cuối, người xe hối hả làm việc dưới cái nóng oi bức mùa khô.
Tình cờ tôi gặp một đoàn người dân tộc Êđê đi làm về đang rửa chân phía dưới
chân đập, bà amí H’Jut vui vẻ cho tôi biết: Minh ưng lắm cái con đập này, nó
làm cho sông bớt giận giữ, không lên cướp phá bắp lúa như trước đây nữa. Con
đường nhựa từ thị trấn vào đây rộng lắm, đi được nhiều xe nên hàng hóa mang vào
được nhiều, lại rẻ như ngoài phố, thích lắm. Trả lời câu hỏi của tôi: Công
trình này có lấy mất nhiều ruộng rẫy không? Ồ, không nhiều đâu, đây là vùng
toàn đá thôi, chúng xếp lại thành ghềnh đẹp lắm; nay nó chìm dưới nước cả rồi.
Cả vùng chỉ có 4 hộ được tiền trả công làm rẫy; họ nhận tiền đền bù mua nhiều
thứ đẹp lắm, vui lắm. Nhìn những khuôn mặt rạng ngời hạng phúc khi nói về công
trình thủy điện đang xây như nói về chính công trình của mình; điều đó chứng tỏ
công trình đã được sự đồng thuận của người dân trong vùng. Công trình khởi
công, đường sá được làm mới, điện lưới kéo đến tận từng gia đình, trên đầu hồi
nhiều nhà đã mắc chảo DTH, bắt sóng truyền hình từ vệ tinh. Nam Ka hôm nay
đã có bước chuyển mình về mọi mặt; ngoài đường, điện ra, trường học cũng được
đầu tư xây dựng khang trang. Mảnh đất heo hút khi xưa, nay đã trở thành một địa
danh du lịch hấp dẫn để du khách đến thăm nhà máy thủy điện và ngắm nhìn đỉnh
núi Nam
Ca cao 1300 mét so với mặt nước biển, đứng soi bóng xuống mặt hồ; thăm căn cứ
cách mạng Nam Ka oai hùng một thuở...
Rời thủy điện
buôn Tua Sar, tôi đến thăm công trình thủy điện Buôn Kup. Đây là công trình
thủy điện lớn nhất được xây dựng trên sông Srê Pôk, có vốn đầu tư 5.000 tỷ
đồng, công suất nhà máy 280 mêgaw, đường hầm dẫn nước vào nhà máy dài 4,7km
(dài nhất Việt Nam và Đông nam Á). Tôi quan tâm đến công trình này vì hồ chứa
nước án ngữ ngay sát các dòng thác nổi tiếng như: Dray Sáp 1, Dray
Nur, Trinh Nữ… liệu hồ đang đóng cửa tích nước thì các dòng thác sẽ ra sao!
Đứng trên con đập chính của nhà máy thủy điện Buôn Kup ngắm nhìn mặt hồ rộng mênh
mông, mang nặng phù sa; xa xa về hướng đông bắc, cà phê xanh tốt mỡ màng trải
dài xa tít tắp. Tôi hỏi ông Nguyễn Đức Khẩn thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện
Krông Ana, một lão nông rời quê Thái Bình vào đây lập nghiệp gần ba mươi năm về
ý kiến của người dân khi công trình thủy điện xây dựng trên quê hương họ. Ông
vui vẻ cho biết: Có cái hồ nước lớn thế này thì tốt quá chứ. Anh xem, cà phê
bao quang bờ hồ rất cần nước tưới, nay thì không lo bị thiếu nước, độ ẩm tăng nên
năng suất chắc chắn sẽ cao; khí hậu cũng tốt hơn cho sức khỏe con người, ấy là
chưa kể sau vài tháng nữa việc kinh doanh, khai thác nguồn lợi thủy sản trên
mặt hồ sẽ tạo việc làm cho nhiều hộ nông dân có thêm thu nhập. Nếu các bên liên
quan đầu tư thoả đáng thì đây còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, chắc chắn
sẽ thu hút được nhiều du khách đến thăm.
Con đập ngăn nước cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn một ít
công nhân đang rải đá chuẩn bị rải nhựa và trồng cột đèn điện. Nhìn về phía hạ
lưu, dù các cánh cửa đóng kín để tích nước, nhưng trên dòng chính, nước sông
vẫn chảy khá mạnh. Tôi hỏi ông Trần Ngọc Ánh: Các cửa đập đều đóng kín, tại sao
nước trên sông Srê Pok vẫn chảy nhiều như vậy? Anh nhìn phía chân con đập ấy,
nước thấm qua đập đấy. Khi thiết kế, người ta không lường trước được hết các
vết nứt của đá nên khi hồ bắt đầu tích nước mới phát hiện ra đập bị thấm nước,
bên thi công đã thuê các chuyên gia đầu ngành về khoan, bắn bê tông hiện đại
nhất nhưng vẫn không thể khắc phục được, đành phải chấp nhận! Công trình lớn
như thế này mà đập nước bị thấm, lượng nước chảy ra sông đạt vận tốc từ 10 đến
12m/giây, liệu tuổi thọ công trình sẽ như thế nào về lâu dài. Như đoán được băn
khoăn của tôi, ông Ánh cho biết thêm: Theo tính toán của các chuyên gia, nước
chảy qua các kẽ đá ở sâu dưới lòng đất, không ảnh hưởng gì đáng kể đến công
trình. Theo cách giải thích như thế, tôi biết vậy chứ mình đâu có chuyên môn
trong lính vực này đâu! Xuôi sông Srê Pôk, tôi đến thác Dray Sáp 1 (tên gọi mới
của thác Gia Long), cách đập thủy điện Buôn Kup khoảng 2 km; thác vẫn chảy
nhưng diện tích mặt thác bị thu hẹp lại
đáng kể, sự hùng vĩ vần còn đó, song đã bớt đi nhiều sự hung dữ. Trời xế chiều,
cầu vồng bảy sắc vẫn xuất hiện trên mặt thác. Anh bạn cùng đi với tôi chợt reo
lên thích thú khi khám phá ra một điều hết sức mới mẻ về dòng thác: nước rất
trong! Đúng thật, nước trong như lọc. Nếu ai đã từng đến thăm những dòng thác
trên sông Sê rê pôk trước đây, cho dù đang trong mùa mưa hay cuối mùa khô,
chúng ta thấy nước sông vẫn đục ngầu. Còn hôm nay, nước trong xanh, ta có thể
nhìn thấy cả những chú cá đang lao mình đùa giỡn với thác. Đây lại là một điều
thích thú nữa. Nước trong cũng phải thôi vì nó thấm qua chân con đập, len qua
các kẽ đá từ sâu trong lòng đất trước khi trở lại với dòng sông nuôi các dòng
thác. Thế là ngoài cả dự kiến của các nhà thiết kế khi hoạch định “nuôi” các
dòng thác bằng cung cấp nước qua các van xả, giờ đây dòng sông tự nó tìm ra
cách để tồn tại và vẫn cất tiếng hát vang khi qua các dòng thác.
Các công trình thủy điện trên dòng sông “chảy ngược”
dù đã hoàn thành hay đang thi công đã góp phần làm phong phú thêm cảnh đẹp Tây
Nguyên. Thật khó tin trên vùng đất chỉ có nắng và gió này đã có thêm những hồ
nước lớn, không những là nguồn cung cấp điện phục vụ con người mà còn góp phần
cải thiện mội trường và có ý nghĩa quyết định đến tăng năng suất cây trồng,
tăng sản lượng cà phê, lúa, hoa màu… trên vùng đất mà nó đi qua. Xét cho cùng, chúng
ta phải chấp nhận thực tế, một vài thác ghềnh nổi tiếng trên sông có thể bị mất
đi hoặc kém dữ dội như xưa, nhưng đổi lại ta có được lợi ích to lớn phục vụ cuộc
sống thì sự đánh đổi đó cũng chấp nhận được. Tôi tin cho dù mùa mưa hay mùa
khô, dòng Srê Pôk vẫn hát, khúc hát oai hùng, mạnh mẽ, tự tin vì nó đang ngày
càng phục vụ cuộc sống, phục vụ con người hữu ích hơn.
Có một chị trong ban giám khảo rất đồ sộ,chị ấy chắc cũng là họa sỹ phải không ạ?
Trả lờiXóaHa! ha! Thế là Hồng Nga bị nhầm rồi, cũng phải có lúc nhầm vậy mới thú vị chứ. người "đồ sộ" ấy là họa sĩ Hồ Hậu đấy bạn tôi ạ!
Xóa