Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

NỖI ĐAU CÒN ĐÓ bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯYANGSIN SỐ 239 THÁNG 7 NĂM 2012




Xã Ea Tyh, ở phía đông huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk. Tuy đất đai vùng này không được màu mỡ như các xã khác trong huyện, nhưng dân cư khá đông đúc nhờ có quốc lộ 26A đi qua địa bàn. Từ ngã ba 68 rẽ theo con đường liên xã được rãi nhựa có lẽ đã lâu nên bây giờ mặt đường thành sống trâu, sống bò và cả ổ voi chứ không chỉ ổ gà; xe chúng tôi phải mất gần 20 phút mới đi qua quãng đường 3 km đến thôn Quyết Tiến 1 của xã để tìm gặp anh Nguyễn Văn Hương.
Nhà anh Hương được xây dựng khá khang trang ngay ngã tư của thôn, có tiệm bán tạp hóa và cắt tóc. Tôi biết anh từ thời 1988, khi dân Hải Hưng theo tiếng gọi của Đảng thực hiện di dân đi kinh tế mới; còn tôi đang thất nghiệp cũng vào rừng kiếm sống qua ngày, chờ sự công bằng được phán xét từ cơ quan tư pháp cao nhất. Hình như thời bấy giờ những người nghèo thường dễ cảm thông với nhau. Anh người lính lái xe ủi trên đỉnh Trường Sơn trong chiến tranh ác liệt chống Mĩ cứu nước, chiến tranh qua đi, hoà bình lập lại, trở về quê mang vợ con đi xây dựng kinh tế mới; hàng ngày phá rừng, đốt than khai hoang làm rẫy; cơm độn khoai, sắn ăn với rau rừng ngày hai bữa không no. Tôi, người thầy giáo bị kỷ luật cũng phải vào xin rừng ít sản vật sống qua ngày. Hai anh em gặp nhau trong cánh rừng hoang một cách tình cờ và quen nhau. Tôi còn nhớ khi ấy anh tuy không to cao nhưng mạnh khỏe, khuôn mặt tròn, có nước da ngăm ngăm đen, giống như nguyên mẫu của người lực điền đồng bằng bắc Bộ. Anh mời tôi về căn nhà hai gian dựng tạm bằng cây rừng, lợp cỏ gianh là nơi trú ngụ của bốn người con nhỏ lít nhít với cô vợ cũng thấp bé, gầy nhưng có khuôn mặt phúc hậu và người mẹ già ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”. Cảnh dân đi kinh tế mới có kể cả ngày cũng không hết nỗi khó khăn vất vã: từ mờ sáng đến tối mịt đánh vật với cây rừng để dành giật từng mét vuông đất trồng tạm cây khoai, cây sắn hay khóm rau, khắc phục cái đói đang dai dẵng bám theo.
Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng anh chị và các cháu sống rất hạnh phúc. Đêm đêm bên ánh đèn dầu khói bay nghi ngút, gia đình đầy ắp tiếng cười. Khi vui, anh làm vài ly rượu mía và kể chuyện chiến tranh mình đã trải qua cho mọi người nghe. Anh kể: Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo Làng An Đông, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; chưa kịp biết yêu đã xung phong nhập ngũ đầu tháng 7 năm 1969, đến tháng 2 năm 1970 bổ sung vào C12, Binh trạm 9, trực thuộc Bộ tư lệnh Đoàn 559, chiến trường Bình Trị Thiên. Vì chiều cao “khiêm tốn” nên anh được cho đi học lái máy ủi bảo vệ đường. Thời gian này, máy bay Mĩ đánh phá ác liệt lắm, cứ máy bay rãi bom xong, tắc đường cánh lái xe ủi T74 lại trườn ra mặt đường san lấp cho kịp thời gian thông xe. Nhiều lần ủi cả bom chưa nổ đẩy xuống thung lũng để thông đường. Chuyện bị bom vùi cả máy và người là chuyện thường ngày như cơm bữa, vì thế không có gì ngạc nhiên vào tháng 11 năm 1970 anh phải vào viện điều trị vì bị sức ép nặng bất tỉnh. Tháng 1 năm 1971, sức khỏe hồi phục lại trở về đơn vị cũ bám đường. Ta mở chiến dịch đánh mạnh ở chiến trường miền Nam, máy bay địch điên cuồng đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm nhằm ngăn chặn con đường huyết mạch tiếp tế cho miền Nam và Tây Nguyên. Đơn vị của anh nhiều người ngồi trên ca bin xe ba, bốn ngày không được nghỉ, liên tục bám mặt đường, khắc phục sự cố, đảm bảo thông xe. Có lần máy bay Mĩ rãi chất độc làm rụng lá cây, rơi trắng đường như sương mù buổi sáng; nhiều anh em nôn mữa, đau đầu, có người sức yếu gục ngay trên tay lái. Thấy vậy, anh hét anh em cởi áo lót, đái vào đó rồi đưa lên bịt mũi, hiệu nghiệm lắm. Không ai dạy cả, hồi nhỏ bị khói thì lấy vạt áo nhúng nước che mũi; nay không có nước thì lấy nước đái, thành ra còn tốt hơn nước lạnh. Nhờ sáng kiến này mà các anh vượt qua vũ khí hiện đại của Mĩ, giữ vững cung đường, đảm bảo giao thông.
Anh cũng đã từng được đơn vị bình bầu là Chiến sĩ thi đua, cử đi báo cáo thành tích. Khi đi đã được chính trị viên dặn dò cẩn thận và viết cả ra giấy những câu trả lời nếu như cánh nhà báo phỏng vấn. Nhưng đến khi ra Đại hội, anh lại quên khuấy đi mất, nên khi nhà báo hỏi: “Động lực nào giúp đồng chí dũng cảm, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ trong mưa bom bão đạn?”, thay vì trả lời theo giáo án, anh trả lời ngắn gọn: “Mình được giao giữ chốt, đảm bảo giao thông thông suốt; nếu tắc đường, xe dừng lại thì anh em mình sẽ bị bom xơi hết nên phải cố làm để có thể hạn chế bớt cảnh anh em, đồng chí, đồng đội hy sinh, vậy thôi.” Thế là bị... trượt, không thể bố trí làm chỉ huy được. Trong chiến tranh, sự sống và cái chết mỏng manh lắm, người lính khi ấy thực sự sống vì trách nhiệm và tình yêu đồng đội mà bất chấp tất cả; có khi vừa đặt lưng xuống sạp sau ba, bốn ngày trực chiến căng thẳng, nghe bom nổ đồng đội báo tin đường bị kẹt đã lại lăn ra khỏi giường không kịp mặc áo lao lên chốt dù chưa đến phiên trực và có thể hy sinh.
Có một lần anh được cấp trên cử đi học, vì ưu tiên người có thành tích dũng cảm bám chốt, đảm bảo giao thông thông suốt ở điểm ác liệt nhất của cung đường trong suốt một thời gian dài; đi được năm ngày, anh bất ngờ trở về, thủ trưởng đơn vị hỏi: “Vì sao không học lại về?”, anh cười gãi đầu: “Đang đánh nhau ác liệt thế này, tôi còn khỏe, còn cầm lái thì phải cùng anh em làm chứ để mấy thanh niên mới vào thiếu kinh nghiệm lên chốt dễ chết, đau lắm. Chiến tranh xong đi học cũng không muộn”. Anh nói vậy vì biết mình có kinh nghiệm, ở lại có thể giúp đơn vị bớt đi sự hy sinh không cần thiết. Chiến tranh là vậy, người ta có thể tranh nhau chết để những người thậm chí chưa quen biết được sống. Thế là anh lại lái xe và đối diện với tử thần từng phút, từng giây... Đơn vị liên tục được bổ sung quân số mới vì hy sinh nhiều quá, bản thân anh cũng nhiều lần bị bom vùi, nhưng... không chết. Anh nói vui: Bom đạn Mĩ thích thịt xương mình nên nó không cắt “hộ khẩu”, mà để dành thỉnh thoảng còn xẻo... lai rai! 
Trong chiến tranh, mọi chuyện hình như được đơn giản đi rất nhiều, không rắc rối như chuyện thường ngày bây giờ. Chuyện chết chóc, bom rơi đạn nổ mà anh kể khơi khơi như thể chuyện cuốc đất, chặt gốc cây trồng khoai lang, khoai mì vậy. Khuôn mặt ngày một hốc hác, xạm đen lại vì đói, vì công việc nặng nhọc nhưng hình như khi nào tôi cũng thấy nụ cười lạc quan trên khuôn mặt rạng ngời của anh vì tin chắc một điều: Khó như đánh giặc ngoại xâm, Đảng ta còn vận động toàn dân làm được thì xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội chỉ là chuyện... con muỗi; khó khăn chỉ là tạm thời, mọi cái đâu sẽ vào đấy ngay thôi. Anh tin như thế và động viên mọi người xung quang cùng tin như vậy, mặc dù chỉ sau ba tháng vào quê mới đã có nhiều hộ trốn chạy trở về quê cũ.
Thời gian trôi qua, các con lớn lên lấy vợ, gã chồng ra ở riêng; anh chị ở với con trai út – người sinh ra đã thiếu may mắn, không được bình thường như bạn bè cùng tuổi; nay cũng đã xây được ngôi nhà cấp bốn khá khang trang, rộng rãi, niềm mơ ước cả đời đã thành sự thật. Chuyện phải ăn khoai sắn cầm hơi đã trở thành chuyện cổ tích xa xôi lắm rồi, anh không những có ty vi màu, xe máy mà còn có cả những bộ bàn ghế thuộc loại đắt tiền. Cuộc sống đã mĩm cười với người cựu chiến binh năm xưa. Tôi được Tòa án tối cao xử trắng án và chuyển công tác về tỉnh.
Cũng vì công việc, tôi ít có dịp về thăm gia đình anh, bỗng một hôm nhận được điện thoại vợ anh báo tin: Hình như anh bị nhiễm chất độc màu da cam và giờ mới bùng phát! Tôi vội thu xếp công việc về thăm anh. Đặt chân vào cửa, tôi không thể tin người đang ngồi lặng im trên chiếc ghế kia là anh. Thay vào hình dáng nhỏ con, hơi lùn một chút, trọng lượng khi nào cũng chỉ trên bốn lắm kg đến dưới năm mươi là cùng thì nay trông anh như một rô bốt trong phim hoạt hình. Thấy tôi, anh hơi cau mày và nặng nề giơ tay lên bắt, bàn tay anh to gấp rưỡi bình thường, bắp tay còn to hơn cả bắp chân tôi. Khuôn mặt to lên và hai má xệ xuống, dài hơn cả cằm che lấp luôn cả cổ. Nơi yết hầu mọc lên một khối u to như quả dừa, thỏng xuống ngực. Hai vai nhô cao. Sau gáy nỗi lên hai cái u làm lưng anh hơi còng xuống trông rất đáng sợ. Anh vén chiếc váy đang mặc - vì bụng căng tròn như cái trống cái không mặc được quần nữa, cho chúng tôi xem hai bàn chân ngoại cỡ...
Hình vóc của anh quá khủng khiếp, chắc trẻ con nhìn thấy thì cũng... xỉu! Chị vợ anh cho biết: đã làm đơn, giấy tờ nhiều lần nhưng vẫn chưa được công nhận là nhiễm chất độc màu da cam vì không về đơn vị cũ lấy giấy xác nhận đã từng công tác trong vùng bị rãi chất độc; một yêu cầu không thể thực hiện được bởi đơn vị cũ đã giải tán hơn 30 năm rồi. Còn đi ra Đà Nẵng để xét nghiệm thì đường sá xa xôi, sức khỏe yếu, sợ chưa ra đến nơi đã không còn cơ hội vào viện! Vợ con xót xa trước căn bệnh hiểm nghèo của anh, mong muốn được các cấp có thẩm quyền cho hai cha con anh được đi kiểm tra một lần xem bị có nhiễm chất độc màu da cam không, để anh an lòng vượt qua những cơn đau dằng xé thịt da hàng ngày, hàng đêm. Gia đình cũng có đơn gửi Phòng Lao đông, Thương binh và Xã hội huyện Ea Kar đã lâu, nhiều lần đến hỏi thì được thông báo đã chuyển lên Sở rồi, gia đình an tâm... chờ!
Thời gian không đợi, có lẽ chất độc màu da cam đã làm biến đổi zen trong anh. Đêm đêm có hàng vạn con kiến đang bò, cắn xé trong xương trong tủy, anh cắn răng chịu và hy vọng sẽ có ngày được công nhận bị nhiễm chất độc màu da cam; khi ấy có nhắm mắt xuôi tay cũng tự hào với con cháu và hàng xóm láng giềng: Đảng và Nhà nước không quên những người lính năm xưa đã từng, “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh!”, nhưng sự chờ mong ấy sẽ phải đợi đến bao giờ? Xin chuyển điều trăn trở này về các cơ quan hữu quan có trách nhiệm tỉnh Đăk Lăk.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI