Chuyện bên bến nước
09:41 20/08/2010
Trời
về chiều, ánh sáng chỉ còn le lói trên đỉnh ngọn Chư Yang Sin phía xa xa. Bên
dòng sông Srêpôk, một nóc nhà tôn lẻ loi tấp nập người ra vào. Hôm nay, ngày
cuối cùng người ta có thể còn thấy ngôi nhà cô đơn này hiện diện nơi đây. Con
sông hung dữ ngày đêm gầm thét, rạng sáng ngày mai được ngăn dòng, bắt nước làm
ra điện...
|
Minh họa
của Lê Tâm.
|
Cái buôn hơn 500 nóc nhà một thời trù phú đã được di dời gần hết,
chỉ còn sót lại một nóc nhà của ama (ba) chủ tịch huyện. Vì là ama chủ tịch
huyện nên người ta không dám cưỡng chế, mà chỉ động viên, giải thích; nhưng ông
già nhất định không đi. Chủ tịch huyện đã năm lần bảy lượt mang xe về đón ama
lên phố ở với mình, nhưng ông cũng nhất định "một tấc không đi, một li
không dời". Có người nói ông gàn. Có người lại bảo ông cậy thế con làm to
nên ra oai không đi cho thiên hạ sợ. Mặc giọng lưỡi người đời thêu dệt, ama
Din vẫn thui thủi một mình bám lấy dòng sông và ngôi nhà dài hơn chục sải
tay.
Ama Din không muốn rời ngôi nhà, bến sông đầy ắp kỷ niệm gắn chặt
cả đời mình. Nay đi nơi khác ở, có khác gì bỏ đi chính mình, bỏ đi niềm thương
yêu của vợ để lại mà ông vẫn thấy phảng phất hàng ngày, cho dù bà ấy đã ra đi
hơn 40 năm rồi. Nhưng không đi thì lại mang tiếng chống lại chính sách của Đảng
và Nhà nước, gây khó dễ cho công tác của thằng Y Din, thậm chí nó còn bị phê
bình vì ông bố chậm tiến. Biết làm sao đây? Mái đầu xoăn tít của ông đã hơn 40
năm không chải, có lẽ chính xác hơn là 43 mùa rẫy rồi, từ cái ngày vợ ông ra đi
theo Yàng vĩnh viễn không quay lại, đã trắng thêm. Đêm về khuya, ánh trăng phủ
lên dòng sông một lớp vảy bạc lấp lánh nhảy múa theo từng con sóng và phủ cả
lên hình hài người đàn ông nằm úp mặt lên cát, sát mé nước. Ông nằm đó thì thầm
với H'Thương, người vợ quá cố của mình.
Trong ngôi nhà sàn, ché rượu được cột, cần đã cắm, tiếng chiêng
ngân lên từ lâu lắm rồi và nhiều người ngồi không vững nữa; nhưng họ vẫn vít
cần rượu vì ông chủ tịch huyện mời. Người trong buôn đến uống rượu chia tay
ngôi nhà, bến nước của ông ama chủ tịch và nhân thể giúp ông chuyển nó về nơi ở
mới. Tình nghĩa và phong tục trong buôn là vậy, phải tương trợ giúp đỡ nhau.
Ôtô đến đợi vận chuyển đậu cả dãy dài. Đèn điện được chiếc máy nổ châm lên sáng
như ban ngày, nhìn rõ cả con kiến đen nhẻm đang rối rít đi tìm chỗ ngủ. Ông chủ
tịch huyện có thân hình vạm vỡ được di truyền từ ba, nước da bánh mật của má và
đôi mắt sáng như ánh trăng rằm của Yàng đứng lên nói với mọi người:
- Thưa bà con, sáng ngày mai đập thủy điện xây dựng trên địa bàn
huyện ta sẽ chính thức ngăn dòng, buôn chúng ta sẽ chìm sâu dưới lòng hồ nên
mọi người đã chuyển đến địa điểm mới. Sự ủng hộ của bà con đối với chính sách
của Đảng và chính quyền địa phương như thế là rất tốt. Riêng gia đình tôi thì chưa
tốt vì ama cứ nấn ná mãi chưa muốn rời đi, hôm nay ama đã đồng ý di chuyển để
kịp bàn giao lại cho bên Công trình. Xin cảm ơn bà con đã đến uống li rượu nhạt
và giúp gia đình chuyển nhà.
- Phải chuyển ngay trong đêm nay à?- Có ai đó ngạc nhiên hỏi lại.
- Dạ! Phải chuyển ngay trong đêm nay mới kịp. Phiền bà con giúp
một tay cho nhanh - Ông Chủ tịch trả lời.
Dàn chiêng ngân lên một lần cuối cùng như lời chào dòng sông, bến
nước trước khi chia tay rồi ngừng. Mọi người xúm vào dọn dẹp chuẩn bị dỡ nhà.
Ngoài bến nước, ama Din vẫn đang trò chuyện với vợ. Có lẽ họ đang
cùng nhau ôn lại kỷ niệm những năm tháng bên nhau, bên bến nước của buôn từ
thuở ấu thơ cho đến lúc được làm vợ làm chồng với nhau. Ngày ấy…
H'Thương, người con gái út của ông chủ buôn giàu có nhất vùng: voi
cả đàn, trâu bò, heo gà nhiều như lá rừng; ché túc, ché tang buộc bảy gian nhà
không hết… Khi cô gái út sinh ra, nước sông Srêpôk bỗng nhiên tràn lên bờ, hất
lên bến nước của buôn một con cá lớn dài hơn cả sải tay người lớn. Đấy là điềm
mừng, Yàng tặng quà mừng sự có mặt của H'Thương; vì thế gia đình mổ năm trâu,
bảy bò, chín heo để cúng tạ Yàng và mời buôn gần buôn xa ăn năm uống tháng đủ
bảy ngày bảy đêm.
H'Thương lớn lên có khuôn mặt hiền hậu như mặt trăng rằm, đôi mắt
của chim gầm ghì, mái tóc dài óng mượt như lông đuôi chim trĩ ban cho và nước
da mang màu của chiêng mới đúc. Đôi bàn tay có những ngón xinh xinh mềm mại dệt
vải nhanh như múa, nét hoa văn nhìn qua như thật. Đẹp người, đẹp nết nên buôn
gần buôn xa ai cũng biết tiếng. Mười bảy mùa rẫy trôi qua, ama amí (má)
H'Thương tính đi bắt chồng cho con. Hai ông bà đã chọn được người con trai chủ
bến nước phía bên kia dãy núi, tương xứng với nhà mình. Cậu con trai nhà ấy
được học chữ người Phú Lãng Sa, nói chuyện với quan Tây như hót và biết đi cái
máy không chân nhưng chạy nhanh con trâu, con bò. Hai nhà đã ưng, thằng con
trai cũng ưng H'Thương lắm lắm; nhưng H'Thương lại ưng người con trai khác mất
rồi. Hồi lên tám mùa rẫy, một hôm bọn trẻ rủ nhau ra sông tắm, mải nô đùa với
bạn bè, H'Thương ra xa bờ bị dòng nước nhấn chìm phải uống no nước sông; may có
Y Ghi, sinh trước H'Thương một mùa rẫy vẫn thường chơi với nhau, đã bơi ra cứu
giúp. Khi lên bờ H' Thương bảo:
- Mày có ưng làm chồng tao không?
Y Ghi đỏ mặt nhưng vẫn gật đầu, bốn mắt soi vào nhau như có ngọn
lửa lễ hội đâm trâu. H'Thương tháo chiếc vòng tay của mình đeo vào tay Y Ghi
rồi nói:
- Mày đồng ý rồi nhé, sau này nhất định tao sẽ bắt mày về làm
chồng, không được nhận vòng của ai nữa, dù có chết cũng không thay lòng.
- Tao cũng ưng như thế!
Hai đứa nắm tay nhau thật chặt rồi ai về nhà nấy. Từ đó hai đứa
không hẹn nhưng đều ra bến nước tắm khi mọi người đã về nhà. Năm tháng qua đi,
tuổi thơ để lại phía sau lúc nào không biết; Y Ghi trở thành một chàng trai
khỏe mạnh, săn voi, bắt cọp nổi tiếng cả vùng. Nhiều cô gái con nhà giàu có
đánh tiếng muốn bắt làm chồng; nhưng anh ta đều từ chối vì đã nhận vòng của một
người con gái. Trớ trêu thay, gia đình H'Thương không thể chấp nhận cái thằng
con nhà nghèo, mồ côi cha, thuộc tầng lớp dưới, cùng buôn về làm rễ nhà mình.
Amí nói thẳng:
- Bắt nó về chăn voi, chăn trâu bò thì được, còn làm chồng mày thì
không đời nào.
H'Thương khóc hết nước mắt, ama amí vẫn không thay đổi quyết định,
vì đã hứa với bạn rồi. Nhưng H'Thương cũng không vừa: Nếu con không lấy được Y
Ghi làm chồng, sẽ không bắt ai cả. Cuối cùng ama H'Thương đưa ra một điều kiện:
Tao hẹn cho nó một con trăng phải vào rừng bắt voi trắng mang về, nếu bắt được
tao sẽ cưới nó làm chồng cho mày; còn không bắt được thì mày phải bắt chồng
theo ý của tao. Nếu không đồng ý điều kiện này, mẹ con nó sẽ bị đuổi khỏi buôn.
Với người Êđê, bị đuổi khỏi buôn là hình phạt nặng như xử tội
chết, vì thế đôi trẻ đành chấp nhận và Y Ghi lên đường ngay. Bắt được voi đã
khó, bắt voi trắng lại càng khó hơn. Trong các cánh rừng của dãy ChưYangSin
hùng vĩ có hàng ngàn con voi, nhưng bao đời nay chỉ mới bắt được một con voi
trắng. Đi tìm voi trắng có khác gì tìm kim dưới đáy biển. Thời hạn một tháng
trôi qua, Y Ghi không trở về, ama H'Thương mang hai con voi làm lễ hỏi chồng
cho H'Thương. Cho dù H'Thương phản đối thế nào gia đình cũng nhất định không
chịu và thế là chàng rể được đón về nhà. Đêm tân hôn, H'Thương bảo chàng rể:
Tao không ưng mày, không muốn bắt mày làm chồng vì tao đã trao vòng cho người
khác rồi. Nhà mày tham của hồi môn gả mày về đây thì từ nay mày chỉ là con chó,
con gà nhà này. Đụng đến tao, tao đâm chết; nói dứt lời rút con dao ngắn giấu
trong người cắm phập xuống sàn nhà.
Cả buôn mở tiệc linh đình ba ngày ba đêm ăn hết năm con trâu, chục
con bò, hai chục con heo… mừng H'Thương bắt chồng. Tiệc tan người ta mới thấy Y
Ghi cùng đoàn thợ săn trở về mang theo con voi trắng, ngà mới dài hơn gang tay.
Người mẹ già đứng đợi con bên bến nước suốt ba ngày, ba đêm trong lễ cưới
H'Thương, khi thấy Y Ghi trở về, bà khụy xuống, giọng nghẹn ngào:
"H'Thương đợi con không được đã bắt chồng rồi!". Bà nấc lên rồi đi
theo Yàng, theo người chồng đã bỏ ra đi từ lúc thằng Y Ghi mới cất tiếng khóc
chào đời.
Làm ma cho mẹ xong, Y Ghi thả con voi trắng về rừng và âm thầm
sống như một cái bóng. Đêm đêm khi mọi người đã quây quần bên bếp lửa, người ta
mới thấy anh ra bến sông lặn hụp. Một đêm không trăng sao khi Y Ghi vừa dầm
mình xuống nước, bỗng có một bóng đen bất ngờ cũng lao xuống nước, hai bóng đen
ghì lấy nhau; tiếng nức nở, nghẹn ngào hòa vào tiếng thét của dòng sông.
H'Thương kể cho chàng nghe nỗi đau đớn, dằn vặt hàng ngày, miệng không muốn ăn
cơm, mắt không muốn ngủ; mái tóc dài chảy xuống tận gót chân chỉ sau một tuần
chỉ còn lưa thưa từng cụm. Nàng đã sống như cái bóng, không ăn không ngủ, chỉ
chờ ngày Yàng mang đi để không phụ lời nguyện ước. Y Ghi ôm người yêu trong
tay, một thân hình tiều tụy trơ xương có đâu còn như ngày xưa nữa nên bao giận
hờn tan biến đi cả, chỉ còn lòng yêu thương tràn ngập trái tim. Họ ôm nhau, kể
cho nhau nỗi nhớ nhung vì bị chia lìa.
Thật bất ngờ, một bó đuốc lớn được châm lên sáng rực cùng với
tiếng thét thất thanh:
- Ối Yàng ơi, có người chết! Có người chết!
Tiếng kêu gào vang vọng bay lên các nóc nhà; người lớn, người bé
ào ào chạy ra bờ sông và sửng sốt khi thấy anh chồng mới cưới của H'Thương tay
cầm đuốc, mặt hướng ra bờ sông. Trong ánh lửa, người ta thấy hai người đang ôm
nhau đứng dưới dòng nước. Có lẽ quá bất ngờ, đôi tình nhân như chết đứng, dính
chặt vào nhau. Hai kẻ phạm tội bị đám thanh niên lôi lên, trói vào một thân cây
chôn bên bến nước. Hội đồng xử án được thành lập. H'Thương nhận hết tội về mình
và chỉ cầu xin được sống với người đã trao vòng. Căn cứ luật tục, gia đình
H'Thương phải đền danh dự cho chàng rể số của gấp đôi số của xin cưới. Còn đôi
tình nhân chịu hình phạt: lột hết quần áo, cùng úp mặt, ăn hết cơm đổ trong một
cái máng heo - hình phạt dành cho kẻ ngoại tình được xem như heo - sau đó xuống
sông lấy rơm kỳ cọ cho nhau xong mới được lên bờ mặc quần áo. Hai người chấp
nhận tất cả mọi hình phạt, miễn là được sống cùng nhau.
Từ đó họ được sống với nhau trong túp lều tự làm phía cuối buôn,
bên bến sông. Tuy cuộc sống vật chất vô cùng đạm bạc, nhưng nụ cười luôn nở
trên môi họ. Đêm đêm bên ánh lửa, chồng đàn, vợ hát, tiếng hát của họ làm con
thú cũng quên cả kiếm ăn, người nghe cũng quên cả uống rượu. Trọn một mùa rẫy,
trong đêm không trăng sao, H'Thương trở dạ sinh Y Din; cậu bé khỏe mạnh nhưng
người mẹ bạc mệnh chỉ kịp nhìn con, cầm tay chồng chảy nước mắt rồi đi theo
Yàng.
Theo tục lệ, đứa trẻ vừa sinh ra mà mẹ chết cũng phải được chôn
cùng mẹ nó; từ bao đời nay, người Êđê tin rằng Yàng muốn vậy, không ai dám làm
trái. Nhưng Y Ghi không tin điều đó, Yàng không thể tàn ác đến mức đã bắt vợ
người ta đưa vào quan tài, phơi trên mặt đất; lại còn bắt đứa trẻ vô tội chết
theo. Phong tục gì mà lạ thế, đã chết, mang đi chôn lại không cho lấp quan tài,
vậy ta không chôn vợ ta như phong tục, thử hỏi Yàng có phạt ta không! Con ta là
tài sản của cả hai vợ chồng, kết quả của tình yêu không ai có thể tước đi được.
Thương vợ, thương con và muốn chống lại cả phong tục hà khắc, Y
Ghi đành đặt xác vợ lên thuyền đẩy ra sông, miệng lầm rầm cầu khấn: "Em
theo Yàng để lại con cho anh nên anh không thể theo em được. Hãy tha thứ cho
anh và đợi con trưởng thành, anh sẽ theo em!". Con thuyền bốc cháy dữ dội
từ từ đi ra giữa sông như có người chèo và chìm vào dòng nước. Y Ghi châm lửa
đốt nhà, rồi mang con trốn vào rừng. Trong lúc tuyệt vọng lang thang trong
rừng, anh gặp người của cách mạng và hai cha con được cứu sống. Nước nhà thống
nhất, Y Ghi đưa con về lại buôn xưa, dựng nhà trên nền đất cũ để con đi học cái
chữ và ông, đêm đêm được trò chuyện với vợ. Con trai trưởng thành đi làm cán
bộ, lấy vợ, làm nhà trên phố, mời ông về ở nhưng ông không thể xa bến nước, xa
nơi vợ chồng ông đã từng sống hạnh phúc. Thế mà giờ đây con sông bao đời nay
sắp biến thành hồ, bến nước của hai người sẽ nằm sâu trong lòng nước. Con cái
đã trưởng thành, ông không thể dứt tình ra đi…
Ngôi nhà sàn được chất lên xe ôtô để trơ lại một vùng đất trống
trơ với những lỗ chân cột mới được đào xới lên. Xe chuẩn bị chuyển bánh, người
ta mới giật mình vì không thấy ông cụ đâu. Chủ tịch huyện bảo mọi người cứ đi
trước, còn mình bước vội ra bến sông tìm cha. Ông chủ tịch biết ama đang ở đâu,
lúc này. Từ khi về dựng nhà ở bên bến sông này, khi vui hay khi buồn, ama đều
ra trước bến nước thì thầm với ai đó; ngay chuyện di dời nhà, ama đồng ý nhưng
cứ lần lữa không đi, ông bảo đợi, không biết ông đợi điều gì.
Đã có lúc nặng lời với cha vì chuyện dời nhà, nhưng ama không cáu
mà xách đàn ra bến nước ngồi đàn như trò chuyện với dòng sông vậy. Phương Đông
mấy đám mây ửng hồng quàng lên đỉnh núi chiếc khăn màu đỏ nhạt, xua vơi đi màn
đêm. Ông chủ tịch huyện bước lại bên cha nói nhỏ: "Ama ơi, phải đi thôi,
chắc amí sẽ tha lỗi cho chúng ta". Ama không quay lại mà mắt vẫn nhìn ra
dòng sông. Buổi sáng, đám hơi nước theo nhau bay là là trên mặt sông, quẩn
quanh chiếc thuyền độc mộc khá dài, lúc ẩn, lúc hiện; được neo đậu từ lúc nào
bên bến mà không ai hay. Ông Y Ghi hay như trong buôn người ta thường gọi - ama
Din, đi lại bước lên con thuyền. Chiếc thuyền từ từ tiến ra giữa dòng sông. Con
sông mọi ngày gầm thét dữ dằn đến thế, mà nay tự nhiên như hiền hòa lại, không
còn gầm thét nữa. Nước sông đang dâng dần lên, dần lên và con thuyền nhỏ dần,
nhỏ dần rồi khuất hẳn vừa khi ông mặt trời ban phát những tia nắng đầu tiên.
Một ngày mới bắt đầu
Moi tinh cam dong & day tinh nhan ban ...Bay gio hiem co lam day
Trả lờiXóaCó lẽ vậy đấy bạn ạ, Cảm ơn bạn đã ghé thăm nhé!
Xóa"- Tao cũng ưng như thế!"- chỉ cần 1 lời hứa giản dị vậy thôi nhưng đó là lời như đinh đóng, 1 lời thề chung thủy sắt son...
Trả lờiXóaCảm ơn sự chia sẻ của cô giáo nhé, chúc ngủ ngon!
XóaCon gái Ê đê thật chung thủy! Câu chuyện hấp dẫn đây!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã động viên tác giả!
Xóa