Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

CHUYỆN THẬT NHƯ BỊA!





Truyện ký của HỒNG CHIẾN

Theo thông lệ, gần đến ngày kỷ niệm thành lập lực lượng bộ đội Biên phòng Hội và bộ phận Tạp chí cử đoàn ra biên giới thăm và tặng quà các chiến sĩ Biên phòng. Năm nay, tôi được cơ quan cử đi đến đồn biên phòng Bô Heng,  đơn vị kết nghĩa với Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak. Cùng đi còn có nhà văn Khôi Nguyên Phó chủ tịch Hội – Quyền Tổng biên tập tạp chí ChưYangSin và nhạc sỹ Sỹ Hùng. Tình cờ thế nào, cơ quan bộ đội Biên phòng tỉnh lại cử sỹ quan trẻ Nguyễn Sỹ Dân, con trai nhạc sỹ Sỹ Hùng đi cùng để hướng dẫn đoàn. 
Đường biên giới quả là khó đi, “ổ gà”, “ổ trâu” nối tiếp nhau phơi bày trên mặt đường. Thỉnh thoảng có đoạn lô nhô những tảng đá đen sì nằm chềnh ềnh giữa đường làm xe chao đảo, có người đầu va cả vào thành xe.  Nhạc sỹ Sỹ Hùng ngồi trầm ngâm như đang suy nghĩ về vấn đề gì đó rất căng thẳng, vầng trán thỉnh thoảng nhăn lại; Ông thuộc thế hệ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thời chiến tranh đang diễn ra ác liệt, Ông tham gia Quân đội được biên chế trong binh chủng Đặc công, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Chiến tranh qua đi, nước nhà thống nhất, ông vào Dak Lak công tác; dù trên người vẫn còn những mảnh đạn của quân thù, nhưng được cái nhiệt tình, xông xáo trong công việc, không sợ gian khổ. Người con đất Quỳnh Đôi - Qùynh Lưu - Nghệ An có may mắn được sinh ra và lớn lên trên cùng quê hương với bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương; có lẽ vì thế ông thường có những câu thơ, vế đối, câu chuyện có kết gây bất ngờ, nhiều lúc làm người nghe cứ phải lăn ra mà cười. Trương Văn Bộ tài xế lái xe cơ quan Hội, mắt chăm chú nhìn đường, tay bẻ vô lăng đi như lượn qua các tảng đá gợi ý:
-         Bác Sỹ Hùng có chuyện gì vui vui kể cho anh em nghe đi!
-         Mọi ngày thấy Nhạc sỹ nhiều chuyện kể lắm, sao hôm nay trầm tư vậy? Hay sợ có con trai đi cùng về mách mẹ. Tôi đế thêm.
-         Thôi được, để mình cõng các cậu một đoạn đường cho bớt dài nhé.
-         Nhất trí! Nhà văn Khôi Nguyên hưởng ứng.
-         Năm kia Hội VHNT các dân tộc thiểu số tổ chức trại sáng tác tại thị xã Sơn La, mình được mời đi dự. - Bằng giọng trầm trầm, nhạc sỹ Sỹ Hùng bắt đầu câu chuyện của mình, cả xe lặng ngắt dõi theo từng lời của người con xứù Nghệ. Đến trại được năm ngày mình đã viết xong một bản nhạc; cao hứng và tự thưởng cho mình, mình rời phòng làm việc xuống sân khách sạn đi dạo, chờ anh em về ăn cơm. Bỗng có một người đàn ông tuổi khoảng 55 hay 56 gì đó ăn mặc khá lịch sự: giày da đen bóng lộn, mặc bộ vectông màu xám, tay xách ca táp đi đến gần mình cất tiếng hỏi:
-         Xin lỗi anh cho tôi hỏi thăm một chút; có phải đoàn Văn Nghệ sỹ Dak Lak đang nghỉ tại khách sạn này không ạ?
-         Vâng! Anh cần gặp ai?
-         Tôi cần gặp Nhạc sỹ Sỹ Hùng. Anh ấy có ở đây không?
-         Có việc gì không, tôi là Sỹ Hùng đây!
Người đàn ông quẳng ngay chiếc ca táp xuống sân, lao lại ôm chầm lấy mình, giọng xúc động thốt lên:
- Ôi! Cánh cò trên Cao Nguyên! Nhạc sỹ vĩ đại của núi rừng Tây Nguyên đây sao! Em ngưỡng mộ anh từ lâu lắm rồi nay mới được gặp, thật bõ công lặn lội mấy trăm cây số từ Hà Nội lên đây.
Nói dứt lời người khách lạ buông tay ôm mình ra, mắt đăm đăm nhìn khuôn mặt mình như người tình lâu ngày gặp lại.
- Anh không khác tý nào với sự hình dung của em. Bên cạnh nét phong trần có một chút gì đó phảng phất hình ảnh người nông dân xứ Nghệ, lại vừa có một chút lãng tử. Một tài năng âm nhạc xuất chúng, một cây đại thụ sừng sững trên vùng đất Tây Nguyên. Hơn ba chục năm nghiên cứu nền Văn học Nghệ thuật phía Tây dãy Trường Sơn em thấy chỉ có một vài người mới có thể xếp ngang hàng với anh như: Nguyễn Cường, Y Phôn mà thôi. Tài năng như anh quả là hiếm lắm, quý lắm!
Chờ mãi anh ta mới ngớt lời, để minh chen vào được một câu:
- Xin lỗi, mình chưa biết tên cậu.
- Em xin lỗi! Gặp anh mừng quá, quên chưa giới thiệu với anh. Em tên là Trần Minh, người Hà Nội, công tác tại Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh biết ông Lạng Chủ tịch tỉnh không, bạn em đó. Thỉnh thoảng có dự án lớn là ông ta lại mời em vào, vì thế em tìm hiểu rất kỹ sự phát triển Văn học – Nghệ thuật Dak Lak. Ngoài bài hát “Cánh cò trên Cao Nguyên”, “Voi ơi vào hội”; còn có được bao nhiêu tác phẩm khác có thể xếp ngang hàng! “Ơi M’Drak” của Nguyễn Cường; “Đi tìm lời ru mặt trời” của Y Phôn là có thể sánh được; còn các bản nhạc khác làm sao có thể xếp ngang với anh. Ngoài này chúng em đang chuẩn bị một chương trình âm nhạc đặc biệt để giới thiệu các Nhạc sỹ nổi tiếng viết về Tây Nguyên mà anh là nhân vật chính đấy.
Nghe anh ta nói mình cũng thấy mừng; mừng vì chưa biết thật giả thế nào, nhưng có người biết đến nhạc của mình, định tổ chức giới thiệu với khán giả Thủ đô thì còn gì hơn. Mình liền mời Trần Minh vào khách sạn uống nước.
-         Mời anh vào trong này uống nước, ta nói chuyện cho tiện.
-          Dạ!
Vào trong quầy người bạn mới tỏ ra rất sành điệu, bật ngón tay nghe đến “bốp” một cái như pháo, trước khi gọi cô phục vụ:
-         Ê! Anh dùng gì ạ? Caphê đen ạ; một ly đen, một ly ca cao sữa nóng. Đi khỏi Dak Lak, em không còn muốn uống caphê ở bất cứ nơi nào nữa, vì nó nhạt nhạt thế nào ấy, hương vị cũng ngang ngang. Biết tính em, cứ mỗi lần vào Dak Lak anh Lạng lại tặng vài ba ký caphê cứt chồn mang về uống dần. Tên nghe hơi thô nhưng chất lượng thật tuyệt anh nhỉ. Có lẽ trên thế giới không có nơi nào có loại caphê tuyệt hảo đến thế.  Dak Lak quả là vùng đất lí tưởng để con người lập nghiệp. Đoàn mình ra ngoài này đông không anh?
-         Đoàn Dak Lak dự trại lần này cũng ít thôi, về thơ có Lê Quý Phóng, Đinh Thị Như Thuý, Lê Vĩnh Tài; văn có…
-         Nhà thơ Lê Quý Phóng à. Trần Minh chặn lời mình - thơ anh ta cũng được, đọc thấy xuôi không vướng mắc chút nào về thời thế, ngẫm ra anh ta chắc phải là “Quan” làm thơ thì phải. Trong các bài thơ đã được đăng tải thấy mượt mà như đồng lúa thẳng cánh cò bay thời Hợp tác xã nông nghiệp. Hàm ý thơ sâu sắc nhưng vẫn giữ được nét gần gũi với người lao động. Chắc nhà thơ này phải là quê ở vùng lúa Thái Bình.
-         Anh tài thật, đọc thơ mà hiểu được con người, tiểu sử, thân thế tác giả như vậy, quả là hiếm lắm.
Thực lòng khi nghe anh ta nhận xét về nhạc của mình, tuy hơi khó chịu vì sự tâng bốc thái quá, song ai chẳng thích được khen! Nghe một lúc thấy xuôi tai và càng nghe lời khen càng thích thú. Không biết đó có phải là căn bệnh cố hữu thừơng niên của thằng người trong mỗi con người không! Hình như đọc được ý nghĩ của mình anh ta bình luận tiếp:
-         Còn thơ của Đinh Thị Như Thuý thể hiện một khát vọng to lớn, muốn tung hê hiện tại để hướng tới cái cao xa phía trước; nội tâm luôn có sự dằn vặt, nhiều lúc ta cảm thấy như có hai con người đang giằng xé lẫn nhau trong một cơ thể. Đây là một phụ nữ trí thức làm thơ để khẳng định mình, để thổ lộ những điều thầm kín mà đời thường không thể nói. Trong những bài gần đây hình như chị đang thể nghiệm cách sáng tác mới và để lại được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Đinh Thị Như Thuý là một tài năng đặc sắc của Dak Lak nói riêng và cả khu vực Miền trung – Tây Nguyên nói chung. Tương lai thơ chị còn bay xa. Riêng về nhà thơ Lê Vĩnh Tài, quả là tài thật. Đọc thơ anh, ta thấy toát lên một tâm hồn cao thượng, đang muốn vươn tới những cái gì tốt đẹp nhất còn ở phía trước. Đây là người đang đi tìm sự đổi mới hình thức thể hiện trong thi ca hiên đại; có thể nói không ngoa: anh là người đi tiên phong trên lĩnh vực đổi mới thơ ở vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Nếu tính những nhà thơ xuất sắc trên văn đàn đang sinh sống ở Dak Lak còn phải kể đến một cây bút đại thụ nữa là nhà thơ Văn Thanh. Thơ của thi sĩ này có một chút ngông, một chút oán hờn số phận và xen lẫn một chút bất đắc chí với cuộc sống. Giọng thơ có cái gì đó cay nghiệt với đời, nhưng thắm đượm tình yêu quê hương đất nước. Có lẽ thơ Văn Thanh đứng được là vì thế. Em nói vậy có đúng không anh?
Nghe Trần Minh đánh giá thơ của các vị Hội nhà làm mình bất ngờ. Một người ở tút lút tận Hà Nội, cách Dak Lak hơn ngàn cây số lại kể vanh vách tên các nhà thơ hội viên, nhận xét một cách hấp dẫn như vậy, quả thật rất đáng khâm phục. Hay nói cho đúng hơn, cách nói diễn cảm, cộng thêm các động tác múa tay làm mình như bị thôi miên. Trời về chiều, đến giờ phải đi ăn cơm, mình mời Trần Minh lên phòng ở rửa mặt mũi, tay chân để cùng ăn cơm chiều với anh em dự trại.
Thấy có bạn đến chơi, anh em trong trại vui vẻ hẳn lên, cánh đàn ông thay nhau mang ly đến mời, tiếng chúc tụng, tiếng ly khua leng keng, thật vui. Trần Minh lại được dịp trổ tài nhận xét các nhà văn, nhà thơ Dak Lak và hầu như ở người nào anh ta nhắc đến đều chỉ ra được những ưu điểm, và tán thêm những lời khen có cánh. Mình ngồi nghe cũng sướng cái lỗ tai, phổng cả mũi. Bữa cơm đang vui, chợt có hai người nữa đến chào anh em cả trại và vui vẻ đi từng bàn mời cụng ly. Khi đến bàn mình, mình hãnh diện đứng dậy giới thiệu với hai vị mới đến:
-         Giới thiệu với anh Y Phương và anh Cao Duy Thảo, đây là anh Trần Minh – cán bộ biên tập của Tạp chí Văn Nghệ Quân đôi, bạn thân của anh Lạng Chủ tịch tỉnh Dak Lak mới từ  Hà Nội lên chơi.
-          Tôi là người “gác cổng” Tạp chí Văn nghệ Quân đội mười lăm năm nay, chưa từng gặp anh bao giờ. Nhà thơ Y Phương nói.
-         Anh là thằng lừa đảo!
Nhà văn Cao Duy Thảo chỉ mặt Trần Minh nói và rút điện thoại di động bấm máy. Trần Minh mặt tái mét, mặt cúi gằm, không dám ngẩng lên. Chỉ ba phút sau hai anh Công an xuất hiện mời Trần Minh đi.
Mình sửng sốt, không thể tin những gì đang xảy ra trước mặt. Chẳng lẽ con người lịch lãm, khôi ngô tuấn tú kia lại là kẻ đi lừa đảo, mà lừa ai chứ đi lừa mấy ông Văn nghệ sỹ để làm gì. Họ có gì để mà lừa! Khoảng một giờ sau, Công an gọi điện đến thông báo: Trần Minh chỉ là tên bịa. Hắn ở Hà Nội thật, nhưng không nghề nghiệp.
-         Ở đời không ai có thể học hết được chữ ngờ! Hơn sáu chục tuổi đầu mà mình vẫn bị lừa. Lòng tin người, thương người đặt không đúng chỗ có khi trở thành tai hoạ cho bạn bè, chuốc vạ vào thân. Đau thật! Âu đó cũng là bài học cho những người đi sau.
Nhạc sĩ Sỹ Hùng kết thúc câu chuyện, làm cả xe lặng đi. Chợt Nguyễn Sỹ Dân kêu lên:
-Đến nơi rồi, mời bố và các chú, các anh xuống xe.
Trên sân đồn cán bộ, chiến sĩ ùa ra chào đón chúng tôi. Mặc cho ông mặt trời đứng trên đỉnh đầu dội nắng xuống. Xa xa thoảng trong gió có tiếng con gà rừng vừa cất lên tiếng gáy lan toả khắp không trung.
 
Mùa đông năm 2012



5 nhận xét:

  1. Chả biết đi có vui không, Nhưng cái ảnh thì thật...Oách đấy ạ

    Trả lờiXóa
  2. Mình sững sốt, không thể tin những gì đang xãy ra trước mặt. Chẵng lẽ con người lịch lãm, khôi ngô tuấn tú kia lại là kẻ đi lừa đảo, mà lừa ai chứ đi lừa mấy ông Văn nghệ sỹ để làm gì.
    _______________

    Lừa đảo là chuyện BÌNH THƯỜNG! Nếu anh ngầm coi bên cạnh mình toàn là người lừa đảo,chắc rằng đã không bị lừa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe bạn nhắ, làm H.C giật mình tự hỏi: Mình đã từng bị lừa chưa nhỉ?
      Chúc bạn ngày mới vui vẻ, kiếm được nhiều chuyện vui vui cho bạn bè cùng thưởng thức nhé!

      Xóa
  3. Em khoái đọc bài lần đầu đi săn của bác.

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI