Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

GIẢI THƯỞNG HỘI NĂM 2013

Nhà văn KHÔI NGUYÊN - Chủ tịch Hội VHNT Dak Lak



Ngày 28 tháng 10 vừa qua, Hội đồng thi đua khen thưởng Hội Văn học Nghệ thuật Dak Lak đã họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của nhà văn Lê Khôi Nguyên – Chủ tịch Hội kiêm Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Hội, xét trao giải thưởng năm 2013. Sau khi nghe báo cáo của các tiểu ban nghệ thuật, Hội đồng đã nhất trí:




I/ Trao giải A cho các tác phẩm:
1/ Tập ca khúc HẠT MƯA KỂ CHUYÊN – tác giả HUỲNH NGỌC LA SƠN
2/ Tác phẩm ảnh ĐỌ SỨC – tác giả BẢO HƯNG
3/ Tác phẩm tranh đồ họa TIẾNG GỌI CỦA NÚI – tác giả NGUYỄN HẢI LONG
4/ Chùm thơ 9 bài của tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN
II/ Giải B:
1/ Ca khúc DÃ QUỲ ĐỎ - tác giả MẠNH TRÍ
2/ Tác phẩm ảnh NGUỒN MÁT – tác giả KIM NGA
3/ Tranh sơn mài CHIỀU VỀ - tác giả NGÔ TIẾN SỸ
4/ Tập tiểu luận KHƠI DẬY SỰ IM LẶNG – tác giả PHẠM MINH TRỊ
5/ Tập thơ HƠI THỞ CỦA THỜI GIAN – tác giả HÀ THỊ SƠN THÚY
III/ Giải C:
1/ Ca khúc M’DRAK YÊU THƯƠNG – tác giả LÊ NHẬT THANH
2/ Tác phẩm ảnh GIA ĐÌNH VƯỢT LŨ – tác giả SIU H’KẾT
3/ Tranh cổ động MỘT CHO TẤT CẢ - tác giả AN QUỐC BÌNH
4/ Chùm ký và ghi chép – tác giả NGUYỄN LIÊN
5/ Tập thơ THÌ THẦM MÙA XUÂN – tác giả NGUYỄN TRỌNG ĐỒNG
IV/ Tác phẩm gửi dự giải của Liên hiệp;
1/ Tác phẩm ảnh THÂN THIỆN – tác giả VĂN LỘC
2/ Tác phẩm ảnh ĐƯỜNG ĐUA – tác giả LÊ QUANG KHẢI
3/ Tác phẩm tranh CHIỀU VỀ - tác giả NGÔ TIẾN SỸ
Xin gửi lời chúc mừng các tác giả đã đoạt giải thưởng năm 2013 của Hội!

NGƯỜI DŨNG SĨ TRÊN LƯNG “VOI SẮT” NĂM XƯA bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 254 tháng 10 năm 2013






                                                                                       
Về thăm Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm vào một ngày đầu tháng 8, trời đang độ mùa mưa nên cảnh vật bừng bừng sức sống, cây cối mượt mà tươi tốt; bước chân vào cửa cơ quan đã thấy những chậu hoa, cây cảnh…xếp hàng như hoa viên. Hai cây thông bách tán trồng trước cửa phòng làm việc của lãnh đạo công ty cao vút, vượt mái nhà hai tầng, gốc to đến gần nửa mét, soi bóng xuống bể cá hình tròn bên cạnh, làm ta như được thấy cảnh làng quê đồng bằng Bắc Bộ thu nhỏ nơi đây.
Đón chúng tôi vào phòng làm việc, ông Trần Đức Thành, Bí thư đảng ủy – Chủ tịch Hội Đồng quản trị công ty tươi cười bắt tay thật chặt. Vừa nhấp ly nước trà Thái Nguyên đậm đặc đã nghe tiếng nói của ông Tô Bá Tham – nguyên Bí thư Đảng ủy công ty, nay đã nghỉ hưu vọng vào, nét mặt hồ hởi, ông vào phòng bắt tay từng người làm không khí căn phòng ồn ào hẳn lên. Đã ngoài sáu mươi rồi nhưng thân hình vẫn vạm vỡ không sút đi bao nhiêu, và giọng nói không lẫn vào đâu được, vừa mạnh mẽ, dứt khoát vừa có cái gì ấm áp chân tình của người công tác Đảng, trưởng thành từ công nhân. Sau những câu thăm hỏi sức khỏe, công việc, ông Trần Đức Thành nói thêm:
- Chuẩn bị kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, lãnh đạo Công ty mời các anh bên Hội văn học nghệ thuật và các bác nguyên là lãnh đạo công ty về cùng góp ý cho Ban tổ chức công việc chuẩn bị buổi lễ. Hôm nay bác Vũ Đức Bùi cũng nhận lời đến, ta đợi một lát.
Nhắc đến Vũ Đức Bùi, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc công ty thuộc thế hệ lãnh đạo thứ hai sau ông Nguyễn La Vân, vị giám đốc đầu tiên của công ty khai hoang cơ giới 4, tiền thân của công ty cổ phần cơ giới Đồng Tâm hôm nay làm tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những kỷ niệm đẹp về anh. Cách đây hơn một năm, tôi có gặp anh, đó là chiều ngày 10/3/2012 khi anh chuẩn bị bàn giao công tác để về nghỉ hưu. Nhìn người chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của công ty cổ phần thi công cơ giới Đồng Tâm trông còn khá trẻ, nhanh nhẹn mà đã nghỉ tôi hơi ngạc nhiên hỏi: Sao anh về trước tuổi à? Anh vui vẻ nói: Đúng 60 tuổi là phải về hưu chứ, tuy tuổi trong lý lịch và thực tế có sai lệch một ít, những năm 60 – 70 của thế kỉ trước, việc khai thêm tuổi để đi bộ đội, công nhân cũng là điều dễ hiểu.
Việc bàn giao của anh với người kế nhiệm Trần Đức Thành được tiến hành nhanh chóng, chỉ có một buổi. Tôi băn khoăn điều này được anh em trong công ty giải thích: Thực ra công tác Giám đốc đã bàn giao cho anh An từ ngày 1/1/2011, hôm nay chỉ bàn giao công tác của Chủ tịch hội đồng quản trị. Hơn một năm qua các tồn tại cũng đã được giải quyết tương đối gọn. Tôi được biết việc chuyển giao ở một số đơn vị kéo dài hàng tháng vì chuyện tiền bạc, nợ nần. Mang điều này hỏi, được anh Bùi trả lời:
- Cuộc chuyển giao nào mà chẳng có những tồn tại để anh em sau tiếp tục xử lý. Chẳng qua việc làm của mình cũng minh bạch, nên anh em mới vui lòng tiếp nhận. Làm Giám đốc 18 năm, làm sao tránh khỏi sai sót, song tôi đã cố gắng không để lại những gánh nặng cho các đồng chí của mình.
Trong lễ chuyển giao hôm đó có đủ các anh trong Đảng ủy, Công đoàn và HĐQT. Tôi rất ấn tượng khi được nghe bác Nguyễn La Vân, người Giám đốc đầu tiên của công ty lên phát biểu. Ông đã bước sang tuổi 80, người không được khỏe song giọng nói vẫn rõ ràng, mạnh mẽ như bản chất của người dân xứ Quảng. Ống nói: “Tôi rất vui được dự buổi bàn giao công tác để về hưu của anh Vũ Đức Bùi. Tôi và anh Bùi có vinh dự là đã kế nhiệm nhau làm Giám đốc công ty suốt 33 năm. Cùng với các đồng chí lãnh đạo trong Công ty, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ở Đắk Lắk  việc này trước ít có và sau này khó có. Hôm nay tôi cũng bộc lộ nhận xét của mình về anh Bùi, có thể nói 18 năm kế nhiệm tôi, anh đã thể hiện là người có trách nhiệm tốt trong công việc và là người Đảng viên có tính Đảng cao. Mong các đồng chí thế hệ lãnh đạo thứ 3 tiếp tục phấn đấu xây dựng Công ty ngày càng phát triển tốt hơn”. Lời nói của người già luôn sâu sắc, đầy triết lý sâu xa của cuộc đời đã có nhiều trải nghiệm và cũng có cả trách nhiệm của người Đảng viên cộng sản. Ông đã chân thực khi nhận xét về người mà ông đã chọn là người kế nhiệm. Người mà ông đã nghĩ: “ Người đó phải yêu mảnh đất này, yêu công ty này, quý trọng từng giọt mồ hôi của những người lao động như quý trọng giọt mồ hôi của chính mình”.
Quen biết nhau cũng đã 5-6 năm, qua anh và cán bộ công nhân viên được biết anh quê ở Xuân Trường, Nam Định. Lớn lên bên các cánh đồng lúa xanh và bên dòng sông Ninh Cơ. Năm 1969 bước vào tuổi 16 anh vào làm việc ở Tổng đội thi công cơ giới – Bộ Nông Trường. Lúc đó cuộc chiến đấu giải phóng đất nước đang ở trong giai đoạn gay go nhất, cả nước hướng về Miền Nam, tuyến đầu chống đế quốc Mỹ. Ngày đó Đảng và Chính phủ đã chuẩn bị những lực lượng cần thiết để khi chiến thắng sẽ bắt tay vào xây dựng lại Tổ quốc, trong đó có lực lượng cơ giới. Lúc đi anh còn thấp bé, nhẹ cân, sau khi châm chước tuyển dụng, được điều về nấu ăn một năm ở trường lái máy Lạc Thủy– Hòa Bình, sau đó mới được đi học lái máy ủi. Giữa năm 1971, anh ra trường vào làm việc ở một đội máy chuyên thi công hồ đập, đường, khai hoang cho các nông trường: Đồng Giao, Thạch Thành, Phúc Do, Tam Điệp ở Thanh Hóa, Ninh Bình… Gần 8 năm miệt mài trong công việc lái máy, người công nhân trẻ, học dở dang lớp 8 đã được nhìn nhận là người chịu khó làm việc, ham học hỏi, thích đọc sách. Giữa năm 1978, anh cùng đơn vị vào Đắk Lắk, lúc đó mới 26 tuổi, hăm hở lên đường phần vì trách nhiệm của tuổi trẻ đóng góp cho sự nghiệp chung, phần vì phải làm việc để có tiền gửi về cho mẹ chăm sóc các em. Những năm tháng trực tiếp lái máy đã thấm vào anh tình yêu nghề nghiệp, đồng nghiệp. Nóng, bụi, thiếu thốn vất vả của nghề cơ giới đã tôi rèn cho anh nghị lực về ý chí vượt khó khăn. Anh luôn nghĩ Việc làm nào cũng vinh quang, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là niềm vui nhất”. Có lẽ chính các điều đó đã khiến giúp anh trưởng thành từ lái máy, đủ sức để đứng vững trên cương vị Giám đốc, trong lúc giao thời của nền kinh tế chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường ở một công ty mà công việc cũng rất bấp bênh.
Sau khi vào Đắk Lắk tham gia thành lập công ty cơ giới 4, cuối năm 1980 anh xây dựng gia đình và được kết nạp vào Đảng. Hiện tại gia đình anh có hai cháu, giờ đã trưởng thành, các cháu đều làm việc ở Đắk Lắk trong đó có con gái và con rể làm việc ở Công ty Đồng Tâm. Năm 1984 anh được bổ nhiệm làm Đội trưởng đội 2 làm công tác thủy lợi, sau 4 năm gian khó cùng đơn vị thi công một số hồ đập trong ngành cà phê, anh được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Được lãnh đạo công ty cho đi học các lớp quản lý kinh tế,  chính trị và chính thức được bổ nhiệm Giám đốc từ tháng 12 năm 1992. Anh chịu khó tự học và biết lắng nghe ý kiến, biết dựa vào tập thể để làm việc, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, tập trung, mọi quyết định lớn đều phải thông qua Đảng ủy, HĐQT, khi đã thành quyết định thì kiên quyết thi hành. Anh có niềm vui là ở một đơn vị từ lúc bắt đầu đi làm việc tới lúc nghỉ hưu, sấp sỉ 43 năm. Mặc dù được nhìn nhận là một trong những người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Công ty, nhưng anh vẫn thẳng thắn thừa nhận là còn một số việc làm chưa thật đúng, thật tốt, thắng lợi của Công ty là công sức của tập thể. Anh luôn coi trọng và nhớ ơn tới các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm như: Ngô Vương, Nguyễn La Vân, Huỳnh Mậu, Đoàn Triệu Nhạn… là những người đã dìu dắt, giúp đỡ anh trưởng thành trong công tác. Anh thấm thía lời dặn của BÁC HỒ “ Mọi công trạng của cá nhân chủ yếu là do tập thể mà có, vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu  mà cần khiêm tốn, khiêm tốn và rộng lượng là hai đức tính người cách mạng nào cũng cần có”. Ấn tượng nhất về thời gian anh làm Giám đốc cũng nhiều, khen có, chê có, song nổi lên là đánh giá đó là người lãnh đạo gương mẫu, biết chăm lo lợi ích cho tập thể. Cùng ban lãnh đạo Công ty, anh đã kiên trì đổi mới thiết bị, quan hệ tốt với khách hàng, mở rộng thị trường ra nước bạn, đẩy mạnh công tác thủy lợi, giao thông, làm tốt việc chuyển đổi sang công ty cổ phần, chăm lo đời sống cán bộ công nhân, quan tâm tới cán bộ công nhân đã nghỉ hưu, nghỉ việc. Anh luôn bám sát các công trình trọng điểm, chỉ đạo kiên quyết, coi trọng chất lượng công trình. Nhưng có lúc mất bình tĩnh cũng nặng lời với anh em, nặng về với công việc chưa thực sự quan tâm tới đời sống cá nhân của cán bộ công nhân, có năm thu nhập, cổ tức còn thấp. Thật ra đánh giá về con người cũng khó mà đầy đủ nhất là người lãnh đạo, có người khi đương chức được đánh giá rất tốt nhưng khi giao quyền lực thì trở thành tội phạm. Tôi bất chợt nhớ tới lời một người bạn tâm sự: Làm cán bộ lúc này cũng là một thử thách lớn, nhất là người đứng đầu khi có quyền lực mà thiết chế kiểm soát còn yếu. Họ phải biết tự điều chỉnh mình trước khi có những ràng buộc của pháp luật. Anh làm Giám đốc một thời gian dài chắc cũng phải là người cẩn thận và tử tế, được nhiều người tin tưởng. Sau 18 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Công ty CPTCCG Đồng Tâm, anh đã thanh thản bàn giao cho các đồng chí kế cận. Nhiều năm qua, anh đã cùng các đồng chí Tô Bá Tham, Nguyễn Văn Điểm, Nguyễn Đức Mơn…. sát cánh bên nhau xây dựng công ty ngày càng vững mạnh để đến lúc ra về cũng có thể tự hào về những gì đã cống hiến cho đất nước, cho công ty. Ngày về nghỉ hưu cũng là ngày anh được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
Để đạt được kết quả trên anh Bùi “ bật mí, bí quyết” để gặt hái được thành công chính là: “xây dựng tập thể lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ công nhân thành một khối đoàn kết vững chắc, trên dưới tin tưởng nhau. Phải thực sự dân chủ trong mọi hoạt động, để mọi người cùng biết, cùng bàn, cùng thực hiện và cùng hướng lợi ích từ công việc. Người lãnh đạo phải nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, song cần quan tâm tìm hiểu kiến thức về văn hóa xã hội, cần quan tâm tới thể thao, văn nghệ, nó giúp cho tâm hồn được tốt lên và xử lý công việc tốt hơn”. Người Dũng sỹ trên voi sắt năm xưa trở thành người Giám đốc nhưng anh sống cũng bình dị, tích cực lao động.
Với thực tế của mình, tôi thấy đơn vị nào vững mạnh chính là đã xây dựng được tập thể lãnh đạo tốt trong đó tiêu biểu là người đứng đầu; ở Công ty CPTCCG Đồng Tâm đang làm được điều đó, các anh trong thế hệ lãnh đạo mới như Trần Đức Thành, Trần Quốc An, Nguyễn Hữu Lợi, Lê Hoàng Phi đang tiếp bước vững vàng, có lẽ trong hành trang lãnh đạo của mình, cũng có một phần những bài học kinh nghiệm lãnh đạo và phẩm chất đạo đức của các đồng chí đi trước. Đó là vốn quý cần phải trân trọng giữ gìn.


Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

CÓ MỘT TRƯỜNG NHƯ THẾ bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 194 tháng 10 năm 2008







Nhân dịp khai giảng năm học 2008 - 2009, tôi về Phòng Giáo dục huyện Krông Năng, một huyện vùng sâu của tỉnh Dak Lak, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thiên tai thường xuyên đe dọa tài sản và tính mạng con người. Đây còn là huyện có nhiều dân tộc từ phía bắc di cư tự do vào làm ăn sinh sống, từ đó kéo theo những khó khăn về kinh tế, anh ninh cũng như văn hoá – giáo dục. Còn nhớ, tháng 10 năm 2007, huyện đang chuẩn bị làm lễ kỉ niệm 20 năm thành lập, một trận lũ ập đến, cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản của dân mà thiệt hại nặng nề nhất là xã Phú Xuân, nhiều gia đình mất sạch hoa màu, tài sản; đặc biệt có nhà xây kiên cố, nhưng trận lũ tràn qua đã xoá sạch vết tích căn nhà và cả bốn con người đáng thương đang sinh sống trong đó cũng bị nước cuốn trôi. Chứng kiến cảnh lũ kinh hoàng ấy, tôi đã viết bài phóng sự “Nơi con lũ đi qua” đăng trên Tạp chí góp một lời chia sẻ, động viên với chính quyền và nhân dân huyện Krông Năng. Năm nay theo báo cáo, điều kiện kinh tế của nhân dân có bước phát triển rõ rệt, một phần do giá cà phê tăng cao, một phần do khí hậu thuận lợi, nông nghiệp được mùa, vì thế việc học hành của thế hệ trẻ nơi đây có thể khấm khá hơn chăng!
Tiếp tôi tại phòng làm việc, ông Võ Tá Kiểu, Trưởng phòng Giáo dục huyện hồ hởi thông báo: Anh về với chúng tôi đợt này quý hoá lắm,  một số trường có bước phát triển vượt bậc về chất lượng trong phong trào thi đua “nói không với bệnh thành tích” mà ngành phát động trong năm học vừa qua. Một huyện điều kiện kinh tế, dân sinh còn khó khăn như thế này mà Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện có những quyết sách kịp thời, đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng nhân dân địa phương nên ngành Giáo dục đã gặt hái được những kết quả hết sức đáng khích lệ. Xin mời nhà báo đi thực tế xuống một số trường của huyện sẽ thấy. Nhìn khuôn mặt cương nghị nhưng có vẻ hơi ốm của ông Võ Tá Kiểu, tôi cảm thấy đây là con người có bản lĩnh, cương quyết trong công việc. Tuy nhiên tôi vẫn băn khoăn: Với tạng người mảnh khảnh kia, liệu có đủ sức khoẻ để thực hiện tốt trách nhiệm bám sát cơ sở do mình phụ trách! Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông Võ Tá Kiểu cười nói vui: Chắc nhà báo định khen mình hơi nhiều xương chứ gì, tạng người như vậy thôi nhưng vẫn thường xuyên leo đèo, lội suối đến với tất cả các trường trên địa bàn huyên đấy. Thật không ngờ, một thầy giáo dạy Hoá chuyển qua làm quản lý lại giỏi tâm lý đến thế. Qua câu chuyện trao đổi, tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết có những trường ở vùng đất khó khăn này tổ chức được cuộc thi: “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, làm cơ sở thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt giáo dục trong nhà trường. Tôi quyết định xuống ngay ngôi trường đã tổ chức  cuộc thi ấy để tìm hiểu thêm.
Đứng trước cổng trường đang đóng chặt bằng cánh cổng sắt có lẽ lâu năm chưa được sơn lại, nhiều đoạn rỉ sét đen sì, hai trụ cổng cũng nhuốm màu thời gian nên đổi màu vàng của đất đỏ ba gian, càng ngạc nhiên hơn khi không thấy một dòng tên biển hiệu của trường. Phía trong cổng, sừng sững hai cây phượng cổ thụ, tán là xanh mượt mà che kín cả con đường đổ bê tông dẫn vào sân trường, một tấm băng rôn đỏ nối hai cây phượng nổi bật dòng chữ trắng: Nhiệt liệt chào mừng năm học mới 2008-2009! Thấy tôi đứng trước cổng trường, người đàn ông đang ngồi dưới gốc cây phượng, chắc là bảo vệ, đi ra hỏi và mở cổng cho vào. Qua khỏi tán phượng, bất chợt hiện ra sân trường đổ bê tông khá rộng, ba phía được trồng bàng, phượng tươi tốt, cây nào cây ấy gốc đã to gần vòng tay người lớn, phần sân giáp ngôi trường xây ba tầng đồ sộ, trồng một dãy cây bách tán, ngọn cao chạm tầng ba. Khuôn viên trường đẹp quá, chỉ tiếc cái cổng… Theo chỉ dẫn của anh bảo vệ, tôi đến trước căn phòng đầu dãy nhà của tầng trệt, trên cửa có tấm biển nền xanh chữ trắng còn tươi nước sơn, ghi Hiệu trưởng, nhưng cửa đóng, đang phân vân chưa biết hỏi ai; may có người đàn ông còn khá trẻ đi từ sau khu lớp học lên, thấy tôi bước nhanh lại, bắt tay thật chặt: Chào anh! Anh là Hồng Chiến phải không! Thầy Hiệu trưởng đi họp giao ban Đảng uỷ xã chưa ve,à có điện cho tôi đón anh. Mời anh xuống đây! Nhìn tấm thẻ đeo trên ngực áo, tôi biết anh là Đinh Trung Văn - Phó hiệu trưởng nhà trường. Anh Đinh Trung Văn dẫn tôi đi vòng ra phía sau dãy lớp học, một khu nhà cấp bốn mái lợp tôn, tường quét ve mau xanh nước biển còn mới tinh. Như đoán được sự ngạc nhiên của tôi, anh nói: Đây là khu nhà vừa khánh thành để kịp đưa vào sử dụng đầu năm học này; nội thất chưa kịp trang bị. Nhìn các tẩm biển treo trên các cửa, tôi thấy đầy đủ các ban chức năng của nhà trường như: Hiệu phó, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Tổng phụ trách…. phòng cuối dãy ghi: Bảo vệ. Trong phòng làm việc của Phó hiệu trưởng chỉ có hai bàn kê ngang nhau để hai chiếc chiếc ghế. Anh Đinh Trung Văn tóm tắt cho biết: trường THCS Nguyễn Tất Thành năm học 2008 – 2009 có 29 lớp, 1031 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 theo học. Nhìn chung các phòng học được trang bị đồng bộ, bảng chống loá, bàn ghế tương hợp đúng tiêu chuẩn ngành quy định. Cán bộ giáo viên công nhân viên toàn trường có 64 người. Nhìn chung về biên chế tính đầu người trên lớp là đủ nhưng một số bộ môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh còn thiếu, nhiều giáo viên phải dạy quá số giờ quy định. Năm học vừa qua, nhà trường thực hiện nghiêm túc việc coi thi cuối học kì, nên tỷ lệ tốt nghiệp THCS lần một so với mọi năm giảm, chỉ đạt 76%; nhưng bù lại, tất cả các em tốt nghiệp đều được xét tuyển thẳng vào trường Trung học phổ thông. Học sinh giỏi cấp tỉnh về văn hoá khối 9 có 5 em, thể chất 3 em; học lực giỏi 30 em, đạt 2,65%; tỷ lệ lên lớp toàn trường đạt 87%. Đây là những con số rất đáng mừng đối với một trường ở vùng sâu, vùng xa. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của thầy Phó hiệu trưởng khi nói về chất lượng giáo dục của nhà trường, tôi cũng cảm thấy vui lây. Qua câu chuyện tôi được biết sở dĩ trong mấy năm gần đây chất lượng giáo dục nâng lên là do chất lượng giáo viên ngày một nâng cao; hiện nay 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 10 người trên chuẩn và 25 người đang theo học trên chuẩn. Ở một trường xa thị trấn huyện hơn chục km như thế này mà anh chị em giáo viên cố gắng theo học nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn thì thật đáng quý. Hàng ngày lên lớp dạy học, tối về soạn bài, lo công việc gia đình, các thầøy cô giáo còn phải tranh thủ học tập, biết bao khó khăn đời thường níu kéo, nếu không có nghị lực chắc không thể vượt qua. Tôi tò mò hỏi thêm: Tôi nghe nói trường ta năm học vừa qua tổ chức “Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi” được hoan nghênh lắêm, nội dung cuộc thi như thế nào, kết quả ra sao? Lần đầu tiên tổ chức nhưng kết quả thật mĩ mãn - đôi mắt Đinh Trung Văn sáng lên có vẻ phấn chấn trả lời tôi - thông qua cuộc thi, anh chị em giáo viên dự thi cũng như những người không dự và cả các bậc phụ huynh hiểu thêm những hoạt động sư phạm về công tác chủ nhiệm và ứng xử những tình huống học sinh vi phạm nội quy nhà trường, bị ảnh hưởng thói hư tật xấu ngoài xã hội…. Là người thầy, người cô, người mẹ thứ hai, giáo viên chủ nhiệm phải xử lí như thế nào trong từng trường hợp với từng độ tuổi của các em. Thông qua đó đề cao lương tâm trách nhiệm nhà giáo trước những thay đổi tâm sinh lí lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình học sinh v.v… nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Cuộc thi qua rồi nhưng phụ huynh còn nhắc mãi những cách ứng xử của các thầy cô xem đó như một bài học để về giáo dục con cái.
Có lẽ cái được nhất của cuộc thi không phải chỉ chọn ra người giáo viên chủ nhiệm giỏi của nhà trường, mà cái quan trọng hơn là phụ huynh và dư luận xã hội biết được công việc cũng như những hy sinh thầm lặng của các thầy cô đang thực hiện: tất cả vì học sinh thân yêu. Có lẽ những hoạt động sôi nổi ngoài giờ lên lớp như vậy đã tác động đến cách nhìn, cách đánh giá các thầy cô để nhân dân và chính quyền địa phương có cái nhìn kính trọng hơn với người làm công tác giáo dục. Kinh nghiệm rút ra từ các hoạt động là phải bắt đầu từ vai trò ccâng tác Đoàn trong nhà trường. Đoàn thanh niên phải thực sự là lực lượng nòng cốt trong các phong trào của nhà trường. Để giúp tôi nắm thêm tư liệu, anh Đinh Trung Văn cho mời Bí thư Đoàn trường lên gặp. Người thanh niên to cao, dáng khoẻ mạnh, khuôn mặt vuông hình chữ điền, da sạm nắng gió Tây Nguyên nên hơi đen một chút, cắp cặp bước vào phòng. Qua giới thiệu tôi biết thầy giáo Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đoàn trường, giáo viên dạy Thể - Sinh của trường. So với các bộ môn khác, thầy cô giáo dạy thể dục bao giờ cũng to cao, khoẻ mạnh và đặc biệt hoạt động phong trào rất tốt. Thầy Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm: trường Nguyễn Tất Thành có 41 Đoàn viên đang sinh hoạt, trong đó 35 nữ, số đảng viên 9 người; thật là một con số ấn tượng. Xây dựng được một đội ngũ đảng viên trẻ còn trong tuổi Đoàn như ở đây quả thật rất ít nơi làm được. Các thầy cô là đoàn viên luôn là người đi đầu trong mọi phong trào nhà trường đề ra. Có lẽ đây chính là bí quyết thành công của trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Krông Năng. 
Câu chuyện chúng tôi đang trao đổi sôi nổi thì Hiệu trưởng – Bí thư chi bộ đi họp về, thật bất ngờ khi gặp ông Hiệu trưởng lại là bạn học cùng lớp đại học với tôi – Nguyễn Xuân Việt. Vẫn trẻ trung, sôi nổi và tận tình với bè bạn như thuở còn sinh viên, nhưng người hơi mập; Nguyễn Xuân Việt mời tấùt cả chúng tôi lên phòng Hiệu trưởng. Phòng hiệu trưởng khá rộng, ngoài bộ xa lông bọc da để tiếp khách kê gần cửa ra vào, phía trong còn sắp xếp bộ bàn ghế theo hình chữ  T để làm việc, họp giao ban. Câu chuyện xây dựng trường để trở thành trường tiến tiến như hiện nay tiếp tục là đề tài trao đổi. Tôi thắc mắc: Tại sao trường xây đẹp như thế này lại không có biển tên trường? Anh ngạc nhiên khi thấy không có biển tên trường trên cổng phải không? Hiện nay đã có kế hoạch chuyển cổng qua phía nam, quay ra đường nhựa nên không tu sửa cổng cũ, ít hôm nữa anh về lại sẽ thấy khác ngay. Chi bộ đã có nghị quyết và được trên chấp thuận rồi. Nguyễn Xuân Việt chỉ lên tờ giấy khen mà Huyện uỷ Krông Năng tặng, cho tôi biết thêm: Hai năm liền Chi bộ nhà trường được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh. Hiện Chi bộ nhà trường có 21 đảng viên và 12 đối tượng đang hoàn tất thủ tục để đề nghị kết nạp vào thời gian tới. Số lượng đảng viên  và đối tượng Đảng đông như vậy cũng là một thuận lợi lớn cho nhà trường gặt hái những thành tựu xuất sắc trong thời gian vừa qua, trở thành ngọn cờ đầu trong ngành Giáo dục huyện.
Theo như Hiệu trưởng nguyễn Xuân Việt trao đổi với tôi thì thuận lợi cơ bản của nhà trường là xây dựng được tập thể Hội đồng sư phạm đoàn kết, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, đó là nguyên nhân chính dẫn tới thành công. Bên cạnh đó còn có sự quan tâm đặc biệt của Phòng Giáo dục huyện, Đảng uỷ và chính quyền xã Phú Xuân trong mọi hoạt động của nhà trường. Chính nhờ sự quan tâm ấy mà hiện nay khuôn viên của trường được mở rộng, cấp trên đánh giá là rộng và đẹp nhất huyện, đạt chuẩn Quốc gia. Sự đầu tư về cơ sở vật chất cho công tác dạy và học của nhà trường trong các năm vừa qua tương đối đồng bộ. Ngoài ra, Công ty Cà phê 49 – nơi trường đóng, cũng có chính sách ưu tiên với toàn thể anh chị em cán bộ công nhân viên của cả ba cấp học đóng trên địa bàn Công ty; đây cũng là nguồn động viên rất lớn đối với những người được cử vào đây công tác. Như sợ tôi không tin, các anh mời tôi tới khu làng giáo viên. Quả thật tôi rất bất ngờ khi thấy con đường rải nhựa phẳng lì nối từ nhà làm việc của Công ty cà phê 49 tới cổng trường Tiểu học Võ Thị Sáu dài gần một km, hai bên đường được phân lô, mỗi lô rộng 8m, dài 20m cấp cho các cán bộ, giáo viên đang công tác trong các trường đóng trên địa  bàn Công ty. Anh Nguyễn Văn Hiệp nói thêm: Nhiều người mới về trường, chưa lập gia đình, Công ty vẫn ưu tiên nhượng lại đất như các hộ gia đình giáo viên công tác lâu năm ở đây. Cán bộ giáo viên trường Nguyễn Tất Thành chỉ có một trường hợp giáo viên vừa về nhận công tác đầu năm học này là chưa có đất, còn lại ai cũng có đất làm nhà, dù đang độc thân, chưa có gia đình.
Có thể thấy đây là một cách giữ người hết sức khéo léo của lãnh đạo Công ty cà phê 49, họ đã làm đúng như cha ông từng khuyên: muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy! Nhưng ở đây không những yêu mà còn tìm cách giữ lại, muốn các thầy cô gắn chặt cuộc sống, sự nghiệp của mình với vùng đất và con  người nơi đây. Tận mắt nhìn những ngôi nhà đã xây và đang xây dang dở của làng giáo viên, lòng tôi bỗng thấy nao nao, giá như nơi nào cũng như Công ty cà phê 49 quan tâm đến cuộc sống của các thầy cô như thế, chắc chắn sự nghiệp giáo dục của chúng ta sẽ có bước tiến vượt bậc vì họ đã an cư thì chắc chắn sẽ lạc nghiệp.

Rời trường THCS Nguyễn Tất Thành tôi vẫn tâm đắc vói câu nói của bạn học cũ - Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Xuân Việt: Đảng và nhân dân tin tưởng tạo điều kiện thuận lợi như thế thì không thể vì bất cứ lí do gì mà không xây dựng được trường tiên tiến. Đúng! Tôi cũng tin như thế, nhưng để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia thì trường THCS Nguyễn Tất Thành nói riêng và cả các cơ quan ban ngành nói chung ở huyện Krông Năng còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa về xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà đa chức năng, phòng bộ môn, hội trường…. Nền tảng đã có, cần phải tiếp tục xây dựng từ nền tảng đó đưa trường ngày một đi lên. Thuận lợi là cơ bản, khó khăn chỉ tạm thời, tôi vẫn tin  và mong rằng trong một thời gian không xa sẽ được về lại nơi đây dự lễ đón nhận trường đạt chuẩn Quốc gia

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

THEO CHÂN NHỮNG NGƯỜI ĐI MỞ ĐẤT bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 206 THÁNG 10 NĂM 2009







Ông Tô Bá Tham, Phó giám đốc Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm quay sang nói với tôi: “Vượt qua con dốc này là đến địa phận Nông trường 715A rồi đấy”! Theo tay ông chỉ, những cánh rừng cà phê xanh tốt hiện ra qua khung cửa kính. Trời vào thu, cả vùng Tây Nguyên chào đón mùa mưa, cỏ cây đua nhau khoe sắc. Mùa mưa, đồng nghĩa với mùa gieo trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, nhưng đó là ở những huyện khác, còn ở huyện M’Đrăk – tỉnh Dak Lak, khí hậu gần giống tỉnh Khánh Hòa, mùa thu mưa rất ít, vì thế các công trình xây dựng thủy điện đang phải hối hả thi công trước khi mưa lớn ập về. Đã lâu lắm tôi lại mới có dịp trở lại vùng đất này, nơi đây nguyên là vùng cỏ gianh bạt ngàn xanh tốt, kéo dài từ xã Krông Din xuống giáp ranh với các tỉnh Gia Lai, Phú Khánh. Trước 1975 Tướng Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy Không quân của chế độ Việt Nam Cộng hòa, lập trang trại chăn nuôi bò tại đây. Nghe người dân kể lại: nhiều hôm bò rừng kéo cả bầy ra ăn chung với bò nhà, nô đùa với nhau quần nát cả quả đồi. Những ngày cuối tuần, tên Tướng thường rủ bạn bè về đi săn; tối đến, chúng đưa máy bay trực thăng bay là là trên đồi, thấy nai liền quay cánh quạt, quạt cho nai không chạy được rồi tung lưới xuống bắt sống mang về cắt tiết pha rượu uống, nghe nói bổ lắm!
Năm 1976 Sư đoàn 333 được thành lập, Trung đoàn 715 về đóng quân trên vùng đất này; ông Trung đoàn trưởng Đoàn Ngọc Long, quê đất võ Tây Sơn tính nóng như lửa, chỉ huy quân của mình biến các đồi cỏ gianh thành đồi trồng thơm; đến mùa thu hoạch, hái về nhiều quá không biết mang đi đâu cho hết; sau quay sang trồng mía, sản xuất đường và lấy đường thải nấu rượu, chưng cất cồn. Đại tá “ba sao” ngày ấy cùng cán bộ và công nhân xoay xở đủ đường để tìm một cây trồng thích hợp cho vùng đất màu mỡ nhưng khí hậu khá khắc nghiệt nơi đây. Sau này, Sư đoàn 333 được Bộ Quốc phòng chuyển giao cho Bộ Nông nghiệp, các trung đoàn đổi tên thành Nông trường và ký kết hợp tác với Liên Xô, Nông trường 715 quay sang trồng cà phê. Ông Đại tá “ba sao” lúc đó là Phó Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp 333, trực tiếp lãnh đạo đã xây dựng được cơ sở vật chất khá bề thế cho nông trường, tuy cuộc sống của công nhân vẫn còn vất vả. Từ một Trung đoàn ban đầu, sau chia thành ba nông trường: 715A, 715B, 715C. Đến tuổi, được Nhà nước cho nghỉ hưu, ông Đoàn Ngọc Long ra thị trấn M’Đrăk ở, nhưng tình cảm của cán bộ, công nhân nông trường vẫn dành cho vị “Tư lệnh Phương đông” (thời ấy người ta đặt cho ông biệt danh đó), sự quý mến. Nông trường do ông thành lập, nay quân số ngày một tăng, đang trụ vững trên vùng đất đã được quy hoạch.
 Đường nhựa kéo dài từ Quốc lộ 26A đến Nông trường 715C là tuyến đường huyết mạch cho sự giao lưu hàng hóa từ vùng “một tiếng gà gáy ba tỉnh cùng nghe” với các vùng khác. Đến xã Ea M’Đoal, ngửa mặt lên mới thấy đỉnh núi Mẹ Bồng Con bồng bềnh trong mây trắng lừng lững ngang trời, quay nhìn ngang bốn bề toàn núi, con đường duy nhất chạy trên lưng những ngọn đồi nối tiếp nhau như chạy trên sống lưng trâu. Hai bên đường, nhà dân nối tiếp nhau dàn hàng ngang và mỗi bên cũng chỉ có một lô duy nhất, còn phía sau đã là thung lũng sâu hoắm. Trước khi đi ông Tô Bá Tham cho biết: Nếu trời mưa ta phải đi bộ khoảng 3 km mới vào được công trình. May, hôm nay trời nắng đẹp, đường khô ráo nên xe chạy xuống tận nơi. Nghĩ cũng hay, mấy ông “cưỡi trâu đỏ” thời bao cấp đi mở đất, tưởng chuyển qua cơ chế thị trường, đất khai hoang không còn, nhiều hộ gia đình tự mua được máy cày về cày, các ông sẽ “sập tiệm”! Thế nhưng hóa ra không phải; ông Vũ Đức Bùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cho chúng tôi biết: “Con người có, kỹ thuật có, máy móc có, làm sao có thể thất nghiệp được; phải linh hoạt, chuyển đổi cho phù hợp với nền kinh tế thị trường chứ. Nơi nào cần cày cuốc với diện tích lớn chúng tôi vẫn làm dù phải đi qua tận các nước bạn như: Lào, Campuchia; nơi cần làm đường, đắp đập hay xây dựng các công trình Thủy điện như: Gia Lai, Kon Tum, Dak Nông, Dak Lak… chúng tôi vẫn đảm nhận và làm tốt, được bạn hàng đánh giá rất cao. Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm hôm nay vẫn giữ được bản chất của người công nhân Xã hội chủ nghĩa được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng và ngày một trưởng thành hơn lên, điều đó thể hiện ngay ở chất lượng các công trình mà đơn vị ký kết hợp đồng thi công cũng như có uy tín với đối tác”. Để minh chứng cho nhận xét của mình, ông mời mọi người xuống công trình thủy điện Ea M’Đoal 2, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 150 km, nơi Công ty trúng gói thầu 26,8 tỷ đồng, thi công các hạng mục đập chính, tràn xã lũ, cống lấy nước.
Xe dừng trước nhà làm việc của Ban quản lý công trình, mấy anh em trực ban ùa ra đón chúng tôi. Căn nhà Ban quản lý được làm khá vững chãi, nền láng xi măng, cột sắt, mái lợp tôn và thưng xung quanh cũng bằng tôn. Trong phòng trực có đầy đủ bàn ghế gỗ kê như trong một phòng học, cơ ngơi ở công trình thế này có thể nói là quá tươm tất. Cách nhà  Ban quản lý  khoảng năm mét, khu nhà ở cho công nhân, nhà bếp đều làm bằng nhà lắp ghép; thời hiện đại có khác, công nhân không phải chịu cảnh đêm: “nằm đất ngắm tranh sao” như những năm thời bao cấp.  Ông Tô Bá Tham tranh thủ làm việc với Ban quản lý công trình và giới thiệu đoàn văn nghệ sĩ với anh em. Nắm qua những số liệu cần thiết, tôi tranh thủ xuống nhà ở công nhân thăm anh em đội máy. Giờ nghỉ trưa chuẩn bị ăn cơm, các anh thấy tôi đến, xúm lại mời nước, trò chuyện rất vui vẻ. Một thanh niên lại đứng bên tôi, một lúc sau mới chen được một câu: “Bác có nhớ cháu không?” Tôi giật mình, nhìn kỹ người thanh niên to cao, vóc dáng vạm vỡ, tuổi độ hai chục, nước da ngăm ngăm đen, nét mặt có gì đó rất quen mà nhất thời tôi không nhận ra. Ông Tô Bá Tham đến từ lúc nào không biết, lên tiếng: “Cậu này là công nhân kỹ thuật mới tuyển vào lái máy xúc, bố đương chức Bí thư Đảng ủy Nông trường 715A đấy”. Tôi đứng bật dậy nắm chặt tay người công nhân: “Cái thằng, lớn bằng chừng này rồi à?” Trình - Trịnh Xuân Trình, người con thứ hai của cô giáo dạy cùng trường với tôi từ năm 1978, hồi còn ở xã Ea Trang, huyện M’Đrak. Thời ấy gian khổ nhưng vui lắm, khi có giáo sinh Nghệ Tĩnh được phân về huyện, ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng Giáo dục, gọi tôi lên bảo: “Trường cậu được chia ba cô, ưu tiên cho em vợ cậu về dạy cùng trường.” Tôi giật mình vì có cô em vợ nào vào Dak Lak đâu. Khi gọi giáo viên lại để đưa về trường, tôi mới té ngửa… ông Trưởng phòng chọc quê tôi, nên bảo cô giáo viên mới: Nguyễn Thị Thoa là em vợ tôi vì có nước da giống nhau! Hơn ba chục năm trôi qua, cô giáo Thoa Đen – biệt danh các thầy cô trong trường Nội trú Ea Trang đặt cho ngày nào, đã kết hôn cùng anh Trịnh Xuân Thông, Bí thư Đoàn Nông trường 715 và người thanh niên đứng trước mặt tôi là thành quả của đôi uyên ương ấy. Vì công việc, tôi chuyển công tác đi xa, thỉnh thoảng mới gặp nhau trên tỉnh. Không ngờ cậu bé ngày nào, nay thành một công nhân thực thụ rồi; mảnh đất phía Đông tỉnh Dak Lak đã có thế hệ thứ ba tiếp bước cha ông lập nghiệp. Qua tâm sự với Trình cũng như các anh em công nhân có mặt tại đây, ai cũng vui vì có công việc ổn định, thu nhập khá lại được lãnh đạo Công ty quan tâm, thường xuyên động viên, thăm hỏi. Trong số 20 công nhân lái máy có mặt tại công trường thì 5 người chưa lập gia đình, sức dài vai rộng, đang cố gắng tích lũy lấy một số vốn trước khi tìm người xây tổ ấm. Cánh thanh niên bây giờ thật lạ: họ làm ra làm, chơi ra chơi, không ảnh hưởng đến công việc. Máy móc khoán theo ca, năng suất tăng - thưởng; tiết kiệm xăng dầu - thưởng; có lẽ vì thế ai cũng say với công việc của mình. Tâm sự với các anh làm tôi hiểu rõ thêm: sống và làm việc chân chính thì nghề gì có ích cho xã hội, nuôi được bản thân đều tốt đẹp cả.
Cơm trưa xong, mấy anh em rủ nhau xuống thăm suối M’Đoal, nơi có đoạn ghềnh rất đẹp. Xuống gần đến nơi, tôi gặp hơn hai chục người đang ăn trưa dưới bóng cây cổ thụ, ngay trên đỉnh ghềnh. Qua trao đổi, tôi được biết họ đều là dân của xã Ea M’Đoal vào đây làm rẫy. Số rẫy nằm trong quy hoạch lòng hồ thủy điện đã nhận đền bù và chuẩn bị bàn giao đất. Người dân rất vui vì một xã không lớn nhưng có tới ba nhà máy thủy điện cùng được xây dựng trên địa bàn. Địa hình phức tạp, nhiều núi cao, vực sâu, đất canh tác ít lại hay bị thiên tai: chưa mưa đã bị lũ lụt, chưa nắng đã không còn nước tưới. Hy vọng, các nhà máy thủy điện xây dựng xong, sẽ góp phần quan trọng giảm thiên tai và nhân dân trong vùng có nước canh tác mùa khô, nâng cao mức sống. Ước mong là thế, hy vọng là thế nên nhân  dân rất ủng hộ các chương trình này. Ghềnh đá thật đẹp, nước trong veo ầm ầm nhảy qua các tảng đá tung bọt trắng phau, các cô gái xòe bàn tay vốc từng vốc đưa lên mặt, làm khuôn mặt như rạng rỡ hơn lên. Tôi thấy mình thật may mắn được đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời đoạn ghềnh thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này và chỉ một thời gian ngắn nữa thôi nó sẽ phải nhường lại cho con đập chắn nước, vĩnh viễn mất đi; âu đó cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống, khi con người cần dòng điện cho sự phát triển xã hội.
Buổi chiều chúng tôi lên thăm con đập chính đang thi công, ông Lương Hữu Tình, Trưởng phòng kế hoạch Công ty, giới thiệu tóm tắt vài nét về công trình: Công ty đầu tư mua thêm hai máy múc hiện đại, giá thành mỗi chiếc gần 1,5 tỷ đồng đưa vào thi công công; theo thiết kế: đập chính dài 465,9m, chân đập rộng 208m, mặt đập rộng 5m, thân đập cao 29m; sau khi hoàn thành, diện tích mặt hồ rộng 64 km2, nếu tính sơ bộ, Công ty đã thực hiện hơn 40% khối lượng công việc. Những con số thật ấn tượng và càng ấn tượng hơn khi chứng kiến trên công trường, bụi bay mù mịt, từng đoàn xe múc, xe ben, xe ủi, xe đầm… đang hối hả làm việc, chạy đua với thời gian trước khi lũ về. Khí thế làm việc rất hăng say, hầu như ai cũng cố gắng mang hết khả năng để làm thật tốt công việc của mình. Anh Nguyễn Văn Hùng, Chỉ huy trưởng công trình, người còn rất trẻ, nước da xạm đen vì nắng gió nói với tôi: “Ở đây chúng tôi làm theo ca, thực hiện khoán sản phẩm cho từng đầu máy và có thưởng hợp lý nên động viên anh em làm việc rất tốt. Công việc hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, bên Giám sát cũng phải mê cách làm việc của anh em công nhân trong Công ty”. “Tối đến, ở giữa núi rừng trùng điệp như thế này các anh không buồn sao”? Tôi hỏi thêm – “Công ty lắp đặt thuỷ điện nhỏ để lấy điện sinh hoạt, trang bị ti vi màu, có gắn chảo cho anh em xem, nên cũng đỡ buồn”, anh Nguyễn Văn Hùng trả lời và nói thêm: “Thỉnh thoảng cánh thanh niên còn tổ chức sinh hoạt, không khí ấm cúng lắm”. Ở nơi xa xôi hẻo lánh, các anh còn tạo ra được những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho cánh thanh niên an tâm làm việc, đó cũng là nét đẹp truyền thống của những người công nhân Cơ giới 4 khi xưa và ngày nay là CTCPCG Đồng Tâm.

Tháng 8 năm 2009

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

CON CHÓ HUYỀN THOẠI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 61 tháng 10 năm 1997




Trong một lần về thăm buôn Krông Pa dưới chân dãy núi Krông Á xanh ngắt, cao chọc trời, giống như một bức tường thiên nhiên phân định ranh giới của của ba tỉnh Dăk Lăc - Gia Lai - Phú Yên; tôi có dịp ngồi uống rượu cần bên bếp lửa nhà ông giáo già Y ĐHăng.
Dãy nhà sàn dài gần trăm mét, trong đó hai phần ba làm phòng khách, nơi sưởi ấm và uống rươu, phần còn lại làm phòng ngũ. Ông Y ĐHăng có khuôn mặt thông minh, cương nghị, tuổi xấp xỉ bảy mươi, cao, gầy; cời đống than đỏ hừng hực đặt mấy miếng nai khô, lật qua lật lại… mùi thịt nướng thơm lựng.
- Nai này thầy bắn được à? Tôi hỏi.
- Của buôn chia phần.
Anh nói giọng buồn buồn như không muốn nhắc đến chuyện đi săn. Ma Hen cán bộ phòng giáo dục huyện đi cùng tôi cười xòa vỗ vai Y ĐHăng.
-Buồn làm gì, ở đời làm sao tránh đuợc sự vấp ngã; vấp ngã phải biết đứng dậy chứ không phải bị ngã là sụp đổ luôn nghe chưa.
      MaHen quay sang tôi:
- Ông biết không –Y ĐHăng thời thanh niên không chỉ là một thầy giáo giỏi mà còn là tay thợ săn săn sừng sỏ của cả vùng này đó.      
- Thật  thế sao?
Như đoán đuợc suy nghĩ của tôi về người thầy giáo gầy gò ngồi trước mặt đã từng là thợ săn nổi tiếng; A ma Hen nói :
- Trước đây, vào khoảng năm 1977-1978 cả vùng phía đông huyện này chỉ  có rừng là rừng, đi mỏi chân mới thấy một buôn nằm lọt thỏm giữa rừng. Thú rừng nhiều vô kể. Ngoài hổ, báo, voi, gấu, bò  rừng, min… thường kéo về theo một chu kỳ nhất định của vòng quay kiếm ăn; còn heo, nai, khỉ, dọc thì cứ đàn này đi, đàn khác kéo về quấy phá thường xuyên. Cuối năm 1978 thầy Y Đhăng dạy trường nội trú huyện, thường đi săn kiếm thức ăn cho cả trường. Thời bao cấp kinh tế còn khó khăn, thực phẩm khan hiếm, vận động được các em rời buôn làng, xa a ma, a mí  đến trường học là cả một vấn đề nan giải. Nhưng thầy Y ĐHăng đã làm được và làm tốt là nhờ một phần vào tài săn bắn nữa đấy. Nhưng chữ tài gần với chữû tai; chữ tai ấy lại giáng xuống đầu vào đúng thời điểm bất ngờ nhất, khủng khiếp nhất.
Giọng Ama Hen chợt chùng xuống, anh vít cần uống một hơi dài, trả lại cần cho ông YĐHăng:
- Để tôi kể lần đi săn cuối cùng của thầy Y Đhăng cho ông nghe.
Y ĐHăng không nói gì, đôi mắt buồn buồn nhìn chăm chăm vào đống lửa như muốn quên đi qua khứù.
Tiếng Ama Hen rì rầm , rì rầm . . .
Hôm ấy mấy thầy trò trương Dân tộc nội trú huyện dốc hết lực lượng bao vây cánh đồng sậy rộng chừng  chục héc ta sát ngay chân núi Krông Á. Đám sậy mọc khá tốt, cao lút đầu người, còn xanh um. Ở giữa đám sậy có con suối chạy qua, quanh năm nước màu riêu cua, váng vàng  nổi lên từng đám lững lờ trôi theo dòng nước. Chính đây là nơi lí tưởng cho bầy heo rừng ẩn nấp trước khi về phá hoại hoa màu.
Rừng sậy tươi tốt che kín phía trên, song phía dưới heo đi lại thành đường dọc, ngang như những dãy địa đạo đan chéo vào nhau. Ở giữa đầm sậy, một hố bùn rộng chừng chục mét vuông, là nơi tắm lí tưởng cho lũ heo vào mùa khô. Đêm đến từ trong cánh đồng sậy, heo kéo đàn, kéo lũ ra phá phách hoa màu. Chúng phá mới khủng khiếp làm sao. Củ khoai mài mọc sâu trong lòng đất có đến nửa mét cũng bị chúng ủi lên như người ta đào. Rừng mía đến thời kì thu hoạch chúng cắn ngang cây nhằn đoạn gốc, tấp ngọn thành đống. Có con ác hơn dùng cái mũi cứng như thép của mình cày tung gốc lên để nhặt giun , sâu bọ .
Bọn chúng đi đến đâu, ở đó con người không còn gì để thu hoạch. Muốn xua đuổi chúng đâu có dễ. Nếu không có súng, chỉ đốt lửa xung quanh rẫy; chúng không sợ, cứ tự nhiên như về nhà mình, ngang nhiên bước qua vào rẫy kiếm ăn. Có người vác gậy ra đuổi, chúng lao lại đuổi luôn cả người. Loài heo thường đi theo đàn, mỗi đàn ít thì vài chục con, bầy đông khoảng trên một trăm con. Chúng đông đúc như vậy nên sức tàn phá thật khủng khiếp. Người ta rào nương, đặt bẫy vẫn không sao hạn chế được chúng vì trời phú cho họ nhà heo cái mũi quá thính, thính như mũi chó săn, nên có thể “ngửi” ra cạm bẩy mà tránh, ủi đổ rào mà đi.
Phường săn của buôn Krông Pa nổi tiếng vì có đàn chó biết săn heo, điều đó hiếm vô cùng. Ai cũng biết heo rừng sẵn sàng tấn công cả người thì chó thấm vào đâu! Ấy vậy mà bầy chó buôn Krông Pa lại rất dũng mãnh khi đuợc đưa đi săn heo rừng. Săn ở đây không phải là tự chó cắn chết được heo, vì da heo rừng dày lắm, chó cắn chỉ như  gãi ngứa. Cách săn heo phải có biện pháp riêng. Đầu tiên người đi săn tìm đến gần chỗ bầy heo nằm, xua cho chó xông vào gần bầy heo sủa inh ỏi. Heo tức lao ra đuổi chó, chó chạy lại chỗ người núp mang súng đợi sẵn. Có con heo khôn ngoan chỉ đuổi một đoạn rồi đứng lại, khi đó chó săn phải quay lại sủa, chọc tức cho heo đuổi theo. Luyện được con chó như vậy quý lắm, đắt lắm, nó đắt tiền hơn cả con trâu lớn.
Trong bầy chó săn có con Xám của thầy  Y ĐHăng là khôn nhất. Nó là con chó đầu đàn tinh quái vì trải qua nhiều trận đánh sinh tử nên dày dạn kinh nghiệm. Nhưng đạt được điều đó, con Xám cũng trả giá bằng mấy thẻ xương sườn.
Thời con Xám mới hơn một tuổi đã nổi tiếng  lì lợm, nó xông vào sát bầy heo, có khi chỉ cách hai mét mới sủa. Một lần bị con heo độc rượt theo, nó chạy ra nhưng không thấy heo chạy theo nên quay lại tìm. Ai ngờ con heo ranh ma đút đít vào bụi cây nằm phục ngay bên đường, chờ con Xám chạy qua mới lao ra dùng nanh đâm một nhát vào bụng làm gãy ba xương sườn, lòi cả ruột. Con chó kêu lên thảm thiết. Lúc đó Y ĐHăng vội bắn chỉ thiên cho heo bỏ chạy rồi xuống ôm chó về băng bóù, thuốc thang gần ba tháng sau mới lành.
Buổi đi săn sáng hôm ấy rất đông. Đi săn không chỉ để vui chơi, giải trí, mà còn giúp dân bảo vệ hoa màu và cái quan trọng nhất là kiếm thực phẩm cho hơn ba trăm thầy trò trường nội trú có cái cải thiện bửa ăn, sau hơn nửa tháng chỉ ăn toàn cá chuồn khô. Bảy thầy giáo và gần chục học sinh  lớn tuổi nhanh nhẹn mang theo năm  con chó tinh khôn bao vây chặt đám sậy. Tám người được phân công dẫn chó xua bầy heo từ phía cánh đồng vào chân núi. Nếu bầy heo muốn chạy thoát  lên núi cao buộc phải chạy qua đám cỏ gianh rộng chừng hơn chục mét chiều ngang, chạy vắt qua sườn đồi; đám cỏ gianh đã bị nắng đốt khô cong, ngã rạp xuống nên heo chạy qua như phơi trần trên mặt đất, rất dễ bắn.
Ba thầy  có súng chia nhau chặn đuờng lên núi, mỗi người cách nhau khoảng vài chục mét. Y ĐHăng chọn điểm bắn khó nhất; đây là ngọn suối cạn có nhiều cây lúp xúp, tạo thành đường hầm cho heo đi lại dễ dàng. Còn người bắn rất khó xử lý vì cây cối rậm rạp, chỉ có khoảng trống chừng một mét nhưng không có cây to để núp hay đống mối để đứng. Y ĐHăng tin vào tài bắn của mình cũng như vai trò chỉ huy nên phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề đó.
Bố trí đội hình xong, người đi lùa thả chó và dàn hàng ngang xông vào rừng sậy, vừa đi vừa la hét, đốt pháo nổ ầm ầm. Đàn chó được thể sủa lên nhặng xị. Cả rừng sậy rung chuyển. Bầy heo sợ hãi chạy lung tung nhưng chúng chưa dám vượt khoảng trống lên núi cao mà chỉ nghiến răng ken két nghe rờn rợn. Mặc, bầy chó cứ thi nhau gào lên, đặc biệt tiếng con Xám sủa khoan thai từng tiếng một theo nhịp đều đều tiến dần về phía Y ĐHăng. Tiếng con Xám không thể lẫn lộn với bất cứ con nào vì tiếng của nó thanh, sủa gióng một, chứng tỏ nó gặp heo lớn.
Thông thường heo đi bầy ít có con lớn, con nặng  nhất khoảng chín chục đến một tạ là cùng, còn lại chỉ nặng khoảng sáu, bảy chục kí. Đàn heo này theo dấu chân mà tính chắc phải cả trăm con, nhưng không con nào lớn. Y ĐHăng tự nhủ và chờ đợi.
Vạt sậy trước mặt rung lên ào ào, bầy heo nối đuôi nhau chạy ngược theo dòng suối lên đồi. Chỉ chờ có vậy. Khẩu súng trên tay Y ĐHăng vang lên một phát đĩnh đạc. Phát đạn đầu tiên nổ, con heo trúng đạn ngay mang tai gục đổ ngay sát chân, nặng chắc  phải gần tạ.
Bỗng một tiếng “ào” dữ dội như cơn lốc xoáy, Khẩu súng Y ĐHăng cầm trên tay chỉ  kịp nổ một phát cướp cò đã bị hất tung ra xa. Một con heo lớn không biết từ đâu xuất hiện chồm lên người làm Y ĐHăng té ngữa. Vì bất ngờ nên viên đạn xuyên qua một chân trước con heo, nó đau đớn mắt trợn ngược, chân trước còn lại đạp lên ngực, giơ chiếc mõm dài , hai bên chìa ra hai chiếc răng nanh trắng hếu to như quả chuối định cắm vào mặt Y ĐHăng. Y ĐHăng lấy hết sức lực dồn vào đôi tay rắn chắc của mình bóp chặt hàm dưới đẩy mỏm con heo lên. Con heo rừng muôùn ghì chết kẻ thù của no ù; còn con người vì sự sinh tồn cũng cố móc tay vào yết hầu đẩy mỏm nó lên. Không biết Y ĐHăng cầm cự được thêm bao lâu, khi cánh tay tê dại, cái chết đã lơ lửng trên đầu. Đúng lúc đó con xám xuất hiện, nó cắn vào dây súng cố sức kéo khẩu Ak lại sát bên chủ, ngay dưới mõm con heo. Làm xong cái việc phi thường đó, nó lấy hết sức lao vào chiếc chân trước trúng đạn của con heo gặm một miếng rõ to, giật mạnh. Con heo đau đớn hộc lên một tiếng, quay ngang táp vào chân con xám, Một tiếng rắc khô khan vang lên, con heo đã cắn đứt chân sau con xám.
YĐHăng cố hết sức nâng khẩu AK siết cò. Cả băng đạn còn lại găm nát đầu, cổ con heo. Nó nặng nề đổ sụp xuống, cũng là lúc Y ĐHăng ngất đi .
Nghe thấy tiếng súng nổ lạ, khác lệ thường, mọi người đổ xô lại, thấy Y ĐHăng máu đầy người nằm bất tỉnh bên cạnh con heo, con heo mồm vẫn nghiến chặt chân sau con xám, còn con xám vẫn cắn chặt chân trước bị bắn nát của con heo.
Y ĐHăng được đưa vào bệnh viện điều trị gần ba tháng mới lành vết thương do chiếc chân còn lại của con heo giãy chết đạp lên ngực trược xuống gãy ba thẻ xương sườn và rạch một đường dài lòi cả ruột ra ngoài.
Ngày nay, ai có dịp đến thăm thầy Y ĐHăng, đều thấy một con chó màu xám cụt một chân sau nằm cạnh đầu cầu thang lên xuống, dương đôi mắt thông minh, lanh lợi nhìn mọi người. Nó trở thành con chó huyền thoại của buôn Krông Pa.

Mùa mưa năm 1997

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

BÍ QUYẾT GIỮ HẠNH PHÚC!





Vợ chồng ông lão hàng xóm với tôi trưa hôm qua tổ chức sinh nhật lần thứ 98 cho cụ ông thật linh đình; con cháu, hàng xóm láng diềng đến mừng thọ chắc phải trên trăm mâm. Niềm vui càng nhân lên gấp đôi khi cả hai ông bà vẫn còn rất minh mẫn, nhận biết được nhiều con cháu họ hàng xa đến mừng. Tiệc tan, buổi tối ông kêu đau đầu lên giường nằm gọi vợ con đến bên dặn:
-         Tôi sống thế xem như đã đại thọ rồi và cho đến hôm nay sau 84 năm chung sống với bà không có gì phải ân hận cả. Tôi đi trước, bà ở lại với con cháu nhé!
Ông nói xong, thở hắt ra rồi quy tiên. Gia đình đau xót làm lễ trả ông về với đất mẹ. Bà vợ ông vẫn tỉnh táo cắt đặt công việc ma chay cho chồng và còn dặn con trai đầu đi mua đất chôn cất ba phải tiện thể mua hai lô gần nhau, một cho ông và một cho bà để mai này bà nằm xuống ông bà được gần nhau.
Sau ngày làm lễ mở cửa mả cho chồng xong, tối bà kêu con cháu đến dặn dò: 
-               Má sống đến nay đã vừa tròn trăm tuổi, 16 tuổi về làm dâu nhà này, có được mười mặt con; mới đó đã hơn tám chục năm. Thời ấy ba má đặt đâu con cái ngồi đấy; hai ông đi dạy học với nhau, hẹn nhau làm thông gia, thế là con cái nên vợ nên chồng chứ có biết yêu đương là gì đâu. Giờ ông ấy đi trước rồi má cũng phải đi theo cho ông ấy đỡ buồn.
Cậu chắt “đích tôn” giảng viên một trường đại học danh tiếng vội hỏi:
-         Cụ ơi! Cụ có bí quyết gì mà hai người gắn bó bền chặt với nhau đến như vậy?
-         Bí quyết gì ấy ư? Có đấy! “Lúc nào hai người cũng cần nhau và luôn luôn sợ mất nhau”. Bí quyết giữ hạnh phúc gia đình đơn giản vậy thôi con.
Cụ dứt lời trên môi nở nụ cười mãn nguyện rồi đi theo chồng.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

CHUYỆN CỦA GÃ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 158 THÁNG 10 NĂM 2005









Những chiếc lá bàng vàng khè run rẩy, buông cành xoay tròn trước khi ném mình xuống mặt đất. Từng cột bụi đỏ ngàu xoáy tròn bò lên các ngọn cây hết đợt này đến đợt khác che lấp cả mặt trời tím bầm đang mệt mỏi rơi mình xuống ngọn núi Chư Bông phía tây.
Con đường đất đỏ lổm nhổm những hòn đá to như nắm tay, lặn ngụp trong lớp đất bột bị cày xới bởi xe máy cày, công nông đang oằn mình đón từng đoàn người mặt cúi gằm, chân bước thoăn thoắt, mặc cho những chiếc gùi no căng đè lên lưng, lên đầu. Mấy con chó lon ton chạy sau thè lưỡi đỏ lòm. Tất cả đều hối hả, vội vã chuẩn bị kết thúc một ngày sắp qua, đón màn đêm trở về.
Sân trường vắng lặng. Ông bảo vệ to như vị hộ pháp nặng nề vác chiếc bụng thừa mỡ giống ông địa người dân vẫn thờ nơi xó bếp đặt phíc nước lên bàn hỏi Gã.
- Chiều thứ bảy, thầy không đi đâu à?
- Không!
Gã đáp cụt lủn, mắt nhìn đăm đăm ra sân trường nơi chỉ có gió và lá đang vật vã, quấn quýt với nhau trước khi giật mình rời nhau, bỏ lại đám lá cong keo, rách nát úp mặt vào đất. Gã biết phải đi đâu bây giờ! Tay hiệu trưởng hết buổi nhảy lên xe lao vào cột bụi, chạy về nhà, vì nơi xa xa vợ con đang đợi. Bọn giáo viên đồng nghiệp với Gã chưa kịp xây dựng gia đình, cũng chờ mong tan trường nổ máy, rồ ga chạy như bị ma đuổi về thị trấn, nơi có đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy chào mời.
Còn Gã biết về đâu bây giờ? Quá nữa đời người, gần tròn ba chục năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đầy gió bụi, để rồi giờ đây chỉ còn lại một mình, trước không gian rộng lớn mà cô quạnh. Không! Đúng ra Gã cũng từng có một mái ấm gia đình, cũng từng có những buổi chiều thứ bảy hối hả đạp xe, lao mình qua những cột bụi đỏ ngàu về bên hai đứa con và người vợ đảm đang tháo vát. Gã cũng từng nếm mùi vị thơm tho của mỹ từ: Hạnh phúc! Bạn bè từng ganh tị với thành đạt của Gã; đem nhà Gã ra làm chuẩn mực để phấn đấu. Vợ Gã, nói của đáng tội - trời không ban cho nhan sắc nhưng lại trao nhiều mưu mô, sống lọc lõi với đời. Vì thế, từ một cô giáo tiểu học đào tạo gấp gáp về gõ đầu trẻ trong chiến dịch xóa mù “lấy số lượng làm chất lượng” đã từ từ ngoi lên làm “đầy tớ nhân dân”, miệng thét ra lửa, làm nhưng “ông chủ, bà chủ” dưới quyền mỗi lần giáp mặt không bao giờ đám nhìn, mà chỉ cúi đầu vâng dạ. Nhờ vào bàn tay đảm đang ấy, ngôi nhà xây của vợ chồng Gã nằm giữa thị trấn không to lắm nhưng đầy đủ những thứ thiên hạ ao ước. Con Gã có hai đứa nối nhau vào đại học, ra trường các cơ quan giành nhau mời về làm việc. Với hoàn cảnh ấy, điều kiện sống ấy chắc phải hạnh phúc lắm mới phải chứ đâu lại lang thang vô định giữa chiều buồn thế này! Chắc  tại số con người ta đến lúc đọan trường nên toàn gặp tai ương.
*
*   *
Có số thật không nhỉ? Hai bảy năm về trước Gã tình cờ về cộng tác “ba cùng” với người dân bản địa Tây Nguyên dưới chân đèo Phượng Hoàng lộng gió, gặp ba cô giáo trẻ đồng hương vào cắm bản xóa mù. Việc của Gã làm chỉ mong mang lại bình yên cho cuộc sống cộng đồng, cảm hóa những người con buôn làng lầm lỗi bị Punrô  dụ dỗ lôi kéo vào rừng. Công việc còn giang dở, gã đã bị hạ. Gã gục ngã không phải vì những viên đạn AR 15 găm vào ngực, cũng không phải bị mũi tên thuốc độc cắm vào người. Gã đổ chỉ vì một chén cơm trộn bột cây độc của người dân mời ăn. Cái thân xác to như hộ pháp của Gã đổ gục dưới chân cầu thang nhà sàn, nơi có ba cô giáo đồng hương “xà lách giây” ở trọ. Không biết may hay không may,  Gã được một cô giáo trống tiết ở nhà nhìn thấy đón xe đưa vào bệnh viện và thần chết lắc đầu trả gã về trần gian vì Gã chưa hết kíêp lưu đày nơi trần thế.
Sau ba tháng lăn lóc ở bệnh viện chuyên ngành, Gã trở lại Tây Nguyên tuyên bố cưới vợ, cưới người cứu Gã làm cả cơ quan trợn tròn mắt tưởng đùa. Tính Gã là thế, đã quyết là làm cho được, bất chấp mọi lời can ngăn, khuyên bảo của bạn bè đồng nghiệp vẫn cắm đầu lao vào. Chưa đầy tháng sau, Gã ân hận biết mình nhầm nhưng nào có thể sửa sai được nữa. Buồn! Đau! Không dám san sẻ cùng ai, đành rót vào ngòi bút, ngập tràn trên giấy thành những vần thơ xoa dịu con tim tả tơi rách nát. Gã làm thơ để tự an ủi mình, để thoát khỏi trần thế hiện tại chứ đâu phải đăng báo. Tình cờ bạn cũ của gã ghé nhà thăm khi gã đi vắng, vô tình đọc bài thơ để trên bàn, thấy hay hay mang về đăng trên tờ tin cơ quan. Thế là gã “nổi tiếng”, thành “nhà thơ”! Cô vợ Gã mừng quýnh mang tờ tin in thơ Gã đi khoe khắp nơi và cuối cùng dừng lại trên bàn ông Chủ tịch huyện. Ông Chủ tịch huyện có hơn ba chục năm gắn bó với với mảnh đất thân yêu này, đi xuyên suốt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mĩ, trên người mang đầy những vết sẹo do bom đạn găm vào và có cả những vết cào của các loài ác thú, mắt tròng xoe khi nghe cô văn thư báo cáo: huyện ta có một nhà thơ mới xuất hiện! Qúa nửa đời người, người lính già chỉ biết có súng đạn, trận mạc chứ nào có biết thơ phú là gì. Nghe có nhà thơ thì quý lắm, kính trọng lắm nên điều ngay vợ nhà thơ về Phòng giáo dục công tác, để nhà thơ yên tâm sáng tác. Thế là vợ Gã trở thành “đầy tớ của dân”!
Còn Gã với khẩu súng AK tổ quốc giao cho đã không ngại hòn tên mũi đạn lao vào mong mang lại sự bình yên cho xã hội. Bọn phỉ Punrô không phải là hình nộm, càng không phải là tấm bia trên thao trường, đã năm lần bảy lượt tìm Gã thanh toán. Trong một lần đối mặt, gã nhận hai viên AR15 vào người. Nhưng thần chết không chịu đón Gã. Gần một năm lang thang qua mấy bệnh viện, cuối cùng gã dừng chân với một công việc mới: gõ đầu trẻ. Những tưởng số phận mỉm cười với Gã khi hai con ngày một khôn lớn, khoẻ mạnh, học giỏi và vợ Gã như diều no gió trên đường công danh. Gã vắt kiệt sức mình qua từng trang giáo án, từng tiết dạy để đón nhận ánh mắt kính trọng của học trò, đồng nghiệp. Nhưng những ánh mắt ấy không xoa dịu được nỗi cô đơn mỗi khi phải bước chân về ngôi nhà của mình. Buồn, Gã lại tìm đến với thơ, gửi tâm sự vào thơ.
Có lẽ đó là định mệnh chăng, khi ai đó “đánh cắp” thơ gã gửi đăng báo đề rõ tên Gã. Báo phát hành người khen thơ hay người kêu lên ủy mị quá, thiếu chất chiếu đấu. Thậm chí có người còn cho rằng đây là bài thơ có “vấn đề”. Họp, họp và họp! Người ta lại lôi Gã đi họp để nghe phê bình, đấu tố vì bài thơ có tính chất phản động chống chế độ.
Một buổi chiều, lại là buổi chiều như một định mệnh, vợ Gã nặng nề bước vào nhà đặt lên bàn làm việc của Gã tờ đơn xin li hôn, chấm dứt hai sáu năm chung sống. Gã kí và chưa tròn tháng sau tòa trao cho gã quyết định li hôn. Gã âm thầm bẻ bút ném ra sân xách chiếc va li đựng mấy bộ đồ cùng những tập giấy thấm đẫm mồ hôi qua bao năm tháng về khu nhà công vu, bỏ lại sau tất cả những gì cho là phù phiếm.  
          Bạn bè đứa chửi, đứa la bảo Gã: Ngu! Điên! Gã chỉ cười, còn được dạy học đã là tốt lắm rồi! Gã chỉ cần có học trò, có đồng nghiệp để được chỉ cho người ta thấy cái hay, cái đẹp, cái cao thượng qua từng con chữ trong sách giáo khoa. Thế là toại nguyện!
*
*  *
          Hoàng hôn tím sẫm, đường chân trời chỉ còn một cụm mây hồng mờ ảo xa xăm. Gã nhìn mãi, nhìn mãi vào đường viền chân trời đang mờ dần. Vài ngôi sao lạc lỏng vừa lóe lên trên nền trời xanh thẳm. Mải nhìn gã khỗng thấy đứa bé gái da đen nhẻm tóc xoắn tít, gập người cõng chiếc gùi to quá khổ bước vào khoanh tay trước ngực.
-         Thưa thầy!
Gã giật mình ngước nhìn cô học trò bé nhỏ, đầu tóc mặt mũi dính đầy bụi, miệng tươi cười, thỏ thẻ:
-         Ama bảo mang cho thầy nếm thử quả đầu mùa...
Nói dứt lời, cô bé lấy từ trong gùi ra một chùm ổi vàng rộm, thơm lừng; mấy quả bắp vừa bẻ, bẹ còn xanh rờn và một quả thơm to đùng đặt lên bàn.
-         Thầy cảm ơn nhé!
-         Dạ!
Cô bé gập mình, khoanh tay chào trước khi xách gùi đi ra cửa. Ánh trăng vàng buông xuống những giọt vàng phủ lên vai, lên tóc làm rực lên những ánh sáng lung linh huyền ảo. Gã sửng sốt nhìn rồi vội vã cầm bút hối hả viết, viết như sợ ai tranh mất phần.
Viết! Phải chăng đó là cái nghiệp đã đa mang nên trọn đời gánh chịu, dù nó có phủ phàng, tàn nhẫn đến đâu đi nữa. Ngoài sân trường, trăng vẫn sáng vằng vặc.



Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

LỄ MỪNG LÚA MỚI CỦA NGƯỜI THÁI TRÊN TÂY NGUYÊN

Ngày 20 tháng 10 năm 2013, Người dân tộc Thái từ Nghệ An vào định cư trên huyện Cư M'gar, tỉnh Dak Lak tổ chức Lễ mừng lúa mới theo phong tục cổ truyền, xin giới thiệu cùng các bạn vài hình ảnh về lễ Này!


Chú thích ảnh: bàn thờ cúng Mừng lúa mới (ảnh trên); Lễ vật cúng (ảnh dưới)




Thầy cúng làm lễ cúng (ảnh trên) và chim bay về chao lượn như chào mừng (ảnh dưới)



Các điệu múa truyền thống Mừng lúa mới (ảnh dưới)







Còn các ông chồng trổ tài nội trợ (ảnh dưới)

Đồ xôi (ảnh trên);