Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

THEO CHÂN NHỮNG NGƯỜI ĐI MỞ ĐẤT bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 206 THÁNG 10 NĂM 2009







Ông Tô Bá Tham, Phó giám đốc Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm quay sang nói với tôi: “Vượt qua con dốc này là đến địa phận Nông trường 715A rồi đấy”! Theo tay ông chỉ, những cánh rừng cà phê xanh tốt hiện ra qua khung cửa kính. Trời vào thu, cả vùng Tây Nguyên chào đón mùa mưa, cỏ cây đua nhau khoe sắc. Mùa mưa, đồng nghĩa với mùa gieo trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, nhưng đó là ở những huyện khác, còn ở huyện M’Đrăk – tỉnh Dak Lak, khí hậu gần giống tỉnh Khánh Hòa, mùa thu mưa rất ít, vì thế các công trình xây dựng thủy điện đang phải hối hả thi công trước khi mưa lớn ập về. Đã lâu lắm tôi lại mới có dịp trở lại vùng đất này, nơi đây nguyên là vùng cỏ gianh bạt ngàn xanh tốt, kéo dài từ xã Krông Din xuống giáp ranh với các tỉnh Gia Lai, Phú Khánh. Trước 1975 Tướng Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy Không quân của chế độ Việt Nam Cộng hòa, lập trang trại chăn nuôi bò tại đây. Nghe người dân kể lại: nhiều hôm bò rừng kéo cả bầy ra ăn chung với bò nhà, nô đùa với nhau quần nát cả quả đồi. Những ngày cuối tuần, tên Tướng thường rủ bạn bè về đi săn; tối đến, chúng đưa máy bay trực thăng bay là là trên đồi, thấy nai liền quay cánh quạt, quạt cho nai không chạy được rồi tung lưới xuống bắt sống mang về cắt tiết pha rượu uống, nghe nói bổ lắm!
Năm 1976 Sư đoàn 333 được thành lập, Trung đoàn 715 về đóng quân trên vùng đất này; ông Trung đoàn trưởng Đoàn Ngọc Long, quê đất võ Tây Sơn tính nóng như lửa, chỉ huy quân của mình biến các đồi cỏ gianh thành đồi trồng thơm; đến mùa thu hoạch, hái về nhiều quá không biết mang đi đâu cho hết; sau quay sang trồng mía, sản xuất đường và lấy đường thải nấu rượu, chưng cất cồn. Đại tá “ba sao” ngày ấy cùng cán bộ và công nhân xoay xở đủ đường để tìm một cây trồng thích hợp cho vùng đất màu mỡ nhưng khí hậu khá khắc nghiệt nơi đây. Sau này, Sư đoàn 333 được Bộ Quốc phòng chuyển giao cho Bộ Nông nghiệp, các trung đoàn đổi tên thành Nông trường và ký kết hợp tác với Liên Xô, Nông trường 715 quay sang trồng cà phê. Ông Đại tá “ba sao” lúc đó là Phó Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp 333, trực tiếp lãnh đạo đã xây dựng được cơ sở vật chất khá bề thế cho nông trường, tuy cuộc sống của công nhân vẫn còn vất vả. Từ một Trung đoàn ban đầu, sau chia thành ba nông trường: 715A, 715B, 715C. Đến tuổi, được Nhà nước cho nghỉ hưu, ông Đoàn Ngọc Long ra thị trấn M’Đrăk ở, nhưng tình cảm của cán bộ, công nhân nông trường vẫn dành cho vị “Tư lệnh Phương đông” (thời ấy người ta đặt cho ông biệt danh đó), sự quý mến. Nông trường do ông thành lập, nay quân số ngày một tăng, đang trụ vững trên vùng đất đã được quy hoạch.
 Đường nhựa kéo dài từ Quốc lộ 26A đến Nông trường 715C là tuyến đường huyết mạch cho sự giao lưu hàng hóa từ vùng “một tiếng gà gáy ba tỉnh cùng nghe” với các vùng khác. Đến xã Ea M’Đoal, ngửa mặt lên mới thấy đỉnh núi Mẹ Bồng Con bồng bềnh trong mây trắng lừng lững ngang trời, quay nhìn ngang bốn bề toàn núi, con đường duy nhất chạy trên lưng những ngọn đồi nối tiếp nhau như chạy trên sống lưng trâu. Hai bên đường, nhà dân nối tiếp nhau dàn hàng ngang và mỗi bên cũng chỉ có một lô duy nhất, còn phía sau đã là thung lũng sâu hoắm. Trước khi đi ông Tô Bá Tham cho biết: Nếu trời mưa ta phải đi bộ khoảng 3 km mới vào được công trình. May, hôm nay trời nắng đẹp, đường khô ráo nên xe chạy xuống tận nơi. Nghĩ cũng hay, mấy ông “cưỡi trâu đỏ” thời bao cấp đi mở đất, tưởng chuyển qua cơ chế thị trường, đất khai hoang không còn, nhiều hộ gia đình tự mua được máy cày về cày, các ông sẽ “sập tiệm”! Thế nhưng hóa ra không phải; ông Vũ Đức Bùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cho chúng tôi biết: “Con người có, kỹ thuật có, máy móc có, làm sao có thể thất nghiệp được; phải linh hoạt, chuyển đổi cho phù hợp với nền kinh tế thị trường chứ. Nơi nào cần cày cuốc với diện tích lớn chúng tôi vẫn làm dù phải đi qua tận các nước bạn như: Lào, Campuchia; nơi cần làm đường, đắp đập hay xây dựng các công trình Thủy điện như: Gia Lai, Kon Tum, Dak Nông, Dak Lak… chúng tôi vẫn đảm nhận và làm tốt, được bạn hàng đánh giá rất cao. Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm hôm nay vẫn giữ được bản chất của người công nhân Xã hội chủ nghĩa được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng và ngày một trưởng thành hơn lên, điều đó thể hiện ngay ở chất lượng các công trình mà đơn vị ký kết hợp đồng thi công cũng như có uy tín với đối tác”. Để minh chứng cho nhận xét của mình, ông mời mọi người xuống công trình thủy điện Ea M’Đoal 2, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 150 km, nơi Công ty trúng gói thầu 26,8 tỷ đồng, thi công các hạng mục đập chính, tràn xã lũ, cống lấy nước.
Xe dừng trước nhà làm việc của Ban quản lý công trình, mấy anh em trực ban ùa ra đón chúng tôi. Căn nhà Ban quản lý được làm khá vững chãi, nền láng xi măng, cột sắt, mái lợp tôn và thưng xung quanh cũng bằng tôn. Trong phòng trực có đầy đủ bàn ghế gỗ kê như trong một phòng học, cơ ngơi ở công trình thế này có thể nói là quá tươm tất. Cách nhà  Ban quản lý  khoảng năm mét, khu nhà ở cho công nhân, nhà bếp đều làm bằng nhà lắp ghép; thời hiện đại có khác, công nhân không phải chịu cảnh đêm: “nằm đất ngắm tranh sao” như những năm thời bao cấp.  Ông Tô Bá Tham tranh thủ làm việc với Ban quản lý công trình và giới thiệu đoàn văn nghệ sĩ với anh em. Nắm qua những số liệu cần thiết, tôi tranh thủ xuống nhà ở công nhân thăm anh em đội máy. Giờ nghỉ trưa chuẩn bị ăn cơm, các anh thấy tôi đến, xúm lại mời nước, trò chuyện rất vui vẻ. Một thanh niên lại đứng bên tôi, một lúc sau mới chen được một câu: “Bác có nhớ cháu không?” Tôi giật mình, nhìn kỹ người thanh niên to cao, vóc dáng vạm vỡ, tuổi độ hai chục, nước da ngăm ngăm đen, nét mặt có gì đó rất quen mà nhất thời tôi không nhận ra. Ông Tô Bá Tham đến từ lúc nào không biết, lên tiếng: “Cậu này là công nhân kỹ thuật mới tuyển vào lái máy xúc, bố đương chức Bí thư Đảng ủy Nông trường 715A đấy”. Tôi đứng bật dậy nắm chặt tay người công nhân: “Cái thằng, lớn bằng chừng này rồi à?” Trình - Trịnh Xuân Trình, người con thứ hai của cô giáo dạy cùng trường với tôi từ năm 1978, hồi còn ở xã Ea Trang, huyện M’Đrak. Thời ấy gian khổ nhưng vui lắm, khi có giáo sinh Nghệ Tĩnh được phân về huyện, ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng Giáo dục, gọi tôi lên bảo: “Trường cậu được chia ba cô, ưu tiên cho em vợ cậu về dạy cùng trường.” Tôi giật mình vì có cô em vợ nào vào Dak Lak đâu. Khi gọi giáo viên lại để đưa về trường, tôi mới té ngửa… ông Trưởng phòng chọc quê tôi, nên bảo cô giáo viên mới: Nguyễn Thị Thoa là em vợ tôi vì có nước da giống nhau! Hơn ba chục năm trôi qua, cô giáo Thoa Đen – biệt danh các thầy cô trong trường Nội trú Ea Trang đặt cho ngày nào, đã kết hôn cùng anh Trịnh Xuân Thông, Bí thư Đoàn Nông trường 715 và người thanh niên đứng trước mặt tôi là thành quả của đôi uyên ương ấy. Vì công việc, tôi chuyển công tác đi xa, thỉnh thoảng mới gặp nhau trên tỉnh. Không ngờ cậu bé ngày nào, nay thành một công nhân thực thụ rồi; mảnh đất phía Đông tỉnh Dak Lak đã có thế hệ thứ ba tiếp bước cha ông lập nghiệp. Qua tâm sự với Trình cũng như các anh em công nhân có mặt tại đây, ai cũng vui vì có công việc ổn định, thu nhập khá lại được lãnh đạo Công ty quan tâm, thường xuyên động viên, thăm hỏi. Trong số 20 công nhân lái máy có mặt tại công trường thì 5 người chưa lập gia đình, sức dài vai rộng, đang cố gắng tích lũy lấy một số vốn trước khi tìm người xây tổ ấm. Cánh thanh niên bây giờ thật lạ: họ làm ra làm, chơi ra chơi, không ảnh hưởng đến công việc. Máy móc khoán theo ca, năng suất tăng - thưởng; tiết kiệm xăng dầu - thưởng; có lẽ vì thế ai cũng say với công việc của mình. Tâm sự với các anh làm tôi hiểu rõ thêm: sống và làm việc chân chính thì nghề gì có ích cho xã hội, nuôi được bản thân đều tốt đẹp cả.
Cơm trưa xong, mấy anh em rủ nhau xuống thăm suối M’Đoal, nơi có đoạn ghềnh rất đẹp. Xuống gần đến nơi, tôi gặp hơn hai chục người đang ăn trưa dưới bóng cây cổ thụ, ngay trên đỉnh ghềnh. Qua trao đổi, tôi được biết họ đều là dân của xã Ea M’Đoal vào đây làm rẫy. Số rẫy nằm trong quy hoạch lòng hồ thủy điện đã nhận đền bù và chuẩn bị bàn giao đất. Người dân rất vui vì một xã không lớn nhưng có tới ba nhà máy thủy điện cùng được xây dựng trên địa bàn. Địa hình phức tạp, nhiều núi cao, vực sâu, đất canh tác ít lại hay bị thiên tai: chưa mưa đã bị lũ lụt, chưa nắng đã không còn nước tưới. Hy vọng, các nhà máy thủy điện xây dựng xong, sẽ góp phần quan trọng giảm thiên tai và nhân dân trong vùng có nước canh tác mùa khô, nâng cao mức sống. Ước mong là thế, hy vọng là thế nên nhân  dân rất ủng hộ các chương trình này. Ghềnh đá thật đẹp, nước trong veo ầm ầm nhảy qua các tảng đá tung bọt trắng phau, các cô gái xòe bàn tay vốc từng vốc đưa lên mặt, làm khuôn mặt như rạng rỡ hơn lên. Tôi thấy mình thật may mắn được đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời đoạn ghềnh thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này và chỉ một thời gian ngắn nữa thôi nó sẽ phải nhường lại cho con đập chắn nước, vĩnh viễn mất đi; âu đó cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống, khi con người cần dòng điện cho sự phát triển xã hội.
Buổi chiều chúng tôi lên thăm con đập chính đang thi công, ông Lương Hữu Tình, Trưởng phòng kế hoạch Công ty, giới thiệu tóm tắt vài nét về công trình: Công ty đầu tư mua thêm hai máy múc hiện đại, giá thành mỗi chiếc gần 1,5 tỷ đồng đưa vào thi công công; theo thiết kế: đập chính dài 465,9m, chân đập rộng 208m, mặt đập rộng 5m, thân đập cao 29m; sau khi hoàn thành, diện tích mặt hồ rộng 64 km2, nếu tính sơ bộ, Công ty đã thực hiện hơn 40% khối lượng công việc. Những con số thật ấn tượng và càng ấn tượng hơn khi chứng kiến trên công trường, bụi bay mù mịt, từng đoàn xe múc, xe ben, xe ủi, xe đầm… đang hối hả làm việc, chạy đua với thời gian trước khi lũ về. Khí thế làm việc rất hăng say, hầu như ai cũng cố gắng mang hết khả năng để làm thật tốt công việc của mình. Anh Nguyễn Văn Hùng, Chỉ huy trưởng công trình, người còn rất trẻ, nước da xạm đen vì nắng gió nói với tôi: “Ở đây chúng tôi làm theo ca, thực hiện khoán sản phẩm cho từng đầu máy và có thưởng hợp lý nên động viên anh em làm việc rất tốt. Công việc hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, bên Giám sát cũng phải mê cách làm việc của anh em công nhân trong Công ty”. “Tối đến, ở giữa núi rừng trùng điệp như thế này các anh không buồn sao”? Tôi hỏi thêm – “Công ty lắp đặt thuỷ điện nhỏ để lấy điện sinh hoạt, trang bị ti vi màu, có gắn chảo cho anh em xem, nên cũng đỡ buồn”, anh Nguyễn Văn Hùng trả lời và nói thêm: “Thỉnh thoảng cánh thanh niên còn tổ chức sinh hoạt, không khí ấm cúng lắm”. Ở nơi xa xôi hẻo lánh, các anh còn tạo ra được những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho cánh thanh niên an tâm làm việc, đó cũng là nét đẹp truyền thống của những người công nhân Cơ giới 4 khi xưa và ngày nay là CTCPCG Đồng Tâm.

Tháng 8 năm 2009

4 nhận xét:

  1. Lời chú thích ảnh thật dí dỏm!

    Trả lờiXóa
  2. chào anh C lâu quá k ghé thăm anh được, e bận và chuyển sang fb rồi anh ạ, nếu a có đc FB thì nt cho e nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thấy em đóng cửa treo biển bán nhà làm anh ... buồn quá! Cảm ơn em đã trở lại thăm anh,
      FB của anh: https://www.facebook.com/hongchien.nguyen.37
      Vào thăm anh nhé!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI