Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

CÓ MỘT TRƯỜNG NHƯ THẾ bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 194 tháng 10 năm 2008







Nhân dịp khai giảng năm học 2008 - 2009, tôi về Phòng Giáo dục huyện Krông Năng, một huyện vùng sâu của tỉnh Dak Lak, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thiên tai thường xuyên đe dọa tài sản và tính mạng con người. Đây còn là huyện có nhiều dân tộc từ phía bắc di cư tự do vào làm ăn sinh sống, từ đó kéo theo những khó khăn về kinh tế, anh ninh cũng như văn hoá – giáo dục. Còn nhớ, tháng 10 năm 2007, huyện đang chuẩn bị làm lễ kỉ niệm 20 năm thành lập, một trận lũ ập đến, cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản của dân mà thiệt hại nặng nề nhất là xã Phú Xuân, nhiều gia đình mất sạch hoa màu, tài sản; đặc biệt có nhà xây kiên cố, nhưng trận lũ tràn qua đã xoá sạch vết tích căn nhà và cả bốn con người đáng thương đang sinh sống trong đó cũng bị nước cuốn trôi. Chứng kiến cảnh lũ kinh hoàng ấy, tôi đã viết bài phóng sự “Nơi con lũ đi qua” đăng trên Tạp chí góp một lời chia sẻ, động viên với chính quyền và nhân dân huyện Krông Năng. Năm nay theo báo cáo, điều kiện kinh tế của nhân dân có bước phát triển rõ rệt, một phần do giá cà phê tăng cao, một phần do khí hậu thuận lợi, nông nghiệp được mùa, vì thế việc học hành của thế hệ trẻ nơi đây có thể khấm khá hơn chăng!
Tiếp tôi tại phòng làm việc, ông Võ Tá Kiểu, Trưởng phòng Giáo dục huyện hồ hởi thông báo: Anh về với chúng tôi đợt này quý hoá lắm,  một số trường có bước phát triển vượt bậc về chất lượng trong phong trào thi đua “nói không với bệnh thành tích” mà ngành phát động trong năm học vừa qua. Một huyện điều kiện kinh tế, dân sinh còn khó khăn như thế này mà Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện có những quyết sách kịp thời, đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng nhân dân địa phương nên ngành Giáo dục đã gặt hái được những kết quả hết sức đáng khích lệ. Xin mời nhà báo đi thực tế xuống một số trường của huyện sẽ thấy. Nhìn khuôn mặt cương nghị nhưng có vẻ hơi ốm của ông Võ Tá Kiểu, tôi cảm thấy đây là con người có bản lĩnh, cương quyết trong công việc. Tuy nhiên tôi vẫn băn khoăn: Với tạng người mảnh khảnh kia, liệu có đủ sức khoẻ để thực hiện tốt trách nhiệm bám sát cơ sở do mình phụ trách! Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông Võ Tá Kiểu cười nói vui: Chắc nhà báo định khen mình hơi nhiều xương chứ gì, tạng người như vậy thôi nhưng vẫn thường xuyên leo đèo, lội suối đến với tất cả các trường trên địa bàn huyên đấy. Thật không ngờ, một thầy giáo dạy Hoá chuyển qua làm quản lý lại giỏi tâm lý đến thế. Qua câu chuyện trao đổi, tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết có những trường ở vùng đất khó khăn này tổ chức được cuộc thi: “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, làm cơ sở thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt giáo dục trong nhà trường. Tôi quyết định xuống ngay ngôi trường đã tổ chức  cuộc thi ấy để tìm hiểu thêm.
Đứng trước cổng trường đang đóng chặt bằng cánh cổng sắt có lẽ lâu năm chưa được sơn lại, nhiều đoạn rỉ sét đen sì, hai trụ cổng cũng nhuốm màu thời gian nên đổi màu vàng của đất đỏ ba gian, càng ngạc nhiên hơn khi không thấy một dòng tên biển hiệu của trường. Phía trong cổng, sừng sững hai cây phượng cổ thụ, tán là xanh mượt mà che kín cả con đường đổ bê tông dẫn vào sân trường, một tấm băng rôn đỏ nối hai cây phượng nổi bật dòng chữ trắng: Nhiệt liệt chào mừng năm học mới 2008-2009! Thấy tôi đứng trước cổng trường, người đàn ông đang ngồi dưới gốc cây phượng, chắc là bảo vệ, đi ra hỏi và mở cổng cho vào. Qua khỏi tán phượng, bất chợt hiện ra sân trường đổ bê tông khá rộng, ba phía được trồng bàng, phượng tươi tốt, cây nào cây ấy gốc đã to gần vòng tay người lớn, phần sân giáp ngôi trường xây ba tầng đồ sộ, trồng một dãy cây bách tán, ngọn cao chạm tầng ba. Khuôn viên trường đẹp quá, chỉ tiếc cái cổng… Theo chỉ dẫn của anh bảo vệ, tôi đến trước căn phòng đầu dãy nhà của tầng trệt, trên cửa có tấm biển nền xanh chữ trắng còn tươi nước sơn, ghi Hiệu trưởng, nhưng cửa đóng, đang phân vân chưa biết hỏi ai; may có người đàn ông còn khá trẻ đi từ sau khu lớp học lên, thấy tôi bước nhanh lại, bắt tay thật chặt: Chào anh! Anh là Hồng Chiến phải không! Thầy Hiệu trưởng đi họp giao ban Đảng uỷ xã chưa ve,à có điện cho tôi đón anh. Mời anh xuống đây! Nhìn tấm thẻ đeo trên ngực áo, tôi biết anh là Đinh Trung Văn - Phó hiệu trưởng nhà trường. Anh Đinh Trung Văn dẫn tôi đi vòng ra phía sau dãy lớp học, một khu nhà cấp bốn mái lợp tôn, tường quét ve mau xanh nước biển còn mới tinh. Như đoán được sự ngạc nhiên của tôi, anh nói: Đây là khu nhà vừa khánh thành để kịp đưa vào sử dụng đầu năm học này; nội thất chưa kịp trang bị. Nhìn các tẩm biển treo trên các cửa, tôi thấy đầy đủ các ban chức năng của nhà trường như: Hiệu phó, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Tổng phụ trách…. phòng cuối dãy ghi: Bảo vệ. Trong phòng làm việc của Phó hiệu trưởng chỉ có hai bàn kê ngang nhau để hai chiếc chiếc ghế. Anh Đinh Trung Văn tóm tắt cho biết: trường THCS Nguyễn Tất Thành năm học 2008 – 2009 có 29 lớp, 1031 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 theo học. Nhìn chung các phòng học được trang bị đồng bộ, bảng chống loá, bàn ghế tương hợp đúng tiêu chuẩn ngành quy định. Cán bộ giáo viên công nhân viên toàn trường có 64 người. Nhìn chung về biên chế tính đầu người trên lớp là đủ nhưng một số bộ môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh còn thiếu, nhiều giáo viên phải dạy quá số giờ quy định. Năm học vừa qua, nhà trường thực hiện nghiêm túc việc coi thi cuối học kì, nên tỷ lệ tốt nghiệp THCS lần một so với mọi năm giảm, chỉ đạt 76%; nhưng bù lại, tất cả các em tốt nghiệp đều được xét tuyển thẳng vào trường Trung học phổ thông. Học sinh giỏi cấp tỉnh về văn hoá khối 9 có 5 em, thể chất 3 em; học lực giỏi 30 em, đạt 2,65%; tỷ lệ lên lớp toàn trường đạt 87%. Đây là những con số rất đáng mừng đối với một trường ở vùng sâu, vùng xa. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của thầy Phó hiệu trưởng khi nói về chất lượng giáo dục của nhà trường, tôi cũng cảm thấy vui lây. Qua câu chuyện tôi được biết sở dĩ trong mấy năm gần đây chất lượng giáo dục nâng lên là do chất lượng giáo viên ngày một nâng cao; hiện nay 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 10 người trên chuẩn và 25 người đang theo học trên chuẩn. Ở một trường xa thị trấn huyện hơn chục km như thế này mà anh chị em giáo viên cố gắng theo học nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn thì thật đáng quý. Hàng ngày lên lớp dạy học, tối về soạn bài, lo công việc gia đình, các thầøy cô giáo còn phải tranh thủ học tập, biết bao khó khăn đời thường níu kéo, nếu không có nghị lực chắc không thể vượt qua. Tôi tò mò hỏi thêm: Tôi nghe nói trường ta năm học vừa qua tổ chức “Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi” được hoan nghênh lắêm, nội dung cuộc thi như thế nào, kết quả ra sao? Lần đầu tiên tổ chức nhưng kết quả thật mĩ mãn - đôi mắt Đinh Trung Văn sáng lên có vẻ phấn chấn trả lời tôi - thông qua cuộc thi, anh chị em giáo viên dự thi cũng như những người không dự và cả các bậc phụ huynh hiểu thêm những hoạt động sư phạm về công tác chủ nhiệm và ứng xử những tình huống học sinh vi phạm nội quy nhà trường, bị ảnh hưởng thói hư tật xấu ngoài xã hội…. Là người thầy, người cô, người mẹ thứ hai, giáo viên chủ nhiệm phải xử lí như thế nào trong từng trường hợp với từng độ tuổi của các em. Thông qua đó đề cao lương tâm trách nhiệm nhà giáo trước những thay đổi tâm sinh lí lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình học sinh v.v… nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Cuộc thi qua rồi nhưng phụ huynh còn nhắc mãi những cách ứng xử của các thầy cô xem đó như một bài học để về giáo dục con cái.
Có lẽ cái được nhất của cuộc thi không phải chỉ chọn ra người giáo viên chủ nhiệm giỏi của nhà trường, mà cái quan trọng hơn là phụ huynh và dư luận xã hội biết được công việc cũng như những hy sinh thầm lặng của các thầy cô đang thực hiện: tất cả vì học sinh thân yêu. Có lẽ những hoạt động sôi nổi ngoài giờ lên lớp như vậy đã tác động đến cách nhìn, cách đánh giá các thầy cô để nhân dân và chính quyền địa phương có cái nhìn kính trọng hơn với người làm công tác giáo dục. Kinh nghiệm rút ra từ các hoạt động là phải bắt đầu từ vai trò ccâng tác Đoàn trong nhà trường. Đoàn thanh niên phải thực sự là lực lượng nòng cốt trong các phong trào của nhà trường. Để giúp tôi nắm thêm tư liệu, anh Đinh Trung Văn cho mời Bí thư Đoàn trường lên gặp. Người thanh niên to cao, dáng khoẻ mạnh, khuôn mặt vuông hình chữ điền, da sạm nắng gió Tây Nguyên nên hơi đen một chút, cắp cặp bước vào phòng. Qua giới thiệu tôi biết thầy giáo Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đoàn trường, giáo viên dạy Thể - Sinh của trường. So với các bộ môn khác, thầy cô giáo dạy thể dục bao giờ cũng to cao, khoẻ mạnh và đặc biệt hoạt động phong trào rất tốt. Thầy Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm: trường Nguyễn Tất Thành có 41 Đoàn viên đang sinh hoạt, trong đó 35 nữ, số đảng viên 9 người; thật là một con số ấn tượng. Xây dựng được một đội ngũ đảng viên trẻ còn trong tuổi Đoàn như ở đây quả thật rất ít nơi làm được. Các thầy cô là đoàn viên luôn là người đi đầu trong mọi phong trào nhà trường đề ra. Có lẽ đây chính là bí quyết thành công của trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Krông Năng. 
Câu chuyện chúng tôi đang trao đổi sôi nổi thì Hiệu trưởng – Bí thư chi bộ đi họp về, thật bất ngờ khi gặp ông Hiệu trưởng lại là bạn học cùng lớp đại học với tôi – Nguyễn Xuân Việt. Vẫn trẻ trung, sôi nổi và tận tình với bè bạn như thuở còn sinh viên, nhưng người hơi mập; Nguyễn Xuân Việt mời tấùt cả chúng tôi lên phòng Hiệu trưởng. Phòng hiệu trưởng khá rộng, ngoài bộ xa lông bọc da để tiếp khách kê gần cửa ra vào, phía trong còn sắp xếp bộ bàn ghế theo hình chữ  T để làm việc, họp giao ban. Câu chuyện xây dựng trường để trở thành trường tiến tiến như hiện nay tiếp tục là đề tài trao đổi. Tôi thắc mắc: Tại sao trường xây đẹp như thế này lại không có biển tên trường? Anh ngạc nhiên khi thấy không có biển tên trường trên cổng phải không? Hiện nay đã có kế hoạch chuyển cổng qua phía nam, quay ra đường nhựa nên không tu sửa cổng cũ, ít hôm nữa anh về lại sẽ thấy khác ngay. Chi bộ đã có nghị quyết và được trên chấp thuận rồi. Nguyễn Xuân Việt chỉ lên tờ giấy khen mà Huyện uỷ Krông Năng tặng, cho tôi biết thêm: Hai năm liền Chi bộ nhà trường được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh. Hiện Chi bộ nhà trường có 21 đảng viên và 12 đối tượng đang hoàn tất thủ tục để đề nghị kết nạp vào thời gian tới. Số lượng đảng viên  và đối tượng Đảng đông như vậy cũng là một thuận lợi lớn cho nhà trường gặt hái những thành tựu xuất sắc trong thời gian vừa qua, trở thành ngọn cờ đầu trong ngành Giáo dục huyện.
Theo như Hiệu trưởng nguyễn Xuân Việt trao đổi với tôi thì thuận lợi cơ bản của nhà trường là xây dựng được tập thể Hội đồng sư phạm đoàn kết, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, đó là nguyên nhân chính dẫn tới thành công. Bên cạnh đó còn có sự quan tâm đặc biệt của Phòng Giáo dục huyện, Đảng uỷ và chính quyền xã Phú Xuân trong mọi hoạt động của nhà trường. Chính nhờ sự quan tâm ấy mà hiện nay khuôn viên của trường được mở rộng, cấp trên đánh giá là rộng và đẹp nhất huyện, đạt chuẩn Quốc gia. Sự đầu tư về cơ sở vật chất cho công tác dạy và học của nhà trường trong các năm vừa qua tương đối đồng bộ. Ngoài ra, Công ty Cà phê 49 – nơi trường đóng, cũng có chính sách ưu tiên với toàn thể anh chị em cán bộ công nhân viên của cả ba cấp học đóng trên địa bàn Công ty; đây cũng là nguồn động viên rất lớn đối với những người được cử vào đây công tác. Như sợ tôi không tin, các anh mời tôi tới khu làng giáo viên. Quả thật tôi rất bất ngờ khi thấy con đường rải nhựa phẳng lì nối từ nhà làm việc của Công ty cà phê 49 tới cổng trường Tiểu học Võ Thị Sáu dài gần một km, hai bên đường được phân lô, mỗi lô rộng 8m, dài 20m cấp cho các cán bộ, giáo viên đang công tác trong các trường đóng trên địa  bàn Công ty. Anh Nguyễn Văn Hiệp nói thêm: Nhiều người mới về trường, chưa lập gia đình, Công ty vẫn ưu tiên nhượng lại đất như các hộ gia đình giáo viên công tác lâu năm ở đây. Cán bộ giáo viên trường Nguyễn Tất Thành chỉ có một trường hợp giáo viên vừa về nhận công tác đầu năm học này là chưa có đất, còn lại ai cũng có đất làm nhà, dù đang độc thân, chưa có gia đình.
Có thể thấy đây là một cách giữ người hết sức khéo léo của lãnh đạo Công ty cà phê 49, họ đã làm đúng như cha ông từng khuyên: muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy! Nhưng ở đây không những yêu mà còn tìm cách giữ lại, muốn các thầy cô gắn chặt cuộc sống, sự nghiệp của mình với vùng đất và con  người nơi đây. Tận mắt nhìn những ngôi nhà đã xây và đang xây dang dở của làng giáo viên, lòng tôi bỗng thấy nao nao, giá như nơi nào cũng như Công ty cà phê 49 quan tâm đến cuộc sống của các thầy cô như thế, chắc chắn sự nghiệp giáo dục của chúng ta sẽ có bước tiến vượt bậc vì họ đã an cư thì chắc chắn sẽ lạc nghiệp.

Rời trường THCS Nguyễn Tất Thành tôi vẫn tâm đắc vói câu nói của bạn học cũ - Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Xuân Việt: Đảng và nhân dân tin tưởng tạo điều kiện thuận lợi như thế thì không thể vì bất cứ lí do gì mà không xây dựng được trường tiên tiến. Đúng! Tôi cũng tin như thế, nhưng để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia thì trường THCS Nguyễn Tất Thành nói riêng và cả các cơ quan ban ngành nói chung ở huyện Krông Năng còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa về xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà đa chức năng, phòng bộ môn, hội trường…. Nền tảng đã có, cần phải tiếp tục xây dựng từ nền tảng đó đưa trường ngày một đi lên. Thuận lợi là cơ bản, khó khăn chỉ tạm thời, tôi vẫn tin  và mong rằng trong một thời gian không xa sẽ được về lại nơi đây dự lễ đón nhận trường đạt chuẩn Quốc gia

14 nhận xét:

  1. Ngôi nhà rông cách điệu thật !ấn tượng

    Trả lờiXóa
  2. Đẹp quá bạn ơi, ước gì mình được đến Tây nguyên một lần nhỉ? Chúc ngày nghỉ vui.

    Trả lờiXóa
  3. Đẹp tuyệt anh ạ ! Ngôi nhà rông phong cách mới nhìn đẹp hẳn

    Chúc anh cuối tuần tràn niềm vui nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa
  4. Ui! đẹp cà lạ quá ạ.
    đây có phải là nơi ghi danh mười tãm vị vua Hùng không ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là nhà bảo tàng tỉnh Đăk Lak, chỉ lưu giữ các cổ vật về Tây nguyên thôi bác ạ!

      Xóa
  5. Đẹp,lạ và hoành tráng lắm! Anh HC ơi!

    Trả lờiXóa
  6. Kiến trúc thật là độc đáo. Cách đây hơn 10 năm, Đóm đi tour DL BMT được tham quan hồ Lắk , buôn Đôn nhưng lại chưa được tham quan Khu bảo tàng do hôm ấy trời mưa. Thật tiếc. Cám ơn Anh đã chia sẻ những vẻ đẹp rất riêng của Đăk Lăk. Chúc Anh luôn vui nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn CHINGUYENKIM đã ghé thăm; hy vọng được đón bạn quay lại BMT thăm nơi này một lần nhé!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI