Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN số 284 - tác giả H’SIÊU BYĂ

Tác giả H’SIÊU BYĂ



RỪNG KHỘP TRÚT LÁ

Truyện ngắn


Khi mặt trời đỏ au chìm lỉm dưới cánh rừng khộp trụi lũi lá, tôi gối đầu nằm nghiêng và thì thầm với gió, với cây và loài thú ăn đêm về câu chuyện của mình. Tôi nói: “Mình bắt đầu từ Hônh nhé, mình bắt đầu từ Vũ nhé” thì muôn loài nín thinh như sự im lặng của làng Drang Phôk vào buổi chiều của những con chim rừng lang bang tìm về tổ.
Tôi và Hônh ở chung nhà với bà Dơn. Mẹ của Hônh là một người đàn bà hễ thấy đàn ông là con mắt ươn ướt, chớp nhiều lần, long lanh. Bà nói: “Đó là con mắt của con voi cái mùa động dục”, tôi không quan tâm lắm, chỉ biết mẹ Hônh như vũng nước trong veo giữa rừng khộp và người đàn ông trong làng Drang Phôk là những đứa trẻ chăn trâu. Hônh ghét mẹ từ khi bà Dơn hì hục kéo nó ra từ váy mẹ. Nó khóc như bị kiến cắn, nó khóc như bị ma lai làm khi mẹ bế nó trên tay. Mẹ Hônh thì thào vào tai con: “Mày cứ khóc miết là mẹ cho bà Dơn nuôi đấy”. Bà Dơn tưởng nói đùa, thế mà mẹ Hônh cho thật. Mẹ Hônh không muốn vú bị sệ, nhão nhoẹt như trái mướp. Mẹ Hônh chỉ muốn đeo chiếc gùi nhẹ tênh đựng vài chiếc váy và sáp thơm rời làng Drang Phôk mãi mãi.
Hônh không có ý định tìm lại mẹ nhưng bước chân cứ muốn xa dần làng Drang Phôk. Hônh không chịu được khi tôi và Vũ hôn nhau đắm đuối dưới sàn nhà.
- Bà Dơn ạ, cháu muốn rời làng ra thị trấn khiêng đá thuê cho người ta làm nhà. Hônh nói với bà Dơn, lời Hônh nhẹ mang dáng dấp rón rén của con chuột trộm lúa.
Bà Dơn nhổ một đống lá thuốc qua kẽ hở, phủi váy đi nằm, tiếng bà vọng dài, tun hút ám ảnh giấc ngủ và màn đêm.
- Ờ, nuôi chim lớn rồi, chân chim dài rồi, tự bay được rồi, không nên giữ.
Hônh rời làng vào một buổi sáng tháng sáu, nắng ấm phả mùi mật ong thơm lựng chạy quanh quanh khắp làng. Chiếc xe đạp cọc cạch, bết cứng đất đỏ, đẩy khúc gỗ đằng sau, đẩy cái lưng người đằng trước lừ lừ đi và biến mất sau cánh rừng ngút ngàn.
Gió dàn dạt. Bữa cơm của chúng tôi có đùi gà và thiếu Hônh. Bà Dơn làm nghề đỡ đẻ trong làng. Phải nói thiệt, tôi và Hônh lớn lên nhờ những con gà lang thang trong rừng. Một nửa con gà là công bà đỡ nặn bụng cho mẹ, một nửa con gà là công bà đỡ xoa đầu cho con. Bà Dơn nhận lấy, hoan hỉ cũng có, buồn rầu cũng có: “Lũ mày cứ đẻ nhiều mà đất và rừng cứ nằm im miết không chịu dài ra”. Canh cà hay Hônh làm tôi và bà Dơn sụt sùi. Bà Dơn không thích nước mắt. Nước mắt chỉ chảy khi có tiếng chinh knăh hòa nhịp. Tiếng chinh knăh rộn ràng, dồn dập đón người con trai mới về. Tiếng chinh knăh u buồn, thăm thẳm vĩnh biệt con người về với núi bên kia. Bà Dơn không ăn nữa. Bà bảo nặng đầu. Hôm nay, bà bỗng quên tục lệ, đi vén váy người ta về, đã không giội mùi sinh nở cho cá trên dòng Krông Cho đớp ăn.
Những chiếc lá khộp dập dềnh trôi trên dòng Krông Cho như những linh hồn đàn ông Ê-đê lang thang, bất trị sinh ra đã chọn cho mình cây gậy và hòn đá. Ngày ấy, Hônh vừa tròn tháng, bà Dơn đã đặt cạnh nó con dao, mẩu gỗ, cây gậy và hòn đá. Hônh không muốn làm thủ lĩnh Drang Phôk, Hônh không muốn làm chiến binh. Hônh chọn cho mình cây gậy để chống lưng, hòn đá để thắp sáng, đi chỗ này, chỗ nọ, đi hết mùa con chim bay, đi hết mùa lá khộp rụng. Bà Dơn không cho tôi thương nhớ Hônh nữa. Bà ưng Vũ, gã người Kinh con của bà mua thú rừng da trắng, tóc xoăn, cằm thọng dài nục nịch. Tôi và Vũ say đắm trong tiếng gà rừng te te gọi bình minh, những âm thanh rục rạo thức giấc sau một đêm ngủ vùi dưới lớp lá khộp khô dày. Mắt bà Dơn hấp háy, miệng bà Dơn nhoẻn cười khi tôi bẽn lẽn: “Ngực căng, lưng cong và bụng có nhiều vết rạn, cháu muốn may một chiếc áo rộng, bà còn tấm vải nào không?”.
Tôi nói một câu, mặt Vũ sưng như ong đốt.
Tôi nói hai câu, tai Vũ đỏ như cục than đánh cắp ánh hoàng hôn.
Tôi nói ba câu, chân Vũ đạp gió gọi mãi không chịu trở lại.
Tay tôi run run, vịn cây khộp làm điểm tựa cho sự ngốc nghếch và điên khùng. Tôi rứt tóc, căm ghét, đay nghiến vỏ khộp già. Đêm lập lờ, tiếng Vũ thủ thỉ về giấc mơ làm nhà sàn dài thượt mái ngói đỏ tươi với nhiều đứa trẻ bò nghiêng ngả làm tôi khó thở. Tôi nghĩ về cái chết, tôi nghĩ về hồn ma trong nghĩa địa Drang Phôk, tôi sẽ chọn một ngôi mộ đẹp đẽ nằm lên. Hồn người chết trỗi dậy vây lấy tôi bằng vũ điệu chim grứ cuồng loạn. Tôi sẽ say sưa với họ để quên nỗi ê chề của chính mình. Nhưng tôi không muốn làm giọt sương tội lỗi, tôi còn đứa trẻ, tôi còn Hônh và bà Dơn kia mà. Tôi trở về nhà thì thấy đàn heo eng éc chà mình lên cột, con gà chiêm chiếp nhảy lên sàn đòi ăn. Tay bà Dơn sờ soạng nhóm lửa, bà không còn nhìn thấy một đứa trẻ con nào từ hôm qua. Yang đã lấy đi đôi mắt người đỡ đẻ của làng.
Một trăm con chim sẻ, một nghìn con chim ri ra rả báo tin cho tôi Vũ rục rịch cưới vợ. Tôi sềnh sệch kéo bạt nhốt lúa, nhốt ớt, nhốt hạt bầu, hạt bí vào nhà kho. Tôi kéo chày, kéo cối đổ lá mì ưỡn ngực, ưỡn bụng thình thịch, thình thịch. Lá mì tung tóe, trải một lớp mịn màng xanh sẫm khắp hiên. Sàn nhà rung, tim tôi rung mạnh hơn. Drang Phôk mưa to, không bằng mưa lớn trên mặt. Trong suy nghĩ tối thui và điên dại, tôi muốn dùng ma lai làm Vũ chết, ma lai của chính người Drang Phôk nuôi. Sét đến trước, sấm đến sau thả những tia sáng chóe lửa đùng đoàng chặn lối người qua đường. Từ xa xa, giữa cơn mưa tầm tã, dáng bà Hrill còm cõi, xiêu vẹo: “Ơ Hrill, bà đi đâu mà vai ướt nhẹp, chân bết đất thế?”, bà Dơn khục khặc vừa nói vừa ho. Chân phải bà Hrill đặt lên bậc thang thứ nhất, chân trái bà Hrill đặt lên bậc thang thứ hai, bà nghiêng đôi tai trả lời: “Tôi vừa từ rừng về, thăm con chó sói mang mặt đàn ông, thăm con hổ mang mặt đàn bà, mặt trăng ngủ rồi thức, chim phí bay đi rồi bay về, đã nhiều ngày, nhiều tháng chúng chưa có linh hồn nào để ăn”. Bà Hrill giũ váy bên này một bầy kiến đen rụng như lá, giũ váy bên kia một đàn bướm bay lượn vòng như hoa. Bà Dơn sai tôi lấy lá mì trong cối, lấy thịt khô trên bếp, lấy bầu nước ngọt nấu canh đãi người khách ngồi bếp ăn cơm chung.
Mưa im, Drang Phôk rơi một mình trong tiếng ú oa trẻ con giật mình muốn khóc, người lớn bối rối muốn đứng dậy kéo cửa, cài then. Bà Hrill nhổ nước bọt trắng xóa vào tay chà chà vào đôi chân ngả màu mốc cũ. Bà cũng không quên móc năm hạt lúa đen kịt từ móng tay dài cong như ngà voi cùng lời dặn thổi bùng vào suy nghĩ: “Nay ta cho cháu năm hạt lúa, mặt trăng tròn tháng sau, cháu nhớ vứt lúa vào lửa, cháu nói, ơ lửa, ơ lửa, lửa ở yên tại chỗ, lửa hãy nhận và ăn tất cả thức ăn người thích tại đây nhưng hãy cử làn khói trắng đi theo gió vào rừng khộp nói với con chó sói mang mặt đàn ông, con hổ mang mặt đàn bà về làng để ăn linh hồn người ăn cơm trước trong nồi ba, rửa mặt trước trong nồi bảy, vú nổi thâm đen rồi mặc áo đi về”...
Tôi để năm hạt lúa của bà Hrill vào ché nhỏ bịt một lớp lá chuối hơ, bịt hai lớp lá chuối hơ, lớp thứ ba phủ bằng tấm ni lông mỏng chờ ánh trăng sáng nhất xiên qua cửa sổ. Linh hồn của Vũ bị con chó sói mang mặt đàn ông, con hổ mang mặt đàn bà cắn xé, thong thả nhai rụm rụm như bước chân giẫm lên lá làm sợi tóc tôi muốn bay ra khỏi đầu vui mừng. Linh hồn biến mất, thân xác Vũ trở nên rệu rạo. Lúc đó, Vũ sẽ nhớ đến tôi. Vũ sẽ nhớ đến khoảnh khắc lấy cán dao bằng gỗ lim chọc vào lỗ cua, lấy cán cuốc bằng gỗ dổi chọc vào lỗ dế. Con cua bò ngang Vũ dửng dưng, con dế bò dọc Vũ không thèm để ý. Vũ sẽ trèo lên cầu thang bảy bậc, hôn lên bàn chân trái, hôn lên bàn chân phải, níu váy người chẻ trái cà xoay lưng, níu áo người ăn cơm chỉ nhìn vào bếp lửa. Drang Phôk xao động nhiều tiếng nấc. Tôi ôm bụng vỗ về giấc ngủ triền miên.
Trăng nhạt thếch như bữa cơm thiếu ớt. Tôi lắng tai nghe tiếng hạt lúa ơ hời mỗi đêm như lắng nghe tiếng quẫy đạp của đứa con trong bụng mình. Tôi cắt tã từ những tấm áo cũ thành hình tam giác, cần mẫn xếp chồng trong gùi mới thoang thoảng mùi tre thường bám trên tay Hônh. Không hiểu sao, tôi có cảm giác con tôi sẽ giống Hônh hơn giống Vũ. Hay tôi muốn thế, cũng không biết nữa, đầu tôi đang chứa những con giun mềm như nước đi qua đi lại, lộn xộn. Bà Dơn cũng vậy, bà bảo tim đập nhanh, chân run rẩy, bà cảm nhận được một mảng briêng to như cái nong, lớn như cái nia phủ xuống mái nhà, rơi xuống bếp, dính vào tay vào chân của chủ nhà. Bà dặn tôi đừng đem năm hạt lúa đen của bà Hrill cho lửa ăn nữa, bà không muốn chỉ riêng con cháu khóc hờ khi tôi chết. Những người nuôi ma lai, những người trồng thuốc độc luôn sống một mình, chết một mình ở làng Drang Phôk này.
Đầu tôi hay nghĩ về những lời nói trúng tai của bà Dơn.
Nhưng đầu tôi cũng hay nghĩ về sự trả thù của kẻ làm tôi cúi gằm mặt, bẻ cụp tai mỗi lần ra giếng múc nước, ra rẫy đổi công.
Mùa suốt lúa làm chân tay tôi bận rộn. Ban đêm, tôi để cái đầu của mình đuổi theo miết con chim ktia, chim nghiêc dưới thung lũng rơm rạ phủ màu vàng ươm. Mặt trăng tròn, ngủ quên. Năm hạt lúa và ngọn lửa đánh thức con chó sói, con hổ, ngủ quên. Tôi muốn tất cả lặng im nhường chỗ cho mùa suốt lúa của cả làng Drang Phôk. Nhưng Hônh không muốn im, Hônh muốn Vũ phải về nhà tôi làm cha của đứa bé chưa làm lễ thổi tai, đặt tên trong bụng. Hônh đã trở về, hung dữ và điên khùng. Sáng sớm, Hônh không ngồi ấm lửa trên nhà mà mài xà-gạc sàn sạt dưới sàn. Bà Dơn hoảng hốt như có người nhổ lông chân, bà thò cái khăn đầu nghiêng qua cửa sổ: “Váy đã rách đừng có xé ra to, lửa đã cháy cả nhà cùng nhau dập, đừng có ăn cơm một mình, đừng có ăn cá một mình, đừng để yang xấu dẫn lối, đầu chỉ tay, đầu chỉ chân làm tầm bậy, tầm bạ”.
Hônh ngừng tai nghe như cơn gió chạy từ cửa khách ra cửa bếp. Cán xà-gạc bằng gỗ le chuyển động theo tay, lưỡi xà-gạc bằng sắt nung chuyển động theo vai. Sàn sạt, sàn sạt, nhịp nhàng, nhịp nhàng. Mắt Hônh nổ lửa phừng phực, mắt xà-gạc nổ lửa theo. “Ha bưih, không chịu được rồi, chân cháu hãy bước dài hơn chân nai chạy theo lối nhỏ qua bìa rừng đến thung lũng gọi ông cậu ama Pui về ngăn chặn chuyện lớn mau lên”, bà Dơn hét to. Tôi bỏ chày, bỏ cối, kéo váy lên bắp chân, kéo áo lên bắp tay tất tả chạy nhanh phía bìa rừng.
“Ơ Yang Chư, Yang Ea, Yang Mdê, Yang Kê! Lúa đã đem về tới kho, ngô đã đem về tới nhà, nay con cháu cúng bằng con heo, bằng ché rượu. Thịt heo đã dọn trong lá, rượu đang chảy trong cần, xin các Yang đến uống…”. Lời cúng của ông cậu ama Pui ngập tràn thung lũng, vọng dài trong rừng khộp, kéo lỗ tai người và vật nghe chung. Ông cậu ama Pui không kịp uống rượu ngụm đầu tiên, ông cậu ama Pui không kịp tuyên bố với Yang ngụm rượu sau cùng. Ông chạy đàng trước, tôi chạy đàng sau. Tiếng chó sủa inh ỏi, tiếng chân người thình thịch. Drang Phôk có chuyện rồi, quạ kêu nhiều trên cao, kiến mối kêu nhiều dưới đất. Lưỡi xà-gạc từng chém chết con heo rừng một nanh đã kề vào cổ Vũ. Máu Vũ trào lênh láng nhuộm rừng khộp đỏ tươi. Người đàn bà người Kinh kêu gào chửi bới. Ama Pui lặng người, bà Dơn cái miệng thành đá còn tôi ngồi phịch dưới đất phả hơi thở phì phò của con trâu rừng muốn đẻ.
Rừng khộp trút lá không giấu nổi cái lưng chạy trốn của Hônh.
Rừng khộp trút lá không che chở nổi cho đứa con chưa kịp làm lễ thổi tai, đặt tên của tôi nữa. Năm hạt lúa đen tự đến với lửa để lửa đánh thức con chó sói mang mặt đàn ông, con hổ mang mặt đàn bà gặm nhấm linh hồn bé bỏng thay thế cho linh hồn người cha tội lỗi của nó.
Tôi trở thành người đàn bà đầy vết sẹo ở làng Drang Phôk, rũ rượi, thích nằm nghiêng, thì thầm với gió, với cây và loài thú ăn đêm về câu chuyện của mình.





Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN số 284 - tác giả NGUYỄN VĂN THANH






CHIẾN THẮNG CỦA SỨC MẠNH
ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC



Toàn thắng 30.4.1975 là kết quả của cả chặng đường dài chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của mọi người Việt Nam yêu nước; của khối đại đoàn kết dân tộc trên toàn cõi Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cứ mỗi mùa xuân đến, mọi người Việt Nam không thể không nhớ tới ngày toàn thắng 30.4 năm xưa.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Mỹ hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam, gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Chúng đã đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu, với vũ khí, phương tiện kỹ thuật chiến tranh hiện đại. Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã cử ra các chiến lược gia, các tướng lĩnh bậc nhất để đấu trí với ta.
Vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vì sự tiến bộ của nhân loại, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã làm nên những chiến công vang dội: Lần lượt đập tan các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy, hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 ở miền Nam; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Tiến công chiến lược năm 1972, Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng. Những chiến công ấy làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đối phương, buộc đối phương dù còn rất ngoan cố và rất hiếu chiến vẫn phải ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam.
Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ chúng ta có điều kiện thuận lợi như những năm sau Hiệp định Pari. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc đang chuyển biến mau lẹ, “một ngày bằng cả hai mươi năm”. Chớp lấy thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có nhiều hội nghị bàn các vấn đề cụ thể của cách mạng hai miền Nam-Bắc: Hội nghị lần thứ 21 (tháng 7.1973) bàn về phương hướng và nhiệm vụ cách mạng miền Nam, hội nghị lần thứ 22 (tháng 12.1973) bàn về khôi phục kinh tế miền Bắc, Hội nghị lần thứ 23 (tháng 12.1974) bàn về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng… Miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế nhằm đảm bảo nhu cầu nâng cao đời sống nhân dân miền Bắc và chi viện hiệu quả về sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Với đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của Đảng ta, chỉ trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã giành được toàn thắng bằng ba chiến dịch then chốt: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 đến 24 tháng 3) mở đầu bằng mũi tiến công đột phá vào Buôn Ma Thuột, tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường, làm đổ vỡ và rung động toàn bộ hệ thống phòng thủ quân sự của ngụy quyền Sài Gòn trên một địa bàn chiến lược quan trọng - Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ ngày 5 đến 29 tháng 3) làm cho địch phải rút quân, bỏ lại toàn bộ địa bàn ven biển trung Trung bộ, làm phá sản hoàn toàn những kế hoạch quân sự của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 đến 30 tháng 4)  giải phóng Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh còn lại của Nam bộ. Với khí thế "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", 11 giờ 30 phút trưa 30.4.1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên cột cờ cao nhất dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch lịch sử  mang tên Bác Hồ kính yêu toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam toàn thắng. Một lần nữa, sức mạnh Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại đã ngời sáng khi một Sài Gòn được tiếp quản hầu như còn nguyên vẹn, không hề diễn ra một biểu hiện trả thù hay một cuộc “tắm máu” nào như kẻ thù vẫn rêu rao mà ngược lại, Sài Gòn trưa 30.4 ngập tràn sắc đỏ của rừng cờ, rừng hoa mừng ngày đại thắng.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã một lần nữa khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh đó có cội nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “… mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Đại thắng mùa xuân năm 1975 thêm một lần nữa chứng minh sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực sự được nhân lên gấp bội khi được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.
Hơn 40 năm đất nước đã hòa bình thống nhất, tròn 30 năm Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới được hết thảy các tầng lớp nhân dân ta đồng tình, hưởng ứng và hăng hái thực thi trong thực tiễn, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa. Các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Song, bên cạnh đó cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục để phát triển đất nước mạnh mẽ trong những năm tới.
Trong thời kỳ mới, để thấm nhuần quan điểm của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta phải quán triệt sâu sắc những bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc đã được khẳng định trong thực tiễn. Trước hết, phải quán triệt và thực hiện cho được quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”. Bước vào thời kỳ mới, quan điểm “Dân là gốc” phải được coi là nền tảng của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Sự nghiệp đổi mới đất nước là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, nên mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ dân, dựa vào dân để thực hiện. Kế thừa và phát huy quan điểm của các Đại hội trước, Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nêu phương hướng: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng”.
Thời khắc thiêng liêng của ngày 30.4.1975 vẫn hiển hiện nóng hổi, lay gọi, xao động lòng người. Với tinh thần chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử; hướng về kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; tiến tới bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, chúng ta hãy chung sức, đồng lòng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường đoàn kết, dồn hết sức lực và tâm huyết vào sự nghiệp chung, cống hiến ngày càng nhiều hơn cho nhân dân, cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của của đất nước.


Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN số 284 - tác giả NGUYÊN HƯƠNG

Nhà văn NGUYÊN HƯƠNG



LÊN RỪNG XUỐNG BIỂN

Truyện ngắn


Đang ngồi hong nắng trước sân, thấy tôi tới, bà cụ đi vô nhà và theo xuống bếp luôn.
Ban đầu, tôi tưởng cô chủ giao cho bà cụ nhiệm vụ ngó chừng tôi. Cũng đúng thôi, tôi là ôsin mới toanh tìm tới xin việc theo một mẩu tin đăng trên báo, người ta đã biết gì về tôi đâu. Nói cho cùng thì tôi cũng muốn có người nhà chủ theo dõi mình, vậy cho rõ ràng, lỡ mất mát gì tôi khỏi bị nghi oan. Nhà chủ có tiệm chụp hình và cho thuê váy cưới ngay mặt tiền, khách ra vô, lỡ có kẻ gian lẻn vào trong thì mệt.
Rồi tôi thấy buồn cười. Một bà già mà chỉ việc ngồi xuống hay đứng lên phải mất cả phút vì loay hoay tìm chỗ để vịn và chống tay, muốn xỏ chân vô đôi dép bà cứ nhướng mắt tìm kiếm mặc dù đôi dép nằm ngay chân ghế bà đang ngồi…
Kiểu đó thì sao mà canh chừng ăn trộm được.
Phòng ngoài chiếm hai phần ba tầng trệt làm tiệm chụp hình kiêm cho thuê váy cưới, diện tích còn lại là phòng của bà và nhà bếp. Chồng của cô chủ là nghệ sĩ nhiếp ảnh, sau khi dạy nghề cho vợ thì ông giao lại tiệm chụp hình luôn để ông đi đây đi đó săn ảnh nghệ thuật. Hai đứa con một trai một gái tuổi mười bốn mười sáu đều học bán trú, cô chủ vừa quản lý tiệm vừa là người trang điểm chính cho khách cho nên làm việc ngay tại nhà mình mà cô cũng chỉ thỉnh thoảng tạt vô trong ngó qua rồi lại đi ra ngay.
Chắc là bà cụ buồn nhớ quê nhà lắm, tôi nghĩ vậy. Báo chí hay nói về những người già được con cháu đón về thành phố phụng dưỡng mà không thấy sung sướng hạnh phúc vì nhớ đồng ruộng.
**
Tôi đã lầm. Bà cụ vốn là người buôn bán ngay tại thành phố này. Hồi mới bán nhà chia thừa kế cho con cái rồi về ở với đứa con gái đầu lòng là cô chủ, ngày nào không bị bịnh khớp hành hạ thì bà đi ra chợ ăn sáng và ngồi chơi với mấy bà bạn kém may mắn hơn mình, già rồi mà vẫn phải bươn chải.
Ba mươi năm bán hàng rong khắp các trường học, đến một ngày bà đứng như trời trồng trước cổng trường cách nhà ba cây số vì đầu gối bỗng đau đớn và cứng đờ không làm sao co duỗi được.
Bác sĩ giải thích đủ thứ mà bà chỉ nhớ một thứ, là không nên đi bộ nhiều vì đầu gối phải gánh trọng lượng của cơ thể… Chưa nghe hết câu bà đã phát hoảng, cặp giò của bà đâu chỉ gánh trọng lượng cơ thể.
Mấy đứa con bàn bạc góp tiền cho bà chuyển nghề bán tạp hóa tại nhà, nhàn hơn nhiều lại không phải ra mưa ra nắng. Nhưng sau mấy tháng hàng hóa trên kệ vơi đi thấy rõ mà tiền thì không thấy đâu. Ra là nhiều người mua thiếu mua chịu mà bà không biết chữ không ghi sổ được, cứ nhớ trong đầu rồi thì nhớ nhớ quên quên… Bà đòi món nợ năm chục, người hàng xóm ngạc nhiên bữa đó mua bịch xà bông có ba chục thôi mà. Chưa kể cô bé gần nhà méc lại là có lần thấy bà thối cho ông kia mua gói thuốc lá tờ năm trăm ngàn thành tờ hai chục. Lần này là đi bác sĩ mắt. Ông bác sĩ kê toa thuốc bổ vitamine A, uống cho vui, sinh lão bịnh tử, bà đã ngấp nghé giữa lão và bịnh, phải chấp nhận thôi.
Mấy đứa con nói thôi dẹp quán… Nhưng dẹp quán rồi gì nữa tiếp theo thì  nghĩ không ra. Nhà bà con một bề, cả bốn đứa đều là con gái và đứa nào cũng có phước nhờ chồng. Cái phước đó đâm ra khó, chồng nuôi vợ mà lại còn phải nuôi luôn má vợ sao? Lại còn cái bàn thờ cha vợ nữa.
Đùng một cái, quy hoạch chợ mọc lên gần nhà khiến căn nhà cấp bốn cũ kỹ của bà tăng vọt giá lên trời, bà bỗng trở thành tỷ phú. Mọi chuyện dễ thở liền.
Bán nhà chia cho mỗi đứa con được sáu trăm triệu, phần bà cũng chừng đó gởi ngân hàng, tiền lời đủ cho bà sống nhàn hạ mà không mang tiếng ăn nhờ con rể. Bàn thờ chồng cũng đi theo bà. Năm kia còn là nhà trệt, bàn thờ ở dưới này. Từ hồi xây lại nhà ba tầng rồi mở tiệm chụp hình, bàn thờ dời lên tầng ba.
**
Ngày nào tôi cũng bắt đầu bằng bỏ áo quần vô máy giặt, rửa chén bát nồi niêu dồn lại từ hôm qua, lau bếp. Tiếp theo là lau dọn bàn ghế và nền nhà. Cuối cùng là lấy áo quần trong máy giặt đem lên sân thượng phơi.
Dọn dẹp trong bếp, tôi nghe bà kể chuyện đời mình, mỗi ngày một chút nhớ đâu nói đó, rành mạch như đã kể trên đây là do tôi ráp nối lại. Tới khi tôi lau dọn tầng trên thì bà coi ti vi. Tôi bấm tìm kênh cho bà và rất ngạc nhiên vì bà thích chương trình Chuyện lạ đó đây và Discovery.
Đang dí mũi sát màn hình hai mắt nhíu lại chăm chú, thấy tôi từ trên lầu đi xuống thì bà bứt mắt khỏi ti vi và hào hứng kể ngay: “Chà chà hôm hay chiếu cảnh bộ lạc trong rừng mà người ta đi trên cành cây.” Khi khác thì: “Cháu tin nổi không, ti vi chiếu cảnh ông sư đi trên mặt nước cũng như mình đi trên đất vậy đó.”
Bà vừa nói vừa giậm giậm bàn chân nhăn nheo nổi đầy gân xuống nền nhà.
Tôi cũng hay kiếm cớ hỏi này kia để bà có cớ trò chuyện cho vui:
- Hôm nay ti vi có gì hay không bà?
- Mới chiếu cảnh một người đi chân gỗ mà leo núi đó cháu - Giọng bà cụ trầm trồ.
Nghe cứ như nếu không bị bịnh đau khớp hành hạ thì bà cũng sẽ lên rừng xuống biển như ai.
**
Trời trở gió, bà cụ nửa ngồi nửa nằm trên cái ghế võng, người quấn mền kín mít. Mấy ngày liền bà không nhờ tôi bật kênh ti vi yêu thích. Tôi hỏi bà mệt sao? Bà nói ừ, mệt, ti vi thêm nhức mắt, chỉ thấy màu mè loang loáng chứ không nhìn rõ nữa.
Gió từ cửa chớp thổi vô buôn buốt. Cô chủ từ ngoài đi vô, nhìn ngó:
- Sao má không nằm trong phòng cho ấm?
Bà cụ ậm ừ trong cổ.
- Pha cho bà ly trà gừng đi cháu – Cô chủ nói với tôi.
Cô chủ đi ra, hai phút sau trở vô khi tôi đã pha xong ly trà. Cô nhìn bà cụ bưng ly lên uống một ngụm rồi mới quay ra. Liếc nhìn cánh cửa khép lại sau lưng cô chủ rồi thì bà cụ để ly trà xuống nền nhà, lại co hai tay vô mền và nói ngắn “Lạnh quá.”
Quen nghe bà cụ kể chuyện này chuyện kia, nay im lặng tôi cũng thấy vắng nên hay ngoái nhìn bà cụ. Có khi đụng ánh mắt bà cụ cũng đang nhìn tôi. Vậy là tôi với bà cùng mỉm cười.
- Ăn sáng chưa cháu? – Bà cụ hỏi.
- Dạ cháu ăn rồi – Tôi trả lời.
- Sáng nay ăn gì?
- Cháu ăn xôi.
- Hôm qua hỏi cũng ăn xôi hôm kia hỏi cũng ăn xôi ngày nào cháu cũng ăn xôi hả?
- Dạ.
- Ờ, ăn xôi rẻ tiền mà no bụng – Bà cụ hấp háy mắt rồi hạ giọng – Cháu tới đây bà nói cái này.
Tôi đi tới gần. Bà ngọ nguậy trong mền rồi rút tay ra, hai tờ hai chục ngàn.
- Tờ này cho cháu, sáng mai ăn tô bún bò. Còn tờ này – Bà đảo mắt nhìn ra cửa – Ngày rằm mua giùm bà gói thuốc rê.
**
Bà cụ không dặn mà tôi cũng cảm nhận được là phải giấu cô chủ vụ gói thuốc rê này. Thật tình là tôi đã định nói cho cô chủ biết, lỡ bà tự làm gì đó nguy hiểm. Không chỉ bịnh khớp, bà còn bị máu nhiễm mỡ, tiểu đường và cao huyết áp nữa, chưa kể đủ thứ sụt sịt nhức nhối của người già.
Cũng may là gói thuốc rê nhỏ gọn nhét trong túi áo được.
Cô chủ đang trang điểm cho cô dâu, tôi vừa tới, cô chủ nói liền:
- Cháu vô coi bà đã thức dậy chưa thì pha cho bà ly sữa.
Tôi “dạ”.
Bà đang ngồi sẵn trên ghế. Ngồi, chứ không phải nằm như tôi thường thấy. Nghe tôi cất tiếng chào, bà đưa tay vuốt lại đầu tóc và kéo vạt áo thẳng thớm.
Tôi đưa cho bà gói thuốc rê. Chưa nói gì thì bà đã cầm luôn tay tôi kéo lại gần và thì thào:
- Nó đang có khách phải không cháu?
Tôi hiểu “nó” là cô chủ. Tôi gật đầu:
- Dạ, đang trang điểm cô dâu.
Bà mừng rỡ, lại thì thào:
- Được đó. Trang điểm cô dâu thì lâu lắm. Cháu đỡ bà lên lầu ba giùm.
Tôi kinh ngạc và bối rối. Ngày mùng một và rằm tôi thường thấy cô chủ mua táo lê nho về, “Hôm nay con mua mấy thứ này thắp nhang cho ba,” bà nhìn cô chủ xếp trái cây ra dĩa rồi nhìn theo cô chủ bưng dĩa trái cây đi lên lầu.
Tôi đứng yên không biết nói gì, trong đầu tưởng tượng bà co chân bước lên bậc tam cấp rồi không duỗi ra được, hoặc là trợt té…
- Bàn thờ tận trên đó cao quá cho nên cả năm nay bà không tự tay thắp cây nhang cho ông được – Bà vừa nói vừa nhìn ra cửa với ánh mắt phập phồng - Hồi đó ông thích hút thuốc rê.
Tôi xiêu lòng. Ba tôi ở quê cũng hút thuốc rê.
Từng bước, bà co đầu gối lên một cách khó khăn, tôi quàng vai vừa giữ cho bà khỏi bị té vừa kéo bà lên…
“Úi… ùi… ùi…” bà bặm môi bặm miệng rồi không nén được bà bật ra từng tiếng rên ngắn rồi lại bặm, thở hổn hển… Không phải lúc nào bàn chân cũng đặt  đúng chỗ, cẳng chân không chịu theo ý bà, nó bỗng ngừng khựng khiến bàn chân xỉa ngay mép bậc tam cấp như là bà đá vô đó. “Ố”, bà kêu lên rồi vội ngậm lại. Đau ghê gớm lắm vì bà phải lom khom đứng lặng một hồi, những ngón tay bấu chặt bắp tay tôi.
Lên tới phòng thờ trên tầng ba, mồ hôi túa đầy mặt mà bà cười mãn nguyện.
Tôi bật quẹt đốt nhang đưa cho bà. Tay bà run run cắm nhang vô lư.
- Lâu rồi tui không thắp nhang cho ông, đừng giận tui nghen. Tui cúng thuốc rê cho ông đây - Bà nói và đặt gói thuốc rê lên mép dĩa đang chưng trái bưởi da xanh. Bà rờ rẫm tấm hình ông nghiêm trang nhìn thẳng, nước mắt chảy ra, bà lầm rầm – Con gái mình hiếu thảo lắm đó, nhưng mà nó nói thuốc lá độc hại. Thời đại mới bây giờ khác hồi mình lắm. Mà chân cẳng tui thì muốn rụng rơi tới nơi rồi, ông thông cảm đừng buồn nghe.
Khói nhang bay, bà dụi mắt, cười cười mếu mếu.
- Mình xuống đi bà – Tôi nhắc – Lỡ cô chủ…
Bà ờ ờ rồi nấn ná thêm một hồi nữa mới chịu rời khỏi phòng thờ. Tôi hoảng hồn nhận ra đi xuống khó hơn đi lên rất nhiều. Đi lên rất mệt và nặng nhưng không sợ té, còn đi xuống thì thân hình bà cứ chúi nhào, bàn chân giậm xuống trầy trật chực trợt ra khỏi bậc tam cấp. Tay này tôi choàng qua vai bà giữ chặt, tay kia tôi níu thành cầu thang… Cứ như là tôi và bà giằng co nhau, cả hai đều toát mồ hôi đầm đìa.
- Trời ơi… Má…
Cô chủ hét vang từ chân cầu thang khiến tôi điếng người. Cô chủ quay mặt ra cửa:
- Tiến nhanh nhanh vô đây cõng bà xuống nhanh nhanh...
Anh thợ chụp hình tên Tiến từ ngoài chạy vô, hiểu ngay sự tình, anh nhảy ba bậc một lên tới chỗ tôi và bà.
Tôi sợ đến nỗi tay choàng qua cổ bà cứng đờ, anh Tiến phải gỡ tay tôi ra.
**
- Nguy hiểm lắm con đã nói với má biết bao lần rồi. May là con nhìn thấy kịp. Má thắp cây nhang mà lỡ xảy chuyện gì thì ai chịu đây? Mà có phải là con không cúng kiến đàng hoàng đâu -  Cô chủ rền rĩ – Má làm như là con ăn ở tệ lắm. Má khiến một đứa sinh viên đi làm ôsin có cớ cười vô mặt con. Má hỏi cả xóm này đi, có ai chê trách con không chăm sóc má tử tế không?
Bà cụ nằm im trên ghế võng, hai bàn tay nắm lại đặt trên bụng nổi đường gân xanh lè.
Anh thợ chụp hình đã đi ra ngoài từ nãy giờ. Cô chủ nói vọng:
- Tiến, từ nay chị trả thêm em mỗi tháng hai triệu để ngày ngày cõng má chị lên lầu thắp nhang nghe – Quay qua bà cụ, cô chủ khóc – Má nghe con nói rồi đó. Má hài lòng chưa? – Quay qua tôi, cô chủ cắn răng – Cháu tốt bụng lắm, nhưng mà má tôi mà té từ trên đó xuống thì cháu có chịu trách nhiệm không?
- Dạ cô cho cháu xin lỗi… - Tôi lí nhí và nhớ tới gói thuốc rê còn trên bàn thờ.
**
Tôi hình dung khi nhìn thấy gói thuốc rê cô chủ giận tới cỡ nào, và tôi hình dung cô lập lại những lời đó với má mình thêm lần nữa. Lần nữa...
Tôi hay nhớ khi bà trầm trồ kể chuyện lạ đó đây. Tôi đã đoán bà ao ước lên rừng xuống biển, mà biển và rừng của bà xa xôi vừa tới chỗ đặt bàn thờ thôi, cũng thành tít tắp.
Có lần ra Nhà Văn hóa, gặp lúc chồng cô chủ triển lãm ảnh chủ đề Phụ nữ. Tôi đi loanh quanh ngắm nhìn những tấm ảnh chụp người đàn bà dân tộc địu con trên lưng, người đàn bà giữa ruộng muối, người đàn bà gánh hàng rong trên vỉa hè đầy lá rụng...Và tôi nhìn thấy bà cụ mặc bộ đồ gấm ngồi hong nắng trước sân, mái tóc bạc nhuộm vàng.




Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 283 - tác giả NGUYỄN THỊ HƯƠNG LÀI





NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN – MỘT NÉT ĐẶC SẮC CỦA CỔ TÍCH NGUYÊN HƯƠNG



Trong bối cảnh truyện cổ tích mới viết cho thiếu nhi ở Việt Nam đang dần thưa vắng và ít đặc sắc như hiện nay, Nguyên Hương - nữ nhà văn đến từ Đắk Lắk - được xem là một hiện tượng. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, từ cuối 2014 đến đầu 2015, Nguyên Hương có liền 40 truyện cổ tích mới, phân bố trong 8 tập truyện, lần lượt là Viên ngọc bùa mê, Bịt mắt bắt kẻ nói dối, Gương thần, Tấm thảm bay, Đôi hài vạn dặm, Chiếc áo tàng hìnhVùng đất bị phù phép, tất cả đều do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Theo TS. Lê Nhật Ký (ĐH Quy Nhơn), người có thâm niên trong việc nghiên cứu văn học thiếu nhi ở Việt Nam, truyện cổ tích mới của Nguyên Hương rất đặc sắc. Một trong những phương diện làm nên nét đặc sắc cho cổ tích Nguyên Hương chính là nghệ thuật xây dựng cốt truyện.
Nguyên Hương sử dụng những công thức có sẵn trong kho tàng văn liệu dân gian như các kiểu mở đầu, kết thúc và hàng loạt những mô típ nghệ thuật để xây dựng cốt truyện. Tuy nhiên, chị cũng có nhiều sáng tạo để giúp câu chuyện trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại, hướng tới chức năng giáo dục tuổi thơ như tinh thần chung mà thể loại yêu cầu. Điều này thể hiện khá rõ nét trong cách mở đầu, phát triển và kết thúc mà Nguyên Hương thể hiện trong nhiều tác phẩm của mình.
1. Mở đầu câu chuyện
Đại đa số truyện cổ tích Việt Nam đều mở đầu bằng mô típ quen thuộc về thời gian, không gian và nhân vật: “Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có một chàng trai/ cô gái kia…”. Công thức mở đầu như vậy cho thấy nghệ thuật dẫn truyện đặc sắc của tác giả dân gian. Nó đưa người đọc bước vào một thế giới cách xa hiện tại về không gian, thời gian - đó là một miền cổ tích xa lạ có nhiều sự việc ly kỳ, hấp dẫn.
Truyện cổ tích Nguyên Hương không đi theo lối mở đầu ấy. Khảo sát 40 truyện của nữ nhà văn, không có tác phẩm nào bắt đầu bằng cụm từ “ngày xưa” hay “ngày xửa ngày xưa”. Theo quan niệm dân gian, cái gì càng xưa thì càng có giá trị, đáng tin tưởng và bài học rút ra càng có ý nghĩa. Vì thế, tác giả dân gian đẩy câu chuyện ra khỏi hiện tại và đưa vào quá khứ - cái thời không ai biết để bàn cãi, bắt bẻ là câu chuyện ấy đúng hay sai. Có như vậy, tác giả mới dễ bề hư cấu, tạo ra một thế giới kỳ ảo lung linh đầy hấp dẫn. Nguyên Hương muốn đưa câu chuyện trở về gắn bó với đời sống hiện tại nên chị không sử dụng lại môtip giới thiệu thời gian như trong truyện cổ dân gian. Điều này cũng khác với Phạm Hổ trong tập truyện Chuyện hoa chuyện quả.
Truyện của Nguyên Hương thường mở đầu rất bất ngờ. Chẳng hạn: “Đang hái dừa, bỗng chàng Linh nghe tiếng chó sủa và tiếng la hét “ôi, ôi, ôi…” (Công chúa ngủ trong vườn); “Trước khi vo gạo nấu cơm, người mẹ thường bốc một nắm gạo cho vào hũ” (Cha, mẹ, con và cá vàng); “Sau khi than khóc người vợ yêu dấu bị trượt chân té xuống hồ rồi không bao giờ quay về nữa, nhà vua thấy cần phải có một hoàng hậu khác để giúp ngài chăm sóc công chúa” (Gương thần)… Cách dẫn nhập như vậy, tuy không tạo ra không khí cổ xưa quen thuộc nhưng lại có tác dụng khơi dậy sự tò mò và dẫn dắt các em bước ngay vào thế giới hấp dẫn của câu chuyện.
Không gian trong truyện cổ tích Nguyên Hương cũng mang tính chất phiếm chỉ quen thuộc được kế thừa từ truyện cổ tích của dân gian. Câu chuyện xảy ra trong khu rừng hay một ngôi làng nào đó mà ta không xác định được nó ở đâu, nó như thế nào. Tuy ở một số truyện, địa điểm xảy ra có tên gọi xác định như làng Lụa (Vì sao con Nhện có 8 chân) hay làng Dép Đứt (Đôi hài vạn Dặm)… nhưng đó cũng chỉ là những không gian phiếm định. Sử dụng không gian phiếm chỉ có tác dụng cách ly không gian người nghe và không gian câu chuyện để thuận lợi trong việc hư cấu, tạo ra một chân trời mới mẻ kích thích trí tò mò của người nghe. Vẫn là không gian của một làng nọ, vùng kia rất mơ hồ nhưng người đọc tìm thấy bóng dáng của cuộc sống thường nhật vừa gần gũi, vừa thân quen trong các câu chuyện của tác giả. Nói cách khác, không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích Nguyên Hương mang tính phiếm chỉ nhưng không có vẻ huyền bí, xa lạ. Đó thường là bối cảnh sinh hoạt hàng ngày, gắn với những hoạt động như đánh cá, thêu thùa, may vá, hái nấm, chăn trâu… Có thể nói, với cách dựng không gian như thế, truyện cổ tích hiện đại của Nguyên Hương rất đậm đà màu sắc thế sự, gần gũi với trẻ thơ.
2. Diễn biến câu chuyện
Thông qua cuộc đời và sự phát triển tính cách của nhân vật chính, truyện cổ tích phản ánh quan điểm, tư tưởng của nhân dân đối với hiện thực cuộc sống. Câu chuyện xây dựng với rất nhiều biến cố, thử thách nhân vật chính và kết thúc khi xung đột, mâu thuẫn bị triệt tiêu, để lại trong lòng người đọc một sự thỏa mãn và niềm tin về chiến thắng tất yếu của cái thiện đối với cái ác, của cái tốt đối với cái xấu.
Nguyên Hương học tập khá nhiều từ cách xây dựng cốt truyện dân gian. Một số truyện của chị được viết dựa trên sự mô phỏng, phóng tác các câu chuyện cổ tích quen thuộc của Việt Nam và thế giới như: Ăn táo trả vàng, Khăn xanh khăn đỏ, Biến nhập biến xuất, Gương thần, Đôi hài vạn dặm, Công chúa ngủ trong vườn, Nàng Út ống trúc… Chỉ với cách đặt nhan đề này, chị đã tạo được sự tò mò nơi trẻ nhỏ. Liệu nàng Út trong ống trúc này có giống với nàng Út trong ống tre hay không, sao công chúa không ngủ trong rừng mà ngủ trong vườn hay Khăn Xanh là ai, có quan hệ gì với cô bé Khăn Đỏ bị sói ăn thịt?... Trẻ càng tò mò thì chúng càng say mê, hứng thú với câu chuyện được kể. Có thể xem đây là điểm sáng tạo độc đáo của Nguyên Hương.
Trong lúc dựng truyện, Nguyên Hương luôn hướng tới đối tượng trung thành là các bạn đọc nhỏ tuổi của mình. Vì vậy, trong tập truyện, tác giả ít khi đề cập đến những mâu thuẫn giai cấp sâu sắc như trong truyện dân gian. Nguyên Hương không miêu tả những mụ dì ghẻ táng tận lương tâm, hết lần này đến lần khác hãm hại con chồng như Tấm Cám; không có những người anh nhẫn tâm đẩy em mình vào cảnh khốn cùng, “không mảnh đất cắm dùi” như người anh xấu xa trong Cây khế… Vẫn là môtip chia của nhưng  trong Ăn táo trả vàng, người anh lại dùng cách oẳn tù tì để phân thiệt hơn chứ không dùng uy quyền của kẻ làm anh và anh ta cũng không chiếm trọn gia tài của bố mẹ. Dù tham lam may túi chín gang để đựng vàng nhưng người anh vẫn không quên cầm thêm túi ba gang của cậu em để đem về cho em chút ít của cải. Hay, mụ phù thủy trong Gương thần, dù không ưa gì nàng công chúa dễ thương nhưng cũng chỉ biến nàng thành vịt chứ không năm lần bảy lượt tìm cách “diệt cỏ tận gốc” như trong Bạch Tuyết và bảy chú lùn.
Yếu tố kì ảo cũng được tác giả sử dụng trong nhiều truyện. Trong cuộc sống, nhất là dưới chế độ phong kiến nhiều bất công, những người hiền lành, lương thiện làm sao có thể chiến thắng được cái ác, cái xấu và sống hạnh phúc. Tác giả dân gian, chỉ có thể dùng yếu tố thần kì để trợ giúp cho những con người yếu đuối vượt qua khó khăn và đi đến hạnh phúc trọn vẹn. Theo khảo sát, có 31/40 truyện của Nguyên Hương có xuất hiện yếu tố thần kì. Ở một số truyện, yếu tố thần kì giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển cốt truyện và sự chiến thắng của những nhân vật thiện lương (Tấm thảm bay, Vịt đẻ trứng vàng, Gương thần, Cây bút kì diệu…). Tuy nhiên, ở một số truyện khác, hạnh phúc của nhân vật là do chính họ kiếm tìm và đạt được chứ không phải do thần, tiên hay một lực lượng siêu nhiên nào đó mang lại. Trong Sáu lần biến hóa, Bà Tiên đã giúp Kha biến hóa nhiều lần theo nguyện vọng của chàng. Nhưng lúc mâu thuẫn đến cao trào, con ngựa (hóa thân của chàng Kha) không thể giải thích cho vua hiểu những gì đang diễn ra thì bà tiên già đã ngủ say. Kha đành phải dùng sự bình tĩnh và gan dạ của mình để giải quyết. Hay trong Viên ngọc bùa mê, nàng My ban đầu làm hoàng tử chú ý nhờ phép màu của viên ngọc, nhưng cái quyết định nàng trở thành vợ hoàng tử không phải do viên ngọc mà là do chính tấm lòng thiện lương, trong sáng của nàng.
Trong một số truyện khác, yếu tố kì ảo cũng không còn quyền năng vô biên như trong truyện dân gian. Cậu bé mãi phải sống trong kiếp cá vàng (Cha, mẹ, con và cá vàng) dù cậu đã nhận ra sai lầm của mình; chiến tranh thỉnh thoảng vẫn xảy ra, đất đai nhiều chỗ vẫn chỉ toàn sỏi đá (Hai viên ngọc ước) dù Tiên Nhỏ đã biết lỗi… Như vậy, nhân vật luôn phải trả giá cho những hành động không đúng của mình, không một lực lượng siêu nhiên nào có thể giúp được. Với việc xử lý như vậy, tính giáo dục của truyện Nguyên Hương được nâng lên rất nhiều.
Nguyên Hương rất có dụng ý khi lồng vào câu chuyện những trò chơi dân gian mà trẻ con vốn rất quen thuộc như chơi lò cò (Cây bút kì diệu), nhảy sạp (Thử giày), bịt mắt bắt dê (Bịt mắt bắt kẻ nói dối), tạt lon (Đôi hài vạn dặm), oẳn tù tì (Ăn táo trả vàng), bắn ná (Chiếc áo tàng hình), nặn tò he (Thục Sanh và Lý Thanh), bắn bi (Quà tặng của cá vàng), dích lá (Nồi thần), ô ăn quan (Biến nhập biến xuất). Ngoài ra, con người trong cổ tích Nguyên Hương vẫn phải lo cái ăn, cái mặc, lo kiếm sống mỗi ngày. Con người trong thế giới đó không chỉ chứng kiến những điều kì ảo, có khát vọng làm những việc phi thường mà còn phải đối diện với biết bao lo toan cho cuộc sống thường nhật. Có thể nói, bằng nghệ thuật dựng truyện độc đáo, tác giả đã đem đến cho các em không khí của cuộc sống hiện tại.
3. Kết thúc câu chuyện
Thế giới truyện cổ tích là thế giới của những giấc mơ đẹp đẽ vô ngần, chúng ta đến với thế giới cổ tích là để sống với những ước mơ, mong muốn cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tâm lý của người sáng tạo truyện cổ tích và những người đọc cổ tích là đón chờ một điều gì đó công bằng, tốt đẹp, nhìn thấy cái thiện được thưởng xứng đáng và cái ác bị trừng trị: “Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì gặp người tiên độ trì” (Lâm Thị Mỹ Dạ, Truyện cổ nước tôi). Do vậy, kết thúc truyện cổ tích luôn có hậu.
Đối với các nhân vật chính diện (Tấm, Thạch Sanh, Sọ Dừa) tác giả dân gian không chỉ dừng lại ở sự phản ánh và cảm thông với những đau khổ, đắng cay, oan ức của họ mà còn tìm cách giải thoát cho họ, để họ được đền bù xứng đáng. Họ được đổi đời và sống hạnh phúc bên người yêu thương (Tấm gặp lại vua và trở thành hoàng hậu, Thạch Sanh lấy công chúa và lên làm vua, Sọ Dừa lấy được con gái phú ông và thi đỗ trạng nguyên...). Còn đối với nhân vật phản diện, tác giả dân gian không chỉ phản ánh, tố cáo, lên án sự tham lam, ích kỉ, dã man của chúng mà còn tìm cách loại trừ, tiêu diệt chúng để cho những người lương thiện được sống yên vui. Vì thế, hầu hết các nhân vật phản diện trong truyện cổ tích đều có kết cục bi thảm và bị trừng phạt thích đáng. Tác giả dân gian không hề nương tay trước cái ác, cái xấu.
Nguyên Hương cũng kế thừa lối kết thúc có hậu đó. Phần lớn các câu chuyện của chị đều kết thúc viên mãn, người tốt được báo đáp, người xấu bị trừng phạt. Nàng Ly tốt bụng, thương người cuối cùng chinh phục được vị vua trẻ và trở thành hoàng hậu (Nàng Ly và quái vật); công chúa thoát kiếp vịt, sống hạnh phúc bên hoàng tử còn phù thủy Đỏm Dáng thì hiện hình là con chuột chù xấu xí (Gương thần), Huy giúp dân làng vượt qua khó khăn và có một tình yêu đẹp với nàng Dung khéo tay, tốt bụng (Những chiếc đèn thần)… Cũng giống như những câu chuyện cổ tích dân gian, truyện của Nguyên Hương bộc lộ quan niệm cho rằng sự thật nhất định sẽ thắng dối trá, cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác, cái tích cực trước sau cũng sẽ đè bẹp cái tiêu cực. Tuy nhiên, vì mâu thuẫn trong truyện không được xây dựng đến mức gay gắt, vì nhân vật phản diện không quá ác độc, xấu xa nên truyện của chị thường có kết thúc khá nhẹ nhàng. Cái xấu bị trừng phạt với những hình thức phù hợp với hành vi của họ nhưng không trừng phạt bằng cái chết. Lối xử lí như vậy vừa đảm bảo nguyên tắc của thể loại vừa không gây cảm giác thương tâm hay sợ hãi ở các bạn đọc nhỏ tuổi.
Tuy nhiên, nhiều truyện của Nguyên Hương lại có kết thúc khá độc đáo, không giống với đặc trưng thể loại. Một số truyện của chị có kết thúc bỏ ngỏ. Nó không hoàn toàn là kết thúc mở như các tiểu thuyết hay truyện ngắn đương đại nhưng cũng không đi theo khuôn mẫu của lối kết thúc cổ tích. Tác giả dân gian luôn hướng đến một kết cục trọn vẹn cho những nhân vật của họ. Ở đó, truyện thường kết thúc khi mọi việc đã hoàn tất, mọi mâu thuẫn đã được giải quyết, mọi mong chờ đã được đáp ứng. Nguyên Hương lại chọn một cách kết thúc khác - tạo ra những khoảng trống ở cuối truyện. Trải qua nhiều biến cố, Linh đã nhận được bài học về lòng kiên nhẫn và cũng tìm được tình yêu đích thực của đời mình. Truyện kết thúc bằng chi tiết Linh từ chối tấm thảm bay đến Đảo Châu báu hay Xứ sở Thần tiên. “Bà tiên biến mất, để lại trên tay Linh tấm thảm bay đến Tình yêu” (Chiếc thảm bay). Chắc chắn Linh sẽ bay đến bên cô gái, hai người sẽ sống bên nhau trọn đời nhưng tác giả đã không nói thẳng ra điều đó. Nàng Ly và quái vật, Cây bút kì diệu, Chiếc mũ bốn mùa, Sáu lần biến hóa… cũng được kết thúc theo cách bỏ ngỏ như vậy. Nguyên Hương đã tạo ra không gian để chính các bạn đọc nhỏ tuổi hình dung và tưởng tượng.
Chữ A và chữ E là một truyện rất thành công của chị. Kết thúc của nó khá bất ngờ. Nguyên Hương đã dẫn dắt chúng ta đến với tình anh em thắm thiết và đầy cảm động. Người đọc đi từ thú vị này đến thú vị khác. Trước tiên là cách chia của khác lạ của hai anh em. “Anh là chữ anh, trong chữ anh có chữ A, vậy thứ gì có chữ A thì thuộc về anh. Em là chữ em, Trong chữ em có chữ E, vậy thứ gì có chữ E thì thuộc về em”. Sau đó, tác giả còn khiến người đọc bất ngờ hơn khi để người em, sau khi đỗ Trạng nguyên, từ chối cơ hội trở thành phò mã và nhường cho anh. Với lối kết thúc như vậy, một lần nữa, Nguyên Hương khắc họa sâu sắc tình cảm anh em tuyệt vời của họ. Công chúa ngủ trong vườn cũng có một kết thúc khác thường. Người đọc yêu mến Linh vì lòng tốt và sự dũng cảm của chàng. Với những gì anh làm cho công chúa, anh hoàn toàn xứng đáng được ở bên nàng suốt đời. Nhưng trớ trêu thay, anh không phải là hoàng tử, anh không thể tự mình phá bỏ lời nguyền giúp công chúa. Cuối cùng, anh tìm được chàng hoàng tử tài đức vẹn toàn cho công chúa còn mình trở về cuộc sống thường ngày với tâm trạng vừa vui nhưng cũng đầy nuối tiếc vì tình yêu đơn phương với nàng công chúa xinh đẹp. Cách kết thúc như vậy khiến độc giả bất ngờ và thú vị nhưng cũng khiến cho không ít người nhất là các em nhỏ cảm thấy hẫng hụt. Trẻ dõi theo câu chuyện, các em luôn mong muốn nhân vật mình yêu quý sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn. Khi kết thúc không theo ý trẻ, các em sẽ cảm thấy lòng tin của mình bị đổ vỡ. Khi lựa chọn một kết thúc khác với lôgic thông thường, một mặt sẽ tạo được sự bất ngờ cho độc giả (cái rất cần thiết để lôi cuốn bạn đọc, nhất là lứa tuổi thiếu nhi) nhưng một mặt sẽ không thỏa mãn với tầm đón đợi của bạn đọc khi xử lý thiếu khéo léo. Chúng tôi ghi nhận sự cố gắng của Nguyên Hương trong việc đổi mới thi pháp thể loại nhưng có lẽ chị cần tinh tế hơn để tạo nên những kết thúc vừa mới lạ nhưng vẫn phù hợp với tâm lý tiếp nhận của trẻ thơ.

Theo nhận định của TS. Lê Nhật Ký, “đặc sắc của truyện cổ tích Nguyên Hương [..] nằm ở nghệ thuật kể chuyện. Phải thừa nhận, chị kể chuyện rất có duyên, chủ động hướng sự chú ý của độc giả vào tác phẩm của mình ngay từ đầu” (trong bài viết “Cổ tích Nguyên Hương: Thú vị và hấp dẫn”, báo Đăk Lăk số Chủ nhật 29.3.2015). Thật vậy, Nguyên Hương tỏ ra bản lĩnh trong nghệ thuật kể chuyện và tổ chức tác phẩm. Và thật sự chị đã thành công, ít nhất là trong phương diện xây dựng cốt truyện cho những câu chuyện cổ tích mới đầy hấp dẫn của mình.

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 283 - tác giả NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT




ÁM ẢNH CHÍ PHÈO



Tạp chí Chư Yang Sin giới thiệu cùng bạn đọc cảm nhận riêng của em Nguyễn Thị Minh Nguyệt học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Du sau khi học tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

Bao năm rồi trong tim người đọc vẫn còn đó, day dứt, ám ảnh không nguôi nhói lòng trước cái dáng liêu xiêu, ngả nghiêng đổ dài trên con đường làng lênh láng ánh trăng đau khổ và đói nghèo. Điều gì đã khiến con người ấy, hình ảnh ấy, cuộc đời ấy neo lại và thôi thúc lòng độc giả đến vậy? Phải chăng đó là đúc kết của những trang đời đầy trắc trở hay xuất phát từ tấm lòng nhân đạo nhức nhối không yên trước việc thế nhân mà nhà văn mượn cây bút dồn cả lòng mình và trang viết?
Nói đến Chí Phèo của Nam Cao, là đứa con sinh sau, đẻ muộn trong trào lưu văn xuôi hiện thực trước Cách mạng Tháng Tám, điều gì đã khiến những bậc tiền bối đi trước như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng… phải ngoái đầu nhìn lại bước chân khập khiễng của gã say Chí Phèo? Đó là bởi Nam Cao đã khám phá ra sự thật đời sống một cách tinh tế. Ấn tượng khi đọc Chí Phèo là ấn tượng về một “cái đẹp quằn quại trong nỗi đau tận cùng của con người”. Chí Phèo - con quỷ của làng Vũ Đại, cái mặt hắn “đen và rất cơng cơng”… từ dùng của Nam Cao và tôi nghĩ rằng chẳng có từ láy nào thích hợp hơn để miêu tả một kẻ như hắn. Hắn sống bằng nghề đổ máu: đổ máu của chính mình khi rạch mặt ăn vạ và đổ máu của người khác khi làm tay sai cho Bá Kiến. Vẻ đẹp của tác phẩm là Nam Cao đã khám phá ra sự thật đời sống ẩn sau lớp vỏ bọc ngổn ngang, sự thật về xã hội thối nát mà bọn thống trị lọc đời, lõi nghề, bóc lột đẩy người dân lương thiện vào con đường tha hóa, đẩy anh Chí hiền lành vào nhà tù. Xã hội đã cướp đi quyền làm người dù là quyền được làm người nghèo khổ. Ám ảnh về Chí cứ day dứt ta mãi không nguôi, âm vang đứt ruột của tiếng chửi rất Chí Phèo. Hãy xem Nam Cao viết: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi”. Còn gì điên rồ hơn cách chửi của gã say? Hắn thu hẹp dần đối tượng từ xa xôi nhất, không đâu nhất, chưa đụng tới ai là trời, rồi cà khịa, xúc phạm cứ sát sạt hơn là đời – làng Vũ Đại – tất cả những ai không chửi nhau với hắn. Nhưng trong cái cách chửi tưởng chừng vu vơ, mơ hồ, ta bắt gặp logic của một tâm lí tỉnh táo – tỉnh trong cơn say cùng cực. Đó là kết quả của sự dồn nén  trong bao năm ngục tù nên có văn, có vẻ, có bài bản, xác định đúng đối tượng, mục đích, nguyên nhân.
Tiếng chửi lạ lùng như sự độc thoại của rượu và lí trí. Hắn hướng về trời như cái cớ để bắt đầu cho một hành trình gian nan truy cứu tại sao tạo hóa lại nhào nặn, sản sinh ra một con người mang phận đau, đơn độc, vật vã ê chề đến như vậy. Thế nhưng, Chí cũng nhận ra: “Trời có của riêng nhà nào?” Rồi hắn chửi đời. Trong số phận, con người ta cứ dồn cả lỗi cho cuộc đời, cho thiên mệnh. Đời có tất cả, tạo hóa đã nhào nặn thế nhân nhưng đời nào có thuộc về ai. Và đời mà hắn đang chửi quy tụ lại cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Đó cũng là con đường mòn cũ rích, lối sống cổ hủ đã tồn tại từ đời này sang đời khác, trói chặt kiếp người. Để khi sảy chân, ai ai cũng chửi đời mà đâu ngờ rằng mình cũng góp một phần tội lỗi. Trách trời. Trời xa quá, cao mãi, vời vợi thế. Trách đời. Ôi sao rộng! Chí bất mãn hướng về nơi chứng thực duy nhất cho việc khai sinh một con người lửng lơ bên vực thẳm cheo leo – làng Vũ Đại. Sao mà đời ghẻ lạnh, bạc bẽo đến vậy? Tàn nhẫn! Tiếng chửi khao khát giao tiếp, khao khát được công nhận. Vậy mà đáp trả lại là sự im hơi lặng tiếng của một xã hội vốn thích đông đúc, bon chen. Họ quay lưng, họ cự tuyệt, xa lánh Chí. Hắn chửi để cạy miệng thiên hạ nhưng nhận lại chỉ là tiếng sủa của mấy con chó giữa trưa hè oi ả. Rõ ràng, xã hội còn vô tâm hơn bầy chó. Chí chỉ còn cách chửi “cha đứa nào không chửi nhau với hắn”. Đó là hệ quả của bao oán thán, dồn nén, chồng chất, chửi những lương tâm đã “rỉ ra, mòn đi, mốc lên”, không xứng danh nghĩa con người. Và tất nhiên trong hành trình truy tìm tội phạm gây nên bi kịch đời mình, Chí trở về với điểm xuất phát ban đầu “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này”. Dòng văn đẫm nước mắt bởi khi nhắc đến đấng sinh thành, ta thường nói bằng cả tấm lòng thành kính. Vậy mà Chí không biết chúng là ai, hắn dồn cả vào tiếng chửi những uất ức dành cho những kẻ bất lương đã tàn nhẫn vứt đi giọt máu xót, chà đạp, cướp đoạt quyền sống của hình hài mà chúng đã sinh ra. Hơn thế, tiếng chửi cực kì thâm sâu trong móc xích chặt chẽ giữa “đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn” với xã hội phi nhân tính, biết phi nhân mà vẫn để mình thành kẻ phi nhân – cha mẹ như thế liệu có xứng với thiên chức tạo hóa an bài?
Thế là đối tượng của tiếng chửi đã định hình rõ rệt xã hội thối nát, bất nhân. Tiếng chửi là lời lẽ đanh thép của mọt con người đang quằn quại để mà phản ứng với đời. Với cách dựng chuyện độc đáo, Nam Cao đã rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh tên quỷ dữ, chẳng nhiều lời, chỉ gợi qua đôi dòng, cái tài của văn nhân là cuốn bạn đọc theo mạch truyện âm ỉ. Ta khao khát dõi theo bóng người bị đồng loại bỏ rơi, phớt lờ. Mở đầu là ấn tượng khó phai mờ. Kết thúc là hành động tự kết liễu đời mình. Việc lặp lại cảnh lò gạch bỏ hoang đã khép lại đời anh Chí nhưng sao ta vẫn thấy ngờ ngợ đó là dự đoán trước quy luật “tre già măng mọc”. Rồi đây, ai dám chắc sẽ không xuất hiện những Chí Phèo con hung hăng bạo tàn thậm chí đáng sợ hơn anh Chí của Nam Cao. Và vật lộn giữa hai miền không gian ấy là những lần Chí lê bước tới thăm cụ tiên chỉ Bá Kiến. Chí đi tất thảy ba lần. Hai lần đầu, xin tiền thì bảo toàn sự sống, Chí vẫn tồn tại nhưng với danh nghĩa quỷ dữ mà thôi. Lần thứ ba, đồng thời là lần quan trọng nhất, được Nam Cao dày công dùng bút lực “bày binh bố trận”, khéo léo khơi gợi qua hàng loạt chặng đường Chí vô tình tạt qua. Đây cũng là lần cuối cùng bạn đọc thấy sự hiện diện của quỷ dữ, bởi lẽ sau giờ khắc ấy, thiên chức con người trong Chí đã trỗi dậy, anh chối từ lớp bọc quỷ và khao khát hoàn lương, khao khát được mang danh nghĩa “con người”. Ấy vậy mà, Chí đã ngã trên ngưỡng cửa trở về lương thiện, anh đã gặp cái chết thảm khốc. Bởi thiên lương là thứ không tồn tại ở xã hội ấy và Bá Kiến chẳng thể hái chúng như hái sao trên trời để mà dỗ dành con quỷ. Tiến không được, lùi không xong, đằng sau là vực thẳm, trước là vách núi cheo leo. Đường về cõi hiện sao xa vời, cao quá Chí với chẳng được mà thân kia nhúng chàm quá đậm... Khóc đi! Khóc để chứng tỏ mình vẫn còn hồn người, để “giọt châu của loài người” xoa dịu đau thương. Một sự thật đẹp hơn mọi sự thật mà Nam Cao đã khám phá thành công, đó là vẻ đẹp tâm hồn, khao khát hoàn lương.
Xã hội vô tâm hay tình thương chỉ là chóng vánh? Họ không nhận ra, không một ai lưu tâm tới mầm xanh ý thức ấy...
Cái đẹp nhiều khi ẩn tàng mà cái giá phải trả cho danh dự, cho tình thương lại quá đắt, để rồi người ta sẵn sàng chọn cái chết, chấp nhận đánh đổi mạng sống để hướng đến chân – thiện – mỹ. Đó là cụ Bơ- men nhân hậu, đã không ngại khí hậu lạnh giá, dành trọn tâm huyết vẽ lá trường xuân kiên cường trên nền gạch. Hành động tưởng chừng giản đơn ấy đã cứu tương lai của cô gái trẻ Giôn-xi, nhưng tiếc thay, cụ chẳng còn để ngắm kiệt tác rung động lòng người. Đó là nàng Vũ Nương chẳng thể giãi bày nỗi oan khiên đành mượn dòng Hoàng Giang gieo mình những mong được chiêu tuyết tấm lòng trinh bạch trắng trong. Đó là Lão Hạc túng quẫn phải nhờ tới bả chó, tìm tới cõi chết để bảo toàn danh dự và tài sản cuối đời cho cậu con trai tha hương... Có những cái chết bế tắc và cũng có những cái chết của sự giải thoát, mở đầu cho một sự sống khác. Đau thương cùng kiếp nhân vật, Nam Cao quặn lòng dẫn Chí về cõi chết, anh Chí cũng nguyện lòng nương theo để bảo toàn vẻ đẹp thiên lương. Để nhân vật phải chết là nét hạn chế trong tư tưởng của các nhà văn hiện thực phê phán, nhưng chống trả được chăng giữa vòng xoay lịch sử? Chí ra đi nhưng ở thế giới ấy anh được sống với danh nghĩa con người và chắc hẳn anh sẽ mỉm cười mãn nguyện và thầm cảm ơn nhà văn bởi anh trong lòng độc giả không chỉ xuất hiện như con quỷ mà còn là tư cách của một con người.
Vậy nguyên căn do đâu mà Nam Cao lại để Chí kết liễu đời mình?
Theo logic, Chí chẳng thể tồn tại và tiếp tục sống bởi rất nhiều nguyên căn. Trước nhất, cái chết ấy khắc họa rõ nét cho cuộc đấu tranh đến cùng vì hạnh phúc. Bên cạnh đó, làm sao Chí có thể tha thứ cho chính mình khi tâm hồn phục sinh và cảm giác tội lỗi cứ ám ảnh tâm trí? Chí đòi lương thiện nhưng “Làm sao để xóa những vết mảnh chai trên mặt này”? Tự Chí gây ra và tự anh phải trả giá cho hành vi, tội lỗi, tính cách lưu manh của mình. Chính anh góp phần không nhỏ vào bi kịch cuộc đời bằng những cuộc say, ăn vạ. Chỉ khi chết đi, những vết sẹo ngang dọc mới vĩnh viễn được xóa bỏ. Đó là diễn biến đầy logic, hợp lẽ tự nhiên. Vả lại, trên đường đi của Chí còn hằng hà sa số những thiên la, địa võng của Tư Đạm, Đội Tảo, Bát Tùng, Năm Thọ... và chúng sẽ du vào nhau, hè cùng nhau với đám “hậu sinh” để tiếp diễn con đường bế tắc của cuộc đời, lộng hành thay chân Bá Kiến, mà Chí chẳng đủ mạnh để ác bằng phương thức rạch mặt ăn vạ như trước kia nữa. Chí sẽ sống sao khi mà công việc khát máu, nhuốm máu đã quen? Ai dám chắc trong vô thức Chí không làm tổn thương ai khác? Chí sẽ làm gì để sống tiếp? Chí phải đối diện ra sao với quá khứ tội lỗi ra sao? Ai tha thứ cho những lần bán linh hồn cho quỷ? Hàng loạt câu hỏi khúc mắc, khó lí giải và Chí Phèo phải trả lời cho trọn bằng cái chết...
Nhắc tới nguồn động lực lớn lao cứu lấy kiếp quỷ, ta ngỡ đó là bài ca nhân đạo sâu sắc, đó là ông Bụt, bà Tiên từ bi hiền lành trong truyện cổ, nhưng cây cầu mà Nam cao gây dựng chẳng phải điều gì to tát, cao siêu mà chỉ là một lòng tốt bình thường, bằng bát cháo hành giản đơn... Nhưng trước kia, ai cho Chí hay suốt đời anh chỉ biết rạch mặt ăn vạ, biết dọa nạt cho người ta sợ để có miếng ăn? Vậy mà người đàn bà xấu xí, dở hơi, dòng giống nhà “mả hủi” ấy lại đến bên chở che, dìu dắt Chí. Nhờ có thị mà Chí tỉnh ngộ để nghe âm thanh cuộc sống với tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng người đi chợ về, tiếng chim hót,... Quan trọng hơn, Chí tỉnh ngộ để nhận thấy hoàn cảnh hiện tại “ốm đau, đói rét, đơn độc”... Có lẽ điểm đến đầu tiên của bát cháo chỉ là liều thuốc tự nhiên - liều thuốc giải cảm. Vậy mà, khi đặt trong hoàn cảnh của Chí Phèo thì nó là “liều thuốc giải độc”, những chất độc đã tích tụ bao lâu trong tâm hồn Chí, thế nên anh đã đón nhận theo cách rất riêng. Thứ nhất, Chí đón nhận trong lúc cô độc. Thứ hai, chưa bao giờ anh nhận được sự yêu thương của bất kì ai. Thứ ba, nếu để có được thì Chí phải vắt kiệt xương thịt để đánh đổi, cướp giật. Thế nên, cháo hành đã mang hương vị tình người, một tình người chân thành, ấm áp đủ sức hóa giải hết cái ác, cái xấu và những mảng tối trong tâm hồn. Chỉ một bát cháo hành thôi mà đủ đánh đổi lấy những giọt nước mắt nhân tính, giọt châu của loài người. Tấm lòng Nam Cao nhân hậu quá! Bá Kiến có xảo quyệt, lọc lõi tới đâu cũng chẳng thể ngờ một người đàn bà “ma chê quỷ hờn” như thị Nở lại khơi dậy được lương tri, nhen nhóm niềm tin vào tương lai của Chí.
Và lí do đau đớn nhất để Chí khước từ sự sống khởi nguồn từ đây khi cánh cửa cuộc đời đã vĩnh viễn khép lại, từ giờ khắc thị Nở ngúng ngoảy, dứt áo ra đi, cây cầu trở về lương thiện mất rồi. Cầu gãy, phao cũng chối từ, Chí chẳng còn lí do, nguồn động lực nào sống tiếp. Ai dìu dắt Chí hay Chí lại đơn độc hòa vào rượu và những cơn say triền miên không hẹn ngày tỉnh giấc?
Chi tiết lưỡi dao Chí Phèo vung lên cũng là dụng ý nghệ thuật đáng bàn luận. Khi lưỡi dao vung lên, cuộc sống đã vận động đúng theo quy luật của nó, chứng tích cho những lần bán linh hồn cho quỷ. Lưỡi dao đã chọn đúng điểm rơi, là ý thức manh nha cho tinh thần phản kháng. Trong khi những nhà văn cùng thời như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng... chỉ tập trung đi sâu, hướng về miêu tả nỗi khổ cùng cực của con người, họ chưa nghiệm ra khao khát tự do đang dồn nén, tích tụ thì Nam Cao đã tiên đoán được điều ấy. Lưỡi dao vung lên là lưỡi dao của cuộc đấu tranh với tinh thần “con giun xéo mãi cũng quằn” bởi khi phần người phục sinh nó mạnh mẽ đến không ngờ. Những gì đã vay bằng máu thì phải trả bằng máu, đó là quy luật “ác giả ác báo” mà kinh thánh từng răn dạy: “Hãy tra gươm vào vỏ, kẻ nào dùng gươm sẽ phải chết vì gươm”. Tiếp bước những dang  dở của Nam Cao, của số phận Chí Phèo, ta gặp sức phản kháng ấy qua hành động cởi trói cho A Phủ, đồng thời tự cắt bỏ sợi dây bó buộc đời mình trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài hay hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay xuấtt hiện song hành trong tâm trí anh Tràng mà Kim Lân gửi gắm qua “Vợ nhặt”.
Những dòng suy tư trăn trở của Nam Cao đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những con người thờ ơ vô cảm đã lạnh nhạt quay lưng, gián tiếp đẩy con người vào bờ cùng sự sống bởi “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ”. Đó là lời kêu cứu hãy cứu lấy con người, đồng thời là lời tố cáo xã hội phi nhân tính, khủng hoảng, thối nát với những mâu thuẫn trầm trọng của bè phái, thế lực hắc ám. Để rồi, từ đó khẳng định sức mạnh hướng thiện, niềm tin vào “sự tất thắng của cái thiện trước sóng gió cuộc đời’. Tác phẩm quả xứng danh kiệt tác và hình ảnh Chí Phèo sẽ sống mãi trong lòng độc giả hôm nay cho tới muôn đời sau.



Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 283 - tác giả ĐÀO MẠNH LONG

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?




“Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau.”
Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta thuộc lòng hai câu thơ ấy nhưng không phải ai cũng biết tác giả của chúng là nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc). Và khi nhắc đến ông thì không thể không nhắc đến Bài thơ về hạnh phúc – bài thơ đã nằm trong sổ tay của bao thế hệ sinh viên.
Tựa đề bài thơ giản dị, mộc mạc, nhà thơ đặt gọn ghẽ những điều muốn nói, chủ đề, đề tài của bài thơ vào nhan đề. Không vòng vo, không cầu kì như chính con người chính trực, thẳng thắn của ông. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết của Dương Hương Ly với người vợ thân yêu – nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.
“Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.”
Những câu thơ mở đầu là lời tâm tình, thủ thỉ của nhà thơ với linh hồn người vợ đã khuất. Dương Hương Ly muốn gửi gắm người vợ thân yêu với mảnh đất lành Duy Xuyên chở che, ôm ấp để rồi khi đất nước hòa bình, bom đạn thôi rơi anh sẽ trở lại đón em về đoàn tụ. Ngã xuống khi tuổi còn đương xuân, khi bao nhiêu dự định, ước mơ còn dở dang, bao khát vọng còn đang cháy trong lồng ngực, tuổi xuân ấy sẽ mãi bất tử như bầu trời “vẫn một sắc xanh nguyên”. Đặt từ “thôi” ngay đầu câu thơ đầu tiên làm cho nhịp điệu thơ nặng trĩu, nhà thơ dằn lòng nuốt nghẹn đau đớn đến tột cùng khi buộc phải chấp nhận sự thật rằng em đã ra đi mãi mãi. Tưởng chừng như những câu thơ nhẹ bẫng, bình thản nhưng đằng sau vỏ ngôn từ ấy là nỗi đau giằng xé. Nỗi đau đến cùng cực như mất nửa cuộc đời, thì đúng vậy, cuộc đời em và anh đã hòa làm một. Nỗi đau quặn thắt trong tim không nói được thành lời. Giá như nó có thể phát ra thành tiếng thì có lẽ lòng cũng vơi bớt đi phần nào nhưng ở đây nó cứ nghẹn ngào trong cổ họng. Gọi tên nỗi đau bằng hàng loạt những hình ảnh như “ngọn lửa âm thầm âm ỉ cháy”, “trái tim rơi”, “tắt vầng mặt trời hạnh phúc”. Dồn dập những hình ảnh so sánh với cấp độ tăng dần để nhấn mạnh, khắc sâu sự mất mát không thể nào nguôi ngoai trong tâm hồn người thi sĩ. Cơn cuồng phong nỗi đau như xoáy sâu vào cõi lòng anh. Nỗi đau lớn bao nhiêu thì tình yêu nhà thơ dành cho vợ sâu nặng bấy nhiêu! Buồn là thế, đau là thế nhưng không hề bi lụy. Đó chính là sắc thái chung trong những bài thơ kháng chiến thời kỳ này. Từ “nhưng” đã đẩy nỗi đau thương ngồn ngộn kia về thái cực đối lập. Nhà thơ nhóm nỗi đau thành ngọn lửa căm thù, thành sức mạnh chiến đấu. Cất nỗi buồn vào một góc tưởng nhớ để đứng lên, kiên gan tiến về phía trước, “đạp trăm rào gai sắc”, hướng mũi súng về phía quân thù mà bắn. Hình tượng thơ vận động từ thi sĩ giàu cảm xúc đến người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm đối mặt với quân thù.
Bài thơ về hạnh phúc cấu trúc ba phần và được đánh số La Mã (I, II, III). Phần hai của bài thơ chứa đựng tư tưởng chính mà nhà thơ muốn gửi gắm:
“Hạnh phúc là gì?
Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra”
Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc với người nông dân là mùa màng bội thu, hạnh phúc với cha mẹ là con cái mình khôn lớn, trưởng thành, hạnh phúc với người ăn xin đôi khi chỉ giản đơn là một bữa cơm no. Mỗi con người chúng ta đều đi tìm một câu trả lời cho riêng mình. Anh và em cũng vậy! Băn khoăn, lúng túng tìm hoài cho mình lí tưởng, lẽ sống. Và sự lúng túng ấy được giải tỏa khi anh và em “cất bước đi xa”, theo tiếng gọi của trái tim, tiếng gọi của tình yêu đất nước, tiếng gọi của miền Nam ruột thịt. Và nhân vật trữ tình đã nhận ra: Hạnh phúc là khi được cống hiến cho Tổ quốc.
Dương Hương Ly chèo lái con thuyền thơ chở người đọc ngược dòng thời gian về miền hồi tưởng. Tác giả dựng lên những thước phim nhuốm màu kí ức về em và mỗi thước phim được cắt rất ngọt bởi một lần em chợt nhận ra “đó là hạnh phúc”.
Giọng thơ đầy chất tự sự, nhà thơ như thủ thỉ với vợ, cùng vợ ôn lại kí ức về mùa mưa đói quay đói quắt. Hình ảnh em hiện lên rõ nét như bức chân dung kí họa. Đối lập với gùi sắn nặng trên lưng, hình ảnh người phụ nữ gầy gò, xanh xao tỏa sáng bởi sự kiên cường và đức hi sinh. Đôi môi em xám ngắt vì mưa lạnh thấm vào da thịt. Cái khó khăn, gian nan, vất vả của những tháng ngày vượt núi, băng rừng đã hằn lên dáng hình em hao gầy. Tuy nhiên câu thơ không nhuốm hơi sương lạnh lẽo của miền sơn cước mà ấm áp bởi tình cảm yêu thương, sự gắn bó, đồng cam cộng khổ của hai vợ chồng. Em say mê tâm sự với anh về “tương lai tươi thắm ngọt lành”, về “những điều em định viết”. Dù trong trùng trùng gian khổ những người chiến sĩ vẫn luôn nghĩ về ngày mai tương sáng hơn, vẫn luôn lạc quan. Thật đáng khâm phục! Và đến đây định nghĩa hạnh phúc đã thành hình hài trong tâm hồn em. Đó là khi em được viết. Em viết “giữa hai cơn đau”, mặc “con sông Giằng gầm réo”, mặc “nước lũ về” cuồn cuộn, em vẫn viết say mê, viết như chưa từng được viết, viết như rút từng sợi tơ lòng, khi tim em cảm xúc ứ đầy. Với người nghệ sĩ thì hạnh phúc lớn lao nhất là được trải lòng mình ra trang giấy.
Lần giở từng trang kí ức, nhà thơ tiếp tục dẫn người đọc về với quãng thời gian ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân. Khác với hình ảnh hao gầy trong thước phim hồi tưởng trước, ở đây em hiện lên căng tràn sức sống với nụ cười tươi rói nở trên môi. Em hăng hái lên đường ra trận với niềm hân hoan phơi phới. Dương Hương Ly đã xây dựng lên hai hệ thống hình ảnh đối lập nhau, đan cài vào nhau. Một là sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh, tội ác của kẻ thù: hàng nghìn tấn bom B52 dội xuống, giặc càn, bờ dương bị giặc san bằng,… Song song với đó là những vần thơ căng mẩy như cuộc sống vẫn không ngừng sinh sôi, nảy nở trong mưa bom, bão đạn: nắng long lanh trong mắt, em bé vẫn đi học, vồng khoai ruộng lúa xanh mơn mởn,… Đặc biệt hai câu thơ:
“Trong một góc vườn cháy khét lửa na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.”
Nhà thơ khéo léo sắp đặt cạnh nhau một câu thơ cháy khét mùi bom đạn, một câu thơ thoang thoảng hương hoa cúc. Nhành hoa cúc nhỏ nhoi làm duyên, khoe sắc giữa khung cảnh hoang tàn, đổ nát sau trận càn của giặc. Trên mảnh đất mà cái chết đang lan tràn nhưng sự sống nhỏ nhoi ấy vẫn quyết không nản, không yếu đuối, không ươn hèn. Sự sống vẫn cố bám ghì lấy mặt đất, vẫn kiên cường vươn ra ánh sáng, vươn lên phía trước. Sự sống bao giờ cũng mạnh hơn cái chết. Em cũng như nhành hoa cúc kia, xinh đẹp, bất khuất giữa chiến trường.
Định nghĩa hạnh phúc đã được phát triển với ba cấp độ, từ hạnh phúc là thỏa niềm say mê sáng tạo giữa muôn trùng gian khổ nơi thâm sơn cùng cốc đến hạnh phúc là phát hiện ra sức sống mãnh liệt của con người trong khói lửa chiến tranh và đến đây em “ngộ” ra hạnh phúc là được hòa cái tôi với cái ta chung, được chiến đấu và hi sinh vì ngày mai tươi sáng. Như một người quay phim, tác giả không lấy cận cảnh để bắt từng khoảnh khắc dáng hình em cụ thể mà đưa ống kính bao quát toàn cảnh, bởi em đã hòa vào cùng dòng người tiến bước. Những bước chân em không nghỉ trên khắp mọi dặm đường. Những địa danh “Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hà, Xuyên Phú,..” vừa là những địa điểm lịch sử vừa là những địa điểm của nỗi nhớ. Em đã gắn bó máu thịt với mảnh đất và con người nơi đây. Em nhỏ giao liên, mẹ, cô du kích như những người thân ruột thịt, dòng sông, câu hò cũng trở thành một phần tâm hồn em. Em được sống và chiến đấu với những “anh hùng dũng sĩ”. Em tự nguyện ràng buộc cuộc đời mình vào cuộc đời chung, đó là sự giao hòa bền chặt và thiêng liêng của cá nhân với cộng đồng và với công cuộc vĩ đại của đất nước. Và em lớn lên từ trong đạn bom ác liệt, lớn lên bên những bờ vai to rộng, rắn chắc của những người chiến sĩ. Nhịp điệu thơ nhanh, chắc nịch, giọng thơ vui tươi, rộn ràng, hào sảng, những vần thơ ánh lên sắc rạng ngời như một bản anh hùng ca. Câu thơ: “Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo” như tiếng reo vui của nhân vật trữ tình khi khám phá vẻ đẹp tâm hồn của những con người chẳng tiếc thân mình, gom tuổi thanh xuân thắp lên thành ban mai của đất nước:
Sức mạnh kì diệu của sự cộng hưởng giữa những tâm hồn đã đánh thức bao điều mới mẻ, mở ra trong em cả một chân trời mới.
Hạnh phúc là được hi sinh vì Tổ quốc nên khi trúng đạn và ngã xuống, đôi mắt em vẫn ngời sáng niềm vui, thanh thản. Những câu thơ kết thúc bài là lời nhắn nhủ của Dương Hương Ly với vợ và khẳng định tình yêu dành cho em trong anh sẽ bất diệt.
Bài thơ về hạnh phúc đã nói về tình yêu quê hương đất nước bằng giọng điệu của tình yêu đôi lứa, nói về mất mát, hi sinh nhưng không bi lụy, yếu mềm. Giản dị như những lời thủ thỉ, tâm tình mà làm nhòe mi bao thế hệ bạn đọc.