Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 283 - tác giả ĐÀO MẠNH LONG

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?




“Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau.”
Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta thuộc lòng hai câu thơ ấy nhưng không phải ai cũng biết tác giả của chúng là nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc). Và khi nhắc đến ông thì không thể không nhắc đến Bài thơ về hạnh phúc – bài thơ đã nằm trong sổ tay của bao thế hệ sinh viên.
Tựa đề bài thơ giản dị, mộc mạc, nhà thơ đặt gọn ghẽ những điều muốn nói, chủ đề, đề tài của bài thơ vào nhan đề. Không vòng vo, không cầu kì như chính con người chính trực, thẳng thắn của ông. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết của Dương Hương Ly với người vợ thân yêu – nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.
“Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.”
Những câu thơ mở đầu là lời tâm tình, thủ thỉ của nhà thơ với linh hồn người vợ đã khuất. Dương Hương Ly muốn gửi gắm người vợ thân yêu với mảnh đất lành Duy Xuyên chở che, ôm ấp để rồi khi đất nước hòa bình, bom đạn thôi rơi anh sẽ trở lại đón em về đoàn tụ. Ngã xuống khi tuổi còn đương xuân, khi bao nhiêu dự định, ước mơ còn dở dang, bao khát vọng còn đang cháy trong lồng ngực, tuổi xuân ấy sẽ mãi bất tử như bầu trời “vẫn một sắc xanh nguyên”. Đặt từ “thôi” ngay đầu câu thơ đầu tiên làm cho nhịp điệu thơ nặng trĩu, nhà thơ dằn lòng nuốt nghẹn đau đớn đến tột cùng khi buộc phải chấp nhận sự thật rằng em đã ra đi mãi mãi. Tưởng chừng như những câu thơ nhẹ bẫng, bình thản nhưng đằng sau vỏ ngôn từ ấy là nỗi đau giằng xé. Nỗi đau đến cùng cực như mất nửa cuộc đời, thì đúng vậy, cuộc đời em và anh đã hòa làm một. Nỗi đau quặn thắt trong tim không nói được thành lời. Giá như nó có thể phát ra thành tiếng thì có lẽ lòng cũng vơi bớt đi phần nào nhưng ở đây nó cứ nghẹn ngào trong cổ họng. Gọi tên nỗi đau bằng hàng loạt những hình ảnh như “ngọn lửa âm thầm âm ỉ cháy”, “trái tim rơi”, “tắt vầng mặt trời hạnh phúc”. Dồn dập những hình ảnh so sánh với cấp độ tăng dần để nhấn mạnh, khắc sâu sự mất mát không thể nào nguôi ngoai trong tâm hồn người thi sĩ. Cơn cuồng phong nỗi đau như xoáy sâu vào cõi lòng anh. Nỗi đau lớn bao nhiêu thì tình yêu nhà thơ dành cho vợ sâu nặng bấy nhiêu! Buồn là thế, đau là thế nhưng không hề bi lụy. Đó chính là sắc thái chung trong những bài thơ kháng chiến thời kỳ này. Từ “nhưng” đã đẩy nỗi đau thương ngồn ngộn kia về thái cực đối lập. Nhà thơ nhóm nỗi đau thành ngọn lửa căm thù, thành sức mạnh chiến đấu. Cất nỗi buồn vào một góc tưởng nhớ để đứng lên, kiên gan tiến về phía trước, “đạp trăm rào gai sắc”, hướng mũi súng về phía quân thù mà bắn. Hình tượng thơ vận động từ thi sĩ giàu cảm xúc đến người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm đối mặt với quân thù.
Bài thơ về hạnh phúc cấu trúc ba phần và được đánh số La Mã (I, II, III). Phần hai của bài thơ chứa đựng tư tưởng chính mà nhà thơ muốn gửi gắm:
“Hạnh phúc là gì?
Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra”
Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc với người nông dân là mùa màng bội thu, hạnh phúc với cha mẹ là con cái mình khôn lớn, trưởng thành, hạnh phúc với người ăn xin đôi khi chỉ giản đơn là một bữa cơm no. Mỗi con người chúng ta đều đi tìm một câu trả lời cho riêng mình. Anh và em cũng vậy! Băn khoăn, lúng túng tìm hoài cho mình lí tưởng, lẽ sống. Và sự lúng túng ấy được giải tỏa khi anh và em “cất bước đi xa”, theo tiếng gọi của trái tim, tiếng gọi của tình yêu đất nước, tiếng gọi của miền Nam ruột thịt. Và nhân vật trữ tình đã nhận ra: Hạnh phúc là khi được cống hiến cho Tổ quốc.
Dương Hương Ly chèo lái con thuyền thơ chở người đọc ngược dòng thời gian về miền hồi tưởng. Tác giả dựng lên những thước phim nhuốm màu kí ức về em và mỗi thước phim được cắt rất ngọt bởi một lần em chợt nhận ra “đó là hạnh phúc”.
Giọng thơ đầy chất tự sự, nhà thơ như thủ thỉ với vợ, cùng vợ ôn lại kí ức về mùa mưa đói quay đói quắt. Hình ảnh em hiện lên rõ nét như bức chân dung kí họa. Đối lập với gùi sắn nặng trên lưng, hình ảnh người phụ nữ gầy gò, xanh xao tỏa sáng bởi sự kiên cường và đức hi sinh. Đôi môi em xám ngắt vì mưa lạnh thấm vào da thịt. Cái khó khăn, gian nan, vất vả của những tháng ngày vượt núi, băng rừng đã hằn lên dáng hình em hao gầy. Tuy nhiên câu thơ không nhuốm hơi sương lạnh lẽo của miền sơn cước mà ấm áp bởi tình cảm yêu thương, sự gắn bó, đồng cam cộng khổ của hai vợ chồng. Em say mê tâm sự với anh về “tương lai tươi thắm ngọt lành”, về “những điều em định viết”. Dù trong trùng trùng gian khổ những người chiến sĩ vẫn luôn nghĩ về ngày mai tương sáng hơn, vẫn luôn lạc quan. Thật đáng khâm phục! Và đến đây định nghĩa hạnh phúc đã thành hình hài trong tâm hồn em. Đó là khi em được viết. Em viết “giữa hai cơn đau”, mặc “con sông Giằng gầm réo”, mặc “nước lũ về” cuồn cuộn, em vẫn viết say mê, viết như chưa từng được viết, viết như rút từng sợi tơ lòng, khi tim em cảm xúc ứ đầy. Với người nghệ sĩ thì hạnh phúc lớn lao nhất là được trải lòng mình ra trang giấy.
Lần giở từng trang kí ức, nhà thơ tiếp tục dẫn người đọc về với quãng thời gian ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân. Khác với hình ảnh hao gầy trong thước phim hồi tưởng trước, ở đây em hiện lên căng tràn sức sống với nụ cười tươi rói nở trên môi. Em hăng hái lên đường ra trận với niềm hân hoan phơi phới. Dương Hương Ly đã xây dựng lên hai hệ thống hình ảnh đối lập nhau, đan cài vào nhau. Một là sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh, tội ác của kẻ thù: hàng nghìn tấn bom B52 dội xuống, giặc càn, bờ dương bị giặc san bằng,… Song song với đó là những vần thơ căng mẩy như cuộc sống vẫn không ngừng sinh sôi, nảy nở trong mưa bom, bão đạn: nắng long lanh trong mắt, em bé vẫn đi học, vồng khoai ruộng lúa xanh mơn mởn,… Đặc biệt hai câu thơ:
“Trong một góc vườn cháy khét lửa na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.”
Nhà thơ khéo léo sắp đặt cạnh nhau một câu thơ cháy khét mùi bom đạn, một câu thơ thoang thoảng hương hoa cúc. Nhành hoa cúc nhỏ nhoi làm duyên, khoe sắc giữa khung cảnh hoang tàn, đổ nát sau trận càn của giặc. Trên mảnh đất mà cái chết đang lan tràn nhưng sự sống nhỏ nhoi ấy vẫn quyết không nản, không yếu đuối, không ươn hèn. Sự sống vẫn cố bám ghì lấy mặt đất, vẫn kiên cường vươn ra ánh sáng, vươn lên phía trước. Sự sống bao giờ cũng mạnh hơn cái chết. Em cũng như nhành hoa cúc kia, xinh đẹp, bất khuất giữa chiến trường.
Định nghĩa hạnh phúc đã được phát triển với ba cấp độ, từ hạnh phúc là thỏa niềm say mê sáng tạo giữa muôn trùng gian khổ nơi thâm sơn cùng cốc đến hạnh phúc là phát hiện ra sức sống mãnh liệt của con người trong khói lửa chiến tranh và đến đây em “ngộ” ra hạnh phúc là được hòa cái tôi với cái ta chung, được chiến đấu và hi sinh vì ngày mai tươi sáng. Như một người quay phim, tác giả không lấy cận cảnh để bắt từng khoảnh khắc dáng hình em cụ thể mà đưa ống kính bao quát toàn cảnh, bởi em đã hòa vào cùng dòng người tiến bước. Những bước chân em không nghỉ trên khắp mọi dặm đường. Những địa danh “Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hà, Xuyên Phú,..” vừa là những địa điểm lịch sử vừa là những địa điểm của nỗi nhớ. Em đã gắn bó máu thịt với mảnh đất và con người nơi đây. Em nhỏ giao liên, mẹ, cô du kích như những người thân ruột thịt, dòng sông, câu hò cũng trở thành một phần tâm hồn em. Em được sống và chiến đấu với những “anh hùng dũng sĩ”. Em tự nguyện ràng buộc cuộc đời mình vào cuộc đời chung, đó là sự giao hòa bền chặt và thiêng liêng của cá nhân với cộng đồng và với công cuộc vĩ đại của đất nước. Và em lớn lên từ trong đạn bom ác liệt, lớn lên bên những bờ vai to rộng, rắn chắc của những người chiến sĩ. Nhịp điệu thơ nhanh, chắc nịch, giọng thơ vui tươi, rộn ràng, hào sảng, những vần thơ ánh lên sắc rạng ngời như một bản anh hùng ca. Câu thơ: “Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo” như tiếng reo vui của nhân vật trữ tình khi khám phá vẻ đẹp tâm hồn của những con người chẳng tiếc thân mình, gom tuổi thanh xuân thắp lên thành ban mai của đất nước:
Sức mạnh kì diệu của sự cộng hưởng giữa những tâm hồn đã đánh thức bao điều mới mẻ, mở ra trong em cả một chân trời mới.
Hạnh phúc là được hi sinh vì Tổ quốc nên khi trúng đạn và ngã xuống, đôi mắt em vẫn ngời sáng niềm vui, thanh thản. Những câu thơ kết thúc bài là lời nhắn nhủ của Dương Hương Ly với vợ và khẳng định tình yêu dành cho em trong anh sẽ bất diệt.
Bài thơ về hạnh phúc đã nói về tình yêu quê hương đất nước bằng giọng điệu của tình yêu đôi lứa, nói về mất mát, hi sinh nhưng không bi lụy, yếu mềm. Giản dị như những lời thủ thỉ, tâm tình mà làm nhòe mi bao thế hệ bạn đọc.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI