Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN số 284 - tác giả NGUYÊN HƯƠNG

Nhà văn NGUYÊN HƯƠNG



LÊN RỪNG XUỐNG BIỂN

Truyện ngắn


Đang ngồi hong nắng trước sân, thấy tôi tới, bà cụ đi vô nhà và theo xuống bếp luôn.
Ban đầu, tôi tưởng cô chủ giao cho bà cụ nhiệm vụ ngó chừng tôi. Cũng đúng thôi, tôi là ôsin mới toanh tìm tới xin việc theo một mẩu tin đăng trên báo, người ta đã biết gì về tôi đâu. Nói cho cùng thì tôi cũng muốn có người nhà chủ theo dõi mình, vậy cho rõ ràng, lỡ mất mát gì tôi khỏi bị nghi oan. Nhà chủ có tiệm chụp hình và cho thuê váy cưới ngay mặt tiền, khách ra vô, lỡ có kẻ gian lẻn vào trong thì mệt.
Rồi tôi thấy buồn cười. Một bà già mà chỉ việc ngồi xuống hay đứng lên phải mất cả phút vì loay hoay tìm chỗ để vịn và chống tay, muốn xỏ chân vô đôi dép bà cứ nhướng mắt tìm kiếm mặc dù đôi dép nằm ngay chân ghế bà đang ngồi…
Kiểu đó thì sao mà canh chừng ăn trộm được.
Phòng ngoài chiếm hai phần ba tầng trệt làm tiệm chụp hình kiêm cho thuê váy cưới, diện tích còn lại là phòng của bà và nhà bếp. Chồng của cô chủ là nghệ sĩ nhiếp ảnh, sau khi dạy nghề cho vợ thì ông giao lại tiệm chụp hình luôn để ông đi đây đi đó săn ảnh nghệ thuật. Hai đứa con một trai một gái tuổi mười bốn mười sáu đều học bán trú, cô chủ vừa quản lý tiệm vừa là người trang điểm chính cho khách cho nên làm việc ngay tại nhà mình mà cô cũng chỉ thỉnh thoảng tạt vô trong ngó qua rồi lại đi ra ngay.
Chắc là bà cụ buồn nhớ quê nhà lắm, tôi nghĩ vậy. Báo chí hay nói về những người già được con cháu đón về thành phố phụng dưỡng mà không thấy sung sướng hạnh phúc vì nhớ đồng ruộng.
**
Tôi đã lầm. Bà cụ vốn là người buôn bán ngay tại thành phố này. Hồi mới bán nhà chia thừa kế cho con cái rồi về ở với đứa con gái đầu lòng là cô chủ, ngày nào không bị bịnh khớp hành hạ thì bà đi ra chợ ăn sáng và ngồi chơi với mấy bà bạn kém may mắn hơn mình, già rồi mà vẫn phải bươn chải.
Ba mươi năm bán hàng rong khắp các trường học, đến một ngày bà đứng như trời trồng trước cổng trường cách nhà ba cây số vì đầu gối bỗng đau đớn và cứng đờ không làm sao co duỗi được.
Bác sĩ giải thích đủ thứ mà bà chỉ nhớ một thứ, là không nên đi bộ nhiều vì đầu gối phải gánh trọng lượng của cơ thể… Chưa nghe hết câu bà đã phát hoảng, cặp giò của bà đâu chỉ gánh trọng lượng cơ thể.
Mấy đứa con bàn bạc góp tiền cho bà chuyển nghề bán tạp hóa tại nhà, nhàn hơn nhiều lại không phải ra mưa ra nắng. Nhưng sau mấy tháng hàng hóa trên kệ vơi đi thấy rõ mà tiền thì không thấy đâu. Ra là nhiều người mua thiếu mua chịu mà bà không biết chữ không ghi sổ được, cứ nhớ trong đầu rồi thì nhớ nhớ quên quên… Bà đòi món nợ năm chục, người hàng xóm ngạc nhiên bữa đó mua bịch xà bông có ba chục thôi mà. Chưa kể cô bé gần nhà méc lại là có lần thấy bà thối cho ông kia mua gói thuốc lá tờ năm trăm ngàn thành tờ hai chục. Lần này là đi bác sĩ mắt. Ông bác sĩ kê toa thuốc bổ vitamine A, uống cho vui, sinh lão bịnh tử, bà đã ngấp nghé giữa lão và bịnh, phải chấp nhận thôi.
Mấy đứa con nói thôi dẹp quán… Nhưng dẹp quán rồi gì nữa tiếp theo thì  nghĩ không ra. Nhà bà con một bề, cả bốn đứa đều là con gái và đứa nào cũng có phước nhờ chồng. Cái phước đó đâm ra khó, chồng nuôi vợ mà lại còn phải nuôi luôn má vợ sao? Lại còn cái bàn thờ cha vợ nữa.
Đùng một cái, quy hoạch chợ mọc lên gần nhà khiến căn nhà cấp bốn cũ kỹ của bà tăng vọt giá lên trời, bà bỗng trở thành tỷ phú. Mọi chuyện dễ thở liền.
Bán nhà chia cho mỗi đứa con được sáu trăm triệu, phần bà cũng chừng đó gởi ngân hàng, tiền lời đủ cho bà sống nhàn hạ mà không mang tiếng ăn nhờ con rể. Bàn thờ chồng cũng đi theo bà. Năm kia còn là nhà trệt, bàn thờ ở dưới này. Từ hồi xây lại nhà ba tầng rồi mở tiệm chụp hình, bàn thờ dời lên tầng ba.
**
Ngày nào tôi cũng bắt đầu bằng bỏ áo quần vô máy giặt, rửa chén bát nồi niêu dồn lại từ hôm qua, lau bếp. Tiếp theo là lau dọn bàn ghế và nền nhà. Cuối cùng là lấy áo quần trong máy giặt đem lên sân thượng phơi.
Dọn dẹp trong bếp, tôi nghe bà kể chuyện đời mình, mỗi ngày một chút nhớ đâu nói đó, rành mạch như đã kể trên đây là do tôi ráp nối lại. Tới khi tôi lau dọn tầng trên thì bà coi ti vi. Tôi bấm tìm kênh cho bà và rất ngạc nhiên vì bà thích chương trình Chuyện lạ đó đây và Discovery.
Đang dí mũi sát màn hình hai mắt nhíu lại chăm chú, thấy tôi từ trên lầu đi xuống thì bà bứt mắt khỏi ti vi và hào hứng kể ngay: “Chà chà hôm hay chiếu cảnh bộ lạc trong rừng mà người ta đi trên cành cây.” Khi khác thì: “Cháu tin nổi không, ti vi chiếu cảnh ông sư đi trên mặt nước cũng như mình đi trên đất vậy đó.”
Bà vừa nói vừa giậm giậm bàn chân nhăn nheo nổi đầy gân xuống nền nhà.
Tôi cũng hay kiếm cớ hỏi này kia để bà có cớ trò chuyện cho vui:
- Hôm nay ti vi có gì hay không bà?
- Mới chiếu cảnh một người đi chân gỗ mà leo núi đó cháu - Giọng bà cụ trầm trồ.
Nghe cứ như nếu không bị bịnh đau khớp hành hạ thì bà cũng sẽ lên rừng xuống biển như ai.
**
Trời trở gió, bà cụ nửa ngồi nửa nằm trên cái ghế võng, người quấn mền kín mít. Mấy ngày liền bà không nhờ tôi bật kênh ti vi yêu thích. Tôi hỏi bà mệt sao? Bà nói ừ, mệt, ti vi thêm nhức mắt, chỉ thấy màu mè loang loáng chứ không nhìn rõ nữa.
Gió từ cửa chớp thổi vô buôn buốt. Cô chủ từ ngoài đi vô, nhìn ngó:
- Sao má không nằm trong phòng cho ấm?
Bà cụ ậm ừ trong cổ.
- Pha cho bà ly trà gừng đi cháu – Cô chủ nói với tôi.
Cô chủ đi ra, hai phút sau trở vô khi tôi đã pha xong ly trà. Cô nhìn bà cụ bưng ly lên uống một ngụm rồi mới quay ra. Liếc nhìn cánh cửa khép lại sau lưng cô chủ rồi thì bà cụ để ly trà xuống nền nhà, lại co hai tay vô mền và nói ngắn “Lạnh quá.”
Quen nghe bà cụ kể chuyện này chuyện kia, nay im lặng tôi cũng thấy vắng nên hay ngoái nhìn bà cụ. Có khi đụng ánh mắt bà cụ cũng đang nhìn tôi. Vậy là tôi với bà cùng mỉm cười.
- Ăn sáng chưa cháu? – Bà cụ hỏi.
- Dạ cháu ăn rồi – Tôi trả lời.
- Sáng nay ăn gì?
- Cháu ăn xôi.
- Hôm qua hỏi cũng ăn xôi hôm kia hỏi cũng ăn xôi ngày nào cháu cũng ăn xôi hả?
- Dạ.
- Ờ, ăn xôi rẻ tiền mà no bụng – Bà cụ hấp háy mắt rồi hạ giọng – Cháu tới đây bà nói cái này.
Tôi đi tới gần. Bà ngọ nguậy trong mền rồi rút tay ra, hai tờ hai chục ngàn.
- Tờ này cho cháu, sáng mai ăn tô bún bò. Còn tờ này – Bà đảo mắt nhìn ra cửa – Ngày rằm mua giùm bà gói thuốc rê.
**
Bà cụ không dặn mà tôi cũng cảm nhận được là phải giấu cô chủ vụ gói thuốc rê này. Thật tình là tôi đã định nói cho cô chủ biết, lỡ bà tự làm gì đó nguy hiểm. Không chỉ bịnh khớp, bà còn bị máu nhiễm mỡ, tiểu đường và cao huyết áp nữa, chưa kể đủ thứ sụt sịt nhức nhối của người già.
Cũng may là gói thuốc rê nhỏ gọn nhét trong túi áo được.
Cô chủ đang trang điểm cho cô dâu, tôi vừa tới, cô chủ nói liền:
- Cháu vô coi bà đã thức dậy chưa thì pha cho bà ly sữa.
Tôi “dạ”.
Bà đang ngồi sẵn trên ghế. Ngồi, chứ không phải nằm như tôi thường thấy. Nghe tôi cất tiếng chào, bà đưa tay vuốt lại đầu tóc và kéo vạt áo thẳng thớm.
Tôi đưa cho bà gói thuốc rê. Chưa nói gì thì bà đã cầm luôn tay tôi kéo lại gần và thì thào:
- Nó đang có khách phải không cháu?
Tôi hiểu “nó” là cô chủ. Tôi gật đầu:
- Dạ, đang trang điểm cô dâu.
Bà mừng rỡ, lại thì thào:
- Được đó. Trang điểm cô dâu thì lâu lắm. Cháu đỡ bà lên lầu ba giùm.
Tôi kinh ngạc và bối rối. Ngày mùng một và rằm tôi thường thấy cô chủ mua táo lê nho về, “Hôm nay con mua mấy thứ này thắp nhang cho ba,” bà nhìn cô chủ xếp trái cây ra dĩa rồi nhìn theo cô chủ bưng dĩa trái cây đi lên lầu.
Tôi đứng yên không biết nói gì, trong đầu tưởng tượng bà co chân bước lên bậc tam cấp rồi không duỗi ra được, hoặc là trợt té…
- Bàn thờ tận trên đó cao quá cho nên cả năm nay bà không tự tay thắp cây nhang cho ông được – Bà vừa nói vừa nhìn ra cửa với ánh mắt phập phồng - Hồi đó ông thích hút thuốc rê.
Tôi xiêu lòng. Ba tôi ở quê cũng hút thuốc rê.
Từng bước, bà co đầu gối lên một cách khó khăn, tôi quàng vai vừa giữ cho bà khỏi bị té vừa kéo bà lên…
“Úi… ùi… ùi…” bà bặm môi bặm miệng rồi không nén được bà bật ra từng tiếng rên ngắn rồi lại bặm, thở hổn hển… Không phải lúc nào bàn chân cũng đặt  đúng chỗ, cẳng chân không chịu theo ý bà, nó bỗng ngừng khựng khiến bàn chân xỉa ngay mép bậc tam cấp như là bà đá vô đó. “Ố”, bà kêu lên rồi vội ngậm lại. Đau ghê gớm lắm vì bà phải lom khom đứng lặng một hồi, những ngón tay bấu chặt bắp tay tôi.
Lên tới phòng thờ trên tầng ba, mồ hôi túa đầy mặt mà bà cười mãn nguyện.
Tôi bật quẹt đốt nhang đưa cho bà. Tay bà run run cắm nhang vô lư.
- Lâu rồi tui không thắp nhang cho ông, đừng giận tui nghen. Tui cúng thuốc rê cho ông đây - Bà nói và đặt gói thuốc rê lên mép dĩa đang chưng trái bưởi da xanh. Bà rờ rẫm tấm hình ông nghiêm trang nhìn thẳng, nước mắt chảy ra, bà lầm rầm – Con gái mình hiếu thảo lắm đó, nhưng mà nó nói thuốc lá độc hại. Thời đại mới bây giờ khác hồi mình lắm. Mà chân cẳng tui thì muốn rụng rơi tới nơi rồi, ông thông cảm đừng buồn nghe.
Khói nhang bay, bà dụi mắt, cười cười mếu mếu.
- Mình xuống đi bà – Tôi nhắc – Lỡ cô chủ…
Bà ờ ờ rồi nấn ná thêm một hồi nữa mới chịu rời khỏi phòng thờ. Tôi hoảng hồn nhận ra đi xuống khó hơn đi lên rất nhiều. Đi lên rất mệt và nặng nhưng không sợ té, còn đi xuống thì thân hình bà cứ chúi nhào, bàn chân giậm xuống trầy trật chực trợt ra khỏi bậc tam cấp. Tay này tôi choàng qua vai bà giữ chặt, tay kia tôi níu thành cầu thang… Cứ như là tôi và bà giằng co nhau, cả hai đều toát mồ hôi đầm đìa.
- Trời ơi… Má…
Cô chủ hét vang từ chân cầu thang khiến tôi điếng người. Cô chủ quay mặt ra cửa:
- Tiến nhanh nhanh vô đây cõng bà xuống nhanh nhanh...
Anh thợ chụp hình tên Tiến từ ngoài chạy vô, hiểu ngay sự tình, anh nhảy ba bậc một lên tới chỗ tôi và bà.
Tôi sợ đến nỗi tay choàng qua cổ bà cứng đờ, anh Tiến phải gỡ tay tôi ra.
**
- Nguy hiểm lắm con đã nói với má biết bao lần rồi. May là con nhìn thấy kịp. Má thắp cây nhang mà lỡ xảy chuyện gì thì ai chịu đây? Mà có phải là con không cúng kiến đàng hoàng đâu -  Cô chủ rền rĩ – Má làm như là con ăn ở tệ lắm. Má khiến một đứa sinh viên đi làm ôsin có cớ cười vô mặt con. Má hỏi cả xóm này đi, có ai chê trách con không chăm sóc má tử tế không?
Bà cụ nằm im trên ghế võng, hai bàn tay nắm lại đặt trên bụng nổi đường gân xanh lè.
Anh thợ chụp hình đã đi ra ngoài từ nãy giờ. Cô chủ nói vọng:
- Tiến, từ nay chị trả thêm em mỗi tháng hai triệu để ngày ngày cõng má chị lên lầu thắp nhang nghe – Quay qua bà cụ, cô chủ khóc – Má nghe con nói rồi đó. Má hài lòng chưa? – Quay qua tôi, cô chủ cắn răng – Cháu tốt bụng lắm, nhưng mà má tôi mà té từ trên đó xuống thì cháu có chịu trách nhiệm không?
- Dạ cô cho cháu xin lỗi… - Tôi lí nhí và nhớ tới gói thuốc rê còn trên bàn thờ.
**
Tôi hình dung khi nhìn thấy gói thuốc rê cô chủ giận tới cỡ nào, và tôi hình dung cô lập lại những lời đó với má mình thêm lần nữa. Lần nữa...
Tôi hay nhớ khi bà trầm trồ kể chuyện lạ đó đây. Tôi đã đoán bà ao ước lên rừng xuống biển, mà biển và rừng của bà xa xôi vừa tới chỗ đặt bàn thờ thôi, cũng thành tít tắp.
Có lần ra Nhà Văn hóa, gặp lúc chồng cô chủ triển lãm ảnh chủ đề Phụ nữ. Tôi đi loanh quanh ngắm nhìn những tấm ảnh chụp người đàn bà dân tộc địu con trên lưng, người đàn bà giữa ruộng muối, người đàn bà gánh hàng rong trên vỉa hè đầy lá rụng...Và tôi nhìn thấy bà cụ mặc bộ đồ gấm ngồi hong nắng trước sân, mái tóc bạc nhuộm vàng.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI