Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 283 - tác giả NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT




ÁM ẢNH CHÍ PHÈO



Tạp chí Chư Yang Sin giới thiệu cùng bạn đọc cảm nhận riêng của em Nguyễn Thị Minh Nguyệt học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Du sau khi học tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

Bao năm rồi trong tim người đọc vẫn còn đó, day dứt, ám ảnh không nguôi nhói lòng trước cái dáng liêu xiêu, ngả nghiêng đổ dài trên con đường làng lênh láng ánh trăng đau khổ và đói nghèo. Điều gì đã khiến con người ấy, hình ảnh ấy, cuộc đời ấy neo lại và thôi thúc lòng độc giả đến vậy? Phải chăng đó là đúc kết của những trang đời đầy trắc trở hay xuất phát từ tấm lòng nhân đạo nhức nhối không yên trước việc thế nhân mà nhà văn mượn cây bút dồn cả lòng mình và trang viết?
Nói đến Chí Phèo của Nam Cao, là đứa con sinh sau, đẻ muộn trong trào lưu văn xuôi hiện thực trước Cách mạng Tháng Tám, điều gì đã khiến những bậc tiền bối đi trước như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng… phải ngoái đầu nhìn lại bước chân khập khiễng của gã say Chí Phèo? Đó là bởi Nam Cao đã khám phá ra sự thật đời sống một cách tinh tế. Ấn tượng khi đọc Chí Phèo là ấn tượng về một “cái đẹp quằn quại trong nỗi đau tận cùng của con người”. Chí Phèo - con quỷ của làng Vũ Đại, cái mặt hắn “đen và rất cơng cơng”… từ dùng của Nam Cao và tôi nghĩ rằng chẳng có từ láy nào thích hợp hơn để miêu tả một kẻ như hắn. Hắn sống bằng nghề đổ máu: đổ máu của chính mình khi rạch mặt ăn vạ và đổ máu của người khác khi làm tay sai cho Bá Kiến. Vẻ đẹp của tác phẩm là Nam Cao đã khám phá ra sự thật đời sống ẩn sau lớp vỏ bọc ngổn ngang, sự thật về xã hội thối nát mà bọn thống trị lọc đời, lõi nghề, bóc lột đẩy người dân lương thiện vào con đường tha hóa, đẩy anh Chí hiền lành vào nhà tù. Xã hội đã cướp đi quyền làm người dù là quyền được làm người nghèo khổ. Ám ảnh về Chí cứ day dứt ta mãi không nguôi, âm vang đứt ruột của tiếng chửi rất Chí Phèo. Hãy xem Nam Cao viết: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi”. Còn gì điên rồ hơn cách chửi của gã say? Hắn thu hẹp dần đối tượng từ xa xôi nhất, không đâu nhất, chưa đụng tới ai là trời, rồi cà khịa, xúc phạm cứ sát sạt hơn là đời – làng Vũ Đại – tất cả những ai không chửi nhau với hắn. Nhưng trong cái cách chửi tưởng chừng vu vơ, mơ hồ, ta bắt gặp logic của một tâm lí tỉnh táo – tỉnh trong cơn say cùng cực. Đó là kết quả của sự dồn nén  trong bao năm ngục tù nên có văn, có vẻ, có bài bản, xác định đúng đối tượng, mục đích, nguyên nhân.
Tiếng chửi lạ lùng như sự độc thoại của rượu và lí trí. Hắn hướng về trời như cái cớ để bắt đầu cho một hành trình gian nan truy cứu tại sao tạo hóa lại nhào nặn, sản sinh ra một con người mang phận đau, đơn độc, vật vã ê chề đến như vậy. Thế nhưng, Chí cũng nhận ra: “Trời có của riêng nhà nào?” Rồi hắn chửi đời. Trong số phận, con người ta cứ dồn cả lỗi cho cuộc đời, cho thiên mệnh. Đời có tất cả, tạo hóa đã nhào nặn thế nhân nhưng đời nào có thuộc về ai. Và đời mà hắn đang chửi quy tụ lại cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Đó cũng là con đường mòn cũ rích, lối sống cổ hủ đã tồn tại từ đời này sang đời khác, trói chặt kiếp người. Để khi sảy chân, ai ai cũng chửi đời mà đâu ngờ rằng mình cũng góp một phần tội lỗi. Trách trời. Trời xa quá, cao mãi, vời vợi thế. Trách đời. Ôi sao rộng! Chí bất mãn hướng về nơi chứng thực duy nhất cho việc khai sinh một con người lửng lơ bên vực thẳm cheo leo – làng Vũ Đại. Sao mà đời ghẻ lạnh, bạc bẽo đến vậy? Tàn nhẫn! Tiếng chửi khao khát giao tiếp, khao khát được công nhận. Vậy mà đáp trả lại là sự im hơi lặng tiếng của một xã hội vốn thích đông đúc, bon chen. Họ quay lưng, họ cự tuyệt, xa lánh Chí. Hắn chửi để cạy miệng thiên hạ nhưng nhận lại chỉ là tiếng sủa của mấy con chó giữa trưa hè oi ả. Rõ ràng, xã hội còn vô tâm hơn bầy chó. Chí chỉ còn cách chửi “cha đứa nào không chửi nhau với hắn”. Đó là hệ quả của bao oán thán, dồn nén, chồng chất, chửi những lương tâm đã “rỉ ra, mòn đi, mốc lên”, không xứng danh nghĩa con người. Và tất nhiên trong hành trình truy tìm tội phạm gây nên bi kịch đời mình, Chí trở về với điểm xuất phát ban đầu “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này”. Dòng văn đẫm nước mắt bởi khi nhắc đến đấng sinh thành, ta thường nói bằng cả tấm lòng thành kính. Vậy mà Chí không biết chúng là ai, hắn dồn cả vào tiếng chửi những uất ức dành cho những kẻ bất lương đã tàn nhẫn vứt đi giọt máu xót, chà đạp, cướp đoạt quyền sống của hình hài mà chúng đã sinh ra. Hơn thế, tiếng chửi cực kì thâm sâu trong móc xích chặt chẽ giữa “đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn” với xã hội phi nhân tính, biết phi nhân mà vẫn để mình thành kẻ phi nhân – cha mẹ như thế liệu có xứng với thiên chức tạo hóa an bài?
Thế là đối tượng của tiếng chửi đã định hình rõ rệt xã hội thối nát, bất nhân. Tiếng chửi là lời lẽ đanh thép của mọt con người đang quằn quại để mà phản ứng với đời. Với cách dựng chuyện độc đáo, Nam Cao đã rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh tên quỷ dữ, chẳng nhiều lời, chỉ gợi qua đôi dòng, cái tài của văn nhân là cuốn bạn đọc theo mạch truyện âm ỉ. Ta khao khát dõi theo bóng người bị đồng loại bỏ rơi, phớt lờ. Mở đầu là ấn tượng khó phai mờ. Kết thúc là hành động tự kết liễu đời mình. Việc lặp lại cảnh lò gạch bỏ hoang đã khép lại đời anh Chí nhưng sao ta vẫn thấy ngờ ngợ đó là dự đoán trước quy luật “tre già măng mọc”. Rồi đây, ai dám chắc sẽ không xuất hiện những Chí Phèo con hung hăng bạo tàn thậm chí đáng sợ hơn anh Chí của Nam Cao. Và vật lộn giữa hai miền không gian ấy là những lần Chí lê bước tới thăm cụ tiên chỉ Bá Kiến. Chí đi tất thảy ba lần. Hai lần đầu, xin tiền thì bảo toàn sự sống, Chí vẫn tồn tại nhưng với danh nghĩa quỷ dữ mà thôi. Lần thứ ba, đồng thời là lần quan trọng nhất, được Nam Cao dày công dùng bút lực “bày binh bố trận”, khéo léo khơi gợi qua hàng loạt chặng đường Chí vô tình tạt qua. Đây cũng là lần cuối cùng bạn đọc thấy sự hiện diện của quỷ dữ, bởi lẽ sau giờ khắc ấy, thiên chức con người trong Chí đã trỗi dậy, anh chối từ lớp bọc quỷ và khao khát hoàn lương, khao khát được mang danh nghĩa “con người”. Ấy vậy mà, Chí đã ngã trên ngưỡng cửa trở về lương thiện, anh đã gặp cái chết thảm khốc. Bởi thiên lương là thứ không tồn tại ở xã hội ấy và Bá Kiến chẳng thể hái chúng như hái sao trên trời để mà dỗ dành con quỷ. Tiến không được, lùi không xong, đằng sau là vực thẳm, trước là vách núi cheo leo. Đường về cõi hiện sao xa vời, cao quá Chí với chẳng được mà thân kia nhúng chàm quá đậm... Khóc đi! Khóc để chứng tỏ mình vẫn còn hồn người, để “giọt châu của loài người” xoa dịu đau thương. Một sự thật đẹp hơn mọi sự thật mà Nam Cao đã khám phá thành công, đó là vẻ đẹp tâm hồn, khao khát hoàn lương.
Xã hội vô tâm hay tình thương chỉ là chóng vánh? Họ không nhận ra, không một ai lưu tâm tới mầm xanh ý thức ấy...
Cái đẹp nhiều khi ẩn tàng mà cái giá phải trả cho danh dự, cho tình thương lại quá đắt, để rồi người ta sẵn sàng chọn cái chết, chấp nhận đánh đổi mạng sống để hướng đến chân – thiện – mỹ. Đó là cụ Bơ- men nhân hậu, đã không ngại khí hậu lạnh giá, dành trọn tâm huyết vẽ lá trường xuân kiên cường trên nền gạch. Hành động tưởng chừng giản đơn ấy đã cứu tương lai của cô gái trẻ Giôn-xi, nhưng tiếc thay, cụ chẳng còn để ngắm kiệt tác rung động lòng người. Đó là nàng Vũ Nương chẳng thể giãi bày nỗi oan khiên đành mượn dòng Hoàng Giang gieo mình những mong được chiêu tuyết tấm lòng trinh bạch trắng trong. Đó là Lão Hạc túng quẫn phải nhờ tới bả chó, tìm tới cõi chết để bảo toàn danh dự và tài sản cuối đời cho cậu con trai tha hương... Có những cái chết bế tắc và cũng có những cái chết của sự giải thoát, mở đầu cho một sự sống khác. Đau thương cùng kiếp nhân vật, Nam Cao quặn lòng dẫn Chí về cõi chết, anh Chí cũng nguyện lòng nương theo để bảo toàn vẻ đẹp thiên lương. Để nhân vật phải chết là nét hạn chế trong tư tưởng của các nhà văn hiện thực phê phán, nhưng chống trả được chăng giữa vòng xoay lịch sử? Chí ra đi nhưng ở thế giới ấy anh được sống với danh nghĩa con người và chắc hẳn anh sẽ mỉm cười mãn nguyện và thầm cảm ơn nhà văn bởi anh trong lòng độc giả không chỉ xuất hiện như con quỷ mà còn là tư cách của một con người.
Vậy nguyên căn do đâu mà Nam Cao lại để Chí kết liễu đời mình?
Theo logic, Chí chẳng thể tồn tại và tiếp tục sống bởi rất nhiều nguyên căn. Trước nhất, cái chết ấy khắc họa rõ nét cho cuộc đấu tranh đến cùng vì hạnh phúc. Bên cạnh đó, làm sao Chí có thể tha thứ cho chính mình khi tâm hồn phục sinh và cảm giác tội lỗi cứ ám ảnh tâm trí? Chí đòi lương thiện nhưng “Làm sao để xóa những vết mảnh chai trên mặt này”? Tự Chí gây ra và tự anh phải trả giá cho hành vi, tội lỗi, tính cách lưu manh của mình. Chính anh góp phần không nhỏ vào bi kịch cuộc đời bằng những cuộc say, ăn vạ. Chỉ khi chết đi, những vết sẹo ngang dọc mới vĩnh viễn được xóa bỏ. Đó là diễn biến đầy logic, hợp lẽ tự nhiên. Vả lại, trên đường đi của Chí còn hằng hà sa số những thiên la, địa võng của Tư Đạm, Đội Tảo, Bát Tùng, Năm Thọ... và chúng sẽ du vào nhau, hè cùng nhau với đám “hậu sinh” để tiếp diễn con đường bế tắc của cuộc đời, lộng hành thay chân Bá Kiến, mà Chí chẳng đủ mạnh để ác bằng phương thức rạch mặt ăn vạ như trước kia nữa. Chí sẽ sống sao khi mà công việc khát máu, nhuốm máu đã quen? Ai dám chắc trong vô thức Chí không làm tổn thương ai khác? Chí sẽ làm gì để sống tiếp? Chí phải đối diện ra sao với quá khứ tội lỗi ra sao? Ai tha thứ cho những lần bán linh hồn cho quỷ? Hàng loạt câu hỏi khúc mắc, khó lí giải và Chí Phèo phải trả lời cho trọn bằng cái chết...
Nhắc tới nguồn động lực lớn lao cứu lấy kiếp quỷ, ta ngỡ đó là bài ca nhân đạo sâu sắc, đó là ông Bụt, bà Tiên từ bi hiền lành trong truyện cổ, nhưng cây cầu mà Nam cao gây dựng chẳng phải điều gì to tát, cao siêu mà chỉ là một lòng tốt bình thường, bằng bát cháo hành giản đơn... Nhưng trước kia, ai cho Chí hay suốt đời anh chỉ biết rạch mặt ăn vạ, biết dọa nạt cho người ta sợ để có miếng ăn? Vậy mà người đàn bà xấu xí, dở hơi, dòng giống nhà “mả hủi” ấy lại đến bên chở che, dìu dắt Chí. Nhờ có thị mà Chí tỉnh ngộ để nghe âm thanh cuộc sống với tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng người đi chợ về, tiếng chim hót,... Quan trọng hơn, Chí tỉnh ngộ để nhận thấy hoàn cảnh hiện tại “ốm đau, đói rét, đơn độc”... Có lẽ điểm đến đầu tiên của bát cháo chỉ là liều thuốc tự nhiên - liều thuốc giải cảm. Vậy mà, khi đặt trong hoàn cảnh của Chí Phèo thì nó là “liều thuốc giải độc”, những chất độc đã tích tụ bao lâu trong tâm hồn Chí, thế nên anh đã đón nhận theo cách rất riêng. Thứ nhất, Chí đón nhận trong lúc cô độc. Thứ hai, chưa bao giờ anh nhận được sự yêu thương của bất kì ai. Thứ ba, nếu để có được thì Chí phải vắt kiệt xương thịt để đánh đổi, cướp giật. Thế nên, cháo hành đã mang hương vị tình người, một tình người chân thành, ấm áp đủ sức hóa giải hết cái ác, cái xấu và những mảng tối trong tâm hồn. Chỉ một bát cháo hành thôi mà đủ đánh đổi lấy những giọt nước mắt nhân tính, giọt châu của loài người. Tấm lòng Nam Cao nhân hậu quá! Bá Kiến có xảo quyệt, lọc lõi tới đâu cũng chẳng thể ngờ một người đàn bà “ma chê quỷ hờn” như thị Nở lại khơi dậy được lương tri, nhen nhóm niềm tin vào tương lai của Chí.
Và lí do đau đớn nhất để Chí khước từ sự sống khởi nguồn từ đây khi cánh cửa cuộc đời đã vĩnh viễn khép lại, từ giờ khắc thị Nở ngúng ngoảy, dứt áo ra đi, cây cầu trở về lương thiện mất rồi. Cầu gãy, phao cũng chối từ, Chí chẳng còn lí do, nguồn động lực nào sống tiếp. Ai dìu dắt Chí hay Chí lại đơn độc hòa vào rượu và những cơn say triền miên không hẹn ngày tỉnh giấc?
Chi tiết lưỡi dao Chí Phèo vung lên cũng là dụng ý nghệ thuật đáng bàn luận. Khi lưỡi dao vung lên, cuộc sống đã vận động đúng theo quy luật của nó, chứng tích cho những lần bán linh hồn cho quỷ. Lưỡi dao đã chọn đúng điểm rơi, là ý thức manh nha cho tinh thần phản kháng. Trong khi những nhà văn cùng thời như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng... chỉ tập trung đi sâu, hướng về miêu tả nỗi khổ cùng cực của con người, họ chưa nghiệm ra khao khát tự do đang dồn nén, tích tụ thì Nam Cao đã tiên đoán được điều ấy. Lưỡi dao vung lên là lưỡi dao của cuộc đấu tranh với tinh thần “con giun xéo mãi cũng quằn” bởi khi phần người phục sinh nó mạnh mẽ đến không ngờ. Những gì đã vay bằng máu thì phải trả bằng máu, đó là quy luật “ác giả ác báo” mà kinh thánh từng răn dạy: “Hãy tra gươm vào vỏ, kẻ nào dùng gươm sẽ phải chết vì gươm”. Tiếp bước những dang  dở của Nam Cao, của số phận Chí Phèo, ta gặp sức phản kháng ấy qua hành động cởi trói cho A Phủ, đồng thời tự cắt bỏ sợi dây bó buộc đời mình trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài hay hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay xuấtt hiện song hành trong tâm trí anh Tràng mà Kim Lân gửi gắm qua “Vợ nhặt”.
Những dòng suy tư trăn trở của Nam Cao đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những con người thờ ơ vô cảm đã lạnh nhạt quay lưng, gián tiếp đẩy con người vào bờ cùng sự sống bởi “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ”. Đó là lời kêu cứu hãy cứu lấy con người, đồng thời là lời tố cáo xã hội phi nhân tính, khủng hoảng, thối nát với những mâu thuẫn trầm trọng của bè phái, thế lực hắc ám. Để rồi, từ đó khẳng định sức mạnh hướng thiện, niềm tin vào “sự tất thắng của cái thiện trước sóng gió cuộc đời’. Tác phẩm quả xứng danh kiệt tác và hình ảnh Chí Phèo sẽ sống mãi trong lòng độc giả hôm nay cho tới muôn đời sau.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI