Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN số 284 - tác giả H’SIÊU BYĂ

Tác giả H’SIÊU BYĂ



RỪNG KHỘP TRÚT LÁ

Truyện ngắn


Khi mặt trời đỏ au chìm lỉm dưới cánh rừng khộp trụi lũi lá, tôi gối đầu nằm nghiêng và thì thầm với gió, với cây và loài thú ăn đêm về câu chuyện của mình. Tôi nói: “Mình bắt đầu từ Hônh nhé, mình bắt đầu từ Vũ nhé” thì muôn loài nín thinh như sự im lặng của làng Drang Phôk vào buổi chiều của những con chim rừng lang bang tìm về tổ.
Tôi và Hônh ở chung nhà với bà Dơn. Mẹ của Hônh là một người đàn bà hễ thấy đàn ông là con mắt ươn ướt, chớp nhiều lần, long lanh. Bà nói: “Đó là con mắt của con voi cái mùa động dục”, tôi không quan tâm lắm, chỉ biết mẹ Hônh như vũng nước trong veo giữa rừng khộp và người đàn ông trong làng Drang Phôk là những đứa trẻ chăn trâu. Hônh ghét mẹ từ khi bà Dơn hì hục kéo nó ra từ váy mẹ. Nó khóc như bị kiến cắn, nó khóc như bị ma lai làm khi mẹ bế nó trên tay. Mẹ Hônh thì thào vào tai con: “Mày cứ khóc miết là mẹ cho bà Dơn nuôi đấy”. Bà Dơn tưởng nói đùa, thế mà mẹ Hônh cho thật. Mẹ Hônh không muốn vú bị sệ, nhão nhoẹt như trái mướp. Mẹ Hônh chỉ muốn đeo chiếc gùi nhẹ tênh đựng vài chiếc váy và sáp thơm rời làng Drang Phôk mãi mãi.
Hônh không có ý định tìm lại mẹ nhưng bước chân cứ muốn xa dần làng Drang Phôk. Hônh không chịu được khi tôi và Vũ hôn nhau đắm đuối dưới sàn nhà.
- Bà Dơn ạ, cháu muốn rời làng ra thị trấn khiêng đá thuê cho người ta làm nhà. Hônh nói với bà Dơn, lời Hônh nhẹ mang dáng dấp rón rén của con chuột trộm lúa.
Bà Dơn nhổ một đống lá thuốc qua kẽ hở, phủi váy đi nằm, tiếng bà vọng dài, tun hút ám ảnh giấc ngủ và màn đêm.
- Ờ, nuôi chim lớn rồi, chân chim dài rồi, tự bay được rồi, không nên giữ.
Hônh rời làng vào một buổi sáng tháng sáu, nắng ấm phả mùi mật ong thơm lựng chạy quanh quanh khắp làng. Chiếc xe đạp cọc cạch, bết cứng đất đỏ, đẩy khúc gỗ đằng sau, đẩy cái lưng người đằng trước lừ lừ đi và biến mất sau cánh rừng ngút ngàn.
Gió dàn dạt. Bữa cơm của chúng tôi có đùi gà và thiếu Hônh. Bà Dơn làm nghề đỡ đẻ trong làng. Phải nói thiệt, tôi và Hônh lớn lên nhờ những con gà lang thang trong rừng. Một nửa con gà là công bà đỡ nặn bụng cho mẹ, một nửa con gà là công bà đỡ xoa đầu cho con. Bà Dơn nhận lấy, hoan hỉ cũng có, buồn rầu cũng có: “Lũ mày cứ đẻ nhiều mà đất và rừng cứ nằm im miết không chịu dài ra”. Canh cà hay Hônh làm tôi và bà Dơn sụt sùi. Bà Dơn không thích nước mắt. Nước mắt chỉ chảy khi có tiếng chinh knăh hòa nhịp. Tiếng chinh knăh rộn ràng, dồn dập đón người con trai mới về. Tiếng chinh knăh u buồn, thăm thẳm vĩnh biệt con người về với núi bên kia. Bà Dơn không ăn nữa. Bà bảo nặng đầu. Hôm nay, bà bỗng quên tục lệ, đi vén váy người ta về, đã không giội mùi sinh nở cho cá trên dòng Krông Cho đớp ăn.
Những chiếc lá khộp dập dềnh trôi trên dòng Krông Cho như những linh hồn đàn ông Ê-đê lang thang, bất trị sinh ra đã chọn cho mình cây gậy và hòn đá. Ngày ấy, Hônh vừa tròn tháng, bà Dơn đã đặt cạnh nó con dao, mẩu gỗ, cây gậy và hòn đá. Hônh không muốn làm thủ lĩnh Drang Phôk, Hônh không muốn làm chiến binh. Hônh chọn cho mình cây gậy để chống lưng, hòn đá để thắp sáng, đi chỗ này, chỗ nọ, đi hết mùa con chim bay, đi hết mùa lá khộp rụng. Bà Dơn không cho tôi thương nhớ Hônh nữa. Bà ưng Vũ, gã người Kinh con của bà mua thú rừng da trắng, tóc xoăn, cằm thọng dài nục nịch. Tôi và Vũ say đắm trong tiếng gà rừng te te gọi bình minh, những âm thanh rục rạo thức giấc sau một đêm ngủ vùi dưới lớp lá khộp khô dày. Mắt bà Dơn hấp háy, miệng bà Dơn nhoẻn cười khi tôi bẽn lẽn: “Ngực căng, lưng cong và bụng có nhiều vết rạn, cháu muốn may một chiếc áo rộng, bà còn tấm vải nào không?”.
Tôi nói một câu, mặt Vũ sưng như ong đốt.
Tôi nói hai câu, tai Vũ đỏ như cục than đánh cắp ánh hoàng hôn.
Tôi nói ba câu, chân Vũ đạp gió gọi mãi không chịu trở lại.
Tay tôi run run, vịn cây khộp làm điểm tựa cho sự ngốc nghếch và điên khùng. Tôi rứt tóc, căm ghét, đay nghiến vỏ khộp già. Đêm lập lờ, tiếng Vũ thủ thỉ về giấc mơ làm nhà sàn dài thượt mái ngói đỏ tươi với nhiều đứa trẻ bò nghiêng ngả làm tôi khó thở. Tôi nghĩ về cái chết, tôi nghĩ về hồn ma trong nghĩa địa Drang Phôk, tôi sẽ chọn một ngôi mộ đẹp đẽ nằm lên. Hồn người chết trỗi dậy vây lấy tôi bằng vũ điệu chim grứ cuồng loạn. Tôi sẽ say sưa với họ để quên nỗi ê chề của chính mình. Nhưng tôi không muốn làm giọt sương tội lỗi, tôi còn đứa trẻ, tôi còn Hônh và bà Dơn kia mà. Tôi trở về nhà thì thấy đàn heo eng éc chà mình lên cột, con gà chiêm chiếp nhảy lên sàn đòi ăn. Tay bà Dơn sờ soạng nhóm lửa, bà không còn nhìn thấy một đứa trẻ con nào từ hôm qua. Yang đã lấy đi đôi mắt người đỡ đẻ của làng.
Một trăm con chim sẻ, một nghìn con chim ri ra rả báo tin cho tôi Vũ rục rịch cưới vợ. Tôi sềnh sệch kéo bạt nhốt lúa, nhốt ớt, nhốt hạt bầu, hạt bí vào nhà kho. Tôi kéo chày, kéo cối đổ lá mì ưỡn ngực, ưỡn bụng thình thịch, thình thịch. Lá mì tung tóe, trải một lớp mịn màng xanh sẫm khắp hiên. Sàn nhà rung, tim tôi rung mạnh hơn. Drang Phôk mưa to, không bằng mưa lớn trên mặt. Trong suy nghĩ tối thui và điên dại, tôi muốn dùng ma lai làm Vũ chết, ma lai của chính người Drang Phôk nuôi. Sét đến trước, sấm đến sau thả những tia sáng chóe lửa đùng đoàng chặn lối người qua đường. Từ xa xa, giữa cơn mưa tầm tã, dáng bà Hrill còm cõi, xiêu vẹo: “Ơ Hrill, bà đi đâu mà vai ướt nhẹp, chân bết đất thế?”, bà Dơn khục khặc vừa nói vừa ho. Chân phải bà Hrill đặt lên bậc thang thứ nhất, chân trái bà Hrill đặt lên bậc thang thứ hai, bà nghiêng đôi tai trả lời: “Tôi vừa từ rừng về, thăm con chó sói mang mặt đàn ông, thăm con hổ mang mặt đàn bà, mặt trăng ngủ rồi thức, chim phí bay đi rồi bay về, đã nhiều ngày, nhiều tháng chúng chưa có linh hồn nào để ăn”. Bà Hrill giũ váy bên này một bầy kiến đen rụng như lá, giũ váy bên kia một đàn bướm bay lượn vòng như hoa. Bà Dơn sai tôi lấy lá mì trong cối, lấy thịt khô trên bếp, lấy bầu nước ngọt nấu canh đãi người khách ngồi bếp ăn cơm chung.
Mưa im, Drang Phôk rơi một mình trong tiếng ú oa trẻ con giật mình muốn khóc, người lớn bối rối muốn đứng dậy kéo cửa, cài then. Bà Hrill nhổ nước bọt trắng xóa vào tay chà chà vào đôi chân ngả màu mốc cũ. Bà cũng không quên móc năm hạt lúa đen kịt từ móng tay dài cong như ngà voi cùng lời dặn thổi bùng vào suy nghĩ: “Nay ta cho cháu năm hạt lúa, mặt trăng tròn tháng sau, cháu nhớ vứt lúa vào lửa, cháu nói, ơ lửa, ơ lửa, lửa ở yên tại chỗ, lửa hãy nhận và ăn tất cả thức ăn người thích tại đây nhưng hãy cử làn khói trắng đi theo gió vào rừng khộp nói với con chó sói mang mặt đàn ông, con hổ mang mặt đàn bà về làng để ăn linh hồn người ăn cơm trước trong nồi ba, rửa mặt trước trong nồi bảy, vú nổi thâm đen rồi mặc áo đi về”...
Tôi để năm hạt lúa của bà Hrill vào ché nhỏ bịt một lớp lá chuối hơ, bịt hai lớp lá chuối hơ, lớp thứ ba phủ bằng tấm ni lông mỏng chờ ánh trăng sáng nhất xiên qua cửa sổ. Linh hồn của Vũ bị con chó sói mang mặt đàn ông, con hổ mang mặt đàn bà cắn xé, thong thả nhai rụm rụm như bước chân giẫm lên lá làm sợi tóc tôi muốn bay ra khỏi đầu vui mừng. Linh hồn biến mất, thân xác Vũ trở nên rệu rạo. Lúc đó, Vũ sẽ nhớ đến tôi. Vũ sẽ nhớ đến khoảnh khắc lấy cán dao bằng gỗ lim chọc vào lỗ cua, lấy cán cuốc bằng gỗ dổi chọc vào lỗ dế. Con cua bò ngang Vũ dửng dưng, con dế bò dọc Vũ không thèm để ý. Vũ sẽ trèo lên cầu thang bảy bậc, hôn lên bàn chân trái, hôn lên bàn chân phải, níu váy người chẻ trái cà xoay lưng, níu áo người ăn cơm chỉ nhìn vào bếp lửa. Drang Phôk xao động nhiều tiếng nấc. Tôi ôm bụng vỗ về giấc ngủ triền miên.
Trăng nhạt thếch như bữa cơm thiếu ớt. Tôi lắng tai nghe tiếng hạt lúa ơ hời mỗi đêm như lắng nghe tiếng quẫy đạp của đứa con trong bụng mình. Tôi cắt tã từ những tấm áo cũ thành hình tam giác, cần mẫn xếp chồng trong gùi mới thoang thoảng mùi tre thường bám trên tay Hônh. Không hiểu sao, tôi có cảm giác con tôi sẽ giống Hônh hơn giống Vũ. Hay tôi muốn thế, cũng không biết nữa, đầu tôi đang chứa những con giun mềm như nước đi qua đi lại, lộn xộn. Bà Dơn cũng vậy, bà bảo tim đập nhanh, chân run rẩy, bà cảm nhận được một mảng briêng to như cái nong, lớn như cái nia phủ xuống mái nhà, rơi xuống bếp, dính vào tay vào chân của chủ nhà. Bà dặn tôi đừng đem năm hạt lúa đen của bà Hrill cho lửa ăn nữa, bà không muốn chỉ riêng con cháu khóc hờ khi tôi chết. Những người nuôi ma lai, những người trồng thuốc độc luôn sống một mình, chết một mình ở làng Drang Phôk này.
Đầu tôi hay nghĩ về những lời nói trúng tai của bà Dơn.
Nhưng đầu tôi cũng hay nghĩ về sự trả thù của kẻ làm tôi cúi gằm mặt, bẻ cụp tai mỗi lần ra giếng múc nước, ra rẫy đổi công.
Mùa suốt lúa làm chân tay tôi bận rộn. Ban đêm, tôi để cái đầu của mình đuổi theo miết con chim ktia, chim nghiêc dưới thung lũng rơm rạ phủ màu vàng ươm. Mặt trăng tròn, ngủ quên. Năm hạt lúa và ngọn lửa đánh thức con chó sói, con hổ, ngủ quên. Tôi muốn tất cả lặng im nhường chỗ cho mùa suốt lúa của cả làng Drang Phôk. Nhưng Hônh không muốn im, Hônh muốn Vũ phải về nhà tôi làm cha của đứa bé chưa làm lễ thổi tai, đặt tên trong bụng. Hônh đã trở về, hung dữ và điên khùng. Sáng sớm, Hônh không ngồi ấm lửa trên nhà mà mài xà-gạc sàn sạt dưới sàn. Bà Dơn hoảng hốt như có người nhổ lông chân, bà thò cái khăn đầu nghiêng qua cửa sổ: “Váy đã rách đừng có xé ra to, lửa đã cháy cả nhà cùng nhau dập, đừng có ăn cơm một mình, đừng có ăn cá một mình, đừng để yang xấu dẫn lối, đầu chỉ tay, đầu chỉ chân làm tầm bậy, tầm bạ”.
Hônh ngừng tai nghe như cơn gió chạy từ cửa khách ra cửa bếp. Cán xà-gạc bằng gỗ le chuyển động theo tay, lưỡi xà-gạc bằng sắt nung chuyển động theo vai. Sàn sạt, sàn sạt, nhịp nhàng, nhịp nhàng. Mắt Hônh nổ lửa phừng phực, mắt xà-gạc nổ lửa theo. “Ha bưih, không chịu được rồi, chân cháu hãy bước dài hơn chân nai chạy theo lối nhỏ qua bìa rừng đến thung lũng gọi ông cậu ama Pui về ngăn chặn chuyện lớn mau lên”, bà Dơn hét to. Tôi bỏ chày, bỏ cối, kéo váy lên bắp chân, kéo áo lên bắp tay tất tả chạy nhanh phía bìa rừng.
“Ơ Yang Chư, Yang Ea, Yang Mdê, Yang Kê! Lúa đã đem về tới kho, ngô đã đem về tới nhà, nay con cháu cúng bằng con heo, bằng ché rượu. Thịt heo đã dọn trong lá, rượu đang chảy trong cần, xin các Yang đến uống…”. Lời cúng của ông cậu ama Pui ngập tràn thung lũng, vọng dài trong rừng khộp, kéo lỗ tai người và vật nghe chung. Ông cậu ama Pui không kịp uống rượu ngụm đầu tiên, ông cậu ama Pui không kịp tuyên bố với Yang ngụm rượu sau cùng. Ông chạy đàng trước, tôi chạy đàng sau. Tiếng chó sủa inh ỏi, tiếng chân người thình thịch. Drang Phôk có chuyện rồi, quạ kêu nhiều trên cao, kiến mối kêu nhiều dưới đất. Lưỡi xà-gạc từng chém chết con heo rừng một nanh đã kề vào cổ Vũ. Máu Vũ trào lênh láng nhuộm rừng khộp đỏ tươi. Người đàn bà người Kinh kêu gào chửi bới. Ama Pui lặng người, bà Dơn cái miệng thành đá còn tôi ngồi phịch dưới đất phả hơi thở phì phò của con trâu rừng muốn đẻ.
Rừng khộp trút lá không giấu nổi cái lưng chạy trốn của Hônh.
Rừng khộp trút lá không che chở nổi cho đứa con chưa kịp làm lễ thổi tai, đặt tên của tôi nữa. Năm hạt lúa đen tự đến với lửa để lửa đánh thức con chó sói mang mặt đàn ông, con hổ mang mặt đàn bà gặm nhấm linh hồn bé bỏng thay thế cho linh hồn người cha tội lỗi của nó.
Tôi trở thành người đàn bà đầy vết sẹo ở làng Drang Phôk, rũ rượi, thích nằm nghiêng, thì thầm với gió, với cây và loài thú ăn đêm về câu chuyện của mình.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI