CHÙA CỔ
Truyện ngắn
“Tâm không uế chướng, nên không sợ hãi, vượt khỏi sai lầm.
Tất cả tùy duyên, một đời tùy duyên mới được tự tại.”
(Tâm Kinh)
Bên sông có ngôi chùa cổ, ngôi chùa ấy có tên Linh Sơn.
Linh Sơn, Linh Sơn nằm bên kia sông. Muốn qua sông thì phải lụy đò, còn đò ấy
chỉ chở người có duyên, trăm nghìn năm mới có một chuyến. Sông bắt nguồn từ đâu,
chảy về tự phương nào? Sông thì cứ chảy, đời người mãi trôi, ai hay điểm tận cùng?
Nơi ấy là thánh địa Phật môn, là nơi mà những linh hồn khắc khoải đang trên đường
hành hương tìm kiếm lại bản chân diện mục của mình.
Khách gánh trên vai đôi vầng nhật nguyệt, buồn dạo ven bờ,
chờ đợi từ năm này qua năm khác. Khách lẩm nhẩm tính toán:
- Hôm nay là thứ hai, ngày mai là thứ ba, ngày kia là thứ
tư, rồi sẽ hết tuần, sang tháng, đáo niên, tận kiếp và chuyển thế…
Khách đã quá quen thuộc với trần gian trầm luân không có đường
trở lại, quá quen thuộc với chốn địa ngục đầy rẫy quỷ ma, duy trong tam giới, có
niết bàn là khách chưa kịp đến. Khách bần thần nhặt một viên sỏi đỏ lấp lánh như
ngọc, hỏi:
- Mi đã cảm thấy cô đơn bao giờ chưa? Hỡi đá?
Viên sỏi không trả lời.
Khách đau đáu nhìn lên mặt sông, vung tay liệng mạnh. Vật
nọ xoay một vòng trên không trung rồi bị nuốt trọn, lững lờ rơi trong lòng nước,
chìm mãi, chìm mãi… Đi qua nơi mà những đàn cá thần tiên đang bơi lội.
- Mi có đớn đau bao giờ không, hả Sông?
Sông vẫn lặng câm.
Khách ngẩng đầu lên nhìn tầng không:
- Ông đã bao giờ cảm thấy cô đơn chưa, hả Trời?
Trời lặng yên chẳng đáp, bao năm qua, Trời bình thản thấm
hút hết nỗi đau của cả nhân loại mà không oán thán một lời. Khi người ta chịu đựng
quá lâu, ôm trong mình quá nhiều bí mật thì người ta sẽ lặng câm.
Khách đã chờ ở đây từ bao giờ nhỉ? Không ai còn nhớ rõ nữa,
đã chờ đợi bao kiếp, chuyển thế đầu thai cũng chỉ vì bến chùa ẩn khuất trong màn
sương dày nơi xa. Chữ “Duyên” gánh nặng ngàn cân, chữ “Mệnh” nghìn năm đau đáu.
Như một phép màu, hoặc giả, đó chỉ là sự trùng hợp thôi, khi con đò mỏng manh
như lá lúa bình thản lướt khỏi miền yên vân, trôi trên dòng nước trong xanh tựa
khối bích ngọc khổng lồ không gợn chút tì vết.
Người lái đò đội chiếc nón tre rộng
vành, đầu cúi thấp, những tia nắng lọt qua các nan tre đổ bóng lốm đốm nhàn nhạt
trên hai hàng mi dài bạc trắng, như hư mà như thực. Khách bỗng nhiên quỳ thụp
xuống, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Lão lái đò hỏi vọng lại:
- Hỡi người đi đò, anh muốn về chốn nao?
- Thưa ông, tôi muốn tới Linh Sơn. –
Khách nghẹn ngào trong ánh nước mắt nhòa ảo.
Lão lái đò thong dong khỏa chèo đón khách, cười hà hà:
- À, Linh Sơn… Linh Sơn thì mờ khói mịt sương!
Khách bước xuống, đôi chân nặng trịch làm trành con đò. Lão
lái đò lắc lắc cái đầu: “Nhân quả chưa dứt.” Khách ngồi nơi lòng đò, trong tâm
vẫn cảm thấy trống rỗng lạ, giờ thì mi đã chờ được gió đông rồi, chùa cổ đang ở
trước mắt, vậy mục đích luân hồi phải chăng đã hoàn thành? Qua sông, qua sông. Có
một kẻ mang nợ với chữ từng nói: “Ai chẳng phải sang sông một lần.” Sang sông là
không còn đường thoái lui, sang sông là tái sinh một kiếp khác.
Khách bấm đốt ngón tay rồi lại buông xuống, đã quên rồi đớn
đau vạn năm chuyển hoán, trúc trắc hốt nhiên hóa thành tro bụi. Linh Sơn đang ở
phía trước kia thôi. Khách đứng lên, thò chân xuống mặt sông, tròng trành - đò,
khách – suýt nữa bỏ mình, nước lạnh từ từ hòa tan cát bụi trên thân, trả lại đôi
chân non nớt sạch sẽ như thuở ban đầu. Khách mỉm cười thật nhẹ, nói với ông lão
lái đò:
- Thưa ông, ông đã sống ở đây bao nhiêu năm?
- Bao nhiêu năm? – Lão lái đò lại ngước mắt nhìn vầng thái
dương rực sáng nhưng hiền dịu trên cao, cười bảo. – Tôi không còn nhớ rõ nữa. Ở
nơi này không có năm tháng đâu chàng trai. Thời gian trước… Từng có một cô gái
tìm tới Linh Sơn, không đợi được đò, bèn nhảy xuống sông mà bơi sang bờ bên
kia, thế nhưng mệnh người đều nằm trong vòng con Tạo. Nàng mất đi. Thi thể trôi
dạt, chạm bậc thềm đá thì kết thành ngọc quý. Hiện đang được thờ trong am nhỏ
ngay cạnh cổ tự đây thôi.
Lời lão bình thản như ru, điều sống chết trên đời thì vô
thường lắm, có đớn đau thì cũng đâu lại được với giời xanh. Khách vừa nghe
xong, lệ sa không ngớt, thoáng chốc đã thấm đẫm vạt áo màu thúy liễu còn tươi.
***
Chú cá vàng nhanh chóng lặn sâu xuống đáy nước, trước khi
ẩn thân đã kịp nghe một tiếng chuông chùa. Đò cập vào bờ, đặt chân xuống thềm đá,
Khách tưởng mình còn đang lang thang trong giấc mơ. Nhưng mơ hay tỉnh? Cuộc đời
vốn chỉ là một ván cờ, cờ tàn kịch hạ, thảy sẽ hóa không, can chi băn khoăn với
trò chơi của tạo hóa.
Vừa rồi nắng còn rỏ vàng mà giờ sương
móc đã giăng, thiên nhiên trí trá, nhân lúc Khách còn ngây ngẩn thì đã vội vàng
tháo đi ánh sáng, phủ lên Linh Sơn một tấm màn dày mờ mờ hư ảo. Khách vạch sương,
bước lần theo thềm đá. Hoa rắc trên vai, tỏa mùi hương dìu dịu. Loại hoa gì đây?
Loại cây gì đây? “Bồ đề nào phải cây, gương sáng đâu là đài”[*]… Gió thoảng thổi
qua mấy tầng cây xanh ngắt, dường có bóng người vừa mới thoáng hiện qua. Giá như
có giấy bút, thì ắt hẳn Khách đã làm thơ. Thềm đá ngày một cao, đường tới chùa
cổ cũng chừng như trải dài vô tận. Vẳng nghe tiếng chuông ngân, Khách vô thức
chắp tay niệm nam mô Phật, cõi thiền ru kẻ mê, rửa sạch hết lòng trần bụi bặm.
Theo lời sư phụ, chú tiểu mang thùng đi múc nước dưới sông,
nghịch ngợm khiến đàn cá nhỏ kinh hoảng mà bỏ chạy, tiếng cười trong veo như ngọc
lan đi, đôi giày lấm bùn bé nhỏ vấy lên thềm đá, chú chạy qua nơi Khách đang đứng
bần thần.
“Cửa thiền nghĩ thẹn người si độn,
Để lại câu gì? Nghĩ chửa thông.”[**]
Mái cổ tự cong cong, Phạn âm dần đưa người rời khỏi cõi tục,
hương nhang vấn vít, chẳng hay khách đã đặt chân lên đến sân chùa từ khi nào? Cửa
lớn thâm nghiêm mở rộng, Đức Như Lai cùng chư phật chầu hội, buông ánh mắt từ
bi nhìn xuống nhân gian. Khách thấy lồng ngực thắt quặn, hơi thở chừng ngừng, mọi
nỗi đau đè nén bấy lâu bung ra tràn ngập trong cơ thể. Khách tưởng như không thể
chống đỡ, muốn gục ngã. Mới hay giữa bể trần cuồn cuộn không hề độ lượng, vẫn còn
một thoáng từ bi. Trên mặt bàn còn một chén trà xanh trong, khách bất giác nâng
lên - đây, một chén cay đắng, một chén ngọt ngào, vạn dặm khói mây thu lại
trong từng tia nước xoay vòng - khách dốc cạn cả vụn trà li ti.
- Xin hỏi thí chủ tìm ai? – Sư thầy bước ra, chắp tay khom
người hỏi khẽ.
- Thưa thầy, con đi tìm niết bàn. Con đã chờ đợi rất nhiều
năm, có lẽ là cả mấy kiếp, rơi vào vòng luân hồi cũng chỉ vì Linh Sơn này thôi.
– Khách quay đầu, trông thấy thiền sư bèn cúi đầu chắp tay đáp lại.
Sư thầy mỉm cười, nâng mắt ngắm con nhện đang giăng tơ,
thủ thỉ:
- Nơi đây là Linh Sơn mà cũng không phải là Linh Sơn.
Linh Sơn… Thì mờ khói mịt sương.
Thiên nhiên lại trí trá, nháy mắt đã kéo sụp mặt trời, trăng
sao đang ở nơi nao? Chú tiểu đã kịp thắp lạp chúc chiếu sáng cổ tự án hương. Có
con chuột trắng chạy qua bò lên đĩa đèn để ăn dầu, mặc cho lông đã bén lửa, nó
vẫn không chịu rời đi. Sư thầy tiến lên, phẩy tắt ngọn đèn, cơ hồ đã quen hơi,
chuột vẫn nhẩn nha nhấm nháp bữa ăn của mình. Khách chợt thấy cảnh vật trước mắt
nhòe nhoẹt hẳn đi, trong không gian có tiếng “rắc” vang lên rất khẽ, mà lại xoáy
sâu vào lòng người, cơ hồ ranh giới trên thế gian đã bị đứt gãy, không thể hàn
gắn lại.
Mây khói bồng bềnh xốp mịn, nhạc du
dương văng vẳng quanh đây, nền trời bạc sáng như ban ngày. Đây là chốn nào? Khách
ngơ ngác nhìn quanh. Linh Sơn nơi đâu? Linh Sơn, Linh Sơn! Khách vạch mây vén
khói tìm lại cảnh chùa u tịnh, tìm lại chú chuột bạch và con nhện rút tơ lòng,
nhưng càng tìm lại càng thấy cảnh trước mắt hoang vu. Dìu dịu hương đưa, đàn ca
không dứt, chúng tiên đương tụ hội chúc rượu mời Ngọc Đế.
Cảnh trí quay cuồng trong đầu và trong mắt, có vật gì quật
mạnh vào gáy làm Khách gục ngã.
Hai tai thu lại, không nghe không nói, tới khi mở mắt, tất
cả đều hay. Khách đột ngột thấy mình đứng bên chư tiên, là tiên đồng vận một bộ
thiên y màu ánh trăng năm cũ thanh tao nhã nhặn, rờ lên đầu còn thấy cây trâm bạch
ngọc cẩn hai mươi hạt châu đỏ lấp lánh. Khách ngơ ngác, hoảng loạn nhìn quanh
quất, đập vào mắt chỉ thấy bóng Như Lai mỉm cười từ bi, ngài khe khẽ gật đầu, ấn
chu sa trên trán dường tỏa vầng hào quang làm người chói mắt.
Khách nhìn mình, nhưng biết đấy cũng không phải là mình,
lòng dấy lên một cảm giác vừa xa lạ vừa thân quen, định quay đầu bỏ chạy, tay
chân lại cứng đờ đành chịu sự sai khiến của Hóa nhi. Khách - Tiên đồng cầm chén
ngọc lộ quỳnh tương, mới đầu còn cung kính mà giây lát đã ngạo mạn khó bì, ngất
ngưởng bước tới bên án thư của Ngọc Đế. Chủ của cả thiên cung điềm đạm vén tay áo,
rượu còn chưa đến môi thì đã bị tiên đồng hắt đổ. Thời gian như ngừng lại, chư
tiên hồ không tin vào mắt mình, ai nấy đều há hốc miệng nhìn y.
Chuyện gì đang xảy ra đây? – Khách thầm hỏi.
- Ngọc Đế, khi sáng tạo ra chữ viết, quả thực chúng ta đều
đã sai rồi! – Tiên đồng cười chua xót, giơ tay chỉ từng người đang ngồi phía trước.
– Chúng ta… đều đã sai rồi!
Sai ư? – Khách lại tự vấn mình, thầm khuyên. – Này tiên đồng
ơi, anh đang nói điều gì vậy?
- Sai rồi! – Tiên đồng không trả lời Khách, nhấc nghiên mực
thánh trên án thư của Nam Tào xuống, nghiên mực chu du qua mấy tầng trời, tưới
rải cho vạn sông ngàn núi.
Ngọc Đế vừa thẹn vừa giận, nộ khí bừng bừng, miệng ngọc
thét lệnh, đày tiên đồng xuống hạ giới làm nô lệ của lũ ký tự quỷ ma. Khách thấy
hai tai ù đi, trước mắt tối sầm, toàn thân chao đảo, văng vẳng trên đầu là tiếng
cười hào sảng của Như Lai. Nhân quả.
Khách bừng tỉnh, người nhễ nhại mồ hôi, ngoài kia, trời đã
quang tỏ, không khí đẫm sương nhờ nhờ hòa
lẫn với hương trầm trà thanh khiến khách sung sướng tột cùng. Thảy đều là ác mộng
mà thôi, Linh Sơn vẫn ở ngay đây. Khách xuống khỏi chõng tre, xỏ giày cỏ một cách
hào hứng, tiết trời se se mà khách lại cảm thấy trong người nóng bừng, xúc động
khôn tả. Trăm nghìn năm rồi, đã trăm nghìn năm rồi. Khách phải thăm thú khắp thánh
địa phật môn cho thỏa!
Khách chầm chậm dạo bước.
Gió thoảng hương lá sen tàn, ruổi trên mặt hồ gợn sóng lăn
tăn, cành sen gãy gập nhúng bùn, thoáng chốc vấy bẩn. Bốn mùa luân chuyển, sen
nở rồi tàn, chỉ trông cánh thắm, nhụy vàng, hương ngát mà chẳng hay bùn đang ở
dưới thân. Liệu hoa có còn dám nở nếu biết gốc ngọn đã từng hoen ố? Dòng suy tưởng
rót sâu vào cõi lòng làm tái hiện cảnh cũ chốn thiên tiên. Đánh đổ nghiên mực
thánh, hòa vào dòng đời văn tạo nghiệt kiếp không thể siêu sinh. Có sự trừng phạt
nào lớn hơn? Khách hít sâu một hơi, cố đè nén cơn uất nghẹn. Trong mùi của nắng
nhạt chợt nghe tiếng thở dài vọng về từ cõi u minh, như có như không. Bấy giờ
khách mới khôi phục sự minh mẫn, kịp phát hiện chân đã đưa lối tới am nhỏ thờ
người con gái cố chấp năm nao.
Tường rêu bong tróc, sân gạch loang lổ phủ rêu hằn dấu của
thời xuân đã qua là không bao giờ trở lại, thảo mộc thâm u lạnh lẽo, cổ am
hoang lạnh trầm ngâm chẳng nói một lời, quyết không đối thoại với hậu thế hòng
giải tỏa tù ngục trong lòng suốt mấy ngàn năm. Qua cánh cửa khép hờ, khách lờ mờ
nhìn thấy ánh ngọc xanh lóe lên buốt giá. Dường bị mê hoặc, khách bất giác đặt
gót tiến lên, đẩy tấm gỗ mỏng đã bị mối mọt ăn ruỗng, mang lại hơi thở sinh mệnh
sau trăm năm chết lặng của nơi này.
Khối người ngọc đặt trên án thờ, không chút tì vết, đôi
tay chắp lại đặt lên ngực đầy an yên. Làn gió se buốt thì thầm bên tai làm khách
rùng mình, nghe gáy rờn rợn rung lên một niềm hãi sợ. Không hay làn khói bắt
nguồn từ đâu, nhào ra trên xác ngọc, chợt thấy bóng ai thấp thoáng đứng ngay án
thờ. Có mùi máu tanh vảng vất, bóng người kia tan biến, cũng đột ngột như khi
xuất hiện. Từ hốc mắt của xác ngọc, những giọt nước ấm đỏ chầm chậm rỏ xuống,
nhuốm đỏ cả khối ngọc lam.
Hai chân nhũn ra, khách ngồi thụp xuống, tê dại. Máu, nhiều
máu quá! Khách cố gắng vươn tay hòng lau đi giọt hồng đang lăn tròn trên gò má
xác ngọc nhưng lại chẳng thể cử động nổi, ngực chua xót, cứ thế ngồi vậy mà khóc rưng rức, không dám
nhìn vào ngón ngọc, chỉn e nàng sẽ hồi sinh.
- Sao thí chủ lại khóc? – Sư thầy đi ngang qua am nhỏ,
nghe tiếng động liền bước vào xem, trông thấy khách bi thương chợt mỉm cười ôn
tồn hỏi.
Khách ngẩng đầu lên, trông thấy ngài, nước mắt lại giàn
giụa:
- Thưa thầy, con từng nghe rằng: Bao giờ đá nhỏ huyết lệ
thì loài người tuyệt diệt. Nhân loại đáng hận mà cũng đáng thương lắm, liệu họ
có hay rồi một mai tinh cầu sẽ trở về với cát bụi. Không còn gì nữa. Lòng nhân ái,
tình yêu thương, sự hận thù, các nền văn minh, chữ viết… Tất cả… Biến mất!
Khách nghẹn ngào. Sư thầy đăm đắm nhìn khối ngọc lam nay đã
hóa thành huyết ngọc, chậm rãi nói:
- Con ơi, huyết lệ đã đổ xuống vô số
trên thế gian này. Những anh hùng, những con người vô danh, những kẻ hô mưa gọi
gió trên vũ đài lịch sử và ngay cả Tạo hóa cũng đã từng như vậy, huống hồ chi là
khối người ngọc có linh tính, có nghĩa tình. Nhân gian chưa từng độ lượng. Gió
mây vạn tượng, bãi bể nương dâu, đâu có gì là trường tồn mãi mãi.
- Nhưng con không cam tâm thưa thầy.
Vị sư già đưa tay vỗ nhẹ đầu khách, tay lần tràng hạt, bình
thản cười bảo:
- Sự đau khổ của loài người chẳng phải
cũng bắt nguồn từ sự không cam tâm đấy sao.
***
Mây vẩn tầng không, ai đang đứng đợi
ven sông? Ở nơi ấy, ai là ai? Ai chống thiền trượng đi khắp nơi, ai bảo mình muốn
tìm cõi luân hồi? Đò cập bến, lão lái đò
kính cẩn thưa:
- Sư thầy, người muốn đi đâu?
Thiền sư bước lên đò, từ tốn ngồi xuống, bảo:
- Ta muốn sang sông.
Lão lái đò cười khà khà, chống chèo nhấc con đò rời khỏi
Linh Sơn.
- Bẩm, bên kia sông thì mờ khói mịt sương…
Chú thích:
(*) Nguyên văn:
“Bồ đề nào phải cây, gương sáng đâu là đài, nếu không là gì cả, sao vướng bụi
trần ai?” của Lục Tổ Huệ Năng.
(**) Hai câu
thơ trong bài “Thị tịch” của Tĩnh Giới Thiền sư. Bản dịch của Ngô Tất Tố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI