Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

YANG SÔNG SÊRÊPÔK truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 284 THÁNG 4 NĂM 2016





Buôn Ale không biết có từ bao đời nay, được xây dựng bên bờ sông Sêrêpôk; một đoạn sông nước chảy êm ả, mùa mưa sông rộng đến hơn trăm sải tay, mùa khô khi cạn nhất cũng phải rộng tới năm chục sải tay người lớn. Dọc theo bờ sông phía đông, nhà cửa san sát, hàng quán buôn bán tấp nập; phía đối diện bên kia sông về hướng mặt trời lặn, rừng già bạt ngàn chạy dài qua tận xứ Triệu Voi, Cam Bot. Nghe người già kể lại, thành lập và cai quản buôn Ale là dòng họ tù trưởng Buôn Ya, lưu truyền từ đời này qua đời khác, ngày một thịnh trị. Con gái tù trưởng chỉ lo việc học chữ, thêu thùa, dệt vải; con trai học võ, tập săn bắn, bắt voi, thuần dưỡng chúng thành vật hữu ích. Cách đây gần một trăm năm về trước, người nối dõi làm tù trưởng là chồng mí(1) Pek. Mí Pek sinh hạ được ba người con gái xinh đẹp như hoa pơ lang đang độ chớm nở; cô chị được đặt tên H’Pek, không những xinh đẹp mà còn khéo tay, hay chữ; tiếng Tây, tiếng ta đều nói và viết lưu loát nên nhiều người say lắm. Năm H’Pek vừa tuổi trăng tròn, có Hoàng thân bên nước Ai Lao cùng đoàn tùy tùng cưỡi bảy con voi, mười hai con ngựa qua chơi; thấy H Pek khuôn mặt nàng ngắm mãi không biết chán, mái tóc nàng nhìn mãi không biết nhàm, đôi mắt lấp lánh như muốn uống hồn người ta; ưng bụng lắm nên muốn hỏi làm vợ cho con trai. Hoàng thân ngỏ lời, tù trưởng chấp thuận, hai gia đình đính ước, dự tính năm sau tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ. Chuyện bắt chồng chọn rể là chuyện của bậc amí ama(2), con cái cứ vậy tuân theo, nào ai nghĩ phải yêu thương gì đâu cho phiền phức; bao đời nay vẫn vậy.
Nhưng người tính không bằng trời tính, năm ấy, tháng ấy gần đến ngày hẹn ước làm lễ cưới chồng cho H’Pek thì rừng bỗng nhiên bị động. Ngày hôm trước nhà tù trưởng mất một con bò mẹ, ngày hôm sau lại mất thêm con bò đực to nữa; người đi rừng nhặt được cái đầu bò con thú ăn bỏ lại mang về báo tù trưởng. Ma H’Pek giận lắm, huy động chín con voi, hai chục con ngựa của nhà cùng một trăm hai mươi đày tớ vào rừng bắt ác thú. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày vẫn không thấy đâu, mọi người đoán già đoán non: chắc nó sợ nên bỏ đi rồi. Chiều ngày thứ tư, khi ông mặt trời vừa mới nằm lên ngọn cây cổ thụ chưa kịp chui xuống rừng già đi ngủ, ba chị em con nhà tù trưởng rủ nhau ra sông tắm. Mọi lần cả ba thường tắm bên bến sông gần nhà, nơi đôi bờ có bãi cát trắng mịn màng được dòng sông hàng ngày mơn man, vuốt ve, bồi đắp; hôm nay họ lại rủ nhau xuống cuối buôn, nơi có dòng nước chảy xiết, bờ sông bên phía rừng già lô nhô những tảng đá đen sì tương phản với phía bờ bên này cát trắng mịn màng như da con gái người Kinh để tắm. Ba chị em mải nô đùa, ngụp lặn, H’Pek trổ tài dần dần bơi đứng ra giữa sông quay mặt lại trêu đùa hai em.
Bỗng, một tiếng gầm khủng khiếp của ác thú dội vào rừng, bay qua các nóc nhà làm trâu bò cong đuôi bỏ chạy; chó cụp đuôi ngã dúi vào cột nhà; chim chóc trong rừng nháo nhác rời tổ bay kín bầu trời. Con hổ to như con trâu mộng tung mình ra khỏi mỏm đá, lao xuống sông làm nước bắn tung tóe, trợn đôi mắt tròn xoe, đỏ lòm nhằm H’Pek chồm tới. H’Pek cuống cuồng lao về phía bờ, nơi hai người em ôm nhau đứng chết lặng trên mặt nước. Con hổ bơi nhanh, nó lao lên khỏi mặt nước giơ những chiếc vuốt nhọn hoắt cào sượt qua lưng; H’Pek vội vàng lặn xuống. Con hổ quay vòng đảo mắt tìm mồi, khi thấy H’Pek vừa nổi lên phía ngược dòng, nó  vươn mình bám theo, giơ bộ móng vuốt khủng khiếp chộp được mái tóc dài như mây của H’Pek kéo cô bật ngửa trở lại, lôi sang phía bờ bên kia.
Trên bờ, nhiều người chạy ra, đứng há hốc mồm nhìn hổ đuổi người, bắt người không ai dám ho he, có người yếu bóng vía ngã quay ra đất như bị trúng gió; không ít cánh đàn ông tè cả ra khố. Trong lúc nguy cấp ấy, bất ngờ có chàng chăn bò nhà tù trưởng ở đâu phi ngựa chạy lại, gầm lên như sấm, lao xuống dòng sông thúc ngựa bơi đuổi theo con hổ; khi cách khoảng ba chục mét, chàng rướn người quăng dây vào cổ con ác thú, giật mạnh. Sợi dây siết chặt cổ, con hổ chồm lên mặt nước làm chàng trai văng khỏi lưng ngựa, chìm luôn xuống dòng sông. Con ngựa, không còn chủ, cuống quýt bơi ngược trở lại, bị nước đẩy xuôi xuống phía dưới một quãng xa mới dạt vào bờ. Con hổ một chân nắm tóc H’Pek, một chân bơi dù cổ mang sợi dây kéo theo người chăn bò như người ta kéo cây chuối qua sông về phía rừng già. Chàng chăn bò cố ghì sợi dây nhưng hình như đuối sức nên chìm nghỉm xuống mặt sông không để lại dấu vết.
Đám người trên bờ bật lên nhiều tiếng khóc nức nở tiếc thương chàng chăn bò dũng cảm, nhưng không biết lượng sức mình và xót xa cho cô gái xinh đẹp của nhà tù trưởng bị Yang Sin(3) bắt giữa lúc tuổi đời xinh đẹp nhất. Họ chỉ biết nhìn và than khóc, cánh đàn bà nhiều nước mắt, lắm lời gào thét; cánh đàn ông thụt lưỡi, mất hồn đứng đực ra như cây bị Yang(4) đánh, tay chân rơi đâu mất cả. Con hổ bơi vào gần đến bờ, nhưng hình như bị vướng sợi dây không bơi tiếp được nữa, nó giãy dụa bơi quay vòng như con chó bị xích. Bỗng mặt nước bị xé toang, chàng chăn bò nhô đầu lên khỏi mặt sông ngay sát mình con hổ, phù nước trong miệng ra rồi lại biến mất khỏi mặt nước. Dòng sông Sêrêpôk đang màu xanh sẫm của buổi hoàng hôn mùa khô, bất chợt chuyển qua màu hồng, rồi màu đỏ, loang thành một vệt rộng dần kéo dài xuôi theo dòng nước. Ai đó bất chợt gào lên:
- Máu, sông chảy máu rồi kìa!
Trong khi ấy, chàng chăn bò thấy con hổ khỏe quá, không thể kéo lại được liền nghĩ cách lặn xuống cột dây vào tảng đá dưới lòng sông, xích nó lại. Chàng ngoi lên hít thở không khí lần nữa rồi lại lặn xuống nắm đuôi, thọc chiếc dao nhọn vào bụng con hổ rạch một đoạn dài. Con hổ đau đớn, lồng lộn, nước sông quanh mình nó chuyển dần qua màu đỏ. Con thú càng giãy mạnh, nước càng đỏ nhiều hơn, từ trong dòng sông máu ấy đầu chàng trai chăn bò lại từ từ nhô lên, một tay nắm tóc cô gái, một tay cầm con dao nhỏ cắm vào bàn chân trước của ác thú giật ra từng chiếc móng, từng miếng thịt, mặc cho nó gầm thét, giãy dụa… nước sông đỏ lòm, một mùi tanh nồng nặc bay lên làm nhiều người trên trên bờ ôm ngực nôn thốc, nôn tháo. Con thú hết vuốt, đành buông mái tóc dài để chàng chăn bò kéo H’Pek lên lưng bơi vào bờ.
Thấy con được cứu, Ami H’Pek lao xuống bờ sông, té úp mặt xuống lại lồm cồm đứng dậy quên luôn chiếc yeng(5) bỏ người nằm một mình trên cát; lao xuống mép nước ôm lấy H’Pek, miệng gào thét như điên dại. Người trong buôn bấy giờ đổ ra đông lắm, nhiều người lắm, đám tùy nữ vội vã chạy xuống, xúm lại cõng cả bốn mẹ con bà tù trưởng không một mảnh vải trên thân về nhà.
 Ông Tù trưởng sau gần bốn ngày săn lùng ác thú không đạt kết quả, vừa cỡi voi về đến buôn chứng kiến người ta đưa vợ con về, ông gầm lên như bị thương, quát tháo đầy tớ đốt đuốc quay ra sông tìm ác thú trả thù. Con voi tréo ngà chở Tù trưởng lao sầm sập ra sông, bơi lại chỗ ác thú thì thấy nó chết từ lúc nảo lúc nào rồi, ruột gan bị lôi ra lòng thòng, dập dình trên mặt nước; một bầy cá con đông đúc đang xúm lại mở tiệc. Tù trưởng ra lệnh cho thuộc hạ lặn xuống sông cởi dây, kéo xác con hổ về buôn. Ánh đuốc sáng rực cả khúc sông; tiếng nói, tiếng cười như ngày buôn mở hội săn được nhiều voi. Trong lúc ấy, cách một đoạn không xa, chàng chăn bò nhà tù trưởng nằm gác đầu lên bờ cát, nửa tỉnh nửa mê, mặc cho dòng sông vỗ sóng mơn man lên làn da tái nhợt; hình như mọi thứ đều nhăn nhúm cả lại vì chiếc khố của chàng đã bị dòng sông lấy mất.
Hôm sau, nhà tù trưởng mở hội mừng tai qua nạn khỏi, mừng diệt được ác thú, một con hổ chưa bao giờ người ta thấy to như thế bị bắt. Buôn trên, buôn dưới, buôn xa, buôn gần đều được mời đến cả; thịt năm con trâu, mười con bò, hai chục con heo béo để mọi người cùng vui chẵn một tuần. Tù trưởng không quên công lao người chăn bò dũng cảm, mưu trí giết mãnh thú, cứu con gái mình nên thưởng cho chức Quản tượng (6); với chức vụ mới này hàng năm được phát hai cái khố, mười hai đồng bạc trắng. Ngày vui thứ tư, Hoàng thân đưa con trai cùng đoàn tùy tùng đến dự và tính chuyện làm đám cưới như hẹn ước. Chàng hoàng tử của nước Ai Lao mới mười chín tuổi: to cao, vạm vỡ, cánh tay rắn chắc như lõi cây trắc; vầng trán cao, mày rậm, đôi mắt sáng như sao làm người lạ lần đầu giáp mặt đã cảm thấy kính trọng. Tin H’Pek bị hổ rừng già vượt sông bắt nhưng không ăn thịt nổi, lan truyền nhanh như cơn gió lốc; mọi người tin rằng nàng đã được Yang phù hộ, người của Yang nên Hoàng tử càng say đắm hơn, mong sớm được kết hôn nên vợ nên chồng.
***
Sau ba ngày nằm liệt, đến sáng ngày thứ tư H’Pek mới gượng ngồi dậy húp chén cháo hầm thịt chim công nấu với nấm rừng, câu đầu tiên cô hỏi amí:
- Người cứu con đâu?
- Ama đã trả công, cho nó làm Quản tượng rồi.
- Con muốn gặp người ấy.
- Để amí cho người gọi về.
H’Pek nằm xuống, nhắm mắt lại hình ảnh con quái vật có hình thù quái dị, mùi thối nồng nặc, quơ được mái tóc kéo lê nàng trên mặt sông, cái chết đã cận kề; một cái chết đau đớn khi phải làm mồi cho thú dữ. Nàng rùng mình mồ hôi lại vã ra như tắm; hình như lúc ấy nàng đã chết, một phần vì quá sợ, một phần ngạt thở do uống quá nhiều nước sông; nhưng tiếng thét như tiếng gầm của chàng trai đã lôi nàng trở lại, nàng cố vùng vẫy để thoát ra khỏi móng vuốt của ác thú để thở, nhưng lại bị nhấn chìm… Lúc tuyệt vọng nhất chấp nhận buông xuôi cho số phận, bỗng mùi máu tanh nồng xộc vào mũi làm nàng tỉnh lại, thấy có làn da người lạ áp vào da mình âm ấm, mở mắt thấy chàng đang xẻo từng miếng thịt từ bàn chân trước của ác thú để gỡ tóc cho mình, rồi cõng mình vượt sông; ta gặp người ấy lần nào chưa nhỉ? Sao người ấy dũng cảm đến thế?
Chiều, người hầu nữ vào thông báo:
- Quản tượng mới đã về theo ý của chủ nhân đang đứng đợi nơi chân cầu thang ạ.
- Cho anh ta lên đây.
Người hầu đi ra, một chút quay lại nói:
- Người ta không dám lên đâu ạ!
- Ta cho phép mà.
- Người ta chỉ có chiếc khố bị rách lại ngắn, xấu hổ không dám lên sàn. Người hầu nữ tủm tỉm cười, giải thích.
- Sao lại thế được, hàng năm ama không phát đồ cho họ à?
- Theo quy định, người chăn bò mỗi năm chỉ được phát một cái khố, ngày hai bữa cơm no; nhưng cái khố mới phát đã bị dòng sông lấy mất hôm đánh nhau với hổ rồi ạ.
H’Pek thấy nghẹn nơi cổ họng, nước mắt trào ra; nàng cởi luôn chiếc vòng bạc trên tay phải giao cho tùy nữ mang đi đổi cho người quản tượng chiếc khố mới và hẹn chút nữa nàng sẽ đến nhà thăm chàng.
Ngôi nhà hai gian, lợp cỏ gianh, xung quanh thưng tre đập bẹp, cầu thang làm bằng một thân cây nhỏ được đục đẽo đẹp mắt đứng biệt lập phía cuối buôn, nép mình bên mấy cây xoài, cây me, nhìn giống một nhà kho đựng lúa. Cô tùy nữ đi cùng nói nhỏ:
- Thưa cô chủ, đây là nhà Quản tượng sống với mẹ. Mẹ anh ta bán hàng ngoài bến nước, đến tối mới về.
- Nhà anh ta đây sao?
H’Pek bước lên cầu thang, đẩy tấm liếp che cửa được đan bằng tre bước vào bên trong, giữa gian chính có chiếc bếp đã tắt lửa từ lâu, đám tro được vun vào bên trong, trông gọn gàng. Trong nhà chẳng có gì đáng giá, nhưng sắp xếp đẹp mắt, chứng tỏ chủ nhân là người cẩn thận. Xung quanh bếp có mấy khúc cây cưa vuông, dùng làm ghế ngồi lâu năm lên màu bóng loáng. H’Pek ngồi xuống một khúc gỗ, quay mặt nhìn ra cầu thang vừa lúc cô tùy nữ đứng dưới đất nói vọng lên:
- Thưa cô chủ, Quản tượng về rồi ạ.
- Ra mời chàng lên. H’Pek quay qua nói với người hầu đang đứng bên cạnh, cô hầu hiểu ý bước ra đầu nhà, xuống cầu thang mời Y Dek lên nhà.
Chàng Quản tượng leo lên cầu thang vào nhà mình mà như bị phạt, đầu cúi xuống nhìn chân, không dám ngẩng lên. H’Pek đứng bật dậy chăm chú quan sát ân nhân; khuôn mặt hình như vuông chữ điền, lông mày rậm và to như có con sâu róm dính vào, bước nhẹ nhàng như con mèo. H’Pek thầm nhận xét: mình đã cao hơn tất cả bọn con gái xứ này mà vẫn không bằng chàng trai có bắp tay nổi cuồn cuộn như dây chão săn voi này.
- Ta đến để cảm ơn chàng đã cứu mạng.
- Đó là việc mà ai gặp cũng phải làm, có gì đâu mà dám gọi là công ạ.
- Chàng ngồi xuống đi.
- Dạ, theo quy định tôi không được ngồi với cô chủ đâu ạ.
- Vậy, ta nói chàng có nghe không?
- Dạ!
- Chàng ngồi xuống… nhìn ta đi.
H’Pek bê khúc cây vuông mà gia chủ chắc để làm ghế ngồi, đặt xuống cạnh chân Y Dek rồi ngồi xuống khúc cây đối diện. Y Dek từ từ ngồi xuống, từ từ nhìn lên, bốn mắt chạm nhau, chàng rùng mình thầm kêu lên: ánh mắt sao dịu dàng, ấm áp thế! Ôi, đôi mắt mới sáng làm sao - H’Pek thầm reo, trái tim trong ngực đập loạn xạ; từ hôm thoát chết trở về cô đã thề với lòng, dù chàng trai xấu đến cỡ nào cũng quyết bắt làm chồng để tạ ơn. Nhờ Yang chàng lại là một một chàng trai khôi ngô đến ngoài cả mong ước; đẹp hơn hẳn so với con trai Hoàng thân chứ bọn trai tráng trong vùng ai nào sánh kịp. Bốn mắt nhìn nhau như chưa bao giờ được nhìn, trong đáy mắt có những đốm lửa nhỏ long lanh bùng cháy; chàng chăn bò, thân phận gần như nô lệ trong nhà tù trưởng, kẻ để sai vặt và bị mọi người hành hạ cũng si tình như bao chàng trai mới lớn khác. Con gái tù trưởng xinh như con công giữa bầy gà, ai mà chẳng thích. Nhưng có thích đến đâu cũng chỉ dám đứng thật xa để nhìn trộm như kẻ ăn xin nhìn con gà cúng của gia chủ, dù có mọc thêm nhiều đầu cũng không dám đụng đến. Hôm hổ bắt cô chủ, cũng đúng lúc buổi chiều Y Dek đi ngang qua, thấy các cô chủ tắm, trên người chỉ mặc mỗi chiếc yêng, cùng nhau lội ra sông; nước dâng đến đâu họ vén yên lên đến đấy cho đến lúc nước ngập ngang ngực thì chiếc yên thành tấm khăn quấn lên đầu. Núp trên bờ nhìn trộm, đôi mắt Y Dek không chịu ngó đi đâu, cứ chăm chăm nhìn khuôn mặt, mái tóc, làn môi lúc ẩn, lúc hiện trên mặt nước của H’Pek không dứt ra được. Khi tiếng hổ gầm lên, con ngựa giật mình tung chân trước đá lên ngọn cây làm Y Dek suýt rơi xuống đất; chàng còn kịp ôm lấy cổ ngựa, ghì cương mà ngựa vẫn còn run. Thú thật, khi thấy con hổ to khủng khiếp như thế nhảy xuống sông làm nước bắn lên tận ngọn cây cổ thụ, Y Dek đã suýt thúc ngựa bỏ chạy; nhưng rồi thấy con hổ đuổi theo túm được tóc cô chủ thì một luồng sức mạnh ở đâu như Yang ban cho, làm chàng quên hết mọi sợ hãi, chỉ mong làm cách nào nhanh nhất để cứu người. Hàng ngày cùng bảy tên đầy tớ đi chăn bầy bò đông hơn ngàn con, Y Dek luôn mang theo mình cuộn dây chão to để tập luyện săn voi. Nghề săn bắt voi không chỉ cần khỏe mạnh, dũng cảm mà còn phải khéo léo sử dụng cuộn dây chão, khi đã tung dây lên phải trói được chân con voi rừng, cuộc săn mới thành công. Mong ước một ngày nào đó được tù trưởng cho đi săn voi, thoát khỏi kiếp chăn bò tủi nhục là khát vọng cháy bỏng trong trái tim Y Dek; vì vậy cuộn dây chão trở thành vật bất ly thân của Y Dek nên khi bất ngờ gặp hổ chàng đã ra tay nhanh, chính xác. Giờ ngồi bên cô chủ, lưỡi Y Dek để rơi đâu mất, nhưng con mắt thì như cục than hồng gặp gió. H’Pek bất ngờ quỳ xuống bên cạnh Y Dek, nắm lấy bàn tay trái thô ráp, chai sạn của người đầy tớ luồn chiếc vòng bạc vào. Y Dek hốt hoảng không kịp phản ứng, kêu lên:
- Cô chủ, không được đâu!
- Vòng đã trao, cổ tay chàng đã nhận, từ giờ phút này chàng là chồng chưa cưới của em.
- Lạy cô chủ, tha cho tôi; việc này tôi không thể tuân theo được, Tù trưởng sẽ giết tôi mất.
- Nếu có chết, cả hai ta cùng chết; chàng có đồng ý với em không?
H’Pek hai tay nắm chặt hai tay Y Dek, bốn mắt như dính vào nhau, không ai nói gì nữa. Ngoài đầu sàn, cô tỳ nữ nói vọng vào:
- Tù trưởng cho gọi cô chủ.
- Chàng hãy đợi em về xin với amí ama, chọn ngày lành tháng tốt qua làm lễ ăn hỏi.
Hai người bịn rịn cùng nắm tay nhau đứng lên, khó khăn lắm mới buông được tay, cô chủ quay mình đi xuống cầu thang.
***
Nhà tù trưởng ama H’Pek dài như một tiếng chiêng ngân, các cột đều làm bằng lõi gỗ trắc, to một vòng ôm người lớn; sàn nhà lát gỗ hương, mỗi tấm chiều ngang một sải, chiều dài bảy sải; xung quanh thưng ván cate; mái lợp bằng lõi gỗ gụ, xẻ mỏng. Trong phòng khách, ngay sát vách kê ghế kpan dài hết cả căn phòng. Giữa nhà cột mười ché túc, mười ché ba đã được cắm cần đang đợi làm lễ. Ngoài hiên nhà, đội chiêng tấu bài chào khách. Dưới sàn, một dãy ché rượu cột nối dài đến không nhìn hết, được đông đảo người dân trong vùng đến chung vui vít cần, ngả nghiêng.
H’Pek theo cầu thang sau lên nhà, vào phòng riêng nằm kéo chăn trùm kín đầu. Ami đến bên, cúi xuống vỗ nhẹ vào vai, gọi H’Pek:
- Ama bảo con dậy trang điểm chào khách.
Nàng từ từ ngồi dậy, kéo mẹ ngồi xuống bên cạnh gục đầu vào vai, bất ngờ nức nở. Mí H’Pek ngạc nhiên hỏi:
- Sao vậy con?
- Con xin amí thưa với ama cho con được từ hôn với Hoàng tử!
- Chuyện hôn nhân đã định như ván đóng thuyền rồi, làm sao có thể thay đổi được. Tại sao lại từ hôn?
- Con đã bị hổ bắt, như vậy là Yang không ưng cho con bắt chồng xa nên mới sai Yang Sin đến ngăn cản, trừng phạt con.
- Con đã chọn được người làm chồng?
- Người dũng cảm, mưu trí, một mình giết hổ lớn cứu con, đó là ý Yang muốn ban chàng cho con làm chồng.
- Yang ơi! Con của Tù trưởng cai quản cả vùng Cao nguyên này lại muốn bắt tên chăn bò, con của người đàn bà bên Ai Lao không chồng đến sống ngụ cư nơi đây làm chồng?
- Đó là ý Yang, xin amí lựa lời nói dùm với ama.
H’Pek nói xong, người như tàu khoai môn nhúng nước sôi; amí vội đỡ con gái nằm xuống, hai hàng nước mắt trào ra. Ừ con gái ta nói cũng phải, nó còn yếu thế này làm sao bắt chồng được; hơn nữa các Yang đã không đồng ý, nếu làm trái ý chắc chắn sẽ gây tai họa cho cả vùng. Là người phụ nữ từ nhỏ sống trong nhung lụa, ít giao tiếp với người ngoài; lớn lên bắt chồng theo ý của ama amí, mọi việc quan trọng chồng quyết, đâu có phải suy tính gì đâu; nay gặp chuyện khó xử thế này… bà thở dài, đứng dậy đi tìm chồng. 
Ama H’Pek tuổi hơn năm mươi, con một tù trưởng danh tiếng người Ai Lao. Từ nhỏ ông nổi tiếng về biệt tài săn bắt, thuần dưỡng voi nên được tù trưởng buôn Ale ưng bụng, chọn làm con rể và trao chức tù trưởng khi về theo Yang. Ông ít nói, nhưng là người quyết đoán, thẳng thắn với bạn bè; rất mực yêu thương vợ con. Trước đây người ta bảo mí H’Pek không biết đẻ vì hai người lấy nhau được chín mùa rẫy mà cái bụng vẫn như thời con gái; nhiều người cho thuốc, ăn uống kiêng cữ tròn chục năm mới sinh được cô con gái đầu, gia tộc mừng hơn bắt được voi trắng vì đã có người nối dõi. Hơn năm sau sinh thêm cô em, lại hai mùa rẫy nữa sinh thêm cô út, vậy là có tới ba con gái; ông cảm ơn Yang, cảm ơn bà đã cho ông được làm ama, được quyền chọn con rể mai mốt thay mình đảm đương chức vụ cai quản cả vùng Cao nguyên. Thương vợ là vậy, yêu vợ là vậy, nhưng khi nghe vợ bàn chuyện từ hôn; ông đỏ mặt, tía tai, mắt trợn ngược làm bà hồn vía lên mây. Ông giận quá, lấy tay đấm vào cột nhà như định bẻ cho gãy, giọng rít lên:
- Như vậy còn ra thể thống gì nữa hở Yang?
- Con nó bệnh nặng lắm, người như mất hồn, chính nó bảo với tôi là Yang không đồng ý cho cuộc hôn nhân này nên mới sai Yang Sin đến để trừng phạt. Chẳng lẽ bây giờ ta lại phạm lỗi với Yang, để các Yang nổi giận thì tai họa không lường hết.
Ông Tù trưởng ngồi phịch xuống sàn nhà, vợ đã nói thế làm sao đây? Từ hôn với Hoàng thân thì hậu quả cũng có thể thấy được: tai họa sẽ ụp xuống cho cả vùng đất nơi biên cương, phên dậu Quốc gia mà gia tộc được ủy thác gìn giữ; chiến tranh bùng nổ giữa hai nước, bao nhiêu sinh linh vô tội sẽ phải chết, bao gia đình lầm than ly tán; bao nhiêu người mẹ mất con, vợ mất chồng. Làm sao đây? Thôi đành, tù trưởng tặc lưỡi, từ từ đứng dậy, bước những bước nặng nề đến phòng con gái, bà vợ tù trưởng lật đật đi theo. Đến cửa phòng con, Tù trưởng dừng lại để vợ vào gọi con ra. Nhìn thấy con gái bơ phờ phải tựa vào amí ông lại không nỡ lên tiếng. Hiểu được tâm trạng ama, H’Pek nói:
-Con biết đã làm khó cho am amí, nhưng con vừa bị tai nạn chuyện hôn lễ xin thong thả hãy tính; việc từ hôn con sẽ có cách cư xử chu toàn.
Tù trưởng thở dài, tự nhủ: đành phải phó thác mọi chuyện cho Yang định đoạt.
***
Hoàng tử được người nhà tù trưởng đưa ra bờ sông Sêrêpôk gặp H’Pek, lòng vui khôn tả. Bên dòng sông thơ mộng, nước đang vội vã chảy ngược về hướng tây; bóng người đẹp trong bộ thổ cầm truyền thống của người Êđê lộng lẫy trên bãi cát trắng được nắng chiều ban cho các tia sáng nhìn xa như ánh hào quang tự phát ra. H’Pek từ từ quay lại, cúi đầu chào Hoàng tử và hỏi:
- Hoàng tử thấy phong cảnh ở đây thế nào?
- Đẹp và thơ mộng quá.
- Đúng vậy, nhưng nơi đây cũng ẩn chứa những điều khủng khiếp nhất trong cuộc đời mà tôi từng gặp đấy ạ.
- H’Pek nói sao?
- Hoàng tử nhìn thấy hòn đá lớn bên gốc cây đa cổ thụ kia không? Từ phía sau hòn đá ấy, con hổ đã quăng mình bơi qua sông để bắt tôi ăn thịt.
- Thật ư!
- Tôi đã bơi nhanh nhất có thể, nhưng nó còn nhanh hơn nhiều lần. Khi nghe mùi hôi nồng nặc, biết nó đến gần, liền lặn xuống, nhưng khi vừa nhô đầu lên nó đã lao tới nắm lấy tóc tôi kéo đi. Miệng nó lớn lắm, cắn một cái, răng nanh sượt qua cổ rát bỏng; chắc vì tóc tôi dày quá chứ không thì... Lúc ấy nghĩ chắc mình sẽ chết nên thầm kêu lên: Yang ơi con vô tội, sao lại trừng phạt con thế này? Từ nhỏ đến lớn con không làm điều gì ác, không mang tội với bất kỳ ai vậy mà… Hoàng tử biết không, tự nhiên trong đầu một tia suy nghĩ khủng khiếp ập đến: lỗi tại chấp nhận lời cầu hôn của chàng nên Yang phạt. Tôi kêu lên: Không, lỗi ấy không do con mà do người lớn định đoạt. Con vô tội! Tiếng kêu vừa dứt, bỗng nhiên một thiếng thét còn to hơn tiếng hổ gầm lúc trước: A…a… vang lên, con hổ giật mình lắc đầu, nhả tóc tôi ra… rồi tôi được cứu. Mấy ngày vừa qua nằm không dậy được, hình ảnh Hoàng thân ama Hoàng tử và ama tôi cứ chập chờn trong đầu, lúc hiện lên nhân từ, lúc giận dữ, có lúc lại chập vào nhau ẩn vào một gốc cây bồ đề to lắm. Phải chăng Hoàng thân ama của Hoàng tử và ama tôi có chung dòng máu? Những người lớp trước có quan hệ gì đây mà bắt tôi gánh tội?
- Sao có chuyện vậy được?
- Tôi cũng thấy lạ là sao lúc thập tử nhất sinh, cái chết đến bên lại được Yang mách bảo như thế? Hay chúng ta là anh em? Tôi có một thỉnh cầu, mong Hoàng tử chấp thuận.
- Nàng nói đi, nếu trong quyền hạn ta làm được, nhất định sẽ đồng ý.
H’Pek quay lại, bất chợt giơ hai tay nắm lấy hai tay Hoàng tử, hai mắt nhìn thằng vào mắt hoàng tử.
- Hoàng tử là người độ lượng, nhân từ, không chê người con gái quê mùa ở vùng sơn cước xa xôi này; vậy xin hãy nhận em là em gái, được không?
- Sao?
Hoàng tử thảnh thốt bật ra lời nói mà gần như kêu lên, bất ngờ quá với những gì vừa nghe; đất dưới chân như sụp xuống sông.
- Cho em được nhận Hoàng tử làm anh trai, đúng như em đã hứa với Yang sông Sêrêpôk hôm bị hổ bắt. Từ nay, dù ở phương trời nào Hoàng tử cũng có một người em gái luôn dõi theo anh, cầu cho anh hạnh phúc và luôn mong được đón anh về nâng cần rượu.
Hoàng tử bối rối trước đề nghị bất ngờ của H’Pek, nhưng rồi cũng hiểu được điều quan trọng nhất: hình như ông nội ngày xưa của Hoàng tử và bà nội H’Pek có quan hệ…  Một bí mật khủng khiếp bị Yang tố cáo; nếu tin này lộ ra thì cả gia tộc sẽ thế nào?
- Tôi đồng ý!
H’Pek miệng tươi như hoa:
- Ta về báo cho Hoàng thân và amí ama em mừng. Nhà em không có con trai, từ giờ em có anh trai, amí ama em có con trai rồi, mừng quá. Em vui quá, muốn hét thật to cho Yang sông Srepôk, cho rừng già Jok Đôn cùng biết để chia vui: Tôi có Hoàng tử là anh trai!
Ông mặt trời như một quả cam chín treo lơ lửng trên ngọn cây đa bên kia sông, phát những tia nắng xuống mặt nước sông lóng lánh ánh vàng. Những tia nắng hình như cũng rực rỡ hơn lên khi soi lên mái tóc đen óng mượt tung bay theo gió chiều nhè nhẹ của cô gái đi trước chạm nhẹ vào mặt người con trai đang khoan thai bước theo sau. Họ tay nắm tay, và hình như có cả tiếng cười rộn rã vang lên phía trước.
    
Buôn Ma Thuột, mùa thu 2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI