Patrick
Waddington là một nhà báo người Anh của Ban Quốc tế đài CBC (Canada )
trong những năm 1940 và là một nhà văn tự do. Ông nổi tiếng trong giới văn chương
Canada và là chồng của nữ nhà
thơ, nhà văn viết truyện ngắn và dịch giả nổi tiếng người Canada của thế kỉ XX - Miriam
Waddington. Từ việc sống dưới cái bóng văn chương của vợ mình, ông đột nhiên trở
nên nổi tiếng nhờ vào truyện ngắn “Phố thất lạc” viết vào năm 1954.
PHỐ THẤT LẠC
Marc Girodin đã làm
việc cho bộ phận văn thư của Ban công nghệ Tòa thị chính lâu tới mức thành phố đã
trải ra trong đầu anh như một tấm bản đồ, đầy những cái tên và địa điểm, những
con phố giao nhau không dẫn tới đâu hết, những ngõ cụt và đường hẻm quanh co.
Trong toàn Montreal không một ai có được
sự am hiểu như thế; một tá cảnh sát và tài xế tắc-xi hợp lại với nhau cũng không
sánh được anh. Nói thế không có nghĩa là anh thực sự biết những con phố mà mình
có thể kể tên ra như một loạt những câu thần chú vì anh đâu có đi nhiều. Anh chỉ
đơn thuần biết là chúng có tồn tại, chúng ở đâu, và mối quan hệ giữa vị trí của
chúng mà thôi.
Nhưng thế cũng đủ
giúp anh trở thành chuyên gia. Anh hiểu rõ mấy cái tủ đựng tài liệu lưu trữ chứa
mọi chi tiết về mọi con đường từ Abbott tới Zotique ngược xuôi trong bảng chú dẫn.
Đám người quyền quý, kĩ sư, thanh tra đường ống dẫn nước chính và những người đại
loại như thế, tất cả đều đến chỗ anh khi muốn có gấp thông tin chi tiết nào đó.
Họ có thể coi thường một nhân viên văn thư cấp thấp như anh nhưng họ đều cần
anh.
Dù phòng làm việc của
Marc thiếu hẳn hứng thú làm việc nhưng anh vẫn thích nó hơn căn phòng của mình
trên phố Oven nhiều (con phố này chạy từ bắc xuống nam từ Đông Sherbrooke tới
St. Catherine), nơi hàng xóm của anh ồn ào và thỉnh thoảng bạo lực nữa, còn bà
chủ nhà của anh vẫn kiên định như vậy. Anh từng một lần cố giải thích ý nghĩa sự
hiện hữu của mình cho một người cùng thuê nhà tên Louis nghe nhưng không thành
công mấy. Louis có khuynh hướng nhạo báng khi anh ta hiểu được đại ý vấn đề.
“Vậy là phố Craig nối
đuôi Bleury còn Bleury dẫn tới công viên, ai quan tâm chứ? Sao lại phấn khích vậy?”
“Tôi sẽ chỉ anh”
Marc nói. “Nói tôi xem, đầu tiên, anh ở đâu?”
“Anh điên à? Ở đây
phố Oven chứ còn đâu nữa?”
“Làm sao anh biết?”
“Làm sao tôi biết à?
Tôi đang ở đây không phải sao? Tôi trả tiền thuê nhà không phải sao? Tôi nhận
thư ở đây không phải sao?”
Marc kiên nhẫn lắc đầu.
“Không cái nào là bằng
chứng hết” anh nói. “Anh sống ở đây trên phố Oven vì trong tủ tài liệu của tôi ở
tòa thị chính nói thế. Bưu điện gửi thư cho anh vì bảng chú dẫn của tôi bắt họ
làm vậy. Nếu bảng chú dẫn của tôi không nói thế thì anh sẽ không tồn tại và phố
Oven cũng không. Bạn ạ, đó là thành tựu của bộ máy quan liêu đấy.”
Louis chán ghét bỏ đi.
“Cố mà nói chuyện đó với bà chủ đi” anh ta lầm bầm.
Thế là Marc tiếp tục
sự nghiệp tầm thường của mình, sinh nhật thứ 40 của anh đến rồi đi không có gì đáng
chú ý, ngày nối ngày trôi qua trong yên bình. Một con phố được đặt tên lại, một
cái khác xây lên, cái thứ ba được mở rộng; tất cả đều cẩn thận đi vào hồ sơ lưu
trữ.
Và rồi có chuyện xảy
ra khiến anh vô cùng ngạc nhiên, choáng váng và làm cho thế giới những cái tủ đựng
hồ sơ run rẩy đến tận mấy cái chân bằng thép của chúng
Một buổi chiều tháng
tám, lúc mở một ngăn kéo ra hết cỡ anh cảm thấy có gì đó vương vướng. Xem xét sâu
hơn vào trong, anh tìm ra một bảng chú dẫn kẹt ở đằng sau giữa ngăn trên và ngăn
dưới. Anh rút nó ra và thấy rằng đó là một bảng chú dẫn cũ bẩn và bị rách nhưng
vẫn đọc được rõ ràng. Nó được gán tên RUE DE LA BOUTEILLE VERTE hay còn gọi là đường
CHAI XANH.
Marc nhìn nó chằm
chằm kinh ngạc. Anh chưa bao giờ nghe tới địa điểm hay thứ gì có cái tên kì cục
tương tự như vậy hết. Chắc chắn nó đã được đổi tên theo kiểu khác để phù hợp với
xu hướng hiện đại. Anh kiểm tra những chi tiết trong ghi chép và tự tin xáo mớ
hồ sơ tên đường gốc lên. Nó không có ở đó. Anh tìm thêm một lần nữa, cẩn thận và
lâu hơn, qua mấy cái tủ. Không có gì hết. Hoàn toàn không có gì.
Một lần nữa anh kiểm
tra bảng chú dẫn. Không có sai sót nào hết. Ngày cuối cùng kiểm tra con phố
theo thường lệ chính xác là cách đây 15 năm, 5 tháng và 4 ngày.
Sự thật khủng khiếp
bất thình lình xuất hiện trong Marc khiến anh thả rơi mảnh giấy trong kinh hoàng,
sau đó anh lại sợ hãi vồ lấy nó.
Đó là một con đường
bị thất lạc, bị quên lãng. Hơn 15 năm rồi nó tồn tại trong lòng Montreal , cách Tòa thị chính
không tới một dặm mà không ai hay biết. Nó chỉ khuất khỏi tầm mắt như một hòn đá
trong nước.
Trong tim mình, đôi
khi Marc đã mơ về một khả năng như thế. Có quá nhiều nơi ít người biết đến, những
con hẻm và đường phố đan bện lẫn lộn vào nhau rắc rối như một mê cung Ai Cập.
Nhưng tất nhiên chuyện đó không thể xảy ra, không có chuyện đó với tài liệu rõ
ràng trong tay được. Chỉ có thể là đã từng xảy ra thôi. Và nó là thuốc nổ. Nó sẽ
thổi bay văn phòng lên tận mây xanh.
Marc ngờ ngợ nhớ lại
trong kinh ngạc, có lúc sau khi anh mới bắt đầu đi làm, bộ phận của anh được
chuyển tới tầng khác. Những hồ sơ kiểu cũ bị bỏ đi và tất cả các bản ghi chú được
làm mới. Chắc hẳn chính là lần đó mà đường Chai Xanh bị kẹt giữa ngăn trên và
ngăn dưới.
Anh bỏ mảnh giấy vào
túi và về nhà suy nghĩ. Tối hôm đó anh ngủ lơ mơ và thấy những hình dáng kì quái
lướt qua trong mơ. Trong số đó có một bức chân dung khổng lồ sếp của anh nổi cơn
tam bành và bắt anh chui vào một cái tủ hồ sơ nóng đỏ.
Hôm sau anh quyết làm
một việc. Lấy lí do bị bệnh, anh nghỉ buổi chiều và háo hức đi tìm con phố.
Dù anh biết rõ vị
trí nhưng vẫn đi qua đó hai lần và phải trở lại đường cũ. Bối rối, anh nhắm mắt
lại tra cứu tấm bản đồ không thể sai sót của trí nhớ mình và đi thẳng tới lối vào.
Nó hẹp tới mức anh có thể dang tay chạm hai bức tường hai bên. Cách vỉa hè khoảng
một mét là một cấu trúc bằng gỗ cao và vững chắc đã hư hỏng nhiều vì mưa gió với
một cánh cửa cài then giản dị ở chính giữa. Anh mở nó ra bước vào trong. Đường
Chai Xanh nằm trước mắt anh.
Nó hoàn toàn có thật,
và cũng làm người ta yên lòng nữa. Cả hai bên vỉa hè rải sỏi đều có ba ngôi nhà
nhỏ, tất cả là sáu, mỗi cái đều có một khu vườn nhỏ xíu trước mặt nhà, cách
nhau bởi hàng cọc rào sắt kiểu đã biến mất ngoại trừ ở những miền cổ xưa nhất.
Các ngôi nhà nhìn cực kì gọn gàng, được giữ gìn kĩ lưỡng và mớ sỏi xem ra gần đây
mới được tưới nước và quét tước. Những bức tường gạch không có cửa sổ của mấy cái
kho chứa đồ xưa cũ bao quanh sáu ngôi nhà và hợp lại ở cuối con phố.
Mới thoáng nhìn,
Marc đã nhận ra làm sao nó lại có được cái tên khác thường như vậy rồi. Trông nó
giống hệt hình dáng một cái chai.
Với mặt trời chiếu
sáng trên những tảng đá, những mảnh vườn, và bầu trời xanh trên đầu, con phố tạo
cho anh cảm giác tạm thời về sự sung túc và thanh bình. Nó thật quyến rũ, một cảnh
lấy từ một bức tranh cách đây 50 năm.
Một người phụ nữ mà
Marc đoán khoảng 60 tuổi đang tưới hoa hồng trong khu vườn của ngôi nhà đầu tiên
phía bên phải anh. Bà ấy nhìn anh bất động và nước trong chiếc bình chảy xuống đất
không ai để ý hết. Anh lấy mũ xuống và giới thiệu, “Tôi đến từ Ban công nghệ thành
phố thưa bà.”
Người phụ nữ tĩnh
trí lại và bỏ bình tưới xuống.
“Vậy là cuối cùng
anh cũng tìm ra” bà ấy nói.
Khi nghe những lời
này, niềm tin mới được tái sinh của Marc rằng cho rằng rốt cuộc thì anh đã gây
nên một sai lầm vô hại và kì cục một cách thiếu suy nghĩ.
“Hãy cho tôi biết đi”
anh nói yếu ớt.
Đó là một câu chuyện lạ lùng. Trong nhiều năm trời, bà ấy nói, người thuê
nhà ở đường Chai Xanh đã sống thân thiết bên nhau và với chủ nhà, người cũng sống
trong một trong những ngôi nhà nhỏ. Người chủ trở nên gắn bó với họ tới mức
trong một hành động đầy thiện chí, ông ấy đã nhượng lại cơ ngơi của mình cùng với
một khoản tiền nhỏ khi ông mất.
“Chúng tôi đã nộp
thuế” người phụ nữ nói “lập ra vô số mẫu đơn và lâu lâu lại trả lời những câu hỏi
của nhiều viên chức về đất đai của chúng tôi. Thế rồi một khoảng thời gian sau
chúng tôi chẳng nhận được thông cáo nào hết, thế nên chúng tôi không nộp thuế nữa.
Không một ai làm phiền chúng tôi. Phải mất một thời gian lâu sau chúng tôi mới
hiểu rằng bằng cách này hay cách khác người ta đã quên mất chúng tôi rồi.”
Marc gật đầu. Tất
nhiên, nếu đường Chai Xanh đã lọt ra ngoài tầm hiểu biết của Tòa thị chính thì
sẽ không có thanh tra nào đi đến đó hết, không cán bộ điều tra dân số, không người
thu thuế. Mọi thứ sẽ trôi qua trong vui vẻ hướng đến nơi nào khác bởi cái tủ hồ
sơ không thể sai lầm.
“Sau đó Michael
Flanagan sống ở số 4” bà ấy tiếp tục, “người đàn ông thú vị nhất, anh phải gặp ông
ấy đấy – ông Flanagan gọi chúng tôi lại và nói rằng nếu có điều kì diệu xảy ra
thì chúng tôi nên đồng lõa với nó. Ông ấy chính là người xây cái cửa ở lối vào để
ngăn khách qua đường hay viên chức có thể ghé qua. Chúng tôi từng khóa nó nhưng
đã lâu rồi không có ai đến thế nên giờ chúng tôi không lo nữa.”
“À, có nhiều thứ lặt
vặt chúng tôi phải làm như tới bưu điện lấy thư và không bao giờ nhận được hàng
giao tận cửa. Giờ thì gần như chúng tôi chỉ ra thế giới bên ngoài khi cần mua đồ
ăn và quần áo thôi.”
“Suốt từ đó tới giờ
nơi này có thay đổi chút nào không?” Marc hỏi.
“Có đấy, hai người
bạn qua đời, và phòng của họ không ai ở một thời gian. Sau đó Jean Desselin –
anh ấy sống ở phòng số 6 và thỉnh thoảng đi vào thành phố - quay lại với ông
Plonsky, một người tị nạn. Ông Plonsky lúc đó rất mệt mỏi với những chuyến đi của
mình và vui mừng chuyển đến với chúng tôi. Cô Hunter phòng số 3 mang về nhà một
người rất tốt – một người họ hàng xa, tôi nghĩ vậy. Họ khá là hiểu tình cảnh này.”
“Còn bà thì sao?”
Marc hỏi.
“Tên tôi là Sara
Trusdale, và tôi đã sống ở đây hơn 20 năm. Tôi hi vọng mình cũng sẽ ra đi ở đây.”
Bà ấy dịu dàng cười
với anh, trong một lát hình như đã quên mất rằng anh mang trong túi một quả lựu
đạn có thể thổi bay thế giới nhỏ của họ tan tành.
Có vẻ ai trong số họ
cũng đều có rắc rối, mất mát và thất bại của riêng mình trước khi tìm thấy mình
ở chốn nương thân này, đường Chai Xanh này. Đối với Marc, với ý thức về sự tồn
tại không tốt đẹp của riêng anh, điều đó nghe có vẻ mê hoặc. Anh ngập ngừng sờ
mảnh giấy trong túi.
“Ông Plonsky và ông
Flanagan thích nhau lắm” bà Trusdale tiếp tục. “Cả hai bọn họ đều từng là người
hay đi và họ thích nói về những thứ mình từng thấy. Cô Hunter chơi dương cầm và
thường biểu diễn cho chúng tôi nghe. Rồi có ông Hazard và ông Desselin rất thích
cờ vua và ủ rượu trong tầng hầm. Còn tôi thì có hoa lá và sách. Tất cả chúng tôi
đều sống rất thú vị.”
Marc và bà Trusdale ngồi trên bậc cầu thang trước nhà bà một lúc lâu trong
yên lặng. Màu xanh của bầu trời tối lại, mặt trời biến mất đằng sau bức tường
kho chứa hàng phía bên trái.
“Anh làm tôi nhớ tới
thằng cháu tôi” bà Trustdale đột ngột nói. “Nó là một thằng bé đáng mến. Tôi rất
đau khổ khi nó mất trong dịch cúm sau chiến tranh. Tôi là người cuối cùng trong
gia đình mà.”
Marc không tài nào
nhớ lại được có bao giờ người ta lại nói chuyện với anh với thiện chí giản dị đến
thế. Trái tim anh ấm áp lên vì người phụ nữ lớn tuổi này. Anh mơ hồ cảm thấy như
sắp có được một khám phá tinh thần vĩ đại. Anh lấy mảnh giấy trong túi ra.
“Hôm qua tôi tìm thấy
thứ này trong tủ hồ sơ” anh nói. “Chưa người nào khác biết về nó hết. Nếu nó mà
lộ ra thì hẳn sẽ có một vụ lùm xùm lớn, và tất cả mọi người ở đây sẽ không ngừng
gặp rắc rối nữa. Nhà báo, nhân viên thu thuế…”
Anh lại nghĩ về bà
chủ nhà của mình, những người hàng xóm thù địch, căn phòng thách thức mọi việc
sửa sang của mình. “Tôi tự hỏi” anh chậm rãi nói “Tôi là một viên chức mẫn cán,
và không biết…”
“Ồ được chứ” bà ấy
nhoài người tới một cách hăng hái “anh có thể dọn đến ở tầng trên nhà tôi. Chỗ
tôi ở rộng quá không biết làm gì với nó nữa. Tôi đảm bảo nó sẽ hợp với anh. Anh
phải đến coi nó liền đi.”
Tâm trí Marc
Girodin, nhân viên văn thư, đã quyết chí. Với một biểu hiện từ bỏ, anh xé toạc
mảnh giấy và thả chúng vào bình tưới. Về phần anh, đường Chai Xanh sẽ vẫn thất
lạc mãi mãi.
TRƯƠNG
THỊ MAI HƯƠNG dịch
Nguồn:
fiction.eserver.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI