KỶ NIỆM VỀ NHỮNG LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC
Hồi ký
Tác giả TRIỆU MIỆN
1- LẦN ĐẦU GẶP BÁC.
Tháng 1 năm 1953, Liên khu V cho tôi đi dự Hội nghị Tổng
kết Du kích chiến tranh và học các nghị quyết mới của Đảng ở Chiến khu Việt Bắc.
Nguyện vọng nung nấu tôi từ ngày theo cách
mạng là được gặp Bác Hồ có thể thành sự thực.
Trước khi vào hội nghị, chúng tôi được dẫn đến một thung
lũng không rộng lắm, nhưng phong cảnh rất đẹp. Dòng suối Nà Nưa từ đỉnh núi chảy
xuống. Nước rất trong len lỏi qua những viên đá nhỏ lóng lánh dưới ánh mặt trời.
Hai bên suối là những nhà sàn xinh xắn. Khu nhà chúng tôi đến ở khá đẹp, có đến
4, 5 căn nhà: Một bếp, một nhà ăn, một nhà khách và một nhà của cán bộ công nhân
viên phục vụ. Khu nhà chúng tôi nghỉ chung quanh đều là cây to, cao, xen lẫn các
cụm nứa, vầu cây thẳng tắp. Giường ngủ có đệm phủ lên. Loại giường này chưa bao
giờ tôi nghĩ sẽ được đặt lưng nằm.
Buổi tối có chiếu phim. Anh em chúng tôi háo hức tập
trung đông đủ chờ xem phim. Bỗng nhiên, Bác Hồ đến rất đột ngột, anh em chúng tôi
không biết làm sao được, tất cả đứng lên ùa vây quanh Bác và không ai cầm được
nước mắt, miệng cứ luôn nói: “Bác! Bác! …”. Mặc dù trời tối nhưng vẫn nhìn tỏ mặt
Người. Bác hồng hào, nhanh nhẹn. Bác hỏi: “Các chú có khỏe không?”. Mọi người
thầm thì nói với Bác như nói với người Cha hiền từ: “Chúng cháu rất khỏe ạ!”. Bác
vui vẻ khen ngợi: “Đồng bào miền Trung, đồng bào Nam bộ rất anh hùng, đồng bào miền
xuôi, đồng bào miền ngược đoàn kết đánh giặc tốt. Bác chưa vào được miền Nam , nhưng Bác luôn theo dõi tình hình đấu tranh
của đồng bào miền Nam
từng giờ. Các chú ra dự hội nghị này sẽ tiếp thu quán triệt tốt nghị quyết mới
của Trung ương về làm tốt hơn…”
Lần đầu gặp Bác bất ngờ, xúc động quá, tôi không nói được
một lời nào, đứng gần Bác tôi chỉ nói được một câu: “Cháu là người dân tộc Êđê
– Đắk Lắk!”. Bác vỗ vai tôi rồi hỏi: “Chú có biết anh Y Ngông Niê Kdăm không?”.
Tôi thưa: “ Cháu biết ạ! Anh Y Ngông là người cùng quê”. Bác nói với tôi: “À,
thế thì tốt quá”. Bác quay hướng về tất cả mọi người, Bác nói: “Bác còn bận việc,
các chú xem phim, nghỉ ngơi cho khỏe, bước vào học tập cho tốt”. Bác bắt tay từng
người một. Sau đó Bác bước đi nhanh nhẹn cùng người bảo vệ lẫn vào trong đêm. Bác
đi rồi, mọi người ngơ ngác… Ai cũng thấy xúc động, nghẹn ngào.
Thế là tôi đã được gặp Bác, trong suy nghĩ của tôi: “Người
thật giản dị, nếu mọi người đều gánh vác công việc và hoàn thành tốt thì Bác bớt lo nhiều!”
Buổi sáng khai mạc Hội nghị Tổng kết Du kích chiến tranh,
chiều tối chúng tôi tập trung tại hội trường. Lại một lần bất ngờ, Bác đột nhiên
đến thăm Hội nghị. Bác vào không ai biết. Khi nhìn thấy Bác, cả hội trường đứng
dây hô: “Bác Hồ! Bác Hồ!...”. Trong bộ
quần áo bà ba bạc màu, Bác như người Cha về cùng các con chứ không phải một cán
bộ cao nhất của Đảng, của nước, của toàn dân tộc. Bác giơ tay vẫy vẫy, tươi cười,
vui vẻ nói: “Bí mật! Mời các chú, các cô ngồi xuống”. Thế là cả hội trường mọi
người ngồi xuống im phăng phắc chờ đón lưu giữ từng lời của Người. Mọi người đều
hướng lên nhìn Bác lòng đầy xúc động, ai cũng được nhìn rõ Bác. Các anh trong Đoàn
Chủ tịch giới thiệu Bác đến thăm và nói chuyện với hội nghị. Dù vừa mới gặp Bác
chiều hôm qua, nhưng lần này tôi vẫn xúc động không kém lần đầu tiên được nhìn
thấy Bác, lần nay tôi ngắm kỹ hơn và ngẫm nghĩ sâu trong lòng mình: “Ama (cha)
mình đấy. Người còn hơn cả ama, amí (mẹ) mình nữa. Mình nguyện làm mọi việc xứng
với tấm lòng của Người đối với dân tộc chúng tôi.”
Bác nói chuyện ngắn, gọn, dễ hiểu về ý nghĩa quan trọng của
chiến tranh du kích. Tôi không nhớ hết, nhưng những lời dặn dò của Bác thì tôi
không bao giờ quên: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân, là một
lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc”, “Du kích là cách đánh giặc
mà dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Biết đánh du kích thế nào cũng thắng lợi”.
Những lời dặn chí tình chí nghĩa thấm sâu vào lòng mỗi đại biểu. Bác vừa nói dứt
câu: “Chúc các đồng chí mạnh khỏe, chúc hội nghị thành công tốt đẹp!”. Cả hội
trường đứng lên vỗ tay thì đã không thấy Bác đâu nữa. Bác thoắt hiện, thoắt biến,
Bác để lại cho mỗi người những ấn tượng vô cùng sâu sắc, không thể nào quên được.
2- ĂN CƠM CÙNG BÁC.
Tôi lại được tham dự một Hội nghị do Trung ương mở. Do tính
chất đặc biệt quan trọng, Bác Hồ và Bác Tôn tuy tuổi cao nhưng vẫn thường xuyên
đến động viên, gợi ý, chỉ dẫn những điều cần thiết, tuy chỉ vài câu nhưng đó là
cả một chiến lược cách mạng đứng lên làm chủ ruộng đất, làm chủ sứ mệnh lịch sử,
đẩy tốc độ kháng chiến đến thắng lợi. Hai Bác rất vui tính, hòa nhã, gần gũi như
cha con, mỗi lần họp tập trung là Bác Hồ lại đứng lên bắt nhịp bài hát “Kết đoàn”.
Thấy Bác vui, Bác đã xóa đi mối quan hệ cấp trên cấp dưới mà chỉ còn mối tình
cha con, tình đồng chí, anh em bắt đầu nói đùa, đồng chí Tạ Quang Bửu vui quá,
buột miệng hỏi Bác: “Thưa Bác, sao Bác không lấy vợ?” Bác cười và nói: “Các chú
ở đây có một số cũng hoàn cảnh vậy, để lo công việc chung trước đã”. Mọi người
vui cười ồ lên, không khí thật đầm ấm, vui vẻ.
Gần cuối Hội nghị, tôi và một anh người dân tộc Thái được
vinh dự ăn cơm cùng với Bác Hồ. Bác hỏi tôi: “Thường ngày chú ăn một bữa bao
nhiêu bát?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu ăn nhiều lắm ạ! Thông thường là bốn bát.”
Bác cười và nói: “Chú ăn thế là có sức khỏe tốt, Bác mừng. Thôi hai chú cứ tiếp
tục cùng ăn nhé, Bác đủ rồi!”. Chúng tôi hôm ấy ăn rất ngon miệng và vô cùng
sung sướng.
3- BÁC PHÊ BÌNH ĐƠN VỊ.
Cuối tháng 5 năm 1957 trên cho biết Bác Hồ sẽ vào thăm đơn
vi Tây Nguyên, ngày giờ có điện báo sau. Ban Chỉ huy chúng tôi vừa mừng, vừa
lo. Lo nhất là công tác an ninh, phòng gian bảo đảm an toàn tuyệt đối là một việc
rất khó. Lần đầu Bác về thăm quê nhà từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Chúng
tôi đề ra nhiều phương án, diễn tập bộ đội, đề cao công tác bảo vệ chính trị và
an toàn khu vực, luyện tập đội ngũ để đón Bác. Địa điểm đơn vị đón Bác trên một
gò đồi rộng, phong cảnh đẹp, trên lễ đài Bác có thể quan sát được toàn bộ địa bàn
huyện Nam Đàn, phong cảnh huyện nhà đổi mới.
Đúng 8 giờ, có đoàn xe từ Vinh lên, cả hai Sư đoàn 324 và
Trung đoàn 120 đội ngũ chỉnh tề chờ đón Bác.
Xe dừng lại trên trục đường 7, Bác cùng đoàn xuống xe và đi bộ thẳng vào
nơi đón tiếp. Đơn vị đón Bác rất giản dị, người chỉ huy chỉ hô bồng súng chào.
Một số trong Ban Chỉ huy ra đón và mời Bác lên lễ đài. Khi đi qua đội danh dự,
Bác đến bắt tay các cán bộ địa phương.
Đơn vị đọc lời chào mừng và báo cáo kết quả hoạt động của
hai đơn vị. Bác tỏ lời khen ngợi, Bác nói ngắn gọn về tình hình nhiệm vụ cụ thể
của đơn vị.
Bác nói xong, thay mặt đơn vị, tôi mang cặp ngà voi (anh
em mới săn được, chiếc ngà voi không lớn lắm) và nói: “Thưa Bác! Đơn vị xin biếu
Bác một cặp ngà voi mới săn được.” Bác ngập ngừng và nói: “ Bác nhận để sau này
Bác sẽ tặng bè bạn 5 châu. Nhưng không nên hiểu Bác sẽ vui mừng nhận món quà này
đấy!” Mọi người vui vẻ vỗ tay vang cả khu rừng.
Bác tổng kết lại đơn vị chúng tôi có 4 ưu, 3 khuyết và 5
dặn dò. Trong khuyết điểm, Bác chỉ rõ: “Việc bắn voi là một khuyết điểm lớn,
voi là thứ quý và hiếm của đất nước, cần phải bảo vệ”.
Bác về rồi, để lại cho mọi người những tình cảm thân thiết
và sâu nặng, thắm đượm tình cha con. Những điều Bác căn dặn không bao giờ tôi có
thể quên, nhất là lời phê bình của Bác về chiếc ngà voi. Thật là một bài học lớn
đối với người dân Tây Nguyên, với chúng tôi đã quen đi săn thú rừng, lấy đó là
niềm vui và tự hào về “chiến công” của mình. Thật thấm thía, đến mãi sau này với
tư cách là Chủ tịch tỉnh tôi vẫn ân hận là khuyết điểm đó tôi cũng chưa sửa chữa được.
4- BÀI HỌC NGHIÊM TÚC VÀ GIẢN DỊ
Một lần nữa tôi lại được vinh dự gặp Bác, đó là tôi được đi
dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Mặc
dù bận trăm công ngàn việc chuẩn bị cho Đại hội, nhưng Bác Hồ và Bác Tôn xuống
từng đoàn thăm hỏi sức khỏe và ăn uống ngủ, nghỉ. Lúc giải lao Bác cũng rất mệt
vì các đoàn đều muốn chụp ảnh lưu niệm với Bác. Bác vẫn tươi cười chụp chung với
từng đoàn. Bác phải làm việc nhiều nên người Bác rất gầy và ho, Bộ Chính trị bàn
Bác nên bỏ thuốc lá. Bác chấp hành ngay. Lúc thảo luận chung, Bác chủ trì cuộc
họp, mọi người ai cũng thấy hình như Bác buồn ngủ do thiếu thuốc lá. Bộ Chính
trị lại bàn cho Bác hút thuốc lại. Bác không nói, Bác cười và mọi người cùng cười,
sau đó Bác đứng lên nói: “Các chú thấy những cái gì học được của Bác cứ học, ngược
lại cái gì không nên học thì Bác khuyên không nên học!” Chúng tôi hiểu ý Bác, cả
hội trường cười ầm lên. Tôi cũng cười và rất cảm động. Bác tôn trọng và chấp hành
ý kiến của tập thể một cách nghiêm túc, tôi thấy Bác sao mà gần gũi thế, thân
thiết hơn tình cảm cha con. Khi làm việc thì nghiêm túc, sâu sát, khi nghỉ giải
lao thì chan hòa thoải mái.
Bộ Chính trị quy định khi vào Đại hội chính thức “Mỗi đại
biểu phải mặc nam thì đồng phục, đi giầy đen, thắt cà vạt; nữ thì mặc áo dài…”
Tôi cuống quá vội đi mua đôi giầy đen và chiếc cà vạt. Bác nghe vậy, Bác hỏi ai
là người đề xuất việc này và Bác đề nghị: “Không nên làm như vậy, cứ ăn mặc bình
thường nhưng phải chỉnh tề, không sao cả.” Vào đại hội chính thức, mọi người mặc
gọn gàng, chỉnh tề như Bác nói. Tôi hiểu đây là một Đại hội lịch sử quyết định đến
vận mệnh đất nước ta sau này.
Nhân dịp sinh nhật Bác, thông qua những thông tin đại chúng,
tôi muốn tâm sự với bạn đọc tấm lòng của Bác Hồ đối với tôi nói riêng, với các
dân tộc Tây Nguyên nói chung, không thể nào nói hết được lòng cao cả và thân thương
của Bác.
TRIỆU MIỆN ghi
chép
Theo lời kể của Thiếu tướng Y Blok Êban
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI