Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

BA MƯƠI NĂM NHÌN LẠI tác giả HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NHÀ BÁO VÀ CUỘC SỐNG số ra ngày 21 tháng 6 năm 2016


KỶ NIỆM LÀM BÁO


Thế là ba mươi năm đã trôi qua, một quãng đường đủ dài so với một đời người để ta nhìn lại một thời đã qua; cảm nhận cột mốc đánh dấu con đường nghề nghiệp mình từng trải với hy vọng giúp cho người đi sau có bài học rút ra từ người đi trước. Ngày ấy, cách đây ba mươi năm…
Tháng 8 năm 1977, tôi là một trong số hơn 300 người được Ty giáo dục Đắk Lắk ra Thanh Hóa tuyển sinh vào học sư phạm cấp tốc 15 ngày để phổ cập giáo dục cho tỉnh. Năm 1983 được cử về Trường Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột học Lớp Bồi dưỡng chuyên tu khóa I, chuyên ngành văn học; từ đây tôi bắt đầu tập viết báo với các bạn cùng lớp như: Lê Văn Bảy, Trần Đình Vinh, Nguyên Thanh Nghị… Năm 1985 tốt nghiệp ra trường được điều động về dạy học tại Trường 333 thuộc vùng đất chuẩn bị thành lập huyện Ea Kar.
  Ngày ấy sau cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt chống đế quốc Mĩ xâm lược thống nhất Tổ Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc mới chấm dứt, nước ta lại phải gồng mình đối phó với các thế lực thù địch bao vây cấm vận kinh tế, nước nhà gặp vô vàn khó khăn. Một trong những khó khăn nhất lúc bấy giờ tình trạng lương thực thiếu trầm trọng. Cán bộ công nhân viên nhà nước đa số mỗi nhận tháng 13 kg lương thực, trong đó quá nửa độn khoai lang, củ mì, bắp, hạt mạch… Cán bộ đói, dân đói và giáo viên ngành giáo dục huyện Ea Kar cũng nằm chung trong tình trạng ấy. Là huyện mới thành lập, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhiều người dân đi xây xây dựng kinh tế mới tới huyện Ea Kar. Huyện Ea Kar lúc đó đất rộng người thưa, đất đai khu vực phía tây huyện màu mỡ thuận tiện canh tác cây lương thực. Cuộc di dân lớn gắn liền với việc phải mở thêm nhiều trường lớp đảm bảo cho các cháu thanh thiếu niên theo cha mẹ đến vùng đất mới không phải thất học; cán bộ, giáo viên từ miền Bắc được điều động tăng cường vào chi viện.
Trong điều kiện như thế nhiều phòng học tạm, mái tranh vách đất được dựng lên; bàn ghế là những cây tre, mảnh bìa ghép lại; nhiều trường Ban giám hiệu không có nơi làm việc, phải ở nhờ nhà dân. Trong một lần họp Hiệu trưởng tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở  Nguyễn Bá Ngọc báo cáo thực trạng khó khăn của trường mình: giáo viên, Ban giám hiệu phải ở nhờ nhà dân; giáo viên đứng lớp không có bàn ghế giáo viên và thậm chí Hiệu trưởng phải tiếp khách bằng nong mượn của chủ nhà ở nhờ vì không có bàn ghế để ngồi làm việc. Quá bức xúc với sự thiếu quan tâm của các cấp các ngành có trách nhiệm đối với ngành giáo dục, tôi viết bài “Hãy đến với Ea Kar” đăng trên báo Tiền phong vào khoảng tháng 10 năm 1986.
Tháng 11 năm 1986 báo Người Giáo viên Nhân dân (tiền thân của Báo Giáo dục &Thời đại ngày nay) tiếp tục đăng bài “Cúng chồng bằng ba củ khoai lang” viết về trường hợp ba cô giáo được điều động tăng cường từ tỉnh Hải Hưng theo dân đi xây dựng kinh tế mới tới huyện Ea Kar, dạy học tại trường Phổ thông cơ sở Lê Lợi ba tháng liền không có lương, không có lương thực. Trong đó có một cô giáo hoàn cảnh rất thương tâm: chồng bị ốm chết, một nách nuôi hai con nhỏ, lương không có ba tháng liền, đến ngày giỗ chồng chỉ có khoai lang đào ở vườn... Lãnh đạo hai tỉnh đùn đẩy trách nhiệm, không nơi nào chịu trả lương còn cô giáo thì vì học sinh cứ phải đi dạy, lương không có, đến lương thực cũng không có nốt.
Hai bài báo được đăng, lãnh đạo của hai tỉnh mới vội vã có công văn liên hệ để giải quyết chế độ cho giáo viên. Bạn bè đồng nghiệp từ khắp mọi nơi trên cả nước gửi thư, quà đến ủng hộ các nhà giáo gặp khó khăn như bài báo nêu. Tôi rất mừng vì giúp được đồng nghiệp đang khó khăn giải quyết chế độ, yên tâm công tác lâu dài ở Ea Kar. Còn trường được nêu tên trong bài báo thì nửa đêm Phòng Giáo dục cho chuyển bàn ghế mới vào thay bàn ghế tạm.
Khi ấy tôi đang làm Hiệu trưởng trường  Phổ thông cơ sở Ngô Gia Tự, thị trấn huyện Ea Kar (tiền thân Trường THPT Ngô Gia Tự hiện nay), một trường nhiều lớp nhất huyện, có hơn 130 cán bộ giáo viên, công nhân viên công tác ở cả ba cấp học: mẫu giáo, cấp một và cấp hai (thời gian đó chưa đổi tên gọi các cấp học như bây giờ). Khi mấy bài báo liên tiếp xuất hiện làm lãnh đạo địa phương không vui, rồi Đài BBC đọc bài “Hãy đến với Ea Kar” (khi bị gọi lên làm việc với Thanh tra tỉnh, một vị lãnh đạo nét mặt đanh lại thông báo cho tôi với giọng nói hết sức quan trọng: Bài của anh Đài BBC đọc rồi ấy! - lúc ấy tôi làm gì có radio để nghe và Đài BBC là đài địch nên không được mở).
Trong 5 năm thất nghiệp chờ tòa án xử, rất nhiều ngày tôi được “mời” làm việc với Công an, Thanh tra, lãnh đạo ngành Giáo dục… chỉ với một nội dung: Động cơ nào để viết hai bài báo nêu trên? Giáo viên cúng chồng bằng ba củ khoai lang là “phong tục, tập quán” khi nhà có sản phẩm mới, sao lại viết để người đọc hiểu nhầm giáo viên đói khổ? Trường Nguyễn Bá Ngọc có đủ bàn ghế học sinh, giáo viên phục vụ các lớp dạy và học sao lại viết không có? Đặc biệt chi tiết Hiệu trưởng tiếp khách bằng nong là bịa đặt nhằm mục đích gì?… Thời ấy, tôi làm gì có ghi âm, máy ảnh để lưu tư liệu cho bài viết của mình. Thấy tôi bị đình chỉ công tác, nhiều người cung cấp tin cho tôi viết bài đã từ chối làm chứng vì sợ bị liên lụy… Mặt khác, có lẽ họ muốn “xử” tôi vì đã có bài viết bị đài địch đọc, mà đài địch theo quan niệm là `chỉ nói xấu chế độ...!
Đầu năm 1987 tôi được điều động về Trường 333 làm Hiệu phó; rồi tháng 3 năm 1987 tiếp tục điều về Phòng Giáo dục nhận “công tác mới”; rồi nhận kỷ luật, hầu tòa. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, xe cộ đi lại rất vất vả, lương không có một đồng, nhưng tôi vẫn phải lên xuống Buôn Ma Thuột nhiều lần. Cay đắng hơn, khi thấy tôi gặp nạn nhiều ánh mắt của đồng nghiệp giáo dục, bạn bè và những người xung quanh nơi cư trú nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí còn tránh mặt. Thật tình lúc ấy trong tôi đã nghĩ quẩn, muốn chạy trốn cuộc sống hiện tại…
Nhưng với sự động viên, giúp đỡ của Lãnh đạo báo Tiền Phong, báo Người Giáo viên Nhân dân - sau này đổi tên thành báo Giáo dục & Thời đại, cử phóng viên vào tận nơi động viên nhiều lần như các anh: Hồng Tuyến, Hữu Thanh – báo Tiền phong; Nguyễn Vĩnh – Trưởng ban bạn đọc báo Người Giáo viên Nhân dân… đã giúp tôi vượt qua được những bi quan của cuộc sống, tiếp tục đứng vững, đấu tranh bảo vệ mình, bảo vệ lẽ phải.
Đặc biệt với vụ việc của tôi nhiều nhà báo công tác tại Đắk Lãk đã có hàng loạt bài viết vạch trần bản chất sự việc, lên án việc Tòa án tỉnh cố tình xử oan sai như: “Tội giả chụp lên người thật”, “Bị trù dập vì hăng hái viết báo chống tiêu cực – một phiên tòa không vì lẽ phải và công lý” – báo Tiền phong; “Phúc thẩm và quyết định: Hủy bản án sơ thẩm xét xử không công minh thầy giáo Nguyễn Hồng Chiến”, “Sau 4 phiên tòa xét xử, Nguyễn Hồng Chiến được trả lại công việc”… báo Giáo dục và Thời đại của các tác giả Đặng Bá Tiến - Dương Thế Hoàn.
Chính những bài báo này đã động viên tôi rất nhiều để giử vững niềm tin vào Đảng, vào các cấp chính quyền sẽ trả lại công bằng và danh dự cho tôi. Các bạn đồng nghiệp làm báo rất nhiều người đi công tác qua nơi tôi ở thường ghé thăm, động viên. Bốn phiên tòa xét xử thì cả bốn phiên có rất đông phóng viên đến tham dự, chính điều đó làm tôi vững tâm để đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Phiên tòa thứ tư, Tòa án tối cao xử phúc thẩm cũng là chung thẩm, khi Chánh tòa tuyên bố tôi được khôi phục lại mọi quyền lợi hợp pháp sau 5 năm bị kỷ luật; cả hội trường vỗ tay ầm ầm. Nước mắt tôi trào ra, các nhà báo người bắt tay, người ôm lấy tôi nghẹn ngào… thế là sự thật được sáng tỏ. Tôi lặng đi trong niềm hân hoan hạnh phúc của người chiến thắng. Nhà báo Uông Ngọc Dậu (hiện nay đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam) nói với mọi người ngay tại hội trường Tòa án: Đây là chiến thắng của lẽ phải, của công lý, của công luận… chứ không riêng gì của Hồng Chiến!
Vâng, nếu như không có các bạn đồng nghiệp làm báo dày dạn kinh nghiệp chỉ bảo, động viên, giúp đỡ như nhà báo: Đặng Bá Tiến, Dương Thế Hoàn, Uông Ngọc Dậu – Báo Đắk Lắk; Đỗ Trọng Phụng, Nguyễn Quyền, Văn Thảnh – Đài Phát thanh Đắk Lắk; Bá Thành – Thông tấn xã Việt Nam; nhà thơ Hữu Chỉnh, nhà thơ Phạm Doanh, nhà thơ Hoàng Mạnh Thường – Tạp chí Chư Yang Sin… tôi đã không vượt qua được chính mình để tồn tại và chiến thắng.
Qua tai nạn nghề nghiệp mới thấy được vai trò của đồng nghiệp quý giá như thế nào, cần thiết ra sao đối với các nhà báo “gặp nạn”. Nghề làm báo chúng ta khi tác nghiệp không chỉ tôn trọng sự thật, phản ánh sự thật mà còn phải hết sức chú ý lưu giữ chứng cứ, tư liệu… chiếc gậy chống, phòng khi “bị tập kích” trở lại.
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2012), Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Ea Kar tổ chức vinh danh những cá nhân có thành tích xuất sắc với phong trào Giáo dục huyện nhà; tôi có vinh dự là một trong chín người được mời về nhận hoa, quà của Huyện. Một hành động đẹp của lãnh đạo huyện Ea Kar làm tôi thấy ấm lòng dù phải trải qua một quảng thời gian dài cay đắng.
Ba mươi năm đã qua, nhưng những bài học rút ra từ “tai nạn nghề nghiệp” ngày ấy luôn luôn ám ảnh tôi, nhắc nhở tôi cẩn trọng hơn khi cầm bút viết bài. Và các bạn đồng nghiệp đi sau, chắc từ vụ việc của tôi vừa kể có thể rút ra bài học cho chính mình trên đường tác nghiệp, viết bài định hướng dư luận, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý. 



Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức gặp mặt tri ân các nhà báo. Chú thích ảnh (từ trái qua): ông Nguyễn Cảnh - Phó trưởng Ban Tuyên Tỉnh ủy, ông Nguyễn Tý - Phó giám đốc Sở Thông tin, Truyền thông, ông Trần Đại - Phó giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên và Hồng Chiến).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI