Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 285 - tác giả PHẠM THỊ THÚY QUỲNH





THIÊN THU
Truyện ngắn

“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Nguyễn Du

1.
Lê Long Đĩnh nâng chén rượu nồng còn đượm ánh trăng trong soi tỏ, ngóng chờ hoa nở, dốc cạn cả tấm lòng. Hơi rượu nóng xộc lên, đánh thẳng vào lục phủ ngũ tạng, cay đến mức mong ngài chảy nước mắt. Ánh trăng kia, ngàn năm trước mày có bi lương thế này chăng? Lê Long Đĩnh nở nụ cười rầu rầu, bao năm nay vẫn nụ cười ấy, thiên hạ ai người hiểu cho?
Từ khóe mắt Đĩnh, trào ra đôi dòng huyết lệ, máu đỏ sẫm rỏ xuống, tưới thẫm cả đóa hoa mới lìa đời. Cạn bình rượu cúc, người vẫn chưa say. Phải làm sao mới có thể say đây? Đôi khi tỉnh cũng là bi kịch của kiếp người. Vết thương tai ác trên lưng ngài bắt đầu dở chứng, giống như loài quỷ hút máu không ngừng táp từng miếng vào thịt da.
Dường có tiếng gọi vọng: “Nàng Hương! Ra múa hầu vua!”. Vũ nữ xứ Chiêm thấy có người sai bảo, bèn đứng dậy, hít sâu một hơi rồi tha thướt thả bước, vòng bạc trên cổ tay vang lanh canh nghe lạnh buốt. Đây vùng cát trắng mênh mông bỏng rẫy, đây xứ cát bí ẩn vạn năm, đây tháp thiêng buồn rầu nghìn năm, thảy trải ra trong tiếng hát mượt mà và vũ khúc bí hiểm của nàng.
Đĩnh bỗng nhiên nhớ tới Lý Công Uẩn. Uẩn là một kẻ kiệm lời, đôi mắt thường khép hờ. Uẩn học Phật, theo Phật, nhưng dường như không tin Phật. Và những gì mà Uẩn muốn, Đĩnh rất rõ.
Hai người ngồi nói chuyện mà trong lòng đã ngấm ngầm chuẩn bị một trận đấu đẫm máu. Là tri kỷ, là kẻ thù. Nỗi đau của người đời chẳng phải xuất phát từ đó mà ra hay sao? Nhớ tới Uẩn rồi, ngài không kìm được, nở cười chua xót.
- Cho trẫm năm năm, chỉ cần năm năm thôi là bọn Vạn Hạnh sẽ bị quét sạch khỏi triều. Chúng muốn đạo Phật độc tôn? Nực cười. Trẫm chinh nam dẹp bắc, đánh khắp các châu các động, mong giang sơn quy về một mối để cho phương Bắc biết điều mà không dám nhòm ngó, ấy vậy mà đám tăng lữ đầu trọc kia lại can gián hết lần này đến lần khác. Thời gian, ta cần thời gian thôi, Trời xanh sao nỡ không toại ý người?
Nói rồi, Đĩnh gõ nhè nhẹ trên mặt bàn, hát mấy lời mà vạn niên chẳng kẻ nghe thấu: “Khế có hột mận, đâu phải do trời /Dầu quỷ trước mắt cũng phục ta thôi/ Giặc Bắc chưa quét sạch/ Triều đường nhơ bóng quỷ/ Lòng còn đau đáu/ Đoản mệnh khó tránh, trách kẻ nào ru?/Thành tại người, bại cũng ở người!”.
Đĩnh trỏ thẳng lên kẻ đương ngự trị nơi cao:
- Ranh ma lắm, ông ranh ma lắm Trời ạ!
Đĩnh bảo mình không tin Trời, nhưng ngay trong sâu thẳm luôn chịu sự khống chế của ông ta. Đĩnh bảo mình không tin vào số mệnh, nhưng ngay cả ngài cũng không thoát được bàn tay của Tạo Hóa. Ngài phải làm gì đây? Phải làm sao để cho tâm linh được an ổn. Ngài có thể chiến thắng thiên binh vạn mã, chiến thắng trong trận huyết chiến cốt nhục tương tàn, chiến thắng cả nỗi đau của chính mình nhưng vĩnh viễn lại không thể thắng được bản thân. Chiến đấu với bản thân luôn là trận đấu đáng sợ nhất trên cõi đời này.
Đĩnh nhíu mày, vị rượu bốc, hai mắt lim dim. Chỉ cần chữ nghĩa thánh hiền được ban phát rộng khắp, Nho sinh cứng cáp thì ít nhất dẹp được phần nào niềm mê tín trong dân. Càng ít kiến thức, càng tin quỷ thần; càng tin quỷ thần, càng dễ bị lung lạc. Đĩnh biết Uẩn đã chuẩn bị hết thảy, Đĩnh cũng biết sự bất bình của Uẩn đối với Vạn Hạnh. Nhưng Đĩnh hiểu rõ thời gian của bản thân đã tận. Nam Tào đã khuyên một vòng vào tên mình. Sao cứ phải hành hạ nhau thế hả Hóa Nhi?
- Rồi Lý Công Uẩn sẽ tạo phản, y và đám sư tăng của Hoa Nghiêm Tông sẽ thiết lập trên dải đất này một hệ thống đền chùa miếu mạo, mê hoặc người đời và hậu thế. – Đĩnh gằn giọng.
Đĩnh bỗng nhiên thèm cái cảm giác rong ruổi sa trường, dốc bầu rượu lớn, tay cầm kiếm báu chém vạn quân thù. Đĩnh bỗng nhiên nhớ đến bến sông Vũ Lung. Dòng sông ấy nghe đâu có ma quỷ, Đĩnh không tin vào ma quỷ, chỉ gờn chợn lòng người.
Đĩnh cúi người ho khan, nước mắt lại chảy ra, bỏng rẫy. Ngài ngẩng lên ngó ánh trăng tròn sáng bạc, đầu khẽ gật gù.
Phải rồi, hôm ấy tuy đương là ban ngày nhưng trời cũng âm thầm bằng thế này đây. Sắc xanh trải ngút tầm mắt, Vũ Lung xuôi không thấy bến bờ, dòng sông ấy nghe đâu chính là ngọn nguồn của thời gian, chảy mải miết không thôi. Bóng mờ hư ảo, vó câu chồn, sóng nước mênh mang cuộn trào chẳng nghỉ. Đoàn người ngựa dừng lại trước cảnh non nước Ái Châu, vị hoàng đế trẻ tuổi rời khỏi lưng chiến mã, phóng tầm mắt bình thản, để cho làn gió hữu tình ôm lấy, xoa dịu vô vàn vết thương từ những cuộc chiến mở đất đang nhức nhối đêm ngày.
- Bẩm hoàng thượng, đây chính sông Vũ Lung, nơi mà được đồn rằng yêu ma đương hoành hành sách nhiễu.
Lê Long Đĩnh nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, chỉ yên lặng. Sự tĩnh mịch kéo dài khiến tất thảy đều cảm thấy căng thẳng không yên. Trong cuộc đời Đĩnh, ngài ghét nhất là phải nghe tới hai chữ “ma quỷ”. Ma quỷ? Còn có gì có thể đáng sợ hơn con người? Kinh qua bao nhiêu cuộc chiến, trải qua cuộc tranh đoạt hoàng vị đẫm máu khiến tình anh em vĩnh viễn chẳng thể gắn liền. Cho dù ngài đã mềm lòng, vị tình thương mà tha cho Ngự Bắc Vương, nhưng vết rạn nứt đã không sao xóa nhòa.
Trong những kẻ đứng dưới điện ngày ngày tung hô vạn tuế kia, mấy ai đảm đương được trọng trách chấn hưng tân triều, xóa đi phong khí ủ rũ do đám tăng lữ mang lại còn sót lại từ thời Đại Hành hoàng đế? Mấy ai thực sự trung thành, đủ sức gánh vác giang sơn non trẻ đang mang trăm ngàn vết thương chí tử trên mình mà chỉ cần một bận đại biến thì sẽ gặp phải nguy cơ ngàn năm khó hồi phục?
Dân nước Nam thường ham thích của mới đồ lạ, thấy phong vận mới sẽ lập tức tiêu trừ đi cái cũ. Nhưng dân nước Nam cũng bảo thủ khó bì, có nhiều điều dù biết là sai, cũng vẫn sẽ cố chấp nghe theo, gọi nó là lời truyền ngàn xưa để lại. Đĩnh muốn giáo hóa họ, có điều lại rõ những khó khăn mình gặp phải, mà ngài thì đã không còn thời gian nữa rồi.
Ma quỷ? Đĩnh nhếch môi, ngước mắt trông lên: Ta đã dám đấu với cả Trời Đất thì xem lũ yêu ma các ngươi làm được gì!
Bỗng nhiên lúc này, có một vị thiền sư mình vận áo nâu, gương mặt nom rất hiền từ, tay chống thiền trượng đứng lẫn trong đoàn người ngựa bước ra ngoài, kính cẩn nói:
- Bẩm bệ hạ, theo thần thấy thì bởi do ơn mưa móc của Đức Phật chưa thấm nhuần tới những vùng đất xa xôi khuất nẻo kinh kỳ cho nên quỷ ma mới dám quấy nhiễu đời sống của bách tính vô tội.
Lê Long Đĩnh hỏi Vạn Hạnh thiền sư:
- Vậy theo ý của khanh thì phải làm thế nào?
Thần cho rằng bệ hạ nên hạ lệnh xây đền lập miếu để cho nhân dân quanh vùng ngày ngày tới thắp hương cầu khấn, đóng góp hương tiền tích đức, như vậy mới có thể tiêu trừ họa này.
- Quỷ là quỷ ở trong lòng, ối a… - Tên hề đi theo Lê Long Đĩnh bỗng nhiên hát lên rồi cười sằng sặc một mình.
Lê Long Đĩnh nhướng mày, quay đầu nhìn Vạn Hạnh, đôi mắt ngài khẽ nhíu lại tưởng như ánh nhìn ấy sâu hun hút chẳng thấy đáy. Vị thiền sư nọ chỉ lần tràng hạt, nở một nụ cười hiền từ bình thản. Lão đang đo thử tấc lòng người trước mắt, thế nhưng bao năm trôi qua, lão chẳng thu lại được gì ngoài sự hoang mang vì không tìm thấy điểm tận cùng sâu thẳm của ngài.
Ngài đang nghĩ gì? Vạn Hạnh không hay. Chỉ là gần đây, lão bỗng nhận ra được sự bi lương của kẻ không chịu phục tùng mệnh trời chìm trong đáy mắt, lão nhận ra sự nóng lòng của Lý Công Uẩn, lão cũng nhận ra Uẩn đang tìm cách tiêu trừ mình khi đại sự hoàn thành viên mãn.
Bỏ ngoài tai lời của Vạn Hạnh - một trong số những kẻ đứng đầu bách quan trong triều - Đĩnh hạ lệnh:
- Người đâu, mau bắt hết quan viên vùng Vũ Lung, còn nữa, tuyên Nam Quốc Vương(1) tới đây cho trẫm!
Một tin mà tựa hồ sét đánh, tất thảy binh lính tùy tùng nhất nhất nghe lệnh. Có điều, vì sao hoàng đế lại cho bắt đám người này. Quan lại, hoàng thân có liên quan gì tới ma quỷ? Lệnh đã ban, tất cả quan viên trong vùng đều bị áp giải tới, tên nào tên nấy run như cầy sấy và vẫn chưa hiểu rõ duyên do gì mà hoàng đế lại nổi trận lôi đình với mình. Nam Quốc Vương vén bào, quỳ xuống hành lễ. Lê Long Đĩnh nhìn em mình, lạnh giọng hỏi:
- Tục truyền rằng sông này có giống yêu tác quái, Vương gia có lời giải thích gì với ta chăng?
- Bẩm… Bẩm hoàng thượng, nơi đây quả thực có yêu quái hoành hành, biết bao nhiêu người bơi qua sông đều bị hại cả dù rất am thuộc vùng sông nước.
Lê Long Đĩnh cười cười, vén áo ngồi xuống cạnh em trai, trỏ về mặt sông lặng tờ xa xa:
- Trẫm đã sai hai thiện binh của mình đi tra xét, chắc sẽ có kết quả ngay thôi. Các ái khanh có thể chờ tới lúc đó chăng?
Mặt trời đứng bóng, ánh hoàng hôn tạt nghiêng, gió nhè nhẹ đưa hương hoa dìu dịu, sóng gợn lăn tăn phản chiếu sắc hồng vầng dương đỏ. Thảy yên bình biết bao. Chỉ là, trước các cơn phong ba bão táp, chẳng phải thiên nhiên luôn tĩnh lặng hay sao. Họa phúc luân chuyển như trời đất xoay vần, không một ai, không một kẻ nào thoát khỏi sự biến dịch của nó. Hốt nhiên, mặt nước lặng tờ bùng dậy, thiện binh được cắt cử bơi qua Vũ Lung đã trở về, chất lỏng xanh thẫm in màu mặt trời rỏ xuống theo khuôn mặt trông như máu tươi.
Vừa đặt chân lên bờ, y đã vội vàng quỳ thưa:
- Muôn tâu bệ hạ, theo lệnh của người, thần và anh trai đã lùng bắt được mấy tên thủy tặc thường hại người qua sông. Hiện chúng đang được áp giải tới đây.
Mọi người thất kinh trước lời tâu lại của y, đặc biệt là đám quan viên đang quỳ sát mép nước, kẻ nào kẻ nấy mồ hôi mồ kê toát ra nhễ nhại tưởng chừng có thể chết ngất đi bất kỳ lúc nào. Vạn Hạnh thong thả lần tràng hạt, niệm Nam Mô Phật. Lê Long Đĩnh chỉ khép mắt nói:
- Lừa vua dối dân, tàn hại bách tính… Tội này nên xử thế nào?
- Thần đệ biết tội! – Nam Quốc Vương quỳ rạp xuống, hô lớn.
- Chúng thần biết tội đáng muôn chết thưa bệ hạ! – Một kẻ dập đầu, khóc lóc, van xin rối rít – Nhưng kính xin bệ hạ tha cho mấy cái mạng bé như hạt cát này, chúng thần cũng vì bách tính vùng Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung mà làm thôi.
Nam Quốc Vương lập tức quắc mắt cảnh cáo kẻ nọ, đang định lên tiếng thì kẻ khác đã tiếp lời, thống thiết vô cùng:
- Muôn tâu bệ hạ, nơi đây vốn vùng sông nước rất cần có bến đò để cho dân qua lại, tiền xây dựng thực ra cũng không nhiều nên ngân khố phủ quan có thể đáp ứng được. Nhưng cách đây mấy năm, có vị quan lớn trong triều đình đã âm thầm ban lệnh xuống, lệnh cho vùng này phải xây dựng một đền thờ, tám chùa lớn nhằm để phật pháp được phổ biến rộng rãi trong dân. Bệ hạ, điều này thực sự đã làm khó chúng vi thần, vậy nên… Vậy nên, đành phải tìm ra cách tốt nhất để giải quyết được cả hai việc, ấy là xin ngân khố của triều đình ban cho. Chúng thần cũng biết bệ hạ xưa nay chúa ghét việc làm bách tính hoảng sợ vì lời ma quái. Thế nhưng vì hơn mấy trăm mạng người dân còn lại, vì gia tộc, chúng thần chỉ đành đánh liều mà thôi.
Lê Long Đĩnh nghe tới đây, lửa giận bốc lên, trừng mắt rút kiếm, quát lớn:
- Mạng người là thứ để các ngươi mang ra tính toán đổi chác hay sao? Còn tội không phò vua, mà làm theo lời nghịch phản thì đáng tội gì! Người đâu! Chúng đã muốn hoán chác thì hãy để mạng của chúng đổi cho cái đầu lừa của tên quan lớn kia! Dìm xuống sông, quăng xác làm mồi cho cá!
Lệnh đã ban ra, không ai dám trái. Trời nổi gió to, thời gian chớp mắt, năm kẻ đang sống đã biến thành năm xác chết nổi giữa lòng sông rồi chìm xuống. Chợt, tiếng u u từ đâu vọng về, chẳng rõ hư hay thực, như khóc như cười. Tia sét sáng lòa rạch ngang trời đất, không trung hồ rung chuyển. Vạn Hạnh vẫn lặng yên. Lão hiểu rằng chừng nào vận của tăng lữ trong triều còn thịnh thì Lê Long Đĩnh sẽ không xuống tay với người ra lệnh cất chùa nọ. Tuy nhiên có kẻ đã không nhịn được, phải lên tiếng:
- Muôn tâu bệ hạ, vi thần thấy việc để đức giáo hóa của chư phật thấm nhuần là đạo lớn trong thiên hạ. Vì vậy, thần cho rằng nên xây cất đền chùa ở đây…
Quỷ ở đâu ra, quỷ ở tâm. Phật ở đâu ra, đại thừa, Phật tại tâm… Ối a… - Tên hề lại hát, hát rồi cười một mình, chẳng ai buồn để ý tới hắn cả.
Vạn Hạnh khẽ “hừm” một tiếng, chống mạnh thiền trượng xuống, liếc Quách Ngang một cái.
Lê Long Đĩnh cười bảo:
- Vậy sao? Này Hề, trẫm bỗng thấy thèm ngọt quá, mi có mang mía ở đấy chăng?
Tên hề cười khanh khách, múa may như lên đồng, dâng dóng mía vàng ươm và con dao cùn luôn mang bên mình cho vương. Lê Long Đĩnh đón lấy mía và dao từ tay hắn, giọng có vẻ tiếc nuối:
- Hề này, mía hôm nay ngươi mang có vẻ ngon, hiềm một nỗi chưa được Phật pháp thấm nhuần cho nên còn kém vị. Quách Ngang, trẫm muốn mượn chút Phật pháp của khanh để tưới tắm cho lóng mía này, có được hay chăng?
Quách Ngang vừa nghe, mồ hôi lạnh đã tuôn ra, lắp bắp mãi không nói tròn lời:
- Dạ… Dạ bẩm…
- Lính đâu, giữ thiền sư Quách Ngang lại để trẫm mượn chút hơi Phật nào!
Đợi khi Quách Ngang đã phủ phục xuống, ngài mới ném vật trên tay cho Hề, kẻ đầy tớ biết ý liền đặt dóng mía lên đầu hắn rồi cứ thuận thế mà chẻ mà bửa. Máu đỏ tươi ròng ròng chảy, xuôi theo khuôn mặt vốn dĩ hiền từ trông thật kinh khiếp. Cơn đau gặm nhấm xương tủy thấm vào thịt da, Quách Ngang cắn răng, hai mắt lộn ngược lên, trắng hếu.
Hề róc một hồi cũng sạch lóng mía, mặc cho kẻ nọ đã gục, hắn cung kính nâng khúc thực vật đã nhoe nhoét máu lên:
- Muôn tâu bệ hạ, mía đã thấm nhuần Phật pháp rồi ạ.
Lê Long Đĩnh đón lấy dóng mía mà ngắm mà xét. Quan lại và binh lính đi theo mình như rẽ run, lòng dần đóng băng theo cơn ớn lạnh. Vạn Hạnh vẫn bình thản, nhưng nhìn kỹ thì thấy bàn tay cầm thiền trượng đã siết tới bật máu. Chợt Lê Long Đĩnh cười nhạt, quẳng vật nọ đi, than:
- Không hiểu sao, mía này tuy đã thấm nhuần Phật pháp mà trẫm lại chẳng thèm nữa. Hề đâu, ném cho trâu ăn!
Dứt lời, liền quay sang nhìn Nam Quốc Vương, ngài mỉm cười:
- Còn đệ, đệ muốn biết thế nào là “gốc” của một đất nước hay không?
- Thần đệ xin nghe lời dạy bảo của hoàng huynh. – Nam Quốc Vương rạp mình, run như cầy sấy.
Lê Long Đĩnh lau tay, trỏ lên ngọn cây cao mọc ven sông, chậm rãi nói:
- Đệ hãy trèo lên đó, rồi sẽ biết thế nào là gốc của giang sơn này!
Hiểu được ý của quân vương, Nam Quốc Vương không khỏi kinh hãi, dập mạnh đầu, cầu xin thảm thiết:
- Mong bệ hạ tha tội, thần đệ biết sai rồi!
- Nếu làm sai mà nhận lỗi là có thể phủi sạch trách nhiệm thì chẳng phải quá dễ dàng hay sao? Đã tạo nghiệt một lần, ắt sẽ có lần thứ hai. Người đâu, lôi đi cho trẫm!  
Ngài đã không còn quan tâm tới kẻ chép sử ngàn năm thế nào nữa rồi. Rồi thì cát bụi.
***
Nàng Hương  đã dừng tiếng hát, đến ngồi nép bên cạnh quân vương, nàng định châm thêm rượu vào chén. Đôi mắt Đĩnh vẫn nhìn xa xăm, ngài đang nghĩ gì? Nàng bất giác ngẩn ngơ, bỗng mơ hồ trước con người này, thiên thu có ai còn nhớ những giọt huyết lệ mà ngài rỏ xuống? Ngón tay của nàng bất giác co lại ngần ngừ…
Đĩnh khẽ nói:
Nàng hãy cứ rót đi, một chén này là đủ…
Đoạn, Ngài phất tay. Một khúc nhạc tấu lên, hoa đồng loạt hé nở. Nàng Hương biết ý bèn đứng dậy, múa lại một vũ khúc cổ xưa, điệu múa của thuở nguyên sơ, khi mà con người chưa hề biết đến cái ác. Ai đã từng nói giai nhân dám sánh cùng hoa? Bóng hoa chiếu khuôn trăng đầy đặn, phải thẹn mà náu mình.
“Lòng trung mà vi thần dành cho bệ hạ dám sánh cùng nhật nguyệt!” – Lý Công Uẩn từng nói câu này với  Đĩnh, ngài biết ngày nào mình còn sống thì Uẩn vẫn là bề tôi trung thành của mình. Hắn ẩn mình giữa triều đình và tràng hạt, ẩn mình giữa huyền thoại về thân phận lúc nhỏ, ẩn mình trong lời sấm truyền do chính Vạn Hạnh giở trò. Không phải Đĩnh không thừa nhận tài năng của Uẩn, nhưng những kẻ cao ngạo thường không chấp nhận ai đó sánh ngang với mình. Nhắc tới hắn, Đĩnh thấy ghen tị, bởi ngày tháng của Uẩn còn dài mà của mình thì đã đến hồi kết thúc. Hăm tư, cái tuổi xanh tráng trí sục sôi…
Đĩnh chợt nhớ đến khoảng sân rộng sau phủ đệ Khai Minh Vương, nhớ đến cơn gió dịu mát vấn vít trước làn tóc mai thuở thiếu niên còn đầy mơ ước. Giờ đây, gió vẫn còn đó, nhưng lại lạnh thấu xương. Thềm cao điện rộng xa hoa mà trống trải, thế nhân không thể hiểu bi kịch của các bậc đế vương, cho đến khi hiểu rồi thì chẳng bao giờ quay đầu lại được nữa.
Đĩnh chợt nhớ đến tuổi thơ như sương mai. Ngày ấy, Trung Tông(3) từng hỏi: “Em có thích ngai vị kia không?”. Đĩnh nở một nụ cười, gật đầu rồi lại lắc đầu. Ngài không ngờ rằng vì lẽ đó mà tình thân đã vĩnh viễn tan biến. Giá như thời gian có thể trở lại, giá như ngôi hoàng đế không khiến Trung Tông hoài nghi. Giá như… Không có giá như…
Cảm giác đau buốt nơi các đầu ngón tay khi ôm xác anh trai trên chính điện vẫn còn đó.
“Rượu nhẹ quá…” - Đĩnh bỗng thấy thật thư thái biết bao.
Đĩnh muốn ngủ, ngài mệt rồi.
Chén rượu trong tay Lê Long Đĩnh rơi xuống, lăn lóc dưới chân. Đôi mắt ngài vẫn đau đáu trông về phương xa, hằn đỏ những tia máu.
Từ trong bụi hoa, Lý Công Uẩn chầm chậm bước ra, đứng trước Lê Long Đĩnh, kìm lòng không đặng, buông một tiếng thở dài.
Ngày ấy, khi nói với Uẩn về tâm nguyện của mình, Đĩnh chỉ bảo:
- Ái khanh, trẫm muốn dời đô về Đại La.
- Bẩm, vậy có lẽ bệ hạ đã biết mình phải dựa vào điều gì. – Uẩn từ tốn nói.
Lê Long Đĩnh chăm chú nhìn dáng vẻ bình thản của Lý Công Uẩn, trầm ngâm một lát rồi cười:
- Trẫm hiểu ý khanh, thế nhưng từ thời tiên đế đã mượn tôn giáo để gầy dựng cơ đồ, duy việc thiên đô nhằm dưỡng dục vận nước ngàn năm thì không thể dựa vào đám tăng lữ đó được nữa. Điều mê tín chỉ giỏi nhiễu loạn nhân tâm mà thôi.
Lúc nghe xong, Uẩn cúi đầu nói:
- Thần cũng là người được tăng sư nuôi dưỡng mà thành.
- Trẫm biết.
Lý Công Uẩn đưa tay vuốt nhẹ mi mắt của quân vương, Đĩnh lúc này mới an tâm mà khép mắt, vĩnh viễn phong kín bí ẩn về một thời đại đầy bão táp. Uẩn cười rầu rĩ:
- Bệ hạ, ván cờ của chúng ta vẫn đương dang dở, sau này thần còn biết chơi cờ với ai?




Chú thích:
 (1) Nam Quốc Vương Mang được phong làm quốc vương năm 994, thời Lê Đại Hành, đóng ở châu Vũ Lung.
(2) Trung Tông tức Lê Long Việt, vị vua thứ hai của triều Tiền Lê.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI