Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

HOA LẠ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 304 tháng 12 năm 2017

(TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 304 - THÁNG 12 NĂM 2017)

Bông điển điển ở vùng biên giới huyện Ea Suop, Đắk Lắk

Ông mặt trời lên chưa cao hơn con sào, vùng ven suối bỗng xôn xao cả lên vì một thông tin đặc biệt: HOA LẠ! Có kẻ còn mạnh miệng tuyên bố: đấy là loài hoa ở hành tinh khác mới rơi xuống trái đất! Thôi thì cứ loạn cả lên, chẳng biết thế nào mà lần nữa, mọi người tụ tập đứng xa xa nhìn cây lạ, bàn tán.
Mọi chuyện bắt đầu từ cô ong muỗi, người ta gọi cô như thế là vì cô là loài ong bé nhất ở Tây Nguyên, thân mình chỉ nhỉnh hơn que tăm một chút, mình luôn chòang áo mầu nâu nhạt gần giống với màu đất có điểm thêm ba vòng vàng chanh quanh thân; tổ cũng làm dưới đất. Sáng nay đi dạo dọc theo triền khe tìm hoa kiếm mật, Ong Muỗi bỗng thấy một chùm hoa lạ mọc trên một cành cây cũng… lạ hoắc. Cái cây nhìn mềm mại, nhưng lá có màu xanh bạc, mọc đối nhau không như lá của các loại cây thường thấy trên đất cao nguyên Ea Suop có màu xanh đen. Hoa của cây mới đặc biệt làm sao: hoa mọc theo chùm như có hàng chục cô bướm vàng đang xúm xít bên nhau bám vào, tạo nên một một màu vàng rực rỡ. Ừ hoa cây này giống hình bướm thật, nhìn không kỹ có thể nhầm lẫn đây. Cô Ong Muỗi vội vã phát tín hiệu báo động cho mọi người. Ong Mật đến sớm nhất, tuy người chỉ to bằng hạt đỗ đen, ngực mặc chiếc áo màu cà phê nâu, bụng mang váy vàng có bốn vòng nâu đậm, sà đến bên cô Ong Muỗi cất tiếng hỏi:
-         Có chuyện gì mà la toáng lên thế em?
-          Chị ơi, có cây ngoài hành tinh mới xuất hiện tại đây đấy!
-         Em lại đùa nữa rồi.
-         Không, chị nhìn cái cây lạ có hoa vàng kia kìa.
Theo hướng cô Ong Muỗi chỉ, Ong Mật nhìn theo và hình như những chiếc lông tơ mềm mại mọc xung quanh người bỗng nhiên cũng dựng đứng cả lên, Ong Mật thì thào:
-         Ừ nhỉ, cây gì mà lạ thế!
-         Cậy lạ thế này chắc chứa toàn chất độc phải tránh cho xa ngay.
Không biết anh chàng ong Vò Vẽ đến từ lúc nào cũng xen vào câu chuyện. Cái xóm này không ai lạ gì gia đình anh, một dòng họ toàn những người lực lưỡng, thân hình to gấp ba lần ong mật; toàn thân khoác bộ cánh màu vàng, trang điểm thêm bốn vòng đen quấn quanh người và thêm đôi cánh màu nâu hồng. Đặc biệt nhất là đôi mắt ong Vò Vẽ: to, lồi ra phía trước, cũng màu vàng nhạt; phía dưới mắt có một cặp răng đen bóng giống như cái kéo sắt; nhưng kinh khủng nhất ở mũi kim tiêm nơi đít anh có thể chích chết cả trâu bò và người. Nhà Ong Vò Vẽ thường làm trong các bụi cây rậm rạp hay trên các cành cây, đứng từ xa đã biết vì nó có màu trắng, đen, nâu… loang lổ đặc biệt như được vẽ; có lẽ vì thế mà người ta gọi là ong Vò Vẽ chăng. Cũng là ong, nhưng Vò Vẽ không bao giờ đi ngắm hoa, thưởng thức mật hay phấn hoa mà chỉ chăm chăm xem có con sâu, con rệp nào bám vào cành, vào lá cây không để bắt về đánh chén. Giơ hai chân trước vuốt râu, Vò Vẽ phán:
- Đây có lẽ là loài hoa… biến đổi zen chăng?
- Sao biết?
Ong Mật tỏ vẻ không tin hỏi lại, ong Vò Vẽ vênh vênh cái mặt trả lời:
-                     Nghe nói con người có tiến bộ về nghiên cứu khoa học, tạo được nhiều loài mới nhờ công nghệ biến đổi zen; cây này lạ hoắc, nay mới thấy mọc ở đây thì chắc đúng vậy rồi.
-                     Không phải đâu, chắc nó từ hành tình khác theo gió lạc đến đây đấy – cô ong Mật không chịu cãi lại.
-         Có gì mà ồn ào lên thế?
Bà ong Bầu, loài ong lớn nhất của núi rừng Tây Nguyên, bình thường thân to bằng ngón tay cái người lớn; khoác chiếc áo choàng đen như cục than, đôi cánh cũng màu tím than nốt. Cô ong Muỗi, che miệng cười vì chợt nghĩ: Con người thường khen người đẹp: “thắt đáy lưng ong”; thế mà bà ong Bầu đã đen, thân người to quá khổ, lại bè bè ra chứ có tròn như thân các loài ong khác đâu, trông phát khiếp. Ong Bầu không biết xây tổ, nên cứ thấy cây gỗ mục hay các cây tre, nứa chết là đục lỗ chui vào trong làm nhà để ở. Trong căn nhà ấy được chia thành từng phòng, mỗi phòng ngăn cách nhau bằng một bức vách làm bằng mật và phấn hoa. Trong phòng được đặt một quả trứng, theo thời gian trứng nở thành nhộng, nhộng ăn hết bức vách ngăn ấy sẽ lột xác thành ong. Ong Bầu cũng là loài khoái mật và phấn hoa, nhìn thấy màu hoa vàng rực rỡ, hình như không nén được sự tò mò nên hỏi:
-         Đã có ai xem thử hoa ấy có mật và phấn không?
-         Loại này chắc độc lắm, đừng lại gần chết oan đấy.
Ong Vò Vẽ khẽ rung rung đôi cánh, cất lời dọa dẫm. Cô Ong Muỗi thật thà góp chuyện:
-                     Khi sáng em có nghe mùi khác lạ lắm, khi đến gần thấy cây lạ, hoa lạ nên không dám đến.
-                     Không lại gần làm sao biết được nó có độc hay không, hình như mùi hương của hoa đang tỏa ra rồi đấy. Chẵng lẽ hoa đẹp thế kia mà độc sao?
-                     Bà già lẩm cẩm rồi, biết đâu vẻ đẹp bên ngoài dùng để che đậy sự độc ác phía sau thì sao, tốt nhất tránh cho xa.
Anh ong Vò Vẽ nổi tiếng can đảm là thế mà còn sợ, lên tiếng can ngăn làm cho cô ong Mật, ong Muỗi co dúm lại, mặt biến sắc. Bà ong Bầu vuốt râu, nói:
-                     Phòng xa cũng tốt, nhưng cái gì cũng sợ thì làm sao nên việc lớn, để ta lại gần xem sao.
Nói là làm, bà ong Bầu từ từ tiến lại gần cây lạ, bay vòng tròn theo vòng xoắn ốc, từ xa rồi vào gần, gần hơn tý nữa, tý nữa… rồi dừng lại cách chùm hoa một đoạn, cất tiếng reo lên:
-         Thơm lắm, lại nhiều phấn nữa, lại đây nào!
Thế là các loại ong kéo nhau bay đến vù vù, đen kín cả bầu trời. Các loại ong lấy mật, lấy phấn thì khỏi phải nói, chen nhau cùng thưởng thức đặc sản lạ ngon miệng. Ong Vò Vẽ không thích mật, phấn hoa cũng kéo cả đàn bay vòng quanh cây tò mò, tìm hiểu xem đây là giống cây gì mà lạ thế rồi cãi nhau: cây từ ngoài hành tinh đến, cây biến đổi zen!
 Cuộc tranh cãi chắc sẽ không bao giờ dứt, nếu không có chuyện bất ngờ xãy ra. Trưa. Một cô bé cổ quàng khăn quàng đỏ, đi học về ngang qua ngạc nhiên nhìn bầy ong vần vũ trên bầu trời quanh cây lạ và bất chợt kêu ầm lên:
-         Ba má ơi, cây điên điển trổ bông rồi kìa, mau ra xem!
Ong Vò Vẽ, cau mặt:
-                     Cô bé này hoa mắt, nghe nói loại hoa điên điển chỉ mọc được ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, làm sao có thể mọc được trên vùng Tây Nguyên chỉ có gió và nắng nóng thế này!
-                     A, cô bé nói đúng rồi, đây là làng định cư của người dân Bến Tre, chắc họ mang giống cây của quê hương lên trồng ven suối nên mới chịu được khí hậu khắc nghiệt đấy. Đúng là hoa điên điển rồi, không phải cây ngoài hành tinh hay cây biến đổi zen.
Nghe cô Ong Mật nói vậy, anh Ong Vò Vẽ hình như hơi ngượng khẽ rung rung cặp râu rồi bay vút đi, để lại phía sau họ hàng nhà ong tíu tít chuyện trò và thưởng thức loại mật, phấn hoa mới.
Bầu trời Tây Nguyên mùa thu hình như cũng rộng và trong xanh hơn.


Mùa thu năm 2017

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 304 - THÁNG 12 NĂM 2017








CON SÓI - tác giả Henri René Albert Guy de Maupassant - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017

TRANG VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Henri René Albert Guy de Maupassant sinh ngày 5.8.1850 tại vùng Normandie ở miền bắc nước Pháp, là nhà văn Pháp, được cho là một tác giả bậc thầy của thể loại truyện ngắn và là một đại biểu của trường phái hiện thực phê phán. Ông viết khoảng 300 truyện ngắn, sáu tiểu thuyết, ba tập sách du ký và một tập thơ. Truyện ngắn đầu tiên của ông được in là “Boule de Suif / Ball of fat/ Viên mỡ bò”thường được đánh giá là tuyệt tác. Các tác phẩm chính nổi tiếng khác là Pierre et Jean/Piere và Jean, Un vie/Một cuộc đời, Bel Ami/ Ông bạn đẹp.
Ông mất ngày 6.7.1893 tại Paris, Pháp.
  

Đây là những gì hầu tước d’Arville kể cho chúng tôi sau bữa ăn lễ thánh St. Hubert tại nhà của nam tước des Ravels.
Chúng tôi đã săn được một con nai vào ngày hôm đó. Ông hầu tước là người duy nhất trong số khách không tham gia vào cuộc săn này. Ông không bao giờ đi săn.
Trong khi dự bữa tiệc kéo dài đó chúng tôi hầu như không nói gì ngoài việc săn bắt thú. Tự thân quý bà đã ham thích những câu chuyện phóng đại và dữ dội, và những người kể đã thể hiện lại những vụ tấn công và chiến đấu giữa người và thú, họ vung tay lên, nói bằng giọng hùng hồn.
Hầu tước d’Arvill nói lưu loát, bằng một phong cách khoa trương, hoa mỹ nhưng hiệu quả. Chắc là ông đã thường kể câu chuyện này, vì ông nói trôi chảy, không hề ngập ngừng để chọn lời, để làm cho câu chuyện của ông sống động.  
Thưa quý ông, tôi không hề đi săn, cha tôi cũng không, ông nội tôi cũng không, mà ông cố tôi cũng không hề đi săn. Ông cố tôi là con của một người đi săn nhiều hơn tất cả quý ông cộng lại. Ông ấy chết năm 1764. Tôi sẽ kể cho quý bạn nghe câu chuyện về cái chết của ông.
Tên ông là Jean. Ông đã kết hôn, là cha của người tôi gọi là ông cố, và ông sống chung với người em trai, tên là Francois d’Arville, trong lâu đài ở Lorraine, giữa rừng.
Francois d’Arville vẫn còn độc thân vì tình yêu của ông dành cho thú săn bắn.
Cả hai người đi săn từ đầu năm đến cuối năm, không ngừng và không mệt mỏi. Họ chỉ yêu thích việc săn bắn, không hiểu điều gì khác, chỉ nói về chuyện săn bắn, sống để săn bắn.
Họ có trong tâm khảm niềm đam mê kinh khủng và không suy giảm đó. Niềm đam mê đó chiếm hết tâm trí họ, hoàn toàn thu hút họ, không chừa chỗ cho ý tưởng nào khác.
Họ đã ra lệnh rằng không ai được gây trở ngại cho họ trong cuộc săn vì bất kỳ lý do nào. Ông cố tôi được sinh ra trong khi cha ông đang rượt theo một con cáo, và Jean d’Arville không dừng cuộc săn, mà kêu lên: “Phiền quá! Thằng nhóc đó lẽ ra phải đợi cho tới khi xong cuộc săn chứ!”
Francois em trai ông thì còn đam mê hơn. Ngủ dậy là ông ấy đi thăm chó săn, rồi thăm ngựa, rồi bắn những con chim nhỏ chung quanh lâu đài cho tới khi đi săn một trận ra trò.
Ở vùng quê đó họ được gọi là ông hầu tước và ông Út, giới quý tộc hồi ấy không giống với giới quý tộc thời nay là ước ao có được danh hiệu kế tập từ dòng họ; vì con của một ông hầu tước, hay bá tước, hay tử tước thì không hơn gì con một viên tướng khi sinh ra. Nhưng tính tự phụ đáng khinh ngày nay lại tìm thấy lợi ích trong sự thừa kế tước hiệu đó.
Các vị tiền bối của tôi thường là cao, to xương, rậm lông, dữ dội và tràn đầy sinh lực. Ông em còn cao hơn ông anh, có một giọng nói mạnh mẽ đến mức, theo một huyền thoại mà ông hãnh diện, là lá cây rừng rung lên khi ông quát.
Khi cả hai lên yên ngựa để đi săn, nhất định đó là một cảnh tượng oai nghi khi nhìn hai con người cường tráng ngồi trên những con ngựa cao to.
Bây giờ, trở về khoảng giữa mùa đông năm đó, 1764, trời rất nhiều sương giá và những con sói trở nên hung dữ.
Chúng tấn công những người nông dân về trễ, lang thang vào ban đêm bên ngoài những ngôi nhà, tru lên từ hừng đông cho đến hoàng hôn, và sát hại thú trong các chuồng nuôi gia súc.
Chẳng mấy chốc lời đồn đại lan truyền. Người ta nói về một con sói cực kỳ lớn có bộ lông xám, gần như trắng, đã ăn thịt hai đứa bé, gặm đứt cánh tay một phụ nữ, đè bẹp mọi con chó giữ nhà trong xã, và thậm chí không sợ hãi vào tận những sân trại. Người trong các ngôi nhà xác nhận rằng họ cảm thấy hơi thở của nó, và hơi thở ấy làm cho ánh đèn lắt lay. Chẳng bao lâu sự hoảng sợ lan ra khắp vùng. Không còn ai dám ra khỏi nhà khi đêm xuống. Bóng đêm dường như đầy ám ảnh bởi hình ảnh của con thú.
Anh em nhà d’Arville quyết định tìm giết con thú, và nhiều lần họ tập hợp đủ các quý ông trong vùng để tổ chức một cuộc săn lớn.
Họ lùng sục các khu rừng, sục sạo các bụi rậm, lùm cây, hang ổ trong vô vọng; họ không khi nào thấy nó. Họ đã giết nhiều con sói, nhưng không phải là con sói đó. Và mỗi đêm sau cuộc săn, như thể con thú trả thù, nó đã tấn công mấy người đi đường và giết mấy con vật nuôi, luôn luôn ở xa nơi họ tìm kiếm nó.
Sau cùng, một đêm nọ nó lẻn vào chuồng lợn của lâu đài d’Arville và ăn hai con lợn béo nhất.
Hai anh em họ tức giận, cho rằng vụ tấn công này là một sỉ nhục trực tiếp và là một sự khiêu chiến với họ. Họ chọn những con chó săn sung sức chuyên dùng để theo dấu những con thú nguy hiểm, và họ tổ chức đi săn, lòng tràn đầy căm tức.
Từ bình minh cho tới khi vầng dương đỏ tía lặn sau rừng cổ thụ, họ lùng sục cánh rừng nhưng không tìm thấy gì.
Cuối cùng, cả hai giận dữ và căm tức trở về, cho ngựa đi theo con đường hai bên có bờ giậu, và họ bực bội không hiểu tại sao kỹ năng săn bắt tài giỏi của thợ săn chuyên nghiệp như họ lại bị gây khó bởi con sói này, và họ bất chợt cảm thấy một nỗi âu lo bí ẩn.
Người anh nói:
“Con thú đó không phải là một con thú bình thường. Phải nói rằng nó có một bộ óc như của con người.”
Người em đáp:
“Có lẽ chúng ta nên có một viên đạn được ban phước bởi vị giám mục cháu của ta, hay nhờ một linh mục nào đọc kinh trợ giúp.”
Rồi họ im lặng.
Jean tiếp tục:
“Hãy nhìn mặt trời đỏ như thế kia. Con sói vĩ đại sẽ tác quái đêm nay.”
Ông không kịp nói hết thì con ngựa của ông hếch đầu lên; còn ngựa của Francois thì bắt đầu đá. Một khoảng rừng rậm đầy những lá rụng phía trước mặt họ, và một con thú khổng lồ, toàn thân màu xám, phóng lên và chạy băng qua rừng.
Cả hai phát ra tiếng cười sung sướng, và rạp mình trên lưng hai con ngựa dũng mãnh, họ thúc ngựa phi tới trước với sự thôi thúc của toàn thân, thúc giục chúng cứ phi với tốc độ như thế, hối thúc chúng, kích thích chúng bằng giọng nói và cử chỉ, với chân gài cựa thúc ngựa, đến mức những tay cưỡi ngựa đầy kinh nghiệm như họ tưởng chừng như đang mang những con thú nặng giữa 4 chân đưa họ đi như thể họ đang bay.
Cứ thế họ phóng qua rừng rậm, qua những dòng suối, lên những triền đồi, xuống những hẻm núi, và thổi kèn to hết mức để kêu gọi người và chó của họ trợ thủ.
Rồi bất chợt, trong tốc độ cuồng nộ đó, vị tiền bối của tôi đập trán vào một cành cây lớn làm bể đầu ông; và ông té xuống đất, trong khi con ngựa sợ hãi đã để rơi ông xuống, phóng biến vào bóng râm âm u bao phủ cánh rừng.
Ông d’Arville em vội dừng ngựa, nhảy xuống đất, ôm lấy người anh và thấy não của anh đang chảy ra từ vết thương.
Rồi ông ngồi bên xác anh, đặt cái đầu đẫm máu bị biến dạng lên đầu gối, nhìn khuôn mặt bất động của anh. Một nỗi sợ dần dần xâm chiếm ông, một nỗi sợ lạ lùng mà ông chưa hề cảm thấy trước đây, nỗi sợ bóng tối, sợ sự cô độc, sợ cánh rừng hoang vắng, và cũng sợ con quái thú vừa làm chết anh mình trả thù cả hai anh em.
Bóng tối dầy đặc, khí trời lạnh gắt làm cây rừng kêu lắc rắc. Francois đứng dậy, rùng mình, không thể nào ở lại đó lâu hơn nữa, cảm thấy mình chợt yếu đi. Không nghe thấy gì, không có tiếng chó hay tiếng kèn nào – tất cả chỉ là sự yên lặng; và sự yên lặng ảm đạm này của đêm đông lạnh có vẻ gì đó lạ lùng đáng sợ.
Ông đưa hai bàn tay lớn dựng xác của Jean thẳng lên, đặt nằm ngang trên lưng ngựa để đưa về lâu đài; rồi ông lặng lẽ lên đường, đầu ông như trong trạng thái sững sờ, bị ám bởi những hình ảnh khủng khiếp đáng sợ.
Và bất chợt, trong bóng tối đang dâng lên một cái bóng lớn băng ngang qua lối đi của ông. Chính là con thú. Một cơn hoảng sợ làm người thợ săn chấn động lạnh mình, giống như có một giọt nước lăn xuống lưng, và, như một tu sĩ bị ám ảnh về quỷ dữ, ông làm dấu thập giá, xuống tinh thần vì sự trở lại đột ngột của con thú kinh khủng này. Nhưng mắt ông nhìn xuống cái xác vô hồn trước mặt, và bất chợt sự sợ hãi chuyển sang giận dữ, ông run lên với cơn tức giận không thể diễn tả.
Ông thúc ngựa rượt theo con sói.
Ông rượt theo nó qua những bãi cây, những hẻm núi, và những cánh rừng mà ông không còn nhận ra, mắt ông đăm đăm nhìn đốm trắng phóng như bay phía trước ông trong bóng đêm.
Con ngựa của ông dường như vận động theo một lực thôi thúc với sức mạnh lạ lùng. Nó phi thẳng tới trước với chiếc cổ vươn lên, thân cọ vào cây rừng và đá, đầu và chân của người chết vắt hai bên lưng ngựa. Những cành cây cào vào tóc, trán, đập vào thân, làm vãi máu; cựa thúc ngựa cào những lớp vỏ cây tróc. Đột nhiên con thú và người kỵ sĩ hiện ra từ cánh rừng và phóng vào một thung lũng, vừa khi vầng trăng lên trên đỉnh núi. Thung lũng này đầy đá, vây quanh bởi những tảng đá khổng lồ.
Francois phát ra một tiếng hét vui sướng mà âm thanh vọng lại giống như tràng sấm rền, và ông nhảy xuống ngựa, thanh kiếm cầm trong tay.
Con thú, với bộ lông thô ráp, lưng uốn cong, đứng đợi ông, đôi mắt nó long lanh như hai đốm sao. Nhưng, trước khi trận chiến bắt đầu, người kỵ sĩ cường tráng ôm xác người anh đặt trên một tảng đá, lót những viên đá phía dưới đầu anh, bây giờ chỉ là một khối máu lớn, ông nói to vào tai người chết như nói với một người điếc: “Xem nè, Jean, hãy xem nè!”
Rồi ông tấn công con thú dữ. Ông cảm thấy mình mạnh đủ để lật cả một quả núi, nghiền những hòn đá trong tay. Con thú cố cắn ông, nó nhắm vào bụng ông; nhưng ông đã chụp con thú hung dữ ngay cổ, và thậm chí không dùng đến vũ khí, ông siết cổ nó, lắng nghe tiếng thở đang dừng lại trong họng nó và nhịp tim đang dừng đập của nó. Ông cười, cười hoang dại vì vui sướng, siết càng lúc càng sát hơn cú siết ghê gớm, kêu lên trong niềm vui cuồng nhiệt, “Xem nè Jean, xem nè!” Mọi sự kháng cự chấm dứt, xác con sói mềm đi. Nó chết.
Francois nhấc con sói lên đem lại đặt dưới chân anh trai, lập lại, bằng giọng nhẹ nhàng: “Nó đó, anh Jean của em, nhìn nó đi!”
Rồi ông đặt lên lưng ngựa cả hai cái xác, chồng lên nhau, và lên đường.
Ông trở về lâu đài, cười và khóc, giống như người khổng lồ Gargantua lúc sinh Pantagruel*, phát ra những tiếng reo chiến thắng, và sôi nổi vì niềm vui khi thuật lại cái chết của con thú, khổ đau và vặn râu khi kể về cái chết của anh ông.
Về sau này, thường khi ông kể lại về ngày hôm đó, ông nói trong ngấn lệ: “Giá mà anh Jean tội nghiệp của tôi thấy được tôi siết cổ con thú, hẳn anh đã chết bình tâm, tôi chắc chắn như thế!”
Người vợ góa của tiền bối tôi truyền cho đứa con trai mồ côi cha của bà sự kinh hoàng của cuộc săn và tự nó đã truyền từ cha sang con cho đến tận tôi.
Hầu tước d’Arville im lặng. Một người hỏi:
“Truyện đó là một huyền thoại, đúng không?”
Người kể chuyện trả lời:
“Tôi thề rằng truyện thật từ đầu tới cuối.”
Lúc ấy một quý bà nói bằng giọng nhỏ nhẹ:
“Dù sao thì cũng tốt khi có những đam mê như thế.”
VÕ HOÀNG MINH dịch
   (Từ bản tiếng Anh “The wolf”)

  
______
* Gargantua và Pantagruel: nhân vật trong tiểu thuyết “The life of Gargantua và Pantagruel/ Cuộc đời của Gargantua và Pantagruel”, tác phẩm của Francois Rabelais viết trong thế kỷ 16, kể về những cuộc phiêu lưu của hai người khổng lồ, là Gargantua và con trai là Pantagruel.


Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

YANG PHẠT truyện ngắn của Hồng Chiến - Báo Dak Lak số Xuân 2003





Buôn Um quê tôi chỉ có hơn hai chục nóc nhà sàn dựng ngay dưới chân dãy Chư Yang cao vút. Ban ngày tiếng chim hót, vượn hú và có cả tiếng chim công gọi nhau: “Tố hộ, tố hộ!” vang vọng vào từng góc bếp. Mùa bắp, mọi người phải thay nhau gác rẫy suốt ngày đêm, đốt lửa gõ chiêng xua đuổi heo, nai, khỉ, két… tìm về phá hoại. Chẳng biết chúng ở đâu mà kéo về nhiều đến thế, có bầy két mỗi lần bay qua rẫy làm tối cả góc trời, tiếng vỗ cánh như tiếng gió lốc. Người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa nước, bắp, đâu theo mùa, nhờ Yang(1) nhà ai cũng đủ gạo ăn quanh năm. Những ngày lễ tết cũng vây quanh ché túc, ché ba rôm rả cả đêm.
Rừng sát nhà, toàn những cây hàng mấy trăm mùa rẫy đứng chen nhau bên những tảng đá khổng lồ. Đã bao đời nay khi đốn gỗ làm nhà những chàng trai lực lưỡng phải đi xa tìm cây ưng ý đốn, chẻ, kéo về chứ không phá rừng gần. Vì vậy buổi sáng sớm khi con gà rừng giật mình tỉnh giấc cất tiếng gọi bình minh cũng là lúc đôi chim “năm trâu sáu cột – bắt cô trói cột” tìm thấy nhau, không khắc khoải gọi nữa, nhường lời cho các chú dọc, vượn nhảy nhót, rung cây hú gọi vang trời đất. Đó cũng là lúc các amí, amai(2) dậy nhóm lửa, thổi cơm chuẩn bị cho một ngày mới.
Chiều đến khi ông mặt trời nấp sau dãy núi, mọi người cơm nước xong lại vây quanh bếp lửa lắng nghe già làng kể khan(3). Chuyện già làng kể nhiều lắm song từ bé tôi đã nghe và nhớ mãi chuyện Yang phạt người tham lam vì dám động đến rừng.
*
**
Không biết từ bao giờ trên dãy Chư Yang cao vút có một bầy sơn dương đông đúc. Chúng là loài vật hiền lành nhưng khéo léo vô cùng. Những tảng đá to như gian nhà chen lấn nhau từ chân núi kéo lên tận đỉnh trơn như đổ mỡ, vậy mà chúng lon ton chạy nhảy,  nô đùa trên đó cấm có trượt chân bao giờ. Những cây sung sum suê bên bờ suối người còn không trèo nổi, vậy mà chúng vẫn hái được những chùm quả ở lưng chừng cây. Lúc hái quả trên cao chúng khéo léo đứng bằng hai chân sau, hai chân trước bám vào cây hoặc kéo lá xuống để ăn. Điều đặc biệt của bầy sơn dương là không bao giờ phá phách hoa màu. Chúng chỉ nhởn nhơ trên triền núi đá, chiều chiều khi ông mặt trời sắp ngủ lại kéo nhau lên mỏm núi, nơi có những tảng đá cao vút, đứng nhìn xuống buôn. Những ngày đẹp trời ngồi trên nhà sàn có thể nhìn rõ con đầu đàn to như con bò, đen bóng đứng uy nghi nổi bật giữa bầu trời trong xanh. Từ xa xưa cho đến nay dân buôn Um không ai săn bắt sơn dương bởi đó là loài thú quá tinh khôn, không dễ gì bắn hạ. Hơn nữa chúng không làm hại gì ai mà chỉ tăng thêm vẻ đẹp cho quê hương. Mỗi buổi bình minh hay lúc chiều tà trên các mỏm núi vương vất những sợi nắng vàng chúng lại rủ nhau xếp hàng đứng nhìn xuống buôn như những vị thần được Yang sai xuống bảo vệ mùa màng cho con người.

*
**
Năm ấy bỗng có người lạ vào buôn lân la trò chuyện, rủ rê đám thanh niên đi săn. Con thú người lạ muốn mua chính là bầy sơn dương trên đỉnh núi Chư Yang. Người ấy cho biết con sơn dương quý lắm, bộ xương đem nấu cao dùng cho đàn ông thì tuyệt vời, chắc chắn không có loại thuốc tây – đông nào sánh được và các bà vợ sẵn sàng móc hầu bao mua dành cho chồng. Cặp sừng sơn dương có giá trị gần như sừng tê giác chuyên dùng để chữa các bệnh đường ruột – cách dùng cũng cực kỳ đơn giản: Mài đầu sừng vào chén sành, pha chút rượu trắng thì dù có đau bụng vật vã thế nào, chỉ một phút sau khỏi ngay. Bộ phận quý nhất của con sơn dương – đặc biệt con sơn dương chúa – chính là bốn cái chân. Sở dĩ chúng thuộc loài móng guốc nhưng leo trèo trên cây, trên đá được là nhờ trong móng của nó có túi mật. Chính túi mật này giúp chân sơn dương dù có bị té cũng lành ngay. Nhìn chung trong con sơn dương cái gì cũng làm thuốc được, vì thế người lạ mới phải lặn lội vào buôn thuê người săn bắn. Từ lâu người buôn Um xem sơn dương là biểu tượng của thần may mắn, mang lại mùa màng bội thu cho mọi nhà. Vì vậy cho dù cái giá được đặt ra đổi con sơn dương đầu đàn là cả chục con bò mẹ vẫn không ai nhận lời. Già làng nghe chuyện đã nói: “Sơn dương là bạn của buôn ta, không ai được sát hại. Kẻ nào làm điều ác với nó sẽ bị đuổi khỏi buôn!”.
Nhưng không phải ai cũng nghe theo lời đúng, trong buôn vẫn có kẻ tham lam, xem rượu, tiền là trên hết, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ. Hắn chính là Y Reo, một kẻ đẹp mã, lực lưỡng nhưng lười lao động, chỉ thích uống rượu và tính chuyện đổi chác kiếm lời. Có lẽ vì vậy nên đã hơn hai chục mùa rẫy rồi hắn vẫn chưa có ai thèm bắt làm chồng, tháng ngày cậy nhờ vào mẹ, vợ chồng chị gái, em gái. Nay nghe chuyện một con sơn dương đổi cả chục con bò, hắn mừng như bắt được vàng. Hắn tin đã đến lúc hắn được đổi đời giàu có hơn người và khối cô gái sẽ chạy theo hắn xin bắt làm chồng. Già làng đã cấm không được săn bắn, và hắn cũng sợ luật bất thành văn ấy, song bỏ lỡ cơ hội này thì hắn tiếc lắm. Phải có cách để nhận số bò của người khách lạ. Cuối cùng, cái đầu đầy rượu nhưng không kém phần xảo quyệt của kẻ ưa đổi thứ này lấy thứ khác kiếm lời hơn là đi phát rẫy làm nương cũng vạch ra một kế hoạch táo bạo để thoát khỏi lời nguyền của già làng. Quả thật không ai ngờ hắn lại liều lĩnh làm vậy.
*
**
Đêm cuối tháng, bầu trời mùa khô Tây Nguyên trong vắt rắc đầy những vì sao óng ánh nhấp nháy như những con mắt đang dõi theo hai bóng den soi đèn pin nối nhau bám vào vách đá đeo lên đinh Chư Yang. Kẻ dẫn đường không ai khác ngoài Y Reo. Dù phải bám vào từng mép đá, mò mẫm đặt chân lên các cạnh đá sắc như dao cạo, có hòn  trơn tuột song trên vai hắn chiếc gùi đựng nước, đựng rượu và khô nai vẫn được giữ cẩn thận. Kẻ bám theo sau vác khẩu sung Galíp sản xuất tại Hoa Kỳ chính là vị khách lạ cần mua sơn dương. Theo kế hoạch của Y Reo, hai đứa lợi dụng đêm tối trèo lên đỉnh  núi, núp gần hòn đá lớn, nơi mỗi sáng sớm hay hoàng hôn con sơn dương chúa thường dẫn bầy ra đứng nhìn xuống buôn. Lúc đó, chỉ cần kéo cò chắc chắn sẽ hạ được con mồi. Không ai phạt được Y Reo vì hắn có bắn đâu, người lạ bắn đấy chứ! Còn người lạ thì đâu phải người dân buôn Um nên không bị ràng buộc bởi lời nguyền. Bọn chúng quả thật “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, tìm đến với nhau để làm chuyện đen tối.
Mặc dù rất khó khăn, vất vả gần sáng khi bầy vượn ở lưng chừng núi gọi nhau thức dậy, hai đứa cũng đến được nơi cần đến. Đứng trên mỏm đá, bọn chúng hết nhìn phải, rồi nhìn trái tìm chỗ ẩn nấp. Một bên là vực sâu hun hút, đen thui, một bên là đá lởm chởm chỉ cần sơ xuất một chút thôi sẽ rơi xuống vách đá. Đắn đo, cân nhắc mãi, hai đứa cũng tìm được chỗ núp chỉ cách mỏm dá bầy sơn dương thường đứng khoảng gần hai chục mét. Với khoảng cách ấy, một viên đạn gồm chục viên bi khi bay ra khỏi nòng sẽ tỏa rộng như một chiếc chài chụp xuống, chắc chắn sẽ có viên trúng đích – cho dù người bắn có dở đến mấy đi nữa.
Như thường lệ, khi phương đông ửng hồng, ông mặt trời từ từ rẽ mây trèo lên đỉnh núi xa xa, đem theo những tia nắng vàng rải lên vách núi, cũng là lúc bầy sơn dương theo nhau lên vách đá đứng ngắm buôn Um và đón bình minh. Cả bầy vẫn vô tình nhảy nhót theo sau con sơn dương chúa đen bóng đang giương cặp sừng cong vút về phía sau, chìa bộ râu dài có lẽ phải đến nửa mét uốn cong về phía trước phất phơ trước làn gió nhẹ ban mai, tận hưởng không khí trong lành và nào có biết đâu cái chết đang chờ ngay phía trước mặt.
“Ầm!”. Tiếng súng nổ xé toang cảnh bình minh thanh bình, vọng vào vách đá dội lại như tiếng một quả bom tấn ném xuống làm rung chuyển cả núi rừng. Tội nghiệp con sơn dương chúa. Nó chồm lên theo bản năng, tung hai chân trước lao vào không khí, nhằm đúng nơi tiếng súng phát ra bổ xuống.
*
**
Sau này có người kể rằng họ thấy sơn dương chúa bay ra khỏi mỏm đá lao vào hai kẻ bắn trộm rồi lăn xuống vực thẳm kèm theo một tiếng nổ kinh hồn, tiếng nổ ấy còn lớn hơn cả tiếng súng vừa nổ nhằm vào nó,  kéo theo đất đá lăn xuống ầm ầm, khói bụi mù mịt che lấp cả bầu trời.
Già làng tức giận, kéo cả đoàn thanh niên trai tráng trong buôn bươn bả leo lên đỉnh núi, định trị tội kẻ dám làm trái quy định của buôn, xúc phạm thần linh. Nhưng khi lên đến nơi nhìn hai kẻ bắn trộm ông lại bất giác trào nước mắt. Y Reo nằm ngã ngửa, giữa trán in rõ chiếc móng sơn dương đóng vào làm bay mất một con mắt. Còn người lạ đôi mắt trợn ngược bị bầy kiến vàng bu kín. Có lẽ cả hai đã rơi từ mỏm đá trên chục mét xuống hòn đá to phía dưới. Yang phạt mà!
Kể từ hôm ấy buôn Um chúng tôi không còn ai nhìn thấy bầy sơn dương ấy nữa. Những thế hệ sau này chỉ còn được nghe kể lại về chúng với một niềm tiếc nhớ xót xa.

Chú thích:
1.     Yang: thần linh – tiếng Êđê.
2.     Ami, amai: má, chị - tiếng Êđê.

3.     Kể khan: Sử thu - tiếng Êđê.

NGHE KỂ SỬ THI TRONG KHÔNG GIAN CHĂN THẢ ĐÀN TRÂU BÒ - tác giả TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017

     

 
Tôi còn nhớ vào những năm 1990, chúng tôi đi điền dã sưu tầm sử thi ở địa bàn huyện Cư M'gar. Hôm ấy, đoàn chúng tôi đến Phòng Văn hóa-Thông tin của huyện nhờ chị H'Năm Niê, Phó phòng dẫn đến gặp pô khan (nghệ nhân kể khan) là Aê Wưi Niê tại nhà riêng, nhưng Aê Wưi không có ở nhà. Con cháu của ông cho hay: "Aê đi chăn bò ở ngoài bờ suối Ea M'ngar, chiều tối mới về". Chúng tôi liền đi đến bãi cỏ bên suối Ea M'ngar, tìm một lúc mới thấy pô khan Aê Wưi đang ngồi kể khan dưới gốc cây plang cho lũ trẻ chăn bò nghe. Chúng tôi bước nhẹ đến và im lặng đứng nghe kể khan. Một lúc sau, nghệ nhân Aê Wưi dừng lại để hút thuốc. Chúng tôi chào nghệ nhân. Chị H'Năm liền giới thiệu với nghệ nhân Aê Wưi: "Có các cán bộ văn hóa trên tỉnh đến gặp ông, tối nay nhờ ông kể khan, để họ ghi âm các bài khan". Nghệ nhân Aê Wưi nhìn chúng tôi một cách hiền từ rồi nói: "Mình suốt ngày ở ngoài bãi chăn bò, tối mới về nhà, ăn cơm xong là nghỉ, chứ không khan ban đêm đâu, vì đã già rồi, sức khỏe không được tốt, năm nay mình đã hơn 95 mùa rẫy rồi mà. Cán bộ muốn nghe và ghi âm bài khan thì hàng ngày ra bãi chăn bò này nghe cùng lũ trẻ và ghi âm các bài khan cho tiện".
Nghe nghệ nhân Aê Wưi nói vậy, chúng tôi cảm ơn, rồi hỏi: "Pô khan đang kể khan gì vậy?"
Nghệ nhân Aê Wưi trả lời: "Mình đang kể khan Đăm Săn thời trẻ cho lũ trẻ trong buôn nghe đây mà!"
Tôi hỏi tiếp: "Chúng tôi đi nhiều buôn của đồng bào Êđê và sưu tầm rất nhiều bài khan, nhưng chưa hề nghe một pô khan nào nói đến bài khan này, nay nghe Aê Wưi nói thì thấy rất lạ, có lẽ đây là bài khan chỉ lưu truyền trong buôn này phải không?"
Aê Wưi chậm rãi nói: "Đây là bài khan được lưu truyền trong buôn Sak của mình từ bao đời nay rồi, nhưng ít người biết đến. Ông bà trước đây kể như thế nào thì bây giờ mình kể lại như thế ấy. Nhưng mình thấy Đăm Săn thời trẻ khổ cực lắm, nghèo khổ lắm. Nó không giống như khan "Đăm Săn" thường lưu truyền trong các buôn làng người Êđê. Ở đây các chị của Đăm Săn thời trẻ cũng không phải tên H'Âng, H'Lý như trong khan Đăm Săn, mà là tên khác, tên hai chị là H'Prak và H'Nui. Trong Đăm săn thời trẻ, kể về ba chị em là Đăm Săn, H'Prak, H'Nui lúc còn nhỏ đã mồ côi cha mẹ, không còn ai nương tựa phải đi ở cho tên M'tao M'xây giàu có tham lam, độc ác. Họ bị M'tao M'xây hành hạ vô cùng khổ cực, bắt làm việc suốt ngày đêm, thế mà cơm ăn bữa có bữa không, áo váy không có mặc. Một hôm ba chị em được người nhà M'tao giao cho giữ rẫy lúa đang chín rộ, không may bị đàn heo rừng kéo về ăn hết một vạt lúa. Thế là M'tao M'xây nổi giận đuổi ba chị em ra khỏi buôn làng. Họ van xin M'tao M'xây tha tội, nhưng vẫn không được, cuối cùng ba chị em phải dắt nhau ra sống ngoài bìa rừng trong một một túp lều nhỏ mục nát của những người coi rừng bỏ lại. Hàng ngày ba chị em phải lên rừng hái măng, nhặt nấm, đào củ mài để sống. Họ sống khổ cực lắm, chứ không phải sung sướng như chàng Đăm Săn trong khan Đăm Săn đâu. Có lẽ đây là một khan riêng, không phải cùng một chuyện với khan Đăm Săn đâu!". Kể đến đây, Aê Wưi nói: "Chuyện còn dài lắm, bây giờ phải đưa đàn bò về buôn, kẻo trời đã tối rồi, sáng mai các cháu cứ ra bãi chăn bò này mà nghe khan cùng lũ trẻ và ghi âm các bài khan của già này kể".
Sáng hôm sau chúng tôi ra bãi chăn bò của buôn Sak sớm hơn. Vừa đến gốc cây plang, chúng tôi đã thấy nghệ nhân Aê Wưi dẫn đàn bò khoảng gần 50 con đến thả ở bãi cỏ ven suối Ea M'ngar. Sau đó, Aê Wưi đến bên gốc cây plang. Thấy chúng tôi đang chờ, ông liền nói: "Để cho bọn trẻ thả xong đàn bò, đến đây tụ họp đông đủ rồi già này sẽ kể tiếp khan hôm qua cho các cháu nghe".
Lúc này chúng tôi tranh thủ thời gian chờ bọn trẻ, liền trao đổi với nghệ nhân Aê Wưi: "Ông biết kể khan từ lúc nào?”
Aê Wưi, cười hiền từ rồi nói: "Mình biết kể khan lâu lắm rồi, bây giờ không còn nhớ nữa, chỉ biết lúc lên năm, sáu mùa rẫy, hàng ngày mình theo ông nội đi chăn đàn bò và được ông kể khan cho nghe. Ngày nào cũng được nghe những bài khan quen thuộc, như: Đăm Săn, Đăm Săn thời trẻ, Đăm M'lan, Đăm Ji, Sing Nhã và nhiều khan khác nữa. Như mưa dầm thấm lâu, ngày nào cũng được nghe đi nghe lại mãi, nên mình nhớ hết các bài khan ấy. Lớn lên khoảng mười hai, mười ba mùa rẫy, ông nội và cha mình cho mình đi dự các lễ hội trong buôn làng cùng các buôn lân cận, và được nghe kể khan nhiều đêm liền. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa lễ hội là được nghe ông nội mình kể khan, nhờ vậy mà mình thuộc nhiều khan và biết cách kể khan và sau này lớn lên trở thành pô khan của buôn làng".
Chúng tôi hỏi tiếp: "Từ trước đến nay Aê Wưi đã truyền dạy được bao nghiêu cháu trong buôn biết kể khan?" Aê Wưi nói: "Mình có truyền dạy gì đâu! Chủ yếu là kể trong lúc chăn thả đàn trâu bò, rồi nơi có lễ hội của buôn làng, lúc đi rừng, lúc giữ lúa trên chòi rẫy, lũ trẻ theo nghe nhiều lần rồi có đứa nhớ và kể lại cho bạn bè nghe. Mình đã chứng kiến và nghe các cháu kể khan, khoảng hơn chục cháu ở bon này biết kể khan. Sau này lớn lên chúng nó lấy vợ, ở lại bên nhà vợ, nên buôn này chỉ còn vài người biết kể khan. Nhưng bây giờ thì không còn ai cả, vì chúng nó lớn lên, đi học rồi đi làm ăn xa. Nay chỉ còn già này thôi!". Nói đến đây, Aê Wưi cười vui vẻ.
Lúc này lũ trẻ đã thả đàn bò gặm cỏ bên bờ suối Ea M'ngar về tụ tập xung quanh gốc cây plang. Thấy lũ trẻ đã đến đông đủ, Aê Wưi liền khấn nhỏ trong miệng làm thủ tục xin phép thần linh, tổ tiên, ông bà được kể khan cho lũ trẻ và khách trên tỉnh cùng nghe. Rồi ông đằng hắng lấy giọng và bắt đầu kể tiếp khan Đăm Săn thời trẻ: "Ba chị em Đăm Săn sống ngoài bìa rừng trong túp lều mục nát dưới gốc cây plang. Hàng ngày họ lên rừng đào củ mài để sống. Họ đào hết rừng này qua rừng khác, nhưng chẳng được củ nào. Tiếng đào đất ngày đêm lục cục, lục cục, nó vang khắp núi rừng rồi vọng lên trời cao, làm cho ông Trời lấy làm lạ, liền cử con của mình xuống trần gian xem sao. Hai người con của ông Trời bay xuống trần gian thì thấy ba chị em Đăm Săn đang đào củ mài. Chị em họ đào mãi mà chỉ được vài sợi rễ. Thấy vậy, hai người con của ông Trời hóa phép cho họ đào được nhiều củ mài to. Củ mài chất đầy gùi, hai người theo ba chị em Đăm Săn gùi củ mài trở về túp lều xiêu vẹo. Thấy ba chị em ở trong túp lều tơi tả này, hai người con của ông Trời vô cùng thương hại, họ liền hóa phép cho túp lều biến thành một ngôi nhà dài to đẹp. Họ còn giúp ba chị em có kho lúa đầy, có áo váy để mặc, trong nhà có chiêng ché, nồi bảy, nồi ba, có trâu bò, heo gà đầy bãi, đầy sân, có kẻ hầu hạ, rồi hai người con của ông Trời kết nghĩa anh em với ba chị em Đăm Săn. Cuộc sống của ba chị em Đăm Săn ngày càng sung túc. Chẳng bao lâu ba chị em Đăm Săn trở thành người giàu có chẳng kém gì những M'tao trong vùng. Tiếng lành đồn xa, đến tai M'tao M'xây. Hắn cho tay sai đến đốt nhà của chị em Đăm Săn. Nhưng đều bị Đăm Săn bắt làm nô lệ. M'tao M'xây vô cùng tức giận liền kéo hàng trăm quân đến đánh Đăm Săn. Nhờ sự giúp đỡ của hai người con ông Trời, chàng Đăm Săn đã giết chết M'tao M'xây độc ác. Chàng kéo đến buôn làng của M'tao M'xây, giải thoát cho những người nô lệ, rồi lấy lúa bắp, trâu bò, heo gà, chiêng ché của M'tao M'xây chia đều cho mọi người dân trong buôn. Chàng được dân buôn tôn vinh làm tù trưởng của buôn làng. Chàng xây dựng lại buôn làng to đẹp hơn xưa. Nhờ hai người chị là H'Prak và H'Nui làm mối, chàng cưới một cô gái mồ côi xinh đẹp làm vợ. Từ đó vợ chồng chàng cùng hai người chị và dân làng sống yên vui, đầm ấm. Tiếng tăm của chàng vang khắp mọi vùng. Người Lào, người Khơ Me, người Bih, người M'nông, Ba Na, Sê Đăng, Ja Rai... tìm đến kết nghĩa anh em với chàng Đăm săn...".
Cứ mỗi buổi nghe kể khan, nghệ nhân Aê Wưi nghỉ giải lao hai lần để lũ trẻ đi xem đàn bò có ăn đúng vị trí không, sau đó lại về nghe kể khan tiếp. Còn nghệ nhân Aê Wưi ngoài việc xem lại đàn bò, ông còn nghỉ ngơi uống nước, hút thuốc. Một lúc sau bọn trẻ lại về ngồi dưới gốc cây plang nghe Aê Wưi kể tiếp. Khi lời khan ngân vang, tất cả đều ngồi trật tự, im lặng lắng nghe, như bị cuốn hút vào những nhân vật trong chuyện. Có ngày trời mưa, nhưng việc kể khan không vì thế mà gián đoạn, vì tất cả mọi người đều mang áo mưa cùng ngồi dưới góc cây plang nghe Aê Wưi kể khan say sưa. Cả người kể, người nghe như bị chìm trong không gian của trời mưa tầm tã. Mặc cho trời mưa, gió rừng thổi ào ào, nhưng vẫn không sao ngăn được lòng nhiệt tình của người kể và sự say mê như bị thôi miên của người nghe. Cứ thế mọi người say sưa trong không gian kể khan tại bãi thả đàn bò một cách lạ kỳ.
Suốt thời gian gần một tháng trời, chúng tôi cùng các em nhỏ chăn bò được nghệ nhân Aê Wưi Niê kể cho nghe trong không gian bãi chăn bò, dưới gốc cây plang bên bờ suối Ea M'ngar, buôn Sak, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar gồm các khan: Đăm Săn thời trẻ, Đăm Kteh M'lan, Xing Nhã, M'hiêng, Đăm Ji, mỗi tác phẩm chúng tôi ghi âm được từ 8 đến 12 băng cassettes (mỗi băng 90 phút) làm tư liệu để tiếp tục nghiên cứu sử thi Êđê.

Người Êđê có nhiều không gian kể sử thi khác nhau, như trong không gian nhà dài, không gian lễ hội, không gian trên chòi rẫy v.v... Nhưng trong không gian bãi chăn bò lại hợp với nhu cầu sinh hoạt văn hóa của lớp trẻ hơn cả. Ở đây thực sự là một không gian "sống". Bởi có người kể (pô khan), còn người nghe là các em nhỏ chăn bò và địa điểm là dưới gốc cây plang bên bãi thả đàn trâu bò của buôn làng. Tất cả ba yếu tố này tạo nên không gian "sống" của sinh hoạt văn hóa kể sử thi. Chính không gian này không chỉ là nơi giải trí đơn thuần, mà còn là môi trường giáo dục phẩm chất nhân cách và chắp cánh ước mơ lý tưởng cho lớp trẻ trước khi bước vào đời. Đây cũng là nơi truyền dạy, bảo tồn, gìn giữ kho tàng sử thi của dân tộc Êđê từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm cho nó được sống, được lưu truyền mãi trong cộng đồng.

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

NHÀ GIÁO NHÂN DÂN Y NGÔNG NIÊ KDAM - tác giả NGUYỄN HỮU ĐỨC - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017



Đã có rất nhiều người viết về bác sỹ Y Ngông Niê kdam, chẳng những sau khi ông qua đời, mà sinh thời ông đã được nhiều người ca ngợi. Theo tôi, ông như một nhân vật huyền thoại, như một cây đại thụ, một con hổ oai hùng, một chú voi khổng lồ của đại ngàn Tây Nguyên. Tôi có may mắn và hạnh phúc lớn khi được ông quan tâm, thương yêu, động viên trong công việc chia sẻ với tôi những điều ông mơ ước, tâm huyết của cả đời ông: Làm sao để các dân tộc Tây Nguyên nhanh chóng hết đói cơm, đói chữ, đẩy lùi bệnh tật, nền văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn và phát huy…
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Hiệu trưởng trường Học sinh dân tộc miền Nam, Giám đốc Khu học xá học sinh miền Nam tại Quế Lâm (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội 9 khóa liền (từ khóa I đến khóa IX), Chủ tịch UBND rồi Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội… Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông (1922-2017), nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin kể một vài kỷ niệm về ông – bác Y Ngông Niê kdam – tôi muốn được gọi ông như thế - như một nén nhang thơm gửi tới bác nơi vĩnh hằng.
1. Năm 1979, tôi là Hiệu trưởng Trường cấp I Lê Thị Hồng Gấm, thuộc Thị xã Buôn Ma Thuột. Hưởng ứng phong trào “Em làm kế hoạch nhỏ” của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh hồi ấy, nhà trường tổ chức cho các em học sinh các khối lớp 3, 4 và 5 đi lượm cà phê rơi vãi ở Nông trường 10 tháng 3. Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng khoảng 800 học sinh của trường chọn ngày chủ nhật để gióng trống, mở cờ ra quân. Từ trường đến lô cà phê gần 10km, cả thầy trò đều đi bộ. Suốt dọc đường các “ca sỹ vườn” dùng loa cầm tay hát động viên. Ai nấy đều vui vẻ, hồ hởi, quên cả mệt nhọc. Lãnh đạo Nông trường rất mừng khi trường chúng tôi nghĩ ra việc làm có ích này. Họ cử người hướng dẫn các địa điểm đã thu hái xong có nhiều hạt rơi rớt. Có nhiều khi trái chín chưa kịp hái nên rụng xuống, trái bị chim, sóc, chồn... ăn, một phần do công nhân hái nhưng tuốt cành bị văng khỏi bao tải hay tấm bạt. Số hạt rụng ấy thường bị vùi lấp dưới gốc, bên trên là lớp lá mục, phải bới lên mới lượm được. Sau một ngày tích cực làm việc, thầy trò chúng tôi giao nộp lại Nông trường hơn 2 tạ trái cà phê khô và hơn 8 tạ trái tươi. Lãnh đạo Nông trường biểu dương ngay tại chỗ. Chúng tôi vô cùng phấn khởi vì đã góp phần giáo dục tình yêu lao động cho thầy và trò, đặc biệt là giáo dục tính thật thà cho các em. Hễ nhặt được bao nhiêu, các em đều tự giác nộp hết cho Nông trường, tuyệt đối không tham, không giấu để đưa về nhà (khi ấy giá cà phê rất đắt). 
Ba ngày sau đó tôi được UBND tỉnh triệu tập. Tôi vô cùng hồi hộp và lo lắng, không biết có việc gì với trường hoặc với cá nhân mình đây?  Đích thân bác Y Ngông (khi ấy là Chủ tịch) tiếp tại văn phòng, cùng thầy Phan Văn Uyển, Phó trưởng Ty Giáo dục. Tôi bước vào, bác đến gần, bắt tay rồi ôm chặt tôi vào lòng. Ông cười vang sảng khoái “Cháu giỏi lắm! Muốn được thưởng cái gì nào?” Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi chưa hiểu sao bác lại khen mình? Phần nữa vì bác, một con người nổi tiếng với địa vị cao như thế, sao lại quá đỗi dân dã, giản dị và tình cảm thế? Bác biểu dương việc làm của thầy trò chúng tôi vừa qua, chỉ thị cho thầy Uyển gửi công văn đến tất cả các trường cấp I, II trong toàn tỉnh thông báo việc làm tốt của thầy trò Trường cấp I Lê Thị Hồng Gấm, phát động ngay phong trào làm “kế hoạch nhỏ” bằng việc thu gom hạt cà phê rơi ở các nông trường (sau đó tôi còn được Ty Giáo dục cho đi báo cáo kinh nghiệm tổ chức buổi lao động ở một số trường nữa. Thầy Uyển qua vụ nầy đã sáng tác được bài hát “Em đi lượm hạt cà phê” rất hay). Lúc ấy tôi chỉ dám xin bác thưởng một bộ trống nghi thức Đội, món quà mà từ lâu thầy trò chúng tôi mơ ước. Sau này mới biết Chủ tịch tỉnh nghe báo cáo của lãnh đạo Nông trường về việc làm nhỏ của trường chúng tôi nên đã kịp thời quan tâm, động viên và chỉ đạo ngành Giáo dục nhân rộng phong trào.
2. Bác Y Ngông đã tham gia sưu tầm, dịch thuật, biên soạn một số sử thi, từng viết bài giới thiệu và phát biểu ở nhiều hội nghị về văn hóa dân gian Tây Nguyên. Bác là người đầu tiên đề nghị đạo diễn Lê Dân làm phim về huyền thoại Đam San. Kịch bản đã xong, chỉ tiếc Bộ Văn hóa – Thông tin không cấp kinh phí để thực hiện.
Ông cũng là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đến năm 1990 cả vùng Tây Nguyên mới có 4 hội viên Trung ương: bác Y Ngông Niê kdam, chị Linh Nga Niê kdam (con gái bác), anh Y Thí Mlô (cán bộ Ty Văn hóa- Thông tin Đăk Lăk) và tôi (lúc ấy là giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột, nay là Trường CĐSP Đắk Lắk). Được sự động viên lẫn thuyết phục cấp trên của bác (khi đó thành lập các hội còn khó lắm), chúng tôi đã tổ chức đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đầu tiên của Tây Nguyên tại Trường CĐSP Buôn Ma Thuột. Tôi được bầu làm Chi hội trưởng. Chúng tôi mang Sổ vàng đến vận động xin kinh phí tổ chức đại hội và hoạt động, bác đã ghi những dòng đầy tâm huyết và tặng 1 triệu đồng. Ngày đại hội, bác đến dự và phát biểu sôi nổi, nhắc nhở thầy trò, nhất là khoa Văn – Sử,  phải làm nòng cốt cho hoạt động của Chi hội, tích cực góp phần gìn giữ, phát huy kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc Tây Nguyên.
Bác yêu mến và tâm huyết với văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đến mức có thể không tiếc thời gian làm việc ở cơ quan lẫn ở nhà. Hễ ai gặp bác mà nói về đề tài này là bác say sưa bàn luận. Bác nhắc chúng tôi – những người nghiên cứu và giảng dạy văn hóa học, dân tộc học, văn học dân gian - rằng: “Các cháu phải đầu tư nghiên cứu xem mẫu hệ Êđê có còn phù hợp với thời đại bây giờ hay không? Điều gì hay, điều gì dở? Từ trong máu thịt, bác thấy nó hết sức thiêng liêng. Bác đặc biệt yêu quý con gái, cháu gái hơn là con trai, cháu trai (cười). Các cháu giải thích điều này thế nào?”…..
Trên các cương vị công tác khác nhau, bác Y Ngông Niê Kdam đều dành thời gian quan tâm và ủng hộ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian, giáo dục và y tế trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Làm hiệu trưởng, bác gợi ý cho Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức các hội thảo khoa học, kêu gọi các nhà khoa học trong và ngoài nước đến hợp tác, giúp đỡ Tây Nguyên...
Nhớ về bác Y Ngông Niê Kdam là nhớ về một nhân cách lớn với hoài bão lớn lao và tính nhân văn sâu sắc.


Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

MẤY CẢM NHẬN TỪ “THÀ CỨ MỘT MÌNH RỒI QUEN” - tác giả THU HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017


Nhà văn - nhà báo THU HƯƠNG


Không giống như những lần trước, đọc một lần cho hết một tập truyện, lần này với “Thà cứ một mình rồi quen” tôi đọc từ từ mỗi ngày vài ba truyện. Tôi làm vậy để thay đổi thói quen thưởng thức của mình. Và rồi, đúng như tôi chờ mong, mỗi ngày tôi lại được nếm trải những cảm xúc, những bất ngờ thú vị từ 20 truyện ngắn mà tác giả Nguyễn Anh Đào giới thiệu trong tập truyện ngắn “Thà cứ một mình rồi quen”.
Đến với tập truyện ngắn “Thà cứ một mình rồi quen” của tác giả Nguyễn Anh Đào, người đọc như cảm nhận được mỗi trang văn là mỗi trang đời. Mỗi một truyện ngắn là một cách thể hiện đầy mới lạ và người đọc không cảm thấy nhàm chán mà chỉ muốn tò mò đọc tiếp các truyện khác để khám phá những bí mật bất ngờ. Theo tôi, thành công trong truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào là đã hòa quyện được các yếu tố: cảm xúc người viết, kịch tính trong câu chuyện và phong cách thể hiện.
Điều tôi thích nhất trong những truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào chính là cảm xúc. Cảm xúc khiến cho tác giả như nhập thân vào nhân vật để vui sướng, hồi hộp, hay khổ đau. Nó khiến cho mỗi câu văn như lay động người đọc. Và, những cảm xúc chân thật đó đã truyền sang người đọc để người đọc đồng cảm nhiều hơn, để rồi cùng khóc với nhân vật như trong truyện “Mảnh vỡ”, “Lao xao hoa mận trắng”, “Thế giới cô đơn”, “Khói bếp mùa xuân”; cùng thổn thức một cảm giác yêu đương mà khắc khoải trong các truyện ngắn “Yêu nhau lần nữa”, “Lửa từ trái tim em” hay cùng chiêm nghiệm về lẽ sống ở đời như “Hư danh”, “Con chim phụng què”...
Những truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào hấp dẫn một phần cũng nhờ tác giả đã tạo ra được những chi tiết và tình huống điển hình, tạo ra được kịch tính và cao trào cho mỗi câu chuyện. Đó là hình ảnh người phụ nữ cứ ngày ngày đi xếp những viên sỏi thành hình trái tim để mong tìm lại được người thân của mình trong truyện ngắn: “Trò chơi định mệnh”; đó là mùi dầu xanh đầy ám ảnh xuất hiện từ đầu cho đến cuối truyện ngắn “Mùi dầu xanh”; đó là hình ảnh người con trai nôn ọe khi bắt gặp mùi của xấu xa, lừa đảo trong truyện ngắn “Mùi trinh nguyên”; vòng hoa giấy trong “Đường mẹ về nhà”; là nồi bánh tét trong “Khói bếp mùa xuân”...
So với các tập truyện trước đây thì tập truyện “Thà cứ một mình rồi quen” đa dạng trong cách thể hiện hơn. Cũng vẫn là những câu chuyện về người phụ nữ nhưng không đơn thuần được kể thông qua nhân vật người vợ, người con mà lần này được kể bằng nhiều nhân vật khác, trong đó có cả người đàn ông. Có thể kể đến truyện ngắn “Mùi dầu xanh”. Nhân vật chính lần này là người đàn ông đang say, một người đàn ông vô tâm nhưng luôn nghĩ mình vĩ đại nhất thế giới và luôn mượn rượu để làm người vĩ đại. truyện này, tác giả đã rất khéo léo và tài tình khai thác tâm lý của một người đàn ông say rượu. Quá khứ với thực tại cứ trộn lẫn, để rồi cuối cùng sau cơn tỉnh rượu, người đàn ông mới nhớ ra hôm nay là ngày giỗ vợ và bò được về đến nhà thì 2 đứa con gái bị bệnh lâu ngày không được chữa trị đã chết. Bi kịch như được đẩy lên đỉnh điểm và kẻ vô tâm ấy đang bị trừng phạt bởi chính lương tâm của mình. Truyện ngắn có thể sẽ khiến ai đó bừng tỉnh ngộ. Xuyên suốt truyện ngắn là mùi dầu xanh đầy ám ảnh và kết thúc là hình ảnh “Cả nước mắt của gã bây giờ, cũng giống như trong đêm mưa hôm qua, nồng một mùi dầu xanh, cay xè”.
Nhiều truyện trong tập truyện được tác giả sử dụng yếu tố hư ảo, ma mị kích thích sự tò mò, hồi hộp như các truyện ngắn “Tái sinh”, “Ngôi sao xanh”, “Hồng nhung không còn gai nhọn”.
Trong Thà cứ một mình rồi quen có nhiều truyện ngắn với những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, dễ thương và có cái kết đẹp, đó là các truyện ngắn “Yêu nhau lần nữa”, “Lửa từ trái tim em”, “Anh sẽ nhận ra em”...
Tập truyện mang nhiều ý nghĩa nhân văn, mỗi truyện ngắn là mỗi trang đời, ở đó tác giả gửi gắm những thông điệp về cuộc sống, để cuộc sống mỗi ngày chúng ta biết trân trọng, biết yêu thương. Chúng ta biết cách để yêu thương một người già: “Người già, dù tha phương nơi nào cũng muốn về nơi mình sinh ra, đều muốn được chết ở đó... Người già, đừng mang họ ra khỏi quê hương”Thế giới cô đơn.
Chúng ta biết cách để chia sẻ với sự bất hạnh của người khác, đem về niềm vui cho họ, bởi khi ai đó vui, chắc chắn mình cũng tìm được hạnh phúc: “Tim bà Thu cũng hết nhói lên rồi, ngực bà cũng hết tức rồi, bà bỏ mấy ngày đi tìm thằng nhỏ, như đi tìm thuốc chữa bệnh cho Bảy. Mà chữa bệnh cho Bảy, khác nào chữa cho bà. Bà chỉ muốn nhìn thấy nụ cười ngờ nghệch đó của Bảy mỗi ngày mà thôi” - Lao xao hoa mận trắng
Cuộc sống chỉ có ý nghĩa tiếp tục khi ta biết rũ bỏ quá khứ đau thương, bất hạnh, mở lòng đón nhận yêu thương: “Cô mang thai sau bao nhiêu năm tưởng rằng không thể. Ngoài kia, những con tàu vẫn đi về sau mỗi chuyến đánh bắt. Nhưng cô đã thôi chờ đợi. Hoàng biết điều đó từ trong ánh mắt cô cười.”- Tái sinh.
Tác giả chia sẻ, mỗi một truyện ngắn trong tập truyện đều bắt nguồn từ những câu chuyện có thật mà tác giả được chứng kiến. Có lẽ nhờ vậy mà các truyện ngắn nhận được nhiều đồng cảm, chia sẻ từ người đọc. Tôi thích tập truyện “Thà cứ một mình rồi quen” hơn các tập truyện trước của tác giả Nguyễn Anh Đào vì sự thể hiện đa dạng hấp dẫn của tác giả. Không còn những bi lụy, đau thương. Niềm khao khát yêu thương được đề cập đến với rất nhiều dáng vẻ làm cho tập truyện hấp dẫn hơn; bởi thế nó chạm được vào trái tim người đọc.




Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

DỌN RẪY - truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - tạp chí NAM NUNG số: 140 tháng 12 năm 2017




Ba mà và mấy người hàng xóm dàn hàng ngang từ phía trước chòi canh, bắt tay vào công việc dọn rẫy, đón mưa chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Người nào cũng hơi khom lưng, vung tay đưa từng nhát cuốc cày lên mặt đất một nhát rất mỏng vừa đủ cắt đứt rễ hất gốc cỏ, gốc lúa héo khô và các loại dây leo mới mọc lên khỏi mặt đất. Người tiến đến đâu, bụi mù bao phủ đến đó, để lại phía sau khoảng đất trống cỏ cây ngã xếp lớp lên nhau. Ngồi trên sàn nhìn mọi người lao động thấy thích lắm, nhưng má phân công làm đầu bếp nên H’Lê Na chỉ biết nhịn thèm thôi, mỗi người một việc mà.
Bắc xoong lên bếp, đổ nước, chụm củi đun để chốc nữa mọi người giải lao có nước uống. Củi trên rẫy nhiều lắm, những gốc cây lâu ngày chết khô được người lớn đánh bật lên, đến lấy mang lại chất đầy bếp. H’Lê Na ra bìa rẫy tìm thêm mấy dây cam thảo, rửa sạch, bỏ vào nồi nước uống cho thơm.
Đang mùa khô, trời trong xanh không một gợn mây. Thỉnh thoảng từng làn gió nhẹ thổi đến xua bớt đi đám bụi đang quấn lấy mọi người. Đám rẫy rộng mênh mông, kéo dài từ ngã ba suối lên đến bìa rừng già. Theo tập quán của người dân tộc Ê đê, mỗi đám rẫy chỉ canh tác ba hoặc bốn vụ rồi bỏ, người ta đi làm rẫy nơi khác để đất nghỉ; vài năm sau mới quay lại làm tiếp. Một gia đình thường có ba bốn cái rẫy như thế, lương thực ăn quanh năm không bao giờ phải lo. Rừng già có nhiều đặc sản quý, trên ấy sẵn sàng chu cấp miễn phí cho con người từ hoa quả đến các loại thực phẩm khác như: măng, nấm, mật ong, thịt, cá… Rừng già nhiều thú là chuyện đương nhiên, nhưng các con suối trong vắt từ các hẻm núi cao chót vót vượt qua bao thác ghềnh mới xuống tới rẫy; vậy mà nơi nào có nước cũng có cá. Cá suối Tây Nguyên nhiều loại, to nhỏ khác nhau và có mùi vị rất đặc biệt, đã ăn một lần là nhớ mãi; mấy người lớn nói với nhau như vậy. H’Lê Na vừa đi ven suối tìm lá nấu nước uống, vừa thầm nghĩ.
*
*    *
-         Kỳ đà, bắt, bắt lấy!
Tiếng má reo lên, ba và mấy người đàn ông chạy ào ào như bị voi đuổi, thỉnh thoảng có người lao lên, nằm sấp xuống, hai tay chộp gốc rạ; có người đang chạy vướng dây ngã úp mặt xuống. Tiếng má và cánh phụ nữ hò hét động viên, còn cánh đàn ông hăng hái thay nhau… vồ. Con kỳ đà bị đuổi, nhằm hướng suối chạy xuống vô tình chạy thẳng lại bên cạnh H’Lê Na. Cái đầu con kỳ đà to như cổ tay người lớn, đầu nhọn như đầu rắn, mồm há to, có chiếc lưỡi màu tím lè ra, thụt vào như muốn nhát người. Nó chạy rất nhanh, đầu ngửng cao, thân uốn lượn như sóng kéo lê chiếc đuôi dài hơn cả sải tay. Đang cố chạy để tránh đám người đuổi bắt phía sau, bất ngờ gặp H’Lê Na nó hình như giật mình, đứng khựng lại. Có lẽ chỉ chờ có thế ama(1) Sơn lao cả người định nằm đè con kỳ đà, nó uốn cái đuôi như hình sóng lượn rồi tung lên… Ama Sơn nằm lăn ra đất, tay trái nắm lấy tay phải tỏ vẻ đau đớn sau khi bị con kỳ đà dùng đuôi đánh trúng. Con kỳ đà chạy sát chân H’Lê Na rồi lao xuống suối nghe một tiếng… ùm.
Mọi người nhìn nhau tiếc rẻ, ama Sơn đứng dậy bảo:
-         Phải đến hai chục ký đấy, nó khỏe quá. Sao H’Lê Na không bắt?
-         Nó dài hơn cháu nhiều nhiều mà.
Mọi người cười ầm lên, má liếc ba rồi nói:
-                 Đàn ông hôm nay nhanh nhẹn như con rùa núi chạy thi ấy nhỉ, lần sau tránh ra để chị em tôi bắt cho nhé.
Phụ nữ được dịp cười ầm lên, còn đám đàn ông lè lưỡi không ai nói gì. Mọi người lại vui vẻ tiếp tục dọn rẫy. H’Lê Na tủm tỉm cười, tự nhủ: “lúc nãy nếu mình dẫm lên lưng con kỳ đà chắc chắn tóm được nó rồi, nhưng con vật đẹp thế, ai nỡ bắt làm thịt cơ chứ”. Đang định mang nắm lá quay lại chòi canh rẫy, bỗng H’Lê Na đứng khựng lại, sững sốt nhìn. Con kỳ đà đang chậm rãi từng bước một ôm cây đa leo lên. Cây đa to đến ba người ôm, vậy mà nó đủng đỉnh dùng móng sắc nơi bàn chân cắm vào vỏ cây để leo. Cách leo cũng ra vẻ làm dáng, cứ uốn xương sống, cong bên này, vẹo bên kia leo cao mãi đến gần ngọn mới rẽ ngang qua một cành nhỏ, nằm lên trên thả cả bốn chân treo lũng lẵng xuống phái dưới. Tia nắng mặt trời chiếu vào những tấm vảy nhỏ như hạt tấm, màu nâu vàng phát ra màu óng ánh như gương trông dễ thương quá. Chắc nó đến cảm ơn mình lúc nãy không bắt đây – H’Lê Na nghĩ vậy.
*
*   *
Mặt trời đứng bóng, mọi người ngừng công việc xuống suối rửa tay chuẩn bị ăn cơm trưa. Bất chợt ama Sơn reo lên:
-         Con kỳ đà, con kỳ đà khi nãy đây rồi!
-         Đâu, đâu?
Mấy người đàn ông nhốn nháo cả lên chạy lại bên gốc cây đa, nhìn theo hướng ama Sơn chỉ. Con kỳ đà vẫn thản nhiên nằm phơi nắng như đang ngủ để mặc cánh đàn ông bàn tán phía dưới. Ama H’Ri sống hơn bốn chục mùa rẫy, tỏ vẻ băn khoăn:
-         Làm cách gì tóm nó đây?
-                 Tất cả mọi xuống suối đứng, còn ama Sơn chặt le nối lại thành cây sào, thọc vào chân cho nó sợ nhảy xuống suối chắc chắn ta bắt được.
Ama Thanh hiến kế, mọi người gật gù đồng ý. Ama Sơn còn trẻ, lại nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhất đám đàn ông hôm nay đi rẫy, nhìn ngọn cây đa rồi bảo:
-                 Chắc nó đang ngủ, để tôi leo lên thòng dây vào cổ nó cột lại thì mới chắc ăn, trả cú đánh lúc nãy.
-         Hay đấy, làm đi!
Ama H’Ri tán đồng rồi chạy đi chặt một cành le dài hơn hai sải tay, đầu ngọn le thắt một sợi dây nhỏ hình thòng lọng đưa cho ama Sơn. Ama Sơn buộc đầu cây le vào lưng quần rồi bám đám dây leo phía đối diện có cành cây con kỳ đà đang ngủ leo lên. Những người đàn ông còn lại chạy xuống suối dứng chờ sẵn, nhiều người đứng nước ngập đến háng. Mấy người phụ nữ thấy vậy cũng kéo nhau ra đứng bên gốc cây đa xem. Mọi người nín thở nhìn ama Sơn đu đám dây, leo lên cành cây phía trên con kỳ đà đang nằm; rất nhẹ nhàng ngồi dựa vào thân cây đa, chỉnh lại thòng lọng cho cân đối rồi từ từ, rất từ từ đẩy cây le lại gần con kỳ đà.
H’Lê Na đứng dưới đất nhìn lên trong đầu cầu xin Yang có phép màu nhiệm để con kỳ đà thức giấc chạy trốn, nhưng nó vẫn ngủ.  Làm sao bây giờ, có cách gì cứu được nó mà mọi người không mắng mình đây – H’Lê Na băn khoăn tự hỏi mà chưa biết phải làm thế nào. Mọi người đều căng mắt nhìn, lặng im. Hình như ai cũng không dám thở mạnh sợ đánh thức con kỳ đà. Đầu cây le buộc chiếc thòng lọng được đẩy dần lên trên cổ, rồi lên trên đầu… chỉ hạ thấp dây một chút nữa và kéo ngược ra phía sau sẽ tóm gọn. Con kỳ đà vẫn nằm im.
-         A, tóm được kỳ đà rồi, hoan hô ama Sơn!
Bất ngờ, H’Lê Na hét toáng lên, nhanh tay túm sợi dây leo có ngọn quấn đầu cành cây con kỳ đà đang nằm giật mạnh. Cùng lúc ama Sơn giật vội cành le, chiếc thòng lọng trượt qua đầu con kỳ đà. Chắc nó giật mình, từ trên cao đến gần hai chục sải tay lao xuống suối như bay; bốn chân giang ra, chiếc đuôi dài uốn cong, vẻ những đường trong không gian như dấu hỏi. Ầm, con kỳ đà rơi cách chỗ mấy người đàn ông đứng chỉ hơn một sải tay. Họ vội lao lại để bắt, nhưng mấy cái đầu va vào nhau chìm vào nước ướt sũng, còn con kỳ đà lặn mất tăm. Đám phụ nữ trên bờ được dịp vỗ tay reo hò:
-         Giỏi quá, giỏi quá!
-         Tại H’Lê Na kêu không tôi tóm được rồi!
Ama Sơn tụt xuống đất đi lại bên mấy người phụ nữ nói với giọng bực bội, H’Lê Na vội thanh minh:
-         Ô, tại cháu thấy chú bắt được rồi nên mừng quá đấy ạ.
-         Người Kinh có câu: “Vụng múa lại chê đất lệch”, kém thì nhận đi sao lại đổ lỗi cho cháu tôi thế?
Ami(2) Sơn lên tiếng bênh cháu làm mọi người lại được dịp cười rộ lên. H’Lê Na cười vui hết cỡ vì đã giúp con kỳ đà thoát nạn; bụng thầm nghĩ: Sao người lớn chỉ thích nhậu thôi, không thấy vẻ đẹp của nó nhỉ. Xa xa nơi chân núi tiếng chim công bất chợt vang lên: T… ố… hộ, T… ố… hộ. như chúc mừng.
Ami H’Lê Na đứng trên chòi canh rẫy kêu lớn:
-         Mời mọi người lại ăn cơm không nguội hết rồi!



Chú thích:
1.      Ama Sơn – ba thằng Sơn: tiếng Ê đê;
2.      Ami Sơn – má thàng Sơn: tiếng Ê đê;