Ba
mà và mấy người hàng xóm dàn hàng ngang từ phía trước chòi canh, bắt tay vào công
việc dọn rẫy, đón mưa chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Người nào cũng hơi khom
lưng, vung tay đưa từng nhát cuốc cày lên mặt đất một nhát rất mỏng vừa đủ cắt
đứt rễ hất gốc cỏ, gốc lúa héo khô và các loại dây leo mới mọc lên khỏi mặt đất.
Người tiến đến đâu, bụi mù bao phủ đến đó, để lại phía sau khoảng đất trống cỏ
cây ngã xếp lớp lên nhau. Ngồi trên sàn nhìn mọi người lao động thấy thích lắm,
nhưng má phân công làm đầu bếp nên H’Lê Na chỉ biết nhịn thèm thôi, mỗi người một
việc mà.
Bắc
xoong lên bếp, đổ nước, chụm củi đun để chốc nữa mọi người giải lao có nước uống.
Củi trên rẫy nhiều lắm, những gốc cây lâu ngày chết khô được người lớn đánh bật
lên, đến lấy mang lại chất đầy bếp. H’Lê Na ra bìa rẫy tìm thêm mấy dây cam thảo,
rửa sạch, bỏ vào nồi nước uống cho thơm.
Đang
mùa khô, trời trong xanh không một gợn mây. Thỉnh thoảng từng làn gió nhẹ thổi
đến xua bớt đi đám bụi đang quấn lấy mọi người. Đám rẫy rộng mênh mông, kéo dài
từ ngã ba suối lên đến bìa rừng già. Theo tập quán của người dân tộc Ê đê, mỗi
đám rẫy chỉ canh tác ba hoặc bốn vụ rồi bỏ, người ta đi làm rẫy nơi khác để đất
nghỉ; vài năm sau mới quay lại làm tiếp. Một gia đình thường có ba bốn cái rẫy
như thế, lương thực ăn quanh năm không bao giờ phải lo. Rừng già có nhiều đặc sản
quý, trên ấy sẵn sàng chu cấp miễn phí cho con người từ hoa quả đến các loại thực
phẩm khác như: măng, nấm, mật ong, thịt, cá… Rừng già nhiều thú là chuyện đương
nhiên, nhưng các con suối trong vắt từ các hẻm núi cao chót vót vượt qua bao
thác ghềnh mới xuống tới rẫy; vậy mà nơi nào có nước cũng có cá. Cá suối Tây
Nguyên nhiều loại, to nhỏ khác nhau và có mùi vị rất đặc biệt, đã ăn một lần là
nhớ mãi; mấy người lớn nói với nhau như vậy. H’Lê Na vừa đi ven suối tìm lá nấu
nước uống, vừa thầm nghĩ.
*
* *
-
Kỳ đà, bắt, bắt lấy!
Tiếng
má reo lên, ba và mấy người đàn ông chạy ào ào như bị voi đuổi, thỉnh thoảng có
người lao lên, nằm sấp xuống, hai tay chộp gốc rạ; có người đang chạy vướng dây
ngã úp mặt xuống. Tiếng má và cánh phụ nữ hò hét động viên, còn cánh đàn ông
hăng hái thay nhau… vồ. Con kỳ đà bị đuổi, nhằm hướng suối chạy xuống vô tình
chạy thẳng lại bên cạnh H’Lê Na. Cái đầu con kỳ đà to như cổ tay người lớn, đầu
nhọn như đầu rắn, mồm há to, có chiếc lưỡi màu tím lè ra, thụt vào như muốn
nhát người. Nó chạy rất nhanh, đầu ngửng cao, thân uốn lượn như sóng kéo lê chiếc
đuôi dài hơn cả sải tay. Đang cố chạy để tránh đám người đuổi bắt phía sau, bất
ngờ gặp H’Lê Na nó hình như giật mình, đứng khựng lại. Có lẽ chỉ chờ có thế ama(1)
Sơn lao cả người định nằm đè con kỳ đà, nó uốn cái đuôi như hình sóng lượn rồi
tung lên… Ama Sơn nằm lăn ra đất, tay trái nắm lấy tay phải tỏ vẻ đau đớn sau
khi bị con kỳ đà dùng đuôi đánh trúng. Con kỳ đà chạy sát chân H’Lê Na rồi lao
xuống suối nghe một tiếng… ùm.
Mọi
người nhìn nhau tiếc rẻ, ama Sơn đứng dậy bảo:
-
Phải đến hai chục ký
đấy, nó khỏe quá. Sao H’Lê Na không bắt?
-
Nó dài hơn cháu nhiều
nhiều mà.
Mọi người cười ầm lên, má liếc ba rồi nói:
-
Đàn ông hôm nay
nhanh nhẹn như con rùa núi chạy thi ấy nhỉ, lần sau tránh ra để chị em tôi bắt
cho nhé.
Phụ
nữ được dịp cười ầm lên, còn đám đàn ông lè lưỡi không ai nói gì. Mọi người lại
vui vẻ tiếp tục dọn rẫy. H’Lê Na tủm tỉm cười, tự nhủ: “lúc nãy nếu mình dẫm
lên lưng con kỳ đà chắc chắn tóm được nó rồi, nhưng con vật đẹp thế, ai nỡ bắt
làm thịt cơ chứ”. Đang định mang nắm lá quay lại chòi canh rẫy, bỗng H’Lê Na đứng
khựng lại, sững sốt nhìn. Con kỳ đà đang chậm rãi từng bước một ôm cây đa leo
lên. Cây đa to đến ba người ôm, vậy mà nó đủng đỉnh dùng móng sắc nơi bàn chân
cắm vào vỏ cây để leo. Cách leo cũng ra vẻ làm dáng, cứ uốn xương sống, cong
bên này, vẹo bên kia leo cao mãi đến gần ngọn mới rẽ ngang qua một cành nhỏ, nằm
lên trên thả cả bốn chân treo lũng lẵng xuống phái dưới. Tia nắng mặt trời chiếu
vào những tấm vảy nhỏ như hạt tấm, màu nâu vàng phát ra màu óng ánh như gương
trông dễ thương quá. Chắc nó đến cảm ơn mình lúc nãy không bắt đây – H’Lê Na
nghĩ vậy.
*
* *
Mặt
trời đứng bóng, mọi người ngừng công việc xuống suối rửa tay chuẩn bị ăn cơm
trưa. Bất chợt ama Sơn reo lên:
-
Con kỳ đà, con kỳ đà
khi nãy đây rồi!
-
Đâu, đâu?
Mấy
người đàn ông nhốn nháo cả lên chạy lại bên gốc cây đa, nhìn theo hướng ama Sơn
chỉ. Con kỳ đà vẫn thản nhiên nằm phơi nắng như đang ngủ để mặc cánh đàn ông
bàn tán phía dưới. Ama H’Ri sống hơn bốn chục mùa rẫy, tỏ vẻ băn khoăn:
-
Làm cách gì tóm nó
đây?
-
Tất cả mọi xuống suối
đứng, còn ama Sơn chặt le nối lại thành cây sào, thọc vào chân cho nó sợ nhảy
xuống suối chắc chắn ta bắt được.
Ama
Thanh hiến kế, mọi người gật gù đồng ý. Ama Sơn còn trẻ, lại nhanh nhẹn, khỏe mạnh
nhất đám đàn ông hôm nay đi rẫy, nhìn ngọn cây đa rồi bảo:
-
Chắc nó đang ngủ, để
tôi leo lên thòng dây vào cổ nó cột lại thì mới chắc ăn, trả cú đánh lúc nãy.
-
Hay đấy, làm đi!
Ama
H’Ri tán đồng rồi chạy đi chặt một cành le dài hơn hai sải tay, đầu ngọn le thắt
một sợi dây nhỏ hình thòng lọng đưa cho ama Sơn. Ama Sơn buộc đầu cây le vào
lưng quần rồi bám đám dây leo phía đối diện có cành cây con kỳ đà đang ngủ leo
lên. Những người đàn ông còn lại chạy xuống suối dứng chờ sẵn, nhiều người đứng
nước ngập đến háng. Mấy người phụ nữ thấy vậy cũng kéo nhau ra đứng bên gốc cây
đa xem. Mọi người nín thở nhìn ama Sơn đu đám dây, leo lên cành cây phía trên
con kỳ đà đang nằm; rất nhẹ nhàng ngồi dựa vào thân cây đa, chỉnh lại thòng lọng
cho cân đối rồi từ từ, rất từ từ đẩy cây le lại gần con kỳ đà.
H’Lê
Na đứng dưới đất nhìn lên trong đầu cầu xin Yang có phép màu nhiệm để con kỳ đà
thức giấc chạy trốn, nhưng nó vẫn ngủ.
Làm sao bây giờ, có cách gì cứu được nó mà mọi người không mắng mình đây
– H’Lê Na băn khoăn tự hỏi mà chưa biết phải làm thế nào. Mọi người đều căng mắt
nhìn, lặng im. Hình như ai cũng không dám thở mạnh sợ đánh thức con kỳ đà. Đầu
cây le buộc chiếc thòng lọng được đẩy dần lên trên cổ, rồi lên trên đầu… chỉ hạ
thấp dây một chút nữa và kéo ngược ra phía sau sẽ tóm gọn. Con kỳ đà vẫn nằm
im.
-
A, tóm được kỳ đà rồi,
hoan hô ama Sơn!
Bất
ngờ, H’Lê Na hét toáng lên, nhanh tay túm sợi dây leo có ngọn quấn đầu cành cây
con kỳ đà đang nằm giật mạnh. Cùng lúc ama Sơn giật vội cành le, chiếc thòng lọng
trượt qua đầu con kỳ đà. Chắc nó giật mình, từ trên cao đến gần hai chục sải
tay lao xuống suối như bay; bốn chân giang ra, chiếc đuôi dài uốn cong, vẻ những
đường trong không gian như dấu hỏi. Ầm, con kỳ đà rơi cách chỗ mấy người đàn
ông đứng chỉ hơn một sải tay. Họ vội lao lại để bắt, nhưng mấy cái đầu va vào
nhau chìm vào nước ướt sũng, còn con kỳ đà lặn mất tăm. Đám phụ nữ trên bờ được
dịp vỗ tay reo hò:
-
Giỏi quá, giỏi quá!
-
Tại H’Lê Na kêu
không tôi tóm được rồi!
Ama Sơn tụt xuống đất đi lại bên mấy người phụ nữ nói với
giọng bực bội, H’Lê Na vội thanh minh:
-
Ô, tại cháu thấy chú
bắt được rồi nên mừng quá đấy ạ.
-
Người Kinh có câu: “Vụng
múa lại chê đất lệch”, kém thì nhận đi sao lại đổ lỗi cho cháu tôi thế?
Ami(2)
Sơn lên tiếng bênh cháu làm mọi người lại được dịp cười rộ lên. H’Lê Na cười
vui hết cỡ vì đã giúp con kỳ đà thoát nạn; bụng thầm nghĩ: Sao người lớn chỉ
thích nhậu thôi, không thấy vẻ đẹp của nó nhỉ. Xa xa nơi chân núi tiếng chim
công bất chợt vang lên: T… ố… hộ, T… ố… hộ. như chúc mừng.
Ami
H’Lê Na đứng trên chòi canh rẫy kêu lớn:
-
Mời mọi người lại ăn
cơm không nguội hết rồi!
Chú thích:
1.
Ama Sơn – ba thằng
Sơn: tiếng Ê đê;
2.
Ami Sơn – má thàng
Sơn: tiếng Ê đê;
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI