Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

NGUYỄN KHUYẾN - XANH THẲM MỘT HỒN THU - tác giả LÊ THÀNH - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017



(Đọc Thu điếu của Nguyễn Khuyến, SGK Ngữ văn 11)


Nguyễn Khuyến viết ba bài thơ thu vào loại tuyệt bút có lẽ sau khi đã cáo quan về "vườn Bùi chốn cũ" năm 1884. Sau hơn mười năm bôn ba chốn quan trường "hàng thần lơ láo phận mình ra chi" (Nguyễn Du), cụ Tam Nguyên lui gót về quê dạy học và sống cuộc đời thanh bần lạc đạo. Chính lúc này đây, khi buông bỏ tất cả hư danh đeo bám đời sống từ thuở còn là một nho sinh, hồn thơ Nguyễn Khuyến mới thực sự cất cánh reo ca cùng làng quê yêu dấu. Trong ba thi phẩm mùa thu: Thu vịnh (Vịnh cảnh mùa thu), Thu điếu (Câu cá mùa thu) và Thu ẩm (Uống rượu mùa thu), theo nhà thơ Xuân Diệu thì "Thu điếu điển hình hơn cả cho mùa thu làng cảnh Việt Nam".
Mùa thu là đề tài muôn thuở của thi ca nói chung và trong vườn thơ Việt nói riêng. Ở miền Bắc, thời tiết khắc nghiệt, mùa hạ nắng nóng, mùa đông lạnh lẽo, duy chỉ có mùa thu là dịu dàng, mang vẻ đẹp thăng hoa của thiên nhiên ban tặng. Nguyễn Khuyến chọn khoảng thời gian gần như đẹp nhất trong năm để phô diễn hồn mình bằng một cái nhìn tinh tế trước cảnh sắc mùa thu, đồng thời qua đó gởi gắm tâm trạng của một thi nhân trước tình cảnh đất nước rơi vào tay giặc. Thật vậy, nỗi niềm ấy lớn lao và cao đẹp biết dường nào!
Thu điếu làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng rất giàu cá tính sáng tạo. Do đó, đọc và cảm bài thơ này, ta cũng không theo cái nhất nhất quen thuộc bấy nay. Chuyện đề, thực, luận, kết đã là một lẽ; song phải uyển chuyển để cảm nhận bút pháp tinh tế của nhà thơ khi miêu tả cảnh sắc mùa thu qua âm thanh, màu sắc, đường nét, nhất là cái điệu tình thu, tâm sự mùa thu ẩn giấu phía hồn người.
Cùng với Thu vịnhThu ẩm, Nguyễn Khuyến viết Thu điếu quá tự nhiên khi cảm xúc nhà thơ đã trào dâng mãnh liệt. Ngòi bút thi nhân dường như không kìm nén được cảm xúc đang độ thăng hoa. Do vậy, ta để ý thì thấy sáu câu thơ đầu hoàn toàn tác giả miêu tả cảnh sắc mùa thu nơi đồng bằng Bắc bộ, đến hai câu kết bài mới phảng phất một chút tâm sự ngậm ngùi, bâng khuâng trước tình nhà nợ nước khi chiếc cần câu buông nơi ao chuôm nhỏ khẽ lay qua tiếng "cá đâu đớp động dưới chân bèo". Từ đó, tất cả bỗng òa vỡ trong lặng lẽ và chan chứa nỗi niềm của một hồn thu xanh thẳm mênh mang.
Trước tiên, hai câu thơ đầu mở ra một không gian nghệ thuật mà điểm tựa hiện thực là khung cảnh đồng bằng Bắc bộ vào độ thu sang. Giữa làn nước ao thu lạnh lẽo là một chiếc thuyền câu "bé tẻo teo", có một ông lão buông cần câu giữa bốn bề thinh lặng, và chỉ chừng đó những nét vẽ đơn sơ, mộc mạc mà đẹp đến mê hồn:
Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Hai câu thơ đâu chỉ đơn thuần tác giả miêu tả hình ảnh làn nước lạnh lẽo biếc xanh và con thuyền câu bé nhỏ giữa ao cá mùa thu. Ở câu đầu bài thơ, hai tính từ "lạnh lẽo", "trong veo" thật gợi. "Lạnh lẽo" giúp người đọc cảm được cái rét mướt buổi thu về. "Trong veo" là để chỉ làn nước ở trong ao trong lắm, có thể nhìn thấu tận đáy. Người thực lòng muốn đi câu cá để kiếm cái ăn hay bán mua đắp đổi cuộc sống hằng ngày mấy ai chọn nước ao kiểu này mà câu, "trong veo" thế liệu có cá hay không nhỉ? Vậy đó, bao nhiêu là nghi ngại cho một cuộc đi câu của Nguyễn Khuyễn ngay từ khi mới dạo bước vào hai câu có tính mở đầu mà Nguyễn Khuyến gợi tả. Thú vị nữa là âm điệu của vần "eo" mà tác giả gieo ở câu 1 và câu 2 quả thật nó rất phát huy hiệu quả nghệ thuật. Chính cái âm khép miệng "eo" này đã làm cho các sự vật miêu tả thu nhỏ hẳn đi: một cái ao chuôm nhỏ bé, con thuyền câu vì thế cũng "bé tẻo teo" và người đi câu cũng trở nên cô đơn, bé nhỏ hơn bao giờ hết.
Ban đầu, Nguyễn Khuyến quan sát cảnh thu từ điểm nhìn nghệ thuật rất gần, ngay ở trong cái ao câu thôi, đến hai câu thơ tiếp theo, tác giả mới đưa tầm mắt ra xa hơn, cao hơn để đón nhận vẻ đẹp của mùa thu dịu lành qua làn nước khẽ khàng lay động cùng chiếc lá mùa thu chao cánh bay:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tý
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Lâu nay cảm nhận hai câu thơ này, người ta thích thú nhất là nghệ thuật đối rất chỉnh, rất tài hoa của thi hào Nguyễn Khuyến. Một làn sóng biếc đối với một chiếc lá vàng, sự lan tỏa nhẹ nhàng của làn nước biếc xanh đối với sự lay động khẽ khàng của chiếc lá vàng thu rụng. Âm thanh và màu sắc của thiên nhiên, thị giác và thính giác của thi nhân như cũng lặng lẽ thu nhận về nhau để hòa điệu cùng với đất trời dịu vợi. Người đọc có cảm giác như nhà thơ đang trên chiếc thuyền câu mà tâm hồn thì đang nhẹ trôi theo làn nước biếc, hay đang bay theo vũ điệu của chiếc lá thu phai. Hóa ra, cái cảnh nước thu "trong veo" rất hợp với lão ngư phủ kỳ lạ này, tất cả cứ chơi vơi, dịu nhẹ, thanh thoát đến vô cùng. Nhờ đó, cảnh sắc mùa thu đạt đến vẻ đẹp cực điểm, từ âm thanh, màu sắc cho đến những khẽ khàng thanh âm lay động hồn người.
Đến hai câu thơ luận, bằng điểm nhìn nghệ thuật bao quát rộng lớn hơn, nhà thơ đã phóng chiếu tầm mắt của mình đến khoảng không vời vợi của bầu trời xanh ngắt. Có lẽ, từ chiếc lá vàng rơi ở câu thơ thứ 4, điểm nhìn của tác giả mới có điều kiện quan sát lên cao hơn, lên cao nữa mà bắt gặp tầng mây lơ lửng giữa bầu trời xanh ngắt:
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Trong sáng và thanh thoát nhất của bức tranh thu phải kể đến hai câu thơ này. Bầu trời xanh ngắt mở ra một không gian bao la vô tận làm xao xuyến hồn người trong buổi thu sang. Chữ "ngắt" thanh trắc (T) lại đặt ở cuối câu có cảm tưởng thi nhân đã đẩy bầu trời vút lên cao mãi. Hình ảnh bầu trời "xanh ngắt" này ta đã bắt gặp trong cả ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến như một ám ảnh. Thu vịnh với "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao", Thu ẩm lại "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt" và đến Thu điếu là "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt". Chính cái màu "xanh ngắt" thăm thẳm vô cùng, cao sâu vô tận ấy như một nỗi niềm không dễ đoán định. Nguyễn Khuyến tả cảnh mà ngụ tình tài hoa là ở chỗ ấy. Thêm nữa, những cụm mây mùa thu lửng lờ trôi tạo cảm giác xa vắng huyền hồ, tất cả chỉ nằm trong cảm giác khẽ khàng và lặng lẽ. Nhìn vào không gian làng mạc, tất cả cũng vắng bóng người, chỉ còn những ngõ trúc tiếp nối nhau quanh co chạy mãi. Hóa ra, mùa thu đẹp quá nhưng lại u buồn vì thiếu vắng thanh âm, tất cả chỉ lay động tế vi qua cõi hồn thi nhân đang chìm đắm vào cảnh vật cùng nỗi niềm suy tư lặng lẽ.
Tóm lại, sáu câu đầu trong bài thơ Thu điếu miêu thuật lại một bức tranh thu rất đẹp của đồng bằng Bắc bộ từ một điểm nhìn của tác giả. Điều đặc biệt ở đây là sắc thu không úa vàng rơi rụng mà bao trùm là một màu xanh mênh mang trải rộng qua nhiều chiều của không gian thu. Màu xanh của sóng biếc, màu xanh của bầu trời, màu xanh của ngõ trúc quanh co, màu xanh của cần câu buông xuống..., đẹp thay là hình ảnh chiếc lá vàng sẽ sàng bay ngang trước gió như một gam màu độc đáo để phô diễn sắc thu. Âm thanh trong sáu câu thơ cũng huyền hồ, xa vắng như chính tiếng thu lặng lẽ chạm xuống cõi hồng trần. Tâm hồn thi nhân đang lắng sâu vào vô tận khiến cho mùa thu mang một vẻ đẹp man mác, song vẫn gần gũi với tâm hồn con người Việt Nam trước mùa thu xứ Bắc.
Nếu như sáu câu thơ trên là cảnh mùa thu được phả vào đó chút ít nỗi niềm tâm sự của thi nhân thì đến hai câu thơ cuối bài, tình thu mới thực sự ngân vang qua nỗi đợi chờ của người đang "buông cần lâu chẳng được". Tiếng cá đớp động như đánh thức người đi câu trở về với thực tại đau buồn của đất nước:
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Người câu cá "tựa gối buông cần lâu chẳng được" ấy vốn là một ông quan to trong triều Nguyễn nhưng đã lặng lẽ từ quan, né chốn hư danh để tìm về với bờ ao khóm trúc. Tiếng cá đớp động đã làm cho ông già Yên Đổ đang đắm chìm trong cảnh sắc mùa thu phải giật mình sực tỉnh mà nhận ra một thực tại đau buồn của đất nước đang bị ngoại bang xâm lược. Hóa ra, "đau đời, có tránh được đời đâu" (Huy Cận) như nghiệp dĩ của một tâm hồn yêu nước thiết tha, thầm kín. Thảo nào giữa cảnh sắc mùa thu, hồn thơ Nguyễn Khuyến vẫn thâm trầm và kín đáo với đất nước, quê hương.
Bài thơ Thu điếu là một thi phẩm đặc sắc nằm trong chùm thơ thu "nức danh" của Nguyễn Khuyến. Bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, lấy tĩnh tả động, ý ở ngoài lời... đã thực sự mê đắm lòng người suốt bao nhiêu thế hệ. Mỗi lần mùa thu trở về chạm ngõ bâng khuâng, ta lại lắng nghe hồn thơ thu Nguyễn Khuyến trào dâng tha thiết, xanh thẳm một điệu tình riêng.
Logo Giới thiệu-PB-NC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI