Đã có rất
nhiều người viết về bác sỹ Y Ngông Niê kdam, chẳng những sau khi ông qua đời, mà
sinh thời ông đã được nhiều người ca ngợi. Theo tôi, ông như một nhân vật huyền
thoại, như một cây đại thụ, một con hổ oai hùng, một chú voi khổng lồ của đại
ngàn Tây Nguyên. Tôi có may mắn và hạnh phúc lớn khi được ông quan tâm, thương
yêu, động viên trong công việc chia sẻ với tôi những điều ông mơ ước, tâm huyết
của cả đời ông: Làm sao để các dân tộc Tây Nguyên nhanh chóng hết đói cơm, đói
chữ, đẩy lùi bệnh tật, nền văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn và phát
huy…
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan
trọng, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Hiệu trưởng trường Học sinh dân tộc
miền Nam, Giám đốc Khu học xá học sinh miền Nam tại Quế Lâm (Trung Quốc), Thứ
trưởng Bộ Giáo dục, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội 9 khóa liền
(từ khóa I đến khóa IX), Chủ tịch UBND rồi Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Hiệu trưởng
Trường Đại học Tây Nguyên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội… Nhân kỷ niệm
95 năm ngày sinh của ông (1922-2017), nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin kể một
vài kỷ niệm về ông – bác Y Ngông Niê kdam – tôi muốn được gọi ông như thế - như
một nén nhang thơm gửi tới bác nơi vĩnh hằng.
1. Năm 1979, tôi là Hiệu trưởng
Trường cấp I Lê Thị Hồng Gấm, thuộc Thị xã Buôn Ma Thuột. Hưởng ứng phong trào
“Em làm kế hoạch nhỏ” của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh hồi ấy, nhà trường
tổ chức cho các em học sinh các khối lớp 3, 4 và 5 đi lượm cà phê rơi vãi ở Nông
trường 10 tháng 3. Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng khoảng 800 học
sinh của trường chọn ngày chủ nhật để gióng trống, mở cờ ra quân. Từ trường đến
lô cà phê gần 10km, cả thầy trò đều đi bộ. Suốt dọc đường các “ca sỹ vườn” dùng
loa cầm tay hát động viên. Ai nấy đều vui vẻ, hồ hởi, quên cả mệt nhọc. Lãnh đạo
Nông trường rất mừng khi trường chúng tôi nghĩ ra việc làm có ích này. Họ cử người
hướng dẫn các địa điểm đã thu hái xong có nhiều hạt rơi rớt. Có nhiều khi trái
chín chưa kịp hái nên rụng xuống, trái bị chim, sóc, chồn... ăn, một phần do công
nhân hái nhưng tuốt cành bị văng khỏi bao tải hay tấm bạt. Số hạt rụng ấy thường
bị vùi lấp dưới gốc, bên trên là lớp lá mục, phải bới lên mới lượm được. Sau một
ngày tích cực làm việc, thầy trò chúng tôi giao nộp lại Nông trường hơn 2 tạ trái
cà phê khô và hơn 8 tạ trái tươi. Lãnh đạo Nông trường biểu dương ngay tại chỗ.
Chúng tôi vô cùng phấn khởi vì đã góp phần giáo dục tình yêu lao động cho thầy
và trò, đặc biệt là giáo dục tính thật thà cho các em. Hễ nhặt được bao nhiêu,
các em đều tự giác nộp hết cho Nông trường, tuyệt đối không tham, không giấu để
đưa về nhà (khi ấy giá cà phê rất đắt).
Ba ngày sau đó tôi được UBND tỉnh
triệu tập. Tôi vô cùng hồi hộp và lo lắng, không biết có việc gì với trường hoặc
với cá nhân mình đây? Đích thân bác Y Ngông
(khi ấy là Chủ tịch) tiếp tại văn phòng, cùng thầy Phan Văn Uyển, Phó trưởng Ty
Giáo dục. Tôi bước vào, bác đến gần, bắt tay rồi ôm chặt tôi vào lòng. Ông cười
vang sảng khoái “Cháu giỏi lắm! Muốn được thưởng cái gì nào?” Tôi đi từ ngạc
nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi chưa hiểu sao bác lại khen mình? Phần nữa vì
bác, một con người nổi tiếng với địa vị cao như thế, sao lại quá đỗi dân dã, giản
dị và tình cảm thế? Bác biểu dương việc làm của thầy trò chúng tôi vừa qua, chỉ
thị cho thầy Uyển gửi công văn đến tất cả các trường cấp I, II trong toàn tỉnh
thông báo việc làm tốt của thầy trò Trường cấp I Lê Thị Hồng Gấm, phát động
ngay phong trào làm “kế hoạch nhỏ” bằng việc thu gom hạt cà phê rơi ở các nông trường
(sau đó tôi còn được Ty Giáo dục cho đi báo cáo kinh nghiệm tổ chức buổi lao động
ở một số trường nữa. Thầy Uyển qua vụ nầy đã sáng tác được bài hát “Em đi lượm
hạt cà phê” rất hay). Lúc ấy tôi chỉ dám xin bác thưởng một bộ trống nghi thức Đội,
món quà mà từ lâu thầy trò chúng tôi mơ ước. Sau này mới biết Chủ tịch tỉnh
nghe báo cáo của lãnh đạo Nông trường về việc làm nhỏ của trường chúng tôi nên đã
kịp thời quan tâm, động viên và chỉ đạo ngành Giáo dục nhân rộng phong trào.
2. Bác Y Ngông đã tham gia sưu tầm,
dịch thuật, biên soạn một số sử thi, từng viết bài giới thiệu và phát biểu ở
nhiều hội nghị về văn hóa dân gian Tây Nguyên. Bác là người đầu tiên đề nghị đạo
diễn Lê Dân làm phim về huyền thoại Đam San. Kịch bản đã xong, chỉ tiếc Bộ Văn
hóa – Thông tin không cấp kinh phí để thực hiện.
Ông cũng là một trong những hội
viên đầu tiên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam . Đến năm 1990 cả vùng Tây Nguyên
mới có 4 hội viên Trung ương: bác Y Ngông Niê kdam, chị Linh Nga Niê kdam (con
gái bác), anh Y Thí Mlô (cán bộ Ty Văn hóa- Thông tin Đăk Lăk) và tôi (lúc ấy là
giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột, nay là Trường CĐSP Đắk Lắk).
Được sự động viên lẫn thuyết phục cấp trên của bác (khi đó thành lập các hội còn
khó lắm), chúng tôi đã tổ chức đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ dân gian Việt
Nam đầu tiên của Tây Nguyên tại Trường CĐSP Buôn Ma Thuột. Tôi được bầu làm Chi
hội trưởng. Chúng tôi mang Sổ vàng
đến vận động xin kinh phí tổ chức đại hội và hoạt động, bác đã ghi những dòng đầy
tâm huyết và tặng 1 triệu đồng. Ngày đại hội, bác đến dự và phát biểu sôi nổi,
nhắc nhở thầy trò, nhất là khoa Văn – Sử,
phải làm nòng cốt cho hoạt động của Chi hội, tích cực góp phần gìn giữ,
phát huy kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc Tây Nguyên.
Bác yêu mến và tâm huyết với văn
hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đến mức có thể không tiếc thời gian làm việc
ở cơ quan lẫn ở nhà. Hễ ai gặp bác mà nói về đề tài này là bác say sưa bàn luận.
Bác nhắc chúng tôi – những người nghiên cứu và giảng dạy văn hóa học, dân tộc học,
văn học dân gian - rằng: “Các cháu phải đầu tư nghiên cứu xem mẫu hệ Êđê có còn phù hợp với thời
đại bây giờ hay không? Điều gì hay, điều gì dở? Từ trong máu thịt, bác thấy nó
hết sức thiêng liêng. Bác đặc biệt yêu quý con gái, cháu gái hơn là con trai,
cháu trai (cười). Các cháu giải thích điều này thế nào?”…..
Trên các cương vị công tác khác
nhau, bác Y Ngông Niê Kdam đều dành thời gian quan tâm và ủng hộ cho sự nghiệp
bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian, giáo dục và y tế trên địa bàn Tây Nguyên
và các tỉnh miền núi phía Bắc. Làm hiệu trưởng, bác gợi ý cho Trường Đại học Tây
Nguyên tổ chức các hội thảo khoa học, kêu gọi các nhà khoa học trong và ngoài nước
đến hợp tác, giúp đỡ Tây Nguyên...
Nhớ về bác Y Ngông Niê Kdam là nhớ
về một nhân cách lớn với hoài bão lớn lao và tính nhân văn sâu sắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI