Tôi còn nhớ vào những
năm 1990, chúng tôi đi điền dã sưu tầm sử thi ở địa bàn huyện Cư M'gar. Hôm ấy,
đoàn chúng tôi đến Phòng Văn hóa-Thông tin của huyện nhờ chị H'Năm Niê, Phó phòng
dẫn đến gặp pô khan (nghệ nhân kể khan) là Aê Wưi Niê tại nhà riêng, nhưng Aê Wưi
không có ở nhà. Con cháu của ông cho hay: "Aê đi chăn bò ở ngoài bờ suối
Ea M'ngar, chiều tối mới về". Chúng tôi liền đi đến bãi cỏ bên suối Ea
M'ngar, tìm một lúc mới thấy pô khan Aê Wưi đang ngồi kể khan dưới gốc cây
plang cho lũ trẻ chăn bò nghe. Chúng tôi bước nhẹ đến và im lặng đứng nghe kể
khan. Một lúc sau, nghệ nhân Aê Wưi dừng lại để hút thuốc. Chúng tôi chào nghệ
nhân. Chị H'Năm liền giới thiệu với nghệ nhân Aê Wưi: "Có các cán bộ văn hóa
trên tỉnh đến gặp ông, tối nay nhờ ông kể khan, để họ ghi âm các bài
khan". Nghệ nhân Aê Wưi nhìn chúng tôi một cách hiền từ rồi nói: "Mình
suốt ngày ở ngoài bãi chăn bò, tối mới về nhà, ăn cơm xong là nghỉ, chứ không
khan ban đêm đâu, vì đã già rồi, sức khỏe không được tốt, năm nay mình đã hơn
95 mùa rẫy rồi mà. Cán bộ muốn nghe và ghi âm bài khan thì hàng ngày ra bãi chăn
bò này nghe cùng lũ trẻ và ghi âm các bài khan cho tiện".
Nghe nghệ nhân Aê Wưi
nói vậy, chúng tôi cảm ơn, rồi hỏi: "Pô khan đang kể khan gì vậy?"
Nghệ nhân Aê Wưi trả
lời: "Mình đang kể khan Đăm Săn thời trẻ cho lũ trẻ trong buôn
nghe đây mà!"
Tôi hỏi tiếp:
"Chúng tôi đi nhiều buôn của đồng bào Êđê và sưu tầm rất nhiều bài khan,
nhưng chưa hề nghe một pô khan nào nói đến bài khan này, nay nghe Aê Wưi nói thì
thấy rất lạ, có lẽ đây là bài khan chỉ lưu truyền trong buôn này phải không?"
Aê Wưi chậm rãi nói: "Đây là bài khan được lưu truyền trong buôn Sak của
mình từ bao đời nay rồi, nhưng ít người biết đến. Ông bà trước đây kể như thế nào
thì bây giờ mình kể lại như thế ấy. Nhưng mình thấy Đăm Săn thời trẻ khổ
cực lắm, nghèo khổ lắm. Nó không giống như khan "Đăm Săn" thường lưu
truyền trong các buôn làng người Êđê. Ở đây các chị của Đăm Săn thời trẻ cũng
không phải tên H'Âng, H'Lý như trong khan Đăm Săn, mà là tên khác, tên
hai chị là H'Prak và H'Nui. Trong Đăm săn thời trẻ, kể về ba chị em là Đăm
Săn, H'Prak, H'Nui lúc còn nhỏ đã mồ côi cha mẹ, không còn ai nương tựa phải đi
ở cho tên M'tao M'xây giàu có tham lam, độc ác. Họ bị M'tao M'xây hành hạ vô cùng
khổ cực, bắt làm việc suốt ngày đêm, thế mà cơm ăn bữa có bữa không, áo váy không
có mặc. Một hôm ba chị em được người nhà M'tao giao cho giữ rẫy lúa đang chín rộ,
không may bị đàn heo rừng kéo về ăn hết một vạt lúa. Thế là M'tao M'xây nổi giận
đuổi ba chị em ra khỏi buôn làng. Họ van xin M'tao M'xây tha tội, nhưng vẫn không
được, cuối cùng ba chị em phải dắt nhau ra sống ngoài bìa rừng trong một một túp
lều nhỏ mục nát của những người coi rừng bỏ lại. Hàng ngày ba chị em phải lên rừng
hái măng, nhặt nấm, đào củ mài để sống. Họ sống khổ cực lắm, chứ không phải
sung sướng như chàng Đăm Săn trong khan Đăm Săn đâu. Có lẽ đây là một
khan riêng, không phải cùng một chuyện với khan Đăm Săn đâu!". Kể đến
đây, Aê Wưi nói: "Chuyện còn dài lắm, bây giờ phải đưa đàn bò về buôn, kẻo
trời đã tối rồi, sáng mai các cháu cứ ra bãi chăn bò này mà nghe khan cùng lũ
trẻ và ghi âm các bài khan của già này kể".
Sáng hôm sau chúng
tôi ra bãi chăn bò của buôn Sak sớm hơn. Vừa đến gốc cây plang, chúng tôi đã thấy
nghệ nhân Aê Wưi dẫn đàn bò khoảng gần 50 con đến thả ở bãi cỏ ven suối Ea
M'ngar. Sau đó, Aê Wưi đến bên gốc cây plang. Thấy chúng tôi đang chờ, ông liền
nói: "Để cho bọn trẻ thả xong đàn bò, đến đây tụ họp đông đủ rồi già này sẽ
kể tiếp khan hôm qua cho các cháu nghe".
Lúc này chúng tôi
tranh thủ thời gian chờ bọn trẻ, liền trao đổi với nghệ nhân Aê Wưi: "Ông
biết kể khan từ lúc nào?”
Aê Wưi, cười hiền từ rồi nói: "Mình biết kể khan lâu lắm rồi, bây giờ
không còn nhớ nữa, chỉ biết lúc lên năm, sáu mùa rẫy, hàng ngày mình theo ông nội
đi chăn đàn bò và được ông kể khan cho nghe. Ngày nào cũng được nghe những bài
khan quen thuộc, như: Đăm Săn, Đăm Săn thời trẻ, Đăm M'lan, Đăm Ji, Sing Nhã
và nhiều khan khác nữa. Như mưa dầm thấm lâu, ngày nào cũng được nghe đi nghe lại
mãi, nên mình nhớ hết các bài khan ấy. Lớn lên khoảng mười hai, mười ba mùa rẫy,
ông nội và cha mình cho mình đi dự các lễ hội trong buôn làng cùng các buôn lân
cận, và được nghe kể khan nhiều đêm liền. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa lễ hội là
được nghe ông nội mình kể khan, nhờ vậy mà mình thuộc nhiều khan và biết cách kể
khan và sau này lớn lên trở thành pô khan của buôn làng".
Chúng tôi hỏi tiếp:
"Từ trước đến nay Aê Wưi đã truyền dạy được bao nghiêu cháu trong buôn biết
kể khan?" Aê Wưi nói: "Mình có truyền dạy gì đâu! Chủ yếu là kể trong
lúc chăn thả đàn trâu bò, rồi nơi có lễ hội của buôn làng, lúc đi rừng, lúc giữ
lúa trên chòi rẫy, lũ trẻ theo nghe nhiều lần rồi có đứa nhớ và kể lại cho bạn
bè nghe. Mình đã chứng kiến và nghe các cháu kể khan, khoảng hơn chục cháu ở
bon này biết kể khan. Sau này lớn lên chúng nó lấy vợ, ở lại bên nhà vợ, nên buôn
này chỉ còn vài người biết kể khan. Nhưng bây giờ thì không còn ai cả, vì chúng
nó lớn lên, đi học rồi đi làm ăn xa. Nay chỉ còn già này thôi!". Nói đến đây,
Aê Wưi cười vui vẻ.
Lúc này lũ trẻ đã thả đàn bò gặm cỏ bên bờ suối Ea M'ngar về tụ tập xung
quanh gốc cây plang. Thấy lũ trẻ đã đến đông đủ, Aê Wưi liền khấn nhỏ trong miệng
làm thủ tục xin phép thần linh, tổ tiên, ông bà được kể khan cho lũ trẻ và khách
trên tỉnh cùng nghe. Rồi ông đằng hắng lấy giọng và bắt đầu kể tiếp khan Đăm
Săn thời trẻ: "Ba chị em Đăm Săn sống ngoài bìa rừng trong túp lều mục
nát dưới gốc cây plang. Hàng ngày họ lên rừng đào củ mài để sống. Họ đào hết rừng
này qua rừng khác, nhưng chẳng được củ nào. Tiếng đào đất ngày đêm lục cục, lục
cục, nó vang khắp núi rừng rồi vọng lên trời cao, làm cho ông Trời lấy làm lạ,
liền cử con của mình xuống trần gian xem sao. Hai người con của ông Trời bay xuống
trần gian thì thấy ba chị em Đăm Săn đang đào củ mài. Chị em họ đào mãi mà chỉ được
vài sợi rễ. Thấy vậy, hai người con của ông Trời hóa phép cho họ đào được nhiều
củ mài to. Củ mài chất đầy gùi, hai người theo ba chị em Đăm Săn gùi củ mài trở
về túp lều xiêu vẹo. Thấy ba chị em ở trong túp lều tơi tả này, hai người con của
ông Trời vô cùng thương hại, họ liền hóa phép cho túp lều biến thành một ngôi
nhà dài to đẹp. Họ còn giúp ba chị em có kho lúa đầy, có áo váy để mặc, trong
nhà có chiêng ché, nồi bảy, nồi ba, có trâu bò, heo gà đầy bãi, đầy sân, có kẻ
hầu hạ, rồi hai người con của ông Trời kết nghĩa anh em với ba chị em Đăm Săn.
Cuộc sống của ba chị em Đăm Săn ngày càng sung túc. Chẳng bao lâu ba chị em Đăm
Săn trở thành người giàu có chẳng kém gì những M'tao trong vùng. Tiếng lành đồn
xa, đến tai M'tao M'xây. Hắn cho tay sai đến đốt nhà của chị em Đăm Săn. Nhưng đều
bị Đăm Săn bắt làm nô lệ. M'tao M'xây vô cùng tức giận liền kéo hàng trăm quân đến
đánh Đăm Săn. Nhờ sự giúp đỡ của hai người con ông Trời, chàng Đăm Săn đã giết
chết M'tao M'xây độc ác. Chàng kéo đến buôn làng của M'tao M'xây, giải thoát
cho những người nô lệ, rồi lấy lúa bắp, trâu bò, heo gà, chiêng ché của M'tao
M'xây chia đều cho mọi người dân trong buôn. Chàng được dân buôn tôn vinh làm tù
trưởng của buôn làng. Chàng xây dựng lại buôn làng to đẹp hơn xưa. Nhờ hai người
chị là H'Prak và H'Nui làm mối, chàng cưới một cô gái mồ côi xinh đẹp làm vợ. Từ
đó vợ chồng chàng cùng hai người chị và dân làng sống yên vui, đầm ấm. Tiếng tăm
của chàng vang khắp mọi vùng. Người Lào, người Khơ Me, người Bih, người M'nông,
Ba Na, Sê Đăng, Ja Rai... tìm đến kết nghĩa anh em với chàng Đăm săn...".
Cứ mỗi buổi nghe kể khan, nghệ nhân Aê Wưi nghỉ giải lao hai lần để lũ trẻ đi
xem đàn bò có ăn đúng vị trí không, sau đó lại về nghe kể khan tiếp. Còn nghệ
nhân Aê Wưi ngoài việc xem lại đàn bò, ông còn nghỉ ngơi uống nước, hút thuốc.
Một lúc sau bọn trẻ lại về ngồi dưới gốc cây plang nghe Aê Wưi kể tiếp. Khi lời
khan ngân vang, tất cả đều ngồi trật tự, im lặng lắng nghe, như bị cuốn hút vào
những nhân vật trong chuyện. Có ngày trời mưa, nhưng việc kể khan không vì thế
mà gián đoạn, vì tất cả mọi người đều mang áo mưa cùng ngồi dưới góc cây plang
nghe Aê Wưi kể khan say sưa. Cả người kể, người nghe như bị chìm trong không
gian của trời mưa tầm tã. Mặc cho trời mưa, gió rừng thổi ào ào, nhưng vẫn không
sao ngăn được lòng nhiệt tình của người kể và sự say mê như bị thôi miên của người
nghe. Cứ thế mọi người say sưa trong không gian kể khan tại bãi thả đàn bò một
cách lạ kỳ.
Suốt thời gian gần một tháng trời, chúng tôi cùng các em nhỏ chăn bò được
nghệ nhân Aê Wưi Niê kể cho nghe trong không gian bãi chăn bò, dưới gốc cây
plang bên bờ suối Ea M'ngar, buôn Sak, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar gồm các khan: Đăm
Săn thời trẻ, Đăm Kteh M'lan, Xing Nhã, M'hiêng, Đăm Ji, mỗi tác phẩm chúng
tôi ghi âm được từ 8 đến 12 băng cassettes (mỗi băng 90 phút) làm tư liệu để tiếp
tục nghiên cứu sử thi Êđê.
Người Êđê có nhiều
không gian kể sử thi khác nhau, như trong không gian nhà dài, không gian lễ hội,
không gian trên chòi rẫy v.v... Nhưng trong không gian bãi chăn bò lại hợp với
nhu cầu sinh hoạt văn hóa của lớp trẻ hơn cả. Ở đây thực sự là một không gian
"sống". Bởi có người kể (pô khan), còn người nghe là các em nhỏ chăn
bò và địa điểm là dưới gốc cây plang bên bãi thả đàn trâu bò của buôn làng. Tất
cả ba yếu tố này tạo nên không gian "sống" của sinh hoạt văn hóa kể sử
thi. Chính không gian này không chỉ là nơi giải trí đơn thuần, mà còn là môi trường
giáo dục phẩm chất nhân cách và chắp cánh ước mơ lý tưởng cho lớp trẻ trước khi
bước vào đời. Đây cũng là nơi truyền dạy, bảo tồn, gìn giữ kho tàng sử thi của
dân tộc Êđê từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm cho nó được sống, được lưu truyền
mãi trong cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI