Buôn Um quê tôi chỉ có hơn hai chục nóc
nhà sàn dựng ngay dưới chân dãy Chư Yang cao vút. Ban ngày tiếng chim hót, vượn
hú và có cả tiếng chim công gọi nhau: “Tố hộ, tố hộ!” vang vọng vào từng góc
bếp. Mùa bắp, mọi người phải thay nhau gác rẫy suốt ngày đêm, đốt lửa gõ chiêng
xua đuổi heo, nai, khỉ, két… tìm về phá hoại. Chẳng biết chúng ở đâu mà kéo về
nhiều đến thế, có bầy két mỗi lần bay qua rẫy làm tối cả góc trời, tiếng vỗ
cánh như tiếng gió lốc. Người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa nước, bắp, đâu theo
mùa, nhờ Yang(1) nhà ai cũng đủ gạo ăn quanh năm. Những ngày lễ tết cũng vây
quanh ché túc, ché ba rôm rả cả đêm.
Rừng sát nhà, toàn những cây hàng mấy
trăm mùa rẫy đứng chen nhau bên những tảng đá khổng lồ. Đã bao đời nay khi đốn
gỗ làm nhà những chàng trai lực lưỡng phải đi xa tìm cây ưng ý đốn, chẻ, kéo về
chứ không phá rừng gần. Vì vậy buổi sáng sớm khi con gà rừng giật mình tỉnh
giấc cất tiếng gọi bình minh cũng là lúc đôi chim “năm trâu sáu cột – bắt cô
trói cột” tìm thấy nhau, không khắc khoải gọi nữa, nhường lời cho các chú dọc,
vượn nhảy nhót, rung cây hú gọi vang trời đất. Đó cũng là lúc các amí, amai(2)
dậy nhóm lửa, thổi cơm chuẩn bị cho một ngày mới.
Chiều đến khi ông mặt trời nấp sau dãy
núi, mọi người cơm nước xong lại vây quanh bếp lửa lắng nghe già làng kể
khan(3). Chuyện già làng kể nhiều lắm song từ bé tôi đã nghe và nhớ mãi chuyện
Yang phạt người tham lam vì dám động đến rừng.
*
**
Không biết từ bao giờ trên dãy Chư Yang
cao vút có một bầy sơn dương đông đúc. Chúng là loài vật hiền lành nhưng khéo
léo vô cùng. Những tảng đá to như gian nhà chen lấn nhau từ chân núi kéo lên
tận đỉnh trơn như đổ mỡ, vậy mà chúng lon ton chạy nhảy, nô đùa trên đó cấm có trượt chân bao giờ.
Những cây sung sum suê bên bờ suối người còn không trèo nổi, vậy mà chúng vẫn
hái được những chùm quả ở lưng chừng cây. Lúc hái quả trên cao chúng khéo léo
đứng bằng hai chân sau, hai chân trước bám vào cây hoặc kéo lá xuống để ăn.
Điều đặc biệt của bầy sơn dương là không bao giờ phá phách hoa màu. Chúng chỉ
nhởn nhơ trên triền núi đá, chiều chiều khi ông mặt trời sắp ngủ lại kéo nhau
lên mỏm núi, nơi có những tảng đá cao vút, đứng nhìn xuống buôn. Những ngày đẹp
trời ngồi trên nhà sàn có thể nhìn rõ con đầu đàn to như con bò, đen bóng đứng
uy nghi nổi bật giữa bầu trời trong xanh. Từ xa xưa cho đến nay dân buôn Um
không ai săn bắt sơn dương bởi đó là loài thú quá tinh khôn, không dễ gì bắn
hạ. Hơn nữa chúng không làm hại gì ai mà chỉ tăng thêm vẻ đẹp cho quê hương.
Mỗi buổi bình minh hay lúc chiều tà trên các mỏm núi vương vất những sợi nắng
vàng chúng lại rủ nhau xếp hàng đứng nhìn xuống buôn như những vị thần được
Yang sai xuống bảo vệ mùa màng cho con người.
*
**
Năm ấy bỗng có người lạ vào buôn lân la
trò chuyện, rủ rê đám thanh niên đi săn. Con thú người lạ muốn mua chính là bầy
sơn dương trên đỉnh núi Chư Yang. Người ấy cho biết con sơn dương quý lắm, bộ
xương đem nấu cao dùng cho đàn ông thì tuyệt vời, chắc chắn không có loại thuốc
tây – đông nào sánh được và các bà vợ sẵn sàng móc hầu bao mua dành cho chồng.
Cặp sừng sơn dương có giá trị gần như sừng tê giác chuyên dùng để chữa các bệnh
đường ruột – cách dùng cũng cực kỳ đơn giản: Mài đầu sừng vào chén sành, pha
chút rượu trắng thì dù có đau bụng vật vã thế nào, chỉ một phút sau khỏi ngay.
Bộ phận quý nhất của con sơn dương – đặc biệt con sơn dương chúa – chính là bốn
cái chân. Sở dĩ chúng thuộc loài móng guốc nhưng leo trèo trên cây, trên đá
được là nhờ trong móng của nó có túi mật. Chính túi mật này giúp chân sơn dương
dù có bị té cũng lành ngay. Nhìn chung trong con sơn dương cái gì cũng làm
thuốc được, vì thế người lạ mới phải lặn lội vào buôn thuê người săn bắn. Từ
lâu người buôn Um xem sơn dương là biểu tượng của thần may mắn, mang lại mùa
màng bội thu cho mọi nhà. Vì vậy cho dù cái giá được đặt ra đổi con sơn dương
đầu đàn là cả chục con bò mẹ vẫn không ai nhận lời. Già làng nghe chuyện đã
nói: “Sơn dương là bạn của buôn ta, không ai được sát hại. Kẻ nào làm điều ác
với nó sẽ bị đuổi khỏi buôn!”.
Nhưng không phải ai cũng nghe theo lời
đúng, trong buôn vẫn có kẻ tham lam, xem rượu, tiền là trên hết, sẵn sàng đánh
đổi mọi thứ. Hắn chính là Y Reo, một kẻ đẹp mã, lực lưỡng nhưng lười lao động,
chỉ thích uống rượu và tính chuyện đổi chác kiếm lời. Có lẽ vì vậy nên đã hơn
hai chục mùa rẫy rồi hắn vẫn chưa có ai thèm bắt làm chồng, tháng ngày cậy nhờ
vào mẹ, vợ chồng chị gái, em gái. Nay nghe chuyện một con sơn dương đổi cả chục
con bò, hắn mừng như bắt được vàng. Hắn tin đã đến lúc hắn được đổi đời giàu có
hơn người và khối cô gái sẽ chạy theo hắn xin bắt làm chồng. Già làng đã cấm
không được săn bắn, và hắn cũng sợ luật bất thành văn ấy, song bỏ lỡ cơ hội này
thì hắn tiếc lắm. Phải có cách để nhận số bò của người khách lạ. Cuối cùng, cái
đầu đầy rượu nhưng không kém phần xảo quyệt của kẻ ưa đổi thứ này lấy thứ khác
kiếm lời hơn là đi phát rẫy làm nương cũng vạch ra một kế hoạch táo bạo để
thoát khỏi lời nguyền của già làng. Quả thật không ai ngờ hắn lại liều lĩnh làm
vậy.
*
**
Đêm cuối tháng, bầu trời mùa khô Tây
Nguyên trong vắt rắc đầy những vì sao óng ánh nhấp nháy như những con mắt đang
dõi theo hai bóng den soi đèn pin nối nhau bám vào vách đá đeo lên đinh Chư
Yang. Kẻ dẫn đường không ai khác ngoài Y Reo. Dù phải bám vào từng mép đá, mò
mẫm đặt chân lên các cạnh đá sắc như dao cạo, có hòn trơn tuột song trên vai hắn chiếc gùi đựng
nước, đựng rượu và khô nai vẫn được giữ cẩn thận. Kẻ bám theo sau vác khẩu sung
Galíp sản xuất tại Hoa Kỳ chính là vị khách lạ cần mua sơn dương. Theo kế hoạch
của Y Reo, hai đứa lợi dụng đêm tối trèo lên đỉnh núi, núp gần hòn đá lớn, nơi mỗi sáng sớm hay
hoàng hôn con sơn dương chúa thường dẫn bầy ra đứng nhìn xuống buôn. Lúc đó,
chỉ cần kéo cò chắc chắn sẽ hạ được con mồi. Không ai phạt được Y Reo vì hắn có
bắn đâu, người lạ bắn đấy chứ! Còn người lạ thì đâu phải người dân buôn Um nên
không bị ràng buộc bởi lời nguyền. Bọn chúng quả thật “ngưu tầm ngưu, mã tầm
mã”, tìm đến với nhau để làm chuyện đen tối.
Mặc dù rất khó khăn, vất vả gần sáng khi
bầy vượn ở lưng chừng núi gọi nhau thức dậy, hai đứa cũng đến được nơi cần đến.
Đứng trên mỏm đá, bọn chúng hết nhìn phải, rồi nhìn trái tìm chỗ ẩn nấp. Một
bên là vực sâu hun hút, đen thui, một bên là đá lởm chởm chỉ cần sơ xuất một
chút thôi sẽ rơi xuống vách đá. Đắn đo, cân nhắc mãi, hai đứa cũng tìm được chỗ
núp chỉ cách mỏm dá bầy sơn dương thường đứng khoảng gần hai chục mét. Với
khoảng cách ấy, một viên đạn gồm chục viên bi khi bay ra khỏi nòng sẽ tỏa rộng
như một chiếc chài chụp xuống, chắc chắn sẽ có viên trúng đích – cho dù người
bắn có dở đến mấy đi nữa.
Như thường lệ, khi phương đông ửng hồng,
ông mặt trời từ từ rẽ mây trèo lên đỉnh núi xa xa, đem theo những tia nắng vàng
rải lên vách núi, cũng là lúc bầy sơn dương theo nhau lên vách đá đứng ngắm
buôn Um và đón bình minh. Cả bầy vẫn vô tình nhảy nhót theo sau con sơn dương
chúa đen bóng đang giương cặp sừng cong vút về phía sau, chìa bộ râu dài có lẽ
phải đến nửa mét uốn cong về phía trước phất phơ trước làn gió nhẹ ban mai, tận
hưởng không khí trong lành và nào có biết đâu cái chết đang chờ ngay phía trước
mặt.
“Ầm!”. Tiếng súng nổ xé toang cảnh bình
minh thanh bình, vọng vào vách đá dội lại như tiếng một quả bom tấn ném xuống
làm rung chuyển cả núi rừng. Tội nghiệp con sơn dương chúa. Nó chồm lên theo
bản năng, tung hai chân trước lao vào không khí, nhằm đúng nơi tiếng súng phát
ra bổ xuống.
*
**
Sau này có người kể rằng họ thấy sơn
dương chúa bay ra khỏi mỏm đá lao vào hai kẻ bắn trộm rồi lăn xuống vực thẳm
kèm theo một tiếng nổ kinh hồn, tiếng nổ ấy còn lớn hơn cả tiếng súng vừa nổ
nhằm vào nó, kéo theo đất đá lăn xuống
ầm ầm, khói bụi mù mịt che lấp cả bầu trời.
Già làng tức giận, kéo cả đoàn thanh
niên trai tráng trong buôn bươn bả leo lên đỉnh núi, định trị tội kẻ dám làm
trái quy định của buôn, xúc phạm thần linh. Nhưng khi lên đến nơi nhìn hai kẻ
bắn trộm ông lại bất giác trào nước mắt. Y Reo nằm ngã ngửa, giữa trán in rõ
chiếc móng sơn dương đóng vào làm bay mất một con mắt. Còn người lạ đôi mắt
trợn ngược bị bầy kiến vàng bu kín. Có lẽ cả hai đã rơi từ mỏm đá trên chục mét
xuống hòn đá to phía dưới. Yang phạt mà!
Kể từ hôm ấy buôn Um chúng tôi không còn
ai nhìn thấy bầy sơn dương ấy nữa. Những thế hệ sau này chỉ còn được nghe kể
lại về chúng với một niềm tiếc nhớ xót xa.
Chú thích:
1.
Yang: thần linh – tiếng Êđê.
2.
Ami, amai: má, chị - tiếng Êđê.
3.
Kể khan: Sử thu - tiếng Êđê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI