MÙA XUÂN NHO NHỎ - ƯỚC NGUYỆN LỚN LAO
Thanh Hải tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, sinh năm 1930 và
mất năm 1980. Ông quê ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Bài thơ này được ông
viết trước khi qua đời không lâu, thể hiện niềm tha thiết yêu cuộc sống, đất nước,
con người và ước nguyện cống hiến của mình.
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ đã từng được phổ nhạc và
rất nhiều người yêu thích. Riêng điều đó cũng phần nào khẳng định giá trị của bài
thơ, đặc biệt về tính nhạc của nó. Mở đầu bài thơ là không gian thơ mộng, có dòng
sông nước trong xanh, có sắc màu tím biếc của hoa giữa dòng và tiếng chim chiền
chiện rộn rã, hối thúc, vang vọng khắp bề rộng và chiều cao của không gian mênh mông đầy sức sống: Mọc giữa dòng
sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/
Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng. Câu chữ vừa cất lên, tình người
đã chan hòa, đằm thắm, rộn ràng, rạo rực. Bởi khí xuân, gió xuân và cả dòng nhựa
xuân đương lưu chuyển trong mỗi con người. Chợt nhớ tới cũng âm thanh tiếng
chim chiền chiện trong Thăm lúa của Trần Hữu Thung ở những năm khi hai
miền Nam Bắc còn có sông Bến Hải chia cắt đau thương. Khi ấy, tiếng chim cũng cất
cao nhưng lảnh lót vút lên như một ánh sao báo hiệu niềm tin chiến thắng.
Còn âm thanh tiếng chim của Thanh Hải giờ đây bao trùm cả chiều rộng, chiều cao
và trong cả sâu thẳm của tâm tưởng. Vì thế tác giả mới nhìn thấy: Từng giọt
long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng. Một phép hoán chuyển rất lạ và độc đáo.
Chuyển từ vô hình sang hữu hình, từ không trọng lượng sang có trọng lượng, từ
thính giác sang cảm giác, từ diện rộng không giới hạn sang cụ thể, nhỏ gọn (âm
thanh – giọt – rơi ). Mùa xuân tràn đầy sức sống nên âm thanh cũng mang sắc
màu lung linh, hấp dẫn (âm thanh – long lanh). Tác giả rất thính nhạy.
Người đọc thấy rất rõ tấm lòng trân trọng đến mức tôn thờ của tác giả. Động từ đưa,
hứng thể hiện rõ điều đó. Thông thường có thể viết: tôi giơ tay tôi hứng.
Thái độ của đưa và giơ khác nhau hoàn toàn. Một bên trân trọng,
say mê, háo hức, chủ động; một bên thờ ơ, bình thường, vô tình, bị động. Và người đọc nhận cảm rõ tấm lòng tha thiết,
cuồng nhiệt của nhà thơ, sự trân trọng niềm yêu say rạo rực của tác giả đối với
mùa xuân đất trời.
Tác giả yêu mùa xuân, say mê mùa xuân đến nỗi nghe được cái
xôn xao, nhìn thấy được nhịp hối hả của mùa xuân. Dường như mùa
xuân hiện diện ở khắp mọi nơi, từ trên tầng cao vũ trụ tràn xuống, toả bao lấy
con người và cảnh vật ở dưới mặt đất. Tưởng như từng nhịp bước đi của mùa xuân
tác giả đều cảm thấy, nhìn thấy. Mùa xuân đối với người cầm súng bảo vệ non sông
đất nước được tác giả diễn tả bằng hình ảnh: Lộc dắt đầy trên lưng. Mỗi
bước quân hành, mỗi chặng đường gian khó, người chiến sĩ đều mang mùa xuân
theo. Và chính họ đã gieo mùa xuân cho mọi miền Tổ quốc. Với người nông dân, có
niềm vui nào hơn mùa bội thu, gieo trồng vì thế mùa xuân có: Lộc trải dài nương
mạ. Công việc chăm bẵm, cấy cày, trồng tỉa của nhà nông diễn ra trên đồng
ruộng, nương rẫy hàng ngày nên mùa xuân
cũng theo về, song hành với họ. Mùa xuân đến với họ và họ cũng mang mùa xuân
cho cuộc sống tươi trẻ ngập tràn. Mùa xuân về, từ chiếc lá nhỏ, thớ vỏ đến con người, tiếng chim, từ dòng sông
đến sắc biếc của hoa. Tất cả như bừng tỉnh, phấn khích bởi có một dòng nhựa tích
tụ bật ra: Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao. Dường như từ ngữ, hình
ảnh không thể diễn tả nổi sức sống diệu kỳ tươi rói mới mẻ rạo rực đang tí tách,
phập phồng trong từng tế bào của người và vạn vật. Để diễn tả điều đó không gì
bằng biện pháp so sánh kết hợp với từ láy (hối hả, xôn xao) vừa chỉ mức độ,
vừa có tính tạo hình cao như tác giả đã dùng. Điệp ngữ tất cả – từ chỉ lượng
toàn thể, khái quát – được lặp lại hai lần, cùng với biện pháp so sánh cũng được
lặp lại hai lần. Và đặc biệt hơn ở cách dùng từ láy. Câu trên – hối hả – thanh
trắc, chỉ hành động nhanh, gấp, liên tục. Câu dưới - xôn xao - thanh không, chỉ biến thái trong tâm trạng cảm
xúc. Rõ ràng sức sống mãnh liệt của mùa xuân len tận trong con người và tràn ra
ngoài cảnh vật, từ trên xuống dưới, điệp trùng chồng chất, từ cảnh vật đến con
ngưòi đều như bừng dậy, sảng khoái như có một luồng sức sống diệu kỳ đang hối
thúc. Cái hay của hai câu thơ ở sự tự nhiên, tự nhiên từ câu chữ đến giọng nhịp,
từ cách hòa kết nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ. Vì thế người đọc cảm nhận rõ
hơi xuân, khí xuân, sắc xuân và đặc biệt sức bật của sức xuân lan toả cứ tràn
ra từ câu chữ.
Do sức hút không thể cưỡng của mùa xuân mà tác giả tự
nguyện cống hiến: Ta làm con chim hót/
Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hoà ca/ Một nốt trầm xao xuyến. Ở đây ngoài
biện pháp điệp từ còn có cả biện pháp ẩn dụ, hoà xen. Vừa nhấn mạnh ý thơ vừa tạo
sự suy nghĩ sâu sắc cho người đọc. Sự tự nguyện đem đến cho đất trời và cả lòng
người (chim – hoa – hoà ca – nốt trầm) cái phần tinh hoa nhất của mình đã
được tích tụ từ lâu. Nhà thơ khiêm tốn nói: Lặng lẽ dâng nhưng không kém
rạo rực, hối hả cho đời. Đâu phải nho nho cả cuộc đời, cả thân phận, cả
tâm hồn và thể xác ước nguyện dâng cho đời để làm Đời đẹp hơn, Xuân hơn,
tình nghĩa hơn. Tác giả ước vọng, sự tự nguyện trong mỗi con người sẽ trở thành
nét đẹp văn hoá trường tồn như mùa xuân của đất trời (Câu Nam ai, Nam bình – Nước non ngàn dặm – Nhịp
phách tiền đất Huế). Mỗi chúng ta đều có một mùa xuân nho nhỏ song ước vọng
cống hiến lớn lao vô cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI