Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU- 2017, tác giả TRỌNG HÙNG




ANH TÔI
Truyện ngắn


Tôi lớn lên, nghe mẹ nói, anh tôi đã hy sinh ở Tây Nguyên. Thân xác đã gửi lại mảnh đất Tây Nguyên không sao tìm lại được nên mẹ tôi đã làm cho anh tôi “ngôi nhà” ở phần mộ của gia đình tôi. Tháng Giêng nào, chúng tôi cũng đi tảo mộ. Chúng tôi thắp hương cho cha, cho ông bà, cố can và thắp hương cho anh tôi nữa. Cứ mỗi lần, chúng tôi đi thắp hương về, mẹ tôi mừng mừng, tủi tủi đứng trước di ảnh của anh tôi, hướng về Tây Nguyên cầu khẩn, mong hồn anh tôi được vui vầy ở mảnh đất đầy nắng gió ấy. Có lần, tôi nghe mẹ nói: Có đêm, mẹ mơ thấy nhân dân Tây Nguyên từ người già đến trẻ em, cả thanh niên, phụ nữ… đều đến thắp hương ở một ngôi mộ lớn ở vùng đồi K’Nác. Trận đánh K’Nác ngày ấy, nghe nói quân ta hy sinh nhiều lắm. Lúc rút lui, quân ta không lấy được xác các liệt sĩ. Xác các liệt sĩ phơi trắng ven suối và chân đồi K’Nác!”. Quân địch đã gom lại, đổ xăng đốt nên gia đình tôi năm lần bảy lượt vào Tây Nguyên tìm mộ anh tôi mà không sao tìm được, mẹ tôi mới làm một ngôi mộ ở nghĩa trang của gia đình tôi, để anh tôi có nơi về yên nghỉ với tổ tiên, giòng họ nhà tôi.
Cứ tháng giêng, quê tôi có tục lễ tảo mộ. Hương trầm thả theo gió mùi thơm đến xao xuyến lòng người. Những lần như thế, chúng tôi nhìn lên mộ anh tôi xanh rờn sắc cỏ. Mẹ tôi bảo, đấy là niềm vui của anh tôi dưới mộ đã làm cho cỏ xanh thêm. Tin hay không tin thì ngôi mộ không hài cốt của anh tôi lúc nào cũng ngập tràn hương khói. Nghe nói, trong sương sớm có người đã đến thắp ở mộ anh tôi bùng đỏ như hoa lửa. Có người còn cho gia đình tôi biết: Nhiều đêm, sương dày đặc như tuyết rơi, nhưng ai đó đã đến thắp hương trên mộ của anh rất sớm, hương hồng bồng bềnh trong tuyết trắng. Tàn hương thì quăn lại như tóc người con gái uốn phi-dê. Đã nhiều lần, tôi qua mộ, tôi cũng thấy như thế. Có lần tôi đã rình xem ai đã thắp hương lên mộ, nhưng tôi nào thấy ai. Tôi cứ nghĩ, anh tôi hy sinh vì quê hương đất nước nên Trời, Phật đã cho anh tôi được hưởng hồng phúc như thế.
Anh hy sinh lúc 25 tuổi và đã có 5 năm tuổi quân. Ngày ra đi, anh sợ mẹ tôi già không sao cáng đáng được ruộng vườn để nuôi nấng các em nên đã chơi thân với một chị ở quê. Rồi chị ấy chờ mãi, chẳng thấy anh về. Biết anh đã hy sinh, chị cũng không lấy chồng. Chị bảo, chị mở quán hàng ở gốc đa cuối làng để nhìn rõ mộ anh, rồi sau đó chị xin làm nhà tạm ở đấy luôn. Chị ấy, ngày ấy xinh xắn lắm. Bao trai làng đến dạm hỏi, chị ấy cứ bảo, tôi đã hò hẹn rồi, không thể lấy người khác được. Bọn chúng tôi nào biết chị đã hò hẹn với anh tôi, chỉ thấy sau ngày anh ra đi, chị thường đến nhà tôi giúp đỡ mẹ tôi. Những lúc tôi đi học chậm, chị lấy xe đạp đèo tôi đến trường khỏi muộn. Lúc chia tay, chị thường bảo, em cố học cho giỏi để nối nghiệp nhà nhé. Tôi vâng lời chị, rồi vào lớp.
Một hôm, tôi lục tìm hồ sơ liệt sĩ để đưa cho Văn phòng nhà trường, thấy một phong bì lớn. Mở ra, tôi rất ngạc nhiên khi biết anh tôi đã đến cánh rừng Krông Púk, Đắk Min, đã qua đỉnh Chư Prông, Chư Lây, đèo Măng Giang, đèo An Khê, đã được nghe tiếng chim Kơtia, chim Phí hót, tôi lại nhớ đến chuyện anh hùng Đam San, Xinh Nhã. Tôi tự hào anh tôi đã sống và chiến đấu như những người anh hùng năm xưa. Tôi mơ ước sau khi tốt nghiệp đại học, được về công tác nơi ấy thì sướng biết bao, nhất là để có thời gian đi thắp hương cho anh tôi ở đồi K’Nác. Nghe nói, người Êđê, người M’nông biết cày ruộng nước rồi, biết gọi gió từ rừng về ru cho hồn liệt sĩ, tôi càng yêu Tây Nguyên hơn. Có người lại nói, ngày hội mùa, những cánh tay trần của những cô gái Tây Nguyên rất đẹp, đã làm xốn xang ánh mắt các chàng trai. Tây Nguyên đầy mơ ước, đầy thơ mộng. Không biết những buôn làng ở Ea Tiêu, Ea Súp, Ea K’tua có đẹp như những làng dưới xuôi nơi sông Hồng, sông Lam, sông Mã không nhỉ? Tôi mơ ước về với Tây Nguyên mênh mông đầy nước lành, suối ngọt.
Tốt nghiệp đại học, không về Tây Nguyên vì tôi được cử đi học thêm ở nước ngoài. Học xong, trở về Hà Nội làm việc. Chưa vội nhận công tác, tôi về quê thăm mẹ. Bây giờ mẹ già lắm rồi. Mẹ đã trên 90 tuổi, cái nhớ cái quên. Thương lắm! Rất may, anh thứ hai có cháu gái rất ngoan đã tự nguyện ở với bà nội. Bà cháu thương nhau ríu rít. Ngày ấy, chị Hương ở quán gốc đa vẫn thường xuyên vào thăm nom, chăm sóc mẹ tôi. Khi thì gói quà tấm bánh, lúc gói thuốc bổ, lúc lại là cái khăn ấm đẹp. Có lúc chị còn ở lại nấu nước lá chanh, lá bưởi tắm cho thơm tho, mát mẻ nữa. Chị không công bố, nhưng ai cũng nghĩ, anh tôi và chị chắc đã hẹn hò với nhau rồi…
Đang sửa soạn đồ đạc, tôi nhận được điện, mẹ đã qua đời! Tôi lao về ngay. Tôi có lỗi với mẹ tôi nhiều lắm. Trên đường về tôi ân hận mãi. Giá như xuống sân bay, về cơ quan, tôi xin về ngay thì đâu đến nỗi. Tôi ôm chầm thi hài mẹ, khóc ròng. Trong đám tang, anh chị em, con cháu chúng tôi ai cũng ủ ê, nhưng sao không thấy chị Hương. Tôi nghe anh chị tôi bảo chị Hương tốt với mẹ tôi lắm, sao bây giờ không thấy chị đến, tôi ấm ức trong lòng…
Ba ngày việc tang của mẹ tôi xong, tôi ra quán chị Hương. Chị Hương đã đi gần một tháng rồi. Chị đã y ước với anh bộ đội ở Tây Nguyên về hưu. Anh ấy ngày trước cũng đánh nhau với giặc ở Tây Nguyên. Hiện anh đang ở huyện K’Bang gần đồi K’Nác. Anh chị ấy đã hứa hẹn với nhau vào xây dựng gia đình ở trong đó. Anh ấy còn hứa với chị Hương sẽ trông coi phần mộ anh tôi như người nhà. Hôm ra đi, anh chị ấy cũng đến thăm mẹ tôi và đều hứa với mẹ tôi – luôn hương khói cho phần mộ anh tôi chu đáo. Chao ôi, sao lại có những con người như thế. Phúc đức cho anh tôi. Chị Hương, chị xứng đáng là chị của em. Em hứa, ổn định công tác, em sẽ vào viếng mộ anh và thăm vợ chồng anh chị luôn.
Tháng năm, nghỉ hè, tôi đi Tây Nguyên. Trên đường, những cánh rừng già nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ cây cối um tùm, cao vút, còn nguyên vẻ uy nghi của rừng đại ngàn. Trời chiều êm ả, mơ màng. Trên những mái nhà nằm rải rác, chênh vênh thả khói lam thơ mộng, huyền ảo. Theo người hướng dẫn, đây là nhà chị Hương. Tôi xuống xe, vào nhà, chồng chị đi vắng. Chị Hương nhận ra tôi ngay, chị hỏi: “Em về bao giờ, sao không cho chị biết?”.
Tôi nói cho chị hay: “Em đã đến đồi K’Nác, đã đến phần mộ chung của các anh, ngắm mộ anh, em biết mộ ấy đã có bàn tay của chị ấp iu. Không ai như chị cả. Lòng chị đẹp lạ lùng. Tâm hồn chị như nước suối ban mai. Tình yêu của chị và anh vừa lãng mạn vừa hiện thực. Hiện thực như những vòng hương xoăn tít tựa đuôi tóc của chị cắm lên mộ. Nhìn ngôi mộ tập thể ấy, em vẫn biết linh hồn anh em đang xanh rờn khi có mái tóc hương quăn đẹp của chị chia sẻ. Không biết anh Đức có lúc nào ganh tị với anh em không?
“Không đâu, trước khi xây dựng gia đình, anh đã hứa với chị rồi cơ mà. Không có anh ấy, làm sao lại có những cụm hương quăn như thế. Và anh ấy còn bảo ước gì lúc anh qua đời bình hương của anh cũng quăn như vậy. Chị lại bảo, làm sao lại không được như thế! Anh ấy cầm lấy tay chị và bảo: Hồn em đã kết tinh ở những cây hương đó rồi. Chị lại bảo, thế anh không thấy được tình yêu của em đối với anh hay sao? Anh bảo, anh có thấy đầy đủ”.
Nghe chị kể, nước mắt tôi chảy dòng, chi đưa khăn lau cho tôi như lau mặt một em nhỏ. Tôi còn sụt sịt, chị giật giật bảo, chị biết lòng em rồi mà. Em cứ yên tâm đi, lúc nào chị cũng ở bên anh Hường của em cả. Em cứ tin như thế. Lúc nào rảnh rỗi, em lại vào đây, ta đi thăm anh. Tôi sực nhớ, hỏi chị, thế anh Đức chồng chị đi đâu?
“Anh ấy về Nghệ, mười ngày nữa mới vào”.
Hai chị em tôi nói chuyện với nhau suốt chiều hôm áy. Chị bảo, lúc nào chị cũng coi tôi là em ruột của chị. Rồi chị hỏi mẹ thế nào? Tôi bảo: “Mẹ đã đi xa”. Chị òa lên khóc, nước mắt chảy ròng ròng, chị trách, sao không có ai báo cho chị biết? Tôi bảo, em có biết anh chị ở đâu đâu, mấy tháng sau mới tìm được địa chỉ của chị thì muộn rồi. Bởi thế, em mới nhất quyết vào đây thăm mộ anh và thăm anh chị một thể. Chị bảo, lúc về, đầu tiên, em phải đến bàn thờ mẹ, thắp hương cho mẹ và xin lỗi mẹ cho chị. Mẹ mất mà chị không về phúng viếng, chị thật có lỗi. Tôi bảo, nhưng chị và anh đã công bố gì đâu. Chị gắt, dù chưa công bố, nhưng chị đã hứa với anh, chị phải giữ trọn lời hứa, giữ trọn đạo dâu con chứ. Tôi ờ lên một tiếng, rồi im bặt. Chị đứng dậy, mặt ngoảnh về phía bắc vái ba vái và nói to: con xin lỗi mẹ. Xong chị lại ngoảnh về đồi K’Nác vái ba vái, nói lẩm bẩm: “Em xin lỗi anh!”. Trời nổi cơn giông ào ào. Tôi vội đứng chắn gió cho chị. Chị lại bước lên nói to: “Mẹ và anh đã thấu lòng chị”.
Chiều đã tàn, tôi thưa với chị ra thăm mộ anh lần nữa, rồi xin phép chị về. Chị ngẫm nghĩ một lúc rồi à lên một tiếng. Được, để chị cùng đi với em. Thế rồi, hai chị em tôi lên xe ra đồi K’Nác. Một ngày, phần mộ anh tôi, khói hương nghi ngút những hai lần, chắc anh tôi bằng lòng lắm…
Lúc chia tay, trên đường về, tôi nghĩ, thế là anh tôi không cô đơn, không “trắng tay” vì đã có chị Hương. Chị Hương là vợ của anh Hường là chị dâu của tôi. Một ngàn lần, tôi kính yêu chị Hương người vợ thân thiết của anh tôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI