Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU- 2017, tác giả NGUYỄN VĂN RÈN





YẾU TỐ SIÊU THỰC TRONG BÀI THƠ 
ĐÂY THÔN VĨ DẠ CỦA HÀN MẶC TỬ


Những bài thơ hay thường khó phân tích, khó giảng giải, bởi vì thơ hay “ phải có sự kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác” ( Hoàng Ngọc Hiến), “ Thơ hay là sự lung linh giữa khả giải và bất khả giải”. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử ( Ngữ văn 11 – THPT) là một trường hợp khá tiêu biểu.
Khi giảng dạy bài thơ này, các thầy cô giáo thường chú ý phân tích vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên vườn quê thôn Vĩ, từ đó gợi lên tâm trạng và lòng yêu thiên nhiên, quê hương đất nước của thi nhân. Như thế là chúng ta quan niệm bài thơ viết bằng bút pháp “ tả cảnh ngụ tình” theo lối truyền thống. Thực ra, đây là một bài thơ rất hiện đại dù vẫn mang cái dáng vẻ cổ điển. Khi viết bài thơ này, Hàn Mặc Tử đã chịu ảnh hưởng khá sâu sắc khuynh hướng thơ siêu thực của văn học Pháp đầu thế kỷ XX. Các nhà thơ siêu thực quan niệm có hai thế giới: Thế giới hiện thực là thế giới có thể nhìn thấy được, sờ mó được, còn thế giới siêu thực chỉ có thể cảm thấy trong giấc mơ, trong tiềm thức, ảo giác, mê sảng. Họ hướng về thế giới vô thức mà họ cho là một lĩnh vực vô hạn đối với sự sáng tạo nghệ thuật, đề cao ngẫu hứng, chú trọng ghi chép những cái lướt qua trong đầu.
Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi tu từ chứa đầy tâm trạng: “ Sao anh không về chơi thôn Vĩ - Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên - Vườn ai mướt quá xanh như ngọc - Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Vườn quê Vĩ Dạ thơ mộng như một bức tranh với ánh “ nắng mới lên” lại được lọc qua tán lá “ hàng cau” gợi lên vẻ đẹp trinh nguyên, tươi mới, thanh thoát. Từ “ mướt” gợi độ trơn, độ non tơ óng chuốt của lá cây và lời trầm trồ ngợi khen “ mướt quá” càng làm cho cảnh sắc khu vườn tươi tắn như rạng rỡ hẳn lên. Trong khu vườn xanh tươi cây lá ấy xuất hiện hình ảnh con người “ Lá trúc che ngang mặt chữ điền”( Có người cho rằng “ chữ điền” là chữ thường treo trước cửa nhà ở Huế xưa). Thực chất, đây là nét mặt người thấp thoáng trong khu vườn, nhưng “ mặt chữ điền” không phải là nét mặt cụ thể mà là một nét ước lệ. Nét ước lệ ấy lại được “ lá trúc che ngang” tạo nên vẻ đẹp chấm phá, hài hòa vào bức tranh vườn quê Vĩ Dạ.
Tuy nhiên, bức tranh vườn quê thôn Vĩ ấy không phải là ngoại cảnh mà là tâm cảnh. Nhà thơ đã trở về thôn Vĩ trong mộng tưởng, trong hoài niệm nhớ thương da diết. Nhờ thế mà cảnh vật, thiên nhiên thấm đượm tâm trạng, càng trở nên sinh động hơn, ám ảnh hơn.
Ở khổ thơ thứ hai, cảnh vật được nhìn rộng ra trong không gian và thời gian nhưng không còn cái sinh động, tươi tắn như ở khổ thơ đầu mà nỗi buồn đã thấm vào không gian, cảnh vật: “ Gió theo lối gió mây đường mây - Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay - Thuyền ai đậu bến sông trăng đó - Có chở trăng về kịp tối nay”. Những hình ảnh “gió”, “mây”, “ thuyền”, “ bến”, “trăng”, “ hoa” tưởng là cụ thể nhưng đều là hình ảnh của ấn tượng. Gió mây vốn là biểu tượng của sự hòa quyện, ở đây lại gợi lên sự chia lìa “ Gió theo lối gió mây đường mây”. Hai chữ “ gió” đóng khung một hình ảnh, hai chữ “ mây” cũng khép kín vòng, gợi lên sự hờ hững và chia lìa. Vì vậy, dòng nước “ buồn thiu” và hoa bắp vật vờ lay động càng gợi nỗi buồn. Đây là nỗi buồn của lòng người khép kín, cô đơn, là dự cảm chia lìa đôi ngả giữa nhà thơ với cuộc đời, với người trong mộng. Hình ảnh “thuyền” - “bến” cũng thường gợi sự chờ đợi, hy vọng vào sự gặp gỡ nhưng ở đây, niềm hy vọng đó thật mỏng manh vì nó được đặt dưới dạng nghi vấn: “ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó - Có chở trăng về kịp tối nay”. Cảnh vật mờ ảo dưới ánh trăng lung linh, huyền diệu và ánh trăng như là ánh sáng của cõi mộng. Sông không còn là sông nước mà trở thành “ sông trăng” và thuyền biến thành thuyền “ chở trăng”.
Khổ thơ cuối, yếu tố siêu thực được dùng để thể hiện hình ảnh con người càng tạo ra ấn tượng mờ ảo, mông lung: “ Mơ khách đường xa khách đường xa - Áo em trắng quá nhìn không ra - Ở đây sương khói mờ nhân ảnh - Ai biết tình ta có đậm đà”. Có người tìm cách giải thích tường minh rằng “ mơ” ở đây là ai mơ ? và “ khách đường xa” là ai ? Chủ thể hay là đối tượng trữ tình ? Nhưng càng cố gắng lý giải càng đi vào bế tắc. Chỉ biết rằng, từ “ mơ” đã gợi sự mơ hồ, kết hợp với cụm từ “ khách đường xa” lặp lại như một điệp khúc càng gợi lên ấn tượng nhạt nhòa, mờ ảo như đi mãi không bao giờ trở lại. Hình ảnh người con gái cũng mờ ảo trong sương khói “ Áo em trắng quá nhìn không ra”. “ Áo trắng” ở đây đã biến thành ảo giác - ảo giác về một hạnh phúc đã trở thành kỷ niệm, trở thành nỗi đau quặn lòng.
Thơ Hàn Mặc Tử ở giai đoạn cuối đời thường có hai thế giới: Thế giới “ ở đây” - thế giới tâm hồn nhà thơ và thế giới “ ngoài kia” là thế giới thực, là cuộc đời. Nhà thơ vừa khao khát hướng ra, níu kéo cái thế giới “ ngoài kia”, hướng đến cuộc đời và tình yêu, nhưng mặc cảm về những nỗi đau lại đẩy nhà thơ ra khỏi thế giới cuộc đời ấy. Như thế, “ ở đây” không còn là ngoại cảnh, không còn là thôn Vĩ nữa mà là thế giới tâm hồn, tâm tưởng của thi nhân. Ở đó, trong cảnh “ sương khói mờ nhân ảnh”, tất cả đều mờ mịt, luất lấp, mất dạng, “ nhìn không ra”.

Dạy bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, cần chú ý những yếu tố siêu thực với những câu hỏi tu từ tạo nên vẻ đẹp lung linh, đa nghĩa của bài thơ, tránh lối phân tích xã hội học dung tục và suy diễn tùy tiện. Cần cho học sinh cảm nhận được sự giao hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên đẹp của một vùng quê nổi tiếng với nỗi niềm bâng khuâng da diết,một tâm hồn thiết tha yêu thương đồng cảm, gắn bó với cuộc đời nhưng cũng đầy đau đớn với mặc cảm chia lìa của thi sĩ tài hoa, bạc mệnh Hàn Mặc Tử.

1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI