Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

CÓ MỘT BUÔN HỒ ĐỂ NHỚ - bút ký dự thi của HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ 311 tháng 7 năm 2018



Tác phẩm dự thi viết bút ký chủ đề:
“Công An Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
                                     




Lâu rồi không trở lại Buôn Hồ, có lẽ từ trước khi Buôn Hồ thành thị xã. Phải thế chăng mà cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay của thị xã cao nguyên.
Thị xã Buôn Hồ được thành lập theo Nghị định số 7/NĐ-CP ngày 23.12.2008 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 02.02.2009, Bộ Công an có quyết định số 319 thành lập Công an thị xã Buôn Hồ và đi vào hoạt động chính thức từ ngày 28.4.2009. Lực lượng công an đã làm tốt chức trách của mình trên địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự của tỉnh.
12 Đội nghiệp vụ và 7 Công an phường với hơn 200 cán bộ, chiến sĩ nên có rất nhiều gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến. Gương nào cũng sáng, cũng đẹp, cũng thể hiện phong cách bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, biết chọn gương nào!
Thôi thì nhận sự phân công của Ban tổ chức, tôi tìm hiểu và ghi chép về Đội Cảnh sát giao thông.
Đội có 1 đội trưởng, 1 đội phó và 23 cán bộ chiến sĩ, làm việc tại 4 tổ, đông nhất là tổ tuần tra, kiểm soát chiếm gần một nửa (11 người). Đội trưởng là Trung tá Nguyễn Tấn Sơn, Đội phó là Đại uý Phan Thị Hồng Hạnh. Đội có trình độ nghiệp vụ khá cao: 1 người cao học, 13 đại học, 9 trung cấp. Với đặc thù công việc nên có tới 20 nam giới, chỉ có 3 nữ giới. Trang thiết bị đầy đủ để công việc thuận lợi: 3 xe đặc chủng, 7 mô tô đặc chủng, 2 cân trọng tải, có máy đo độ cồn, ghi âm, ghi hình, bắn tốc độ, 5 súng bắn đạn hơi cay...
Tại phòng làm việc của Đội Cảnh sát giao thông thị xã Buôn Hồ, tôi có may mắn tiếp xúc không chỉ một mà là ba gương điển hình tiêu biểu của Đội Cảnh sát giao thông, cũng là điển hình của Công an thị xã Buôn Hồ.
Trong ba người chỉ có một nam là Đại uý Trương Thế Việt, người ở Buôn Hồ, hiện làm ở bộ phận đăng ký phương tiện. Thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông.
Trong thành tích chung của Đội, có sự góp công không nhỏ của Trương Thế Việt. Đây là những con số biết nói: Riêng năm 2017 Đội đã tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện 5.859 trường hợp. Ngoài clip tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đường bộ, Đội còn tổ chức tuyên truyền 36 buổi, trong đó 10 buổi tại trường học, có hơn 5.700 giáo viên và học sinh tham gia; 15 buổi tại các thôn, buôn với hơn 2.200 lượt người; 11 buổi phối hợp với PC67 và các đoàn thể, có hơn 1.000 lượt người.
Trương Thế Việt là điển hình của tấm gương tự học, tự rèn. Là lính nghĩa vụ năm 2000. Năm 2003 chuyển về làm Công an huyện Krông Búk. Năm 2007 học trung cấp tại chức. Khi Công an thị xã Buôn Hồ được thành lập, anh được chuyển về đây công tác. Năm 2009-2014 theo học tại chức Đại học Cảnh sát nhân dân. Thời gian vừa làm vừa học cũng là thời gian thử thách lòng kiên định. Từ năm 2015 ở tổ tuần tra kiểm soát, mới chuyển về tổ đăng ký phương tiện năm 2016.
Bảng thành tích của anh thật đáng nể: Từ 2004 đến 2015 là chiến sĩ tiên tiến. Năm 2016 là chiến sĩ thi đua cơ sở với thành tích 15 năm dân vận khéo. Anh đã được trao tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì.
Cùng với Trương Thế Việt còn có sự góp sức của Trung uý Phan Thị Phương Lan. Phương Lan sinh năm 1990 gốc Nghệ An, sinh ở Đắk Lắk. Có chồng làm ở Phòng Tài nguyên – Môi trường thị xã Buôn Hồ, đã sinh một cháu trai năm 2016. Có con nhỏ nên được đồng nghiệp thông cảm và gia đình tạo điều kiện giúp đỡ. Từ Đội Tham mưu tổng hợp chuyển sang đăng ký quản lý phương tiện. Không ỷ lại, vượt khó để vươn lên, bám sát cơ sở để tuyên truyền vận động nhân dân thực thi pháp luật, trở thành một trong 12 cá nhân điển hình tiên tiến của lực lượng Công an thị xã. Năm 2014-2015 đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua. Từ năm 2013 đến 2016, ba năm liền là chiến sĩ tiên tiến. Được nhận Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Năm 2013 có vinh dự là đoàn viên tiêu biểu của Bộ Công an được ra thăm quần đảo Trường Sa, thoả mãn khát khao từ núi rừng về với biển cả thân yêu.
Phan Thị Phương Lan cùng Trương Thế Việt là gương sáng đáng biểu dương, nhưng còn một tấm gương khác làm tôi ngả mũ khâm phục, ngọn bút rung lên với niềm trăn trở: Viết sao cho được phần nào công sức mà cô đã bỏ ra. Đó là người Đội phó Đội Cảnh sát giao thông – Đại uý Phan Thị Hồng Hạnh, người có đôi mắt cương nghị nhưng lại ấm áp tình người. Năm 2007, tốt nghiệp Đại học Cảnh sát, 2011 là Đội phó, được phong quân hàm Đại uý năm 2015. Là người chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Có tinh thần trách nhiệm cao nên có uy tín với mọi người. Đó là lý lịch trích ngang và sơ lược thành tích bề nổi của Hồng Hạnh. Còn chiều sâu tâm hồn của một người sống đẹp vì mọi người thì ngòi bút như bất lực. Chỉ nêu một chi tiết: Từ năm 2004 đến nay, cô đã hiến máu nhân đạo tới 19 lần, không rõ cơ số máu đó đã tiếp cho những ai, chỉ biết rằng cứu sống được nhiều người và những người nhận máu được tiếp thêm lẽ sống cao đẹp của người cho máu. Năm 2009 được tôn vinh là người hiến máu nhân đạo. Năm 2013 được Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tôn vinh là thanh niên sống đẹp. Năm 2014 được tặng Bằng khen 10 năm hiến máu nhân đạo. 6 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Tiên tiến, xác định thêm về năng lực chuyên môn bên cạnh hoạt động xã hội.
Giải quyết công việc thấu lý đạt tình. Có lần băn khoăn khi đối tượng điều khiển xe mô tô vi phạm quên đội mũ bảo hiểm. Họ có thể vội vàng vì nhà có đám, nếu giữ xe, xử phạt 700.000 đồng thì lỡ việc của họ, Nhà nước chẳng giàu thêm. Tuyên truyền giải thích cho họ nhớ. Cái nhớ sâu sắc là tình người, là lòng nhân ái của người chiến sĩ công an mà họ mang ơn.
Bộ cảnh phục màu vàng, phù hợp với dáng người cân đối như người mẫu, làm tăng làn da trắng, môi hồng của người Đại uý 34 tuổi. Có thể vì đẹp người đẹp nết mà các chàng trai e ngại nên chưa dám đến gần, hoặc mải việc chung mà quên việc riêng. Đoán già, đoán non đều là võ đoán, đành phải mượn lời cụ Nguyễn Du viết về trường hợp này: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Và tôi tin: Sẽ có chàng bạch mã hoàng tử tìm đến cô như định mệnh, cô sẽ được hạnh phúc trọn vẹn. Vì người tốt thì được đền đáp như luật nhân quả vốn có ở đời.
Cảm ơn Buôn Hồ. Cảm ơn Đội Cảnh sát giao thông cho tôi gặp những con người đáng trân trọng, dù chỉ gặp một lần mà nhớ mãi bởi thấm đẫm tính nhân văn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI