Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

VÌ SỰ BÌNH YÊN CHO MỘT VÙNG ĐẤT bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯYANGSIN SỐ: 312 - THÁNG 8 NĂM 2018




Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an huyện M'Drak 

Trên đường từ thành phố Buôn Ma Thuột về Công an huyện M’Drắk, Thượng tá Dương Tấn Bình - Phó trưởng phòng PX 15 nói với tôi: “Công tác ở một huyện có địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, dân di cư tự do vào nhiều, nhưng cán bộ, chiến sỹ ở đây làm tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội liên tục trong nhiều năm liền. Trưởng công an huyện là cán bộ có năng lực, trưởng thành tại chỗ, chắc chắn các nhà văn sẽ có nhiều đề tài để khai thác”. Mới nghe giới thiệu thôi, tôi đã thấy ấn tượng rồi, bao nhiêu kỷ niệm một thời với huyện M’Drắk ùa về...
Tháng 11 năm 1977 tôi được phân công về huyện M’Drắk dạy học, khi đến cây cầu 70, hai bên Quốc lộ 21A (nay đổi tên thành Quốc lộ 26), xác xe cháy chất đống chạy dài lên tận chân đèo 519. Phía sau những khung sắt hoen rỉ ấy là rừng già xanh xen cỏ tranh bạt ngàn, trải dài như vô tận. Thời ấy khoảng 17 giờ, không một chiếc xe tải, xe khách nào dám lưu thông qua đây vì sợ bọn phản động Fulro phục kích; có hôm mới hơn 16 giờ chúng đã kéo ra chặn đường, xả súng vào xe khách, giết người, cướp của ngay đầu cầu 70 - nay là ranh giới của hai huyện Ea Kar và M’Drắk. Còn hôm nay, nhà cửa san sát, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên nhìn như một dãy phố kéo dài theo quốc lộ 26 lên tận đỉnh đèo 519. Cánh đồng mía xanh thẫm nối nhau trải dài thay thế cho cánh rừng già khi xưa nơi đây. Khung cảnh thay đổi như ngầm giới thiệu với người qua đường về một vùng đất thanh bình, trù phú.
Xe dừng trước cửa khu nhà làm việc cao tầng, sỹ quan trực ra tận xe chào đoàn và một người tầm thước, khuôn mặt nhìn phúc hậu, trên vai mang quân hàm đại tá, tươi cười bước ra đón đoàn, bắt tay từng người thật chặt. Khi bắt tay nhà thơ Hữu Chỉnh, vị đại tá xuýt xoa: “Bác có mệt không? Đường sá xa xôi, tuổi cao như thế mà vẫn về với các cháu, quý hoá quá”! Nhà thơ Hữu Chỉnh hóm hỉnh trả lời: “Tớ hai năm nữa mới tròn tám mươi, nhờ trời vẫn còn khoẻ cả sức đi và lực viết”. Mọi người cùng cười. Thượng tá Dương Tấn Bình giới thiệu với đoàn: Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng công an huyện M’Drắk!
Trong căn phòng làm việc của Đại tá Trưởng công an huyện có hai chiếc bàn kê hình chữ T, sáu chiếc ghế tựa để hai bên vừa đủ cho sáu vị khách. Đại tá nhờ anh em lấy thêm chiếc ghế nhựa đặt cuối bàn, ngồi tiếp khách chứ không ngồi chiếc ghế của Trưởng công an huyện kê phía trong; chỉ một cử chỉ nhỏ đó thôi cũng để lại ấn tượng đậm nét trong lòng những người lần đầu đến tiếp xúc, làm việc; tạo tâm thế gần gũi, thân quen như người nhà lâu ngày gặp lại. Đại tá Nguyễn Quang Trung vui vẻ nói: “Đi đường xa mời bác, các cô, chú uống nước nghỉ ngơi một chút rồi ta lên hội trường làm việc”.

Hội trường trên tầng hai, các cán bộ chủ chốt của Công an huyện đã tập trung đông đủ đợi đoàn. Nhìn các sỹ quan đứng dậy chào chúng tôi, đa số còn rất trẻ, nhiều người tuổi đời chưa đến bốn mươi mà sao có nét quen quen như đã gặp ở đâu rồi, làm tôi có một chút bối rối, xúc động...
Ngày ấy cách đây tròn 35 năm tôi rời huyện M’Drắk đi học rồi chuyển công tác qua huyện khác; khi đi qua đây, chính tại nơi tôi đang ngồi chỉ là một ngôi nhà xây cấp bốn lợp ngói; còn phía sau có thêm mấy căn nhà gỗ lợp tôn, lợp ngói tạm bợ. Anh Y Pic - Trưởng công an huyện, anh Nguyễn Văn Hương - Phó công an huyện là những người cán bộ đầu tiên về nhận nhiệm vụ khi thành lập Công an huyện M’Drắk ngày 30 tháng 8 năm 1977. Sau này tăng cường từ ngoài bắc vào có thêm Trung uý Nguyễn Văn Huy và Thiếu uý Trần Xuân Tuyến... mấy anh em chơi thân với nhau lắm. Khi ấy bọn Fulro còn hoạt động mạnh, chúng liều lĩnh tấn công vào trường nội trú M’Drắk, đốt nhà dân, giết cán bộ... gây nhiều tổn thất. Nhưng với lòng dũng cảm, mưu trí, công an bóc gỡ dần các cơ sở ngầm, phát động quần chúng vận động những người lạc lối về đầu thú để nhận sự khoan hồng của chính quyền, cuộc sống nhân dân đi dần vào ổn định, từng bước xoá đói, giảm nghèo...
Đại tá Nguyễn Quang Trung “bật mí” hai bí quyết cơ bản để Công an huyện M’Drắk nhiều năm liên tục giữ vững danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Một là phát huy tính dân chủ trong cơ quan đơn vị, tạo sự đồng thuận cao độ và từ đó cán bộ chiến sỹ tự giác chấp hành nhiệm vụ, khuyến kích được các tài năng phát triển. Cũng từ dân chủ ta tìm ra nguồn cán bộ đủ tài, đức, uy tín với đồng đội để đề bạt cất nhắc đảm nhiệm các chức vụ trong cơ quan. Hai là đối với địa bàn phải có cơ sở mạnh, giúp ta nắm bắt, giải quyết ngay được những vần đề vừa mới nảy sinh mâu thuẫn từ cơ sở.
Nghe qua “bí quyết” thấy đơn giản quá, hình như cơ quan, đơn vị nào cũng đang thực hiện; nhưng để thật sự phát huy được dân chủ trong đội ngũ đảng viên, cán bộ chiến sỹ trong đơn vị không mấy dễ dàng. Người thủ trưởng đơn vị phải thực sự là thủ lĩnh, công tâm, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác thì trong mọi công việc mới phát huy được hết tài năng của anh em, gắn kết anh em thành một tập thể đoàn kết. Để thực sự là thủ lĩnh, đối với bản thân người chỉ huy phải luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng: cần, kiệm, liêm, chính; thực sự là tấm gương sáng để đồng đội noi theo. Đối với đồng chí, đồng đội phải xem nhau như anh em trong một nhà, uốn nắn những cái sai, cái chưa được để làm cho đúng, cho tốt. Đối với công việc phải vui vẻ nhận khi được phân công, cố gắng hoàn thành tốt. Người chỉ huy thực hiện được như vậy anh em mới kính phục, tôn trọng và đó quả là một “bí quyết” hay, nhờ vậy hôm nay Công an huyện M’Drak mới có một tập thể mà đa số cán bộ còn trẻ, trưởng thành tại chỗ để đĩnh đạc đảm nhiệm những chức vụ trọng yếu trong cơ quan.
Để thực hiện “bí quyết” thứ hai Đại tá Nguyễn Quang Trung còn cho chúng tôi biết thêm, anh đã chỉ đạo thành lập các tổ ba người tại các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện nhà để kết hợp với chính quyền giải quyết ngay các mâu thuẫn mới nảy sinh từ chuyện sinh hoạt hàng ngày, chuyện vợ chồng, làng xóm... đến các mâu thuẫn lớn hơn như: đất cát, chế độ, chính sách, tín ngưỡng, tôn giáo... Chính nhờ vậy không còn hiện tượng khiếu kiện đông người, vượt cấp; nhân dân trên địa bàn yên tâm lao động, sản xuất, kinh doanh... Thêm một “bí quyết” của người lãnh đạo, lấy dân làm gốc, mọi việc được giải quyết ngay từ khi nó mới nảy sinh như ngọn lửa mới loé lên ta đã dập ngay, không để bùng phát, loang ra thành đám cháy lớn. Quả thật đây là một ý tưởng hay, thể hiện được bản lĩnh, sự nhạy bén đối với một công việc mà xã hội đánh giá là gai góc, nặng nề, và hết sức phức tạp, khó khăn.
Tôi làm nghề dạy học, rồi chuyển qua làm báo, viết văn và quản lý văn nghệ; trong thời gian 5 năm ở huyện M’Drắk tuy thời gian không nhiều với một đời người rồi phải đi xa lâu ngày, nay vì công việc trở lại đây nhìn ai cũng có nét quen quen. Cuối buổi làm việc, khi anh em đứng dậy ra về, Đại tá Nguyễn Quang Trung lại làm tôi bất ngờ khi giới thiệu: “Đại uý, thạc sỹ, Phó trưởng Công an huyện trẻ nhất trong số anh em lãnh đạo cơ quan là Bạch Văn Cường - con trai của Trưởng Công an huyện mới nghỉ hưu năm 2016”. Tôi bật kêu lên ngạc nhiên: “Con Đại tá Bạch Văn Trọng?” “Dạ, đúng rồi chú”. Thảo nào tôi thấy quen quá mà không nhận ra.
Buổi chiều, tôi đến thăm Đại tá Bạch Văn Trọng, anh ở nhà một mình. Lâu ngày gặp lại có bao nhiêu chuyện để nhớ về những người đồng đội một thời ở với nhau, người còn người mất, người nghỉ hưu về quê hay đã chuyển qua tỉnh khác... Tôi hỏi: “Quang Trung, Trưởng công an huyện con cái nhà ai mà em nhìn quen quen?” “Chú mày còn nhớ ông lái xe bệnh viện sau đó lái xe cho đội chiếu bóng ở cái xóm cũ nhà chú mày không?” À ra thế, thảo nào tôi thấy có nét quen như gặp ở đâu. Quang Trung bố lái xe, mẹ không có việc làm, nhà nghèo đông anh em, học xong phải đi làm kiếm sống và phụ với gia đình, sau trúng tuyển vào học Trường Trung cấp Công an, rồi phấn đấu, học thêm... Đại tá Bạch Văn Trọng cho biết: “Trung là người thông minh, xử lý tình huống táo bạo, với công việc luôn luôn nhận phần khó khăn nguy hiểm, nhường thuận lợi cho đồng đội. Một người thẳng tính, sống có tình nên anh em trong cơ quan kính trọng lắm”. Tôi hỏi thêm: “Anh có an tâm khi bàn giao trách nhiệm cho Quang Trung đảm nhận không?” “Khi làm công tác nhân sự Trung nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của anh em. Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện, mình chủ động xin nghỉ hưu trước tuổi để tổ chức giới thiệu Trung thay và cơ cấu vào Thường vụ Huyện uỷ.” Câu trả lời của Đại tá Bạch Văn Trọng về người đồng đội thay mình đảm nhiệm chức vụ Trưởng công an huyện M’Drắk thật tế nhị và ngầm khẳng định niềm tin tưởng tuyệt đối vào thế hệ kế kiếp, gánh trọng trách khi được tổ chức phân công.
Sáng hôm sau, tôi gặp đồng chí Phạm Văn Khoa - Phó ban Tổ chức Huyện uỷ M’Drắk, đồng chí vui vẻ cho biết: “Khi em làm Kế toán trưởng Công ty Lương thực có nhận Quang Trung vào làm hợp đồng bốc vác cho Công ty, tuy là học trò vừa mới rời ghế nhà trường, sức khoẻ có hạn nhưng chịu khó lắm. Sau này đi học rồi về công tác tại Công an huyện, phấn đấu lên Đội phó, Đội trưởng, Phó rồi Trưởng công an huyện. Về chuyên môn thì bên em không đánh giá, nhưng về quan hệ, đối nhân xử thế, được anh em trong cơ quan cũng như ngoài cơ quan đánh giá là người có bản lĩnh, hoà đồng trong cuộc sống đời thường, nhưng với công việc hết sức nghiêm túc, xử lý công việc có lý có tình”.
Có lẽ tuổi thơ của người Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng công an huyện M’Drắk vất vả, nhưng được tình thương yêu của bạn bè bố mẹ giúp đỡ, cưu mang; khi trưởng thành được về công tác tại chính vùng đất mà mình đã lớn lên, nên tất cả tâm trí, hoài bão của cả đời chỉ mong cho mảnh đất nơi đây được bình yên, để mọi người an tâm làm việc tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và chính ước mơ ấy đã thôi thúc anh hành động một cách quyết liệt trong công việc mà mình từng đảm nhận để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mừng cho M’Drắk hôm nay đã “thay da đổi thịt”, phố huyện có nhiều nhà cao tầng. Người dân các xã vùng sâu, vùng xa như: Cư San, Cư Prao, Ea Trang M’Doal... đã có điện lưới quốc gia, trường học, trạm xá... phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Nhiều gia đình mua được ô tô, máy cày, xe máy và những trang thiết bị đắt tiền khác, cuộc sống vật chất ngày một được cải thiện và nâng cao, biến vùng đất khô cằn, cỏ tranh bạt ngàn ngày xưa thành làng quê trù phú, rộn rã tiếng cười.
Tuy nhiên M’Drắk hôm nay vẫn còn có hộ nghèo, đường giao thông nhiều vùng chưa thuận lợi do nhiều xã ở cách xa trung tâm huyện, trong vùng núi cao, suối sâu, đi lại khó khăn, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt... nhưng con người ở đây sống với nhau có tình làng, nghĩa xóm dù nơi sinh ở khắp 63 tỉnh thành cả nước. Có được điều đó vì liên tục nhiều năm liền tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội nơi đây được đảm bảo. Thành tích ấy là công lao của tập thể đảng bộ, chính quyền các cấp, nhưng vai trò người Công an là nòng cốt, quyết định. Và trong chiến công chung ấy, không thể thiếu vai trò người “đứng mũi chịu sào”, Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk. Xin được lấy lời nhận xét của đồng chí Vũ Hữu Nhân - Quyền bí thư Huyện uỷ M’Drắk thay cho lời kết của bài viết này: “Đại tá Nguyễn Quang Trung, Uỷ viên thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Công an huyện M’Drắk là người cán bộ có năng lực, hoà đồng với mọi người, tận tuỵ với công việc, có uy tín với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân. Luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI