Sổ tay Thơ:
NGHE HÁT HUÊ TÌNH
Đêm
cuối năm ngồi nghe hát huê tình
Tiếng
đàn đáy chập chùng quá khứ
Đào
nương ơi!
Giọng em ca sao vừa quen vừa lạ
Trăm
năm rồi tiếng hát vẫn liêu trai
Có chút gì trong nỗi nhớ tàn phai
Tiếng sênh phách gõ vào tim nhoi nhói
À
ơi...
"Giang
san một gánh giữa đồng"
Thuyền quyên còn nhớ
Ai cuồng si
Ai nhịp phách
Ngàn
năm
Không
đổi
Đêm
nay đại ngàn gió thổi
Tiếng
đàn như ảo ảnh
Sương
phai
Như
tay ai
Buông
xuống cung đàn
Tơ rung
Ơi
người thi nhân
Mười
năm nung chí
Nhớ những ngày buồn vui
Lệ
chưa rơi
Mà
thơ cạn hứng
Ơi
đào nương hỡi
Ca gì những điều u uất
Sầu hận mà chi
Kẻ
sĩ có bao giờ vui sướng
Cánh chim ngàn dặm nỗi sầu
Rượu
nồng muốn hát chẳng nên câu
Nhịp phách
Đêm
tàn
Nhỏ lệ
Khóc
ai đào nương hỡi... đến bạc đầu
Thế gian ơi hề!
Thế gian!
Lung linh như nước
Cung đàn thâm sâu
Tiếng đàn đứt ruột lòng
đau
Người ngồi hoá tượng
Chân cầu nước trôi...
TRẦN CHI
LỜI BÌNH:
Chưa đọc nhiều thơ Trần Chi, thi thoảng trong các tuyển
thơ của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk lại được gặp một số bài do anh tự chọn để
in cùng với nhiều tác giả khác, vì vậy tôi không thể nhận định gì nhiều về tác
giả. Có điều, khi đọc Nghe hát huê tình, cảm giác thơ anh phảng phất một
điệu hồn hoài cảm, tha thiết với quá khứ xa xưa, đậm chất phiêu lãng nên mượn đôi dòng
riêng cảm nghĩ về thi phẩm trên, xem đó như một tấm lòng tri âm vậy.
Hát huê tình mà tác giả muốn nói ở bài thơ này
chính là hát ả đào hay còn gọi là hát ca trù, thịnh hành ở khu vực Bắc bộ và Bắc
Trung bộ (khác với hát đối đáp ở Nam bộ trong dân gian người ta cũng quen gọi là hát huê
tình - L.T.V nhấn mạnh). Hát ca trù ở nước ta hình thành và phát triển từ
thế kỷ 15, đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 18, 19. Đây là loại hình ca hát có sự kết
hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và âm nhạc, trong đó thể loại hát nói là phổ
biến hơn cả. Ở nhan đề bài thơ, Trần Chi không dùng các từ ả đào, ca trù mà lại
dùng chữ "huê tình" để gợi tả một cuộc tri ngộ giữa tài tử với giai
nhân qua một mối lương duyên ngoài khuôn phép. Nhờ đó, Nghe hát huê tình mang vẻ
đẹp lãng mạn, hào hoa của những khúc diễm tình muôn thuở chứa chan.
Thời gian nghệ thuật được tác giả giới thiệu trong phần
đầu bài thơ là một "đêm cuối năm" thanh bình và yên ả. Không khí của
buổi hoà nhạc đặc biệt này vẫn mang nét trang trọng cổ xưa. Có đào nương cất tiếng
ca cùng bộ phách gõ nhịp, người đánh đàn đáy là anh kép phụ hoạ theo tiếng hát
liêu trai, người thưởng ngoạn là nhân vật trữ tình tác giả với biết bao nỗi niềm
hoài cảm. Nghe hát huê tình trong thời điểm hiện tại, nhưng khi tiếng hát
của đào nương cất lên, tâm hồn thi nhân như trôi về quá khứ. Những xúc động bồi hồi cứ mở
ra mênh mang lắm nỗi niềm riêng:
Đêm cuối năm ngồi nghe hát huê tình
Tiếng đàn đáy chập chùng quá khứ
Đào nương ơi!
Giọng em ca sao vừa quen vừa lạ
Trăm năm rồi tiếng hát vẫn liêu trai
Khi tiếng đàn đáy ngân lên, quá khứ cha ông ngày xưa
đã chập chùng hiện về trước mặt. Một thán từ "ơi!" cất tiếng gọi đào
nương, một lời khen như tiếng trống chầu điểm vào nơi đắc ý của tác giả khi cảm
được tiếng hát liêu trai của người ca nữ. Cả không gian lắng đọng trong bước đi
nhẹ nhàng của thời gian hướng về phía mùa xuân như một khúc xuân tình diệu vợi.
Ở năm dòng thơ đầu, câu chữ cứ tự nhiên vỡ trào cảm xúc, không một chút dụng
công, kỹ thuật nào được phô diễn ở đây, vậy mà người đọc vẫn lắng lòng nghe tiếp
nỗi niềm tâm sự của thi nhân thiết tha trong buổi nghe hát huê tình:
Có chút gì trong nỗi nhớ tàn phai
Tiếng sênh phách gõ vào tim nhoi nhói
Trong "nỗi nhớ tàn phai" ấy, nhà thơ nghe
đào nương ca mà nhịp sênh phách cứ như gõ vào chính trái tim mình nhoi nhói. Nỗi
đau của quá khứ quay về nhập cuộc trong lòng tác giả bằng một sự cảm thông tha
thiết với tiền nhân. Một thi nhân Nguyễn Công Trứ quyết liệt, ngang tàng mà tài
năng và phong tình tột đỉnh nhân gian: "À ơi.../"Giang san một gánh
giữa đồng"/Thuyền quyên còn nhớ". Một Nguyễn Du mười năm
nung chí lắm nỗi hợp tan giữa bể loạn của thời cuộc điêu linh: "Ơi người thi nhân/ Mười
năm nung chí" hay đó cũng chính là tâm tình của tác giả giữa "đại
ngàn đêm nay gió thổi"? Hoá ra bao nhiêu kẻ sĩ trên đời này nào ai có được niềm vui, tất cả
đều sầu tư lắm nỗi, nên lắng nhịp phách
đàn mà cùng đào nương cất lên những niềm u uất khôn nguôi:
Ơi đào nương hỡi
Ca gì những điều u uất
Sầu hận mà chi
Kẻ sĩ có bao giờ vui sướng
Cánh chim ngàn dặm nỗi sầu
Tất cả chung hoà giọt lệ cảm khái bùi ngùi. Những
giọt lệ đồng cảm tri âm ấy cũng đã được nhà thơ Trần Chi hình thức hoá bằng những dòng
thơ ngắn - hai chữ, chơi vơi rơi như một nỗi niềm:
Nhịp phách
Đêm tàn
Nhỏ lệ
Hoá ra kẻ sĩ xưa nay đều thế cả, chất chứa bao buồn
đau u uất giữa thời cuộc bể dâu. Quả chỉ có tiếng đàn, nhịp phách của khúc huê
tình cất lên mới thoả chí phiêu bồng. Đến khổ thơ kết bài, vẫn kiểu câu thơ vắt
dòng tự do nhưng tự thân đã nhuần nhị ngân lên bằng âm điệu lục bát. Tôi
nghĩ, có lẽ chính nỗi lòng thẳm sâu của tác giả khi đã hoà điệu hồn mình với
quá khứ cha ông, ngồi "hoá tượng" nhìn chân cầu nước xuôi cuốn bao phồn
hoa, danh lợi nên tình thơ đã nhập vào điệu tình của thể lục bát ngân nga, dù cố
bứt mà chưa hẳn đã rời xa quá vãng. Đọc khổ thơ này, tôi cứ mường tượng một Trần Chi lặng lẽ
"lòng đau" trước thế gian "lung linh bóng nước". Sự giật
mình thảng thốt của thi nhân khi nhận ra bao phù hoa của thế gian mới xa
xót làm sao:
Thế gian ơi hề! Thế gian!
Lung linh như nước
Cung đàn thâm sâu
Tiếng đàn đứt ruột lòng đau
Người ngồi hoá tượng
Chân cầu nước trôi...
"Thế là hết nước trôi qua cầu", người ngồi
hoá tượng trước trùng trùng dâu bể cõi phù sinh khi đào nương cất tiếng ca vang khiến ta
chạnh lòng nhớ đến một chàng Tư Mã Tương Như nhỏ lệ "đượm tràng áo xanh"
nơi "bến Tầm Dương canh khuya đưa khách". Bạch Cư Dị thương người kỹ
nữ lạc loài nơi đất khách, Trần Chi bâng khuâng mối đồng cảm sầu bi cùng với
đào nương trong Nghe hát huê tình, nhờ đó lời thơ phảng phất tấc lòng đồng
ngộ tri âm của tài tử gặp giai nhân trong văn chương cổ điển. Sâu lắng hơn, điệu hồn ấy
đã hoá vào tâm sự của những văn nhân, thi sĩ tài hoa muôn đời của đất nước. Vì thế,
tôi đọc Nghe hát huê tình mà như nghe tiếng lòng diệu vợi của cha ông, thẳm
sâu điệu thức ca trù
mang mang nỗi sầu vạn cổ.
LÊ THÀNH VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI