Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

NHỮNG BIỂU TƯỢNG TRONG TRUYỆN NGẮN “THUỐC” CỦA LỖ TẤN - lời bình của PHẠM MINH TRỊ - CHƯ YANG SIN SỐ 311 tháng 7 năm 2018





Mở đầu thiên truyện ngắn nổi tiếng này là không gian – thời gian nghệ thuật rất đặc biệt: “Một đêm thu gần về sáng, trăng lặn rồi, nhưng mặt trời chưa mọc”. Một đêm, lại là một đêm thu. Tại sao tác giả không lấy không gian - thời gian đêm hè, đêm xuân, đêm đông? Hẳn đây là một sự ngẫu nhiên, một cảm hứng vô tình của ngọn bút. Ở một người nào đó có thể xảy ra, vì một khi dâng trào cảm xúc nó cứ mãnh liệt dẫn dụ người viết, nhiều khi chẳng kịp nghĩ suy gì. Nhưng với một nhà văn như Lỗ Tấn thì không thể có sự ngẫu nhiên kia xẩy ra. Vậy dứt khoát đây hẳn là một chủ đích nghệ thuật? Rõ ràng, “đêm thu” là một ẩn dụ, một biểu tượng đầy ẩn ý mà người đọc cần đọc chậm lại mà nghĩ, mà liên tưởng. Phải chăng “đêm thu” chính là hoàn cảnh xã hội của Trung Hoa ngày ấy (nửa sau thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20). Lúc này, xã hội Trung Hoa, vua quan nhà Thanh đứng trước một tình hình mới: Giáp mặt với những thế lực đế quốc phương Tây. Tất cả chính sách của Trung Hoa đều lộ ra sự lạc hậu. Vua liên tục nhượng bộ trước những yêu sách rất phi lý của kẻ thù và thực sự Trung Hoa đã trở thành một đất nước nửa thuộc địa, càng ngày càng lệ thuộc vào phương Tây. Lỗ Tấn dùng ẩn dụ “đêm thu” để nói rằng chế độ xã hội đương thời của Trung Hoa đang tàn tạ, suy sụp, dân chúng đang chìm đắm trong mê muội, lạc hậu, còn người cách mạng hoàn toàn xa lạ với nhân dân. Điều này biểu hiện rất rõ ở nhân vật vợ chồng lão Hoa. Cả hai vợ chồng đều tin tưởng tuyệt đối vào việc đi mua một chiếc bánh bao tẩm máu người vừa bị chém ở pháp trường về cho đứa con trai độc nhất mười đời đang bị bệnh lao. Lão Hoa đinh ninh đó là toa thuốc “thần” để cứu con trai lão: “…lão còn để hết tinh thần vào cái gói bánh như nâng niu đứa con của gia đình mười đời độc đinh, không chú ý gì đến nữa. Lão sẽ mang cái gói này về nhà, đem sinh mạng lại cho con lão, và lão sung sướng biết bao!”. Còn quần chúng nhân dân lúc này đối với người cách mạng thì sao? Ta hãy nghe lời nói của họ thì rõ: “Cái thằng nhãi con ấy không muốn sống nữa, thế thôi. Lần này, tớ chẳng nước mẹ gì. Đến cái áo nó cởi ra, cũng lão Nghĩa, cái lão đề lao, mắt đỏ như mắt cá chép ấy, lấy mất. May nhất có thể nói là ông Hoa nhà này, thứ đến là cụ Ba. Cụ ta được thưởng hai mươi lạng bạc trắng xoá, một mình bỏ túi tất, chẳng mất cho ai một đồng kẽm!”. Họ mê muội đến vậy, họ khốn khổ đến thế, nghĩa tình ruột thịt đối với họ không bằng “hai mươi đồng bạc trắng xoá”. Nhận thức, tư tưởng của họ lúc này quả là “trắng xoá”! Họ coi người cách mạng là “thằng nhãi con”, khi nhắc đến sự việc người cách mạng Hạ Du bị chém ngoài pháp trường, họ dửng dưng, thờ ơ, lạnh nhạt như chẳng liên quan gì đến họ, họ chỉ luyến tiếc không được “may mắn” để lấy một cái gì có lợi trước mắt cho họ mà thôi. Điều này cũng có nghĩa: Người cách mạng lúc đó chưa hiểu gì về quần chúng, chưa có mối dây liên hệ mật thiết với quần chúng, còn quá xa lạ với họ, ngược lại quần chúng chưa có khái niệm gì về người cách mạng, nguy hại hơn lại hiểu sai hoàn toàn về người cách mạng (cho người cách mạng là giặc). Lỗ Tấn cảnh tỉnh mọi đối tượng, phải hiểu thấu về nhau, đặc biệt hiểu rõ bản chất của  xã hội mới mong cùng đứng dậy “gào thét-hò reo”.
   Mở đầu thiên truyện là “mùa thu” kết thúc là “mùa xuân”: “…Những cây dương liễu mới đâm ra được những mầm non bằng nửa hạt gạo”. Buổi sáng mùa xuân này tuy “trời lạnh lắm” nhưng “mầm non” đã nhú, báo hiệu một tương lai huy hoàng sắp đến, một xã hội mới sắp sửa thay thế xã hội phong kiến Trung Quốc lúc bấy giờ đang rữa mục. Chế độ xã hội tốt đẹp ấy là hiện thực, hiển hiện ngay trước mắt, nó đã hiện hình rõ ràng, cụ thể: “bằng nửa hạt gạo”. Một hình ảnh so sánh kết hợp với ẩn dụ, vừa rất thực, vừa gần gũi, vừa gợi cảm, độc đáo. Hình ảnh “nửa hạt gạo” sáng bừng lên trong mắt mọi người, đặc biệt đối với hai bà mẹ khốn khổ đang mang nỗi đau mất con. Cùng gặp nhau trong buổi sáng mùa xuân, cùng một bãi tha ma, nhưng được chôn ở hai phía khác nhau bởi hai cái chết khác nhau. Song có lẽ trong họ đã có cái gì đó xung động ở cõi lòng sâu thẳm. Hình ảnh “nửa hạt gạo” là tương lai ấm no của họ, là cuộc sống hạnh phúc của họ, nó mới chỉ là hứa hẹn nhưng đã manh nha, đã hiện hình, đã xuất hiện thực sự trong thực tại mà họ đang sống, đang cảm thấy một cách  rõ rệt như hạt gạo hằng ngày nuôi sống họ. Và điều đó dứt khoát không thể là mơ tưởng, hão huyền như vợ chồng lão Hoa trước đây đã từng mơ tưởng về sự thần diệu của chiếc bánh bao tẩm bằng máu của người cách mạng bị chết chém, mong cứu lấy sinh mệnh của con trai độc nhất mười đời nhà mình.
 Trong truyện ngắn “Thuốc” câu chuyện chủ yếu diễn ra trong một không gian nhỏ hẹp, quẩn quanh, ẩm thấp, rùng  rợn, ma quái, thiếu sinh khí và ánh sáng: Một quán trà của gia đình  lão Hoa, một pháp trường, một bãi tha ma. Cái không gian nghệ thuật ấy là biểu tượng của chính xã hội đương thời thu nhỏ. Một xã hội quẩn quanh, u tối, ngu muội và bế tắc. Con người sống trong không gian ấy cũng trì trệ, dốt nát, họ không phân biệt được tốt xấu, phải trái, mù quáng đến mức đần độn đáng thương (tố cáo người thân để lĩnh thưởng, tin ăn bánh bao tẩm máu người chết chém khỏi bệnh, sẵn sàng để bọn đao phủ lợi dụng, thực hiện cái dã tâm bẩn thỉu, hèn hạ, mất tính người là bán máu người chết chém). Sống trong một không gian như thế, tất yếu con người phải như thế, đó là quy luật không thể khác được. Muốn thay đổi phải đổi thay cả hoàn cảnh thực tế khách quan. Nên lúc này rất cần “thuốc” để trị bệnh. Bệnh nan y của cả một dân tộc giống nòi.
   Cái nhan đề của truyện ngắn này không thể ngắn hơn được nữa. Chỉ là một từ đơn: Thuốc. Thế thôi, mới đọc đã có cảm giác mạnh mẽ, dứt khoát, bùng nổ ở trong một từ gọn đanh, chắc như đá tảng. Mức độ cấp thiết đã được tác giả bày tỏ. Lúc này cả dân tộc Trung Hoa như đang ngồi trong chảo lửa, chìm trong ngu muội, lạc hậu, căn bệnh “đớn hèn” đã ăn sâu vào tuỷ xương cần phải có ngay phương thuốc hữu hiệu để trị, cứu nguy cho dân tộc. Tính chất rất cấp bách, không thể chần chừ được nữa. Nhưng phương thuốc phải hiệu nghiệm. Chứ chữa bệnh nan y mà dùng mê tín để chữa thì nguy càng nguy và hậu quả tất yếu phải diệt vong. Toa thuốc “bánh bao tẩm máu người chết chém” mà lão Hoa dốc hết tiền của ra mua để chữa bệnh cho con trai nào có ích gì. Cuối cùng Thuyên cũng chết. Lỗ Tấn không chỉ phê phán, lên án gay gắt bệnh mê tín đến ngu muội của quần chúng mà quan trọng hơn, cấp bách hơn, thiết thực hơn, cần có một phương thuốc mà phương thuốc này phải giác ngộ được quần chúng, làm cho quần chúng thấy rõ sự lạc hậu, thối nát, đớn hèn mục ruỗng của triều đại phong kiến đang thống trị họ, đang đè nặng, mê hoặc cả thể xác lẫn tinh thần của họ. Không những thế còn thấy được dã tâm bẩn thỉu của ngoại bang đang de doạ đến giống nòi dân tộc. Và cái “toa thuốc” ấy họ “uống” vào, họ phải bừng tỉnh, sáng suốt mà “hò reo”, kẻ thù phải “bàng hoàng”. “Thuốc” ở đây đâu phải cho một người, một thế hệ mà là “thuốc” cho giống nòi dân tộc, cho tương lai.
Còn biểu tượng “vòng hoa trên mộ Hạ Du”? Tác giả viết: “Một vòng hoa, hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau, nằm khoanh tròn trên nấm mộ khum khum”, “Hoa không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng chỉnh tề.” Một kẻ bị coi là phản nghịch tử tù chết chém mà sao lại có vòng hoa trên mộ? Hai bà mẹ sửng sốt, ngạc nhiên đến giật mình, thảng thốt. Họ không thể tin nổi nhưng đó là sự thật. Trước mắt họ, có một vòng hoa đã được đặt trang nghiêm nơi mộ con mình vừa bị chết chém. Thế là máu con mình đổ xuống không vô nghĩa như khi bị tẩm vào chiếc bánh bao mà lão Hoa đã mua cho bé Thuyên uống. Máu của người cách mạng đổ xuống đã thực sự lay động con tim, nhận thức của nhiều người. Dòng máu đổ xuống đã có ích cho đời và cho người. Một niềm tin đã khởi dậy, một niềm lạc quan đã ùa vào trái tim, tâm hồn của quần chúng nhân dân. Người chiến sĩ cách mạng mất đi hoàn toàn không uổng phí, vẫn luôn hiển hiện trong sự tiếc thương, kính phục, ngưỡng mộ của mọi người. Đây chính là vị thuốc quý, là chiếc chìa khoá mở toang cái cánh cửa mê muội, ấu trĩ, thờ ơ, lạnh nhạt bấy lâu nay đang quây kín, siết quanh họ. “Vòng hoa trên mộ” của Hạ Du là biểu tượng thể hiện mơ ước, niềm tin của mọi người về ngày mai tươi sáng. Ngày mai tươi sáng ấy đã “nhú lên bằng nửa hạt gạo” đầy hứa hẹn từ phút giây mà hai bà mẹ trải lòng cảm mến, thương quý nhau trong một “buổi sáng mùa xuân vẫn còn lạnh lắm”.
“Thuốc” là một truyện ngắn mang tính ẩn dụ cao. Mức độ ẩn dụ đậm đặc, càng đọc càng phát hiện ra nhiều điều sâu kín ẩn giấu trong từng con chữ, hình ảnh của thiên truyện ngắn độc đáo này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI