Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

HOA LẠ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 304 tháng 12 năm 2017

(TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 304 - THÁNG 12 NĂM 2017)

Bông điển điển ở vùng biên giới huyện Ea Suop, Đắk Lắk

Ông mặt trời lên chưa cao hơn con sào, vùng ven suối bỗng xôn xao cả lên vì một thông tin đặc biệt: HOA LẠ! Có kẻ còn mạnh miệng tuyên bố: đấy là loài hoa ở hành tinh khác mới rơi xuống trái đất! Thôi thì cứ loạn cả lên, chẳng biết thế nào mà lần nữa, mọi người tụ tập đứng xa xa nhìn cây lạ, bàn tán.
Mọi chuyện bắt đầu từ cô ong muỗi, người ta gọi cô như thế là vì cô là loài ong bé nhất ở Tây Nguyên, thân mình chỉ nhỉnh hơn que tăm một chút, mình luôn chòang áo mầu nâu nhạt gần giống với màu đất có điểm thêm ba vòng vàng chanh quanh thân; tổ cũng làm dưới đất. Sáng nay đi dạo dọc theo triền khe tìm hoa kiếm mật, Ong Muỗi bỗng thấy một chùm hoa lạ mọc trên một cành cây cũng… lạ hoắc. Cái cây nhìn mềm mại, nhưng lá có màu xanh bạc, mọc đối nhau không như lá của các loại cây thường thấy trên đất cao nguyên Ea Suop có màu xanh đen. Hoa của cây mới đặc biệt làm sao: hoa mọc theo chùm như có hàng chục cô bướm vàng đang xúm xít bên nhau bám vào, tạo nên một một màu vàng rực rỡ. Ừ hoa cây này giống hình bướm thật, nhìn không kỹ có thể nhầm lẫn đây. Cô Ong Muỗi vội vã phát tín hiệu báo động cho mọi người. Ong Mật đến sớm nhất, tuy người chỉ to bằng hạt đỗ đen, ngực mặc chiếc áo màu cà phê nâu, bụng mang váy vàng có bốn vòng nâu đậm, sà đến bên cô Ong Muỗi cất tiếng hỏi:
-         Có chuyện gì mà la toáng lên thế em?
-          Chị ơi, có cây ngoài hành tinh mới xuất hiện tại đây đấy!
-         Em lại đùa nữa rồi.
-         Không, chị nhìn cái cây lạ có hoa vàng kia kìa.
Theo hướng cô Ong Muỗi chỉ, Ong Mật nhìn theo và hình như những chiếc lông tơ mềm mại mọc xung quanh người bỗng nhiên cũng dựng đứng cả lên, Ong Mật thì thào:
-         Ừ nhỉ, cây gì mà lạ thế!
-         Cậy lạ thế này chắc chứa toàn chất độc phải tránh cho xa ngay.
Không biết anh chàng ong Vò Vẽ đến từ lúc nào cũng xen vào câu chuyện. Cái xóm này không ai lạ gì gia đình anh, một dòng họ toàn những người lực lưỡng, thân hình to gấp ba lần ong mật; toàn thân khoác bộ cánh màu vàng, trang điểm thêm bốn vòng đen quấn quanh người và thêm đôi cánh màu nâu hồng. Đặc biệt nhất là đôi mắt ong Vò Vẽ: to, lồi ra phía trước, cũng màu vàng nhạt; phía dưới mắt có một cặp răng đen bóng giống như cái kéo sắt; nhưng kinh khủng nhất ở mũi kim tiêm nơi đít anh có thể chích chết cả trâu bò và người. Nhà Ong Vò Vẽ thường làm trong các bụi cây rậm rạp hay trên các cành cây, đứng từ xa đã biết vì nó có màu trắng, đen, nâu… loang lổ đặc biệt như được vẽ; có lẽ vì thế mà người ta gọi là ong Vò Vẽ chăng. Cũng là ong, nhưng Vò Vẽ không bao giờ đi ngắm hoa, thưởng thức mật hay phấn hoa mà chỉ chăm chăm xem có con sâu, con rệp nào bám vào cành, vào lá cây không để bắt về đánh chén. Giơ hai chân trước vuốt râu, Vò Vẽ phán:
- Đây có lẽ là loài hoa… biến đổi zen chăng?
- Sao biết?
Ong Mật tỏ vẻ không tin hỏi lại, ong Vò Vẽ vênh vênh cái mặt trả lời:
-                     Nghe nói con người có tiến bộ về nghiên cứu khoa học, tạo được nhiều loài mới nhờ công nghệ biến đổi zen; cây này lạ hoắc, nay mới thấy mọc ở đây thì chắc đúng vậy rồi.
-                     Không phải đâu, chắc nó từ hành tình khác theo gió lạc đến đây đấy – cô ong Mật không chịu cãi lại.
-         Có gì mà ồn ào lên thế?
Bà ong Bầu, loài ong lớn nhất của núi rừng Tây Nguyên, bình thường thân to bằng ngón tay cái người lớn; khoác chiếc áo choàng đen như cục than, đôi cánh cũng màu tím than nốt. Cô ong Muỗi, che miệng cười vì chợt nghĩ: Con người thường khen người đẹp: “thắt đáy lưng ong”; thế mà bà ong Bầu đã đen, thân người to quá khổ, lại bè bè ra chứ có tròn như thân các loài ong khác đâu, trông phát khiếp. Ong Bầu không biết xây tổ, nên cứ thấy cây gỗ mục hay các cây tre, nứa chết là đục lỗ chui vào trong làm nhà để ở. Trong căn nhà ấy được chia thành từng phòng, mỗi phòng ngăn cách nhau bằng một bức vách làm bằng mật và phấn hoa. Trong phòng được đặt một quả trứng, theo thời gian trứng nở thành nhộng, nhộng ăn hết bức vách ngăn ấy sẽ lột xác thành ong. Ong Bầu cũng là loài khoái mật và phấn hoa, nhìn thấy màu hoa vàng rực rỡ, hình như không nén được sự tò mò nên hỏi:
-         Đã có ai xem thử hoa ấy có mật và phấn không?
-         Loại này chắc độc lắm, đừng lại gần chết oan đấy.
Ong Vò Vẽ khẽ rung rung đôi cánh, cất lời dọa dẫm. Cô Ong Muỗi thật thà góp chuyện:
-                     Khi sáng em có nghe mùi khác lạ lắm, khi đến gần thấy cây lạ, hoa lạ nên không dám đến.
-                     Không lại gần làm sao biết được nó có độc hay không, hình như mùi hương của hoa đang tỏa ra rồi đấy. Chẵng lẽ hoa đẹp thế kia mà độc sao?
-                     Bà già lẩm cẩm rồi, biết đâu vẻ đẹp bên ngoài dùng để che đậy sự độc ác phía sau thì sao, tốt nhất tránh cho xa.
Anh ong Vò Vẽ nổi tiếng can đảm là thế mà còn sợ, lên tiếng can ngăn làm cho cô ong Mật, ong Muỗi co dúm lại, mặt biến sắc. Bà ong Bầu vuốt râu, nói:
-                     Phòng xa cũng tốt, nhưng cái gì cũng sợ thì làm sao nên việc lớn, để ta lại gần xem sao.
Nói là làm, bà ong Bầu từ từ tiến lại gần cây lạ, bay vòng tròn theo vòng xoắn ốc, từ xa rồi vào gần, gần hơn tý nữa, tý nữa… rồi dừng lại cách chùm hoa một đoạn, cất tiếng reo lên:
-         Thơm lắm, lại nhiều phấn nữa, lại đây nào!
Thế là các loại ong kéo nhau bay đến vù vù, đen kín cả bầu trời. Các loại ong lấy mật, lấy phấn thì khỏi phải nói, chen nhau cùng thưởng thức đặc sản lạ ngon miệng. Ong Vò Vẽ không thích mật, phấn hoa cũng kéo cả đàn bay vòng quanh cây tò mò, tìm hiểu xem đây là giống cây gì mà lạ thế rồi cãi nhau: cây từ ngoài hành tinh đến, cây biến đổi zen!
 Cuộc tranh cãi chắc sẽ không bao giờ dứt, nếu không có chuyện bất ngờ xãy ra. Trưa. Một cô bé cổ quàng khăn quàng đỏ, đi học về ngang qua ngạc nhiên nhìn bầy ong vần vũ trên bầu trời quanh cây lạ và bất chợt kêu ầm lên:
-         Ba má ơi, cây điên điển trổ bông rồi kìa, mau ra xem!
Ong Vò Vẽ, cau mặt:
-                     Cô bé này hoa mắt, nghe nói loại hoa điên điển chỉ mọc được ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, làm sao có thể mọc được trên vùng Tây Nguyên chỉ có gió và nắng nóng thế này!
-                     A, cô bé nói đúng rồi, đây là làng định cư của người dân Bến Tre, chắc họ mang giống cây của quê hương lên trồng ven suối nên mới chịu được khí hậu khắc nghiệt đấy. Đúng là hoa điên điển rồi, không phải cây ngoài hành tinh hay cây biến đổi zen.
Nghe cô Ong Mật nói vậy, anh Ong Vò Vẽ hình như hơi ngượng khẽ rung rung cặp râu rồi bay vút đi, để lại phía sau họ hàng nhà ong tíu tít chuyện trò và thưởng thức loại mật, phấn hoa mới.
Bầu trời Tây Nguyên mùa thu hình như cũng rộng và trong xanh hơn.


Mùa thu năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI