Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

TRÊN ĐÈO CẢ

Sáng ngày 30 tháng 8 năm 2013, đoàn Văn nghệ sĩ Đăk Lăk xuất phát  nhằm hướng Đông thẳng tiến xuống Khánh Hòa và Phú Yên. Xin giới thiệu vài hình ảnh ghi được trên đường đi.

Trên đèo Cả - Khánh Hòa (ảnh trên)
Tác nghiệp (ảnh dưới)



Hoa lạ trên đèo Cả

 Hoa biển (ảnh trên)
Vũng Rô (ảnh dưới)


Đá bia cột mốc địa giới cực nam Phú Yên (ảnh dưới)


Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

MỪNG SINH NHẬT SỚM

Ngày mai (30/8) theo kế hoạch sẽ đi cùng anh em văn nghệ sĩ dự Khai mạc triển lãm Ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây nguyên tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, sau đó sẽ đi thực tế sáng tác một số tỉnh ven biển nên tranh thủ sắp xếp lại tài liệu phòng làm việc. Bổng thấy bà Chánh văn phòng Hội lên mời xuống Văn phòng hội ý. Xuống đến cửa đã thấy anh chị em tập hợp đông đủ, bà Chánh ôm lẵng hoa trao vào tay và nói: Sinh nhật anh vào ngày mùng 2/9, nhưng mai anh đi công tác xa mãi mùng 4 mới về, nên cơ quan tổ chức sinh nhật trước cho anh...
Mọi người vỗ tay, còn mình chỉ biết nhận và cảm ơn sự chu đáo của mọi người!
Sinh nhật sớm thật đáng nhớ.

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

TIN VĂN NGHỆ


DANH SÁCH

 Hội viên tham dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực tại Phú Yên  và đi thực tế sáng tác các tỉnh miền Trung.
 (Từ ngày 30 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 2013)


01
Nguyễn Hồng Chiến
Phó Chủ tịch TT Hội
02
Đặng Bá Tiến
P.tổng biên tập T.C ChưYangSin
03
Phạm Huỳnh
Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật
04
Vương Quốc Kim
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh
05
Nam Phương
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh
06
Lê Quang Khải
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh
07
Vũ Duy Thương
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh
08
Siu H’Kết
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh
09
Nguyễn Hương Vượng
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh
10
Lương Chính Hữu
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh
11
Nguyễn Văn Tình (Đăng Trình)
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh
12
Văn Lộc
Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh
13
Trương Văn Bộ
Lái xe Hội Văn học Nghệ thuật
 








































Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

CÂY CẢNH

Chiều đi học về, cu Bi thấy sân nhà có thêm cây cảnh được trồng trong một chiếc bể đá khá lớn, đặt giữa sân. Cây không cao lắm, nhưng có bộ rễ bao gần trọn hòn đá phía dưới như người ta nặn bằng bột trát vào; đứng mỗi góc khác nhau nhìn cây có một thế khác nhau, tạo thành một hình mới sống động như thật. Cu Bi thích quá, đứng ngẩn ra nhìn quên cả vào nhà cất cặp sách đang đè nặng phía sau. - Thế nào, con cũng mê hay sao mà đứng ngắm mãi vậy? Nghe tiếng ba, cu Bi vội ngoái lại, nhảy lên ôm cổ ba, hỏi: - Ba mua ở đâu được cây đẹp thế, mắc không ạ? - Rẻ thôi, giá bằng nửa căn biệt thự ba tầng hai cha con mình đang ở đấy. - Mắc vậy à? - Ừ, vì nó hơn 300 tuổi rồi. ở nhà nhớ chăm sóc cây con nhé. - Dạ! Ba đi công tác xa, mấy ngày đầu cu Bi thỉnh thoảng còn tưới nước, nhặt lá vàng cho cây; sau bận việc học nên quên luôn. Gần tháng sau ba về thấy cây lá úa vàng, trách con: - Ba bảo ở nhà chăm sóc cây sao con quên vậy? - Con tưởng cây đã sống trên 300 năm, giá cả chục tỷ đồng thì cần gì phải chăm sóc nữa ạ. - Con nghĩ sai rồi, cây càng quý càng phải có chế độ chăm sóc đặc biệt cây mới tồn tại và phát triển được, nếu không chăm sóc thì cây sẽ chết. Đây, con nhìn xem, lá úa vàng hết rồi, ba về chậm một chút nữa thì hỏng mất! Giọng người cha xót xa. - Dạ! - Sống ở trên đời cái gì mình cho là quý thì phải luôn quan tâm gìn giữ để nó mãi tồn tại; còn những thứ dù có giá trị đến đâu mà không nâng niu, trân trọng giữ gìn thì tự nó sẽ mất đi; dù có ân hận cũng không lấy lại được nữa đâu con ạ. 

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

CHUYỆN Ở MỘT VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA Bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 204 tháng 8 năm 2009










Theo quốc lộ 26A từ thành phố Buôn Ma Thuột xuôi về phía thành phố Nha Trang, đến km 67 chúng ta đã thấy cánh đồng mía thấp thoáng sau những căn nhà. Vượt cầu 70 vào địa phận huyện M’Drak, rừng mía xanh tốt đột ngột hiện ra trải dài đến hết tầm mắt. Hai bên đường, những căn nhà xây kiên cố, bề thế xen kẻ những ngôi nhà cấp 4 có vườn mía bao quanh đứng như xếp hàng chào đón du khách. Nhìn đâu cũng thấy mía. Đúng là rừng mía. Nhìn cây mía tươi tốt, lòng bồi hồi nhớ lại năm 1977, tôi đã từng qua đây; khi ấy tất cả chỉ là một rừng cỏ gianh trải dài như vô tận. Hai bên đường xác xe cháy chất dài từ chân đèo 519 đến tận cầu 70. Còn hôm nay mọi thứ đã đổi thay, vùng đất khô cằn khi xưa, nay đã trở thành vùng quê trù phú. Cánh rừng thiêng khi xưa nay đã thành xóm làng đông đúc.
Đến gần chân đèo 519, tôi đề nghị dừng xe vào thăm một ngôi nhà hai tầng thiết kế khá đồ sộ vì muốn tìm hiểu xem người chủ ngôi nhà làm gì để có thể làm giàu trên mảnh đất khô cằn đầy cát và sỏi đá này. Tôi còn nhớ năm 1976, khi D22 thuộc Sư đoàn 333 về đóng quân ở đây, đêm đêm bộ đội vẫn thức để đốt lửa đuổi hổ rình bắt bò và voi rừng về quậy phá; còn hôm nay, những người dân ở đây làm gì để có thể tồn tại chứ nói gì đến làm giàu!? Vào sân, thật bất ngờ khi gặp ông chủ nhà lại là người quen cũ, anh Nguyễn Văn Hướng - người lính D22 năm xưa; nay tóc bạc, người mập ra dáng một ông chủ, nhưng giọng Xứ Thanh không thể lẫn vào đâu được. Trước đây, cả hai vợ chồng đều là lính D22, gặp nhau và xây dựng gia đình; họ dựng căn nhà gỗ ba gian lợp ngói ở phía đông đèo 519; năm 1982 tôi về công tác và thăm gia đình anh chị với hai cô con gái song sinh, cuộc sống khi ấy thật vất vả. Nay gặp lại mọi thứ đều thay đổi. Chị hồ hởi cho biết: xây nhà, mua được ô tô chở hàng, các cháu đều lớn và đã xây dựng gia đình, làm ăn khá; tất cả đều bắt nguồn từ cây mía và nhờ cây mía mà nên. Đất đai nhiều, phù hợp với cây mía, nhờ thế kinh tế nhiều gia đình trở nên khá giả. Tôi hỏi thêm về các hộ gia đình còn khó khăn ở đây; chị cho biết: ở đâu mà chẳng có người còn nghèo, nhưng không còn ai đói nữa đâu. Muốn giúp cho những đối tượng ấy thoát nghèo cần phải có vốn, có đất và có nguồn lực; đa số những hộ mới di cư tự do vào đều nghèo cả. Muốn giúp họ phải chung tay của cả xã hội chứ không thể trông chờ vào chính quyền hay vài cá nhân. Quả thực, nhìn theo tay chị Hướng chỉ lên đỉnh đèo giật mình khi thấy người ta làm nhà lên tận gần đỉnh, có nhà còn đào cả đất gần chân nhà dựng bia tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong trận đánh giải phóng đèo tháng 3 năm 1975 để xây nhà. Ở như thế này, ngay chuyện lấy nước để sinh hoạt đã khó khăn nói gì đến phát triển kinh tế. Vùng đất khô cằn không người ở, nay đã trở nên chật chội. Nếu cứ phát triển dân số như thế này không biết đến khi nào mới có thể thoát nghèo! Tìm hiểu thêm mới biết những hộ còn nghèo là do mới di cư từ nơi khác đến. Chia tay gia đình anh Hướng, tôi tiếp tục đi. Đứng trên đỉnh đèo 519 nhìn xuống, xa xa phía tây đèo là hai ngôi trường cao tầng thuộc xã Ea Pin nước sơn còn mới, sừng sững mọc lên giữa màu xanh bạt ngàn của mía. Trên các triền đồi cỏ gianh khi xưa, nay được chia thành từng ô dài có đường lớn và cột điện cao thế đưa điện tới từng hộ gia đình. Những người dân hôm nay, trước kia là người lính sư đoàn 333 thuộc vùng đất D22 không ai còn ở nhà tranh vách đất nữa, cuộc sống của mọi người đã đổi thay.
Sáng hôm sau tôi đến thôn Hạ Long thuộc xã Chư Prông, huyện Ea Kar. Tôi chọn thôn Hạ Long vì đây là thôn người Tày đầu tiên từ tỉnh Cao Bằng vào định cư từ những năm 90 của thế kỷ trước; khi ấy vùng đất này còn hoang vu lắm, hai mươi hộ làm nhà lọt thỏm giữa mênh mông rừng gianh. Trong một lần đi công tác đến đây, tôi đã thấy tất cả các ngôi nhà đều lợp gianh, trát đất; cuộc sống bữa đói bữa no. Còn hôm nay, gần một nửa thôn đã có nhà xây, số còn lại đều nhà thưng ván lợp ngói hoặc tôn. Con đường rộng 6m mới được ủi in đầy vết xe máy. Trong căn nhà xây hai gian bốn phòng theo kiểu hình hộp, phòng khách có bộ xa lông đóng bằng gỗ hương, ông Hoàng Văn Dáy – Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Cư Prông cho biết: thôn mình nay đã có hơn 40 hộ rồi, cuộc sống thay đổi nhiều lắm, nhiều người đã khá giả vì người dân cần cù lao động và tiết kiệm nên không ai còn đói cả. Gần một phần ba số hộ có xe máy, nhà cửa đàng hoàng. Nhiều hộ gia đình đã mua được ti vi, nhưng đến nay toàn thôn vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên buồn lắm. Người dân chưa có nhiều hộ giàu được vì đất xấu, không biết canh tác cây gì cho phù hợp. Khi mới vào bắt chước người ta trồng cà phê, được mấy năm năng suất thấp quá, phá đi trồng điều, hơn chục năm sau, điều cho ít quả lại phải phá đi để trồng mía, mía rớt giá lại phá trồng… cà phê. Vòng luẩn quẩn này không biết khi nào mới thoát. Thế cây mía hôm nay thì sao? Tôi hỏi thêm, ông cho biết: trước đây cây mía là cứu cánh của người dân, người ta đua nhau trồng mía và thoát nghèo. Nhưng vài vụ gần đây một phần do giống thoái hóa, không năng suất như vụ đầu, một phần do mấy người đứng ra môi giới mua mía cho nhà máy, họ ép người trồng mía hơi quá nên lợi nhuận trồng mía không còn được là bao. Giá như được nhà máy trực tiếp ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm như trước thì dân còn được lời tý chút, đàng này… Hiện nay các hộ trong thôn cũng vẫn đang trồng mía, nhà ít thì một hai ha, nhà nhiều dăm ba ha; người ta trồng vì không biết phải trồng cây gì ngoài cây mía; nếu tìm được cây thay thế, chắc cũng phải đổi thôi.
Thôn Hạ Long được thành lập đầu năm 1990 do người dân Hạng Long tỉnh Cao Bằng di cư vào lấy tên quê cũ đọc chệch đi một tý chữ “Hạng” thành chữ “Hạ” cho có nghĩa: đất “Rồng hạ” - “Rồng dừng” với mong muốn cuộc sống trên quê mới sẽ phát triển trù phú, làm đẹp cho đất nước và quả thật hôm nay đã rất đẹp; bao quanh thôn bạt ngàn màu xanh của mía, những cánh rừng mía xanh non mơn mởn vươn xa tít tắp, thỉnh thoảng xen trong rừng mía ấy là những khu đất nhỏ trồng cây cà phê, làm cho bức tranh quê thêm phần sinh động. Song tiếc thay, con đường tuy to và đẹp vừa mới ủi xong nhưng dừng lại ở đầu thôn, còn đường trong thôn vẫn là lối mòn rất khó đi. Các gia đình tối đến vẫn le lói ánh đèn dầu, nhà khá mới dùng ắc quy thắp sáng. 19 năm lập quê mới mà chưa ai có may mắn được dùng điện lưới quốc gia; trong khi đó những thôn bên cạnh thuộc xã Ea Tyh chỉ cách thôn Hạ Long chưa đến 1km đã có điện lưới từ rất lâu rồi. Rời Hạ Long tôi vẫn băn khoăn không biết các anh ở Tổng công ty mía đường 333 có biết nguyện vọng của người dân ở đây không và người dân thôn Hạ Long đến bao giờ mới có điện lưới để dùng!
Quay về xã Ea Tyh, tôi mang những điều mắt thấy tai nghe ở thôn Hạ Long phản ánh xung quanh cây mía, trao đổi với ông  Trần Duy Khắc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - ông cho biết: Tình trạng chung như thế cả, ngay gia đình tôi vụ này cũng trồng 2 ha mía liên kết với Tổng công ty mía đường 333. Năm vừa qua vì đường nước ta bị đường ngoại nhập lậu ép giá nên cũng phải thông cảm với nhà máy về giá cả mua mía nguyên liệu. Tuy Lợi nhuận người trồng mía không cao nhưng đất ở đây biết trồng cây gì nữa đâu,  đành “năng nhặt chặt bị - góp gió thành bão” vậy thôi. Hiện nay xã Ea Tyh là vùng mía nguyên liệu chính của nhà máy, tất cả người dân trồng mía chưa thể ai cũng thành giàu nhưng chắc chắn sẽ không nghèo. Trong các cuộc họp chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Tổng công ty, nhưng từ thực tế kinh tế thị trường như hiện nay ta đành phải chấp nhận! Đúng vậy, cây mía hiện nay trên vùng đất này là cây trồng chính, chưa có cây khác thay thế. Trồng mía người dân sống được nhưng trong tương lai nếu không cải tạo giống mía và cách thức thu mua, chắc chắn người dân nơi đây khó chấp nhận tiếp tục trồng mía. Riêng xã Ea Tyh được xem như một vùng quê mới có bước phát triển toàn diện, công cuộc xã hội hóa giáo dục nói riêng và “điện - đường – trường – trạm” nói chung đã đạt chuẩn (xã có tới ba trường phổ thông “Đạt chuẩn Quốc gia” giai đoạn một). Mức sống của người dân  được nâng cao theo từng năm, kết quả đó phần lớn do cây mía mang lại. Để phát triển lâu dài, chắc chắn Tổng công ty mía đường 333 cần phải tìm cách khắc phục những tồn tại nêu trên và phải trích một phần lợi nhuận tu sửa các con đường liên thôn thuộc vùng nguyên liệu của nhà máy.
Theo quy luật, công nghiệp phát triển sẽ kéo theo cuộc sống người dân trong vùng  được nâng lên. Quy luật là thế, nhưng nếu ta không tổ chức tốt sẽ chỉ có một bộ phận giàu lên, còn không ít người lao động chân chính chỉ ở mức thoát nghèo. Những anh bộ đội Sư đoàn 333 năm xưa, nay là công nhân hay nông dân trên vùng quê mới, không những ngày xưa đánh giặc giỏi mà hôm nay làm kinh tế cũng giỏi. Có lẽ đó là bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ mang trong mình truyền thống cha ông đi mở nước và dựng nước nay đang cùng con cháu xây dựng quê hương thứ hai ngày một giàu đẹp; dẫu rằng vẫn còn nhiều khó khăn trước trước mắt. Nhưng chúng ta tin và hy vọng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính quyền địa phương, khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua, để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho tất cả mọi người nói chung và khu công nghiệp mía đường 333 nói riêng, sẽ có cách tháo gỡ khó khăn trước mắt, góp phần làm giàu cho một vùng quê vốn nghèo.

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI ĐI MỞ ĐẤT bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 250 THÁNG 6 NĂM 2013





Ghi chép của HồngChiến




Tháng 8, trời Tây Nguyên lúc nào cũng sụt sùi để sẵn sàng trút nước xuống; mưa theo từng cơn dai dẳng không dứt ra được. Đến ngày hẹn với lãnh đạo Công ty Cổ phần cơ giới Đồng Tâm đi thăm anh em đang thi công tại công trình cửa khẩu Bu Prăng trên biên giới Việt Nam – Vương quốc Căm Pu Chia, trời có đỡ u ám hơn. Anh Trần Đức Thành, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty đến đón chúng tôi, vui vẻ thông báo:
- Trời thương anh em mình nên hôm nay xuất phát không bị mưa như mấy ngày vừa qua. Trên công trình, anh em vừa điện về thông báo: buổi sáng mưa nặng hạt khoảng ba mươi phút, giờ đã tạnh rồi.
Xe rời thành phố Buôn Ma Thuột nhằm hướng nam theo quốc lộ 14A thẳng tiến, trời đầy mây nhưng không mưa. Qua trạm thu phí huyện Cư Jut thấy mấy người đứng bên đường chào bán động vật thật độc đáo: rắn to như cổ tay trẻ em được cột đầu vào que còn thân cuộn tròn siết chặt cây que; kỳ đà từng con nặng cỡ hai, hoặc ba ký trói hai chân trước ra sau lưng treo tòng teng trên ngọn cây tre cắm bên đường; còn nhím từng đôi một, mình dính đầy đất đỏ được nhốt trong các lòng sắt… tôi ngạc nhiên kêu lên:
-Rừng ở đây còn nhiều thú quá nhỉ?
-Toàn thú nuôi cả đấy – anh Thành quay lại trả lời tôi.
-Vậy à, thế mà em cứ tưởng người ta vừa bắt được ở trong rừng mang ra đường bán đấy.
Nghe tôi nói anh em trên xe cười òa.
Xe qua địa phận huyện Đăk Min một đoạn, rẽ phải; anh Thành thông báo:
-         Chúng ta đi theo quốc lộ 14C, con đường này chạy sát biên giới đấy.
-         Thế à! Nhà thơ Đặng Bá Tiến - Phó tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin ngạc nhiên hỏi lại và nói thêm: Tỉnh Đăk Nông tôi đi nhiều nhưng chưa đi theo đường này bao giờ.
-         Năm 2001 tôi đã đi theo đường này đến thăm các đồn biên phòng, khi ấy rừng còn nhiều lắm, có chỗ còn thấy khỉ chạy ngang qua đường; bây giờ thì… nhà văn Khôi Nguyên – Chủ tịch Hội Văn Nghệ tỉnh nói không hết câu giọng ngậm ngùi.
Nhìn qua cửa xe, dấu vết của cánh rừng ngày xưa chỉ sót lại vài cái gốc cây cháy chưa hết nhô lên bên những nương khoai, sắn trải dài theo hai bên đường… Xa xa những mái nhà tôn nhiều màu sắc nhấp nhô khoe mình giữa màu xanh của hoa màu đang độ mùa mưa. Đăk Nông vùng đất nổi tiếng có đặc sản khoai lang, khoai ở đây vỏ đỏ, ruột vàng ăn có mùi vị riêng mà không nơi nào có được; xuất khẩu qua nhiều nước, nhất là nước Nhật Bản.
Hết đường nhựa, xe bắt đầu đi vào đường đất, trời vừa mới mưa xong, mặt đường khá lầy, nhiều xe máy đi ngược chiều bùn ngập vành, trông cứ như vừa đi bừa dưới ruộng lên. Anh Thành nói vui:
-Nghề chúng tôi luôn phải lặn lội thế này đấy, khi chưa có đường thì phải làm cho có đường, có đường rồi lại làm cho nó đẹp hơn lên và khi đã đẹp rồi thì giao lại để tiếp tục đi mở những con đường mới.
-Ngoài công trình chúng ta đến thăm, Công ty còn có công trình nào nữa đang thi công không anh? Nhà thơ Đặng Bá Tiến hỏi.
-Công ty hiện có ba công trình lớn đang làm ở bên các nước bạn và tỉnh Gia Lai, nhưng đang mùa mưa, công việc chỉ làm cầm chừng thôi, đa số máy móc đưa về Công ty bảo dưỡng, chờ mùa khô mới làm tiếp được. Anh Thành trả lời.
-Thời buổi suy thoái kinh tế, Công ty mình vẫn kiếm được đủ việc cho anh em làm như thế này thì giỏi quá.
- Bác Tiến khen quá lời rồi, anh Thành vui vẻ trả lời – cũng phải cố chứ biết làm sao được, thời kinh tế thị trường phải năng động một chút mới sống được anh ạ.
Nghe anh Thành trả lời, tôi thấy vui vui và có chút băn khoăn; anh em công tác tại công ty ai cũng to khỏe, ngay như anh Sáu lái xe chở đoàn đi đang hoàn tất hồ sơ nghỉ hưu cũng vạm vỡ, như vận động viên bóng chuyền; còn ông Chủ tịch hội đồng quản trị lại cao gầy, khuôn mặt đăm chiêu. Anh, người con trai xứ Thanh gắn bó với công ty hơn ba chục năm, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của công ty trước khi được tín nhiệm cử giữ chức vụ như hiện nay. Công ty trải qua ba thế hệ chuyển giao lãnh đạo, anh là những người thuộc lớp thứ ba biết cùng tập thể lãnh đạo, động viên anh em phát huy truyền thống, đoàn kết, khắc phục khó khăn, tiếp tục ổn định và phát triển.
Đường xấu, xe lắc lư liên tục, nhiều đoạn như làm xiếc uốn lượn qua các “ổ trâu, ổ voi” mà xe vẫn bám được mặt đường; thế mới biết các anh lái xe công trình phải giỏi tay nghề như thế nào để hoàn thành công việc của mình. Gần đến cửa khẩu tất cả những người ngồi trên xe phải thốt lên ngạc nhiên trước cảnh đẹp đến bất ngờ hiện qua khung cửa; nhà thơ Đạng Bá Tiến kêu lên:
-Dừng lại, dừng lại!
Xe dừng, mọi người bước vội xuống xe, ngỡ ngàng nhìn những đồi cỏ xanh mượt mà nối tiếp nhau trải dài đến hút tầm mắt. Cỏ ở đây chỉ mọc cao độ mười xăng ti mét, giống như được người ta thường xuyên cắt tỉa, chăm sóc chu đáo. Trên thảm cỏ ấy được trang điểm thêm những bông hoa vàng, hoa trắng nhỏ bé, mảnh mai thỉnh thoảng mới có một cây thân gỗ đứng đơn côi, làm tăng thêm vẻ đẹp hoang vu của vùng biên thùy. Thôi thì, người có máy ảnh thi nhau bấm, người không có máy cứ đứng ngẫn ra nhìn. Tôi biết cả anh Sáu lái xe và anh Thành Chủ tịch HĐQT Công ty đã qua đây rất nhiều lần, nhưng nhìn cách họ ngắm đồng cỏ cứ như lần đầu thấy; thế mới biết tình cảm của con người Việt Nam với non sông đất nước mình sâu đậm biết bao. Vùng đệm do con người quy định để phân biệt ranh giới giữa hai quốc gia, nhưng thiên nhiên thì lại không có ranh giới nào cả, cỏ cây, hoa lá tất cả đều như đua nhau khoe với đất trời vẻ đẹp kiêu sa của mình.
Gần trưa, chúng tôi cũng đến được Đội Công trình: Là đơn vị chuyên thi công các công trình giao thông - thuỷ lợi trực thuộc Công ty đang thi công công trình nâng cấp quốc lộ 14C, đoạn giáp cửa khẩu Bu Prăng thuộc địa phận xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Thấy chúng tôi đến, mấy anh em công nhân ùa ra đón, tay bắt mặt mừng như anh em lâu ngày đi xa trở về nhà làm vơi đi sự mệt mỏi cả một chặng đường dài vừa qua.  Anh Nguyễn Duy Ứng, đội trưởng chỉ huy công trình báo cáo cho đoàn biết sơ lược một số nét về đơn vị: Đơn vị nhận thi công nâng cấp 2km quốc lộ 14C, đường cấp I với số vốn đầu tư 26 tỷ. Công trình khởi công từ đầu tháng 4 năm nay (2013), dự tính sẽ hoàn thành và bàn giao vào tháng 6 năm 2014 đúng kế hoạch đề ra. Do hiện nay đang mùa mưa nên không thể thi công vì không đảm bảo kỷ thuật, công việc chủ yếu của đơn vị là trực để đảm bảo giao thông trên tuyến đường đang thi công phòng mưa lũ, sạt đường. Quân số đơn vị trực hiện nay ở đây lãnh đạo có ba người: đội trưởng và hai đội phó cùng 15 công nhân kỹ thuật. Tôi trao đổi với anh Trần Thanh Văn, một công nhân trẻ nhất đơn vị, có nước da trắng, người to như đô vật; anh cho biết: Em quê ở Thành phố Thanh Hóa; tốt nghiệp đại học Quản trị Kinh Doanh năm 2001, đã đi xin việc nhiều nơi nhưng không được tuyển. Được biết công ty tuyển công nhân phụ lái máy nên đã xin vào công ty để học thêm nghề mới. Đơn vị tuy ở công trình nhưng sinh hoạt cũng vui, ngoài giờ làm việc có sân bóng chuyền để luyện tập, không chơi bóng thì đọc báo; đơn vị cấp đủ các loại báo lớn hiện nay như: Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin… ngoài ra còn có: ti vi, vi tính... nên nhìn chung các món ăn tinh thần không thiếu. Lương trung bình hàng tháng mười triệu về mùa khô, mùa mưa dao động từ bốn đến năm triệu, tùy theo thời tiết. Khó khăn nhất ở đây là nước sinh hoạt; mùa mưa như thế này chỗ nào cũng có nước, chỉ cần đào xuống nửa mét là có nước dùng, nhưng mùa khô phải đi xa hơn km mới đến được suối có nước.
Tranh thủ trời đang hửng nắng, anh Nguyễn Duy Ứng mời anh em trong đoàn ra thăm công trình đơn vị đảm nhiệm. Rời phòng làm việc, chúng tôi bước ra sân thấy xe ben, xe lu, máy xúc, máy ủi… đứng xếp hành quanh hai khu nhà lợp tôn làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ và công nhân của đơn vị. Vùng đất đơn vị ở, nguyên là một quả đồi được đào, ủi, hạ độ cao xuống gần chục mét để có mặt bằng dựng trại, làm nơi tập kết máy và cả một sân bóng chuyền đúng tiêu chuẩn. Nhà thơ Đặng Bá Tiến hỏi:
-         Vùng đất này theo tôi biết là nơi “ổ” của sốt rét, lãnh đạo đơn vị có biện pháp gì để đảm bảo khẩu phần ăn cho công nhân và phòng chống bệnh sốt rét không?
-         Ăn thì có công ty “cấp bốn – hai sọt” luôn đảm bảo yêu cầu cho đơn vị, còn phòng chống bệnh sốt rét nói riêng và các bệnh khác có tủ thuốc Công ty đưa xuống rồi. Việc sơ cứu những trường hợp bất thường được chuẩn bị đầy đủ, còn bệnh nặng đã có xe để chuyển viện; đơn vị cơ giới mà anh. Anh Huỳnh Tiến Dũng, Đội phó trả lời.
-         Công ty “Cấp bốn – Hai sọt” là kiểu công ty gì vậy? Tôi ngạc nhiên hỏi lại?
-         Bác này – nhà văn Khôi Nguyên cười trả lời tôi, đây là cách anh em gọi những người bán hàng đi xe máy thồ hai sọt hàng hai bên xe ấy.
-         À ra thế, nay mình mới biết.
-         Mấy người bán hang rong này giỏi lắm, lầy lội thế nào họ cũng đi được và rất đúng hẹn dù có mưa gió cỡ nào đi  nữa – anh Dũng nói thêm.
Đoạn công trình đơn vị đang thi công khá dốc, nhiều đoạn có dốc gấp khúc phải nắn lại bằng cách xẻ đôi cả một quả đồi cao hàng chục mét; lại có đoạn dài hơn 100 mét phải xây kè cao hàng chục mét ôm lấy sườn núi. Nhìn con đường lúc đầu thấy đất màu đỏ, nhưng quan sát kỹ thấy toàn đá sỏi cơm nên mưa xuông không bị lầy như đất đỏ ba zan, lại thấm nước nhanh. Anh Phạm Văn Duân, Đội phó phụ trách kỹ thuật còn khá trẻ cho chúng tôi biết thêm:
-Các bác thấy đấy, đoạn đường này chỉ cách cửa khẩu chừng vài trăm mét thôi, nhưng vì nhiều đồi, suối lớn, địa chất phức tạp, việc thi công khó khăn lắm; những chỗ vách núi cao làm chưa xong gặp mưa lớn trút xuống thế là đất từ trên đỉnh núi kéo xuống lấp hết, đơn vị lại phải làm lại gần như từ đầu. Cực lắm.
Bên lề đường công ty dựng thêm một căn lều phủ bạt để xi măng, các ống cống đúc, có đường kính một mét để khá nhiều; tất cả số vật liệu tập kết tại đây để chuẩn bị cho công việc mùa khô sắp tới. Đường gần cửa khẩu nhưng vắng người qua lại có lẽ do đang mùa mưa và đường thi công chưa xong thì phải.
Rời công trình đang thi công, chúng tôi quay lại nơi đơn vị đóng trại, anh Nguyễn Duy Ứng hào hứng cho biết thêm: “kế hoạch công ty giao cho phải đạt 8 tỷ một năm, với đà này chúng tôi chắc chắn hoàn thành”.
Nghe vậy cả đoàn cười vui, mừng cho đơn vị, trong lúc nên kinh tế cả thế giới cùng bị suy thoái, nhiều công ty lớn trong nước bị phá sản vì làm ăn thua lỗ; còn các anh vẫn có việc làm, vẫn đạt doanh thu cao, điều đó không mừng sao được. Tuy đơn vị thi công xa công ty, nhưng mỗi đội thi công vẫn có một chi bộ, tổ  công đoàn, đoàn thanh niên… vì thế đảm bảo vai trò lãnh đạo thông suốt của Đảng đến tận từng cá nhân. Chi bộ ra nghị quyết, định hướng; chính quyền lên kế hoạch; tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên hăng hái thực hiện.
Chia tay anh em Đội Công Trình, lòng tôi có cảm giác lâng lâng khó tả; vui vì các anh có việc làm, có thu nhập cao và mọi người trên dưới một lòng hết mình vì công việc chung; mừng vì trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, các anh vẫn vui vẻ làm việc và đảm bảo sức khỏe công tác lâu dài, để hoàn thành nhiệm vụ; không những thế đơn vị còn thu hút nhiều lao động là những kỹ sư trẻ, có tay nghề cao đến với công ty. Đạt được kết quả ấy là nhờ công ty có một đội ngũ lãnh đạo năng động, biết kế thừa truyền thống vẻ vang của đơn vị đã được xây đắp qua các thời kỳ như: Giám đốc đầu tiên Nguyễn La Vân; Giám đốc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vũ Đức Bùi, Bí thư Đảng ủy Tô Bá Tham… và hôm nay những người lãnh đạo mới của Công ty Cổ phần cơ giới Đồng Tâm như: anh Trần Đức Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; anh Trần Quốc An – Giám đốc công ty…tiếp tục đưa Công ty ngày một phát triển lớn mạnh, đáp ứng đòi hỏi khắt khe của tình hình mới, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo.   





Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

ĐỢI EM EM VẪ CHƯA VỀ tác giả LÊ THÀNH VĂN


 
Em hẹn em về, hai tuần nữa
Anh đợi tàn trăng khuyết giữa trời
Anh đợi sao mờ sương sớm đọng
Mà người tri kỷ vẫn tăm khơi

Cao nguyên mưa gió đang vào độ
Buôn Hồ sủng ướt, lạnh vào tim
Chao ôi! Thương quá mùa hoa phượng
Đỏ dấu thời gian, khuất nẻo tìm

Lần lữa anh chờ cà phê lặng
Ghế đá chiều nay mưa vẫn bay
Ai như bóng dáng em hò hẹn
Ngước mắt trông nhìn chỉ bóng mây

Em hẹn em về, hai tuần nữa
Thăm thẳm anh chờ hun hút xa
Em ơi! Một phút giây chờ đợi
Đủ để thời gian tóc bạc ra.



Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

KHOẢNG KHẮC BẤT NGỜ TRÊN BIÊN GIỚI TÂY NAM TỔ QUỐC


Biên giới Tây Nam mùa này đang rả rích mưa, những hạt mưa mát mẻ ấy làm cảnh sắc cả một vùng bừng bừng sức sống, tươi đẹp đến ngỡ ngàng. Xin giới thiệu cùng các bạn vài nét phong cảnh xinh đẹp mà H.C ghi lại được.


 Hoa sim mùa thu (ảnh trên) và hoa mua (ảnh dưới)










 Những bông hoa vàng kiều diễm nô đùa trên  thảm cỏ mênh mông (ảnh trên) và những quả đồi cỏ xanh mượt mà như được bàn tay con người cắt xén - ranh giới giữa hai quốc gia (ảnh dươi)

Và đây, cột mốc chủ quyền thiêng liên của tổ quốc (ảnh dưới)!