Xen lẫn trong
tiếng vỗ tay ầm ầm như pháo nổ là tiếng reo của đám đông:
-
Đàn
lại đi! Đàn lại đi!
Lê Quang cúi đầu
chào và cánh màn nhung từ từ khép lại. Được biểu diễn trên sân khấu đã là một
vinh dự lớn lao đối với một người nhạc công vô danh vốn chỉ quanh quẩn trên
mảnh đất thị xã miền núi heo hút, nào mấy ai biết đến; thế mà hôm nay được biểu
diển trước khán giả chật cứng của Nhà Hát Lớn đến đêm thứ ba vẫn được người xem
hâm mộ gào thét xin được thưởng thức thêm, Lê Quang thấy mình hạnh phúc quá.
Ông Quốc Cương, Trưởng đoàn văn công của tỉnh bước từ cánh gà ra vỗ vai:
-
Khán
giả hâm mộ quá, thôi cháu ráng chịu khó tặng người ta thêm một bản nữa nhé.
-
Dạ!
Cánh màn nhung
lại từ từ kéo lên, ông Trưởng đoàn cúi đầu chào khán giả và cất tiếng:
-
Kính
thưa các quý vị khán giả! Thật vui khi được các quí vị dành cho đoàn nghệ thuật
tỉnh lẻ chúng tôi sự đón tiếp nồng nhiệt và ưu ái đến bất ngờ như thế này, anh
em chúng tôi vô cùng cảm động. Đêm nay cũng là đêm biểu diễn cuối cùng của đoàn
trước khi trở về Tây Nguyên, hẹn các bạn một ngày gần nhất chúng ta lại gặp
nhau tại đây. Để đáp lại thịnh tình của các bạn, nhạc sĩ Lê Quang sẽ trình bày một nhạc phẩm nữa, xin hãy xem đây
là món quà tặng người hâm mộ trước lúc chia tay.
Cả hội trường
đứng bật dậy vỗ tay hoan hô. Lê Quang ôm cây đàn ghi ta bước ra cúi đầu chào:
-
Thưa
các bác, các anh, các chị! Thật vinh dự cho một nhạc công như cháu khi được mọi
người ở đây mến mộ dành cho sự ưu ái đến bất ngờ, vậy cháu xin tặng mọi người
một bản nhạc nữa ạ.
Cả hội trường
lặng ngắt, chỉ có tiếng đàn vút lên; mọi người tròn xoe mắt khi thấy vị nhạc
công chỉ dùng một tay chơi đàn. Tiếng đàn như có phép màu nhiệm xóa tan u buồn,
xóa tan sầu muộn, xóa tan oán hờn… và tất cả chỉ còn là một dòng suối sôi sục
của trái tim khao khát tình yêu và cuộc sống. Tiếng đàn của một thanh niên tuổi
chỉ mới “hăm”, chưa qua một nhạc viện nào đào tạo sao lại có sức cuốn hút mãnh
liệt đến thế! Bản nhạc đã dừng, người ta nghe rõ cả tiếng một con muỗi vừa mới
bay qua và rồi đột nhiên như có phép thần tiên cả hội trường đứng bật dậy vỗ
tay như sấm kéo dài. Người nhạc công từ từ quay lưng lại khán giả, quay lưng
lại với những tràng pháo tay nồng nhiệt dành cho mình, chiếc đàn ghi ta cũ kỹ
nhiều chỗ đã bong lớp sơn bên ngoài được chuyển từ phía trước ra sau lưng; khán
giả có thể nhìn rõ những chiếc giây đàn mỏng mảnh như bao chiếc dây đàn của các
cây đàn bình thường khác, vậy mà qua tay anh chàng nhạc công ốm nhách này lại
có sức hút kỳ lạ đến thế. Tiếng vỗ tay thưa dần, có thể trong số các vị khán
giả đã có chút không bằng lòng với cách cư xử của người nhạc công khi có thái
độ quá ngạo mạn – quay lưng lại khán giả! Có người phật ý vì cách cư xử không
lịch sự, hay nói đúng hơn là thiếu văn hóa của người nhạc công đã quay lưng lại
với những người hâm mộ mình! Cũng có người tỏ ra thông cảm: “bệnh ngôi sao” là
vậy, phải có một chút gì đó cố tạo ra cho khác người thường chứ! Có lẽ hơn một
ngàn người có mặt xem biểu diễn đã có rất nhiều người hụt hẫng vì thần tượng
của mình cư xử không đúng mực trong khi được tung hô, vì thế tiếng reo ngớt dần
và mọi người từ từ ngồi xuống, trật tự được vãn hồi.
Thật bất ngờ,
tiếng đàn lại vang lên! Nó ngân lên ngay sau lưng người nhạc sĩ và mười ngón
tay như có phép mầu nhảy múa trên các phím đàn. Có lẽ tất cả khán giả không còn
tin vào mắt mình, họ tưởng mình đang mơ ngủ! Không! Tiếng đàn ma quái hay tiếng
đàn thần tiên vẫn đang bay ra từ đôi bàn tay người nhạc công, có điều lạ: đôi
bàn tay nhảy múa trên phím đàn, phía sau lưng người nhạc công như có mắt và vẫn
cuốn hút người nghe, người xem như có một ma lực nào đấy. Tiếng nhạc dừng,
người biểu diễn quay mặt lại phía khán giả cúi đầu chào, cả hội trường vẫn lặng
ngắt rồi bỗng nhiên vỡ òa, người ta chen nhau chạy lên sân khấu để chỉ mong có
cơ hội được sờ vào bàn tay “có mắt” của vị nhạc công.
*
* *
Sáng hôm sau,
khi Đoàn đang chuẩn bị ra xe xuôi vào Nam, người nhạc công mảnh khảnh oằn mình
vác chiếc loa thùng to đùng ra xe thì bất ngờ có chiếc Vonga đen chạy đến xin
gặp Trưởng đoàn và vị nhạc công đã biểu diễn đàn ghi ta sau lưng như làm xiếc. Trước
lời đề nghị quá hấp dẫn dành cho người nhạc công tài hoa, ông Trưởng đoàn chỉ
còn biết trả lời: Tùy cháu nó quyết định! Nếu Lê Quang nhận lời về đoàn Văn
công của Tổng cục, lương chính được nâng vượt bậc, cấp nhà ngay tại thủ đô và
nhiều thứ ưu tiên khác; một tương lai rực rỡ đang đón đợi phía trước. Theo lời
mời của vị lãnh đạo (chủ chiếc xe Vonga) đoàn ở lại thêm một ngày – tất nhiên
mọi kinh phí do bên mời chi để đợi cái gật đầu của Lê Quang.
Được ở thủ đô
công tác lại có nhà riêng thì quả thật có mơ, Lê Quang cũng chưa bao giờ nghĩ
tới. Những ngày ấu thơ vừa học vừa làm kiếm sống nuôi thân, nuôi mẹ trong thời
buổi chiến tranh loạn lạc, Lê Quang hiểu thế nào là đói rét, khổ nhục. Sinh ra
trên đất Quảng Nam dưới tiếng gầm thét của đại bác và bom đạn, người cha chưa
kịp biết mặt đã bị bom đạn cướp đi, người mẹ chỉ còn một tay bị xúc lên Cao
Nguyên trong chiến dịch “tát nước, bắt cá” của gia đình họ Ngô. Mảnh đất Tây
Nguyên chỉ có gió bụi và tiếng đại bác gầm thét hàng ngày là nhiều. Buổi đi
học, buổi đi đánh giày thuê cho những kẻ đã xả bom đạn hủy diệt quê hương, gia
đình mình, giết cha, hại mẹ… nhưng vì cuộc sống vẫn phải làm. Tuổi ấu thơ trôi
qua trong bần cùng, nhưng từ trong sâu thẳm của trái tim, một niềm đam mê âm
nhạc được hình thành. Lê Quang không thích sự ồn ào của vũ trường thâu đêm suốt
sáng phục vụ lũ lính ngoại bang, nhưng lại đam mê tiếng đàn của các quán trà.
Thấy có nhạc công biểu diễn ở quán nào thì Lê Quang tìm mọi cách đến gần xem
người ta đánh và mắt như muốn uống lấy từng nốt nhạc. Quan sát và tự học đánh
đàn bằng mắt và bằng cả trí tưởng tượng của mình. Đêm về, dưới ngọn đèn dầu leo
lét, Lê Quang hình dung lại từng bản nhạc và các ngón tay của người nghệ sĩ
lướt trên các phím như thế nào để tạo ra âm thanh rồi lấy than vẽ lên tấm ván
hình cây đàn ghi ta với đầy đầy đủ: dây, phím… và say sưa tập đánh; cho dù
những đêm “biểu diễn” ấy không thể có âm thanh. Cứ như thế, cho đến một hôm được người nhạc
công gọi lại đánh giày. Lẽ thường đánh giày để lấy tiền thì Lê Quang lại chỉ
xin được cầm cây đàn ghi ta của người nhạc công một chút. Người nhạc công ngạc
nhiên nhìn Lê Quang như nhìn một đứa trẻ ở thế giới khác; một cậu bé chỉ độ hơn
chục tuổi đầu, nước da đen nhẻm, thân hình ốm nhách, mặt gãy, trán dô; song đôi
mắt như có ngọn lửa nhìn cây đàn tha thiết quá đã làm anh ta mủi lòng và không
thể cưỡng lại được nên bất đắc dĩ cũng đưa cây đàn và dặn:
-
Cẩn
thận không hỏng cần câu cơm của tao.
-
Dạ!
Lần đầu tiên
được ôm cây đàn mà qua bao năm tháng chỉ có mơ ước trong tuyệt vọng, nay được
thỏa chí mong muốn rồi, bỗng nhiên các ngón tay như bị ma làm đã tự lướt trên
các phím đàn một bản nhạc của họ Trịnh mà hàng ngày thường nghe ở các quán trà.
Lê Quang say sưa chơi đàn như quên hết tất cả mọi vật xung quanh, quên người
cho mượn đàn, quên cả chiếc bàn chải đánh giày phương tiện kiếm sống hàng ngày
khét lẹt mùi xi - vật bất ly thân trong suốt chặng đường đời niên thiếu, quên
đám đông những người đang uống cà phê xung quanh đã đứng hết cả dậy đi lại vây
quanh chú bé đánh giày chơi đàn. Tiếng đàn dứt, mọi người xung quanh vỗ tay tán
thưởng. Người nhạc công cho mượn đàn tròn mắt hỏi:
-
Ai
dạy em chơi đàn vậy?
-
Dạ,
thưa anh không ai cả ạ!
-
Không
người nào dạy sao em chơi hay vậy?
-
Dạ,
em có được ai dạy đâu, đây là lần đầu tiên em được cầm cây đàn đấy ạ.
-
Kỳ
tài, kỳ tài!
Cuộc đời Lê
Quang sang trang mới, cậu trở thành học trò của người nhạc công cho mượn đàn.
Lần đầu tiên trong đời, Lê Quang mới biết các dấu ký hiệu của âm nhạc và cách
thể hiện chúng. Vừa học vừa thực hành ngay tại các quán, cậu bé đánh giày trở
thành nhạc công lúc nào không biết. Nhưng cuộc sống luôn có những bất ngờ,
trong một lần biểu diễn ở quán nhậu cho bọn lính mới đi càn về; vì tranh giành
gái bar, mấy tên lính Dù bắn lộn với bọn biệt kích, viên đạn vô tình đã cướp đi
vị nhạc công – người thầy âm nhạc đầu tiên của Lê Quang chỉ sau hơn một tuần
theo học. Người nhạc công mất, không ai biết tên thật của anh ta và quê quán ở
đâu; thành ra Lê Quang là người thừa kế duy nhất tài sản anh ta để lại: một cây
đàn ghi ta. Năm tháng trôi qua người nhạc công mảnh khảnh trở thành một hiện
tượng đặc biệt của một thị xã heo hút thời chiến. Các quán cà phê lớn tranh
nhau mời và thù lao cũng được nâng lên dần, cuộc sống vật chất của hai mẹ con
đỡ phần vất vả.
Chiến tranh qua
đi, đất nước thống nhất mọi người bắt tay xây dựng lại non sông trên đống đổ
nát của chiến trường. Lúc này mọi người chỉ chú ý xây dựng kinh tế. Lương thực
thiếu trầm trọng, ông Bí thư Tỉnh ủy – nguyên là một vị tướng của Quân đội
chuyển sang, đề xuất một phương án táo bạo: biến cả tỉnh thành một nông trường!
Tất cả các cơ quan ban ngành của tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung học
phổ thông phải đi phá rừng trồng lương thực. Những cánh rừng già không biết từ
bao nhiêu đời được chặt đổ xuống và đốt thành tro lấy chỗ trồng khoai, bắp,
lúa, đậu… giải pháp chống đói tạm thời. Các quán cà phê đóng cửa, Lê Quang cũng
được huy động đi phá rừng trồng cây lương thực. Đêm đêm, bên đống lửa hừng hực
cháy của các thân cây gỗ hai, ba người ôm không hết, người nhạc công ôm đàn
chơi cho đỡ nhớ. Không ngờ tiếng đàn mang lại hiệu quả, đội thanh niên xung
kích mời Lê Quang tham gia phối hợp biểu diễn cùng đoàn Văn công của tỉnh phục
vụ chiến dịch. Ông Trưởng đoàn Văn công nghe đàn, biết ngay đây là viên ngọc
thô quý giá nên vận động cấp trên chấp nhận tuyển Lê Quang vào làm nhạc công
cho Đoàn, dù lý lịch không được rõ ràng cho lắm. Đôi bàn tay bỏng rộp vì dao,
búa đốn chặt cây được may mắn trả lại cho cây đàn. Dưới sự chỉ dẫn tận tình của
ông Trưởng đoàn - một người dân thủ đô Hà Nội chính hiệu, Lê Quang tập tọe sáng
tác và phổ nhạc. Tài năng nghệ thuật không đợi tuổi cũng không phân biệt bằng cấp;
người học chưa hết phổ thông nhưng có thể có những tác phẩm đứng được với công
chúng, được dư luận chú ý, Lê Quang chính là một trong những hiện tượng ấy.
Đoàn Văn công của tỉnh đi biểu diễn giao lưu với các tỉnh bạn được quần chúng
nô nức chào đón vì có tiếng đàn ghi ta mê ly lôi kéo của Lê Quang, anh thành
tài sản quý giá của Đoàn. Đoàn văn công đã trở thành một mái nhà mang lại hạnh
phúc cho Lê Quang, vì thế anh không thể dứt tình ra đi. Ông trưởng đoàn hớn hở
ra mặt, tuyên bố với mọi người: Thằng này khá, tao không nhìn nhầm người!
*
* *
Nhưng đời không
ai có thể biết trước điều gì, Đoàn vừa về đến tỉnh, xe công an ập đến còng tay
Lê Quang đưa đi. Ông trưởng đoàn văn công chạy lên ty Công an hỏi mới được
biết: hình như lính của ông là điệp ngầm cho chế độ cũ. Trong Đoàn, mọi người
được dịp bàn tán: Cái thằng đó là quân do CIA đào tạo đấy! Mất cảnh giác quá,
trong chế độ Ngụy, hắn hơn hai mươi tuổi
mà vẫn không bị bắt lính là có vấn đề rồi, thế mà không đoán ra! Cháy nhà ra
mặt chuột, sao có thể để một tên phản động ở mãi trong cơ quan văn hóa – nghệ
thuật như cơ quan chúng ta được. Có những người từng ghen với tài năng của Lê
Quang còn mạnh miệng tuyên bố: Tuyển cả CIA vào làm việc chắc lãnh đạo Đoàn bị
“mua” rồi! Nhưng cũng có người thương tình: Chắc có sự nhầm lẫn gì đây, hắn
sống tình nghĩa như vậy không thể là thằng phản trắc. Mặc đồng nghiệp hay người
yêu mến tiếng đàn có nói gì đi nữa thì vụ án của Lê Quang cũng không được xét
xử, anh vẫn phải ở nhà tạm giam của cơ quan điều tra. Lâu dần người ta cũng
đành chấp nhận quên dần tiếng đàn ghi ta của người nhạc sĩ còi.
Trong khi ấy, Ở trại tạm giam, Lê Quang bị
hỏi cung liên tục nhưng hình như vẫn chưa có gì rõ ràng. Chỉ vì một lẽ hồi chế
độ cũ, vì mê tiếng đàn của người nhạc công nghèo, một tên bên An ninh đã gọi
anh lên nói thẳng:
-
Mày
đến tuổi đi Quân dịch rồi, nhưng ra đó thì một đi không trở lại nữa đâu, mẹ già
ai nuôi! Mày ký vào giấy tờ này, tao bảo lãnh sẽ không ai quấy rầy mày nữa. Nếu
không phải loạn lạc của chiến tranh với tài năng của mày chắc chắn đời sẽ khá
đấy. Còn thời buổi này đành phải vậy thôi…! Mày đồng ý không?
-
Dạ!
Cũng từ đó không
ai nhắc đến chuyện bắt Lê Quang đi lính cho tận đến ngày hòa bình. Không ngờ
trong đống hồ sơ lưu trữ mà bên Công an có được lại vẫn lưu giữ tập hồ sơ đó.
Dù có nói gì, khai gì đi nữa Cán bộ vẫn không tin, nên người nhạc công vẫn phải
ở tù.
*
* *
Cái tỉnh nghèo heo hút trên cao nguyên lại
được dịp xôn xao, đường phố được chăng đầy cờ và biểu ngữ chào đón vị lãnh đạo
cao cấp của Đảng và Nhà nước vào thăm. Lâu lắm mới có vị khách quý đến như vậy
ghé vào nên tiếp đón chu đáo cũng phải. Đoàn Văn công của tỉnh được vinh dự
biểu diễn chào mừng. Ông Vũ Cương bố trí tiết mục cuối cùng khép lại chương
trình văn nghệ chào mừng là bản nhạc phổ thơ của chính vị lãnh đạo cao cấp vào
thăm. Bản nhạc dứt, Lãnh đạo tỉnh xếp hàng ôm hoa tặng người có thơ được phổ
nhạc hay quá; còn tác giả bài thơ lại đề nghị cho gặp Trưởng đoàn Văn công và
người nhạc sĩ tài hoa phổ nhạc thơ mình. Ông Vũ Cương cứ thực lòng báo cáo về người
nhạc công phổ nhạc bài thơ không biết vì lí do gì mà bên công an tạm giữ mãi
không xét xử. Nghe xong báo cáo, vị khách hỏi Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch gọi
Trưởng ty Công an và… sáng hôm sau xe U - oat của bên An ninh chở Lê Quang trả
về đoàn với lời xin lỗi vì… nhầm!
Hôm sau nữa,
Lãnh đạo tỉnh mời Lê Quang đến nhận quyết định cấp nhà ngay tại trung tâm thị
xã, thế là hai mẹ con có nơi ở mới; chấm dứt cảnh ở thuê căn hộ nghèo nàn, lụp
xụp.
Mùa đông năm 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI