Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

CHUYỆN Ở MỘT VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA Bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 204 tháng 8 năm 2009










Theo quốc lộ 26A từ thành phố Buôn Ma Thuột xuôi về phía thành phố Nha Trang, đến km 67 chúng ta đã thấy cánh đồng mía thấp thoáng sau những căn nhà. Vượt cầu 70 vào địa phận huyện M’Drak, rừng mía xanh tốt đột ngột hiện ra trải dài đến hết tầm mắt. Hai bên đường, những căn nhà xây kiên cố, bề thế xen kẻ những ngôi nhà cấp 4 có vườn mía bao quanh đứng như xếp hàng chào đón du khách. Nhìn đâu cũng thấy mía. Đúng là rừng mía. Nhìn cây mía tươi tốt, lòng bồi hồi nhớ lại năm 1977, tôi đã từng qua đây; khi ấy tất cả chỉ là một rừng cỏ gianh trải dài như vô tận. Hai bên đường xác xe cháy chất dài từ chân đèo 519 đến tận cầu 70. Còn hôm nay mọi thứ đã đổi thay, vùng đất khô cằn khi xưa, nay đã trở thành vùng quê trù phú. Cánh rừng thiêng khi xưa nay đã thành xóm làng đông đúc.
Đến gần chân đèo 519, tôi đề nghị dừng xe vào thăm một ngôi nhà hai tầng thiết kế khá đồ sộ vì muốn tìm hiểu xem người chủ ngôi nhà làm gì để có thể làm giàu trên mảnh đất khô cằn đầy cát và sỏi đá này. Tôi còn nhớ năm 1976, khi D22 thuộc Sư đoàn 333 về đóng quân ở đây, đêm đêm bộ đội vẫn thức để đốt lửa đuổi hổ rình bắt bò và voi rừng về quậy phá; còn hôm nay, những người dân ở đây làm gì để có thể tồn tại chứ nói gì đến làm giàu!? Vào sân, thật bất ngờ khi gặp ông chủ nhà lại là người quen cũ, anh Nguyễn Văn Hướng - người lính D22 năm xưa; nay tóc bạc, người mập ra dáng một ông chủ, nhưng giọng Xứ Thanh không thể lẫn vào đâu được. Trước đây, cả hai vợ chồng đều là lính D22, gặp nhau và xây dựng gia đình; họ dựng căn nhà gỗ ba gian lợp ngói ở phía đông đèo 519; năm 1982 tôi về công tác và thăm gia đình anh chị với hai cô con gái song sinh, cuộc sống khi ấy thật vất vả. Nay gặp lại mọi thứ đều thay đổi. Chị hồ hởi cho biết: xây nhà, mua được ô tô chở hàng, các cháu đều lớn và đã xây dựng gia đình, làm ăn khá; tất cả đều bắt nguồn từ cây mía và nhờ cây mía mà nên. Đất đai nhiều, phù hợp với cây mía, nhờ thế kinh tế nhiều gia đình trở nên khá giả. Tôi hỏi thêm về các hộ gia đình còn khó khăn ở đây; chị cho biết: ở đâu mà chẳng có người còn nghèo, nhưng không còn ai đói nữa đâu. Muốn giúp cho những đối tượng ấy thoát nghèo cần phải có vốn, có đất và có nguồn lực; đa số những hộ mới di cư tự do vào đều nghèo cả. Muốn giúp họ phải chung tay của cả xã hội chứ không thể trông chờ vào chính quyền hay vài cá nhân. Quả thực, nhìn theo tay chị Hướng chỉ lên đỉnh đèo giật mình khi thấy người ta làm nhà lên tận gần đỉnh, có nhà còn đào cả đất gần chân nhà dựng bia tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong trận đánh giải phóng đèo tháng 3 năm 1975 để xây nhà. Ở như thế này, ngay chuyện lấy nước để sinh hoạt đã khó khăn nói gì đến phát triển kinh tế. Vùng đất khô cằn không người ở, nay đã trở nên chật chội. Nếu cứ phát triển dân số như thế này không biết đến khi nào mới có thể thoát nghèo! Tìm hiểu thêm mới biết những hộ còn nghèo là do mới di cư từ nơi khác đến. Chia tay gia đình anh Hướng, tôi tiếp tục đi. Đứng trên đỉnh đèo 519 nhìn xuống, xa xa phía tây đèo là hai ngôi trường cao tầng thuộc xã Ea Pin nước sơn còn mới, sừng sững mọc lên giữa màu xanh bạt ngàn của mía. Trên các triền đồi cỏ gianh khi xưa, nay được chia thành từng ô dài có đường lớn và cột điện cao thế đưa điện tới từng hộ gia đình. Những người dân hôm nay, trước kia là người lính sư đoàn 333 thuộc vùng đất D22 không ai còn ở nhà tranh vách đất nữa, cuộc sống của mọi người đã đổi thay.
Sáng hôm sau tôi đến thôn Hạ Long thuộc xã Chư Prông, huyện Ea Kar. Tôi chọn thôn Hạ Long vì đây là thôn người Tày đầu tiên từ tỉnh Cao Bằng vào định cư từ những năm 90 của thế kỷ trước; khi ấy vùng đất này còn hoang vu lắm, hai mươi hộ làm nhà lọt thỏm giữa mênh mông rừng gianh. Trong một lần đi công tác đến đây, tôi đã thấy tất cả các ngôi nhà đều lợp gianh, trát đất; cuộc sống bữa đói bữa no. Còn hôm nay, gần một nửa thôn đã có nhà xây, số còn lại đều nhà thưng ván lợp ngói hoặc tôn. Con đường rộng 6m mới được ủi in đầy vết xe máy. Trong căn nhà xây hai gian bốn phòng theo kiểu hình hộp, phòng khách có bộ xa lông đóng bằng gỗ hương, ông Hoàng Văn Dáy – Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Cư Prông cho biết: thôn mình nay đã có hơn 40 hộ rồi, cuộc sống thay đổi nhiều lắm, nhiều người đã khá giả vì người dân cần cù lao động và tiết kiệm nên không ai còn đói cả. Gần một phần ba số hộ có xe máy, nhà cửa đàng hoàng. Nhiều hộ gia đình đã mua được ti vi, nhưng đến nay toàn thôn vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên buồn lắm. Người dân chưa có nhiều hộ giàu được vì đất xấu, không biết canh tác cây gì cho phù hợp. Khi mới vào bắt chước người ta trồng cà phê, được mấy năm năng suất thấp quá, phá đi trồng điều, hơn chục năm sau, điều cho ít quả lại phải phá đi để trồng mía, mía rớt giá lại phá trồng… cà phê. Vòng luẩn quẩn này không biết khi nào mới thoát. Thế cây mía hôm nay thì sao? Tôi hỏi thêm, ông cho biết: trước đây cây mía là cứu cánh của người dân, người ta đua nhau trồng mía và thoát nghèo. Nhưng vài vụ gần đây một phần do giống thoái hóa, không năng suất như vụ đầu, một phần do mấy người đứng ra môi giới mua mía cho nhà máy, họ ép người trồng mía hơi quá nên lợi nhuận trồng mía không còn được là bao. Giá như được nhà máy trực tiếp ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm như trước thì dân còn được lời tý chút, đàng này… Hiện nay các hộ trong thôn cũng vẫn đang trồng mía, nhà ít thì một hai ha, nhà nhiều dăm ba ha; người ta trồng vì không biết phải trồng cây gì ngoài cây mía; nếu tìm được cây thay thế, chắc cũng phải đổi thôi.
Thôn Hạ Long được thành lập đầu năm 1990 do người dân Hạng Long tỉnh Cao Bằng di cư vào lấy tên quê cũ đọc chệch đi một tý chữ “Hạng” thành chữ “Hạ” cho có nghĩa: đất “Rồng hạ” - “Rồng dừng” với mong muốn cuộc sống trên quê mới sẽ phát triển trù phú, làm đẹp cho đất nước và quả thật hôm nay đã rất đẹp; bao quanh thôn bạt ngàn màu xanh của mía, những cánh rừng mía xanh non mơn mởn vươn xa tít tắp, thỉnh thoảng xen trong rừng mía ấy là những khu đất nhỏ trồng cây cà phê, làm cho bức tranh quê thêm phần sinh động. Song tiếc thay, con đường tuy to và đẹp vừa mới ủi xong nhưng dừng lại ở đầu thôn, còn đường trong thôn vẫn là lối mòn rất khó đi. Các gia đình tối đến vẫn le lói ánh đèn dầu, nhà khá mới dùng ắc quy thắp sáng. 19 năm lập quê mới mà chưa ai có may mắn được dùng điện lưới quốc gia; trong khi đó những thôn bên cạnh thuộc xã Ea Tyh chỉ cách thôn Hạ Long chưa đến 1km đã có điện lưới từ rất lâu rồi. Rời Hạ Long tôi vẫn băn khoăn không biết các anh ở Tổng công ty mía đường 333 có biết nguyện vọng của người dân ở đây không và người dân thôn Hạ Long đến bao giờ mới có điện lưới để dùng!
Quay về xã Ea Tyh, tôi mang những điều mắt thấy tai nghe ở thôn Hạ Long phản ánh xung quanh cây mía, trao đổi với ông  Trần Duy Khắc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - ông cho biết: Tình trạng chung như thế cả, ngay gia đình tôi vụ này cũng trồng 2 ha mía liên kết với Tổng công ty mía đường 333. Năm vừa qua vì đường nước ta bị đường ngoại nhập lậu ép giá nên cũng phải thông cảm với nhà máy về giá cả mua mía nguyên liệu. Tuy Lợi nhuận người trồng mía không cao nhưng đất ở đây biết trồng cây gì nữa đâu,  đành “năng nhặt chặt bị - góp gió thành bão” vậy thôi. Hiện nay xã Ea Tyh là vùng mía nguyên liệu chính của nhà máy, tất cả người dân trồng mía chưa thể ai cũng thành giàu nhưng chắc chắn sẽ không nghèo. Trong các cuộc họp chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Tổng công ty, nhưng từ thực tế kinh tế thị trường như hiện nay ta đành phải chấp nhận! Đúng vậy, cây mía hiện nay trên vùng đất này là cây trồng chính, chưa có cây khác thay thế. Trồng mía người dân sống được nhưng trong tương lai nếu không cải tạo giống mía và cách thức thu mua, chắc chắn người dân nơi đây khó chấp nhận tiếp tục trồng mía. Riêng xã Ea Tyh được xem như một vùng quê mới có bước phát triển toàn diện, công cuộc xã hội hóa giáo dục nói riêng và “điện - đường – trường – trạm” nói chung đã đạt chuẩn (xã có tới ba trường phổ thông “Đạt chuẩn Quốc gia” giai đoạn một). Mức sống của người dân  được nâng cao theo từng năm, kết quả đó phần lớn do cây mía mang lại. Để phát triển lâu dài, chắc chắn Tổng công ty mía đường 333 cần phải tìm cách khắc phục những tồn tại nêu trên và phải trích một phần lợi nhuận tu sửa các con đường liên thôn thuộc vùng nguyên liệu của nhà máy.
Theo quy luật, công nghiệp phát triển sẽ kéo theo cuộc sống người dân trong vùng  được nâng lên. Quy luật là thế, nhưng nếu ta không tổ chức tốt sẽ chỉ có một bộ phận giàu lên, còn không ít người lao động chân chính chỉ ở mức thoát nghèo. Những anh bộ đội Sư đoàn 333 năm xưa, nay là công nhân hay nông dân trên vùng quê mới, không những ngày xưa đánh giặc giỏi mà hôm nay làm kinh tế cũng giỏi. Có lẽ đó là bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ mang trong mình truyền thống cha ông đi mở nước và dựng nước nay đang cùng con cháu xây dựng quê hương thứ hai ngày một giàu đẹp; dẫu rằng vẫn còn nhiều khó khăn trước trước mắt. Nhưng chúng ta tin và hy vọng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính quyền địa phương, khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua, để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho tất cả mọi người nói chung và khu công nghiệp mía đường 333 nói riêng, sẽ có cách tháo gỡ khó khăn trước mắt, góp phần làm giàu cho một vùng quê vốn nghèo.

5 nhận xét:

  1. Anh được đi nhiều vùng đất mới, được khám phá nhiều phong cảnh, núi non, được làm phóng sự về cuộc sống của anh em công nhân... thích thật đó anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn cô giáo đã có lời động viên, nghề nghiệp thì phải vậy thôi chứ vất vả lắm. Chúc cô giáo một buổi tối vui vẻ!

      Xóa
    2. Vào nhà HC nghe "vui" ghê á.^_^ ^_^!!!!

      Xóa
    3. Cảm ơn N.L đã động viên. Nhà H.C luôn vui với mọi người đến thăm bạn ạ!

      Xóa
    4. Anh bỏ hết nhạc rồi à? Ko phải vì bực em trêu đấy chứ?^_^

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI