Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 271 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Nhà văn NGUYỄN VĂN THIỆN


AI ĐÃ LỤC TUNG KÍ ỨC
Truyện ngắn


Như một đứa trẻ đi xa nhà lâu ngày, về thấy góc bàn học, phòng ngủ của mình bị lục tung. Chiều nay, ký ức tôi cũng bị lục tung lên như vậy đấy. Nhưng mà ai đã dám thừa cơ lúc tôi ngủ, lẻn vào đào bới chốn riêng tây của tôi một cách không thương tiếc? Khi tôi tỉnh dậy thì kẻ vô duyên ấy đã bỏ đi xa lắm, không hề để lại dấu vết. Chỉ còn một vùng ký ức ngổn ngang như bãi chiến trường. Tôi ngồi ngẩn ngơ như một thằng đần, mặt nghệt ra không vui không buồn, nhìn vào bãi ký ức đủ màu sắc và hình dạng. Xưa nay, tôi chỉ chăm chỉ nhặt và cất, và giấu, nhét cho thật kỹ, rồi cũng quên, rồi không nhớ nữa. Vậy mà chiều nay, mọi thứ lại bày ra ngồn ngộn, nhiều lắm!
Có những ngón tay lăn lóc rời rạc, hình như không phải cùng một bàn tay! Ngón thon, ngón nõn nà, ngón chai sần, ngón thô ráp, ngón nhỏ xíu, ngón trơ xương, có ngón buộc bông băng như vừa bị đứt. Sao mà nhiều ngón thế? Không lẽ nào, chừng này ngón tay từng can dự đến cuộc đời mình? Nhiều đến thế, làm sao ta nhớ nổi! Thực tình, tôi chỉ vẫn thường nhớ ngón tay của mẹ, ngắn ngủn, chai sần, móng dài móng ngắn không đều, thơm mùi bùn mùi cỏ. Những ngón tay đầu tiên nâng tôi lên khỏi mặt đất nhầy nhụa bùn nâu. Còn những ngón tay khác, từ lâu tôi đã quên rồi! Tôi ngồi nhìn lại, hồi tưởng lại, thấy một vài ngón quen quen, hình như đã cùng tôi đi qua một quãng đường nào đó. Tôi nhặt một ngón tay lên và mút, như một đứa trẻ tự kỷ, và nhận ra, đó là ngón tay của chính mình.
Trong đống ký ức vương vãi, có rất nhiều sợi dây dài ngắn lớn bé loằng ngoằng. Có một đoạn dây thừng nằm còng queo. Dễ đến phải hơn hai mươi năm rồi mới gặp, nó vẫn đậm đà mùi phân trâu. Có một đoạn dây nhỏ xíu, hình như là dây buộc quần thuở còn để chỏm. Hồi đó, quần cũ, lại đứt cúc, phải quàng thêm cái dây nữa cho chắc, để đến lớp, thế mà lâu lâu lại bị mấy thằng bạn quỷ sứ chạy từ phía sau, tụt xuống. Lại có một cọng thun nhỏ xíu như sợi tóc mai mười bảy tuổi. Sợi dây này, từng dùng để buộc tóc đuôi gà trên đầu cô bé hàng xóm. Không biết giờ bé ở đâu! Có một sợi dây nữa, rất dài, đó là dây vịn của một chiếc cầu vùng sơn cước, tôi vịn vào để vững bước đi qua mỗi ngày.
Những đoạn dây ký ức rời rạc, đứt nối, bây giờ lại bày ra bừa bộn như trong một giấc mơ.
Tôi định đứng dậy dọn dẹp bãi ký ức bộn bề, nhưng không nhấc chân nổi. Ô hay, chiều nay tôi vẫn ngồi nhậu vỉa hè, cao hứng còn đi đi lại lại, chém gió như hát tuồng mà, sao bây giờ chân tay bải hoải thế này? Hay là sắp...
Tôi ngồi bó gối, như một thi sĩ cuối mùa hoang và hoải, nhìn những thứ của mình mà lâu rồi không gặp. Có những trái tim, thật đấy, không phải là ảo giác, chúng lăn ra, nằm vất vưởng. Trái tim nhỏ nhất, không biết là của ai mà rớm máu, bầm đen. Hình như nó từng bị chấn thương, từng bị va đập mạnh trong một vụ tai nạn giao thông rùng rợn. Tôi nhớ, tôi đã khóc vì nó nhiều lắm, đó là trái tim của em trai, tôi nhớ ra rồi. Còn một trái tim hình mặt trăng khuyết, màu hồng, như một ảo ảnh xa xôi, hẹn hò mãi mà chưa hề gặp mặt. Một trái tim khác, nhăn nheo, rúm ró, như một giọt lệ khô dưới khóe mắt dõi theo tôi chập chững vào đời.
Ký ức đầy mạng nhện. Hàng ngày, tôi ngồi viết, như con nhện giăng tơ, rồi đi lạc trong mê cung do mình tạo ra. Ngoài kia, cuộc sống cuồn cuộn mùi thuốc súng, chưa biết sẽ bén lửa lúc nào. Xung quanh, những nhỏ nhen hạn hẹp của kiếp người, những mơ mộng xa xôi lắm lúc làm tim đau buốt. Làm thân con nhện, chạy đằng nào cũng toàn thấy tơ vương. Trong đống ký ức luộm thuộm, tôi thấy có những chiếc tai nằm lăn lóc. Dễ nhận ra chiếc tai của bà cụ già mặt nhăn nheo bơi thuyền giữa hồ sâu trong núi. Tôi đã đi tìm, nhưng không gặp được cụ già ấy, lần ấy, hình như tôi đã chết giữa đường. Tai như tai phật, mà khó thấy vô cùng. Có lỗ tai bé xíu như của đứa bé mới sinh, nõn nà với một lỗ xâu bé tẹo. Có chiếc tai ướt nhèm bùn đất lên tám hay chín tuổi, ngày xưa...
Bât giác, tôi đưa tay lên sờ vào tai mình, lạnh buốt như tai người tuyết. Từ trong đó rơi ra, bao nhiêu là âm thanh, chảy tràn như sỏi đá giữa lòng suối cạn. Tiếng mẹ ru giữa trưa nắng cháy gió Lào. Tiếng em gọi khản đêm loạn lạc, chạy đi anh, chạy đường này... Tiếng dế gáy giữa đêm trăng ngà ngọc vạt cỏ sau nhà. Tiếng ken két nghiến răng trong những giấc mơ tù đày nặng nhọc mùa đông. Tiếng cồng chiêng những đêm rượu say thăm thẳm... Bây giờ, toàn những tiếng không đâu.
Từ giữa đống bề bộn tan hoang đó, tôi ngửi thấy mùi củ mì cháy khét thời xưa, ngày tháng ba giáp hạt. Cả mùi hương tóc thanh xuân bồng bềnh trong gió, như đang mơ. Tôi nuốt nước bọt đánh ực như đứa trẻ đói ăn đi qua hàng bán quà thơm ngậy. Phảng phất đâu đây mùi rượu cồn cháy ruột cháy gan của thời sinh viên bạt mạng. Có mùi máu ghòe tanh tanh nữa. Những mùi vị ký ức không biết được bảo quản bằng cách nào mà mới nguyên như vừa mới đây thôi.
Như một kẻ chuyển nhà, nhìn đống của cải lôi thôi lếch thếch mà đủ mệt, không biết cái nào chuyển trước, cái nào chuyển sau, cái nào nên vứt bỏ, tôi đành ngồi nhìn chúng, thở dài ngao ngán. Càng nghĩ càng bực cho đứa chim trời cá nước nào vô duyên vô cớ lẻn vào đây bới móc. Tôi gọi: “Ai đã vào đây?”. Tất nhiên, không ai lên tiếng hết. Chỉ có tôi ngồi đây, một mình thôi, trên đống ký ức bộn bề, cho đến khi nào, chúng sẽ dâng cao lên, vây lấy, thít chặt lấy tôi, và tôi sẽ từ từ chìm xuống, không còn dấu vết.

Còn ai vào đây nữa?

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

CHƯ YANG SIN số 271 - tác giả LÊ VĨNH TÀI

Nhà thơ LÊ VĨNH TÀI


Bài thơ và chuyến bay


1.
căn phòng bóng ma
đêm đầy thở dài
bạn về
ngang qua sân bay
để chết

mọi người nâng niu chiếc điện thoại cũ
tìm
trong quyển sổ danh bạ đã bị mờ, quăn góc
tên của bạn
vẫn còn được in một cách cẩn thận

biết là bạn không còn có thể nghe
và thuê bao đã ngoài vùng phủ sóng
nhưng mọi người vẫn
gọi…
2.
ánh sáng
chạy vào phòng
loang lổ như một bàn cờ
các mảnh kính vỡ
nằm rải rác

khuôn mặt bạn đóng khung trong bức ảnh
chụp bạn nằm trong bóng tối
với nỗi tuyệt vọng
riêng mình

và như vậy
bạn đã đặt một chân nhẹ nhàng
lên cơn gió

bạn đã chán những lần nhảy cao
hay nhào lộn
vì nó sẽ làm bạn té
trầy hai đầu gối
bạn chảy máu
vào gương mặt của những người vẫn còn yêu bạn
và chờ đợi bạn bay về

họ đứng và ngồi
lố nhố trong nắng
họ đen và trắng
họ chỉ là bóng tối câm lặng
trong trí tưởng tượng
và thực tế phũ phàng
của những lần bạn mải mê làm ánh sáng

cho đến khi bạn gặp nạn
và rơi…


Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 271 - tác giả H’SIÊU BYĂ

Tác giả H’SIÊU BYĂ


MÙI GIÓ THẢO NGUYÊN

Bút ký


Nhiều cụm mây màu trắng vờn vờn chiếc máy bay như khói củi Bla, K’ting vờn ngôi nhà dài của mí. Tôi nín thở ngó xuống đất.
Kìa! Núi Chư H’Mú, Chư M’Ta, Chư H’Mlai sừng sững mở tròn mắt ngó ngó nghiêng nghiêng.Dưới chân là thung lũng vàng ối màu lúa chín. Trên bờ, cách đó không xa, lưng con bò đi qua đi lại, có thằng nhỏ huơ huơ cái mũ “Máy bay, máy bay trên trời kìa, nhìn đi, sao nó nhỏ xíu giống chim Nghiếc, chim Phí vậy nè”. Tôi nhoẻn miệng cười. Mơđrăk của tôi. Làng của tôi. Chiều nay thôi tôi sẽ bước lên cầu thang bảy bậc chạm vào ngưỡng cửa. Ngưỡng cửa màu xám tro khắc hình mặt trời tỏa sáng. Cha tôi, cậu tôi đã đặt vào đó tất cả lời gửi của ông bà “Măng to vì có cây le tốt. Tắc kè lớn nhờ có cây to. Con cháu lớn khôn nhờ có ông bà cha mẹ nuôi dưỡng”1 . Tôi nghe mùi cá phơi khô lan tỏa khắp gian bếp, rồi tiếng chày m’đũ, m’đũ dầm trái cà, trái ớt xanh. Tiếng mí nhỏ lẫn tiếng con heo kêu to eng éc dưới gầm sàn “Ơ H’Mon, H’Zon, Y Gon, Y Son hoă lah”(H’Mon, H’Zon, Y Son ơi, về ăn cơm). Mũi cay xè xè, lòng tôi chộn rộn vui sướng. Có dây leo nào không nhớ rừng, nhớ suối khi nó bò đi xa.
Làng M’Um của người Blô bên trái, làng Ea H’Mlai của người Bih bên phải, làng tôi người M’Dhur chính giữa. Ba làng dùng chung một dòng Ea Tlư chảy từ núi Chư M’Ta. Ea Tlư trong xanh hay có tiếng chim Tuk Tu kêu mỗi mùa hoa Sung Gơr nở. Tiếng chim Tuk Tu kêu đêm thứ nhất, đêm thứ hai người ta sửa soạn cúng bến nước. Mới tờ mờ sáng, nước miếng trẻ con còn dính khô trên miệng đã nghe tiếng xe công nông bịch bịch chở củi về: “Tiếng gì thế hả mí?”. “Tiếng người nhỏ và tiếng cây củi to kéo từ rừng Chư M’Ta”. Mí bận rộn, váy mí phần phật bay bên này bên kia, mí đi tìm cái cần uống rượu dắt lên trên vách; mí kiếm nồi bảy, nồi ba cho họ mượn; mí ngửi ngửi mùi rượu và lầm rầm chửi con dòi làm rượu mí hư… Nhớ lại ngày xưa, đôi chân muốn nhanh về tới làng, đôi tai muốn nghe tiếng chim Tuk Tu hót, da thịt muốn hòa vào dòng Ea Tlư trong vắt xanh, nằm lên tảng đá muốn nhìn ánh nắng vàng xuộm xiên xiên trên tầng lá. Máy bay nằm im, tôi nghe rõ ràng lòng mình có tiếng hát k’ưt. Mơđrăk ngày trở về!
Luynh, thằng em họ chung một người bà, đánh xe công nông ra đường cái lớn đón tôi. Luynh gầy như cán cuốc, mắt trũng sâu tím tái như trái cà, râu ôm quanh mặt lơ phơ như quả bắp giống treo dọc xà nhà. “Ha bu, người ta bữa nay thành người My, người Prăng rồi”. Tay Luynh cuốn lấy cổ tôi, cổ tôi ngả trên vai nó. Mùi con bò, con heo thui từ áo xộc lên đường mũi, tràn lan lên mái đầu. Tôi hít hà “Làng mình có người mới về với rừng hả Luynh?”. “Ờ âe H’Ring chủ bến nước, mày về trúng lắm, bữa trước âe qua nhà ngồi lửa, ho khùng khục nhưng cứ bắt mí kể về thằng cháu bên Prăng”. Luynh không nói nữa, trên mắt nó có sương đọng. Nó quay xe ba vòng mới nổ bịch bịch. Chư M’Ta buồn bã đón người về rừng núi Gió thênh thang, mi mắt tôi ran rát trái ớt, củ hành. Kì quá! Làng người M’Dhur hôm nay sao vắng tiếng cồng, tiếng chiêng?
Mí đón tôi bằng canh cà cay sắp toác lưỡi, chị gái đón tôi bằng món dế um thơm bay vách nhà, anh rể đón tôi bằng ché rượu say mèm đổ rạp lối đi. Mắt lim dim, tôi nhìn ra cửa thấy đỉnh Chư H’Mú xa xăm…
“Có nghe thấy gì không ơ bọn trẻ nhỏ? Tiếng gió thổi từ Chư H’Mú đó”.
Âe H’Rinh mở đầu câu chuyện. Lũ chúng tôi gật đầu nhiều lần “Nghe chớ, thấy chớ!”. Âe mỉm cười, đưa tẩu thuốc lên miệng. Khói thuốc phả vào mặt người, chạy quanh quanh tảng đá, trèo lên ngọn cây, lẽo đẽo kéo nhau về núi Chư H’Mú. Giọng âe nhẹ nhưng rõ lắm, thằng San canh đàn bò cách ba tảng đá còn nghe “Gió từ núi Chư H’Mú đi qua năm, sáu đồi cỏ tranh của làng Mơđrăk”. Âe dừng lại, nhổ nước miếng xuống khe đá nhìn chúng tôi “Có thấy quả đồi to nhất, mọc nhiều cỏ nhất ở chỗ kia không?”. “Có chớ, thấy mà”. Âe lại gật đầu: “Dưới đồi cỏ tranh đó có một lỗ đất, tên là Adrenh. Ngày xưa, ông mình, bà mình đã nghe lời con heo chui qua lỗ Adrenh để đến vùng đất hoa bằng cái nong, trái bằng cái nia, cá dưới nước bơi đen đặc cả dòng suối, con sông. Người Bih đi, người Blô đi, người M’Dhur đi, tay trái đàn bà ôm cái ché, tay phải đàn bà dắt trẻ con. Các cô gái đẹp nhất người M’Dhur chưa đi, họ miết làm đẹp, thay yêng viền tím, viền hồng, chê gùi này phình to, chê gùi kia quá nhỏ. Mặt trời sắp đi ngủ, có một con trâu to như quả núi, thân nó chui qua không được, bịt luôn đường đi. Vậy là những cô gái đẹp đành ở lại làng Mơđrăk sống chung với nai, với cọp, cỏ tranh trên đồi giành ăn với lúa, với dưa, rồi sinh ra ông ra bà, sinh ra ta và các cháu”.
Lời âe H’Rinh đều đều trong lỗ tai như tiếng con ve mùa khô, như tiếng con dế mùa mưa lớn. Âe hái chiếc lá làm khèn thổi tít tè những giai điệu không giống hôm qua, hôm kia và chắc chắn không giống ngày mai, ngày mốt. Cứ như thế ngày này đến ngày kia, chúng tôi theo sau lưng con bò lang thang qua nhiều đồi cỏ. Bắt gặp một tảng đá, một đỉnh núi, một tiếng chim lạ, miệng chúng tôi nói: “Âe ơi, con bò mệt rồi, nó không muốn đứng dậy nữa, âe kể chuyện về tảng đá, quả đồi, con chim lạ kia đi”. Nắng ngả màu cam cháy trên thảo nguyên Mơđrăk. Gió thốc làm nghiêng cây cỏ tranh quá đầu. Dưới quả đồi không biết tên, nhiều bếp lửa từ làng của người Raglai nhả khói cao vút ở lại trên trời. “Về thôi, chân con bò ăn no bước chậm, chân người nhỏ mệt mỏi bước chậm, về trước khi mặt trời nhóm lửa hơ chân”. Chúng tôi lùa bò đi dọc đường cái lớn, con bò to, sừng nhọn đeo chuông đi trước, những con nhỏ, sừng ngắn theo sau, từng hàng, từng hàng về đến làng trước khi mặt trời nhóm lửa.
Nhà dài vắng, chỉ còn mình tôi và bếp lửa nhún nhảy cười cười. Mí nói lửa cười, dấu hiệu nhà có người từ làng xa qua chơi. Lửa coi tôi là khách? Tức mình. Tôi lấy cây đũa sắt trong ống tre đập đập không cho chúng chụm miệng nói xấu. Chúng cười to hơn, những tiếng cười đau buồn về con dao đã cùn, chiếc áo đã mốc và quả bầu nứt vỡ. Tim tôi nứt vỡ. Giọng kể của mí trong bữa cơm chiều như đọng lại trên mười cây cột nhà.
“Người âe H’Rinh như cây lúa có bụng, đi bệnh viện huyện bác sĩ lắc đầu, đi bệnh viện tỉnh bác sĩ lắc đầu, xuống Sài Gòn bác sĩ lắc đầu. Rồi về, nằm bên nhà chờ m’jao2 từ bon K’măn xuống chữa. M’jao đó hay lắm, nói trúng lắm, bà soi sáp ong vào tay, sáp ong liu riu cháy nhỏ, ánh lửa xì sầm vào tai, mách cho m’jao biết người ốm trúng thuốc độc hay bị m’tao k’sơk3 hại. Âe H’Rinh bị m’tao ksơk hại, đổ một bồ lúa trong họng, lúa rớt xuống bụng, bụng sưng, cúng một con heo nái to không chịu, cúng một con bò đực lớn không chịu. Thua rồi, nằm bên nhà chờ ngày ông bà tới gọi về núi bên kia.”
Không sang nhà người chết, tôi để đôi chân dẫn mình ra dòng suối cuối bon. Suối cạn khô, rễ cây Sung Gơr phì phò sắp chết. Ánh sáng cuối ngày tím tái, chim Tuk Tu im bặt, gió lành lạnh đưa cái nhìn muốn khóc lên núi Chư M’Ta. “Có nghe thấy gì không ơ bọn trẻ nhỏ? Tiếng gió thổi từ núi Chư M’Ta đó?”. Núi Chư M’Ta ngân ngấn, nó ôm trán ơ hơ một làn điệu ayray buồn buồn:
Uống rượu năm rượu bảy
Ăn cơm trong lá, chén đồng
Nhớ người đi ngang mặt trước
Thương người đi qua mặt sau
Nhà người chết ồn ĩ. Dòng họ Mlô từ bon Hoang, bon Yô kéo sang. Họ trề môi, liếc cái liếc dài thượt lượt về chinh Lao, ché Tuk chị, ché Tuk em của âe H’Rinh để lại. Linh hồn của âe H’Rinh theo Chúa, con cháu âe H’Rinh muốn vậy “Lấy đi, cả chén đồng, vòng bạc trong rương gỗ kia nữa, từ nay sẽ không có lễ cúng Yang nào ở nhà họ Mlô này”. Họ làm dấu cầu nguyện, lầm rầm, lầm rầm như tiếng mưa tháng bảy, như tiếng mưa tháng mười.
Lũ trẻ chăn bò hồi nhỏ với âe H’Rinh ngồi im. Chúng tôi không nghe lời cầu nguyện. Chúng tôi nhớ âe H’Rinh, nhớ khuôn mặt nhăn nhúm như tấm áo cất trong gùi lâu ngày không mặc, nhớ câu chuyện kể nhiều ngày trên đồng cỏ, nhớ tiếng lá tít tè không tên vào những buổi trưa. Mùi gió thênh thang trộn lẫn mùi con bò đang ăn cỏ.

Nước mắt chúng tôi rớt nhiều vào tay. Ơ hưi ờ hừi ớ…

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

CHUYỆN KỂ VỀ NHỮNG NGƯỜI CANH GIỮ ĐƯỜNG BIÊN bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 223 THÁNG 3 NĂM 2011



Chiếc xe xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột đang ngon trớn băng băng lao về phía huyện Ea Suôp, bỗng Trung uý Huy Hoàng – người được Bộ chỉ huy Biên phòng Dak Lak cử đi theo Đoàn văn nghệ sĩ nhắc lái xe:
-         Anh rẽ vào khu nhà làm việc của Vườn quốc gia Yok Đôn nhé!
-         Mình phải vào xin phép mới được đi qua Vườn à? Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm ngạc nhiên hỏi lại.
-         Không phải vậy, ta đi nhờ cầu của Vườn, vượt sông Srêpôk. Cầu xây dựng sát khu nhà làm việc của Vườn nên ta phải đi qua đó.
Buổi sáng trước khi đi, Đại tá Lê Xuân Đáng – Chủ nhiệm chính trị, thay mặt lãnh đạo cơ quan Bộ chỉ huy Biên phòng đã trình bày cho Đoàn biết một số nét chính về tình hình biên giới Tây Nam mà tỉnh Dak Lak quản lý. Kết thúc buổi trao đổi anh cho biết thêm: “Hiện nay đã có cầu bắc qua sông Srêpôk nên không phải đi qua thị trấn Dak Min, tỉnh Dak Nông  như trước đây nữa, con đường này gần hơn được 70km đấy!”  Tôi mừng vì bớt được một đoạn đường đèo dốc quanh co khó đi, nay con đường mới tuy có xấu một chút đi chăng nữa, nhưng gần được tới 70 km thì tốt quá!
Cầu bắc qua sông Srêpôk chỉ đủ cho một làn xe đi qua, chưa có lan can, cao lênh khênh so với mặt nước. Phía dưới cầu, dòng nước hiền hoà phẳng lặng trôi, thỉnh thoảng gặp ghềnh đá mới giật mình tung bọt trắng xoá, ào lên rồi lại lặng lẽ xuôi dòng. Vào mùa khô, con sông “chảy ngược” mới hiền hoà làm sao, khó ai có thể tin được khi mùa mưa đến nó lại hung dữ đến thế… Tôi nhớ lại, ngày 12 tháng 12 năm 2009, dẫn Đoàn văn nghệ sĩ vào thăm đồn Bo Heng kết nghĩa với Hội VHNT, được thiếu tá Lê Quang Cánh - Đồn trưởng kể cho nghe nhiều chuyện về người lính Biên phòng ở bến đò, nay có cây cầu bắc ngang này. Nơi đây đã chứng kiến những câu chuyện tình cảm động của những người sĩ quan Biên phòng với những người vợ, người yêu công tác và sinh sống trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Có ông Đồn phó của tôi – xin nhà văn dấu tên nhé, mới cưới vợ, vợ làm nghề dạy học ở tận dưới huyện Cư M’gar, hai người thường hẹn hò nhau chiều thứ bảy hàng tuần đến bến đò Vườn quốc gia Yok Đôn đón nhau. Nếu anh trực, chiều thứ 7, sau giờ dạy chị lên thăm, anh vượt khoảng 50 km đường rừng đến đón, chiều chủ nhật về; còn nếu chồng được nghỉ thì ngược lại vợ đến bến đò đón chồng về. Do con thuyền quá nhỏ, chỉ chở người không chở dược xe máy, thành ra hai người cứ hẹn nhau đến bến đò và gửi xe lại bờ, vượt sông đến với nhau. Nhưng trời nhiều khi giở chứng như ghen với đôi vợ chồng trẻ, giận giữ trút nước xuống, con sông đang êm đềm chạy ngược về phía tây bỗng gầm lên dữ dội và hung hãn như một bầy voi nổi điên; khi ấy hai vợ chồng đứng hai bên bờ sông, cách nhau chưa đến 100 mét nhưng không thể đến được với nhau. Họ gào lên trong mưa, vượt qua cả tiếng gầm của gềnh, của gió bảo nhau về đi và hẹn tuần sau hãy đến… nhưng rồi mặc gió thét, mưa gầm, quất những hạt nước vào mặt rát bỏng, họ cứ đứng nhìn nhau nhoà dần, nhoà dần cho đến lúc màn đêm ụp xuống, không nhìn thấy được nhau nữa mới gạt nước quay về…
Trong thời bình, chiều thứ 6 người ta đã chuẩn bị thu xếp để hai ngày nghỉ cuối tuần đi chơi nơi đâu cho phù hợp sau một tuần làm việc căng thẳng, còn người lính canh giữ biên cương thì vậy đó… các anh đã phải gác nỗi niềm riêng tư, lo làm tròn trách nhiệm của những người vì sự bình yên của tổ quốc.
Đường xấu, xe chạy chậm và bụi mù mịt, lái xe không dám đóng cửa, bật máy lạnh vì sợ mấy Nữ sĩ say xe; thế là đành chịu... bụi! Đúng là đường lên Biên cương, dốc, vực, gềnh và những cây cầu bắc tạm thỉnh thoảng lại thấy đá va vào gầm xe, tài xế méo mặt…, cuối cùng Đoàn cũng đến đồn Biên phòng Bô Heng. Được điện báo trước, các anh trong ban chỉ huy ra tận xe đón Đoàn, cái nóng, cái mệt bay hết cả, chỉ còn lại tiếng cười đọng lại trên môi sau những cái bắt tay thật chặt. Đồn là đây, tôi đã đên cả chục lần nhưng lần nào đến cũng có một cảm giác thật lạ. Nhìn những người chiến sĩ dạn dày sương gió, mỗi ngày chỉ được phép dùng không quá 2 lít nước vừa nấu ăn, vừa uống mới cảm nhận hết được nỗ gian lao vất vả của mọi người ở đây.
Thiếu tá Lê Quang Cảnh – Đồn trưởng, còn khá trẻ hay cười và kiệm lời, nhắc mãi chuyện đường khó đi, anh chị văn nghệ sĩ vất vả mới tới thăm được Đồn, trời lại nóng quá… Đồn trưởng và biết bao chiến sĩ ngày đêm bám trụ nơi đây dãi gió dầm sương suốt tháng này qua tháng khác không nghĩ đến mình lại chỉ trăn trở cho Đoàn, làm tôi cảm thấy bùi ngùi. Các anh chỉ nghỉ đến đất nước, đến những người xung quanh và hình như quên đi cả chính mình đang đối diện với vô vàn khó khăn khắc nghiệt. Qua tâm sự với các anh, tôi được biết cuộc sống đời thường nơi biên cương không chỉ khó khăn về vật chất, khí hậu khắc nghiệt, kẻ thù rình rập phía bên kia mà phải đối diện với cả những hiểm nguy đe dọ tính mạng từ những chuyện tưởng như rất nhỏ nhặt. Chuyện kể:
Một sĩ quan mới tốt nghiệp ra trường về Đồn công tác, đồng nghiệp dặn: “trên này thú dữ nhiều lắm, khi đi công tác cũng như sinh hoạt hàng ngày phải cẩn thận không nguy đấy”. “Sao vậy”! “Rắn , rết, trăn… đều có thể gây tử vong cho người, phải đề phòng”. “Ôi tưởng gì chứ rắn rết thì ở quê em gặp thường xuyên, chuyện nhỏ, anh yên tâm”. Mồm nói, chân thọc vào dày định đứng dậy thì bất ngờ thét lên: Ối! Không biết con rắn chui vào dày từ lúc nào đã đớp một miếng vào ngón chân cái, làm người sĩ quan mới về phải vào viện điều trị cả tháng.
Nói đâu xa, đồng chí Đội trưởng trinh sát… – Trung tá Võ Văn Thái, Đồn trưởng đồn Yok Đôn kể: …đi công tác về cùng anh em ra suối, tắm xong chuẩn bị lên bờ thì bất ngờ bị bị rắn cắn; anh em chủ quan bảo rắn ở dưới nước, chắc rắn nước có cắn cũng không sao đâu và tất cả kéo nhau về ăn cơm còn đùa, tếu được. Nhưng vừa cầm đến bát cơm chưa kịp ăn đã lên cơn giật, cấp cứu đưa về tỉnh rồi đưa thẳng về bênh viện thành phố Hồ Chí Minh, thay máu mấy lần mới sống được, nay đồng chí ấy đã chuyển về Hà Nội.
Tôi tò mò hỏi thêm: “rắn độc nguy hiểm ai cũng biết, ngoài ra còn loài thú nào đáng sợ như rắn nữa không?” “Có đấy, có khi còn hơn cả rắn nữa!” “Con gì mà khủng khiếp thế”? “Heo rừng”! “Heo rừng có gì mà phải sợ”? Thấy tôi tỏ vẻ không tin, Trung tá Võ Văn Thái kể: Đầu năm 1990 tôi dẫn một tổ đi tuần, đến bên suối Dak Man cử một cậu ở lại để nấu cơm chiều, còn cả tổ tiếp tục công việc. Đi chưa được bao xa bổng nghe thấy tiếng kêu: “Anh Thái ơi cứu em với!” Cả đội vội chạy quay lại chỗ tiếng kêu thì thấy anh bạn được phân công ở lại nấu cơm leo tít lên ngọn cây dầu; dưới gốc cây, một chú heo một to đùng đang chồm hai chân trước lên gốc cây như định trèo lên! Anh em lấy cây khô đốt lửa làm đuốc, chạy lại xua, nó mới chịu bỏ đi. Khi tụt xuống đất, anh bạn mới lắp bắp kể: Em xuống suối vo gạo, bổng nghe ùm một cái rõ to phía bờ suối đối diện, nhìn lên đã thấy một cái đầu heo với đôi nanh cong vút, nhằm thẳng em bơi tới, em vội chạy lại gốc cây vừa kịp leo lên, nó lao vào gốc cây đến rầm một cái, rồi cứ đi vòng quang cây, thỉnh thoảng lại chồm lên như muốn leo lên…

Đêm về khuya, trời trở lạnh. Lúc trưa Đoàn đến nhiệt kế treo trong phòng khách chỉ 34 độ, còn bây giờ trùm chiếc chăn bông dày cộm, tôi vẫn thấy lạnh. Ngoài sân, ánh trăng suông soi rõ những ngọn xoài lắc lư theo ngọn gió. Gió ở đây mới đáng sợ làm sao, nó xô cây cối ào ào và lươt lên mái tôn nghe loảng xoảng; cái lạnh như cũng len vào tận mang tai. Ngoài kia, những người chiến sĩ Biên phòng vẫn thay nhau thức, chống chọi với cái rét, cái gió và biết bao hiểm nguy rình rập. Không đến đây, nơi biên giới Tây Nam này sẽ không thể chứng kiến sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây và khi đã đến chúng ta mới khâm phục những con người đang bám trụ nơi đây. Vì sự bình yên của tổ quốc, vì hạn phúc của mọi gia đình; các anh – Người chiến sĩ Biên Phòng vẫn thức để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.


Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 271 - tác giả TRẦN ĐÌNH NHÂN

Nhà thơ TRẦN ĐÌNH NHÂN




Nước mắt ngày gặp lại
(Kính tặng chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”)



“Như chưa hề có cuộc chia ly”
Vườn yêu thương gieo mầm nhân ái…
Niềm vui vô bờ ngày gặp lại
Chẳng nói nên câu, nước mắt lăn dài

Bao cảnh đời lưu lạc, chia xa
Đau đáu niềm mong, mỗi người một nỗi
Chạy ngược, chạy xuôi kiếm tìm lặn lội
Hình bóng người thân mờ mịt phương trời


“Như chưa hề có cuộc chia ly”
Ngôi nhà chung, xây từ lòng nhân ái…
Những mảnh đời tưởng không bao giờ gặp lại
Đoàn tụ hôm nay như có phép màu

Bao năm rồi mòn ngóng tin nhau
Gặp lại người thân nghìn trùng phiêu dạt
Giọt nước mắt rơi hòa trong khúc hát
“Vết cắt liền da”, gắn kết những mảnh đời.



Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

CHƯ YANG SIN số 271 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Nhà thơ NGUYỄN DUY XUÂN



BUÔN MA THUỘT THÀNH PHỐ TÔI YÊU
Bút ký


Tháng Ba, Tây Nguyên vào mùa rẫy mới.
Tháng Ba cũng là mùa lễ hội của miền đất đỏ cao nguyên huyền thoại.
Tháng Ba năm nay thật đặc biệt: Kỉ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, trận mở đầu cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Ôi! Buôn Ma Thuột! Miền đất gắn bó với cuộc đời tôi hơn 30 năm nay. Ngày đón nhận tin Chiến thắng bốn mươi năm về trước, tôi đang là cậu học sinh cuối cấp. Cái tên Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk dù đã biết qua sách vở nhưng với tôi cũng như bao người dân miền Bắc ngày ấy thật xa vời. Lúc bấy giờ tôi không nghĩ số phận lại gắn bó cuộc đời tôi với mảnh đất huyền thoại này chỉ bốn năm sau ngày Chiến thắng. Tháng 12 năm 2014, tôi đã làm cái kỉ niệm 35 năm ở Buôn Ma Thuột với tất cả cảm hứng thi ca của mình:
Ngày tôi lên đường đi nhận công tác
Mẹ tiễn tôi nghẹn ngào trong nước mắt
Thương con vất vả nơi phương trời
Vùng đất ấy quá đỗi xa xôi
Những biệt danh mới nghe đã rợn người
Rừng xanh heo hút “buồn muôn thuở”
Phố xá lơ thơ “bụi mù trời”!
Nhưng rồi:
Đất bazan dính chặt đời tôi
Cho tôi hạnh phúc của cuộc đời,
Đất cao nguyên lồng lộng khí trời
Cho tôi khát vọng làm người tự do
Để hôm nay:
Ban Mê - Ngày ấy - Bây giờ
Rưng rưng, tôi hát bài ca cuộc đời.
Kỉ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, tôi muốn làm một cái gì khác không phải vì cảm hứng thi ca đã cạn. Tôi muốn có một cái nhìn cụ thể hơn, sinh động hơn, có thể chưa đầy đủ nhưng cũng không sáo mòn theo cách điểm lại lịch sử, kể lể thành tích. Tôi muốn cho mọi người - những ai ở xa, những ai chưa đến Buôn Ma Thuột cảm nhận được sự đổi thay từng ngày từng giờ của thành phố quê hương.
Thế rồi, một buổi sáng như bao buổi sáng khác, tôi rong ruổi trên khắp các nẻo đường thành phố. Ở đâu tôi cũng bắt gặp một không khí nhộn nhịp, một không gian rực rỡ sắc màu chuẩn bị cho ngày Đại lễ. Buôn Ma Thuột đang thay áo mới.
Chiếc Wave hai chỗ, tôi vẫn gọi con xe hai bánh của mình như thế, lướt bon bon trên đường Lê Duẩn - con đường xanh của thành phố. Khu Biệt Điện nổi tiếng của vị Hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn vẫn giữ được nét cổ kính, lặng lẽ dưới tán xanh mát rượi của những cây cổ thụ, tạo nên một điểm nhấn độc đáo của phố núi.
Đường Nguyễn Tất Thành như một dải lụa, vắt ngang giữa trung tâm thành phố sầm uất. Tôi tưởng tượng nó như dải phù hiệu choàng trên vai người đẹp đêm chung kết cuộc thi hoa hậu nào đó mà vương miện chính là Ngã Sáu.
Ngã Sáu Ban Mê! Cái địa danh đã gợi biết bao cảm hứng cho thơ nhạc, gợi khát khao gặp gỡ của bao du khách. Ngã Sáu in dấu lịch sử, văn hoá của thành phố từ buổi sơ khai, qua trường kì đấu tranh cách mạng cho đến những năm tháng lao động sản xuất xây dựng nên bộ mặt thành phố tươi đẹp hôm nay.
Ngã Sáu là chứng tích của lịch sử. Ngã Sáu là biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất, Tây Nguyên chiến thắng.
Người Ý có câu ngạn ngữ: mọi con đường đều dẫn đến thành Rôm. Còn tôi, tôi thấy ở Buôn Ma Thuột, mọi con đường đều đổ về Ngã Sáu. Nơi ấy là điểm hẹn của du khách muôn phương, là cánh cửa đưa ta vào miền đất Tây Nguyên huyền bí…
Đang rong ruổi trên đường Nguyễn Lương Bằng xuyên giữa rừng tếch đang thay lá – một con đường đẹp nối thành phố với sân bay quốc tế trong nay mai - tôi bỗng nảy sinh ý định lên cao để được ngắm nhìn Buôn Ma Thuột cho thỏa thích, để thử cái cảm giác đứng trên không gian vòi vọi của mình. Tôi bèn quay xe trở lại trung tâm thành phố, đến tòa “tháp đôi” chung cư của tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai trên đường Nguyễn Công Trứ. Thang máy đưa tôi vượt 18 tầng lầu trong chốc lát. Khi lên đến sân thượng của tòa nhà, gió lồng lộng như muốn xô tôi ngã.
Chưa bao giờ tôi được ngắm thành phố thân yêu ở độ cao như vậy. Cũng chưa bao giờ tôi thấy Buôn Ma Thuột lớn đến thế. Lâu nay ở dưới mặt đất, chưa vượt quá tầm cao vài mét, cứ nghĩ thành phố mình chật hẹp. Nào ngờ lên cao mới biết Buôn Ma Thuột rộng lớn. Thành phố như một người trẻ tràn đầy sức sống, đang cựa mình, đứng dậy vươn xa.
Đây, trung tâm thành phố sầm uất và Ngã Sáu là trái tim mà tôi như cảm nhận được nhịp đập sôi nổi của nó.
Kia vùng đông bắc đang phát triển rầm rộ.
Vùng tây nam bình lặng, chập chùng đồi núi.
Tất cả hợp thành một bức tranh toàn cảnh về một đô thị đang trên đà phát triển, xứng đáng là trung tâm của miền đất đỏ Tây Nguyên.
***
Nói đến Buôn Ma Thuột không thể không nhắc đến hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đóng quân trên địa bàn thành phố.
Trường Đại học Tây Nguyên là một trường đại học vùng đa ngành. Trường đang được đầu tư lớn để tương xứng với vai trò của nó trong tương lai.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, nơi tôi đã gắn bó cả sự nghiệp, cả cuộc đời. Được thành lập một năm sau ngày Buôn Ma Thuột giải phóng, Cao đẳng Sư phạm là cái nôi đầu tiên đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học và trung học cơ sở cho gần như cả vùng cuối thập kỉ 70 và đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước.
Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, nơi chắp cánh ước mơ cho con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rồi nữa, nhiều nữa những trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khác đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Đến Buôn Ma Thuột, du khách không thể không đến thăm một địa danh độc đáo, đó là buôn Akô Dhông mà người ta quen gọi buôn Cô Thông nổi tiếng, thuộc phường Tân Lợi, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km. Trong cơn lốc đô thị hoá mà ở đây vẫn giữ được nguyên vẹn những ngôi nhà dài truyền thống cũng như những nét văn hoá đặc sắc của người Êđê bản địa. Buôn Cô Thông trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân lên Ban Mê.
Thành phố đang trên đà phát triển còn ngổn ngang những công trường dựng xây nhưng đã ngời lên những nét vẽ, những sắc màu của một bức tranh đô thị hiện đại.
Trên cái nền của bức tranh đa diện, đa sắc ấy, tôi thấy hiện lên tươi sáng gương mặt trẻ trung tràn đầy sức xuân của những chàng trai, cô gái tuổi mười chín đôi mươi. Những người trẻ ấy sinh ra và lớn lên khi đất nước đổi mới, được thừa hưởng thành quả của cách mạng, giàu tri thức, nghị lực và niềm tin.
Họ sẽ là chủ nhân mới đưa thành phố quê hương bay cao bay xa trong tương lai rạng ngời của miền đất cao nguyên huyền thoại.

Ôi! Buôn Ma Thuột, thành phố tôi yêu!