Tác giả TRẦN ÁNH NGUYỆT
NGƯỜI UY TÍN CỦA BUÔN
Đến buôn Năng, xã Ea Hồ,
huyện Krông Năng hỏi ai cũng biết nhà thương binh Y Ngô Mlô. Người thương binh ấy
không chỉ là một Trưởng Ban Mặt trận gương mẫu mà còn là một tấm gương vượt khó
vươn lên làm giàu. Mọi người vẫn gọi ông bằng cái tên trìu mến “Người uy tín của
buôn”.
Ông sinh ra và lớn lên
trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Năm 1968 ông tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu
nước, chiến đấu ở các mặt trận trên địa bàn Đắk Lắk. Trong quân ngũ, ông luôn
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội đánh giá cao. Năm 1984,
sau khi tham gia quân ngũ 15 năm, ông xuất ngũ với quân hàm đại úy và mang theo
vết thương nặng với tỷ lệ thương tật 61%.
Sau khi xuất ngũ trở về địa
phương, bắt đầu cuộc sống mới. Đối mặt với những khó khăn sau chiến tranh người
khỏe mạnh đã vất vả huống chi ông là một thương binh. Ông thầm nghĩ “Trước đây, đất nước ta phải đối mặt
với ba thứ giặc, giặc ngoại xâm
thì ông góp phần cùng đồng đội đánh đuổi chỉ còn lại giặc đói và giặc dốt muốn thắng nó phải
kiên tâm bền chí”. Những năm đó, bà con trong buôn đang rất nghèo, sản xuất
nông nghiệp còn theo kiểu “phát - đốt - chọc - tỉa”, mùa màng chủ yếu trông đợi
vào thiên nhiên, trình độ dân trí thấp nên dễ bị bọn xấu lôi kéo và kích động…
Trong đầu ông lúc nào cũng đặt ra câu hỏi: Làm sao để góp phần hoàn thành tâm
nguyện của Bác Hồ kính yêu, đó là “… nhân dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng
được học hành”. Chính điều đó đã thôi thúc ông tìm tòi, sáng tạo trong lao động trên chính mảnh đất
của quê hương mình để không còn cái
đói, cái nghèo đeo bám và vươn lên làm giàu; qua đó góp phần giúp đỡ đồng bào từng
bước nâng cao nhận thức, xóa bỏ hủ tục biết cách làm ăn, xây dựng cuộc sống ấm
no, hạnh phúc. Những đêm trở trời vết thương trên thân thể đau nhức cộng với
gánh nặng gia đình gồm cha mẹ già và các con thơ làm ông không khỏi băn khoăn. Nhưng với bản lĩnh của một
người từng trải và với trách nhiệm của một
người đảng viên, ông từng bước tìm cho mình hướng phát triển kinh tế, tìm cách
chuyển hướng sản xuất định canh, bỏ các tập quán canh tác cũ. Ông động viên các thành viên trong gia đình tận
dụng quỹ đất hoang hóa đưa vào sản xuất, trồng hoa màu và cà phê xen lẫn cây ăn
trái. Trồng hoa màu để lấy vốn phát triển cây cà phê theo kiểu “lấy ngắn nuôi
dài”. Ông mạnh dạn vay vốn xóa đói giảm nghèo
để mua sắm các máy móc phục vụ sản xuất như máy cày, máy phay, máy bơm…
Với bản chất siêng năng cần
cù, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến
nay, gia đình ông đã có 3 ha cà phê trồng xen các cây ăn quả như sầu riêng, hồ
tiêu, 05 sào lúa nước, 02 hồ nuôi cá mang lại thu nhập mỗi năm cho gia đình ông
hàng trăm triệu đồng. Khi đã có điều kiện kinh tế, với tinh thần tương trợ giúp
nhau cùng tiến bộ ông thường xuyên giúp đỡ những hộ nghèo trong buôn như cung cấp
cây giống, con giống, nước tưới, cho vay vốn không lấy lãi… Đặc biệt, ông tận
tình đến từng gia đình trong buôn để chia sẻ những kinh nghiệm trong lao động sản
xuất. Nhờ sự giúp đỡ của ông, cuộc sống của các hộ nghèo đã có nhiều chuyển biến
rõ rệt.
Không chỉ làm kinh tế giỏi.
Ông còn tích cực tham gia công tác ở địa phương, hăng hái hoạt động công tác mặt trận ở cơ sở. Trong xã có
hơn ba ngàn người theo đạo, ông là người có công lớn trong việc vận động họ sống
"tốt đời, đẹp đạo", không nghe và không làm theo kẻ xấu. Đối với những
thanh - thiếu niên chậm tiến, người lầm lỡ, ông luôn gần gũi lắng nghe những
tâm tư của họ để có cách thuyết phục và định hướng phù hợp. Để cảm hóa những
người lầm lỗi chống phá chế độ, ông không tiếc thời gian và công sức theo kiểu
“Mưa dầm thấm lâu”. Kết quả, ông đã cảm hóa được nhiều đối tượng chống đối,
thái độ ngoan cố, trở thành người tốt; nhiều thanh niên lêu lổng trước đây, bây
giờ đã
chí thú làm ăn ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Trong các cuộc gặp gỡ với bà con
trong buôn, ông tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước, qua đó, giúp người dân nêu cao cảnh giác cách mạng, không bị mắc mưu kẻ xấu,
lo làm ăn, không vi phạm pháp luật. Với những việc làm cụ thể trên, ông được bà
con tin yêu và được bình bầu “Người có uy tín”, Già làng của buôn từ nhiều năm nay.
Ông tâm sự: Đã là “Cây
sung đầu bến nước, cây đa đầu buôn” thì phải gánh vác trách nhiệm với dân với Đảng, phải làm chiếc cầu nối vững
chắc giữa ý Đảng - lòng dân, luôn
kiên tâm, bền chí trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự. Người dân ở đây ví
ông là “cây đại thụ tỏa bóng mát bình yên”, “Dòng suối đầu nguồn mát lành” cho
mọi người; góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Với những thành tích trên,
nhiều năm liền ông được tặng danh hiệu Cựu chiến binh gương mẫu, thương binh sản
xuất giỏi của huyện Krông Năng và được khen thưởng trong công tác bảo vệ an
ninh trật tự tại địa phương. Tháng 12 năm 2014, ông được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
mời dự Hội nghị gặp mặt các già làng, trưởng thôn, buôn tiêu biểu của tỉnh để
trao đổi những kinh nghiệm trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Ông là một tấm
gương bình dị mà tỏa sáng trong lòng mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI