Nhà văn - Nhà báo H'XIU HMOK - bút danh AN PHƯƠNG
(hội viên Hội VHNT Dak Lak)
BẾN NƯỚC - NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG
CỦA NGƯỜI ÊĐÊ CÓ NGUY CƠ BỊ MAI MỘT
Bến nước từ xưa đã gắn bó với đời sống
của người Êđê, là nơi họ đến tắm giặt hay lấy nước về để ăn uống. Với sự gắn bó
mật thiết ấy, hàng năm, người Êđê tổ chức lễ “cúng bến nước” để bày tỏ sự biết ơn
đối với thần linh, cầu mưa thuận gió hoà, cuộc sống ấm no cho buôn làng. Ngày
nay, ở nhiều nơi, bến nước vẫn được người dân và chính quyền địa phương gìn giữ.
Tuy nhiên, dưới tác động của đô thị hoá, nhiều bến nước đã không còn tồn tại, kéo
theo đó là sự mất dần của nghi lễ cúng bến nước ở nhiều buôn đồng bào dân tộc Êđê.
Bến nước buôn Tùng Thăng (xã Ea Ral, huyện Ea Hleo) có 2
nhánh bến nằm đối diện nhau, nước trong vắt, chảy quanh năm bất kể mùa khô hay
mùa mưa. Dù mỗi nhà đều có giếng nước nhưng hàng ngày, các bà các chị vẫn thường
xuyên ra bến nước lấy nước dùng cho việc ăn uống, còn nước giếng chỉ dùng để tắm
giặt và rửa chén bát. Đều đặn hàng ngày, bà H’Huăt Adrơng (thường gọi amí
H’Loch) lại ra bến lấy nước, đối với bà, đấy là một thói quen thường nhật.
Bến nước gắn bó với đời sống người dân trong buôn nên hàng
năm cả buôn lại họp nhau cùng chuẩn bị tổ chức lễ “cúng bến nước” để cảm tạ các
thần, cũng là một nghi thức cúng cầu sức khoẻ và cầu bình an, yên ấm cho cả buôn.
Tùy vào điều kiện kinh tế của buôn trong năm đó mà sẽ mổ bò hay heo để làm lễ cúng.
“Thường thì mỗi nhà góp khoảng 10 nghìn, nếu mà cúng heo thì mỗi
nhà góp 20 nghìn, nói chung là mọi người cùng đóng góp rồi mua các thứ về chuẩn
bị và cùng nhau tổ chức lễ cúng thôi”. Ông Y Gu Kpă (thường gọi aê Wương),
buôn trưởng buôn Tùng Thăng cho biết.
Còn ở xã Ea Tul (huyện Cư Mgar), dù không còn tổ chức lễ
cúng bến nước hàng năm, nhưng người dân vẫn gắn bó với bến nước buôn Sah B. Ở đầu
nguồn bến nước này có nhiều cây cổ thụ toả bóng xanh rì, nước luôn mát lạnh và
trong vắt. Chính quyền và nhân dân địa phương đã đóng góp tiền và ngày công trải
bê tông con đường xuống bến nước, xe máy cày cũng có thể chạy xuống đậu ngay gần
đầu bến. Người dân cho biết, mặc dù ở xã Ea Tul có nhiều bến nước nhưng mọi người
vẫn đến bến này lấy nước thường xuyên. Bến nước này có từ thời cha ông xưa được
người dân duy trì và bảo vệ cẩn thận. Ống nứa cắm vào mạch nước để làm máng dẫn.
Theo thời gian, máng nước bị cũ hay hư mục, người ta lại chặt ống mới thay vào.
Cứ như thế, mạch nước cứ tuôn tràn đầy máng, đem đến những giọt nước mát lành
cho mọi người sử dụng. Bà H’Gueh Ayun (thường gọi amí Nghip) kể: “Thời
cha ông mình ngày xưa thì có làm lễ cúng bến nước, nhưng thế hệ mình bây giờ thì
không làm nữa. Nhưng người ta vẫn đến đây lấy nước, cả người ở buôn Knia, buôn
Phơng, buôn Tría cũng đến đây lấy nước, người ta đi cả xe máy cày đến để chở nước
về sử dụng, rồi người ta còn tắm giặt ở đây nữa, bến nước ở đây nhiều người dùng
lắm”.
Bến nước buôn Ky (phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma
Thuột) được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng Buôn
Ma Thuột 10.3.2013. Nhân dịp này, chính quyền địa phương và Phòng Văn hoá Thông
tin thành phố Buôn Ma Thuột cùng phối hợp tổ chức lễ “cúng bến nước” theo truyền
thống. Đây là một tin vui đối với người dân trong buôn, nhiều thanh niên rất phấn
khởi vì lần đầu tiên được chứng kiến một lễ hội truyền thống của dân tộc. Tuy
nhiên, theo nhiều người dân chứng kiến lễ cúng nhận xét: Lễ cúng bến nước được
tổ chức ở đây không đúng theo nghi thức truyền thống mà có nhiều sự đổi mới và
pha trộn chưa thật hợp lý, kể cả trong cách tiến hành lễ và trong cách chọn địa
điểm làm lễ.
Nhưng buôn Ky vẫn còn may mắn hơn
nhiều buôn làng khác ở tỉnh Đắk Lắk bởi ở đây vẫn còn giữ được bến nước và tổ
chức được lễ cúng bến nước như hiện tại. Trong khi đó, nhiều buôn đồng bào Êđê
khác, chẳng hạn như 3 buôn ở xã Hoà Xuân (thành phố Buôn Ma Thuột) thì hoàn toàn
không còn bến nước, do đó “lễ cúng bến nước” - cũng không còn . Ông Y Khiêm Êban,
Chủ tịch Hội đồng già làng xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết: “Bến
cũ dọc theo suối Ea Tam ô nhiễm quá nhiều rồi. Hơn chục năm nay bà con không dùng
nữa. Hầu hết bà con bây giờ đang dùng nước máy. Cách đây mấy năm chúng tôi cũng
đã có ý xin cấp trên hỗ trợ xây dựng lại bến nước để bà con có nơi sinh hoạt
mang tính truyền thống của mình”.
Ở một số buôn làng trong tỉnh Đắk Lắk, ngành chức năng và
chính quyền địa phương đã tiến hành đầu tư khôi phục bến nước và tổ chức lễ cúng
bến nước cho bà con, nhưng con số này còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân một phần là
do tác động của đô thị hoá, một số nơi người dân đã bỏ hẳn thói quen sử dụng nước
ở bến nước trong các sinh hoạt hàng ngày, thay vào đó họ dùng nước giếng, nước
máy vừa tiện lại vừa đảm bảo vệ sinh. Mặt khác, do môi trường thiên nhiên bị tác
động, các bến nước không còn giữ được mạch nước ngầm hay rừng đầu nguồn, diện tích
đất bao quanh bến nước cũng bị người dân lấn chiếm nên hầu như bến nước đã bị
phá bỏ hay bị chuyển sang sử dụng với mục đích khác.
Bến nước không chỉ gắn bó với sinh hoạt của người Êđê mà
nghi lễ cúng bến nước cũng là một nét văn hoá đẹp truyền thống của dân tộc Êđê.
Dù hiện nay, nhiều nơi người dân đã có nguồn nước khác dùng trong sinh hoạt hàng
ngày, nhưng dưới góc độ văn hoá, việc duy trì bến nước và lễ cúng bến nước là cần
thiết để góp phần bảo tồn văn hoá và bản sắc dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI